Saturday, July 20, 2013

Tiểu sử ca sĩ Hoàng Oanh _by Huỳnh Kim Chi

Tôi Sinh trưởng tại miền Nam, quê tôi tỉnh Mỹ Tho trồng nhiều dừa nên cũng gọi là tỉnh dừa. Năm lên 11 tuổi tôi học đệ thất trường Gia Long, tôi có mấy “cô bé” bạn học người Huế. Không thân lắm nhưng tôi để ý đến giọng nói “trọ trẹ”. Lần đầu tiên tiếp xúc với bạn mới, phải để ý lắng tai nghe mới hiểu được bạn tôi đang nói gì. Nhưng đến khi các “cô bé’” xúm lại nói chuyện với nhau thì tôi đành chịu, không làm sao xen vô câu chuyện với họ được.

Năm lên đệ tam, tôi có thêm mấy người bạn miền Trung khác. Tuy quen lần với giọng Huế lơ lớ, nhưng thú thật khi bạn tôi lên trả bài, tôi nghe tiếng được tiếng mất.


Qua bạn bè cùng lớp, bắt đầu biết đôi chút về miền Trung, về Huế, tôi tưởng tượng nững cô gái ngoài kia với mái tóc thề xõa bờ vai trong một thành phố thơ mộng, cổ kính. Bao nhiêu đó đã kích thích trí tò mò của tôi về xứ Huế với tâm tình lắng sâu nhưng nhậy cảm của những cô gái Huế. Bạn bè tôi thường tả là Huế đẹp, Huế thơ. Tôi thích hát những bạn có âm hưởng miền Trung. Không những thích, tôi thấy hình như có gì hợp với tâm hồn mình lúc đó. Những bài ca Huế tôi hát dễ dàng, hồn nhạc thấm vào hồn tôi tự nhiên mà tôi không nhận ra.

Cơ hội tốt lành đã đến khi hãng đĩa Việt Nam mời tôi thu băng bài “Ai Ra Xứ Huế” của Duy Khánh. Tôi nhận lời ngay, không do dự. Dường như với tuổi trẻ mộng mơ, trong lòng tôi có sẵn cảm tình với Huế, hôm đó tôi hát “Ai Ra Xứ Huế” với tâm hồn mình, với lòng tha thiết, mến yêu như một ca sĩ hát cho quê hương chôn nhau cắt rún. Anh Duy Khánh nghe xong rất vui thích vì theo lời anh tôi diễn tả đúng lời nhạc, ý nhạc anh muốn gởi gắm cho thành phố thân yêu anh vừa từ giã. Anh Duy Khánh nhường tôi thâu bản nhạc này, một hân hạnh đối với tôi, cô nữ sinh đang tập tễnh vào ngưỡng cửa “nghiệp cầm ca”. Đĩa hát thâu băng đầu tiên của tôi được phổ biến, được nhiều thính giả gởi lời khen ngợi, khuyến khích, cô nữ-sinh-ca-sĩ có mặt với sân khấu kể từ “buổi đầu lưu luyến”.

Không bao giờ tôi quên được hôm đó, ngày 6 tháng 11 năm 1964 tại phòng thâu băng đường Võ Duy Nguy (Chợ Cũ); trong lúc tôi đang “dợt” với ban nhạc của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, nhà văn Lê Thanh Thái chụp mấy “bô” hình tặng tôi kèm theo bài thơ lâu ngày tôi quên tuốt luốt, chỉ còn nhớ được mỗi hai câu:


“Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế…
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…”


Cũng vào năm đó tôi được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế. Còn gì vui hơn, còn gì thỏa thích hơn, tôi nhận lời liền, mặc dù lúc ấy tôi rất bận rộn chuyện học hành thi cử liên miên.

Chương trình lưu diễn gồm cả Đà Nẵng, Qui Nhơn, nhưng tôi chỉ nôn nao chờ đợi chuyến đi Huế, thành phố tôi biết nhiều bằng tưởng tượng của tuổi trẻ mới lớn lên. Trong đoàn lưu diễn có chị Bạch Yến và Phương Dung. Chúng tôi không đi một mình mà có má đi theo. Việc này đã tạo cơ hội cho một số bạn bè lớn tuổi trong nghề thích vui đùa, chọc phá hay chế nhạo. Họ đùa nghịch dỡn chơi bằng cách thêm vào chữ “má” trước tên ca sĩ. Còn nhỏ, chưa quen với lối đùa nghịch của lớp bạn bè lớn tuổi, tôi hơi mắc cỡ nhưng không biết làm thế nào, nghĩ rằng có má đi cùng tôi đỡ lo nhiều chuyện, người sẽ lo lắng cho tôi, lỡ có đau ốm hay chuyện gì xẩy ra bất thần.
Và Huế không phải bằng tưởng tượng, mà Huế thật sự với dòng sông Hương thơm mát, với cảnh đẹp thiên nhiên đã ở trước mắt tôi. Có ra đến đây nhìn cảnh, nhìn người mới thấy Huế gợi cảm có sức thu hút, quyến rũ du khách. Nhìn cầu Tràng Tiền bắt ngang sông Hương, nhìn những đoàn học sinh đồng phục trắng, từng bước nhẹ nhàng thanh thoát như chim, nhìn phong cảnh Huế, không phải “ai” ra xứ Huế nữa, mà chính tôi, tôi đang sống, đang có mặt trên thành phố nên thơ này.

Người Huế hiếu khách và rất tình cảm. Trong suốt thời gian ở Huế, ngày nào tôi và má tôi cũng được hướng dẫn đi thăm thành phố, di tích và thắng cảnh. Chưa được đi thăm lăng tẩm nghe nói đẹp lắm, nhưng chúng tôi được đưa đi đèo Hải Vân. Rất tiếc hôm đó vì đi nhiều nơi, vừa đến chân đèo thì trời sụp tối phải trở về cho kịp giờ trình diễn. Bù lại chúng tôi được đi đò trên sông Hương một buổi tối. Huế có những quán hàng rong đặc biệt, không những hàng quà trên bờ, mà cả dưới nước. Đò chúng tôi thả trôi theo dòng nước, không xa cầu Trường Tiền lắm, bỗng nghe những tiếng rao dài từ trên những chiếc thuyền nhỏ không mui. Món ăn cũng đặc biệt: cơm hến. Người Nam ăn hủ tiếu, người Bắc ăn phở, người Trung ăn bún bò, món ăn “quốc hồn, quốc túy” của ba miền; ra Huế tôi biết thêm một điều, ngoài bún bò Huế có thêm cơm hến. Gồm đủ mùi vị cay, mặn, nồng, the the vì co khế chua, nhưng dư vị sau cùng là “mặn mà tình quê”.

Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi là hôm đầu tiên mới đến Huế, đang từ của sổ khách sạn nhìn ra ngoài chờ đợi ban tổ chức có hẹn thì một nhóm mấy chị nữ sinh Đồng Khánh đến thăm. Sáu cô nữ sinh tha thướt trong áo dài màu trắng, nón bài thơ, cặp sách cầm tay; mặc dù chưa gặp nhau, lần nào nhưng chúng tôi vui vẻ chuyện trò như những người bạn quen từ lâu, chuyện trời mưa trời nắng, chuyện Sài gòn, chuyện Huế, chuyện hát hò … vui thật là vui.

Hình ảnh áo dài trắng, nón lá, cặp sách đối với tôi chẳng có gì xa lạ vì tôi cũng mang những thứ ấy ngày ngày hai buổi đến trường, nhưng hôm ấy tự nhiên tôi thấy nôn nao “chi lạ”, vừa bạn, vừa khách, vừa xa, vừa gần. Lần gặp gỡ đầu tiên này với mấy chị nữ sinh Đồng Khánh làm tôi nhớ mãi.

Cầm tay nhau sắp ra về, một cô bé có lẽ cũng trạc tuổi tôi, 15 tuổi, không hiểu sao rất mến tôi, hẹn sẽ viết thơ cho tôi. Trở về Sài gòn, rất nhiều lần tôi nhận được thơ của người bạn mới, lần nào thơ viết cũng thật dài, hai ba tờ giấy đôi. Mến thương nhất là lần nào cũng vậy, ba tờ giấy được nhuộm thành màu tím rất đẹp, màu tím Huế, thật dễ thương và viết lên trên bằng loại chữ màu trắng nguyên cả bức thơ. Vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên thích thú, tôi biên thơ hỏi thăm cách làm để cố gắng đáp lại lòng mến thương của người bạn Huế. Mặc dù đã đựoc chỉ dẫn cẩn thận, tôi thí nghiệm nhiều lần nhưng lần nào cũng vụng về không làm sao có được màu trắng trong và màu tím trinh nguyên như bức thơ tôi nhận được. Không đáp được tâm tình người bạn mới, tôi đành tự an ủi rằng không phải là cô nữ sinh tình tứ sông Hương núi Ngự, không ai đủ nhẫn nại làm được.

Không biết bây giờ “cô bé” ấy ở đâu, trong nước hay tỵ nạn xứ người: Hoàng Oanh vẫn nhớ chị mãi, nhớ những bức thơ màu tím, mực trắng, nhớ mãi kỷ niệm xưa của chị.

Chỉ đến thăm Huế một lần và một lần thôi vì sau đó phải bỏ nước ra đi, tưởng tượng nếu có dịp ra Huế thêm nhiều lần sẽ còn chồng chất bao nhiêu kỷ niệm khó quên khác.

Thông tin từ trang nhacvangonline.info
Các bạn có thể nghe trực tuyến các bài hát của cô Hoàng Oanh khi vào bennhac.com chất lượng âm thanh rất hay. nghe ca khúc 'Về đâu mái tóc người thương" chất lượng hay hơn hẳn các trang web khác

***

Tiếng hát mật ngọt Hoàng Oanh trải qua nhiều năm tháng, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng ca nào. Nó đi sâu vào lòng người, ngất ngây như uống phải thứ men say và gợi nhớ muôn trùng một vùng trời kỷ niệm, đầy ắp thương yêu.

Đã một thời tiếng hát Hoàng Oanh làm say mê hàng triệu thính giả trên làn sóng điện ở quê nhà, và bây giờ vẫn được trân quý. Sau đây là bài viết về Hoàng Oanh, tiếng hát không đối thủ của dòng nhạc giao quyên.

Ngôi trường Gia Long áo tím huyền thoại, với khuôn viên nhiều lối đi rợp bóng mát là nơi đã ướp bao chất thơ, chất nhạc trong tâm hồn mới lớn của cô nữ sinh Huỳnh Kim Chi. Dưới mái trường “Phượng vĩ dâng hoa” đó, Kim Chi đã trải qua bảy năm học với mảnh bằng Tú Tài toàn phần hạng bình thứ. Vừa đi hát vừa đi học: đi học thì Kim Chi, đi hát thì Hoàng Oanh, tiếng hát của một loài chim quý. Bạn bè cùng trường cùng lớp đã xem là thần tượng, nhà trường thì hơi lo âu nhưng Kim Chi đã chu toàn được cả học lẫn hát, làm vừa lòng gia đình và thầy cô, đánh tan dư luận của nhà trường. Kim Chi là một nữ sinh nhu mì, ngoan hiền và chăm học… Rời trung học, Kim Chi tiếp tục vào ngưỡng cửa đại học Văn Khoa và cũng đã kết thúc với văn bằng Cử nhân văn chương. Kim Chi cũng có dự tính nối nghiệp thầy cô để “gõ đầu trẻ”, nhưng vì bận rộn với tình nhạc và thơ lai láng nên giấc mộng mô phạm đó được tạm xếp một bên. Bởi đó, Hoàng Oanh đã mượn lời thơ tiếng nhạc trong một băng nhạc đầy ắp kỷ niệm thuở học trò mang chủ đề “Tuổi Học Trò” do chính cô thực hiện, để trải tấm lòng với thầy cô, với bạn bè và mái trường xưa thân ái. Hoàng Oanh nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư… huống hồ Hoàng Oanh đã thọ giáo các ‘sư phụ’ mười lăm năm trời từ trường tiểu học Phú Nhuận, đến trường Gia Long và Đại học Văn Khoa Sàigòn. Ơn của thầy cô lớn lắm, Hoàng Oanh nhớ mãi. Đó là đạo thầy trò của phương Đông mà Tấy phương ít có được.”

Hoàng Oanh sinh ở Mỹ Tho nhưng trường thành ở Sàigòn trong một gia đình sáu chị em, ngoan đạo và có một sự giáo dục nề nếp nghiêm khắc, nhưng cũng có môi trường để cô phát triển tài ca ngâm. Hoàng Oanh từ năm lên năm đã học hát với thân phụ cũng là một nghệ sĩ. Năm tám tuổi, Hoàng Oanh được phép thân phụ cho lên sân khấu lần đầu tiên tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức với hai bản nhạc “Hương Lúa Miền Nam” và “Có Một Đàn Chim”. Ngoài ra, cô cũng có khiếu ngâm thơ nên đã nghe các cô chú, anh chị nổi tiếng ngâm thơ như Hồ Điệp, Quách Đàm, Tồ Kiều Ngân để học theo. Hoàng Oanh kể lại một kỷ niệm: Trong giờ Việt văn, sau khi bình giảng bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ, cô giáo hỏi ai biết ngâm thơ và cả lớp đồng thanh trả lời: Kim Chi. Thế là Kim Chi được cô giáo gọi lên diễn ngâm bài thơ đó và đã làm cho giờ học sống động hơn. Na7m đó Hoàng Oanh mười hai tuổi, học lớp Đệ Lục. Không bao lâu, Hoàng Oanh đã nổi tiếng “đủ mùi ca ngâm”.

Thế là tuy còn đi học, Hoàng Oanh đã được mời cộng tác với các ban: Thiếu Nhi đài phát thanh Quân Đội do Lê Đô phụ trách, ban Tuổi Xanh của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh và ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức ở đài phát thanh Sàigòn. Hoàng Oanh là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất do sự dẫn dắt của nhạc sĩ Nguyễn Đức trên con đường ca hát.

Rồi thời gian qua… trở thành một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng, lại có một tài ca ngâm vững vàng, cánh cửa lớn rộng mở, Hoàng Oanh đã bước vào sinh hoạt ca nhạc thực thụ, Cô đã góp tiếng hát tiếng ngâm tràn ngập tình cảm cũng như đã góp hình ảnh xinh tươi trong các chương trình nhạc và thơ uy tín của đài phát thanh cũng như đài truyền hình: Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, chương trình Phạm Mạnh Cương, Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Nhạc Vàng của Phó Quốc Lân, Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ, Tao Đàn của Đinh Hùng, Tiếng Thơ của Thanh Nam, Ly Tao của Thái Thủy… Và tư khi có phong trào thâu dĩa hát và băng nhạc, Hoàng Oanh là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất. Riêng địa hạt thâu dĩa, Hoàng Oanh đã thâu khoảng hơn hai trăm dĩa với các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental v.v… Đĩa hát đầu tiên của Hoàng Oanh gồm hai bài hát “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” và “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”. Có một điều làm ta hơi ngạc nhiên là không thấy Hoàng Oanh xuất hiện trong các phòng trà và vũ trường. Cô giải thích: “Hồi nhỏ, Oanh ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho Oanh hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát Đại nhạc hội mà thôi.”

Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, Hoàng Oanh đã có khả năng trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm. Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu Hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc… Hoàng Oanh đã tiếp nối những giọng ngâm thơ ba miền nổi tiếng như Hồ Điệp, Quách Đàm, Bích Thuận, Giáng Hương, Tô Kiều Ngân… Tiếng hát cũng như giọng ngâm của Hoàng Oanh có chút gì thật sâu đậm, buốn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả.

Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió. Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình thân bằng hữu và trong cảm tình nồng hậu của thính giả. Cho đến năm 1972, cô nữ ca sĩ dịu dàng khả ái đó sang ngang, vui duyên cầm sắt với một chàng dược sĩ trẻ và cũng là một nhạc sĩ, xây dựng một tổ ấm với tình yêu và sự hiểu biết.

Rời Sàigòn ngày 28-4-75, ban đầu Hoàng Oanh định cư ở New Jersey, một thành phố gần với New York chọc trời và nay cũng đã tìm đường về Cali nắng ấm. Tại hải ngoại, Hoàng Oanh bắt đầu “tự biên tự diễn”, phát hành băng nhạc. Băng nhạc của Hoàng Oanh không bạo phát, bạo tàn, cứ đều đều nhưng bền bỉ vững vàng và được thính giả đón tiếp về lâu về dài. Ở nơi tha hương này, nghe Hoàgn Oanh hát là nghe tiếng ru về những kỷ niệm của một quê hương đã nghìn trùng xa cách. Người miền Trung nhớ Huế da diết với giọng hát thật Huế của Hoàng Oanh trong Ai Ra Xứ Huế; người miền Nam nhớ sông Tiền sông Hậu với Tiềng Hò Miền Nam, người Bắc nhớ về Hồ Gươm, tháp Rùa qua câu ngâm sa mạc hay câu hát ví… Đó Hoàng Oanh là một ngôi sao lấp lánh muôn mặt của trời thơ ca nhạc hải ngoại hiện nay. Ở đâu, khán thính giả cũng đón tiếp Hoàng Oanh như một sứ giả của mối tình “thi nhạc giao duyên”, như một hình ảnh đẹp của nghệ sĩ, một đóa hoa muôn màu chan chứ tình tự quê hương dân tộc.

Hoàng Oanh đã tự vạch cho mình một lối đi: Làm sao để bảo tồn văn hóa cổ truyền và nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt cũng như trong lớp ca nhạc sĩ trưởng thành ở hải ngoại.







***



Viết về ca sĩ HOÀNG OANH với lời tri ân

Nguyễn Ánh PIANO

Nếu bài viết này có nói về Hoàng Oanh với lời ca tụng cô hát hay, cô đẹp, cô tài, cô giỏi thì quá bình thường. Hay nói một cách khác thì bài viết này quá tầm thường! Vì sao? Xin thưa biết bao nhiêu bài báo đã tốn biết bao nhiêu giấy mực để nói về cô rồi, và nay có nói thêm vào nữa thì cũng bằng thừa thôi. Vâng! Bài này tôi viết để xin tri ân cùng cô. Vì nhờ cô tôi biết thêm được những gì mà tôi muốn biết để thỏa cái tính tò mò của người có bản tính hơi lãng mạn, nghệ sĩ tính, đam mê âm nhạc nói chung và các thứ nhạc khí nói riêng.

Như tôi đã viết trong một bài báo có tựa đề là "Một lối thưởng thức âm nhạc..." thì cá nhân tôi nghe và thưởng thức được nhiều loại nhạc, từ nhạc tình lãng mạn mà có người gọi là nhạc "sến" cho đến nhạc cổ điển Tây phương. Đi xa hơn cho đến cải lương, hát chèo, nhạc cung đình Huế tôi cũng thưởng thức được tuốt và bộ môn nào tôi đều thấy có cái hay riêng. Và về các nhạc cụ tôi sử dụng được và yêu thích nhiều món như nhạc khí Tây phương có piano, violin, guitar và kèn saxo, còn bên nhạc khí cổ truyền thì tôi lại thích sử dụng đàn tranh, sáo trúc và động tiêu. Mà cũng vì cái chỗ... thích nhiều quá, nên tôi chẳng giỏi về một nhạc cụ nào cả. Cái nào cũng tơ lơ mơ chả có cái nào ra cái nào. Các cụ bảo "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" mà lỵ. Tuy biết sử dụng nhiều nhạc khí nhưng khi nghe chỉ khoái nhất là tiếng sáo trúc mà lại không thích thổi. Về vấn đề này có một lần tôi gặp nhạc sĩ Đức Thành và có nói về việc chỉ thích nghe mà không thích thổi bị Đức Thành móc lại một câu "Như vậy thì quý tộc quá rồi còn gì". Tôi hơi quê, tuy nhiên cũng không vì đó mà giận anh. Từ nãy giờ tôi nói dông nói dài, vòng vo tam quốc là vì vấn đề thích nghe đó. Vâng! Tôi mê nghe tiếng sáo nên bất cứ bản nhạc nào có đệm thêm tiếng sáo tôi đều tìm tòi sưu tầm cả. Và trong số đó có bài "Mưa trên phố Huế" câu dạo đầu bằng tiếng sáo thổi theo điệu hò mái đẩy thật tuyệt vời. Tôi nghe mà mê cả từ mấy chục năm nay và lần nào cũng tự hỏi: Người nhạc sĩ nào mà tài ba thế? Ai vậy? Tô Kiều Ngân chăng? Hay Nguyễn Đình Nghĩa hoặc là Đặng Quốc Khánh? Đó là ba tay sáo vô địch của miền Nam. Chắc là Tô Kiều Ngân? Vì Nguyễn Đình Nghĩa chuyên thổi nhạc ngoại quốc và kỹ thuật luyến láy nhanh nhẹn nhưng không mùi. Đặng Quốc Khánh vì có giòng máu Tàu nên chắc không thổi được câu dạo đó rồi. Tự hỏi và tự trả lời mà chẳng biết đích xác như thế nào. Cho đến một hôm tìm mua được một CD của ca sĩ Hoàng Oanh được thâu âm trước năm 1975 với tựa đề "Những tình khúc xứ Huế". Trên "label" phía sau cô cẩn thận ghi rõ tên nhạc công, ai sử dụng nhạc khí nào; thì ra là tiếng sáo của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và đàn tranh do Vĩnh Phan đệm chứ không phải Vĩnh Bảo (Vĩnh Bảo là vua đàn tranh). Như thế là giải tỏa được cái thắc mắc đã đeo đuổi tôi từ mấy chục năm nay.


Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô. Trong khi đó ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi tiền đã trao và cháo đã múc là anh vội quên ngay. Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh anh làm công việc giống như người ta nói là "đẻ thuê". Nghĩa là mình cũng tự đẻ ra đứa con, nhưng lại chỉ đẻ giùm và vì thế mà chóng quên và không hề lưu luyến. Có một lần vui miệng hỏi anh tại sao lại không lưu giữ những sản phẩm do mình tạo nên thì anh tỉnh bơ trả lời "Đời đã giữ cho mình rồi thì mình còn giữ làm chi nữa cho nó thêm chật nhà". Thật giống như một nhà khôi hài nói giỡn một câu tiếng Pháp bồi "Fini Italy Fourmi". Fini là hết, Italy là người Ý, Fourmi là con kiến, ghép chung lại ba chữ có nghĩa là "Hết ý kiến".

Trở lại với ca sĩ Hoàng Oanh, như đã nói cô rất tôn trọng và gìn giữ rất cẩn thận những gì mà mình đã tạo nên và cô cũng không quên cả những người đã cùng cô cộng tác để thực hiện những chương trình đó. Như vào năm 1987 cô thực hiện một cassette tại hải ngoại với chủ đề "Ai ra xứ Huế", cô cũng ghi dấu cẩn thận những nhạc công cùng làm cuộn băng đó mà chúng ta thấy được có hai nhạc sĩ cũ của Saigon năm nào là tay Guitar cổ điển Đỗ Đình Phương và tay sáo trúc Thanh Hà. Nhờ sự cẩn thận của cô như vậy mà chúng ta cảm thấy trân trọng và ưa thích cuốn băng đó vì nó còn ghi lại một chút dư âm màu sắc của kỷ niệm. Tôi muốn nói kỷ niệm bởi vì từ móc điểm của cuộn tape đó thì Đỗ Đình Phương đã từ giã nghề nghiệp cũ để chuyển sang làm một công việc mới, và cả Thanh Hà cũng đổi nghề. Anh tự tạo cho mình một xe bán "Hot Dog" và ngày ngày chịu khó đẩy đi khắp nơi bán dạo mà nghe anh bảo rằng là "khá lắm". Thôi! Chúng ta cũng mừng cho hai anh có một cuộc sống khả quan hơn nhưng tiếc có một điều kể từ đó ca sĩ Hoàng Oanh không còn cơ hội để hợp tác với họ. Và nếu chúng ta lưu ý kể từ điểm móc của cuộn tape đó trở về sau thì hình như chúng ta không còn được nghe tiếp những cuộn băng có giá trị như thế nữa vì dàn nhạc đệm dường như chỉ có "Õne Man Band" mà thôi. Vì sao? Bạn cứ suy nghĩ trên bìa của cái nhãn hiệu ghi tên chỉ có một người nhạc sĩ nhưng lại thủ nhiều vai. Thí dụ như Peter Johnson: Bass, Keyboard và trống. David: Saxophone và Guitar Solo. Bạn nghĩ sao? Ngày xưa chỉ một người đánh Bass là sử dụng từ đầu đến cuối và làm sao ngưng giữa chừng được. Trống cũng thế! Mà bây giờ chỉ là tạp "bính lù". Như chúng ta nếu có dịp nghe các đĩa CD Bầu Tranh Sáo thì còn độc nữa. Trên bìa nhạc ghi chỉ có một mình ông Quốc Dũng mà ông lại xử dụng được cùng một lúc ba món nhạc khí kể trên thì ông quả là "thiên tài". Có nghĩa ba âm thanh Bầu Tranh Sáo kể trên đều là... giả! Ông chỉ sử dụng duy nhất một cây keyboard hiện đại và ông tự biên tự diễn một mình. Còn nhạc đệm thì cũng dễ thôi! Trong cây keyboard nào chẳng có set up tiếng đàn tiếng trống sẵn và ông chỉ cần bật lên thôi. Nhưng khi chúng ta thưởng thức thì thấy làm như âm thanh đó hoàn toàn không có hồn, vì có phải là... "người" sử dụng đâu mà có hồn!

Đến khi nghe lại những băng xưa của Hoàng Õanh mới nhận thức được rằng dường như đã trở thành "bất tử" dù các nhạc sĩ, nhạc công đó hiện nay đã và đang trên giờ "lâm tử". Điển hình là tay sáo Nguyễn Đình Nghĩa đã hôn mê suốt tám tháng nay và gia đình anh cho biết hiện giờ đã nợ bệnh viện gần $250,000.00 US. Cứ bổ đồng một ngày anh nằm viện là $500.00 US bao gồm tiền thuốc men, bác sĩ và trăm món linh tinh khác. Như thế mỗi cuối tháng gia đình anh phải có $15,000.00 US để thanh toán riêng cho anh. Các anh em nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ Hoàng Õanh cũng đã nhiều lần tổ chức những buổi văn nghệ gây quỹ để giúp cho gia đình anh nhưng tất cả giống như muối bỏ biển chẳng thấm vào đâu cả so với những chi phí khổng lồ mà hàng ngày gia đình anh phải vật lộn.

Tội nghiệp Hoàng Oanh cô cũng sốt sắng giúp đỡ cho anh Nghĩa nhiều lắm nhưng giờ đây thì hình như cô cũng đã quá mệt mỏi vì những sản phẩm sau này không còn có tay sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa trợ lực nữa nên dường như sự tiêu thụ cũng hơi chậm, và vì còn có một phần nào nữa các trung tâm băng nhạc ra khá nhiều nên cô còn đụng phải những sự cạnh tranh ráo riết. Mong cho cô vẫn giữ vững niềm tin như cô từng tự tin như từ xưa đến nay.

Nguyễn Ánh PIANO (Toronto)




~ o ~


http://forum.trungtamasia.com/yaf_postst279_TIEU-SU-CUA-CO-HOANG-OANH.aspx

No comments:

Post a Comment