Friday, September 25, 2015
Gửi Những Người Em 11A3 Năm Ấy 1972 _Đinh Quang Bình
Đinh Quang Bình (trái) và G/s Lê Quý Thể
Tôi đến với trường Ngô Quyền như một sự thêm vào cho đầy đủ, năm đó là mùa hè đỏ lửa 1972, chiến tranh khốc liệt ở khắp nơi miền nam Việt Nam như Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Bình Địnhquyết chiến thắng, đại lộ kinh hoàng, Trị Thiên vùng dậy...
Năm đó, các trường trung học của các tỉnh bị tàn phá vì chiến tranh phải đóng cửa, các học sinh công lập của các nơi đó được thuyên chuyển về các trường loanh quanh Sài Gòn, Gia Định và Biên Hòa... trường Ngô Quyền Biên Hoà cũng giang cánh tay đón nhận một số học sinh từ các nơi có chiến tranh đổi về, và tôi cũng là một trong số học sinh được chuyển về NQ, trong bài "SINH HOẠT HỌC ĐƯỜNG GẮN LIỀN VỚI ĐỜI TÔI" của thầy Lê Quý Thể đã đăng trên web Ngô Quyền ngày 08 tháng 03 năm 2014, thầy Thể đã có nhắc tới: "Từ ngày tôi xin cho anh học sinh trường Khiết Tâm chơi giỏi nhất vào học trường Ngô Quyền thì đội bóng chuyền trường Ngô Quyền trở nên mạnh nhất tỉnh".
Trong nhóm học sinh đổi về trường Ngô Quyền năm đó, tôi nhớ một người tên là Đinh ngọc Khánh đến từ trung học Bình Long vì vậy chúng bạn thường gọi là Khánh Bình Long, Ngọc Khánh được xếp vào lớp 11A3 ở tầng dưới dãy cuối trường, năm đó tôi phụ trách thể thao, nên thường quan tâm theo dõi các bạn nào thích tham gia và cổ vũ cho các môn thể thao, không bao lâu tôi tóm được một nhóm cũng của lớp 11A3 trong đó có Ngọc Khánh, nhóm này gồm bảy người: Khánh BL,T uyết Mai, Ngọc Hoà, Khánh đen, Tuyết Vân, Ngọc Điệp và Thu Hương. Không những họ tham gia cổ vũ nhiệt tình cho các môn thể thao mỗi khi thi đấu mà còn tham gia ban văn nghệ nhà trường và du ca rất vui, vì vậy tôi đã đặt cho họ cái tên là "Thất cô nương".
Ngoài bảy người này, cũng lớp 11A3 còn có Lâm Túy Huệ và Diệp Hồng Phượng, Tuý Huệ không hò hét khi thi đấu nhưng lại thích chụp hình, nhờ vậy mà nay tôi còn giữ được một số hình ảnh sinh hoạt của trường, và tôi đã gởi cho Ban điều hành web NQ mấy năm trước cũng nên nhắc lại một tí về hình ảnh lưu niệm, trong bài thầy Lê Quý Thể đã viết có 4 ảnh, hai ảnh trên là do Tuý Huệ chụp, ảnh đầu tiên là ngày làm sân khấu ra mắt ban đại diện học sinh niên khoá 72-73, thầy Thể đứng phía trước đang chỉ đạo và tôi đứng sau, hình thứ hai là đội bóng đá và bóng chuyền đi dự đại hội thể thao cấp quân khu tại Vũng tàu, hình chụp khi mới đổ quân xuống trại an dưỡng Vũng tàu .
Ngoài thể thao văn nghệ, nhóm chúng tôi còn giúp ban báo chí đi bán báo Xuân ở các nơi xa, có lần Diệp Hồng Phượng cùng đi bán báo ở trung học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương vừa đến rừng cao su Dĩ An thì xe hết xăng, chúng tôi đi bộ tìm xăng, Phượng đi guốc cao nên đi bộ lâu không được, ngồi khóc, tôi cõng Phượng đi được vài trăm thước cũng chịu không nổi vì quá nặng, một lần đi bán báo cùng Tuyết Mai ở quân trường Thủ Đức gặp may mắn hơn vì khi vô đó gặp nhiều bạn bè cũ nên bán hết trơn, vui ơi là vui!
Thế rồi ngày tháng qua, các cô em trong nhóm thất cô nương cũng đến lúc phải tan hàng, mà cái tan hàng đau thương nhất chính là ngày tháng tư đen năm đó, chính tôi cũng bị tan hàng cố gắng trong ngày này, ngày lịch sử đau thương cho dân quân miền nam, cái ngày mà tất cả mọi người dân miền nam không còn nhớ mình là ai nữa, tên trường, tên lớp, tên thầy cô cũng đành quên luôn, cũng vì ''cách mạng'' mà phải lo "mưu sinh thoát hiểm".
Năm 76, cũng trong kế hoạch mưu sinh, ẩn dật, cũng nhờ một chút khả năng thể thao lúc trước còn lại, tôi vô chơi bóng chuyền cho bộ công nghiệp nhẹ nhà máy diêm SAMASA ở ngay bờ sông Đồng Nai khu công nghiệp Biên Hoà. Một hôm, đang ngồi nói chuyện với ông quản đốc, thì có người bước vô, tôi nhận ra Ngọc Hoà, anh em chúng tôi tay bắt mặt mừng ôn lại những ngày tháng qua như đã xa nhau lâu lắm rồi vậy... Tội nghiệp cho Hòa, vào một ngày khoảng năm 77, một nhóm nữ công nhân rủ nhau thả bộ ra sông Đồng Nai dạo chơi, không biết các cô đùa giỡn thế nào mà Hòa bị rớt xuống dòng nước đang chảy, các cô cầu cứu nhưng không còn kịp, Hòa đã tắt thở khi được cứu lên bờ, thương người em vắn số tôi có tìm những người bạn để báo tin nhưng mỗi người đã phiêu bạt mỗi phương, tôi chỉ liên lạc được với Tuyết Mai lúc đó Mai đang dạy học ở Bình Tuy.
Thời gian như dòng sông Đồng Nai vẫn cứ trôi, mặc kệ người vui, người buồn, người chết, cảnh tan tác chia lìa vượt biển, vượt rừng... người dân miền nam những năm đó như chim xa đàn, nheo nhóc, đành đoạn bỏ tổ ấm tìm đường ra đi. Mãi đến năm 2011, tháng bảy tôi về Cali tham dự ngày đại hội CHSNQ toàn thế giới, ngày đó tôi có dịp gặp lại Phạm Thị Hạnh từ Úc qua, Ngọc Dung, Lê thi Lộc và gia đình Tuyết Mai, Mai đã đạo diễn lại cảnh "một thời áo trắng" và chúng tôi cùng tham gia có thêm hai anh Minh, anh Ân. Không ngờ ngày đó cũng là lần cuối tôi gặp Mai, người em út trong nhóm thất cô nương, Mai đã từ giã chúng tôi đúng một năm sau cũng vào tháng bảy, 2012. Nỗi buồn chưa vơi thì mới đây lại nghe tin từ quê nhà, Khánh Bình Long cũng đã từ giã mọi người để ra đi hồi tháng tư 2014. Nhìn lại ngày tháng cũ nghe văng vẳng như mới đây, những kỷ niệm êm đềm thời áo trắng, những cuộc hẹn hò gặp nhau ở cổng trường, những vỗ tay hò hét khi thi đua tranh giải thể thao, cùng những giận hờn vu vơ rồi xin lỗi nhau huề cả làng, bây giờ đang từ từ tan hàng, tan hàng vĩnh viễn. Ngày xưa học cùng lớp cùng trường, giờ chết mỗi đứa mỗi phương, nhóm có bảy đứa nay đã mất ba, còn bốn đứa không biết nay đã phiêu bạt phương nào .
Thôi nhé, cuộc đời là thế, kẻ trước người sau, anh tin tưởng ở cuộc sống trần thế này các em sống tốt, nay các em trở về cuộc sống vĩnh cửu cũng sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn. Nơi đó các em cũng đã hẹn hò gặp nhau dưới mái cổng trường Ngô Quyền thân thương, những người bạn cũng như những anh chị em luôn nhớ đến các em trong những giờ kinh nguyện và mỗi khi nhớ về mái trường xưa.
Nhân mùa lễ tạ ơn tới, tôi viết đôi dòng này để cám ơn mái trường Ngô Quyền Biên Hoà đã thu nhận tôi, cám ơn thầy Lê Quý Thể đã đưa tôi về, thầy Phạm Đức Bảo cùng các thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người hôm nay, cũng nhờ vậy mà tôi có cơ hội gặp nhóm "thất cô nương", cám ơn các em đã nhiệt tình cổ vũ cho tôi cùng các bạn hăng say đưa nhiều thành tích về cho trường Ngô Quyền, cũng không quên cám ơn ban điều hành CHSNQ BH đã quá nhiệt tình trong công việc ''vác ngà voi" đã xây một nhịp cầu vững chắc cho chúng tôi có cơ hội được gặp lại nhau sau những thăng trầm của cuộc sống, và cũng để tưởng nhớ đến ba người em đã ra đi, nguyện cầu ơn trên sớm đưa linh hồn các em về nơi phước lộc đời đời...
Dư âm bản nhạc của TCS mà Tuyết Mai đã hát trong thư viện của trường Ngô Quyền năm nào vẫn còn văng vẳng đâu đây : "Nơi em về ngày vui không em. Nơi em về trời xanh không em. Từ lúc đưa em về là biết xa ngìn trùng...."
Đứa con nuôi của trường Ngô Quyền
mùa lễ tạ ơn 2014
Đinh Quang Bình
http://www.ngo-quyen.org/p115a4191/dinh-quang-binh-gui-nhung-nguoi-em-12a3-nam-ay
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment