Thursday, June 12, 2014

Thiên Hà...Xa Dấu Ngựa Hồng _T/g Lý Thụy Ý



-Có gì đâu… Chỉ là hoài niệm thôi mà…

Ánh mắt xa xăm, Thiên Hà nhỏ giọng khi tôi hỏi vì sao anh chọn “Xa dấu ngựa hồng”cho thi phẩm mang dấu ấn 70 của mình…

Hoài niệm. Tôi hiểu. Luôn là thế! Anh, cũng như tôi. Chúng tôi. Một thời Sài Gòn. Yêu-sống-chứng kiến bao thăng trầm!


Làm sao quên những tháng năm tuổi trẻ? Đẹp quá chừng! Dù khó khăn, gai góc… Nhiệt huyết và khát vọng. Làm sao thờ ơ với những viên gạch đầu tiên làm nền cuộc sống ? Nhớ. Để thấy sự tồn tại của mình ý nghĩa hơn…

Thuở anh bước vào hành trình bút mực, tôi hãy còn là cô nữ sinh 16 mê thơ Nhất Tuấn, Nguyên Sa. Khi con bé tóc demi-garcon thích hippy và mini-jupe góp mặt với đời những bài thơ, bắt đầu ghi dấu ấn với Lính Mà Em thì qua những bài thơ Nhớ Nhau Hoài; Gió Về Miền Xuôi; Xa Dấu Ngựa Hồng được nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu phổ nhạc, tên tuổi Thiên Hà đã nổi như cồn.

Trước và nhất là sau 1975, rất nhiều người nghe tên, biết tiếng Thiên Hà qua những truyện dài tình cảm, phóng sự ấn tượng hay những bài báo “nặng ký”. Nhưng điều mà không phải ai cũng biết là một Thiên Hà thi sĩ.

Sau 30 năm ẩn mình lặng lẽ gìn giữ nàng Thơ giữa muôn vàn sóng gió cuộc đời, một ngày Thiên Hà làm nhiều người ngỡ ngàng khi cho ra đời những đứa con tinh thần như đã thai nghén từ ngàn kiếp… Thơ là nơi anh gởi gắm trọn vẹn suy tư và ý nghĩa cuộc sống, là nơi ẩn trú tuyệt vời cho trái tim đa đoan, đa tài và rất… đa tình của thi nhân.

Thơ Thiên Hà đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi yêu lời thủ thỉ trìu mến “…Mai lỡ không về chắc em buồn biết mấy”, da diết và dễ thương làm sao…

Tôi đặc biệt thích cách dùng chữ của anh. Có những bài thơ đọc một lần không thể quên…

“Phố núi sương giăng chiều trắng tóc

Biển hồ thao thức trắng đêm nay

Pleiku nửa xó đời pha lạnh

Giọt đắng em tràn say đắm say



Phố núi có thương đời lữ thứ

Sao không cạn chén cùng ta say

Pleiku nửa xó đời pha lạnh

Giọt đắng em tràn cay đắng cay!”

Từ “giọt đắng em tràn say đắm say” cho đến “giọt đắng em tràn cay đắng cay” thì quả là… chỉ có ở “thương hiệu” Thiên Hà!

Trong Tình Bút Mực ta tìm thấy một Thiên Hà khác:

“Hãy cho đi

Coi như ta đã nhận

Chút ân tình vay mượn thế nhân

Hãy cho đi

Coi như ta đã trả

Một phần đời trong cuộc sống gian truân…

Và trong 69 Thiên Hà:

Có thể

Hay là không có thể

Mà ta phải sống bên nhau

Hơn một phần ba thế kỷ

Quá dài

So với đời người hữu hạn

Để nhận ra nhau

Những điều tồi tệ nao lòng…”

Cám ơn Thiên Hà đã viết những vần thơ như thế. Cám ơn định mệnh đã trao vào người tài hoa gánh nặng Thi ca. Để những đóa hoa Thơ long lanh nở suốt hành trình bút mực của một người hầu như quên gánh nặng thời gian…

Trong thi phẩm ghi dấu ấn 70, Thiên Hà gởi đến người yêu thơ nhiều thú vị . Bộc bạch chân thành hạnh phúc lẫn đắng cay của năm mươi năm mang nghiệp văn chương. Có ẩn dấu và trần trụi. Đôi chút dối gian để đẹp lòng nhau. “ Mỗi người một kiểu long đong” nhưng người con Bải bồi U Minh chơn chất vẫn giữ tâm không chao đảo giữa thị phi, dù chẳng dễ dàng gì!

Người cũng như thơ, trẻ trung, lôi cuốn. Những Vần Điệu Thiên Hà ru người đọc vào một cõi riêng. Xót xa trăn trở mà chan chứa bao dung. Thiên Hà viết như thở, như sống. Anh không sống cho riêng mình mà đưa cả những thuyền Thơ của bạn hữu về cùng một bến - Bến Tâm Hồn!

Thiên Hà tài hoa nhiều người biết. Tôi thích “chất thi sĩ” trong anh hơn. Ở đó có Lão Ngoan Đồng “ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút”. Cũng có một Chúa đảo Đào Hoa bản lĩnh phi thường.



Sài Gòn tháng 7- 2011

 ***

XA DẤU NGỰA HỒNG

Nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc

Một mai anh đưa em về
Chiều nghiêng bóng xế lên cao
Đàn chim xa khu rừng cũ
Đường trăng hoa nắng lao xao
Mây buông xuôi tóc rũ
Ngẩn ngơ cỏ hoa trước ngõ
Bàn tay thon thon ngón nhỏ
Dìu em qua lũng qua truông
Một mai anh đưa em về
Nửa đêm thức giấc chim bao
Lời ca dao trên môi mẹ
Buồn xa tao võng đong đưa
Xin cho em giấc ngủ
Bình yên có cha có mẹ
Chiều lên xôn xao tiếng trẻ
Rộn ràng tiếng khóc trong nôi
Mai đây tiễn đưa em
Đường xưa xa dấu ngựa hồng
Tình xưa tỉnh giấc rượu nồng
Xin kỷ niệm làm hoa dưới bước chân đi
Xin kỷ niệm làm hoa nến thắp trên mi
Một mai anh đưa em về
Triều lên con nước trôi mau
Đàn chim xa khu rừng cũ
Buồn xưa mưa lũ lao xao
Xin cho em giấc ngủ
Bình yên có anh có chị
Gọi tên nhau trong an nghỉ
Tạ từ nghe gió lên cao.

1970
***

THIÊN HÀ

Người Cầm Viết Ngẩn Ngơ
Giữa Trường Văn Trận Bút

Tên thật: Dương Cao Thâm

Nguyên quán: Đầm Dơi - Cà Mau

Làm thơ, viết văn, viết báo tại Sài Gòn từ năm 1960

Thời chiến tranh: làm thơ, viết văn phản chiến, cùng phong trào SVHS đô thị miền Nam đấu tranh phản đối chế độ Sài Gòn, chống bắt lính. Có chân trong Hội Ái hữu ký giả (1963), Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt - thuộc Liên đoàn ký giả Quốc tế (1964); Hội Văn bút (PEN 1965)

Thời hòa bình: làm báo Tuổi Trẻ, viết báo Công An TP.HCM đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, kinh tế, tệ nạn xã hội, chống tiêu cực lãng phí tham ô.

Hội viên Hội nhà báo Việt Nam - Giải A báo chí toàn quốc (2000) - Huy chương vì sự nghiệp Báo chí.

Thời hội nhập: tiếp tục làm thơ, viết văn bắc cầu cho cuộc sống. Chủ trương biên tập xuất bản tủ sách Bến Tâm Hồn - một thời vang bóng.

Tác phẩm tiêu biểu:

Thơ: Tiếng Hờn (1963); Tiếng Hát Quê Hương (1968); Gió Về Miền Xuôi (2004); Huyền Thoại Tình Yêu (2006); Nhớ Nhau Hoài (2007); Còn Thương Mãi Thương (2007); Cõi Trú (2009)

Văn: Mình Nỡ Sao Quên (Giải truyện ngắn báo Tiếng Chuông đợt VI 1962); Khoảng Tối Sau Lưng (tập truyện 1965); Cuối Đường (tiểu thuyết 1966); Nghìn Đêm Anh Sáng (Roman photo 1967); Một Ngày Nào Đó (kịch bản phim 1970); Nhập Cuộc (bút ký 1972); Mặt Trời Phương Đó (truyện vừa 1973); Trí Nhớ Của Tên Kiện Vong (kịch bản phim 1974); Cuộc Tình Tay Ba (phóng sự 2005); Lật Lại Hồ Sơ Vụ An (điều tra 2006); Đoạn Cuối Một Cuộc Tình (truyện hình sự 2007); Chuyên Án K98 (kịch bản phim 2008); Hành Trình Bút Mực (tạp văn)…



 Tên thật: Nguyễn Thị Phước Lý
Sinh nhật: 02-04
Quê nội: Quảng Nam
Quê ngoại: Thừa Thiên - Huế
Trình độ: đủ để làm thơ, viết văn, viết báo ở đất Sài Gòn từ giữa thập niên 60 thế kỷ XX.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

Khói Lửa 20 (thơ - 1972)
Thơ Tình Lý Thụy Ý (thơ - 1995)
Kinh Tình Yêu (thơ - 2003)
Theo Triền Nắng Đổ (truyện - 1970)
Người Sau Tuyến Lửa (truyện - 1972)
Bông Hồng Không Tỏa Hương (truyện - 1992)
Ngọc Lai (truyện - 1993)
Khuya Hoang (truyện - 1994)
Những Mùa Xuân Chín (truyện - 1999)
...........................

© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SàiGòn ngày 21.08.2011.
. Đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.

http://newvietart.com/LYTHUYY_saigon.html

No comments:

Post a Comment