Đọc để biết về tội ác của sư đoàn 3 sao vàng Việt cộng (những chuyện như vầy mà đ/c Điếu Cày không chịu "thành thật khai báo" với "nhân dân"). ĐMVC
______
Kiều Mỹ Duyên
Rời phi trường Đà Nẵng, tôi về nhà của luật sư Đào Ngọc Thụy, bạn học cũ ở Luật Khoa. Phu quân của Thụy cũng đang phục vụ tại Quân Đoàn I. Sáng hôm sau, tôi vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I thật sớm để chuẩn bị cho chuyến đi thăm những trận đánh đã và đang xảy ra ở Quảng Ngãi. Vài ngày trước khi quyết định ra miền Trung, những tin tức về tình hình chiến sự ở tòa soạn cho thấy những trận đánh chung quanh tỉnh Quảng Ngãi đang tới hồi khốc liệt. Vì vậy, Quảng Ngãi là nơi đầu tiên ở miền Trung mà tôi có mặt khi vừa đến. Và cũng mới đêm hôm qua, Chi Khu Ba Tơ đã trở thành một địa danh nổi tiếng, bởi một trận đánh anh dũng của những người chiến sĩ Địa Phương Quân tỉnh Quảng Ngãi.
Tôi ngồi yên lặng, vừa lắng nghe vừa ghi nhanh những điều mà Đại Tá Ngô Văn Lợi, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Ngãi nói với tôi về sự tàn bạo của Việt Cộng đối với người dân vô tội. Trên bản đồ hành quân trải rộng, Đại Tá Lợi chỉ cho tôi những làng mạc đã bị đốt phá:
- Đây là Sơn Tịnh, Minh Lang, Ba Tơ... Những làng xóm này đã thành đống tro tàn, một số dân bị bắt đi, một số dân bị giết chết.
Chi Khu Ba Tơ nằm gần biên giới Lào, là một nút chặn, ngăn cản sự xâm nhập của Việt Cộng từ phía Lào qua Quảng Ngãi. Những ngày trước đó, Việt Cộng đã đưa Sư Đoàn 711 tấn công và chiếm quận Quế Sơn. Quế Sơn mất, áp lực của Cộng quân ngày càng nặng nề chung quanh quận Ba Tơ và dọc theo Quốc Lộ I của vùng này.
Người ta lo ngại cho số phận của Quảng Ngãi. Chỉ trong vòng một tháng trời, hai ông quận trưởng của Mộ Đức đã hy sinh. Những quận xa xôi ở miền rừng núi đã có dấu hiệu của sự đánh phá. Tuy nhiên, chưa có một làng, một quận nào của Quảng Ngãi phải di tản chiến thuật, kể cả Sa Huỳnh ở về phía Nam của thành phố Quảng Ngãi, giáp với phần đất của Bình Định vẫn còn giữ được yên. Trước Tết tôi đã ghé qua Quảng Ngãi, và khi đi đường bộ đến Sa Huỳnh, bắt đầu đoạn đường từ Đức Phổ, tôi phải mặc áo giáp, đội nón sắt, vì sợ bắn sẻ. Ngồi trong thiết giáp, ló đầu qua pháo tháp để quan sát tình hình hai bên đường. Thế mà bây giờ cũng trên đoạn đường này, sự di chuyển bằng đường bộ tương đối an ninh. Đó là một niềm hãnh diện của những đơn vị có trách nhiệm bảo vệ cho đồng bào ở Quảng Ngãi.
Trong sự yên tĩnh của hôm nay, hình như những người chiến sĩ đang chờ đợi một cái gì sẽ xảy ra cho tỉnh lỵ của mình. Chỉ có ngư ông mới nhìn thấy những luồng sóng ngầm dưới lòng biển cả. Chỉ có những người lính chiến đầy kinh nghiệm mới có cái trực giác bén nhạy trước những toan tính của địch. Và sự chờ đợi đã đến. Những chiến sĩ Địa Phương Quân của Chi Khu Ba Tơ với sự yểm trợ của Biệt Động Quân Biên Phòng đã kiêu hùng chiến đấu với Trung Đoàn 22 thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng của Cộng quân ròng rã suốt 4 ngày đêm liên tục mà không được tiếp tế, không tải thương được và cuối cùng đã đẩy lui địch quân, để cho tiền đồn nhỏ bé này vẫn ngạo nghễ trấn giữ giữa một vùng rừng núi.
Lát nữa đây tôi sẽ có mặt tại Ba Tơ. Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I/Quân Khu I sắp đáp trực thăng xuống bãi đáp ở sau lưng Toà Án Quảng Ngãi, Đại Tá Lợi đợi ở đây để cùng bay với Tướng Thi đến Chi Khu Ba Tơ gắn huy chương và thăng cấp tại mặt trận cho các chiến sĩ Địa Phương Quân và Biệt Động Quân của Tiểu Đoàn 69 Biệt Động Quân Biên Phòng đã có công trong trận chiến vừa qua.
Trung Tướng Lâm Quang Thi vừa rời chức vụ Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị Đà Lạt về Quân Đoàn I, đặc trách mặt trận ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Tín. Đơn vị chủ lực của vùng này là Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Sư Đoàn 3 có nhiệm vụ bảo vệ Quảng Nam và Đà Nẵng. Sư Đoàn 2 bảo vệ Quảng Ngãi, nhưng có một trung đoàn bị rút đi tăng cường cho mặt trận phía Bắc Quảng Trị. Sau khi quận Quế Sơn lọt vào tay Việt Cộng, Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp gọi cho Tướng Thi xin từ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Tướng Thi gọi cho Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I đang có mặt tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Huế. Ông nói:
- Tôi gọi cho Tướng Trưởng lúc 2 giờ sáng. Tình hình lúc đó quá căng, không ai ngủ được. Tướng Trưởng hỏi tôi muốn chọn ai thay thế cho Tướng Phan Hoà Hiệp. Tôi đề nghị Đại Tá Trần Văn Nhựt. Tướng Trưởng hỏi tại sao chọn Đại Tá Nhựt? Tôi chưa hề biết Đại Tá Nhựt, nhưng mấy tháng trước nghe kể Đại Tá Nhựt, lúc đó là Tỉnh Trưởng Bình Long, đang nghỉ phép ở Sài Gòn, được tin tỉnh của mình bị đánh, ông bỏ phép trở về ngay, và sau đó đã anh dũng tử thủ An Lộc. Như vậy đúng là một vị chỉ huy có tinh thần trách nhiệm.
Dáng người cao lớn, nét mặt trầm tĩnh, ông có dáng dấp của một viên võ tướng. Ông nói với tôi, ông yêu mến binh chủng Nhảy Dù và trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi mà ông hãnh diện vì đã đào tạo nên các khoá 22B, 23, 24 và 25, là những khoá xuất sắc với tiêu chuẩn cho một sinh viên sĩ quan tốt nghiệp là ngoài căn bản quân sự, phải có trình độ Cử Nhân Khoa Học, một bằng Dù và một đai đen Thái Cực Đạo.
Ông nói tiếp về trận Quế Sơn:
- Sau khi Đại Tá Nhựt ra chỉ huy Sư Đoàn 2 Bộ Binh, tôi trình với Tướng Trưởng rút trung đoàn đang tăng phái ở Quảng Trị về, xin B52 và pháo binh yểm trợ, đã lấy lại quận Quế Sơn. Trong trận Quế Sơn, bên ta tổn thất khá nặng, hơn một trăm người tử trận.
Đây là lần thứ hai tôi gặp Tướng Thi. Lần thứ nhất mới cách mấy tháng trước tại Canberra, thủ đô của Úc, lúc đó tôi đang du học tại đây. Tướng Thi cùng với Đề Đốc Chung Tấn Cang ở trong phái đoàn của Việt Nam Cộng Hoà đến dự hội nghị quốc tế về vấn đề bài trừ ma túy. Ngày cuối của hội nghị, Toà Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà mở tiệc khoản đãi. Toà đại sứ không có nữ nhân viên, nên nhờ các nữ sinh viên Việt Nam du học mặc áo dài tiếp tân dùm. Và hôm đó, Tướng Thi với tư cách đại diện phái đoàn, đứng bắt tay cả ngàn quan khách.
Chiếc trực thăng, ngoài phi công, chỉ có Tướng Thi, Đại Tá Lợi, một xạ thủ và tôi. Mới buổi sáng mà trời đã nóng. Tôi mặc quân phục, nếu không có mái tóc dài, thì trông cũng giống một người lính chiến. Tôi từ Úc mới về nước chừng hơn một tháng. Sau một thời gian sống quen với cái lạnh dưới không độ ở Úc, nên khí hậu của miền Trung trong mùa hè, đối với tôi thật nóng như lửa.
Trực thăng bay với tốc độ nhanh. Có khi bay dọc theo Quốc Lộ I về hướng Nam. Nhìn những ruộng vườn xanh tươi, những hàng cau, hàng tre thấp thoáng, nếu không có tiếng súng và âm thanh xé gió của những chiếc phản lực cơ trên trời, thì nơi đây quả thật là một quê hương thanh bình. Ruộng vườn không bát ngát, trù phú như miền Nam, nhưng chính trong cuộc sống nghèo khó đó, có một cái gì gắn bó. Phải chăng là tình người, ngọt ngào như những thẻ đường phổi của Quảng Ngãi, như những lon mạch nha của phố nhỏ Tam Kỳ.
Chỉ trong một thoáng, những ruộng vườn mất hút đằng sau. Tôi nhìn xuống bên dưới, núi rừng trùng trùng, điệp điệp như một tấm thảm màu xanh. Cái nhìn sẽ thoải mái biết bao nhiêu trước cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, nhưng làm sao thoát cho khỏi được thực tế của chiến tranh, cái cảm giác của sự bất trắc: một loạt đạn phòng không, một trái hỏa tiễn SA7, từ dưới “tấm thảm xanh” đó phóng lên...
Không biết có phải Tướng Thi đọc được những ý nghĩ của tôi chăng, bỗng nghe ông nói:
- Tại Quảng Ngãi có cụ Đạt xem Tử Vi hay lắm. Tháng trước ông nói tôi coi chừng rớt máy bay, và tháng đó tôi rớt máy bay thật. Không phải vì bị bắn, mà vì lý do kỹ thuật.
Tôi nghĩ thầm, những người mà ngày ngày phải cận kề với sự hiểm nguy, nếu tin tưởng được vào số mệnh, chắc tâm hồn sẽ thanh thản hơn. Đến gần Ba Tơ, máy bay bay sát ngọn cây để dễ quan sát. Đại Tá Lợi nói với tôi:
- Cô nhìn xem bên dưới, Việt Cộng đốt rụi hết cả nhà cửa của dân trong trận đánh vừa rồi.
Tôi hỏi Đại Tá Lợi:
- Tại sao Việt Cộng lại đốt nhà của dân?
- Mục đích là muốn người dân trở về sống trong vùng kiểm soát của chúng. Nhưng đồng bào bây giờ đã chán Việt Cộng lắm rồi, một số bỏ ra tỉnh sinh sống, một số gắng xây dựng lại.
Máy bay đáp xuống bãi cỏ trong hàng rào của Chi Khu Ba Tơ. Đứng trên bãi đáp trực thăng nhìn ra bốn hướng, chỉ thấy toàn là đồi núi chập chùng. Giữa vùng đất trống, một khoảng rộng chưa bằng nửa cái sân banh, với những lều trại dã chiến, với những công sự phòng thủ, mà mới đêm qua, những người trấn đóng ở đây đã phải đem máu của mình để giữ vững mảnh đất nhỏ bé trên ngọn đồi này, dưới sự tấn công như vũ bão của quân thù.
Tướng Thi đến rất bất ngờ, nên không có một sĩ quan nào của chi khu chào đón ông. Cũng bất ngờ và đáng nói đến như lần ông bay thị sát mặt trận Thanh Quít ở Quảng Nam, lúc đó một đơn vị của Trung Đoàn 56 thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh đang chạm địch. Có 4 thương binh đang cần máy bay để tải thương cấp cứu, Tướng Thi đã ra lệnh cho phi công đáp trực thăng của mình xuống giữa những lằn đạn bốc 4 thương binh đó về Tổng Y Viện Duy Tân. Chỉ một thái độ quan tâm như vậy của cấp chỉ huy, cũng khích lệ được tinh thần chiến đấu của binh sĩ biết bao nhiêu.
Tôi theo chân Tướng Thi đi một vòng quan sát chung quanh hàng rào phòng thủ của Chi Khu. Ngay trước mắt tôi, xác Cộng quân nằm la liệt, trên những mô đất, bên những gốc cây, hoặc còn vắt ngang trên hàng rào kẽm gai. Rất nhiều xác không còn nguyên vẹn, thịt xương rơi vãi khắp nơi. Máu đọng thành vũng. Dưới ánh mặt trời buổi sáng, màu máu vẫn còn đỏ thắm. Mùi máu tươi trộn lẫn với mùi thơm thoang thoảng của những hàng cây khuynh diệp mọc hoang dã trên đồi, gây cho tôi một cảm giác khó tả... Những hàng cây khuynh diệp, thân cây thẳng tắp, những cành lá đong đưa trong gió trông thật bình thản, nhưng đã là chứng nhân trong những giây phút hào hùng của những người đã chiến đấu tại đây đêm qua.
Dân số của quận Ba Tơ khoảng 16 ngàn người. Trấn giữ Chi Khu Ba Tơ là hai đại đội Địa Phương Quân, quân số mỗi đại đội khoảng 80 người. Tuy nhiên khi lâm trận, quân số ứng chiến sẽ nhiều hơn quân số thực sự. Quân số yểm trợ không có trong bảng cấp số chính là vợ con của một số quân nhân đang trú đóng ở đây.
Trong lúc Chi Khu Ba Tơ bị tấn công bốn mặt, thì đại đội hậu cứ của Tiểu Đoàn 69 Biệt Động Quân Biên Phòng, là đơn vị đang yểm trợ cho chi khu này, cũng bị tấn công từ hướng Đông Nam sang Tây Bắc bởi một đại đội đặc công của Việt Cộng tràn vào sau làn mưa pháo, vẫn theo chiến thuật cổ điển “tiền pháo hậu xung”.
Để nhổ đi cái chốt Ba Tơ, cắt đứt yết hầu của Quảng Ngãi, địch đã điều động một trung đoàn bộ binh, một đại đội đặc công và một đơn vị pháo nặng. Một lực lượng gấp mấy lần tấn công một chi khu nhỏ bé liên tục 4 ngày đêm. Những chiến sĩ Địa Phương Quân và Biệt Động Quân Biên Phòng đã chiến đấu dũng mãnh để bảo vệ phòng tuyến. Suốt 4 ngày đêm trực thăng không tiếp tế được, không tải thương được. Những họng súng của địch đặt ngang lưng chừng núi, máy bay vừa đến là bị bắn rớt ngay. Những phi công liều lĩnh nhất cũng không thể nào đáp xuống.
Trận Ba Tơ được xem là chiến thắng lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày mặt trận Trị Thiên bùng nổ. Sau khi đi quan sát tình hình chung quanh chi khu, tôi trở vào trò chuyện với một số anh em Địa Phương Quân. Thiếu Úy Nguyễn Đức Phú kể lại:
- Chúng tôi biết trước và đoán chừng khoảng trong vòng 5 hôm nữa là Việt Cộng sẽ đánh chi khu này. Nhưng đến đêm thứ hai, lúc 4 giờ 30 sáng, địch pháo như mưa vào chi khu. Pháo từng loạt, từng loạt, mỗi loạt chừng 30, 40 quả. Bên mình có hai cây 105 ly của anh em Biệt Động Quân bắn trả đũa lại không ngừng để yểm trợ cho chúng tôi.
Nhìn những dãy nhà tranh của dân phía bên ngoài vòng rào kẽm gai, tôi hỏi:
- Việt Cộng pháo có trúng nhà dân nhiều không?
- Nhiều. Dân chết trong trận này cũng nhiều. Hầm trú ẩn của đồng bào rất chắc chắn, sâu dưới 2 mét. Nhưng khi Việt Cộng tràn vào, chúng đốt nhà, ngăn không cho dân chạy, đồng bào bị chết cháy dưới hầm. Sau khi giải toả được chi khu, chúng tôi tìm được nhiều xác đàn bà, trẻ con chết cháy trong hầm. Việt Cộng đốt hơn 200 căn nhà của dân và bắt đi khoảng 120 người gồm đàn bà, trẻ con. Những người dân còn sống sót trốn thoát được kể cho chúng tôi nghe rằng, Việt Cộng bắt đồng bào làm bia đỡ đạn cho chúng. Bởi vậy trong trận này, dân chết và bị thương nhiều hơn lính.
Trung Tướng Thi và Đại Tá Lợi gắn lon và huy chương cho một số chiến sĩ Địa Phương Quân và Biệt Động Quân Biên Phòng có công trong nhiệm vụ đẩy lui địch một cách anh dũng. Thượng Sĩ Định, EO của Chi Khu Ba Tơ được thăng cấp tại mặt trận và được khen thưởng nhiệt liệt. Buổi lễ không kèn không trống, không có diễn văn dài dòng, nhưng vô cùng xúc động. Sự xúc động tự trong thâm tâm của những người đang đứng đây, giữa một bãi chiến trường còn nồng khói súng, xác địch còn ngổn ngang và mùi máu tươi vẫn còn trộn lẫn với hương thơm của những hàng cây khuynh diệp. Đâu đây như phảng phất vong hồn của những người vừa hy sinh, trở về chứng kiến giây phút vinh quang của đồng đội, và của cả chính mình.
Tôi trở vào sau doanh trại trò chuyện với những người đàn bà và trẻ em đã cùng chồng, cùng cha mình chung lưng chiến đấu với quân thù trong những ngày qua. Khuôn mặt còn lấm lem những dấu đất cát và khói súng cùng sự mệt mỏi, nhưng đầy nét tự hào.
Tôi hỏi một chị đang có bầu:
- Mỗi khi địch tấn công đồn, chị làm gì?
Chị trả lời thản nhiên:
- Em đứng bên anh mà bắn theo sự chỉ huy của anh. Thường ngày anh dạy cho em bắn.
Tôi hỏi một em bé khoảng tám tuổi:
- Đêm qua khi cha và mẹ em đánh nhau với Việt Cộng, em làm gì? Có sợ không?
Em bé cười hồn nhiên:
- Sợ chứ cô. Đạn pháo điếc cả tai, nhưng con vẫn mang đạn ra cho ba con.
- Em mang đạn ra bằng cách nào?
Em bé vừa kể vừa làm bộ để diễn tả lại:
- Con bò sát đất, dùng hai tay và đầu đẩy thùng đạn về phía trước. Đẩy từ trong hầm ra tới giao thông hào.
Tôi nghĩ người chinh phụ ngày xưa là hình ảnh của một người đàn bà thụ động, chịu đựng và chấp nhận sự mất mát, xa cách. Người chinh phụ ngày xưa chỉ khép kín cuộc sống sau khung cửa để hướng về chồng mình đang chinh chiến nơi xa:
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi thiên san
Còn người vợ lính ngày nay phải nói là:
Dù nơi quan ải, thiếp chàng có nhau.
Tôi nhìn những người đàn bà đang đứng trước mặt tôi. Họ bỏ lại sau lưng những tiện nghi, những vui thú của một cuộc sống thành thị, để đến một nơi giữa rừng núi heo hút như Chi Khu Ba Tơ này, là chỉ để chia xẻ với chồng mình đang từng phút, từng giây đối diện với quân thù CS.
Tôi nhìn những đứa bé gầy guộc bởi những bao gạo sấy qua ngày. Tôi nhìn những bàn tay nhỏ xíu đã tải những thùng đạn nặng chĩu đêm qua, những bàn tay thay vì chìa ra nhận bánh kẹo, đồ chơi một cách hồn nhiên vô tư, hoặc đang nắm chặt cán bút, cắm cúi với bài học trên ghế nhà trường như những đứa bé cùng tuổi khác trong giờ phút này, thì các em lại đang đứng đây, tại một nơi không phải dành cho tuổi thơ!
Kiều Mỹ Duyên
http://hon-viet.co.uk/KieuMyDuyen_MuiMauTuoiTrongRungCayKhuynhDiep.htm
No comments:
Post a Comment