Chuyến xe lửa qua ga Diêu Trì, người lên kẻ xuống… Ánh điện nơi sân ga tối mù mù... Lại mưa nhẹ hạt... Chỉ còn hơn tiếng nữa là đến Qui Nhơn... Hành khách sửa soạn đồ đạc... Xe vào ga rúc còi... Tiếng còi ban đêm nghe buồn khôn tả...
Xuống tầu... Nhìn xa xa, nơi góc sân bay, kéo ra mé ngoài là những dẫy nhà tranh, tường vôi trắng ẩn hiện dưới ánh đèn đường hiu hắt làm lòng người buồn hơn.
Rồi ngày tháng ổn định đã qua... Nước giếng múc lên cho vào lu có cát.. sỏi, than lọc... Nước ra mầu hơi vàng nhợt. Chợ búa cũng khác... Giọng nói cũng khác...
Trường Cường Để cũ với cái bảng tên tây Collège de Cường Để ẹo qua một bên đã được dỡ đưa vào sau hàng rào cây me, keo dại.
Ui cha... Đây có phải là nơi TUẤN, CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT - người đã tranh đấu cho dân quê... Sách viết về chàng đã được in lần 2.
Ta quen với thằng Cho con bác cai trường, gặp nhau nơi sân trống con hẻm trên chục mét nhìn ra đường Cường Để. Cùng tập tạ, đơn sơ, tạ đúc bằng xi-măng, cây ngang là ống sắt nước, bàn nằm tập là vài ba miếng ván “thập cẩm” ghép lại. Rồi thấy ta và Cho tập có đứa xin vào. Thạch Hun là người đầu tiên, thêm thằng Xuyên, thằng Dũng vào. Ta đặt tên là Đoàn Kiến Càng, tên này lọt ra ngoài, bay vào tận Sài Gòn sau này.
Có người bạn một thời hỏi ta “Qui Nhơn có gì lạ ?”. Xin thưa “Có nhiều cái khác với nơi khác”.
Qui Nhơn tuy nhỏ nhưng có 6 khu, khu Sáu lớn nhất. Qui Nhơn có thầy yêu trò và đã nên nghĩa vợ chồng. Qui Nhơn có ga xe lửa buồn nhất.
Qui Nhơn có ông Tám Khùng, khi bị con nít chọc phá thì miệng chửi “Cha mày Xe... Mẹ mày Bành... !”, tay cầm cục gạch tự đập thình thịch lên ngực mình, chứ không đập lũ nhỏ. Biết nhà nào có đám cưới (hay đám tang) thì ôm bó hoa (hay thẻ nhang) đến chúc mừng (hay chia buồn). Được gia chủ cho ăn no nê rồi thì đòi hoa (hay nhang) lại.
Qui Nhơn lại có thằng Điểu mặc cái quần củn cỡn, tay cầm nhánh cây vừa đi vừa múa; càng bị con nít chọc phá thì nó múa càng hăng.
Qui Nhơn có hai con đường “nghịch ý” chạy dài giao nhau nơi khu Một – là Gia Long và Nguyễn Huệ. Qui Nhơn có chợ vòm bằng xi-măng. Qui Nhơn có trại cùi Qui Hòa ngăn nắp, được trông coi bởi Quý Soeur Dòng Mến Thánh Giá.
Qui Nhơn có Thầy Tôn Thất Ngạc làm Chánh Chủ Khảo hội đồng thi trung học các cấp nhiều lần. Thầy ký tên trước trên tấm bằng thi đậu, nhưng Qui Nhơn vẫn thuộc hội đồng Nha Trang. Qui Nhơn được bộ Giáo Dục thành lập hội đồng coi thi trong trại cùi, thi Trung học, Tú Tài 1 và 2. Thông thường tỷ lệ đậu khá cao. Qui Nhơn có thông lệ là thí sinh thi đậu ngoài việc niêm yết trên bảng còn có đọc tên trên đài phát thanh.
Qui Nhơn có Lão Ông Nguyễn Đình Thi thi Tú Tài Ban D (Cổ Ngữ) Toàn Quốc và đậu Bình Thứ. Qui Nhơn có Võ Trụ cứu phi công Mỹ đang bị truy đuổi, cái dù treo lơ lửng vì vướng phải tàn tre gai. Anh phi công dùng dao cắt từng sợi, Võ Thụ nắm một nắm chặt cái một, cứu xuống được. Qui Nhơn có hai học sinh – 1 Kỹ Thuật, 1 Cường Để – tên Trường và Yến du học một năm trong chương trình Trao Đổi Học Sinh. Người ôn tập Anh Ngữ cho hai học sinh này là Cô Monaheinzn thuộc Đoàn Sinh Viên Chí Nguyện Mỹ. Qui Nhơn có “lò luyện thi” do hai anh em Hai Ngô trông coi. Có lần anh em Hai Ngô lén học trò lên Kontum Pleiku thi hai lần đều rớt mà dưới này học trò mình thì đậu hầu hết.
Qui Nhơn có Thầy Thuốc Võ bó tay cho cô con gái xay nước mía (ngay góc đường Võ Tánh trước cửa đài phát thanh) vì mãi nói chuyện nên bị trục quay cuốn nát xương cánh tay phải. Cả bệnh viện dã chiến tây y của Mỹ đều lắc đầu, nói là phải cưa bỏ. Ông Thầy Thuốc Võ (nghe nói là học trò của ông Tàu Sáu, Tàu Bảy gì đó) bó thuốc võ chữa thương cho cô gái. Chừng hai tháng sau tay lành lại như xưa, tuy còn chút ít trở ngại nơi khuỷu tay, chỗ cùi chỏ.
Qui Nhơn có anh chàng lười học, sau theo ông Mục Sư, được gởi đi ngoại quốc học, không về lại Việt Nam, qua luôn Thụy Sĩ làm Mục Sư. Qui Nhơn có bán trái sim đong bằng lon sữa bò; có bán củ sắn non cột từng chùm cho dễ xách. Con gái Qui Nhơn nhìn như thương dễ... mà không phải vậy.
Qui Nhơn có lầu Việt Cường bị đánh sập đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, ngay đêm đó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tuyên bố thả bom Bắc Việt.
Qui Nhơn có phòng trà ca nhạc nhảy đầm Eden trên đường Phan Bội Châu do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mở; và cái thứ nhì là Moonlight trên đường Gia Long gần ngả tư Trần Cao Vân. Qui Nhơn có hai cô ca sĩ tuổi học trò tài sắc vẹn toàn lại có cùng tên là Tuyết Hoa nên thêm hai mẫu tự A và B tiếp sau cho dễ nhận.
Qui Nhơn có nhà thơ họ Hàn được Thi Sĩ Quách Tấn lập mộ ở lưng chừng Ghềnh Ráng. Hàn Thi Sĩ nằm ở đó nghe gió thổi rồi... bán trăng. Qui Nhơn lại có nhà thơ trùng bút hiệu nổi tiếng là Hàn Lệ Thu.
Qui Nhơn được nhiều người trong nước biết đến khi bản nhạc Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn ra đời. Bản nhạc này được in trên trang bìa sau của cuốn Kỷ Yếu Đệ Nhất Niên Giáo Sinh Sư Phạm Qui Nhơn.
Qui Nhơn có hai ngôi trường đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ là Kỹ Thuật và Sư Phạm (hai trường khác ở Đà Nẵng và Vĩnh Long). Năm 1966, một phái đoàn của Singapore qua học hỏi.
Qui Nhơn năm 1965 đón Tướng Do Thái Moshe Dayan - (anh Quí Long của ta được biệt phái làm thông dịch).
Qui Nhơn có bác Dân Biểu Nguyễn Hữu Thời hay đến nhà cụ Chánh Sửu chơi. Bác Thời hiền như Bụt.
Học trò Bình Định rất chăm học, vì đó là con đường thoát khỏi sự nghèo khó. Học trò Bình Định rất có tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo.
Qui Nhơn trong ta vạn nỗi nhớ... Nhớ Ban Dân Ca Bài Chòi Bình Định Tân Phong - Gió Mới một thời.
Kể về Qui Nhơn thì còn nhiều, biết bao giờ kể cho hết, còn nhiều cái nữa... Các bạn ơi... !
Hương Nguyễn
(Calgara / Canada)
No comments:
Post a Comment