Ca dao VN từ ngàn xưa cũng nhắc các bậc cha mẹ:
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy"
để nhắc nhiều thế hệ VN đã qua "tuổi học trò mắt sáng môi tươi" nhớ là ai đã từng đi học cũng có những người Thầy đã uốn nắn mình từ thủa hãy còn là măng.
Thời gian qua nhanh như "bóng câu qua cửa sổ" các chs Ngô Quyền ngày xưa đã bước vào "tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay".
Dù mới chớm "vàng" như lá đầu thu, hay khô héo như lá cuối thu, đều có thể thấy ảnh hưởng của Thầy Cô với các chs NQ.
*** Chẳng hạn như dù không học chuyên ngành "Khoa học Chính trị", các đàn anh khóa 1, khóa 6, và khóa 8 phân tích tình hình chính trị của thế giới, của quê nhà không kém các cây bút chuyên viết bình luận thời cuộc.
Ở những bài viết đó thấp thoáng những lý luận chặt chẻ của môn Toán các anh đã học được từ quý Thầy Cù An Hưng, Trần Phiên, Nguyễn Thất Hiệp, Lê Văn Túy, Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Phong Cảnh, Huỳnh Công Ân, Nguyễn Phi Long…
*** Chẳng hạn dù không biết "trường dạy Viết Văn Nguyễn Du" ở trong nước dạy điều gì, các chị đã sáng tác được những bài thơ, những chuyện ngắn, những tùy bút đi vào lòng người, được truyền bá rộng rãi trên khắp trang các trang web tiếng Việt. Không khó để thấy công lao của quý Thầy Cô dạy Quốc Văn: Đoàn Viết Biên, Phạm Ngọc Quýnh, Hoàng Phùng Võ, Hà Bích Loan, Đặng Thị Trí, Trần Văn Kế, Nguyễn Văn Phú, Bạch Thị Bê, Phạm Thị Nhã Ý, Nguyễn Thị Nguyêt… với các tác giả Ngô Quyền.
*** Rất rõ ràng là trong thành đạt của các chs Ngô Quyền hành nghề "thiên thần áo trắng" có công lao của các giáo sư Lý Hóa: Mai Kiến Phúc, Lê Quý Thể, Phùng Thái Toàn, … hay các giáo sư Vạn Vật: Lâm Tấn Văn, Phạm Thị Khang...
Với các anh chị sống ngoài Việt Nam, sau mỗi lần tranh luận thắng người bản xứ bằng ngôn ngữ thứ hai, hay thứ ba của mình là lời thầm cảm ơn quý Thầy Cô dạy môn Anh văn, hay Pháp Văn thời Trung học: Phan Thị Tốt, Kiều Vĩnh Phúc, Đào thị Nga, Võ Thu Thủy, Đinh Hữu Quyến, Phạm Tấn Bình, Đinh Thị Hòa, Đinh Văn Sái….
*** Có những chs Ngô Quyền thầm lặng, miệt mài dạy Việt Sử online chỉ mong các thế hệ kế tiếp thấy được hào khí của Vua Quang Trung đuổi quân Tàu (nhà Thanh) chạy dài, nhớ mãi công phá Tống, bình Chiêm của danh tướng Lý Thường Kiệt, nghiêng mình trước "tiếng bom Sa Diện" Phạm Hồng Thái, và sự bất khuất "không thành công cũng thành nhân" của Nguyễn Thái Học. Bởi vì thời Trung học các anh chị này đã được nghe những bài giảng môn Sử đầy lửa nhiệt tình của quý Thầy Cô: Bùi Quang Huệ, Nguyễn Viết Long, Trần Thị Minh Tâm, Nguyễn Ngọc Ẩn...
** Trên hết là trong những ngược xuôi của đời sống, chúng ta thấy có những người đã qua "tuổi nào nhìn thấy mây bay ngang trời" từ rất lâu nhưng chưa bao giờ mất đi nhân cách nhờ những bài học Công dân đầu đời từ lớp 1 đến lớp 11.
Hẳn là Thầy Lê Quý Thể rất vui vì không bao giờ gặp lại một anh học trò cũ đạp xích lô. Chẳng những thế, các chs NQ nếu cần đi xích lô, luôn yêu cầu được xuống xe đi bộ khi xe xích lô phải lên dốc. Cả kiến thức Vật lý, lẫn kiến thức về Công Dân Giáo dục đã giúp các chs NQ đem lại nụ cười trên môi Mẹ, môi Cha, và cả trên môi những người vất vả kiếm sống trên đường phố.
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền, của con cháu bà Trưng, bà Triệu và lòng yêu nước của Lý Thường Kiệt, của Nguyễn Thái Học.
Xin kính cảm ơn các bậc sinh thành về công ơn sinh thành dưỡng dục.
Và xin cảm ơn các đàn anh, đàn chị, bạn bè Ngô Quyền đã cùng chúng tôi lưu giữ một phần đời hạnh phúc thời Trung học,
Nguyễn Trần Diệu Hương
NQK15
(Chú thích của người viết: Con xin lỗi đã không thể kể hết tên quý cựu Giáo Sư Ngô Quyền trong bài. Từ tận lòng thành, con luôn nhớ câu "Không Thầy Đố Mầy Làm Nên" và câu "Nửa Chữ Cũng Thầy".
Công ơn của quý Thầy Cô ,với con, chỉ đứng sau công ơn Cha Mẹ.)
Nguồn: thnq.org
No comments:
Post a Comment