Monday, September 17, 2012

Những mùa Xuân bảo lửa


1. Đông Hà, Lam Sơn 719.

M41A3 of 1st Armor Brigade advance during Lam Son 719
Quê Hương - Hoàng Giác
Bích Hồng Hà Thanh

Tội trở lại Đông Hà ngay sau khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 vừa kết thúc. Thành phố cuối cùng của vùng địa đầu giới tuyến này đang oằn mình dưới nhhững cơn gió Lào khốc liệt. Ngọn gió hừng hực lửa bốc những hạt cát nóng bỏng ném vào người gây cảm giác bỏng rát. "Nắng lửa, mưa dầu", thật không một thành ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ hơn cái điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền đất nghèo đói và lắm tai ương này. Nhưng cũng từ vùng đất này mà người dân Quảng Trị đã sinh ra, cần cù gian khổ, đấu tranh với thiên nhiên, vươn lên từ nghèo khó để thành người…


Đông Hà, Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch Lam Sơn 719, là một giao điểm chiến lược quan trọng của vùng cực Bắc Việt Nam Cộng Hòa, là một trong những ngả ba của Tổ Quốc, nối liền Lào Việt. Dọc theo Quốc Lộ 9 đi về hướng Tây là Cam Lộ, Cùa, Khe Sanh, Lao Bảo rồi biên giới Lào Việt. Cam Lộ nổi danh trong lịch sử với chiến khu Tân Sở. Có lẽ đây là chiến khu đầu tiên trong lịch sử kháng Pháp khi nhà vua trẻ yêu nước Hàm Nghi từ bỏ ngai vàng bôn tẩu về đây thảo hịch Cần Vương.

Tôi dừng lại ở một cột mốc cây số lổ chổ vết đạn ở bên đưòng. Dưới dấu đạn là hàng chữ nửa còn nửa mất mang tên một địa danh: Savanakhet. Cái tên nghe thật gần gũi thân quen với dân địa phương như là một làng bản nào đó của Việt Nam. Không có gì thay đổi mấy kể từ khi người Pháp rời khỏi Việt Nam: Cách chừng 40 dặm về phía Tây là một cổng chắn đơn sơ phân chia Lào - Việt và Savnakhet là thị trấn lớn đầu tiên nằm phía bên kia phần đất vương quốc Lào. Tôi đứng đây, giữa núi rừng hoang mang, chung quanh là biển lửa. Những cơn lốc điêu tàn đã thổi qua những làng mạc, những ruộng lúa, bờ tre của quê hương trong suốt bao nhiêu năm qua để lại những vết thương cháy nám.

Tôi ngồi lên trụ đá, cố quên đi hình ảnh của một Đông Hà tang tóc sau Lam Sơn 719. Thành phố trắng khăn tang. Những mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha, hậu quả từ những toan tính bất lương của những con buôn chiến tranh nấp dưới những chiêu bài hoa mỹ. "Anh vào đó ‘đái’ một cái rồi ra ngay.” Đó là lệnh xuất quân chiến dịch Lam Sơn 719 của Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội, Nguyễn Văn Thiệu (*). Cái ‘đái’ lịch sử này đã nuốt trọn cả chục ngàn người lính Việt Nam. Không còn ai nghe thấy nữa những tiếng rên la vang rừng dậy núi của những thương binh nhẹ đã bị bỏ rơi lại trên những cánh rừng thăm thẳm của dảy Trường Sơn. Nước mắt đã chảy thành sông biển…

Khi tiếng nói của Tổng Thống Thiệu vang lên trên các Đài Phát Thanh Sài Gòn và Quân Đội loan báo cuộc tiến quân, mở màn chiến dịch Lam Sơn 719 thì hàng đoàn chiến xa của Lữ Đoàn I Thiết Kỵ đã tung bụi mù trời, cùng với các đơn vị của binh chủng bạn ào ạt tiến vào Hạ Lào. Người lính bộ binh Việt Nam muôn đời vẫn là hình ảnh của người chinh phu trong Hòn Vọng Phu của Lê Thương. "Lệnh vua. Hành quân. Trống kêu dồn. Quan với quân lên đường…” Hồi trống lệnh thúc quân đã điểm. Người lính lên đường dựa lưng vào nổi chết, để lại không biết bao nhiêu những nàng Tô Thị hoá đá trông chờ.

Lam Sơn 719 đang bước vào giai đoạn kết thúc. Sau gần một tháng trời quần thảo trước ngưởng cửa Hạ Lào, Tiểu Đoàn 3/2 của Sư Đoàn I được giao nhiệm vụ tiến chiếm thị trấn Tchépone, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Không hổ danh là một đơn vị bộ binh ưu tú, Tiểu Đoàn 3/2 đã vượt qua lưới lửa –trên một chiến trường do Bắc quân chọn lựa- xông thẳng vào chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng này không mấy khó khăn. Nhưng ở những nơi khác tình hình không diễn ra tốt đẹp như thế. Trên chiếc trực thăng chỉ huy bám sát chiến trường, Đại Tá Vũ Văn Giai Tư lệnh phó Sư Đoàn I kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương đã quay quắt trước những tin dữ bay đến tới tấp.

Tổn thất. Mất liên lạc. Những đứa con ưu tú của ông đã lần lượt bị loại ra khỏi chiến trường. Nổi tiếng là một vị chỉ huy rất thương yêu binh sĩ thuộc quyền, Đại Tá Giai không phải là loại người lấy xương máu của binh sĩ để xây đắp danh vọng cho cá nhân mình -nhất tướng công thành vạn cốt khô. Nhiều huyền thoại về ông đã được truyền tụng trong hàng ngũ binh sĩ của Sư Đoàn rằng ông là một tín đồ Thông thiên học có trình độ tu chứng -với khả năng biết trước sự thành công hay thất bại của một cuộc hành quân, do đó ông không bao giờ chịu xua binh sĩ của mình đi vào chỗ chết. Dĩ nhiên, ông không hài lòng mấy với "chiến dịch thí quân" Lam Sơn 719 nằm trong kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh và những đổi chác trên bàn hội nghị. Nhưng lệnh là lệnh. Những con chốt đã sang sông trong một ván cờ lịch sử…

Trong tiếng bom đạn gào thét làm rung chuyển từng thước đất của Hạ Lào, Tiểu Đoàn 3/2 đã xây dựng xong vị trí phòng thủ vững chắc tại Tchépone. Cũng như Bộ chỉ huy tiền phương, lúc này Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn cũng đã nhận được những tin tức bi đát từ chiến trường. Một số đơn vị bạn ở trong vùng đã hoàn toàn mất liên lạc. Sau 48 giờ chiếm giữ Tchépone, Tiểu Đoàn 3/2 nhận được lệnh triệt thoái. Nhưng triệt thoái như thế nào đây?

Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh chiến dịch, sau này được biết là đã đơn phương cho lệnh rút lui mà không thông báo cho phía Mỹ biết làm các tướng lãnh Mỹ rất bất bình nên đã không yểm trợ. Rút lui theo lệnh hay ở lại cố thủ? Đây là một câu hỏi lớn liên quan đến vấn đề sống chết của toàn đơn vị. Rút lui khi mọi cánh cửa ra khỏi Hạ Lào đều đã bị khoá chặt bởi 3 sư đoàn Bắc quân, là chấp nhận trở thành bầy thú bị săn đuổi, là chắc chắn sẽ bỏ xác tại rừng già. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn cuối cùng đã đi đến quyết định. Ở lại và tử thủ tại Tchépone. Ở lại để chiến đấu và để chết như những người lính, mặt đối mặt với kẻ thù chứ không thể chấp nhận trở thành thân phận của những con thú bị săn đuổi. Và một điều chắc chắn, Bắc quân cũng sẽ phải trá một giá rất đắt mới hy vọng xóa tên được Tiểu Đoàn ưu tú dày dặn kinh nghiệm chiến trường này…

Những người lính của Tiểu Đoàn 3/2 sau này đã kể lại một câu chuyện làm đậm nét thêm một huyền thoại về ĐT Vũ Văn Giai. Người ta nói rằng lúc đó ở trên độ cao an toàn của chiếc trực thăng thị sát chiến trường, trong đầu óc của ĐT Giai là một cơn bảo lửa. Phải làm sao nhanh chóng bốc những"đứa con" của ông ra khỏi vùng lửa đạn. Càng nhanh càng tốt. Cứu binh như cứu hỏa. Một phút chậm trễ là tiêu ma hàng ngàn sinh mạng binh sĩ thuộc quyền. ĐT Giai đã cố gắng kềm hảm cơn giận như muốn nổ bùng ra bất cứ lúc nào đối với những kẻ chủ chốt trong chiến dịch đem con bỏ chợ này. Đối diện với ông, vị Tướng cố vấn yểm trợ Không Vận Mỹ cũng yên lặng dương mắt nhìn ông dò hỏi. Trước đó, ĐT Giai đã nhiều lần yêu cầu phía Mỹ cho trực thăng vào tiếp cứu cuộc triệt thoái này, nhưng những lời yêu cầu của ông đều bị từ chối khéo với nhiều lý do. Cũng đúng thôi, phía Mỹ đâu có hề được thông báo về cuộc rút lui này, họ đâu có muốn mang trực thăng của mình vào đây để làm mồi cho phòng không địch…

Lúc này thì ĐT Giai không còn chịu đựng được nữa. Ông rút súng ra khỏi bao chỉa thẳng vào vị tướng cố vấn:
- Đây là lệnh: Tôi yêu cầu ông huy động toàn bộ trực thăng mà ông có đem vào đây mang lính của tôi về. Nếu không, ‘you’ và tôi mỗi đứa chia nhau một viên đạn này. Nghe rõ?
Trước sự kiện bất ngờ này, vị Tướng cố vấn biết rằng đây không phải là chuyện đùa. Thế là lệnh được ban hành cấp tốc. Và rồi hàng đơàn trực thăng Mỹ như bầy ong lìa tổ cất cánh ào ạt bay về phía Tây. Dĩ nhiên một trong những đơn vị mà ĐT Giai còn liên lạc được trong lúc này là Tiểu Đoàn 3/2 lúc đó đang củng cố vị trí phòng thủ tại Tchépone. Bắc quân vẫn đang còn quần thảo với các đơn vị khác của QLVNCH trong rừng núi Hạ Lào nên chưa rãnh tay đối phó với Tchépone. Thế là an ninh bải đáp được thực hiện nhanh chóng. Và rồi những giọt nước mắt mừng vui ứa ra trên những khuôn mặt cháy nắng của người lính bộ binh Tiểu Đoàn 3/2 khi những chấm đen đầu tiên của đoàn trực thăng Mỹ xuất hiện trên bầu trời Tchépone.

Nhờ một quyết định đúng đắn vào buổi đầu mà toàn bộ Tiểu Đoàn đã được cứu sống. Một tiểu Đoàn với gần 500 sinh mạng. Đây là những con người chứ không phải là những con số trong một bài toán cộng trừ. Những con người rất thực với những tình cảm vui buồn - hờn giận – thương yêu –hy vọng. Những con người với những buộc ràng tình cảm yêu thương cha con, chồng vợ, nước mắt, nụ cười… Con số này không phải là nhỏ.

Đã đi qua một mùa hè đỏ lửa. Màu hoa phượng vẫn nở đỏ trong khung trời trí nhớ. Và một nơi nào đó của miền Trung nghèo khó, cơn gió Lào khốc liệt vẫn thổi lên từng cơn bảo lửa.

2. GIO LINH, - Xuân 72.

Bunker at Gio Linh
Ngày Về - Hoàng Giác - Anh Ngọc Cách Đông Hà khoảng mười dặm về phía Bắc theo Quốc Lộ I là quận Gio Linh. Đi thêm khoảng chừng 12 dặm nữa là con sông Bến Hải chia đôi bờ đất nước. Địa danh này đã từng nổi danh trong thời kháng chiến chống Pháp qua một bản nhạc bất hủ của Phạm Duy: "Bà Mẹ Gio Linh". Bà Mẹ Gio Linh vẫn là hình tượng muôn đời của những bà mẹ Việt Nam trong truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm. Khi nghe tin đứa con thân yêu duy nhất của mình bị giặc bắt, đem đi chặt đầu giữa chợ, đã lẵng lặng:

"… không nói một câu,
Mang khăn gói đi lấy đầu…”

Trong bóng chiều hấp hối trên đường trở về ngôi làng đang bốc cháy, một mình bước thấp bước cao, ôm bên hông là chiếc rổ chứa đầu con, tôi biết người mẹ đó đã không còn nước mắt trước một đau thương quá lớn. Những bà mẹ Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh dai dẳng vừa qua đã không còn nước mắt…

Gio Linh trước khi chiến tranh ập đến là một vùng đất trù phú với những thổ sản nổi tiếng: chè tươi, sắn cơm, mít, thơm, tắt,… Hàng ngày sớm chiều hai buổi, những bà mẹ Gio Linh với gánh hàng kẽo kẹt trên vai đè nặng xuống đôi chân trần, chạy việt dã trên con đường cát bỏng –cát mùa hè nóng đên độ có thể làm chín hột gà. Như thế đó, những bà mẹ Quảng Trị, những bà mẹ Gio Linh với bàn chân trần chạy băng băng qua biển lửa để tiếp tục nuôi lớn những đàn con biết hy sinh cho đại nghĩa, nếu cần.

Khi tôi về thăm lại Gio Linh đầu xuân năm 72 thì Gio Linh đã điêu tàn lắm rồi. Cũng trên những chiếc quang gánh ngày xưa đó, bây giờ một đầu là đứa con thơ, bên kia là một thứ gia tài còm cõi, sứt mẻ, những gì còn sót lại nhặt nhạnh được sau một cuộc chiến kéo dài đăng đẳng ngót một phần tư thế kỷ. Người dân Gio Linh đang bồng bế dìu dắt nhau chạy ra khỏi vùng lửa đạn. Gio Linh bây giờ không còn được biết đến với cái tên đích thực của mình, mà trở thành những căn cứ chiến lược: A1, A2, Cồn Tiên, … vùng đất trách nhiệm của Thuỷ Quân Lục Chiến HK và Chiến Đoàn A TQLC Việt Nam.

Cồn Tiên với những cánh rừng sim bạt ngàn nay đã bật gốc thành những ngọn đồ trơ trọi dưới những cơn mưa pháo. Giòng suối nhỏ trong veo mà ngày xưa những nàng tiên còn lưu luyến trần gian một thời về đây tắm suối –nên mới có tên gọi là Cồn Tiên- nay cũng đã cạn khô. Trần gian từ lâu đã không còn là mảnh đất dung thân của những nàng tiên. Đã hết rồi những mùa hoa sim nở, những đồi sim mênh mang của Hữu Loan trong "Màu Tím Hoa Sim"… Cửa thiên đàng đã mờ mịt rêu phong. Quê hương ca dao với những mối tình đôn hậu:

Đói lòng ăn nửa trái sim;
Uống lưng bát nước đi tìm người thương…

nay đã hoàn toàn mất dấu. Ngôi miếu nhỏ tương truyền ngày xưa thờ một chiếc vỏ trấu của một hạt lúa lớn hàng trăm người ăn không hết nay cũng đã đổ nát tan hoang bên dòng suối khô cạn.

Và Quảng Trị, quê hương của những rừng mai, như tên gọi của một ngọn núi với những mùa Xuân rực rỡ mai vàng -Mai Lĩnh- mùa Xuân năm 1972, mai Quảng Trị đã không buồn nở nữa. Một không khí âm u, rờn rợn, báo hiệu tai ương, chết chóc: MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972. Dọc theo “Đại Lộ Kinh Hoàng", dân Quảng Trị ùn ùn đổ về Nam chạy loạn, máu thịt tung vải dưới những cơn mưa pháo của Bắc quân. Những đồi cát trắng tinh dọc theo Quốc Lộ I đã ngả sang màu đỏ úa. Những trẻ thơ bò quanh quẩn trên những tử thi lạnh cóng của ngưòi mẹ hiền tìm dòng sữa ngọt, nhưng dòng sữa cũng đã cạn khô. Nắng tháng Tư lạnh lùng đổ lửa xuống những xác người lớn, trẻ con nằm nghiêng ngữa bên nhau. Cái chết không hề biết phân biệt một ai.

3. Người Ở Lại Bastogne Trong một quán cóc nhỏ ở bên bờ sông Hương, tôi ngồi với dăm ba người bạn. Nói về những người sống và kẻ chết, những người ở "bên này" và "bên kia". Tên của một người bạn cũ được nhắc đến: Bùi Đăng Lũy, người vừa nằm xuống ở Bastogne. Bastogne, một cái tên nghe lạ hoắc. Hỏi ra mới biết đây là tên của ngọn Phú Xuân, một cao điểm trấn ngự Tây Nam thành phố Huế, vùng đất thư hùng giữa Sư Đoàn I BB và Sư Đoàn Sao Vàng Bắc Việt trong mấy tháng qua. Trấn giữ đỉnh Bastogne là môt Đại Đội của Tiểu Đoàn 1/1 mà Đại Đội Trưởng là Bùi Đăng Lũy. Lũy và tôi hồi nhỏ ở gần nhau trên một con đường dọc theo bờ sông An Cựu khi tôi về Huế trọ học. Biết nhau từ hồi Trung học nhưng không mấy thân, thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau cà-phê-cà-pháo ở cái quán cà-phê trên bờ An Cựu trước nhà Lũy. Hồi đó thật tình tôi không thích dân "kẻ chợ" nhất là những anh mà chúng tôi liệt vào loại công tử Playboy.

Chúng tôi chỉ bắt đầu thân với nhau khi vào Sài Gòn ở trọ chung nhà gần khu vực chợ Ông Tạ, học năm đầu của Đại Học Văn Khoa. Hàng ngày hai đứa cùng đèo nhau đến trường bằng chiếc xe đạp đua đàn ông của Lũy. Con đường Lê Văn Duyệt gần chợ Ông Tạ hồi đó là con đường hay bị kẹt xe nhất của thành phố Sài Gòn, nhất là vào giờ cao điểm. Trong nhũng lúc này thì chiếc xe đạp của Lũy là một phương tiện di chuyển lợi hại nhất. Những lúc kẹt xe, Lũy như một lực sĩ cử tạ, nâng chiếc xe đạp lên đầu, len lách qua đám người xe chật như nêm cối, qua khỏi chỗ này lại để xe xuống tiếp tục phóng đi. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao Lũy lại đi mua chiếc xe đạp này, dù rằng Lũy là con nhà giàu, đủ khả năng để mua xe gắn máy.

Học khoảng nửa năm Dự Bị thì Lũy bỏ học tình nguyện vào Thủ Đức. Chiếc xe của Lũy được chuyền tay cho tôi và sau này tôi lại chuyền tay cho một bạn bè nào đó, không còn nhớ. Rồi tôi vào Sư Phạm, ra trường, về một tỉnh ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Lũy tốt nghiệp Thủ Đức, chọn trở về quê hương, SĐIBB. Rất lâu, chúng tôi mỗi người một ngả, không còn liên lạc với nhau, nhưng qua bạn bè chung, tôi biết Lũy bây giờ là Trung úy Đại Đội Trưởng, đang chỉ huy một đại đội trấn giữ đỉnh Bastogne.

Lệnh của Tướng Ngô Quang Trưởng: Giữ Bastogne bằng mọi giá. Quyết tâm của Bắc quân: Phải nhổ đi cái gai sắc cạnh này. Bastogne trở thành nơi thử lửa của hai kỳ phùng địch thủ. Để thanh toán Bastogne, một Trung đoàn của Sư Đoàn Sao Vàng BV đã được tung vào trận chiến để nhanh chóng giải quyết mục tiêu. Với chiến thuật tiền pháo hậu xung cổ điển, Bắc quân ồ ạt tiến lên đồi ngay sau khi đợt pháo đầu tiên vừa chấm dứt. Tiếng kèn thúc quân, tiếng hô xung phong lẫn trong tiếng đại pháo vang rền của cả hai bên. Dưới ánh sáng hoả châu, Bastogne như bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc của khói súng. Lưng chừng đồi là một rừng cây đang chuyển động nhấp nhô. Không! Đó là cả một biển người với những tiếng thét man dại: "Hàng sống! Chống chết! Hàng sống! Chống chết!"

Lũy nói với người Thiếu Úy Đại Đội Phó:
- Tụi nó coi bộ mang cả trung đoàn lại định xơi tái mình đây. Một chọi mười cũng được mà. Ăn nhằm gì!

Đợt xung phong đầu tiên của Bắc quân đã bị chận lại ngay lưng chừng đồi trước dàn lưới lửa cùng với quyết tâm của những người lính bộ binh Sư Đoàn I -đại đội Bùi Đăng Lũy. Chiến trường bỗng trở nên yên lặng một cách đáng ngại. Không khí ngột ngạt, đe dọa. Lũy biết là địch đang củng cố hàng ngũ chuẩn bị cho một trận tấn công mới. Đây rồi, cơn địa chấn lại mở màn. Hàng ngàn trái pháo mở đầu cho đợt xưng phong thứ hai của Bắc quân rung chuyển đỉnh Bastogne như muốn san bằng cứ điểm này thành bình địa. Lại những tiếng kèn xung trận, lại "Hàng sống! Chống chết!" và những đầu người lố nhố dưới ánh sáng hỏa châu.

Tiếng người hiệu thính viên báo cáo tổn thất. Trên 30 thương vong trong đợt pháo vừa qua. Lũy ra lệnh cho người hạ sĩ quan truyền tin cho di tản thương binh ra khỏi chiến trường, thương binh nhẹ cõng thương binh nặng.

Xong, Lũy lên tiếng, như nói với mình:
  • Mẹ kiếp. Tụi nó coi bộ mập địa. Tố kỹ quá. Chơi toàn pháo lớn không hà, không có cái nào lép cả!
Một lần nữa Bắc quân lại bị chận đứng trước ngưởng cửa phòng thủ. Nhưng Lũy đã thấy rõ âm mưu của đối phương. Bắc quân đang cố gắng dồn toàn lực tập trung mủi nhọn về phía mình để chọc thủng tuyến phòng ngự, tấn công dứt điểm trong đợt xung phong cuối cùng.
Mặt trận lại trở nên yên tỉnh ngột ngạt trước khi báo hiệu một cơn giông bảo mới.

Tiếng báo cáo vang lên trong máy truyền tin từ các trung đội cho biết các đứa con sắp “hết kẹo”.

Lũy quyết định nhanh như một làn chớp, gọi người Thiếu Úy ĐĐP:
  • Mang cây đại liên phía bên ông qua cho tôi. Lựu đạn nữa. Còn bao nhiêu gom hết lại đây. Xong ông dẫn mấy đứa con “chém vè”. Tôi ở lại đây cầm chân chúng cho ông rút. Nghe rõ?
Một phút nấn ná, giọng người Đại Đội Phó mang âm hưởng nước mắt:
  • "Moa" ở lại với "toa".
  • Ê. Tôi là Đại Đội Trưởng, đừng có giỡn mặt nghe bạn. Đi đi. Lẹ lên. Lo cho mấy đứa con về đến nơi đến chốn. Gởi lời chào từ biệt bà xã "moa".


Quay qua người hạ sĩ quan truyền tin trẻ:
  • Trình với thẩm quyền trong vòng 30 phút nữa, Bastogne sẽ là vùng oanh kích tự do. Xong. Bắt đầu từ đây tôi cũng đếch cần chú nữa. Dzọt lẹ đi. Nên nhớ là chú chỉ có khoảng 30 phút để ra khỏi nơi đây nếu không muốn bị napalm nướng thành con heo quay đấy.
Không ai chứng kiến được trận thư hùng cuối cùng giữa một Bùi Đăng Lũy với một Trung đoàn quân đội chính quy Bắc Việt như thế nào, chỉ biết là hai hôm sau, khi một đơn vị khác của SĐIBB tái chiếm Bastogne, giữa một chiến trường còn nồng nặc mùi tử khí, giữa những thây người vương vải, thịt xương tung toé, xác của Bùi Đăng Lũy vẫn còn nằm đó, trên công sự phòng thủ, với hàng trăm dấu đạn trên người. Bắc quân đã phẫn nộ và rửa hận bằng cách trút vào xác chết Lũy hàng loạt những viên đạn căm thù.

Dù nhìn dưới góc cạnh nào đi nữa, khi quyết định một mình ở lại Bastogne chận địch cho đồng đội rút lui, Lũy đã là một anh hùng. Lựa chọn cho mình một cái chết, nhất là chết cho kẻ khác là một hành động dũng cảm. Dĩ nhiên Lũy cũng có gia đình, có vợ con như bao nhiêu người khác -vợ đẹp con ngoan là đằng khác. Nhưng trước cả trăm binh sĩ thuộc quyền, họ cũng có nhữngmái ấm gia đình như Lũy. Họ cũng có quyền được sống. Với trách nhiệm và tư cách của một người lãnh đạo, và với dũng khí phương Đông, Lũy đã chọn lựa ở lại làm một Kiều Phong có thực, nhất kiếm trấn ải trên đỉnh Bastogne.

Tôi giã từ Huế sau một đêm say ngất ngưởng. Tôi muốn quên đi tất cả. Những bạn bè còn mất. Những mùa hè đỏ lửa. Những Đại Lộ Kinh Hoàng. Những tiếng thét trong rừng sâu Hạ Lào. Những hàng phượng đỏ ối dọc theo bờ sông Hương. Những Đông Hà – Gio Linh -Quảng Trị. Tà áo dài của ai đó quấn quít trong nắng chiều… Quê hương của tuổi thơ tôi, khốn khổ… Tất cả.

Khi chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam rời phi trường Phú Bài, tôi cố nhìn lại một lần nữa mảnh đất nghèo miền Trung qua khung cửa kính. Một vùng đất bất hạnh. Đầy đau thương nhưng cũng lắm tự hào. Tôi nghĩ thầm rồi mình sẽ về sống chết trên mảnh đất nghèo khó này, một ngày không xa. Máy bay đã chuyển dần cao độ hướng ra biển, bỏ lại đằng sau những núi đồi nhấp nhô. Trong những đỉnh núi quạnh hiu đó, có một ngọn mang tên Phú Xuân.

4. Gió Thoảng Đồi Đông Hay Đồi Tây…


Sáng nay một con chim nào đó cất tiếng hót quen thuộc ở khu vườn sau nhà. Tôi thức giấc ngỡ ngàng tưởng như nghe lại tiếng chim hót trong khu vườn xưa. Thực hay mơ, không biết! Chỉ có một điều tôi biết chắc là mình đang cách xa quê hương đến nửa vòng trái đất và khu vườn tuổi thơ nay đã hoàn toàn mất dấu. Khu vườn mà một buổi sáng đầy nắng ấm, nằm trên bộ ván ngựa nhìn ra cửa sổ, tôi có thể trông thấy những chồi non xanh mướt của bắp, của đậu nhú lên sau cơn mưa đầu mùa. Một màu xanh tinh khôi tràn đầy sức sống. Đã bao nhiêu lần tôi tìm cách thỏa hiệp với quá khứ, rằng hãy ngủ yên đi đừng bao giờ thức giấc nữa, rằng khu vườn tuổi thơ chỉ là chuyện hoang đường trong cổ tích. Thế nhưng mỗi khi nghe tiếng sấm đầu mùa mưa, hay như tiếng chim hót sáng nay, ở một góc tận cùng nào đó của trái tim tôi vẫn nổi lên từng cơn bảo lửa. Một cơn bảo với đầy đủ những âm thanh và mùi hương, những lời thơ và nốt nhạc, và tà áo trắng xôn xao trong gió chiều.

Gió thoảng đồi đông hay đồi tây
Ta long đong theo bóng chim gầy… (**)

Xin gởi lời tạ lỗi với tà áo trắng em, với tuổi thơ và Quảng Trị. Tôi đã không thể trở về như đã hứa khi mãi còn "long đong theo bóng chim gầy…".

Nguyên Anh


(*) Xem “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” của Nguyễn Tiến Hưng.
(**) Hình như là một câu thơ của Phạm Công Thiện của thập niên 60

www.canhthep.com/

No comments:

Post a Comment