Mặt Trận Đại Học-Bạch Diện Thư Sinh (Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo)
Hoàng Lan Chi
Điểm Sách “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư Sinh
Tôi thích sự tình cờ.
Một tình cờ, tôi gặp được “sư huynh” LêAnh Kiệt trên đường thiên lý net. Bài phỏng vấn chào đời sau đó đem nhiều thích thú cho bạn đọc. Đơn giản: vấn đề mới. Đó là “mặt trận đại học” nghĩa là Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo của VNCH đã thiết lập Ban A 17 và Ban này đã thành công rực rỡ trong việc chống lại sự thâm nhập của cộng sản vào hàng ngũ sinh viên học sinh.
Sư huynh Lê Anh Kiệt nhờ bạn đem đến tặng tôi sách của Bạch Diện Thư Sinh. Nhìn cái tựa “Mặt Trận Đại Học Thời Việt nam Cộng Hòa”, tôi thấy hấp dẫn và mail cho sư huynh Kiệt “HLC sẽ đọc ngay.” Sau khi xem sơ tôi nhờ Kiệt nhắn cho tác giả vì tôi muốn được trò chuyện trước khi phỏng vấn. Mở ngoặc, đọc đến cuối sách của Bạch Diện Thư Sinh BDTS, tôi mới thấy có trích đoạn một phần của bài tôi phỏng vấn Lê Anh Kiệt.
Thì cũng coi như một tình cờ khác.
Chúng tôi, Bạch Diện Thư Sinh và Hoàng Lan Chi trò chuyện hơn một giờ. Nhưng cuối cùng thì Bạch Diện Thư Sinh nói rằng, anh không muốn phỏng vấn. Những gì muốn nói, muốn kể, muốn chia sẻ, tất cả có trong sách. Anh nói, như Lê Anh Kiệt cũng từng nói trong bài trả lời Hoàng Lan Chi trước đây, mặt trận đại học là một mặt trận tình báo và họ, những người tham dự là những người “làm việc trong bóng tối và cũng sẽ chết trong bóng tối”. Họ, chỉ muốn chứng minh rằng, họ cũng đóng góp cho quốc gia. Họ, không trực tiếp cầm súng ngoài chiến trận nhưng họ chiến đấu trong mặt trận chìm. Cuộc chiến đó, đôi khi là cuộc chiến giữa đầu óc với đầu óc. Sinh mạng giới sinh viên cũng từng bị tước đoạt như Lê Khắc Sinh Nhật. Họ, sau khi vc cưỡng chiếm miền Nam, bị vc thù hằn, đày ải, có khi nặng hơn người quân nhân ngoài tiền tuyến. Do đó, BDTS xin tôi hãy chỉ giới thiệu sách mà thôi. Anh cũng thành thật cho biết, có lẽ do tính cách “mới” nên 400 cuốn vừa in, đã gần hết. Bạn bè cùng giới đã mua rất nhiều.
Cá nhân tôi chỉ đồng ý một phần với BDTS. Tất nhiên, tôi tôn trọng quyết định của anh nghĩa là tôi không phỏng vấn anh nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng, với tôi, phỏng vấn người A không có nghĩa “show off” người A. Câu hỏi từ tôi, câu trả lời từ người A, sẽ quyết định là có “show off” hay không. Nếu ai chú ý theo dõi một số bài phỏng vấn của tôi sẽ thấy: tôi cố gắng đưa nhiều tài liệu đến độc giả. Tất nhiên tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm trên câu trả lời của họ. Tôi không cho người kia tự “show off” nhiều mà chính là tôi giúp họ điều đó nếu xét ra những cái “show off” đó làm tăng thêm giá trị cho họ, cho cả bài phỏng vấn và có tính cách “điểm xuyết” cho bài phỏng vấn chứ không hề làm giảm. Sau nữa, tôi nghĩ rằng, lịch sử là do mọi con người đóng góp. Viết lịch sử cũng là do con người viết. Điều mà mỗi chúng ta có nghĩa vụ đóng góp vào giòng lịch sử không ngừng chảy của dân tộc là hãy làm chứng nhân cho thời đại mình sống, cho việc mình làm, cho những sự kiện mình chứng kiến. Người có trách nhiệm viết lịch sử sẽ đọc tất cả, từ những “tai voi”, “đuôi voi”, “ vòi voi” để phân tích, tổng hợp và cuối cùng những giòng lịch sử chân chính nhất sẽ hình thành. Do đó, tự viết, hay trả lời phỏng vấn: với tôi là NGHĨA VỤ chứ không phải “show off”.
Một nét nhỏ trong buổi trò chuyện giữa BDTS và Hoàng Lan Chi: tôi thẳng thắn bày tỏ, cách đây nhiều năm, tôi có xem một bài trên net của anh. Tôi hơi bị “bối rối”. Lý do: nội dung là của “người mình” nhưng sao hình thức lại là “của Vc” vì những chữ Y thành I? Bạch Diện Thư Sinh giải thích: Cách viết đó không phải là của vc hay quốc gia, mà là nỗ lực tiến tới thống nhất chính tả tiếng Việt trong môn ngữ học. Anh nói anh viết I và Y như thế từ trước 1975. Đó cũng là chủ trương của GS. Đoàn Xuân Kiên (Anh Quốc) trong bài khảo cứu nhan đề “Nói Thêm Về Chữ I Và Chữ Y Trong Chính Tả Tiếng Việt” đăng trên tạp chí Định Hướng (HK) số 32, Mùa Thu 2002. Thế nhưng chuyện đó tôi biết Bộ Giáo Dục VNCH chưa chấp thuận cho phổ biến trong trường học trước khi chúng ta mất nước. Tôi cũng góp ý kiến rằng, với tình thế hiện tại, thì hãy nên chấp nhận những cái cũ của VNCH xưa khi viết sách nói về mặt trận đại học. Như thế độc giả dễ chấp nhận hơn. Không nên ôm đồm. Muốn phổ biến việc Y/I, dành cho bài khác và chỉ áp dụng khi được đa số chấp thuận. Đa số, nghĩa là nếu một người viết sách cho người quốc gia hải ngoại đọc, thì theo quy tắc cũ của VNCH. Còn nếu người đó viết sách cho vc hay người trong nước bây giờ đọc, thì có thể theo quy tắc của VC. Cho dù Y/I không phải độc quyền của Vc nhưng đại đa số dân chúng VNCH không biết, chỉ thấy VC dùng, thì sự kiện họ “dị ứng” với người dùng I thay Y là lẽ đương nhiên. Ở bầu thì tròn, nên áp dụng để độc giả không có cảm giác khó chịu khi đọc sách mình. Đó là sự tôn trọng độc giả, người sẽ đọc sách mình, trong một giai đoạn nào đó của lịch sử. Cá nhân tôi nghĩ thế.
TỔNG QUÁT
Mặt Trận Đại Học, MTĐH, của Bạch Diện Thư Sinh, do Tủ Sách Hoàng Sa phát hành. Ấn bản lần đầu tháng 12/2014. Sách dày hơn 400 trang, giấy trắng đẹp. Bìa giản dị, ba mầu nâu, vàng, trắng. Một hình biểu tình bạo loạn của sinh viên. Bên trong, đầu tiên là một trang vinh danh những sinh viên ngã xuống tại đại học hay bỏ mình trong lao tù cộng sản. Trang kế là Lời Giới Thiệu của GS Đỗ Khánh Hoan, Trưởng Ban Anh Văn ĐH Văn Khoa Sài Gòn. Tiếp đó là Lời Mở Đầu. Nội dung gồm 22 bài. Nhiều hình ảnh đặc biệt.
NHẬN ĐỊNH
Tôi cho rằng “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư Sinh ( Trần Vinh) là một cuốn sách có giá trị. Xếp vào loại sách tài liệu thì “có giá trị” là thước đo.
I-Giá trị Hình Thức:
Ưu điểm của MTĐH là hình thức rõ ràng, khoa học. Là người xuất thân khoa học, cá nhân tôi ưa chuộng những gì được sắp xếp theo khoa học. Sự ngăn nắp là điều kiện tiên quyết để sách được độc giả hiểu nhanh chóng. Hầu như 22 bài đều chung một “format”: Các dữ kiện trình bày theo từng mục, đa số theo thời gian, dưới cùng là nhận định của BDTS và vài hình ảnh. Các nhận định này được viết ngắn gọn theo kiểu 1, 2, 3.
Ưu điểm thứ hai của MTĐH là văn chương ngắn gọn. Hầu như đây là một “sử liệu” nên sự kiện được trình bày bằng ngôn ngữ rõ ràng, khúc chiết, không cầu kỳ, bóng bẩy.
II- Giá Trị Nội Dung
1-Chọn đúng nhân vật:
Trong Lời Mở đầu, BDTS cho biết: chủ đề rộng lớn, cần sự bổ túc thêm của nhiều người, chỉ chú trọng tới sự chiến đấu với Thành Đoàn CS trong mặt trận đại học và không chú trọng các sinh hoạt khác của tuổi trẻ, chỉ bàn môi trường đại học không nói tới trung học, hình ảnh đôi khi không được rõ vì bầm dập theo thời gian. Từ những điều trên, MTĐH xác định rõ mục tiêu: tập trung về 3 nhân vật tiêu biểu: Trần Bạch Đằng ( người chỉ huy cao nhất trong Mặt Trận Đô Thị), Huỳnh Tấn Mẫm (sinh viên vc nhiệt tình nhất, nổi đình đám nhất và cuối cùng bị bỏ rơi), Nguyễn Đăng Trừng(cán bộ trung kiên, vừa khôn khéo thâu đạt địa vị, vừa thủ đoạn để giữ quyền hành). Cá nhân tôi cho rằng, sự chọn lọc này của Bạch Diện TS là đúng. Cách đây nhiều năm, khi còn sống ở VN, tôi có đọc vài tài liệu về Thành Đoàn và hiểu rõ người tài ba, thông minh trong mặt trận đô thị chính là Trần Bạch Đằng. Về Huỳnh Tấn Mẫm, mọi người miền Nam trước kia đều biết. Riêng Nguyễn Đăng Trừng, có thể không nổi đình đám như Huỳnh Tấn Mẫm nhưng với tư cách người trong cuộc, Bạch Diện Thư Sinh đã điểm trúng huyệt. Ba con người tiêu biểu cho cộng sản. Sự đào sâu, trình bày cặn kẽ về cuộc đời ba người này, qua nhiều giai đoạn, có một giá trị đặc biệt. Giá trị đó là giúp độc giả nói chung, giới thanh niên hải ngoại nói riêng, hiểu rõ hơn về Cs với những “người thật, việc thật, bằng cớ thật”.
2-Chọn lọc tài liệu:
Là người trong cuộc, đương nhiên những gì thuộc VNCH thì Bạch Diện Thư Sinh nắm vững, viết rõ. Theo lời anh tâm sự, anh còn phối kiểm từ hai nguồn: bạn bè cùng Ban A 17 và bạn cũ đại học. Ngoài ra, những gì của Thành đoàn CS cũng được trình bầy rất chi tiết. Những tài liệu này BDTS ghi chú ở dưới bài: anh có tham khảo nguồn sách xuất bản trong nước. Tôi xác nhận điều này. Và cũng xác nhận cả điều này: một số sách xuất bản trong khoảng 1975-1980 của vc có thể bây giờ đã tuyệt tích. Có nhiều lý do, sách không còn, hoặc vc không muốn phổ biến những tài liệu đó nữa kể từ 1994, khi vc quyết định “mở cửa” để cứu đảng. Ngay cả khi trích dẫn những ý kiến trên net của netters về một bài viết nào đó, Bạch Diện Thư Sinh cũng không trích những ý kiến không có giá trị. Ý tôi muốn nói, những ý kiến vu vơ, đầy cảm tính không được thâu thập mà chỉ những ý kiến viết đàng hoàng, có dẫn chứng điều mình viết.
3-Trích nguồn rõ ràng:
Tất cả tài liệu hay nhận định của tác giả trên một tài liệu nào đó, đều ghi rõ nguồn rất đầy đủ. Những nguồn này rất phong phú. Điều này cho thấy BDTS đã “ấp ủ” vấn đề này từ lâu. Do đó, mỗi khi nghe, đọc, xem, thấy lưu trữ được là lưu trữ ngay. Ví dụ, tôi rất thích thú khi đọc: Nguyễn Ngọc Lan từng viết “Chúa hôm nay vẫn ở ngoài đường” , “Chúa sắp vác chiếu ra tòa”, ..( Trang 177 trích dẫn báo Đứng Dậy ngày 15-4-1975 với những ngôn ngữ thiên tả rõ rệt của Nguyễn Ngọc Lan).
4-Bình tĩnh trong nhận định:
Khác với vài hồi ký của cựu quân nhân, BDTS không có thái độ hằn học hay tức giận khi nêu nhận định. Tôi rất thích những nhận định của tác giả về ba nhân vật đầu sỏ.
III-Những điều kỳ thú:
MTĐH cho tôi nhiều thích thú. Đơn giản là vì tài liệu phong phú về một lãnh vực mà ít người viết tới. Các trận đánh oai hùng, các chiến công hiển hách, các đày ải trong ngục tù cs: đã có rất nhiều. Nhưng mặt trận đại học với đầu sỏ Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đăng Trừng thì một số khuôn mặt có tiếng là trí thức của miền Nam đã được “vạch trần’: LM Nguyễn Ngọc Lan, LM Chân Tín, Lý Chánh Trung…Những vc nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Đào Hiếu, Hạ Đình Nguyên cũng được mô tả chi tiết. Nhóm “Hát cho đồng bào tôi” nghe, góp phần không nhỏ trong sự xáo trộn của đại học miền Nam đã đưa ra ánh sáng: Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Miên Đức Thắng, Nguyễn Văn Sanh..Báo chí thiên tả cũng được điểm mặt: Tin sáng, Tia Sáng, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam. Đám dân biểu, giáo chức góp phần phá hoại miền Nam gồm Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Kiều Mộng Thu…Đặc biệt, rất nhiều sinh viên nằm vùng được liệt kê đầy đủ.
Một thích thú khác là bài viết về vai trò của Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ trong mặt trận đại học. Sự bao che cho Huỳnh Tấn Mẫm của hai người này: là một ô nhục cho cá nhân họ nói riêng và VNCH nói chung.
Hai bài đem cho tôi thích thú nhất nhưng cũng ngậm ngùi: Bài 13-Ban A 17 đối đầu với Thành Đoàn CS và bài 22-Sinh Hoạt Sinh Viên.
Bài 13, tổng cộng 14 trang. Nguyên nhân thành lập, hệ thống tổ chức, nhân sự nổi, những thuận và bất lợi…Câu viết này làm lòng tôi rưng rưng “Mọi binh chủng, mọi thanh tích được phổ biến công khai trước công luận. Riêng ngành an ninh, tình báo mang tính bí mật đặc thù, phải tuân thủ nguyên tắc bảo mật nghiêm ngặt. Ngày sập trời 30/4, nhiều tài liệu mật chưa kịp phá hủy. Trong lao tù nghiệt ngã, làm sao bảo tồn được mọi nguyên tắc, giữ mãi được mọi bí mật. Nhưng tôi chắc chắn rằng A 17 vẫn còn giữ được một số bí mật nhân sự và bí mật chiến thuật công tác. Vì lẽ đó, về ban A 17, chúng tôi tự chế, chỉ nói đến những gì mà bất cứ ai quan tâm cũng có thể biết được mà thôi. (trang 252).
Tôi rất thích câu này “ Ban A 17 ra quân trong tình thế không mấy thuận lợi. Phải đối phó với đối phương sừng sỏ, thái độ cam chịu của nhiều giáo sư, sinh viên. Song nhờ tất cả các cán bộ ban A 17 có trình độ học vấn thích hợp, cộng với sự hy sinh , tinh thần kỷ luật mà ban A 17 đã vượt mọi trở ngại khó khăn và thành công tốt đẹp. Thắng lợi của Mặt Trận Đại Học cho thấy CS không phải quá ghê gớm. Ban A 17 chẳng những có khả năng biết rõ đối phương, lại còn biết cách đánh thắng đối phương, nên đã thắng nhanh và triệt để.” Trong phần “Nhìn lại”, tác giả viết “Ban A 17 đã nhập trận, đã so găng bằng những đòn cân não gay go nhưng không kém phần gian nan, nguy hiểm và đã chiến thắng.”
Bài 22, Sinh Hoạt Sinh Viên (giới thiệu hoạt động của sinh viên). Tôi thích câu viết này “Mặt trận đại học là thứ mặt trận đặc thù, rất khó phân biệt giới tuyến, bởi vì đối thủ hoạt động dưới nhãn hiệu giáo sư, sinh viên, cộng với quy chế “Tự trị đại học”; đằng khác dư luận thường dành nhiều ưu ái cho lãnh vực trường ốc. Vì thế, ngoại trừ chính lực lượng Sinh viên Quốc Gia ra tay nhập trận thì không có bất cứ lực lượng nào thích hợp hơn để có thể đánh thắng cs trong Mặt trận Đại Học. Dùng Quân Đội là không thích hợp. Dùng Cảnh Sát cũng chỉ ngăn chặn đàng ngọn, vừa không thể bứng tận gốc vừa rất dễ bị dư luận lên án. Mặt trận Đại Học diễn ra ngay trong khuôn viên đại học, đôi bên so găng bằng những đòn cân não, nhưng vẫn có đổ máu, có hy sinh tính mạng như các chiến sĩ ngoài mặt trận.”
Sinh viên Luật Khoa,Văn Khoa đã đến Trường Sa vào ngày 10 tháng 5, 1974. Một bia nhỏ lưu niệm. “Quần Đảo Trường Sa-Lưu niệm hè 1974- Sinh viên Đại Học Sài Gòn” được trao tặng cho “chúa đảo”, Trung úy Đỗ Công Thành, Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn Mãnh Sư 371. Tôi đã ứa nước mắt khi đọc trang này. Cũng như tôi đã ứa nước mắt khi đọc trang mô tả sinh viên Ngô Vương Toại bị vc bắn ngày 20-12-1967 trong đêm nhạc của tên VC TCS và Khánh Ly, chuẩn bị cho màn bầu cử của ĐH Văn Khoa. Tôi vô cùng xúc động khi đọc bài mô tả sinh viên Nguyễn Văn Tấn (ký giả Cao Sơn sau này) đã xông vào cứu bạn. Trước đó, cũng chính Nguyễn Văn Tấn, một mình một ngựa, lận dao, xông vào đám du thủ đang đóng đinh vào đầu Sv Trần Lam Giang, dìu Lam Giang ra đường Cường Để dưới làn mưa đá của bọn sv thân cộng…” (trang 132)
KẾT
“Mặt Trận Đại HọcThời Việt nam Cộng Hòa” của Bạch Diện Thư Sinh (Trần Vinh), cựu giáo sư một số tư thục (vỏ bọc) tại Sài Gòn, tùng sự tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, là một tài liệu lịch sử hữu ích. Những linh mục, giáo sư, sinh viên thiên tả được lột trần. Sinh viên quốc gia, dù đang nặng nợ sách đèn, nhưng đứng trước tình thế thủ đô luôn hỗn loạn bởi những vụ xuống đường do bọn VC thâm nhập vào Tổng Hội hay Ban Đại Diện các Phân Khoa, đã nhập cuộc và thành công nhanh chóng.
Một mặt trận cân não giữa các sinh viên vc thuộc Thành Đoàn Cộng sản và sinh viên quốc gia, đóng góp vào mặt trận chung.
Hoàng Lan Chi thực hiện 12/2014
Bài liên quan: Saigon Muôn Năm Cũ -Lê Anh Kiệt với Mặt trận tình báo
Phái đoàn sinh viên Luật Khoa tại đảo Song Tử Tây, Hè 1974. Ngồi giữa là “Chúa đảo”, Trung Úy Đỗ Công Thành và đại diện các chiến sĩ Tiểu Đoàn Mãnh Sư 371 trấn đóng Quần Đảo Trường Sa.
Đoàn sinh viên Khoa Học Sài Gòn đi thăm Trường Tiểu Học Song Phú, Quận Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long. Năm 1972, Trường Tiểu Học Song Phú đã bị Việt Cộng pháo kích bừa bãi, giết chết nhiều học sinh thơ dại.
Sinh viên Chủ tịch Nguyễn Hữu Tâm đang đọc diễn văn trong buổi Lễ ra mắt Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa niên khóa 1973-74 tại Rạp Thống Nhất, Sài Gòn.
Source: www.hoanglanchi.com
No comments:
Post a Comment