I. Vài nét sơ lược về Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông
“Trần Nhân Tông (1258–1308), là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 15 năm (1278–1293) và làm Thái thượng hoàng 15 năm.
Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 và lần 3. Lúc này, quân đội Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã đánh tan tác quân đội hùng mạnh của Nhà Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt trước vó ngựa nổi tiếng vô địch của người Mông Cổ...
Ngoài ra, quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu biên giới, bởi vậy năm 1290 nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp.”
Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm ý thức được nguyên lý đạo Phật, hâm mộ Thiền tông và chí muốn đi tu xa lìa vinh hoa phú quí.
“Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ tiên?”
Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285, 1288) đuổi được quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Dưới triều đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: Hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc.”
Và cuối cùng sau khi bình định giặc Ai Lao (1290) thì vào năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng để chuyên tâm nghiên cứu phật giáo.
Một trong những sử liệu giá trị của Ngài là bản di chúc dặn dò con cháu, cũng là lời dặn dò cho muôn đời hậu thế nước Việt:
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo.
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.
Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.
Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.
Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta
từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
"Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác".
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".
Đến tháng mười năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành hạnh đầu-đà (khổ hạnh) và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ngài là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này và được dân gian về sau gọi cung kính là “Phật Hoàng”
II. Suối Giải Oan – Yên Tử
“Truyền thuyết kể rằng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mỹ nữ lâm và cảnh khó. Đường về kinh thành xa xôii vạn dặm, quân lính của tân vương phong tỏa khắp nơi, ở củng khó mà đi cũng khó. Để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan.”
Đến nay mặc dầu đã hơn 700 năm nhưng nhiều câu chuyện "tâm linh" lạ lùng vẫn còn liên tục xảy ra.
III Hồn Thơ
Một trong những câu chuyện tâm linh liên quan đến Suối Giải Oan mà người viết đã có duyên biết đến gần đây nhất là 3 bài “hồn thơ” của tác giả Quế Hoa – Quách Lan Chi.
Theo lời thuật, nhân chuyến viếng thăm Núi Yên Tử vào tháng 12 năm 2014 vừa qua, khi đến Suối Giải Oan cúng cho các Hoàng Phi và cung nử thì tác giả bổng cảm nhận được một cảm giác rất lạ lùng. Một cảm xúc nghẹn ngào rung động đã len lén vào tâm tư của chị, hình như có một mối tương giao vô hình đã kết nối chị cùng những cung nữ xa xưa, một tình cảm như chị em và xúc động dạt dào. Hòa trong tiếng suối reo giữa rừng núi đại ngàn Yên Tử, mang mác có tiếng khóc rấm rứt, ngậm ngùi cùng những lời tâm sự buồn cho thân phận. Tuy “duyên” không trọn nhưng “tình” quyết giữ mãi tận thiên thu.
Những vần thơ như xuất hiện trước mắt…
*
Hoàng Phi Tự Tình
Trải lòng mỹ nữ nhập hoàng cung
Mãn đời Tiên Đế bất trùng phùng
Khóe mắt phòng the đan ngấn lệ
Bỡi tình một kiếp ước chồng chung.
.
Nhung gấm lụa hoa giữa hoàng cung
Mỹ nữ sắc hương phận bạc cùng
Thâm cung khép kín chôn bí sử
Dăm hồi ước nguyện vỗ cánh tung.
.
Chính chuyên xuất giá chốn hoàng cung
Nhân phẩm đoan trang phút cuối cùng
Quyên thân dòng suối phò phu tử
Để tình thiếp mãi trọn thủy chung.
Thơ: Quế Hoa
(Hồn Thơ Hoàng Phi – Suối Giải Oan - Núi Yên Tử)
28-12, 2014 – 9:50AM
*
Thác Oan
Róc rách suối reo nỗi hoang mang
Quyên thân mắt lệ đẫm ngỡ ngàng
Cậy gió trao tình thiếp chung thủy
Trầm mình phó thác giữa trái ngang
Tiết hạnh phi tần thủ tâm can
Nguyện trọn trao thân chỉ mình chàng
Dẫu đời bất hạnh đầy âm sắc
Dẫu bỏ thân ngà chốn rừng hoang
Thơ: Quế Hoa
28-12-2014 – 10:00AM
*
Chuyển Lối
Đẫm lệ hoang mang chốn rừng hoang
Rối tâm nấc giọng giữa đôi đàng
Phi tần mỹ nữ hồn lạc thế
Chánh hậu nén tâm nghẹn tiếng than!
.
Hậu cung hỗn chiến rối tâm can
Giã từ nhân thế suối lệ tràn
Khuyên chàng dời bước xa cổ tự
Thăng đường chánh điện ánh hào quang.
.
Nhất mực ẩn thân chẳng từ nan
Vua Trần chuyển lối nhập đạo tràng
Giũ bỏ bụi trần quy Tam Bảo
Sám tận nghiệp đời quả oán than.
.
Chánh niệm, chánh tâm cầu dân an
Hoàng phi phủ lối duyên bẽ bàng
Sáng tâm nhận thức ân độ thế
Phật Hoàng soi sáng Đạo vua ban.
Thơ: Quế Hoa
28-12-2014
Xin cám ơn sư huynh Trần Thanh Long & Quách Lan Chi (Quế Hoa) đã cho phép phổ biến 3 bài “Hồn thơ Yên Tử” đến với mọi người.
02/14/2015
Phương Chính Nguyễn Quang Đạt
www.duongsinhthucphap.org
Tài liệu tham khảo:
Trần Nhân Tông - Wikipedia
Sự Tích Suối Giải Oan - Quốc Phong
Sơ lược về tiểu sử Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông - Tuệ Quang
Non Thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) -
http://vietbao.com/a233809/hon-thieng-yen-tu-phuong-chinh-nguyen-quang-dat
No comments:
Post a Comment