(Hình trang đầu quyển Chuyện Đời Xưa, những sách quý như thế nầy ngày trước chủ nhơn Vương Hồng Sển (có chữ ký tên và triện) cắp ca cắp củm giữ gìn nay lưu lạc tứ tán như đàn ong bể ổ. NVS)
Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.
Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? Chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn
1. Giáo dục về luân lý. Cho người đọc thấy những bài học tốt d ùng trong cách ở đời, cách xử thế, ứng xử v ào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..
2. Dùng tiếng An-Nam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.
Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).
Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời. Bản đánh máy được cẩn thận dò theo bản in năm 1914. (NVS)
Victorville, CA, tháng 11, 2016
CHUYỆN ĐỜI XƯA
1. Con chồn với con cọp
Ngày kia[1] con chồn đi kiếm ăn trong rừng, mắc hơ hỏng[2] vô ý sẩy chơn sụp xuống dưới hầm, chẳng biết làm làm sao mà lên cho được. Hết sức tính[3] nữa. Than vắn thở dài, khôn bề tấn thối[4], như cá mắc lờ[5]. Tưởng đã xong đời[6] đi rồi. May đâu nghe đi thịch thịch[7] trên đất, mới lo mưu định kế, rồi lên tiếng hỏi rằng: Ai đi đó? Chẳng ngờ là con cọp, thì làm bộ mừng rỡ, mới hỏi: Chớ[8] anh đi đâu? đi có việc chi? Anh cọp nói: Tôi đi dạo kiếm chác[9] ăn, mà anh xuống mà làm chi đó vậy? Thì anh chồn ta lại trở cách[10], mà nói rằng: Ủa! Vậy chớ anh không có nghe đi gì[11] sao? Người ta đồn đến mai nầy trời sập.
- Cơ khổ[12] thôi nhưng! Tôi không hay một đều[13]? Mà có thật như vậy, hay là người ta đồn huyễn[14] vậy anh? – Ấy, không thật làm sao? Bởi thật tôi mới xuống đây mà núp, kẻo đến nữa[15] (tr.6) mà chạy không kịp, trời đè giập xương chết đi uổng mạng; mà anh, chẳng qua là nghĩ tình cũ ngãi xưa[16], tôi mới nói; chớ như không[17], thì ai lo phận nấy, tôi có nói làm chi. – Thôi, vậy thì xin anh cho tôi xuống đó với anh cho có bạn. – Ừ, mặc ý[18] xuống, thì xuống.
Anh cọp mới nhảy xuống, chuyện vãn[19] một hồi, rồi anh chồn mới theo chọc lét[20] anh cọp hoài. Cọp la[21] không đặng. Cứ lẻo đẻo theo khuấy[22] luôn. Con cọp nổi giận mới ngăm[23]: Chọc, tôi xách cẳng[24], tôi ném lên cho trời sập đè giẹp ruột đi giờ[25]. Anh chồn cũng không nao[26], càng ngăm, lại càng chọc hoài. Anh cọp hết sức nhịn, mới dồi quách[27] anh chồn lên: Rắn mắt[28], nói không đặng, lên trển[29] trời đè cho bỏ ghét. Anh chồn mừng quá bội mừng[30], thấy mình gạt được anh cọp mắc mớp[31]. Mới chạy kêu người ta tới đâm cọp sa hầm[32].
Thường kẻ xấu lâm nạn, thì lo phương gỡ mình, dầu phải làm mưu cho kẻ khác mắc vòng lao lý cực khổ, miễn là cho mình khỏi thì thôi. Lại đôi khi cũng kiếm thế mà làm hại nó nữa[33].
2. Chàng rể bắt chước cha vợ
Có một thằng khờ khạo, ít oi[34], không biết gì hết. Mà đến tuổi phải lo đôi bạn[35] với người ta, mới tính đi cưới vợ. Đi coi rồi mượn mai dong[36] (tr. 7) đi nói. Đàng gái chịu gả, cho bỏ trầu cau[37]. Mà phép hễ có miếng trầu miếng cau rồi, thì phải đi làm rể[38], mà nó không biết làm rể là làm sao. Lấy làm khó lòng[39]; mới hỏi thăm ông mai: Chớ làm rể phải làm làm sao? Ông mai mới dạy rằng: Đạo làm rể, hễ thấy ông gia[40] làm giống gì[41], thì phải giành lấy mà làm, hễ thấy làm đi gì[42], thì phải làm theo như vậy.
Bữa ấy tới nhà làm rể. Cơm nước rồi, cha vợ nó xách rựa[43] đi đốn cây, nó cũng vác rựa mà đi theo. Ổn lại cây nầy, mới kê rựa vào đốn, thì nó lại nó nói: Cha, để tôi đốn cho. Cha nó nghe, thì để cho nó, qua cây khác. Nó cũng lại, nó nói làm vậy. Ông cũng để cho, ổng đi cây khác. Nó lại, cứ nó giành hoài. Ông gia nó thấy vậy, mới sanh nghi có khi nó điên chăng, nên giựt mình[44] đâm đầu chạy đi. Ngó ngoái lại, thấy nó lăng căng[45] chạy theo, lại càng thêm nghi. Chạy rớt cái khăn mắc trên bụi tre[46]. Nó thấy vậy, nó cũng lột cái khăn của nó, mà ném lại đó như cha vợ nó vậy.
Ông gia nó mới tin chắc nó là điên thiệt, nên cong lưng chạy riết[47] về nhà. Thở hào hển chạy ngay vô nhà, thấy mủ[48] ngồi trong bếp đang chổng mông thổi lửa[49]. Mới đá mông mụ một đá, biểu chạy trốn đi: Thằng rể nó điên thiệt. Chàng rể chạy xợt[50], thấy bà mẹ còn đó, cũng bắt chước giơ chơn đá mủ một đá như ổng vậy. Hai (tr.8) ông bà chạy chun núp dưới vựa lúa. Nó cũng chun theo. Hai ông bà thất kinh hồn vía, sợ dại nó có làm hung chăng[51], mới la làng[52] lên. Nó cũng bắt chước la làng lên nữa.
[1] Ngày kia: Hôm nọ, bữa nọ. Ông TVK không viết ngày xưa mà viết ngày kia chắc hẵn vì ông không muốn chuyện của mình mang tính cách thần thoại, truyền kỳ…
[2] Mắc hơ hỏng: Bị lơ đảng, không chú ý, không cẩn thận.
[3] Hết sức tính: Suy nghĩ nhiều, tính toán lắm mà cũng chẳng giải quyết được gì. Hết cách.
[4] Khôn bề tấn thối: Chẳng giải quyết được tình huống.
[5] Cá mắc lờ: Cá vô lờ rồi thì có thể lội trong vòng lờ nhưng không thoát ra được. Lờ, thứ bẩy để bắt cua, cá. Cá trong lờ đỏ hoe con mắt/Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô. Hay Tung tăng như cá trong lờ/Trong ra không được, ngoài ngờ là vui. CD.
[6] Tưởng đã xong đời: Tưởng rằng sẽ phải chết,
[7] Thịch thịch: Nay nói thình thịch, tiếng động bước đi của thú lớn trên mặt đất.
[8] Chớ: Tiếng đầu câu hỏi, ngày xưa hay dùng.
[9] Kiếm chác: Kiếm thứ gì đó để ăn hay để làm của, không dùng cho việc kiếm đồ đã mất. Nay dùng từ nầy trong ý nghĩa xấu như lợi dụng, ăn cắp, ăn hối lộ, cửa quyền…
[10] Trở cách: Đổi giọng ra bộ niềm nỡ hay lạnh lùng.
[11] Đi gì: HTC, Tiếng hỏi giống gì vậy, sự chi, ra làm sao, thế nào. Cách nói nầy thấy nhiều trong sách Thiên Chúa giáo từ hồi thế kỷ 18.
[12] Cơ khổ: Tiếng đầu câu để tỏ ý ngạc nhiên, than thở.
[13] Không hay một đều: Không hay chuyện gì hết. Một điều cũng không ngơ!
[14] Đồn huyễn: Lời đồn không có thiệt.
[15] Kẻo đến nữa: Để không thôi sau nầy…
[16] Nghĩ tình cũ ngãi xưa: Nhớ tới tình nghĩa ngày trước (của hai đàng).
[17] Chớ như không: Nếu không, nếu không có lòng nghĩ đến…
[18] Mặc ý: Mặc tình, kệ anh, tùy ý anh…
[19] Chuyện vãn: Chuyện trò.
[20] Chọc lét: Chọc cho nhột, cù lét.
[21] La: Rầy, biểu không được làm điều gì đó.
[22] Lẻo đẻo theo khuyấy: Đi theo chọc phá hoài.
[23] Ngăm: hăm, hăm he. HTC, Lấy lời nói, hoặc ra bộ, tỏ ra sự mình muốn làm hung dữ thế gì.
[24] Xách cẳng ném: Nắm cẳng ai đó nhỏ con hơn mình mà quăng đi. Cử chỉ của kẻ mạnh và ác độc.
[25] Trời sập đè giẹp ruột đi giờ: …bây giờ. Chữ đi giờ nay không còn dùng, đuợc thay bằng bây giờ, bi giờ, chừ… Có lẽ đi>bi>bây.
[26] Không nao: Không nao núng, không sợ.
[27] Dồi quách: Liệng lên đại.
[28] Rắn mắt: nghịch ngợm. HTC, Trì trợm, nặng nề, không biết sợ; khó khiến, khó dạy. (Xấu, tốt, hai nghĩa).
[29] Lên trển: Lên trên ấy. Để ý cách dùng từ nói gộp lại như thế nầy thường thấy ở văn ông Trương Vĩnh Ký: cổ, ổng, trển…
[30] Mừng quá bội mừng: Mừng quá xá.
[31] Mắc mớp: Mắc bẩy lừa gạt của ai bằng lời nói, xua giục, hứa hẹn…
[32] Đâm cọp sa hầm: Giết cọp bị xụp hầm do người dân đánh bầy.
[33] Trương Vĩnh Ký nhiều lúc kết thúc chuyện bằng những lời ‘dạy đời’ rất có ích lợi cho người đọc. Những bài học đó làm cho người đọc sáng nước hơn trong cuộc sống và tử tế hơn với người chung quanh.
[34] Ít oi: Không khôn, khờ, không biết tính toán, dễ tin nên thường bị gạt.
[35] Lo đôi bạn: Lo chuyện lấy vợ, lấy chồng.
[36] Mai dong: Người làm mai mối giới thiệu hai đàng. Xưa mai dong là một nghề vì người ta ít đi xa, ít giao thiệp, ít đến trường… nên sự quen biết nhau của trai gái rất khó khăn, vai trò của mai dong do đó cần thiết.
[37] Bỏ trầu cau: Làm đám hỏi, đám nói.
[38] Làm rể: Chàng rể sau đám hỏi phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai ở để làm công việc nhà.Nhà vợ đánh giá để chấp nhận luôn hay từ chối tùy theo cách sống lúc nầy của chàng rể. Cũng là dịp để nhà gái lợi dụng nếu họ xấu. Ca Dao: Công anh làm rể có tài/ Một mình ăn hết mười hai vại cà…
[39] Lấy làm khó lòng: Không biết phải làm sao cho đúng. Khó nghĩ.
[40] Ông gia: Ông già vợ. Gần đây người ta thường dùng chữ ông bô là do ảnh hưởng của Pháp. Hết Tàu rồi tới Tây!
[41] Làm giống gì: Làm chuyện gì.
[42] Thấy làm đi gì: Thấy làm chuyện gì. Cách nói xưa.
[43] Rựa: Thứ dao lớn dài, có nghéo ở đầu, dùng để chặt cây phá rẫy.
[44] Giựt mình: Lo sợ.
[45] Lăng căng: Bộ mau mắn, lanh lẹ.
[46] Người xưa khăn thường được quấn trên đầu, hay vắt trên vai. Ở đây là đội trên đầu. (Thằng rể lột khăn)
[47] Cong lưng chạy riết: Cắm đầu cắm cổ chạy hoài hủy.
[48] Mủ: Mụ ấy. Petrus Ký thường dùng cách nói gọn nầy: ổng, trển …
[49] Chổng mông thổi lửa: Nấu nướng xưa cực nhọc, nhúm lửa rồi phải thổi cho củi bắt lửa
[50] Chạy xợt: Chạy ngang thiệt mau.
[51] Sợ dại nó có làm hung chăng: Sợ e nó làm dữ.
[52] La làng: Kêu lên lớn cho bà con làng nước chung quanh ai đó tới cứu.
https://vietbao.com/a259411/chu-giai-chuyen-doi-xua-cua-truong-vinh-ky
No comments:
Post a Comment