Những ngày bị thương nằm Tổng Y Viện Cộng Hoà - Nguyễn Khôi Việt

Trên Facebook ngày hôm nay, một người bạn tag cho tôi bài Cây đàn bỏ quên. Vũ Khanh hát. Chợt nghe bồi hồi, thấy như màn sương ký ức đang kéo dần qua một bên để tâm hồn ngoảnh lại nhìn mảnh thời gian vàng cũ.
Tháng 4 năm 72
Nằm cạnh cửa sổ, bên ngoài là hành lang, nơi khu điều trị có tên Tổng Quát 7 của Tổng Y Viện Cộng Hoà. Phòng tương đối rộng, chứa được 3 giường. Tôi may mắn được nằm ngoài bìa. Nhìn lên mái nhà lợp ngói, rợp bóng lá Me, Điệp xanh mát, lúc này những vết thương đã bớt đi phần nào đau đớn, tôi đợi chờ nghe những bài hát yêu thích vẳng ra nhè nhẹ từ những chiếc loa nhỏ đặt dọc theo mái nhà ngoài hành lang. Hồi ấy, tôi vẫn nghĩ là có lúc tôi phải lên chỗ phòng phát thanh, để biết ai là người đã cho phát thanh những băng nhạc rất hay mà tôi, và có lẽ nhiều người khác cũng yêu thích. Người đó chắc hẳn cũng đẹp trai. Hoặc đẹp gái. Và biết thưởng thức âm nhạc. Tôi nghĩ thế. Luôn để nhạc bắt đầu khoảng 11 giờ sáng. Rất êm dịu, vừa đủ nghe. Đôi khi ngưng khoảng nửa tiếng như để những đôi tai ghiền nghe nhạc háo hức đợi chờ. Buổi sáng. Sau khi những thương bệnh binh đã chấm dứt xong phần khám bệnh, thay băng. Cũng là lúc những bài hát tiền chiến, Trần Thiện Thanh, Phạm Duy, bắt đầu cất lên. Ngày ấy tôi hay nằm đợi bài Cô hàng nước, Cô hàng chè xanh. Cô hàng cà phê. Sĩ Phú hát. Còn bài Cây đàn bỏ quên thì Duy Trác hát. Phải chăng vì vậy mà tôi có giọng hát giống Sĩ Phú. Bạn bè nói vậy. Tôi thì chẳng bao giờ nghĩ mình được như Sĩ Phú. Anh có giọng hát trầm ấm lôi cuốn người nghe. Một người khiêm tốn và nghệ sĩ. Còn tôi chẳng là gì cả. Cho đến bây giờ vẫn tiếc là ngày ấy không đi lên phòng phát thanh coi người phụ trách âm nhạc ấy là ai? Nam hay nữ mà để nhạc có " tâm hồn" quá chừng.
Nằm nhìn qua cửa sổ thật là thú vị. Thấy buổi trưa, chiều, và tối qua dần. Bên ngoài những hàng cây râm mát là con đường nhỏ, đôi khi có những tà áo dài dìu người yêu, hay chồng, tay chân băng bó, hoặc ngồi trên xe lăn, đi chầm chậm. Thật trữ tình và đẹp đẽ như câu hát: gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè...
Nếu nhìn xa hơn một chút. Bên kia con đường. Là khu Tiết niệu hàm mặt nơi những người được điều trị vì những vết thương trên mặt và đường bài tiết. Họ ít khi ra ngoài. Có lúc tôi bắt gặp họ ngồi đó. Gục đầu, buồn bã.
Nhưng cũng không thiếu những ông "quỷ một giò" nhảy cà tưng dọc theo hành lang giỡn hớt làm nhiều cô nhìn phát sợ. Lâu lâu có vài chàng ngồi xe lăn chắc buồn quá nên rủ nhau ra...đua xe, hoặc chạy một bánh dọc theo hành lang.Lính mà.
Xa hơn nữa về phía tay trái. Là khu Tổng Quát 4. Là nơi những thương binh bị cụt chân hay tay. Đã điều trị lành và đang đợi tái khám hoặc ra hội đồng Y Khoa. Họ cũng ít ra ngoài. Không như bên trại của tôi là những thương binh không nặng lắm. Nên sau vài tuần là đi tới đi lui như giặc, ngồi ngóng người yêu hoặc người nhà tới thăm. Đám lính tráng chúng tôi thằng nào cũng khoảng 24, 25 đổ lại, đa số đều có người yêu chứ rất ít thằng có vợ.
Nên mấy tay độc thân được hưởng cái hạnh phúc là ngắm và tán dóc với người yêu của... người khác.
Vì vậy không lạ lắm mỗi khi tôi có người đẹp đến thăm. Vô số tên lạng qua lạng lại trước cửa phòng, hoặc giả vờ vào hỏi chuyện rồi ngồi luôn tán dóc. Không cần biết rằng sự có mặt của họ vô cùng thừa thãi, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thì giờ vàng bạc của đôi trẻ.
Nằm chung phòng với tôi là một trung uý chi đội trưởng chiến xa đánh ở Bình Long. Khi tôi tỉnh lại hai ngày sau khi đưa về từ chiến trường, thì anh cũng được đưa từ phòng hồi lực sang. Bị thương vì bị trúng B40 , phải cưa một chân ngang ống quyển. Chắc vẫn còn đau nên rên la mê sảng cả đêm, không biết kẹt ở mặt trận bao lâu mà sáng hôm sau, khi người y tá gỡ băng rửa vết thương cho anh, dòi rớt ra cả chục con. Tuần lễ sau đỡ dần. Người bạn thứ ba cùng phòng than thở: hai ông kêu la cả đêm, hết người này (tôi) gọi Pháo binh xong thì cha Thiết giáp kia kêu bắn trực xạ. Anh này ở vùng 4. Thiếu uý an ninh quân đội. Chở vợ đi chơi bị té xe. Vợ không sao. Chồng bị đập đầu xuống đường, bể sọ may không chết. Nằm cũng được 3 tuần rồi. Nhiều lúc mê sảng toàn nhắc tới đồ nhậu. Trong đó có món rắn xào bầu. Lâm, anh bạn thiết giáp nói với tôi: Mẹ! Thằng đó chắc nhậu dữ lắm nên nhắc món nhậu hoài. Mà rắn xào bầu đâu có ngon. Thây kệ, lâu ngày nó thèm. Tôi nói.
Khi cái chân bình phục, ăn da non, tấp tểnh chống nạng đi được rồi Lâm bắt đầu cười nói ồn ào.. Anh tướng tá to lớn bậm trợn. Nói năng thiệt thà. Kể chuyện lúc chỉ huy và đụng trận không biết mệt. Nhưng tôi nhìn thấy, sau những niềm vui mà anh đã có với bạn bè trong những lúc nguy nan, và hăng say quên mình nơi nhiệm vụ. Là nỗi buồn u uẩn cố nuốt xuống của anh. Vì hơn ai hết, anh biết rằng anh không thể còn trong quân ngũ được nữa. Anh đã là một thương phế binh. Ý nghĩ đó nhói lên như mũi dao đâm vào ngực khi tôi nghĩ tới cánh tay phải bất động của mình. Nên tôi chí cốt tập vật lý trị liệu. Sau mấy lần nghỉ 29 ngày tái khám, cánh tay tôi hồi phục khá nhiều, tuy vậy vẫn phải làm đơn xin về phục vụ đơn vị cũ, vì "bị" cho ra loại 2 không tác chiến.
Lúc tỉnh lại. Cảm giác đầu tiên là đau và khát nước kinh khủng. Tay đang được truyền máu. Em đang ngồi một bên, mắt khóc lo âu. Cho anh uống nước, không chết đâu. Tôi nói.
Và em cho tôi uống hết chai Lemonade. Em nói. Anh mê man suốt hai ngày rồi. Bác sĩ dặn lúc anh tỉnh dậy chỉ cho uống từng muỗng nước thôi, sợ vết thương ra máu.
Sau đó tôi mới nhìn thấy Hiếu. Người lính mang máy truyền tin của tôi ngồi cuối giường. Người vẫn còn quá yếu, nhìn gì cũng lờ mờ. Tôi lại thiếp đi sau đó. Cả tuần lễ sau em phải đỡ tôi mới ngồi dậy được.
Đại đội phó của tôi cho Hiếu ở trong bệnh viện để chăm sóc tôi, thời gian đầu. Được tuần lễ sau khi tôi tỉnh lại, nó buồn nhớ đơn vị, muốn về. Tôi nói để tao viết trong tờ Sự vụ lệnh của mày, xin ông Toàn (đại đội phó, giờ đang xử lý thường vụ đại đội trưởng) cho ở đây ít ngày nữa. Dưới đang đánh lớn, về bây giờ là lên bàn thờ ngồi đó mày. Đại đội tôi thương vong gần hết sau hơn một tháng trời giao tranh. Hiếu tánh tình hiền lành nhưng gan lì. Hạ sỹ nhất mang máy truyền tin. Sau một thời gian tôi chỉ dẫn. Nó có thể chấm toạ độ rất chính xác để tôi xin bắn pháo binh, lúc đang bận rộn bố trí đội hình tác chiến với với các trung đội trưởng khi đụng trận. Nhưng tới cuối năm 73, trong một trận đi đột kích đêm. Nó bị một viên đạn ngay tim. Lúc tấn công tôi chạy phía trước, nó mang máy chạy sau. Chẳng hiểu sao đạn lại trúng nó chứ không trúng tôi. Đúng là trời kêu ai nấy dạ.
Hàng ngày, vào khoảng 8 giờ sáng là giờ y tá đến thay băng. Hai ông y tá một ốm một mập, cả hai đều sanh ở miền Tây, vừa thay băng vừa nói chuyện vui, chắc để bệnh nhân đỡ đau khi nghe chuyện. Họ làm việc cẩn thận và gọn gàng, nhiều lúc tôi phát la lên vì anh giựt băng cũ ra quá nhanh. Anh còn cười và nói: sao tui không thấy đau gì hết. Nhưng sau đó anh giải thích, tuỳ theo chỗ, có chỗ nếu gắp băng ra từ từ tôi sẽ đau hơn. Tôi cũng đồng ý với anh. Tôi thường xin anh thuốc ngủ và thuốc giảm đau Darvon vì các vết thương hành đau dữ quá. Anh cho tôi loại thuốc ngủ gì tôi không nhớ tên, nhưng rất mạnh vì chỉ khoảng năm mười phút sau khi uống là ngủ liền.
(Edit: mới nhớ lại đó là Seconal. Một loại thuốc an thần rất mạnh và nguy hiểm. May quá không chết)
Những khu nhà nguyên thuỷ của Tổng Y Viện đều là những kiến trúc của Pháp. Nhìn chắc chắn và mỹ thuật. Một căn nhà như vậy gồm 20 phòng, kể cả phòng của y sỹ trưởng và phòng của y tá. Sơn vàng, mái lợp ngói. Như màu của bưu điện Sài Gòn ngày xưa. Vì tình hình chiến sự leo thang, nên đã xây thêm khu Tổng quát 3, lớn hơn. Và hai tầng chứ không như khu nhà cũ. Tôi lại không thích mấy, vì họ xây theo kiểu Mỹ, nhìn thoáng đãng và sạch sẽ nhưng tương phản với những ngôi nhà xung quanh. Tổng Y viện có hệ thống loa phát thanh thiết kế rất đầy đủ để có thể gọi tên bệnh nhân trong trường hợp cần thiết, khi họ lang thang qua câu lạc bộ hay thăm bạn bè ở dẫy khác. Phan Nhật Nam cũng nằm điều trị tại đây một thời gian ngắn. Tôi nghe nhiều lần loa gọi: "yêu cầu đại uý Phan Nhât Nam hiện đang ở trại nào, xin trở về Tổng quát 7 gấp. Có y sỹ trưởng cần gặp". Tôi thì biết chắc chắn anh đang ở... nhà. Ở trong bệnh viện buồn quá, lúc sức khoẻ khá hơn, tôi cũng "dù" về nhà vài lần. Mặc dầu có Quân cảnh gác nhưng năn nỉ họ cũng cho ra hoặc làm lơ. Mấy cha thương bệnh binh mà, để họ về nhà cho gia đình vui. Một người Quân cảnh thân với tôi đã nói như vậy.
Cuối tuần. Hai ngày thứ bảy và chủ nhật hay có những phái đoàn của học sinh các trường trung học thường xuyên nhất là Gia Long tới thăm và tặng quà cho lính. Tất nhiên là lính rất khoái vì ngoài quà tặng còn được những người đẹp tới trò chuyện, đôi khi có ca hát "bỏ túi" rất là "ấm lòng chiến sĩ". Nhiều mối tình tất nhiên đã nở ra. Phái đoàn của Hạ viện thường đi với phu nhân của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một phái đoàn thăm thương bệnh binh rất thường xuyên. Đặc biệt phải nói về phu nhân Đại tướng Cao văn Viên, ngày nào bà cũng vào làm việc ở khu Ngoại thương, chứ không chỉ thăm cuối tuần như những phái đoàn khác. Bà đích thân thay băng, săn sóc cho thương binh, lo lắng cho họ như một người thân trong gia đình.Tấm lòng cao cả đó, không phải là hếm, vì tôi cũng được nghe nói về nhiều người khác, vì không nhớ và không biết chi tiết nên không tiện viết lên đây mà thôi.
- Tôi vẫn còn nhớ một cô tên Mai. Thật dễ thương, đẹp và gần gũi với lính. Mỗi lần tới thăm tôi đều được cô cắt móng tay, có một lần hớt tóc nữa.
Cơm nhà thương cũng không tệ. Lúc nào cũng có canh, rau xào và món mặn như thịt kho trứng, cá chiên, hay một miếng gà chiên hoặc kho. Kho là nhiều nhất trong tuần, vì chắc dễ làm hơn. Trưa và chiều, hai bác nhân viên đẩy xe đồ ăn dọc theo hành lang mang tới tận giường. Nhưng chắc vì thành kiến với cơm bệnh viện nên nhiều tay bệnh binh vẫn ngóng đợi cơm nhà, hoặc mò xuống hội quán của Tổng y viện ăn mì, hủ tíu. Nên xe cơm của hai bác thường là ế. Khi đêm xuống, đôi khi cũng có người bán mì gói, cà phê, bánh ngọt. Lâu lâu tôi mới gặp họ đi ngang chỗ nằm.
Tôi số hơi cực. Ra vào Tổng Y Viện cũng mấy lần. May không có lần nào bị nặng. Và cũng thuộc loại "con bà phước" nên ngoại trừ khi có người quen vô thăm, thì cũng ngồi tương tư những bóng hồng đó mà thôi. Lính thật ra chẳng phải hào hoa, ngon lành như trong mấy bài hát của Hùng Cường-Mai Lệ Huyền. Đi chiến đấu cực khổ, chui rừng rúc bụi, đưa ba mươi sáu cái xương sườn ra đỡ đạn. Lúc về thành phố đa số thằng nào cũng thấy cô đơn. Túi tiền thì ít. Nên sinh ra mặc cảm. Từ đó sinh ra đánh lộn đánh lạo phá phách. Không ít thằng đi tác chiến coi đơn vị là gia đình thứ hai. Trong đó có tôi. Đời lính sống chết làm cho anh em thầy trò thương nhau. Cái tình cảm đó khó diễn tả thành lời. Mỗi khi sinh hoạt đơn vị hàng tuần, chúng tôi thường hay hát bài Ly cà phê cuối cùng: Mình trăm đứa hôm nay gặp nhau, bên ly ba xi đế...Hay bài hát: mình có ba người, ba đứa chết ba nơi, nên không bao giờ gặp nữa. Lạ một cái là trong những bài hát sinh hoạt đơn vị lại có bài "Tổ quốc ơi tôi đã nghe" của La Hữu Vang, một nhạc sĩ rất khuynh tả hồi đó. Quân đội và văn nghệ miền Nam không phân biệt là bài ca của phe ta hay phe địch. Miễn hay là nghe và hát thôi. Những ngày bị thương, nằm vừa đau vừa nhớ đơn vị quay quắt. Đại đội phó và hai trung đội trưởng của tôi tử thương. Đại đội trên trăm người, lớp chết lớp bị thương còn lại có hai mươi mấy người. Phía Bắc quân thiệt hại nặng nề, vì lính của họ đa số đều trẻ quá, không có kinh nghiệm chiến trường nên trong nhiều trận đụng độ, phe ta chiến thắng dễ dàng. Những thương binh và tù binh chúng tôi bắt được chỉ toàn ở trạc tuổi 15,16. Vậy mà đưa PallMall cho hút, lại chê là không ngon bằng Thăng Long. Loại thuốc lá đó chúng tôi đâu lạ gì, hút thử cho biết mà chẳng ai hút được vì khét lẹt, dở vô cùng. DM, thuốc đó hôi khét, xách dép cho Bastos xanh của tụi tao. Thằng em mang máy chửi.
Nhưng điều đáng nói là vũ khí của họ đều mới toanh, và rất "hiện đại" nói theo kiểu bây giờ. Từ trung liên RPD, AK47, súng B40, B41, máy truyền tin, đều mới như vừa lấy trong hộp ra. Có 2 khẩu súng cối 61mm dã chiến mà sau khi quan sát, tôi nhận thấy gọn nhẹ và linh hoạt, ở chỗ bộ máy nhắm gắn thẳng vào thân súng. nên bắn rất nhanh so với súng cối 60mm của mình. Đặc biệt nhất trong số vũ khí chiến lợi phẩm là 2 khẩu 82 không giật, loại súng mà lần đầu tiên chúng tôi nếm mùi lợi hại của nó. Sau này, trong trận đánh năm 74 tại Đồng Ớt, Trảng Bàng, họ bắn chúng tôi với một loại súng không giật khác. Chẳng biết hình dáng mặt mũi nó ra sao. Từ tiếng đề pa đến lúc nổ nhanh như chớp. Chỉ lấy được chuôi đạn, áng chừng nó cỡ chừng 100 mm. Giao lại cho phòng 2 Tổng Tham Mưu. Rồi sau cũng chẳng thấy trả lời là đạn của súng gì?
Vì vậy khi đụng trận,bên "phe ta" chỉ nghe tiếng M16 và tiếng lóc cóc của phóng lựu M79. Thì bên kia là B40, B41, 82 không giật, nổ rền trời như sấm. Cay đắng mà nhìn nhận rằng.Từ năm 72. Vũ khí của chúng ta thua xa so với họ. Thế nhưng từ mùa hè đỏ lửa 72 đến đến đầu năm 75, chúng ta đã thắng trận tất cả những trận đánh trên toàn quốc.
Đơn vị tôi thường đi đánh giải toả những thôn làng bị Cộng quân đóng chốt, từ đó tôi nhận thấy người dân những vùng "xôi đậu" ngày Quốc Gia, đêm Cộng sản, họ khổ trăm bề. Tính mạng họ nói nôm na là treo sợi tóc vì những bom đạn oan khiên có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, tôi đã thấy cái chết của những thiếu nữ trong tuổi thanh xuân, chết ngậm ngùi như "Người con gái Việt Nam da vàng" của Trinh Công Sơn. Hôm đánh "chốt" trước khi bị thương khoảng hai tuần. Khi chiếm được bìa ấp, một thằng em bắn M72 vào một căn nhà ngói nhỏ vì thấy đạn AK sau nhà bắn ra. Xong ập vào lục soát kéo lên từ hầm trú ẩn hai ông bà già lưng còm trơ xương, lập cập khóc lạy ông quan tha mạng. Con cái không có, giặc vào không có sức mà chạy. Mà chạy chưa chắc họ cho đi. Giữ dân lại để làm lá chắn, đó là chiến thuật sở trường của họ. Tôi bỏ ra hông nhà đứng nhìn cây rơm cháy dở chẳng biết nói gì. Móc túi còn được đâu nửa tháng lương, đưa cho ông bà cụ như phần nào bù đắp. Chiến tranh mà, họ biết kiện cáo ai bây giờ. May mà không chết vì đạn hỏa tiễn M72. Đơn vị hành chánh sở tại sẽ giúp đỡ làm lại nhà cửa cho họ. Còn mất mát về nhân mạng thì không thể bù đắp được.
Chiều đó sau khi mục tiêu kết thúc. Bố trí quân nằm lại, tôi uống một ly cà phê trong khẩu phần Ration-C. Nghe bài "Giọt nước mắt cho quê hương" từ chiếc máy cassette nhỏ luôn mang theo trong ba lô, thấy quê hương tôi đầy đêm đen và những đám tang. Một đất nước luôn chiến tranh với những con người khốn khổ. Có nằm trong bệnh viện, đau đớn với những vết thương, nhìn những giọt máu được chuyền vào thân thể đang khô cạn sinh lực. Mới cảm nhận thấy thế nào là "khô dòng máu châu thân". Và "dân mình phận long đong"
Và dân mình vẫn long đong từ đó tới giờ. Chưa kể là chưa biết chừng nào sẽ rơi vào tay Tàu cộng.
Nguyễn Khôi Việt.
Source: www.aihuupbcthanthiet.com
No comments:
Post a Comment