Thursday, October 18, 2018

Một kỷ niệm xưa _Tạ Thái Thanh




* Trích ĐS CHSLTQN 2018.

Khi tuổi về chiều, người ta thường thích một mình, thích lặng trầm tư về năm tháng cũ. Năm nay tôi đã gần tròn 60, cái tuổi về chiều. Có những điều rất gần, rất quen thuộc hằng ngày mà sao tôi lại lãng quên, nhưng có những điều rất xa trong quá khứ mà sao cứ còn hoài còn mãi  trong tôi.


Hồi ấy tôi chỉ mới học lớp 9, tuổi đời vừa chẵn trăng rằm. Hồi ấy, tôi là cô nữ sinh Nữ Trung Học Ngô Chi Lan mà nhiều người thường đùa một cách âu yếm là nữ sinh… "Ngu Chi Lạ".

Hồi ấy đi học, dù trường xa cách mấy chúng tôi cũng đi bộ đến trường chứ không đi xe máy như bọn trẻ bây giờ. Nữ sinh NTH đi học, lúc nào cũng mặc áo dài trắng thướt tha, tinh khôi như bông hoa trắng, suốt một tuần.

Tôi 15 tuổi, hồi ấy thật sự đúng là "ngu chi lạ" nào biết tình yêu là gì nhưng cũng đã đến tuổi tò mò muốn biết xem hương vị nó thế nào. Trái cấm bao giờ cũng hấp dẫn cơ mà...

Hồi ấy nhà chàng ở trên đường tôi đi học mỗi ngày. Cổng nhà chàng có giàn hoa giấy trắng rất đẹp, có bảng hiệu to đùng màu đỏ chót trên cao với cái tên ngộ nghĩnh là "Đồng Ý".

Tôi với Linh Lan những buổi tan trường về áo dài trắng tung tăng như cánh bướm. Linh Lan học cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi 2 tuổi, tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu. Thế nhưng nhỏ lại xinh đẹp, điệu đàng trông rất đáng yêu. Do vậy nên tuy mới học lớp 9 nhưng nàng đã "lắm người theo", còn tôi thì hầu như chả ai để ý. Tuy vậy, tôi không lấy làm buồn mà lại rất thân với nhỏ. Lòng tôi chưa bao giờ nhuốm lên màu ganh tị.

Hồi ấy, khi ngang qua nhà chàng, cả hai đứa chúng tôi đều thích cái giàn hoa giấy trắng uốn lượn và cái bảng hiệu "Đồng Ý" bên dưới. Nhỏ Linh Lan e lệ thường nói nho nhỏ “Đồng ý không T. ?". Tôi đúng chất là con gái Bình Định dũng cảm, dõng dạc hét to "Đồng ý !" rồi hai đứa phá lên cười nắc nẻ. Khi ấy nhìn qua song cổng, chúng tôi thấy chàng mặc quần xà-lỏn, áo mayo, đang ăn xoài sống chấm mắm ruốc ngon ơ. Chàng ngẩng lên nhìn, cặp kiếng cận trễ xuống và ngớ ra trước đôi mắt tinh quái của tôi với tiếng cười hai đứa.

Và như thế hôm nào cũng thế, chúng tôi đồng thanh đọc bảng hiệu trêu chàng. Nhưng chàng thì không như thế nữa, chàng thay đổi phong cách, không ngồi ăn cái món xoài khoái khẩu nữa. Chàng mặc áo sơ mi quần dài, ngồi ghế mây trước cổng chờ đợi. Dần dần sau này tôi mới biết chàng đang học lớp 12 trường Cường Để, mà học sinh trường Cường Để thì rất được bọn nữ sinh chúng tôi ngưỡng mộ .Cũng như bao chàng trai khác thời ấy, chàng đã “say nắng” cô bạn gái xinh đẹp của tôi tự lúc nào. Và Linh Lan mặc dù nhỏ luôn có ong bướm lượn quanh mình nhưng nhỏ cũng xao xuyến bởi chàng.

Cho đến một buổi chiều, trời thu gió mát, chàng gởi cho L. Lan một lá thư tình để làm quen, L. Lan mắc cỡ nên chẳng dám cầm thư. Tôi thấy chàng luống cuống, tội quá nên tôi cầm hộ lá thư giúp chàng. Tôi không nhớ là thư chàng viết gì, chỉ nhớ là chàng đã viết một bài thơ. Khổ nỗi người trả lời thư cho chàng lại chính là tôi, cả nét chữ cũng là của tôi, chỉ ký tên bên dưới là Linh Lan. Vì tội tôi lớn lắm đã to miệng hét hai chữ "Đồng ý" làm chàng chú ý. Tội nhanh nhẩu cầm hộ thư chàng và rổn rảng nói chuyện trên trời dưới đất với chàng. Tội tôi chữ nghĩa rõ ràng, văn vẻ nhẹ nhàng, đã từng viết thư tình hộ cho nhỏ Sang ở lớp. Chao ơi, tình yêu của nó mà nó buộc tôi phải viết đây nè. Tôi cắn bút rặn hoài mà không ra chữ. Cuối cùng tôi đành "ăn cắp" thơ của Huy Cận bốn câu mà tôi rất thích để trả lời

Em ép trong sách vở
Một chút gì hắt hiu
Nhiều khi hồn bỡ ngỡ
Hình như là Tình Yêu

Tôi ghi tên Linh Lan ở dưới, Linh Lan không thích thơ nên cứ tưởng của tôi làm, nhưng chàng là dân thơ nên chàng biết đây là thơ "cọp". Khi người ta yêu, người ta bỏ qua tất cả, rồi thư đi thư lại nhiều lần, Trả lời thư những lần sau đều chính tôi là tác giả. Cho đến những lần cả hai hẹn hò dưới bãi cát vàng ngoài biển, dưới gốc cây dừa cũng có mặt tôi. Hồi đó sao tôi ngu lắm, cứ ngồi chung chỗ hẹn hai người. Cả hai người thì nói chuyện trời mây non nước, còn tôi thì xơi hết lon đậu phộng luộc một cách ngon lành. Tình yêu cứ thế nẩy mầm, lớn lên xanh tốt.

Đến tháng 3 năm 75, miền Trung chiến tranh nổi lên khốc liệt . Ở Quy Nhơn người người thấp thỏm, xôn xao trước quyết định sẽ đi hay ở. Bảng đen, phấn trắng, thầy cô bạn hữu ở trường cũng rời rã, thưa thớt âu lo .Nhà tôi có xe tải lớn, những ngày cuối tháng 3, chính tay ba tôi cầm lái chở những chuyến xe từ Quy nhơn vào Sài gòn di tản. Nhà Linh Lan cũng đã dọn đi, nghe bạn bảo rằng đi sớm để tránh bom đạn chiến tranh.

Những ngày cuối chỉ còn lại tôi và Dĩ Khang (tên của chàng), chúng tôi ngồi bó gối ở bãi cát vàng nhìn ra biển khơi mà nghe tiếng bom đạn, tiếng súng nổ thật gần. Tôi đã bớt xí xọn, tía lia cái miệng mà lắng nghe Dĩ Khang tâm sự về mình. Ba anh là một sĩ quan quân đội VNCH đã mất tích từ năm 68, đã có giấy báo tử nhưng anh biết rõ rằng ba anh còn sống. Có một đêm khuya, mẹ và anh đã nghe trộm đài Hà Nội trong Radio, đúng là tiếng nói và tên của ba anh, nhắn cả nhà là ba vẫn còn sống và được đối xử rất tốt ở miền Bắc. Tôi nhìn gương mặt Dĩ Khang, đôi mắt u buồn nhìn rất đỗi xa xăm mà thương cảm.

Những ngày còn lại của tháng Ba, tôi cùng anh em di tản trước vào Ngã Ba Thành tị nạn. Ba tôi vì thương cho nhà bác, nhà cô, nhà cậu của tôi nên đã quay lại chuyến chót để đưa họ đi. Chiến tranh khốc liệt mỗi lúc một cận kề. Chuyến xe cuối cùng chở ba tôi, mẹ tôi, chị tôi và bà con nội ngoại đã đi giữa lằn tên mũi đạn kinh hoàng. Cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc. Tôi đã cảm nhận được nỗi hãi sợ chiến tranh, tôi thấp thỏm lo âu và cầu nguyện từng phút. Có lẽ Bồ Tát đã nghe được tiếng cầu nguyện của tôi nên đã đưa chuyến xe của ba đến Ngã Ba Thành  bình an. Ba mươi, tháng 3 thị xã Quy nhơn hoàn toàn thất thủ, quân Bắc Việt lần lượt tiến vào Nam.

Ba mươi tháng 4 Sài Gòn lại thất thủ, toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam rơi vào tay Việt Cộng.

Những ngày tháng di tản, cả nhà chúng tôi sống chật vật thiếu thốn, nên ba tôi quyết định chở cả dòng họ quay về. Nhờ có xe tải của nhà, chúng tôi về đến Quy Nhơn trước  nhiều gia đình. Trên đường về tiếng súng đã lặng yên nhưng hai bên đường xác người nằm la liệt. Những người lính thất thủ chạy ra đón xe ba tôi xin nước uống thức ăn. Những người lính Cộng Hòa còn mặc áo chiến  nằm chết la liệt bên đường không một nén nhang, không một giọt nước mắt của người thân bên cạnh. Xe về đến Qui nhơn vào buổi tối, thành phố cúp điện tối đen, không một bóng người. Một thành phố đầy âm khí, chết chóc bao trùm.

Đêm ấy rất dài tôi không ngủ được. Trời vừa hửng sáng tôi đã dậy và đi ra khỏi nhà, lang thang một mình ra biển, đến trường. Cổng trường Nữ mở toang, hoang vắng, xác người nằm chết trong sân dưới hàng dương liễu la liệt. Sát cổng, những nấm mộ chôn vội vàng trong sân hoang lạnh cũng không một nén nhang. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cổng chỉ một mình, không dám vào sâu trong trường. Tôi lại đi dần ra biển, chiếc xe tăng giao tranh trong cuộc chiến nằm sát trong bờ sóng vỗ. Xác người lính nằm chết thê lương. Biển hôm ấy sóng vỗ rất to, dập dềnh vào bờ cát trắng, xác những người lính chết oan thê thảm. Trời tháng Tư không nắng mà u sầu, biển tháng Tư mà không người đi tắm, phố tháng Tư bên đường cây cối xác xơ. Nhành Phượng vĩ chưa nở hoa đỏ. Tôi lặng buồn nước mắt nuốt vào tim.

Mấy tháng sau biến động, người người về lại chốn quê nhà. Lịch sử đất nước đã sang trang, tôi tiếp tục đến trường để học.Trường của tôi bây giờ không còn là trường Nữ như xưa, mà trộn lẫn tất cả trường khác có cả nam sinh. Các bạn xưa đã tứ tán không còn chung lớp cũ, thầy cô giáo cũng đã thay người mới. Tất cả đã đổi thay, có kẻ được người mất, khóc cười bên nhau. Linh Lan theo gia đình chuyển hẳn vào Nam, ba của Lan là một Việt Cộng nằm vùng có công rất lớn với chế độ đương thời. Nhà Dĩ Khang thì ngược lại, thuộc diện ngôi nhà của người “có tội với nhân dân” nên không được ở đó nữa mà ở một căn nhà khác nhỏ hơn, chờ ngày đi “kinh tế mới”. Giàn hoa giấy và bảng hiệu Đồng Ý đã bị phá bỏ, nhà bị trưng dụng ngăn thành nhà tập thể cho cán bộ ở. Ba anh cũng mất tăm không có ngày về. Dĩ Khang cùng gia đình đi vượt biển nhưng không thành, bị bắt. Cả ba chúng tôi mất liên lạc nhau từ đó.

Tôi học tiếp ba năm Cấp Ba, học hành sa sút. Tôi thi rớt đại học, giấy báo “nghĩa vụ lao động” thay cho giấy báo đậu đại học đã làm cho ba tôi rất lo lắng. Cuối cùng nghe lời ba, tôi nộp hồ sơ vào Sư Phạm vì lúc này ngành giáo rất thiếu. Tôi trở thành cô giáo ở miền núi xa xăm với đám học trò nhỏ của mình. Rồi tôi bỏ dạy lấy chồng, sinh con, rồi... cô độc một mình với những ngày vất vả nuôi con... Tôi không có thời gian thơ thẩn như xưa, tôi quên hết những ngày xưa xa xôi ấy...

Năm năm sau ngày tôi lấy chồng, tháng 9 năm 1985 trong một đêm khuya khoắt, đứa con gái út của tôi bị sốt rất nặng. Hồi đó thuốc thang rất hiếm, trước đó tôi đã bồng cháu đi khám chui ở nhà bác sỹ tư. Vì khám chui nên bữa được, bữa mất, đến phút cuối bác sĩ lắc đầu và bảo cho cháu nhập viện. Ba cháu không có nhà, tôi gởi đứa con lớn cho bà ngoại rồi bồng đứa bé đi trong đêm đến bệnh viện. Con gái tôi chỉ mới 9 tháng tuổi, cháu nằm phòng Cấp cứu. Cái đầu tròn trắng lơ thơ mấy sợi tóc, bác sĩ đã tiêm thuốc thẳng vào các đường gân xanh trên đó. Hồi ấy tôi gầy nhom, má hóp,  hai mắt trõm lơ, không thiết gì ăn uống, dán mắt vào cửa kính của bệnh viện thắt thỏm từng giây.

Qua đêm sau, một người đàn ông bế xốc đứa con của mình nhập viện. Đứa bé sốt cao cũng nằm phòng cấp cứu như con tôi. Tôi sững người khi nhận ra người đàn ông ấy chính là Dĩ Khang. Cả hai chúng tôi cùng nhận ra nhau, nhưng trong giờ phút căng thẳng của phòng cấp cứu, chúng tôi không nói được nhiều lời với nhau. Con gái tôi lúc đầu phát bệnh là viêm phế quản nặng, nhưng khi nhập viện thì tôi chẳng biết cháu bị bệnh gì. Con trai anh lớn hơn con tôi 1 tuổi, cũng bị bệnh y như vậy.

May mắn cho tôi đêm ấy tôi gặp BS Tính. Ông ấy là bác sĩ miền Bắc đi du học ở nước ngoài về. Tôi quen được vì bác sĩ ấy là chồng của bạn tôi. Tôi đã nhờ Bác Sĩ Tính giúp cho tôi. Bác sĩ vào phòng cấp cứu và khám cho các cháu khoa Nhi. Biết rõ bệnh của con gái tôi, BS Tính đã ra ngoài nói nhỏ với tôi "Bệnh của cháu phải dùng thuốc ấy (tôi không nhớ thuốc gì) thì chữa kịp thời. Nhân đó anh cũng hỏi BS Tính khám cho con anh, bác sĩ bảo cháu cũng như thế, rồi bác sĩ ghi toa thuốc cho tôi đi mua. Nhưng thuốc này mua rất khó, vì năm đó việc buôn bán thuốc không được cho phép chỉ toàn là bán chui. Thấy vậy Bác Sĩ Tính mang cho tôi 2 chai để chích cho cháu, nhà bác chỉ còn mỗi 2 chai. Tôi nhìn đôi mắt thắt thỏm của Dĩ Khang lúc đó đầy sự khổ đau van nài, câm nín.
- Bác sĩ ơi chuyền 1 chai có đủ không ạ ?
- Có thể mà cũng không thể, vì nếu sức đề kháng tốt cháu sẽ qua.

Không lúc nào tôi thương đứa con gái bé bỏng của tôi bằng lúc này, tôi không thể đánh cược mạng sống của con tôi, tôi phải dành trọn cho con tôi. Lòng tôi giằng xé, tâm tôi bần thần đau khổ khi nhìn Dĩ Khang bật khóc. Một người cha, một người đàn ông khóc, thật đau lòng.

Nhưng may quá, con gái tôi đã hồi tỉnh khi chỉ chuyền mỗi một chai thuốc. Đắn đo và suy nghĩ, cuối cùng tôi đưa chai còn lại cho anh. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm, còn anh thì cầu Chúa nhân từ cứu giúp. Cả hai chúng tôi quỳ gối giữa trời mà cầu nguyện theo cách riêng của mình. Có lẽ lòng thành của chúng tôi đã thấu được đấng trọn lành nên đã cứu sống hai cháu, an toàn cho đến ngày xuất viện.

Bồ Tát đã giúp tôi vì tôi đã làm một việc ngoài hẳn sức của tôi. Có lẽ nhờ cái ân đức đó mà đứa con gái của tôi sau này lớn lên trở thành một cô gái tuyệt vời. Rất ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi. Nó chính là ngôi sao thắp sáng cho cuộc đời đầy bóng tối của tôi. Ra bệnh viện tôi và Dĩ Khang lại chia tay nhau, đầy thương mến, ngậm ngùi.

Rồi thời gian trôi đi, 18 năm sau, với bao điều thay đổi. Các con tôi đã vào đại học ở Sài Gòn. Nhà của ba má tôi đã bán không còn ở chỗ cũ. Tôi đã trở thành một cô bán hàng ở chợ để nuôi con, tôi đang sống cùng mẹ ở Qui Nhơn. Dĩ Khang trở về, dắt theo cậu con trai năm xưa để tìm tôi. May sao, những người bên cạnh nhà ba má tôi biết tôi bán ở chợ nên chỉ giúp cho, nhờ đó nên anh đã tìm ra tôi. Con trai anh lúc này đã 20 tuổi, cao lớn, đẹp trai. Chắc được nhắc đến nhiều lần, được nuôi dạy kỹ, cháu khoanh tay, quỳ gối cảm ơn tôi và gọi tôi bằng mẹ. Tôi mừng vui và xúc động vô cùng. Đây là lần cuối cùng chúng tôi được gặp lại nhau, cha con anh đã có được giấy bảo lãnh đi Mỹ. (thời đó tôi sống khó khăn và lạc hậu chưa biết xài điện thoại, nhà thì đang tranh chấp chỗ ở chưa ổn nên tôi mất hẳn liên lạc nhau).

Đêm cuối cùng Dĩ Khang đưa tôi, mẹ tôi và con trai anh cùng đi ăn ở một nhà hàng nơi khu đầm Đống Đa. Rồi chúng tôi ngồi ở bờ kè Phan Đình Phùng hóng gió. Dĩ Khang ngập ngừng dường như muốn nói điều gì với tôi. Tôi hỏi bâng quơ :
- Anh còn nhớ Linh Lan không ?
- Nhớ chứ em, anh nhớ rõ cả những ngày tháng cả ba chúng ta bên nhau thời xa đó. Nhưng T. ơi, biết là muộn rồi nhưng anh muốn nói thật lòng với em một điều sâu kín nhất trong lòng anh. Người mà anh nhớ và yêu nhất đó là em. Anh biết rõ lòng mình từ năm 75, lúc Quy Nhơn còn trong biến động. Em ấm áp, hiền hòa và như một thiên thần mà Chúa đã gởi tới cho anh... Ngày ấy anh biết rõ người viết thư cho anh chính là em, linh hồn của em đã gởi trọn trong đó. Ngày ấy đã bao lần anh muốn ngỏ cho em, nhưng anh không dám, em như lá ngọc cành vàng còn anh thẳm sâu bóng tối.
- Cảm ơn anh đã nghĩ đẹp về em. Giá như hồi đó mà anh nói với em, có lẽ em sẽ đợi anh về dù cho lúc đó anh có đi kinh tế mới, anh có đi tù. Nhưng số trời đã định anh ạ và tất cả đã qua rồi, ta đã sống và chấp nhận hết những gì ta có mãi cho đến hôm nay. Lâu rồi cũng quen và ta cũng vẫn còn được hạnh phúc khi còn ngồi lại bên nhau an lành.

Từ đêm chia tay cuối cùng ấy chúng tôi xa nhau - xa mãi cho đến bây giờ. Tôi mang kỷ niệm ấy, cất sâu tận đáy lòng mình, trân trọng và thương yêu mãi. Một kỷ niệm xưa trong đời tôi có được để nhớ nhung. Tôi vẫn mong, cõi đời này còn cho chúng tôi có được mối duyên Lành để còn gặp lại nhau lần nữa, nhưng con đường đi còn lại đã ngắn dần cùng với thời gian...

Tạ Thái Thanh
(Quy Nhơn, 12/4/2018)

* Tên của tất cả những nhân vật trong bài viết đã được thay đổi vì quyền riêng tư của mỗi người.

www.lientruongquinhon.com/

No comments:

Post a Comment