Một Thuở Sinh Viên
Chào quý bạn,
Theo thông lệ hằng năm thì sau ngày Lễ Lao Động ở xứ Mỹ, học sinh các trường tại Portland và các vùng phụ cận khai trường trở lại. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó ba tháng hè trôi qua nhanh chóng. Cô cháu nội Mya của tôi mới ngày nào còn bé tí tẹo trong vòng tay của bà nội, bây giờ lại là học sinh lớp 1 của trường tiểu học Montclair ở Beaverton. Nhìn cái cặp đi học của cháu đựng đầy dụng cụ học sinh theo sự đòi hỏi của nhà trường, người viết thấy tội nghiệp cho Mya quá vì ngày mai Mya phải vác cái cặp to tướng này vào trường trên đôi vai bé bỏng của cháu để bắt đầu một niên học mới.
Rồi đây Mya sẽ phải học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học, chương trình đại học, rồi ra trường tranh đấu với đời để mưu sinh trong cuộc sống như người viết đã làm cách đây mấy chục năm về trước. Cái vòng lẩn quẩn đó lại tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người già nằm xuống, những đứa trẻ lớn lên, bánh xe thời gian vẫn quay và con người vẫn phải lập đi lập lại những gì các thế hệ cha ông đã làm trong cái vòng sinh tử luân hồi của kiếp nhân sinh.
Người viết đã kể cho bạn nghe tâm tình của tuổi học trò tiểu học và học trò trung học của người học sinh vào thập niên 60 qua bài viết Lưu Bút Ngày Xanh (bài số 136 MCTN-ORTB 534 ngày 7-23-2012).
Năm năm tiểu học và bảy năm trung học của tôi có biết bao nhiêu là kỷ niệm đáng yêu đáng quý làm sao nói hết cho đủ được trong phạm vi một bài viết chỉ 3 trang đánh máy theo sự yêu cầu của ban biên tập Oregon Thời Báo. Thôi thì nhớ đến đâu thì tôi tâm tình đến đó mà thôi. Người viết đã nhận được nhiều lời khích lệ, cảm thông của những độc giả cùng thế hệ với tôi. Có nhiều vị đã gặp người viết và thú thật họ đã khóc khi người viết nhắc lại thể lệ thi cử và sinh hoạt của đời học sinh những ngày xưa cũ vì họ đã thấy hình ảnh của mình thấp thoáng trong đó. Họ và tôi đã có cùng những cảm nghĩ, những sinh hoạt, những kỷ niệm tuổi học trò giống như nhau nên vô tình tôi đã “động mối thương tâm” của họ khi tôi đã đưa họ quay về với dĩ vãng ngày xưa.
Cũng có một lần qua bài viết Cô Giáo xứ Mỹ, người viết đã tâm sự rằng tôi vẫn thích làm cô giáo hơn và đã không có duyên với bằng Cử nhân Khoa Học. Đôi khi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” khi tôi được may mắn trúng tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm1964. Đây là trường đào tạo các cấp chỉ huy hành chánh phục vụ ở trung ương và ở địa phương. Khi đi học, sinh viên được hưởng học bổng với quy chế đặc biệt hơn hẵn sinh viên các đại học có thi tuyển khác như Đại học Sư Phạm, Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Nông Lâm Súc v..v…. Những người ôm mộng quan trường thường mơ ước được trúng tuyển vào HVQGHC vì đường công danh sẽ rộng mở sau khi tốt nghiệp với ngạch trật Đốc Sự Hành Chánh công chức hạng A. Đa số sinh viên là người miền Trung và miền Bắc của Miền Nam Việt Nam ngày xưa. Riêng người viết, một nữ sinh miền Nam, tính tình nghệ sĩ, yêu văn chương nghệ thuật, mộng tầm thường bé nhỏ, nhờ có phúc duyên nào đó lại được Phật Trời ban phúc cho được trúng tuyển vào trường này sau một cuộc thi tuyển thật là khó khăn. Đúng là ý trời đã định!
Trong phạm vi bài viết này người viết chỉ tâm tình một đôi điều cần thiết theo lời yêu cầu của một số thân hữu muốn biết về ngôi trường đặc biệt này để mở mang kiến thức mà thôi. Dĩ nhiên trong phạm vi giới hạn của một bài viết 3 trang giấy, làm sao người viết có thể nói hết được những điều mình muốn nói, mong sao quý bạn thông cảm cho tôi nhé. Xin đa tạ.
Trước hết xin mời bạn đọc qua đôi dòng về HVQGHC, bạn nhé.
ĐÔI DÒNG VỀ HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH
Học viện Quốc Gia Hành Chánh là một cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đặt trọng tâm vào việc đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ..
Đầu tiên, Trường Quốc Gia Hành Chánh được thành lập tại Đà Lạtdo sắc luật của Quốc trưởng Bảo Đại ký ngày 7 tháng 4 năm 1952. Trường lúc đó thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với học trình hai năm nhưng sau được chuyển giao cho Phủ Thủ tướng rồi Phủ Tổng thống. Đến năm 1955 sau khi về nước chấp chánh, Thủ tướng Ngô Đình Diệm vì nhận thấy vai trò quan trọng của cán bộ hành chánh trong công cuộc xây dựng quốc gia nên đã cho dời trụ sở của trường về Sàigòn và cải danh thành Học viện Quốc Gia Hành Chánh (QGHC), trụ sở đặt tạm tại số 4 đường Alexandre de Rhodes, sau này là trụ sở của Bộ Ngoại giao. Đến năm 1962, Học viện được chánh thức chuyển về trường sở mới to lớn và khang trang tại số 10 Trần Quốc Toản. Cơ sở vật chất gồm có giảng đường 500 chỗ ngồi, ký túc xá cho 114 sinh viên, thư viện lớn nhứt Việt Nam với 100.000 văn bản, nhà sinh hoạt, sân quần vợt, sân bóng chuyền, câu lạc bộ.
Mục đích của Học viện QGHC là nhằm đào tạo cán bộ cho guồng máy hành chánh của quốc gia qua 4 chương trình học gồm ban Cao học, ban Đốc sự, ban Tham sự, và ban Nặng lực Hành chánh.
Ban Cao học có học trình hai năm và Đốc sự có học trình ba năm rưởi nhằm đào tạo công chức hạng A cho các ngành hành chánh và chuyên môn như kinh tế, tài chánh, thuế vụ, xã hội, ngoại giao…
Môn học gồm những kiến thức như soạn thảo công văn, kế toán thương mại, tư tưởng và định chế chính trị, quản trị công quyền, quản trị nhân sự, luật hành chánh, luật thuế vụ… và cả huấn luyện quân sự.
Khi thi mản khóa ngoài các bài thi về các môn đã học, sinh viên còn phải nộp một Luận văn tốt nghiệp về một đề tài được giáo sư hướng dẫn chấp thuận.
Ban Tham sự với học trình hai năm nhằm đào tạo công chức hạng B.
Còn ban Năng lực Hành chánh là những lớp học buổi tối dành cho quân nhân và công chức để giúp họ cải tiến kỹ năng và kiến thức chuyên môn hành chánh để dự thi vào các ngạch hành chánh.
Ngoài ra, Học viện cũng là trung tâm phụ trách nghiên cứu hành chánh và tu nghiệp quốc gia. Về tu nghiệp Hoc viện phụ trách các chương trình tu huấn cho chánh phủ như chương trình phát triển chỉ huy cao cấp, chương trình quản trị hành chánh cao cấp dành cho các viên chức giữ các chức vụ cao tại các phủ bộ, và chương trình tu nghiệp cho cựu sinh viên QGHC đã tốt nghiệp quá 5 năm.
Muốn được nhận vào Học viện QGHC các ứng viên phải qua một kỳ thi nhập học khá gay go. Trong số hàng ngàn người dự tranh trên toàn quốc, mỗi năm Học viện chỉ nhận một số nhỏ hội đủ tiêu chuẩn, khoảng 50 người cho ban Cao học, và khoảng 100 người cho ban Đốc sự, và ban Tham sự.
Nhưng bù lại các sinh viên trúng tuyển được nhận một học bổng $2000.00 mỗi tháng cho sinh viên thường, còn sinh viên nguyên là công chức được tiếp tục lảnh lương cũ, ngoại trừ phụ cấp chức vụ.
Ngoài ra, từ năm 1960 trở đi với sự yểm trợ của Đại học Michigan State University (MSU), các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của các khoá Đốc sự hầu hết đã được cấp học bổng để du học lấy bằng Master tại Hoa kỳ, sau đó thủ khoa các khoá Cao học cũng được học bổng đi Mỹ học lấy bằng Ph.D. Đa số các cựu sinh viên có bằng Ph.D. và một số có bằng Master tại Mỹ đã trở về giảng dạy cho Học viện.
So với các trường đại học khác như các phân khoa thuộc Viện Đại học Saigòn, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đàlạt, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú thọ, Trường Đại học Nông Lâm Súc, Học viện QGHC đã có một ban giảng huấn rất hùng hậu. Ngoài nhiều giáo sư cơ hữu có bằng Tiến sĩ tốt nghiệp trong nước và ngoại quốc, Học viện còn mời được nhiều chánh khách có tăm tiếng và nhiều viên chức hành chánh cao cấp trong chánh phủ giàu kinh nghiệm đến giảng dạy về các đề tài thuộc lãnh vực chuyên môn của họ.
Về phương diện học trình, với sự hỗ trợ của Institute of Public Administration (IPA) tại New York chương trình học tại Học viện cũng luôn được cải tiến để sinh viên tốt nghiệp có được những kiến thức hiện đại về các lãnh vực quản trị công quyền, quản trị nhân sự, về các lãnh vực kinh tế, tài chánh, thuế vụ, về lãnh vực quyết định hành chánh, cũng như các kiến thức về văn hoá và luật pháp quốc gia. Không giống như tại các trường đại học khác, sinh viên QGHC ngoài việc theo dõi các bài giảng tại lớp học có tánh cách lý thuyết, còn phải tham gia các buổi thuyết trình và hội thảo với các chánh khách và chuyên gia về các đề tài chuyên môn.
Ngoài ra, sinh viên còn đuợc đi thực tập 6 tháng tại các cơ quan công quyền ở địa phương và trung ương như một công chức thực sự. Và để chuẩn bị cho các viên chức tương lai biết sống hòa đồng với dân chúng, học trình cũng đòi hỏi các sinh viên phải tham gia vào các công tác xã hội hằng tuần do Học viện tổ chức. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp tại Học viện các nam sinh viên còn được gởi đi thụ huấn về quân sự tại trường sĩ quan Thủ đức trước khi đi nhận nhiệm sở.
Sau khi ra trường các sinh viên tốt nghiệp được bổ dụng đến nhiều cơ quan, các Bộ, Nha ở trung ương cho đến các ty, các sở ở địa phương và Phó tỉnh trưởng hoặc Phó quận trưởng.
Nhờ vào tất cả những ưu điểm về huấn luyện đó mà Học viện QGHC không những là một cơ sở giáo dục được trong nước biết tiếng mà cả các quốc gia vùng Đông Nam Á cũng thừa nhận Học viện như một trong nhiều trung tâm có uy tín về đào tạo nhân sự cho ngành quản trị công.
Với một quá trình hiện diện dài 23 năm, Học viện QGHC đã đào tạo được 2784 sinh viên gồm:
8 khóa Cao học với 323 sinh viên tốt nghiệp.
20 khóa Đốc sự với 1650 sinh viên tốt nghiệp.
5 khóa Tham sự với 622 sinh viên tốt nghiệp và
5 khóa Tham sự Đặc biệt dành cho đồng bào sắc tộc có 189 sinh viên tốt nghiệp.
Đó là chưa kể 527 sinh viên chưa kịp tốt nghiệp vào năm 1975 gồm:
161 sinh viên Cao học khóa 9 và khóa 10
316 sinh viên Đốc sự các khóa 20, 21 và 22
50 sinh viên Tham sự khóa Đặc biệt.
Với một số lượng tốt nghiệp khá đông đảo như vậy, các cựu sinh viện QGHC với một kiến thức chuyên môn dồi dào và một kiến thức căn bản về quân sự đã một thời như Nguyễn Công Trứ có nói:
“Trong lăng miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương ”.
Nhưng tiếc thay ngày lịch sử định mệnh 30 tháng 4 đã xảy đến làm ngôi trường QGHC phải bị đóng cửa và các cựu sinh viên QGHC phải tứ tán khắp bốn phương trời. Nhưng dù sống ở đâu, những ngày xưa thân ái dưới mái trường QGHC và giai đoạn dấn thân phục vụ cho quê hương xứ sở vẫn không phai nhòa trong tâm trí họ.
Để kết thúc, xin có 4 câu thơ:
Tài lương đống một thời ngang dọc
Mộng can tương bỗng chốc khói mây
Dù cho lưu lạc đó đây
Trường xưa vẫn mộng một ngày đoàn viên…
(Nguồn: Trích bài viết của Nguyễn Minh Triết- Xin cám ơn anh NMT)
Người viết hy vọng rằng những gì bạn muốn biết về trường QGHC đã được anh Nguyễn Minh Triết trình bày rõ ràng rồi. Người viết sẽ tâm tình tiếp với quý bạn trong những bài viết sau này để quý bạn hiểu rõ hơn niềm vui và nỗi buồn của những kẻ sĩ ngày xưa hìện đang lưu lạc nơi xứ người.
Sương Lam
http://suonglamportland.wordpress.com/quoc-gia-hanh-chanh/#comment-126
***
Nhớ ơn Thầy
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
***
Giáo sư Nghiêm Đằng
***
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924 - 1990)
***
Giáo Sư Vương Văn Bắc, Bộ Trưởng Ngoại Giao của VNCH
***
Giáo sư Nguyễn Thị Huệ
***
Giáo sư Trần Văn Đỉnh
***
Giáo sư Trần Văn Kiện
***
Giáo sư Trần Văn Binh
***
Giáo sư Nguyễn Quang Quýnh
***
Giáo sư Nguyền Như Cương
***
Giáo sư Phan Thiện Giới
***
Giáo sư Bùi Quang Khánh
***
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhân
***
Giáo sư Trần Ngọc Phát
***
Giáo sư Lương Thọ Phát
***
Giáo sư Lê Văn Thận
***
Giáo sư Nguyễn Duy Xuân
***
Ảnh: Tác giả Sương Lam sinh viên Đại Học QGHC VNCH
Source: http://suonglamportland.wordpress.com/quoc-gia-hanh-chanh/
No comments:
Post a Comment