Friday, January 26, 2018

Số phận bi tráng của một ngôi trường _ Huyền Chiêu





 Trường trung học Võ Tánh Nha Trang được thành lập năm 1952.

Trường không lớn lắm nhưng rất danh giá. Lúc đó tất cả học sinh ở Phan Thiết, Phan Rang, Bình Định, Phú Yên muốn tiếp tục chương trình đệ nhị cấp đều phải lặn lội về Nha Trang tham dự một cuộc thi tuyển rất khắt khe để được vào lớp đệ tam trường Võ Tánh. Vì vậy Trường Võ Tánh là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh rất ưu tú. Sau đó các tỉnh bắt đầu có lớp đệ nhị cấp, Trường Võ Tánh chỉ còn thu hút học sinh trong tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, truyền thống dạy hay, học giỏi của trường không hề sút kém, trường Trung Học Võ Tánh luôn có “thương hiệu” riêng.


Trường đã từng vinh dự đón tiếp các vị hiệu trưởng:

Thầy Lê Tá (1952-1955)

Thầy Nguyễn Vỹ (1955-1956)

Thầy Lê Khắc Nguyện (1956-1959)

Thầy Lê Nguyên Diệm (1959-1972)

Thầy Nguyễn Đức Giang (1972-1973)

Thầy Nguyễn Thúc Thâm (1973-1975)

Thầy Nguyễn Đức Giang, Thầy Bửu Thê (96  tuổi), Hồ Văn Thiện (trong ban tổ chức)

Thầy Nguyễn Đức Giang thăm hỏi thầy Bửu Thê.

Thuở ấy vị trí xã hội của các thầy cô ở Nha Trang rất cao, cuộc sống thường nhật rất thanh nhàn. Các thầy cô luôn đến trường trong tâm thái nhẹ nhàng, phấn chấn vì học sinh Võ Tánh thuộc thành phần “giảng ít hiểu nhiều”. Năm nào tỷ số đậu tú tài của trường Võ Tánh cũng đều rất cao, nhiều học sinh Võ Tánh đủ điều kiện đi du học.

Đang trưởng thành như một chàng trai tài trí nhiều hoài bão, trường Võ Tánh qua đời năm 23 tuổi.

Khi trường Võ Tánh bị giải tán năm 1975, người dân miền Nam đang dở sống dở chết. Cái đói nghèo bủa vây, lòng người hoang mang ly tán, người ta không còn hơi sức đâu mà để ý đến sự cố tấm bảng của một ngôi trường bị gỡ xuống.

Thời gian trôi qua, cứ tưởng lòng người đã đổi thay, mọi đảo điên rồi cũng phải đi vào trật tự mới.

Nhưng trái tim con người có những góc khuất khó dò.

Những lứa học sinh đầu tiên của trường Võ Tánh hồi đó học xong đều phải trở về quê ở tỉnh xa, hầu hết phải vào lính. Lứa Học sinh này nhiều người đã thành tử sĩ, nhiều người khác trôi nổi ở chốn quê người và khó có dịp tìm lại nhau.

Nhưng thế hệ học sinh tiếp theo thì hai chữ Võ Tánh không bao giờ phai mờ trong tâm trí.

Sau thời ăn cơm độn khoai lang, khoai mì, đi kinh tế mới, hái củi đốt than, buôn lậu cà phê… đến lúc kiếm được chiếc xe đạp họ bắt đầu lặn lội đi tìm bạn học cũ.

Từ đó xuất hiện những cuộc “Họp Mặt Võ Tánh”.

42 năm đã trôi qua , lạ thay đám học trò Võ Tánh ngày nào vẫn cứ nhớ trường nhớ thầy nhớ bạn nhớ con đướng Bá Đa Lộc.

Và hàng năm họ vẫn hẹn gặp ở một quán cà phê nào đó, một nhà hàng nào đó để nói với nhau rằng “ chúng ta là học sinh trường Võ Tánh”.

Ngày 1 tháng 7- 2017. Các học cựu học sinh nhiều liên lớp cùng nhau tổ chức một cuộc họp mặt tại nhà hàng  u Lạc Thịnh với mục đích tưởng nhớ 65 năm trường Trung Học Võ Tánh.

Huyền Chiêu (áo xanh) chụp chung với các bạn Nữ Sinh Nữ Trung Học Nha Trang

Huyền Chiêu và bác sĩ Trương Luân (con rể thầy Hiệu Trưởng Bửu Hỷ) trên sân khấu  

Hội ngộ Võ Tánh 2017

Các thầy cô của trường Võ Tánh đều đã già yếu. Các cựu học sinh muốn có một cuộc họp mặt để thầy trò có dịp gặp nhau.

Do có cơ may là học sinh của trường niên khóa 1966-1967, tôi được tham dự cuộc họp mặt cảm động này.

Bước vào tiền sảnh nhà hàng Lạc Thịnh mới thấy kỳ công của ban tổ chức.

Các hình ảnh liên quan đến trường được trưng bày. Các chàng cựu học sinh trong vai nam tiếp tân áo sơ mi trắng, cổ nơ đen đen trịnh trọng đón khách và trao tặng đặc san “Nhớ Trường Xưa”.


Trần Sĩ Chương- Cựu HS Võ Tánh

Chưa đến giờ khai mạc nhưng hơn 500 cựu học sinh từ toàn quốc và hải ngoại kéo về đã ngồi kín hội trường. Cảm động nhất là khoảng hơn 40 thầy cô đã đến đầy đủ. Các học trò vô cùng cảm động trước hình ảnh thầy Bửu Thê đã 96 tuổi xuất hiện trong bộ quốc phục áo dài, tay chống gậy và vui mừng chào đón bà Nguyễn Ngân đã đến trên xe lăn.

Tôi xúc động được gặp lại thầy Nguyễn Đức Giang trở về từ Đan Mạch.

Huyền Chiêu và thầy HT Nguyễn Đức Giang

Khi tôi học ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa thầy là hiệu trưởng.

Năm 1972 thầy đổi vào trường Võ Tánh, sau đó thầy chuyển qua công tác quản lý ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa.

Có quen biết với ba tôi, thầy từng ra chơi, thăm gia đình tôi ở Ninh Hòa. Thầy có hàng ngàn học trò cũ cho nên tôi quá cảm động khi thầy đọc cả họ tên của tôi khi tôi đến chào thầy.

Sau phút mặc niệm tưởng nhớ những thầy cô và những cựu học sinh Võ Tánh đã không còn trên cõi đời này, thầy Nguyễn Đức Giang đánh một hồi trống tưởng nhớ trường xưa.

Cả hội trường im phăng phắc. Tôi biết tiếng trống của thầy Giang đã làm cho trái tim của nhiều học trò bồi hồi, rớm lệ.

Tôi từng là học trò những ngôi trường thầy Nguyễn Đức Giang làm hiệu trưởng nhưng cho đến hôm nay tôi mới hiểu thầy Nguyễn Đức Giang là một nhà giáo dục tuyệt vời.

Bài phát biểu của thầy ôn tồn, giản dị, và vô cùng chân thật. Và với tôi chỉ có sự chân thật mới có thể đi từ trái tim đến trái tim.

“Nhiều lần khác ở nước ngoài hay ở quê nhà, thầy đã có những buổi gặp gỡ thắm thiết, nồng ấm tình nghĩa học đường với nhiều lứa cựu học sinh của Cường Để-Quy Nhơn, Nguyễn Huệ -Tuy Hòa, Võ Tánh/Nữ Trung học Nha Trang. Những người mà lúc đầu trong ký ức tưởng chừng xa lạ nhưng rồi được nối kết chặc chẽ với nhau vì cùng một căn cước : Đó là danh xưng các trường vang bóng nay đã không còn” (*)

“Mất hay còn, có hay không, chúng ta nên hiểu nó theo nghĩa Chân Không và Diệu Hữu. Cái sở tướng Võ Tánh /Nữ Trung Học Nha Trang tuy không còn nhưng tinh hoa Võ Tánh, Nữ Trung Học- cũng như nhiều trường khác-đã đâm hoa kết trái khắp mọi nơi”(*)

Sau những giây phút lắng đọng với lời thầy, khán phòng như vỡ tung trong tiếng nói cười và có lẻ có cả tiếng khóc. Có nhiều bạn hơn 40 năm rồi mới gặp lại nhau.

Vui nhất khi MC giới thiệu một cựu học sinh rất đặc biệt, 41 năm xa quê hương, trở về từ nửa vòng trái đất.- Anh Đào Đắc Độ, quê Diên Khánh, năm nay 80 tuổi, học ở Võ Tánh từ năm 1952.

Các tiết mục văn nghệ biến các “ông lão” 60 thành các cậu bé học sinh Võ Tánh nghịch ngợm ngày nào. Các ca sĩ, khách mời từ ngôi trường hàng xóm Nữ Trung Học thật vô cùng xinh đẹp, rạng rỡ trong tà áo dài trắng.

Nhưng niềm vui không thể xóa mờ các nếp nhăn trên khóe mắt. Lòng rưng rưng khi nhận ra tóc thầy lẫn trò đều đã bạc.

Biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, làn môi nhăn nheo của những nụ cười hôm nay chắc cũng đã nhiều năm tháng nếm trải vị mặn của nước mắt.

Cám ơn ban tổ chức đã bỏ ra hàng năm trời chuẩn bị cho cuộc họp mặt, theo nhận xét của tôi là công phu và vỹ đại có thể không có được lần thứ hai.

Mong niềm vui của ngày hôm nay sẽ làm cho quý thầy cô thêm khỏe mạnh.

Chúc cho những kỷ niệm trong sáng, đẹp đẽ trong sân trường Võ Tánh luôn khắc sâu vào tâm trí của những ai từng ngày ngày bước chân trên con đường Bá Đa Lộc rợp bóng xà cừ dù cuộc đời có trăm nghìn gian nan, trắc trở.

(*) Trích “Lá Thư Từ Bắc  u” của thầy Nguyễn Đức Giang.

Ninh Hòa tháng 7 năm 2017

Lương Lệ Huyền Chiêu
Học sinh đệ nhất C Võ Tánh
Niên Khóa 1966-1967
Source:  www.ninhhoa.com/



No comments:

Post a Comment