Ngày Chủ Nhật 7-7-2013 là một ngày nắng gắt ở Sacramento (gọi tắt là Sacto). Nhiệt độ lên khá cao, trên 90 độ F. Thế mà nhiều người Việt từ các thành phố lân cận, từ San Jose, từ Orange County, và xa hơn nữa, từ Florida, từ Atlanta hay từ Minesota, đổ xô về Sacto để cùng với người Việt Sacto tham dự một sự kiện khá đặc biệt là Lễ Khánh thành TRUNG TÂM SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA SACRAMENTO, tại số 6270 Elder Creek Road.
Nói rằng sự kiện khá đặc biệt vì Trung tâm nầy có những đặc điểm thật đáng chú ý sau đây: 1) Diện tích đất gần 03 mẫu (acres). 2) Diện tích xây cất gần 15,000 SF. 3) Hội trường chánh 6,000 SF. 4) Lầu rộng 3,000 SF, có Phòng thư viện, Phòng giải trí, và đặc biệt có 7 phòng học cho trường Việt ngữ Lạc Hồng sử dụng.
Phải nói ngay như thế để làm nổi bật một điều: Phí tổn mua đất, phí tổn xây cất, tất cả những phí tổn để hình thành trung tâm nầy, đều do một người hay đúng hơn hai vợ chồng đài thọ. Ở đây xin khỏi nói con số chi tiết phí tổn là bao nhiêu, vì ở California, dầu là ở Sacto, ai cũng biết giá cả đất đai nhà cửa như thế nào rồi. Độc giả có thể tự mình định giá cơ ngơi nầy. Hơn nữa, chủ nhân công trình, ông bà Đỗ Thiện Thịnh vốn chủ trương làm nhiều nói ít.
Điều nầy chẳng những ông bà Thịnh đã bộc bạch với cộng đồng trong ngày khánh thành, mà đồng hương người Việt ở Sacto cũng đều biết rất rõ, vì ông Thịnh là Chủ tịch Cộng đồng Người Mỹ gốc Việt ở Sacto, rất hăng say hoạt động cộng đồng, nhưng rất tiết kiệm lời nói, kể cả trong các lễ hội do ông phụ trách. Hai vợ chồng nầy khoảng trên 50 tuổi, từ lâu nuôi ước vọng thực hiện một công trình để phục vụ Cộng đồng Người Việt Quốc Gia. Ông Thịnh gốc người Kiến Hòa, vượt biên năm 1978, đến Los Angeles năm 1980 và định cư ở Sacto năm 1987.
Sau khi mua được 03 mẫu đất, ông Thịnh tìm kiến trúc sư để vẽ họa đồ. Ông tìm đến ba văn phòng kiến trúc Mỹ, đều đòi thù lao khá cao, nên ông chưa dám giải quyết. Không biết vì hoàng thiên bất phụ hảo nhân, hay vì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, ông Thịnh gặp được một kiến trúc sư người Việt cũng ở tại Sacto, sẵn sàng giúp việc thiết kế họa đồ trụ sở Cộng đồng từ đầu đến cuối, mà không nhận bất cứ một thù lao nào cả.
Giai đoạn xin giấy phép không phải dễ dàng, mà phải trải qua 6 tháng. Trước tiên, sau khi vẽ kiểu, các ông phải ra trước Hội đồng thành phố theo thủ tục hearing 6 lần để xin giấy phép. Sáu lần hearing nầy đều xin ý kiến của thành phố và dân chúng địa phương chung quanh khu đất. Cuối cùng các ông được cấp giấy phép đợt 1 ngày 1-5-2010. Một tuần sau, ngày 8-5-2010 là lễ đặt viên đá đầu tiên.
Ông Thịnh cùng kiến trúc sư và một kỹ sư công chánh Mỹ tiếp tục thiết lập đầy đủ hồ sơ kỹ thuật, và cũng trải qua 6 tháng, các ông mới xin được giấy phép đợt 2 ngày 26-7-2011. Thế là tháng sau (8-2011), công trình xây cất bắt đầu. Sau ròng rã hai năm xây dựng, lễ khánh thành diễn ra ngày 7-7-2013.
Tham dự lễ khánh thành, ngoài những khách mời từ phương xa đến đã kể trên, còn có đại diện chính quyền địa phương, các dân biểu, các nghị viên thành phố và rất đông đảo dân chúng địa phương. Lễ khánh thành gồm 2 phần: phần ngoài trời và phần trong hội trường. Cả hai phần đều gồm hai tiết mục.
Phần ngoài trời gồm mục nghi thức và khai mở phù điêu các anh hùng đã hy sinh ngày 30-4-1975 và mục cắt băng khánh thành trụ sở Trung tâm Cộng đồng.
Khung cảnh ngoài sân như sau: Sân rộng bao la, vẫn còn đang được xây dựng bổ túc, vây quanh trụ sở Trung tâm Cộng đồng. Đường từ cổng chính (nhìn ra Elder Creek Road) đi vào khá rộng. Trước trụ sở Trung tâm Cộng đồng là hai cột cờ cao khoảng 15 mét, treo hai lá đại kỳ Việt Mỹ. Dưới chân hai cột cờ là một cái bệ bằng ciment, cao khoảng 2,5 mét, rộng khoảng 10 mét, dày khoảng 5 mét. Trên bệ nầy là một ĐÀI TƯỞNG NIỆM, theo mô thức thời Việt Nam Cộng Hòa, chiều ngang chân đài khoảng 0,8 mét, lên cao hẹp lại, và cao trên 2 mét, có hình bản đồ Việt Nam, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nền vàng trên có 4 chữ đỏ TỔ QUỐC GHI ƠN. Dưới Đài tưởng niệm là PHÙ ĐIÊU năm vị tướng lãnh đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975 do điêu khắc gia Mạc Chánh Hòa thực hiện (được khai mở sau nghi thức chào cờ). Năm tướng lãnh ai cũng biết là: thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, chuẩn tướng Trần Văn Hai, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.
Ngoài trời nắng gắt, sân lại lót ciment, nên khá nóng. Vì vậy, số người dang nắng tham dự lễ ngoài trời chỉ khoảng từ 400 đến 500 người. Đây đã là con số khá cao cho một cuộc mít-tin ngoài trời của người Việt. Sau nghi thức chào cờ Việt Mỹ và mặc niệm anh hùng liệt sĩ và những người đã hy sinh vì tự do dân chủ, là phần nghi lễ cổ truyền với chiêng trống cúng bái tổ tiên. Ban Tổ chức và quan khách cung kính đặt vòng hoa trước Đài Tưởng niệm Tổ Quốc Ghi ơn, làm Lễ bái tổ tiên và niệm hương trước tượng đài 5 vị tướng lãnh đã hy sinh ngày 30-4-1975.
Những bài diễn văn của ban Tổ chức, những lời chúc mừng và khen ngợi của quan khách kết thúc phần nghi lễ ở dưới chân cột cờ. Ban Tổ chức mời quan khách đến cắt băng khánh thành khá dài trước các cửa ra vào trụ sở của Trung tâm Cộng đồng là mục thứ hai trong sinh hoạt ngoài trời của buổi thễ khánh thành hôm đó. Đây là giờ phút chờ đợi của tất cả những người hiện diện trong buổi lễ vì đây là giờ phút ghi dấu sự hình thành chính thức một Trung tâm sinh hoạt cộng đồng riêng của người Mỹ gốc Việt ở Sacto. Từ đây, Cộng đồng không còn phải đi thuê mượn nhiều nơi mỗi lần cần sinh hoạt.
Ngoài khoảng 400 người chịu dang nắng ngoài trời, trong hội trường đã có sẵn trên 600 vị khách đang chờ đợi, đa phần là những người lớn tuổi. Một người trong ban Tổ chức cho biết đã bỏ ra trên 900 ghế ngồi, mà không đủ chỗ ngồi cho quan khách hôm đó. Số người đứng dựa vào tường quanh hội trường và đứng ngoài hội trường có thể nâng số khách hiện diện lên đến trên 1,000 người.
Điểm nổi bật của hội trường nầy, tuy rộng lớn khoảng 6,000 SF nhưng hoàn toàn không có cột kèo gì cả, thoáng đãng như một cái sân bóng rổ chuyên nghiệp NBA, hai bên có 8 cửa ra vào thoáng mát. Một đầu hội trường là khán đài cao khoảng 1 mét.
Chương trình khánh thành bên trong hội trường cũng gồm có hai tiết mục: Mục nghi thức và mục văn nghệ giúp vui. Mở đầu mục nghi thức là lời giới thiệu quan khách và các phái đoàn tham dự. Hai MC thay nhau xướng danh quan khách và các phái đoàn tham dự dài dằng dặc, khoảng gần một giờ đồng hồ. Đông nhất là các hội đoàn Sacramento như Đại diện các tôn giáo, ba cựu tướng lãnh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cư ngụ tại Sacto và San Jose, Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị – Thừa Thiên Huế, Hội Truyền Thống Văn Hóa Chămpa, Hội Cứu Trợ TPB & QP, Hội Ái Hữu Phan Rang Hải Ngoại, Hội Phụ Huynh Học Sinh và Giáo Chức Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Liên Đoàn Hướng Đạo Lạc Việt, Võ Đường Bình Định, Ủy Ban Phát Thưởng, Phòng Thương Mại Việt Mỹ, Hội Nhiếp Ảnh Sacramento, Hội Người Hoa Đông Dương… Các hội đoàn ở xa như Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Hoa Kỳ, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc California, Ủy ban Little Saigon San Jose, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở Nam California, Hội Quảng Nam Đà Nẵng Bắc California, Hội Quảng Nam Đà Nẵng Nam California, Hội Liên trường Quảng Nam Đà Nẵng California, Saigon Bank Nam California; có cả Luật Sư Nguyễn Tâm ứng cử Nghị Viên đơn vị 7 San Jose. Ngoài ra, phải kể lực lượng truyền thông đông đảo ở Sacramento và ở California, như hãng truyền trình CBS, NBC, ABC, các báo và truyền hình Việt Nam Nam Bắc Cali như tuần báo Mõ ở San Francisco, tuần báo Hải Vân ở Sacramento, báo Bee, SBTN San Jose, đài phát thanh VOA …
Rồi cũng những bài diễn văn, những lời khen tặng, những chúc mừng hoa mỹ. Đại khái có ba ý chính được trình bày: 1) Ban tổ chức, từ ông Đỗ Thiện Thịnh, đến ông trưởng ban tổ chức lễ khánh thành Trần Văn Ngà và kiến trúc sư vẽ họa đồ và theo dõi thi công (miễn phí), ông Nguyễn Hồng Hà trình bày tiến trình công việc và với chủ trương nói ít làm nhiều, nên cả ba người đều nói ngắn gọn. 2) Chúc mừng và trao bằng khen. 3) Phát biểu của các dân biểu và các nhân vật địa phương ở Sacto, đại diện các hội đoàn từ Nam Cali, từ bắc Cali, hay từ Forida, từ Georgia. Riêng đại diện các hội đoàn từ các nơi đều cảm thấy hãnh diện về sự hình thành trung tâm nầy, nhưng tất cả đều cho biết rằng họ cảm thấy tự “buồn thầm”, vì các nơi họ định cư không thực hiện được công trình như ở Sacto, và cũng không biết khi nào mới có thể theo kịp được Sacto.
Phát biểu của cô Phạm Nguyên Thủy, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Lạc Hồng tại Sacto có lẽ tượng trưng rõ nét nhất cho nhu cầu thiết thực của dân chúng địa phương. Cô cho biết trường Việt ngữ Lạc Hồng đã thành lập gần 20 năm nay mà không có trụ sở nhất định, phải di cư nhiều nơi, nay thuê phòng học ở trường nầy, mai thuê phòng học ở trường khác. Khổ nỗi là khi thuê phòng học, các trường cho thuê không cho giáo viên cũng như học sinh Lạc Hồng trang trí lớp học của mình, nên mỗi giờ đến dạy, giáo viên phải bày những dụng cụ trợ huấn, những hình ảnh, bản đồ, rồi cuối giờ lại phải lo dọn về. Nay về đóng trụ sở tại Trung tâm Cộng đồng nầy, giáo viên Lạc Hồng cảm thấy sung sướng vì không còn ở đậu nhà người ta, mà có cảm giác mình được trở về nhà mình, do mình làm chủ, có thể bày biện trang hoàng tùy theo ý mình, nhất là bản đồ Việt Nam để giáo dục học sinh. Trung tâm đã lập 7 phòng học và còn có thể mở thêm nhiều phòng nữa nếu trường Lạc Hồng phát triền hơn nữa.
Thưa cô Hiệu trưởng, không phải riêng cô, các giáo viên Lạc Hồng và học sinh của cô mới cảm thấy như trở về nhà mình, mà tất cả những người Việt Quốc gia cũng cảm thấy như trở về nhà mình, và chính người viết bài nầy cũng cảm thấy ấm lòng, khi từ xa đến đây, ngồi bên cạnh đồng hương trong một ngôi nhà do chính đồng hương mình xây dựng theo mô thức quê hương mình.
Chương trình văn nghệ cuối buổi lễ khánh thành khá hấp dẫn, với Trung tâm Việt ngữ Lạc Hồng, Ban múa Văn hóa Champa, Liên đoàn Hướng đạo, Võ đường Bình Định, các ca sĩ nổi tiếng ở địa phương như các anh chị Quỳnh Hoa, Kim Sơn, Thy Trang, Quốc Huy, Huy Hoàng và ca sĩ đến từ Nam California là Ngọc Minh, đã lôi cuốn người nghe ngồi lại đến phút chót.
Trước khi ra về, được anh Nghê Lữ, phóng viên SBTN San Jose phỏng vấn, người viết bài nầy không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn những người đã bỏ công và bỏ của xây dựng trung tâm nầy. Xin cảm ơn, xin cảm ơn người đã có tấm lòng tạo cho chúng ta một mái ấm để cho mọi người cùng nhau thường xuyên quy tụ về đây sinh hoạt. Biết bao người đã “áo gấm về làng”, nhưng chưa ai một thân một mình dám nghĩ đến việc xây dựng một trung tâm cho người Việt nhằm phục vụ văn hóa, giáo dục và chính trị của người Việt Quốc gia ở hải ngoại.
Suy nghĩ sau cùng là mạnh thường quân Đỗ Thiện Thịnh sẽ cho Cộng đồng Người Mỹ gốc Việt Sacto mượn trụ sở nầy vô vị lợi như ông đã tuyên bố, nhưng trong bao lâu và trong thời gian cho mượn, chi phí cho những tiện nghi của trụ sở (điện, nước, điện thoại, bảo trì…) sẽ do ai đài thọ? Có lẽ cần có một hợp đồng cụ thể giữa hai bên, và hợp đồng nầy cần được công khai trước cộng đồng.
Dù sao, đây là bước đầu rất thuận lợi cho Cộng đồng người Việt ở Sacremento, nhờ sự hào hiệp của một cá nhân có tấm lòng với cộng đồng, với quê hương và với dân tộc. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Ở đây, chữ “tài” hiểu theo nghĩa “tài năng” hay “tài chánh” cũng đều thích hợp.
Xin cầu chúc ông bà Đỗ Thiện Thịnh, Ban Quản trị Trung Tâm, Cộng đồng Người Mỹ gốc Việt ở Sacramento giữ mãi tinh thần đoàn kết, đừng để cho các thế lực bên ngoài, nhất là cộng sản lung lạc, gây chia rẽ, ảnh hưởng đến công cuộc tranh đấu chống cộng sản, góp phần giải thể chế độ độc tài hiện nay ở trong nước.
(Toronto 23-7-2013)
© Trần Gia Phụng
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment