Friday, December 11, 2015

[vp VNCH] Trường Ngô Quyền, Những Khuôn Mặt Ấy..._Nguyễn Thị Minh Thủy

Nguyễn Tất Nhiên, thứ hai tính từ bên trái  (dấu X đỏ)

Viết một bài có tính cách vinh danh những khuôn mặt làm rạng rỡ cho ngôi trường Ngô Quyền thân yêu, tôi lấy làm ái ngại vô cùng. “Người Việt mình” thường có “truyền thống” “tốt khoe xấu che”, nhưng đôi khi vô tình (hay cố ý?) lại thích “thừa thắng xông lên”, và xông mạnh đến nỗi gây “nhức nhối” trái tim người đối diện. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta, thì hẳn nhiên “công tác” này cũng là một “sứ mạng thiêng liêng” đáng làm lắm chớ.


Tuy nhiên, còn một vấn nạn nhỏ nữa, vì đối với tôi, ở đời, ai đã sống cho ra người, sống không tự thẹn với chính mình, thì đều đáng vinh danh hết thảy. Vậy thì biết “binh ai, bỏ ai” bây giờ? Thôi thì, xin phép cho tôi thu hẹp lại, để viết về vài nhân vật tiếng tăm hoặc có đóng góp đặc biệt cho xã hội - trong hàng ngũ giáo sư hoặc cựu học sinh - mà cá nhân tôi được hạnh duyên quen biết mà thôi.

...

Trên mọi lãnh vực xã hội, có rất nhiều cựu học sinh Ngô Quyền ra đời gặt hái lắm thành công. “Mỗi người một vẻ”, bác sĩ, kỹ sư, doanh gia, nghiệp chủ, v.v... ngành nào cũng có, nếu được kể ra thì chẳng biết bao nhiêu trang mới đủ, nhưng rất tiếc lại không nằm trong chủ đề. Trong bài này, chúng ta thu hẹp vào việc nhắc lại những khuôn mặt đặc biệt mà khi đã nói đến trường Ngô Quyền là không thể bỏ qua. Một nhân vật sau cùng, có một không hai mà chúng ta bùi ngùi nhớ lại hôm nay, là cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên.

Tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, cựu học sinh ra trường năm 1970, anh Nguyễn Tất Nhiên làm thơ rất sớm và từng là Trưởng Ban Báo Chí của trường nhà. Tập thơ đầu tay “Thiên Tai” của anh, ra đời năm anh mới 18 tuổi, đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong sự nghiệp thi ca của anh do bởi những thi ảnh, cách dùng chữ rất mới lạ cũng như cách diễn đạt tâm tình rất độc đáo của anh.

Nhạc sĩ đầu tiên đến với thơ Nguyễn Tất Nhiên là Nguyễn Đức Quang, có lần đã tâm sự, “Những bài thơ của cậu em học trò quần xanh áo trắng ấy đã làm tôi bàng hoàng vì tính chất mới lạ của nó. Tôi có cảm hứng ngay và phổ thành bài “Vì Tôi Là Linh Mục” thật nhanh chóng. Cho tới bây giờ, đó vẫn là một trong những bài nhạc mà tôi rất thích”.

Năm 1972, nhạc sĩ Phạm Duy - người được mệnh danh là có tài “biến một ngón tay thành một bàn tay xinh đẹp” trong địa hạt phổ thơ thành nhạc - cũng cống hiến cho đời nhiều “bàn tay xinh đẹp” từ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Đó là “Em Hiền Như Ma Soeur”, “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận”, “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”.

Nương theo tiếng hát trẻ trung, hồn nhiên đến tội nghiệp của Duy Quang, những lời thơ nồng nàn men đau khổ của Nguyễn Tất Nhiên chắp đôi cánh nhạc bay ngợp tâm hồn bao thanh niên nam nữ bấy giờ. Ai đã sống ở miền Nam thời đó mà chưa từng ngâm nga hoặc ít lắm cũng nghe qua: “thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá”, hay “đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa”, hoặc “này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, tóc demi-garcon”...

Thơ anh giản dị mà độc đáo với những hình ảnh thật gần gũi. Những chữ anh dùng đều là thứ ngôn ngữ phổ cập nhưng khi đưa vào văn chương thì trở nên những thuật ngữ vô cùng đặc biệt khiến người ta không sao quên được, đến nỗi nhiều người vẫn thường buột miệng “có còn hơn không” hay “nói năng chi cũng thừa”,...

Năm 1978, anh vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên Tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980. Sau đó, anh sang Mỹ, sáng tác nhạc, cho ra đời băng nhạc “Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên” và lần lượt những tập thơ “Chuông Mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989). Cho tới giờ này, các nhà sách cho biết “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” vẫn là một trong số những cuốn thơ bán chạy nhất, bên cạnh thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Du Tử Lê...

Tôi có một chị bạn quen rất ái mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, chị gọi điện thoại bảo tôi:

“Em biết không, chị mới gửi về Việt Nam cuốn thơ của Nguyễn Tất Nhiên đó. Chị có người chị là giáo sư văn chương ở miền Bắc, trình độ văn chương rất khá và lại rất thích thơ Nhiên. Ban đầu chị ấy chỉ nghe qua mấy bài do Phạm Duy phổ nhạc, thấy ý tưởng thật độc đáo nên nảy ý tìm đọc thử nguyên tác. Chị ấy tự nghĩ nhạc như thế thì thơ chắc còn hay hơn nữa. Nay thì chị ấy nhận được tập thơ rồi. Chị ấy đọc xong cho biết chị không hề thất vọng, mà qua thơ Nguyễn Tất Nhiên, chị còn biết được thêm một điều là ở trong Nam, tuy cũng có chiến tranh, nhưng giới trẻ đã được sống những ngày tháng đầy thơ mộng với tình yêu đầu đời thật cuồng nhiệt, thật chân thành với đủ bi ai say đắm nồng nàn.”

Đúng vậy, qua thơ anh, những tháng năm non dại của một thời mới lớn dường như còn ủ mãi trong thứ hoài niệm vừa đau đớn vừa ngọt ngào. Vào một buổi chiều mùa hạ năm 1992, Nguyễn Tất Nhiên đã lựa chọn một chuyến ra đi vĩnh viễn, để lại cho đời những vần thơ ngậm ngùi muôn thuở mà hôm nay, niềm “sầu khổ dịu dàng” dường như thâm trầm hơn, mênh mang hơn, khi chúng ta một lần nhìn lại trường xưa. Có lẽ cũng vì thế, ở đây, chợt dưng tôi muốn nhắc lại một (trong rất nhiều) bài thơ hay tiêu biểu của anh, đó là bài:

 “Nên Sầu Khổ Dịu Dàng”.

1.
những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh
(có một ngày mình bỏ trường bỏ lớp
anh cũng đi như luật định trời dành!)
2.
nắng bờ sông như màu trang vở cũ
thuở học trò em làm khổ ai chưa?!
3.
anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
bàn tay xương cầm hơ hẫng văn bằng!
4.
em hãy đứng trước gương làm dáng
tự khen mình đẹp quá, đi em
(lỡ mai kia mốt nọ theo chồng
còn đôi chút luyến lưu thời con gái!)
em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
nhớ cho mình dáng dấp người yêu
(lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu
còn giây phút chạnh lòng như... mới lớn!)
mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng
rồi giận hờn cho kỷ niệm đầy tay
thu miền nam không thấy lá vàng bay
anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng!
5.
tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
người thì không bắt bóng được bao giờ!
6.
anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng!
(1970, Thiên Tai)

Cám ơn đời, đã cho trường Ngô Quyền có Nguyễn Tất Nhiên, người thi sĩ ôm trái tim rướm máu gẩy khúc nhạc lòng dùm cho muôn người khác, bởi vì ai trong chúng ta lại không một lần bùi ngùi ngoảnh lại, để rồi một hôm chợt thấy “nắng bờ sông” bỗng buồn “như màu trang vở cũ” khi cuộc đời mãi xô dạt mỗi ngày một xa bờ bến thân thương.

chsNQ Nguyễn Thị Minh Thủy
California, 24 tháng 4, 2004
(Trích Kỷ Yếu NQ 2004)

Muốn đọc trọn bài, xin bấm vào link:
http://www.ngo-quyen.org/p79a595/nguyen-thi-minh-thuy-truong-ngo-quyen-nhung-khuon-mat-ay

No comments:

Post a Comment