Tuesday, November 26, 2013

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong (*) _ T/g Lương Lệ Huyền Chiêu


Bài được đăng trong ĐS Áo Trắng Trường Xưa đã phát hành nhân dịp cựu nữ sinh Nữ Trung Học Nha Trang hội ngộ Tri ân thầy cô, được tổ chức tại Nha Trang ngày 25 tháng 11 2012.

 Lương Lệ Huyền Chiêu
 HS lớp Đệ Nhị C
 Nữ Trung Học 1965-1966

 ***

Năm 11 tuổi, tôi lần đầu được mặc áo dài nhờ sự quyết đoán của thầy hiệu trưởng Bửu Hỷ. Đó là năm tôi vào học lớp đệ thất ở trường Bán Công Ninh Hòa. Trường nhỏ lắm, chỉ có hai phòng học nằm khép nép dưới bóng mấy cây keo già mà những chiếc lá li ti không che mát nổi mảnh sân hẹp. Học trò thì nghèo, nghèo đến nổi nhà trường làm lơ, không ép nữ sinh phải mặc áo dài trắng khi đến trường. Học được nửa niên khóa, thầy Bửu Hỷ đến thay thế thầy Nguyễn Thiện Trạch.


Thầy Bửu Hỷ có dáng người đường bệ nhưng giọng nói vô cùng nhỏ nhẹ. Mặc dù chúng tôi chỉ là một đám học trò quê mùa, nhỏ nhít, thầy vẫn đến từng lớp tự giới thiệu và hỏi han việc học hành của chúng tôi. Và một cuộc đổi mới ngay tức thì được thầy tiến hành quyết liệt. Trước tiên thầy dẹp bỏ cái quan niệm nghèo thì sao cũng được.

Thầy chủ trương nghèo phải sạch, rách phải thơm. Không thể tiếp diển cái cảnh sân trường lộn xộn, luộm thuộm những quần đen, áo bông, áo xám, áo bà ba, áo sơ mi. Thầy bắt các nữ sinh phải mặc áo dài trắng và các giáo sư phải đeo cà vạt khi đến trường. Đó là “nghèo phải sạch” còn “rách phải thơm” có nghĩa là trường nhỏ nhưng học trò phải học hành chăm chỉ để thi đậu trung học đệ nhất cấp làm thơm danh cho trường.

Thầy Bửu Hỷ đã thành công. Nhờ thầy chúng tôi bắt đầu thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn, quan trọng hơn và yêu quý ngôi trường nhỏ bé của mình. Thầy thương học trò như con, quý thầy giáo như cháu. Tôi nhớ mãi thầy hiệu trưởng Bửu Hỷ và kỷ niệm lần đầu mặc áo dài của mình.

Thật tiếc, lên năm đệ lục tôi phải xa thầy, xa bạn ở trường Bán Công Ninh Hòa để ra Tuy Hòa học ở trường Nguyễn Huệ vì ba tôi làm công chức ở đó.

Từ đó chiếc áo dài trắng như hình với bóng đi cùng tôi từ tuổi thơ bước vào tuổi xuân thì. Từ chiếc áo dài lụng thụng, ngượng nghịu của một bé gái tôi đã trở nên dịu dàng hơn trong tà áo thiếu nữ. Thuở ấy nữ sinh chúng tôi đều rất gầy, một yếu tố rất cần để mặc áo dài đẹp. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã từng mô tả rất đúng hình ảnh của chúng tôi thuở ấy:

“Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy…
Dịu dàng nhìn anh em nói mến anh…”

Tôi mang dáng dấp gầy gầy với tà “ áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” bước chân vào lớp đệ nhị C Nữ Trung Học năm 1965. Ở Trường Nữ Trung Học, không chỉ nữ sinh mà cả cô hiệu trưởng, cô tổng giám thị, cô Thu Tuyết, cô Mộng Lan, Cô Thu Vân, cô Mỹ…đều dịu dàng, thanh mảnh.

Ở ngôi trường dành cho người Nữ ấy cô trò chúng tôi ngày hai buổi bước chân đến Trường thầm lặng, đoan trang nhẹ nhàng, khoan thai như ” cánh vạc bay vào chốn xa xăm”. Chính tà áo dài đã khiến người phụ nữ Việt Nam đi đứng nhẹ nhàng, khép nép như luôn lo sợ có ai đó đang nhìn ngắm mình, một dáng đi rất khác với người phụ nữ phương tây.

“Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu”
 (Nguyễn Nhược Pháp).

Và, mặc dù nhà thơ yểu mệnh Hàn Mặc Tử thời ấy chưa viết về nữ sinh nhưng màu áo trắng của cô gái mặt chữ điền ở thôn Vĩ Dạ đúng là màu áo của nữ sinh chúng tôi.

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra

Trắng quá vì thơ ngây quá, trong sáng quá. Và đương nhiên đẹp quá như trong nhạc của Hoàng Thi Thơ:
“Phố chiều bao tà áo trắng
Lượn trên đường phố nắng
Những cô nàng xuân tròn trăng..”

Mỗi lần nghe bài hát này tôi nhớ lắm một thời Nha Trang thong dong, yên lành, không xe cộ tấp nập ồn ào như bây giờ. Thuở ấy người ta thường đi bộ gọi là “bát phố” và nhờ đi bộ người ta gặp nhau nhiều hơn, nhìn thấy nhau nhiều hơn, ngắm nhìn nhau nhiều hơn…và dĩ nhiên cũng dễ yêu nhau hơn…..Ôi Nha Trang phố chiều êm đềm một thuở của tôi đâu rồi.

“Nhớ hoài ghi giờ phút ấy
Lòng tôi thèm biết mấy
Tiếng mưa rơi đìu hiu
Phố chiều đâu màu áo tím
Đàn tôi dù nát phím
Cố ghi vài câu tâm tình
 (Hoàng Thi Thơ)

Tà áo trắng của chúng tôi đã thực sự có một cuộc cách mạng khi được biến tấu thành chiếc áo dài mi ni gọn gàng, xinh xắn và vô cùng tiện lợi. Đã qua rồi thời của chiếc áo dài chít ben quá chật làm chúng tôi nhiều khi như muốn chết ngộp. Đã qua rồi thời của chiếc cổ áo dài quá cao làm chúng tôi như muốn nghẹn thở mỗi khi cài nút áo.

Không còn nữa những khi tà áo quá dài, quá rộng mắc vào sên xe đạp đã từng nhiều lần làm khổ chúng tôi. Chiếc áo dài mini cho phép các em nữ sinh lớp nhỏ nhảy lò cò trong sân trường, cho phép các chị lớp lớn đạp xe đạp mà vẫn thả bay tà áo trong gió. Đó là thời mà các cô nữ sinh đã bắt đầu nghịch ngợm hơn, bạo dạn hơn, phá phách hơn khi mặc chiếc áo dài mini ngắn đến đầu gối phủ lên chiếc quần tây ống loe thời thượng.

Tôi thấy tiếc quá khi bây giờ với cuộc sống gấp gáp, đường sá chật chội nhưng các em nữ sinh đã không tận dụng sự tiện lợi và nét đẹp hiện đại của chiếc áo dài mini khi đến trường. Hình ảnh chiếc áo quá dài, eo quá thắt, chiếc quần trắng quá dài, rộng khiến các em phải hai tay xách ống quần như lội nước khi bước đi thật không đẹp chút nào.

Không có thầy cô nào nói cho các em biết chiếc áo dài để đi học phải khác với chiếc áo dài lộng lẫy, cầu kỳ của các cô người mẫu trên sàn catwalk. Cũng như các cô thư ký văn phòng không mặc chiếc áo đầm kiểu cọ màu sắc rực rỡ khi đi làm Chiếc nón trắng một thời vừa nhẹ, vừa mát, vừa nên thơ không hiểu đã biến mất từ khi nào để bây giờ các em lúc nào cũng sùm sụp trên đầu chiếc mũ vải, kéo lên từ chiếc áo khoác nóng nực che kín cả bờ vai thon rất đẹp “Như Cánh Vạc bay”.

Từ sân trường bước ra áo khoác trùm kín người, khẩu trang trùm kín mặt, các em nữ sinh bây giờ đã trở nên rất gần với phụ nữ Trung Đông.

Ước gì có một ông hiệu trưởng sáng suốt và cả quyết như thầy hiệu trưởng Bửu Hỷ của tôi, ra lịnh cho nữ sinh của trường mình mặc đồng phục áo dài mini, đội nón lá khi đến trường. Tôi tin chắc rằng hình ảnh của các em nữ sinh giờ tan trường khi ấy không những làm ngẩn ngơ chúng ta mà còn cả khách nước ngoài.

Tôi yêu tá áo trắng nữ sinh biết bao và tôi mong ước nó được chăm chút biết bao.

Tà áo dài một thời của nữ sinh luôn là biểu tượng của nét đẹp đằm thắm, của lòng thủy chung, nhân hậu nên dù trải bao năm tháng “Áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”

*Thơ Huy Cận

http://www.ninh-hoa.com/VT-NTH-2012_LLHuyenChieu_AoTrangDonSoMongTrangTrong.htm

No comments:

Post a Comment