Wednesday, February 17, 2016

[vp VNCH] Việt Nam 70 năm - Phúc Yên Ất Dậu 1945 _Bùi Huy Quốc Hùng




Phúc Yên là một tỉnh trung châu Bắc Việt, nằm về phía bắc thành phố Hà Nội, phía nam tỉnh Vĩnh Yên, phía đông tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh, phía tây tỉnh Yên Báy và Sơn Tây. Thị xã Phúc Yên nhỏ bé là quê nhà tôi có các khu phố chính gồm Phố Đệ Nhất, Đệ Nhị … xóm Bái. Gia đình tôi sống ở đầu phố Đệ Nhị, đi ngược theo phố một quãng ngắn, băng qua một con đường là tới Dinh Tuần Phủ tỉnh. Tôi được sinh ra và ở đây trong tuổi ấu thơ.

Gần trọn thập niên 40, tuổi thơ của tôi gắn bó với Phúc Yên đến nỗi trong suốt cuộc đời, tôi luôn luôn nhớ về Phúc Yên của những tháng ngày xưa cũ với bao kỷ niệm đầu đời. Có những tháng ngày sung sướng êm đềm hạnh phúc bên Cha Mẹ, Chị, Em, nhưng cũng có thời gian tràn đầy những u buồn, lo âu, kinh sợ khi được tận mắt nhìn thấy nạn đói xảy ra và việc Việt Minh nổi lên cướp chính quyền.

Những biến cố đau thương này đã như những vết hằn khắc sâu trong tâm khảm trẻ thơ của tôi mãi mãi chẳng thể nào nhạt phai, cho dù sau này những kỷ niệm về Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Cam Ranh … luôn đầy ắp trong trí tưởng.

Tôi nhớ lại. Những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm Giáp Thân 1944 xồng xộc qua rất mau sau khi những người nhà quê gánh đôi thúng đựng những con cá chép còn sống đến từng nhà bán để làm phẩm vật cúng Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Như thông lệ hàng năm, Đẻ (Mẹ) tôi mua một con cá chép thật to có vẩy bạc óng ánh và hai cái râu dài đẹp đẽ. Buổi chiều tối 23, Đẻ tôi bày biện bàn thờ hương hoa , vàng mã cúng Ông Táo; đặc biệt chú cá chép to được thả vào trong một chiếc thau đồng thật lớn đổ đầy nước để chú cá tung tăng bơi lội trong đó. Đẻ tôi giải thích rằng phải cúng cá chép còn sống để các Táo Ông, Táo Bà cưỡi bay về Trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, tâu lên Ngài mọi chuyện của gia chủ trong năm ở dưới dương trần rồi xin Ngài ban phúc đức cho các gia chủ.

Sau ngày cúng Ông Táo, Ông Ngoại tôi ở quê ngoại Yên Vinh cho người nhà gánh gạo Tám thơm, gạo nếp, các loại ngũ cốc và hoa quả đưa lên tỉnh cho Thầy Đẻ tôi ăn Tết. Cũng như mọi năm, Ông Ngoại tôi còn cho một đôi gà trống thiến to béo. Những con gà sống thiến này có bộ mã rất đẹp với bộ lông màu nâu, tía đỏ, lông đuôi màu đen biếc, mào to đỏ tươi. Dáng dấp hùng dũng nhưng lại rất hiền không hung hăng hiếu chiến như những con gà trống thường. Tôi rất thích chơi với các chú gà thiến này nên dành nuôi để chờ đến ngày 30 tháng Chạp cúng Giao Thừa mới hóa kiếp.

Vào khoảng 25, 26 tháng Chạp, các chị tôi, Chị Lũng, con già Lý (chị của Mẹ tôi), Chị Bạch Tuyết, Ngọc Ngà rủ nhau đi phiên chợ tỉnh cuối năm. Tôi cũng đòi đi theo.

Chợ phiên cuối năm, kẻ mua người bán đông đúc; quang cảnh sầm uất, ồn ào náo nhiệt. Thôi thì đủ thứ thượng vàng hạ cám được các người buôn bán đem từ các phủ, huyện lân cận trong tỉnh ra bày bán la liệt; từ cành hoa đào nụ hồng phơn phớt đến các thổ sản địa phương như hoa quả, bánh trái. Các chị tôi la cà xem hết thứ này, mặc cả thứ nọ. Tôi thì mải mê nhìn ngắm các con ngựa dáng dấp nhỏ bé xinh xinh cổ đeo đầy lục lạc của các anh, các chị người Thổ, Mán, trẻ trung xinh đẹp. các chị người sơn cước ăn mặc áo, váy, xiêm y, khăn chùm đầu đủ sắc màu tươi thắm đẹp đẽ và đeo nữ trang nơi cổ, tai, cổ tay, cổ chân với các loại vòng làm bằng bạc trạm trổ công phu, sắc sảo.

Sau cùng, các chị tôi mua một số hoa quả, các loại rau củ su hào, đậu Hòa Lan, cà rốt và hai cây mía thân to bằng cổ tay, đốt dài màu tím pha mốc trắng còn nguyên cả lá trên ngọn dựa vào hai bên bàn thờ để các cụ dủng làm gậy. Tôi xin các chị mua chè lam, kẹo bột vì tôi thích ăn các thứ bánh kẹo nhà quê này chứ tôi không thích các loại bánh biscuit, champagne của Tây.

Tôi cũng xin mua các bức tranh Tết muôn màu muôn vẻ như tranh vẽ chú bé ôm gà hoặc một đàn lợn con đang nhay vú mẹ. Có bức vẽ cảnh trọi trâu với hai con trâu mộng đen trui trũi húc sừng vào nhau; bức thì vẽ một anh thanh niên cởi trần, đóng khố đang cố trèo lên một cái cột cao bôi mỡ bóng loáng. Bức khác vẽ một chị gái quê đứng dưới đất dạng hai chân, hai tay nắm vành váy hứng quả dừa từ trên cây có người hái ném xuống. Lại có bức vẽ chị thôn nữ chơi trò đánh đu tít tắp trên cao, yếm, váy lộng gió bay tung xòe rất ngộ nghĩnh. Có bức tranh tả quan Trạng là một chú chuột vinh quy, ngồi chễm trệ trên kiệu do bốn chú chuột khiêng, phía trước có chú chuột cưỡi ngựa rước cờ có hai chữ vinh quy, chú chuột khác vác biển có hai chữ tiến sĩ; đoàn phía trên hai chú chuột mang đồ cống nạp cho ông mèo, hai chú chuột đi sau thổi kèn rộn rã, tưng bừng.

Khi về nhà, tôi đem dán các bức tranh này trên tường trong buồng khách. Thầy tôi thấy các bức tranh này liền nói cho tôi biết đó là tranh Đông Hồ. Trước đó không lâu, một hôm, Thầy tôi đi đâu mang về hai bánh pháo cối lớn hơn chiếc mũ xếp, một dây pháo chuột và vài củ hoa Thủy Tiên. Thầy tôi chăm chút tỉa gọt các củ hoa này rồi đặt vào các chậu nhỏ bằng sứ tráng men trong có nước để hoa nở kịp trong ngày đầu năm.

Những ngày giáp Tết nhà tôi vang tiếng nói cười. Đẻ tôi chỉ cho U Cóc là vú già chuyên đi chợ nấu cơm cho gia đình, gói giò thủ; Thầy tôi dạy U Xồm, là vú già nuôi chi em chúng tôi, gói bánh chưng. Buổi tối 29, tất cả anh, chị, em chúng tôi, U Xồm, U Cóc, hai anh Phục, anh Phận quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng đặt trên sân gạch gần ngoài cổng. Các chị Bạch Tuyết, Ngọc Ngà kể chuyện cổ tích Tấm Cám, Con Yêu Râu Xanh, Hoàng Tử Ngủ Trong Rừng, Công Chúa Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Hai vú già kể chuyện dân gian Ba Giai, Tú Xuất thật vui vẻ, hào hứng. Mọi người vừa kể chuyện vừa pha thêm nước sôi vào nồi nấu bánh. Chúng tôi nấu bánh chưng trong sân nhà thì không sao, nhưng bên hàng xóm nấu bánh ngoài lề đường lại còn phải canh phòng kẻ trộm kẻo đôi lúc ngủ quên đến khi tỉnh dậy thì nồi bánh chưng đã không cánh mà bay.

Chiều 30 Tết, Thầy Đẻ tôi cúng cơm đón Ông Bà. Thầy tôi đội khăn xếp, mặc áo gấm dài màu xanh nước biển, hoa văn tráng, quần tây trắng, đi giầy tây. Đẻ tôi đầu quấn khăn nhung, cổ đeo kiềng vàng, mặc áo dài nhung màu huyết dụ, chân mang hài nhung thêu hạt cườm đủ màu, cùng đứng tước bàn thờ thắp hương khấn vái Tổ Tiên về ăn cỗ trong ba ngày Tết cùng phù hộ độ trì cho con, cháu sang năm mới được bình yên, mạnh khỏe, học hành giỏi dang, tấn tới.

Sau khi hết một tuần hương, thức ăn cúng trên bàn thờ được dọn xuống bàn ăn trở thành một mâm cỗ ê hề thịnh soạn. Cả nhà tôi quây quần bên mâm cỗ trong một khung cảnh yên hàn, đầm ấm, hạnh phúc.

Trong bữa ăn, Thầy tôi thường nhắc nhở chị em chúng tôi về công đức của Tổ Tiên với biết bao công lao khó nhọc để nuôi nấng con cháu nên người. Bổn phận con cháu là phải nhớ ơn Tổ Tiên. Nhắc đến Ông Nội, Thầy tôi kể: “Ông Nội ngày xưa giỏi lắm, chưa đầy 20 tuổi Cụ đã đỗ cử nhân võ, sau đi theo Cần Vương đánh Tây. Cụ dùng đoản đao đánh giặc được thưởng rất nhiều quan tiền, nhưng khi triều đình ký hòa ước với Pháp thì Ông Nội về quê vui thú điền viên. Khi em Hưởng (Bùi Huy Hưởng-tên do quan Tuần Phủ Phúc Yên Bùi Huy Đức đặt-NV) được một tuổi, từ quê nội Tiên Xá, Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, Ông Nội dặn Bà Nội nấu nước pha trà, bảo người nhà thắng yên cương ngựa sẵn sàng để khi Cụ ngủ dậy, uống nước trà rồi lên ngựa đi Phúc Yên thăm cháu nội. Chẳng ngờ đâu, khi Bà Nội đánh thức Cụ dậy mới biết Cụ đã qui tiên rồi.” Cũng vì thế, không bao giờ tôi được biết Ông Nội nữa.

Gần đến giao thừa, Thầy tôi ăn mặc chỉnh tề, bày bàn thờ ngoài sân với hoa quả, bánh chưng, xôi đậu xanh, rượu, hương đèn và một con gà trống thiến luộc còn nguyên vẹn đầu, cổ, cánh , chân. Đến giờ giao thừa, Thầy tôi đốt đèn, thắp hương, tiễn đưa Chúa Xuân năm cũ đã qua, đón mừng Chúa Xuân năm mới vừa tới, cầu xin Hoàng Thiên, Hậu Thổ phù hộ cho mọi người được may mắn, an lành. Cúng giao thừa xong, Thầy tôi treo một bánh pháo cối dưới giàn hoa chùm ớt phía gần ngoài cổng, đốt mừng năm mới. Tiếng pháo nổ liên hồi, khói pháo lan tỏa khắp sân, xác pháo hồng phủ kín sân gạch lót đường. Tôi đứng gần cửa ra vào, hai tay bịt tai nhìn pháo nổ tóe lửa trong đêm. Thầy tôi bảo đây là pháo Bình Đà, lúc nào đốt cũng nổ tan xác mãn địa hồng.

Sáng sớm mồng Một Tết, chị em chúng tôi, chị Lũng, Bạch Tuyết, Ngọc Ngà, tôi, em Ngọc Bảng, cùng các U Cóc, U Xồm, các anh Phục, anh Phận ăn mặc quần áo mới, tụ tập trong buồng khách để chúc tuổi Thầy-Đẻ tôi. Thầy-Đẻ vui vẻ tôi mừng tuổi cho chúng tôi mỗi người vài đồng tiền mới.

Trên mặt bàn salon bằng đá trắng viền gỗ quí trạm trổ cầu kỳ các Ông Tiên, tùng, hạc chung quanh, Thầy tôi thích thú nhìn ngắm tác phẩm do công phu gọt tỉa cẩn thận của mình: các củ hoa Thủy Tiên nở hoa hé nhụy đúng vào sáng mồng Một Tết. Còn anh, em chúng tôi được cho đốt tràng pháo chuột. Tôi tháo dây pháo ra từng cái để đốt lẻ ở ngoài sân rất vui thích. Buổi chiều, khi sửa soạn cơm cúng xong, các chị tôi và hai U già xin phép đi chùa lễ Bụt.

Qua ngày mồng Hai, Thầy-Đẻ tôi đi chúc Tết họ hàng, bằng hữu thân thích và hai vị thầy giáo là Thầy Phái và Thầy Quế. Thầy Quế là thân phụ chị Oanh và là nhạc phụ anh Đinh Liễn, sau này về Hà Nội. Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ lõm bõm được vài vị như Cụ Hàn Đạt, cụ Hàn Mai là Chú của Đẻ tôi; Cụ Tham Xương là thân phụ của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Bà Chánh Văn là thân mẫu của anh Đạt; Cụ Phán Cảnh, Bác Tài Thuận và cô Sửu là cha mẹ anh Thành, sau hồi cư về Hà Nội mở lò bánh tây ở phố Phạm Hồng Thái, gần Phố Hàng Bún Dưới.

Trong ba ngày Tết, ngoài giờ đi chúc Tết, Thầy-Đẻ tôi ở nhà cùng bạn bè chơi tổ tôm, tài bàn, là bộ bài 120 quân cũng dùng để chơi đánh chắn. Tôi thường xin Đẻ cho nghồi bên cạnh để xem các cụ chơi bài. Riêng các chị và hai U già thì tụ lại chơi Tam cúc. Cuộc vui chơi ầm ĩ, tiếng nói cười không ngớt.

Rồi những ngày đầu xuân mau chóng qua đi, không có một dấu hiệu gì về những bất toàn trong cuộc sống của người dân tỉnh lẻ hiền hòa. Cây cỏ mùa xuân vẫn nẩy lộc, đâm chồi, cành xanh lá.

Xuân qua, hè tới. Và rồi đại họa bắt đầu giáng xuống quê hương tôi. Một buổi chiều tôi nghe Thầy tôi nói: “Dân miền xuôi bị đói rồi Bà ạ! Có nhiều người đã chết đói, có nhiều người khác phải bỏ cả làng mạc đi tìm cái ăn để sống.”

Đẻ tôi hỏi: “Tỉnh mình có bị gì không hả Ông?”

“Sợ không tránh được Bà ạ! Bây giờ dân miền biển đã lên Hà Nội kiếm ăn và cũng có nhiều người chết đói thêm rồi. Trên tỉnh cũng không biết phải làm sao.”

Quả nhiên, người dân từ các làng quê miền biển và chung quanh sông Hồng đã tràn lên các thành phố để kiếm ăn. Các nhóm người bị đói cũng đã đến Phúc Yên. Hàng ngày người ta đi từng nhóm vài ba người, gõ cửa xin bất cứ thứ gì có thể được như tiền, thực phẩm, cơm, gạo, các loại ngũ cốc. Mới thoạt vài ngày đầu, Đẻ tôi còn nấu cơm cho người ta ăn, có khi còn cho vài ba đồng tiền. Sau thì cho một, hai bơ (lon sữa bò) gạo, đỗ xanh, đỗ đen, hay đỗ tương. Dần dà thì cho không xuể nữa, mà các lu, khạp trong nhà dùng để tích trữ gạo và ngũ cốc cũng vơi đi.

Trong thời gian này, ngoài đường xá đã có người chết đói. Từng nhóm người mặc quần áo rách rưới, bồng bế hay gánh trẻ con bằng những cái thúng; không có cái ăn, không nơi trú ẩn, thân thể gày còm đi lang thang, kiệt lực để rồi gục chết bất cứ nơi đâu. Rồi thì Thầy tôi dược cử phụ trách trông coi việc phát chẩn cho người bị đói bằng cách nấu cháo hoa cho người ta ăn từng bữa. Công việc này bắt đầu ở Chùa Thông trong thị xã (cách xa nhà tôi khoảng chừng 1 cây số).Ngoài ra, Thầy tôi phải điều động một số các anh thanh niên còn có sức khỏe tương đối để đi nhặt xác người chết đem đi chôn.

Hàng ngày, mỗi buổi sáng sớm, tôi theo Thầy tôi đi cứu đói. Đến Chùa Thông , tôi chạy chơi quanh quẩn trong sân chùa. Nơi đây, người ta tập trung đông lắm. Họ gồm đủ thành phần già trẻ có, nam nữ có, trẻ con cũng có, đói lả, yếu đuối nằm ngồi la liệt dưới mái hiên hay sân chùa. Các anh thanh niên mạnh khỏe lo nấu cháo hoa bằng gạo trong một cái nồi đồng lớn gọi là nồi ba mươi (30). Khi cháo chín, múc ra bát lưng lửng cho mỗi người một bát. Tôi cũng xin được đem từng bát cháo đến cho mọi người. Làm được việc này, tôi cảm thấy sung sướng trong lòng, dù tôi chỉ là một cậu bé con chưa được đến trường đi học, nhưng hiểu rằng mình đã làm được điều gì tốt lắm.

Một toán các anh khác thì phải đi thu nhặt xác người chết trong thị xã. Những người này bị kiệt sức vì đói khát nằm gục chết bất cứ nơi đâu trên đường đi. Họ nằm chết trên vỉa hè, dưới mái hiên nhà, trước cửa hiệu, bên cột đèn, cạnh gốc cây. Thi hài họ được khiêng để trên xe bò, mỗi xe 4, 5 người; đầu hướng về càng xe, chân phía đuôi thùng xe, trên đó đắp một chiếc chiếu hay một tấm cót đan bằng tre. Chiếc xe này do một anh thanh niên kéo bằng một sợi dây thừng bên ngoài lót một miếng vỏ xe đạp choàng qua một bên vai để cho bớt đau. Phía đuôi xe có một, hai anh khác đẩy phụ. Sau bữa phát chẩn, tôi cũng đi theo xe các anh đi xa ra khỏi thị xã về vùng ngoại ô phía gần núi Thanh Tước. Đến nơi, các anh đào một hố khá sâu dưới ven đường rồi khiêng tất cả các thi hài trên xe đặt xuống hố rồi rắc một bao vôi bột lên trên rồi mới lấp đất. Không có dấu tích, mộ bia gì đề tên. Một nấm mồ hoang!

Ở Xóm Bái cũng có nhiều người chết. Đó là những người dân Phúc Yên! Một buổi sáng trên đường đi đến chùa, Thầy tôi tạt vào gõ cửa một ngôi nhà chỉ cách nhà tôi một quãng ngắn, nhưng không một ai lên tiếng. Khi đẩy cửa bước vào thì một cảnh tượng thê thảm hiện ra trước mắt Thầy tôi và tôi: ông bà chủ nhà cùng hai người con nằm chết trên giường; chị người làm nằm dưới sàn nhà cũng đã chết. Đây là những người hàng xóm nhà tôi. Đến chùa, Thầy tôi cho xe trở lại chở cả gia đình này đi chôn. Buổi chiều về nhà, Thầy tôi kể lại chuyện thương tâm của nhà hàng xóm cho Đẻ tôi nghe. Thầy tôi nói thêm: “Thấy đóng cửa tôi đã sinh nghi, ai ngờ đâu lại xảy ra cớ sự. Thật tội quá!”

Ngày, tháng dần trôi, mùa hè với thảm họa chết đói cũng qua đi, để lại cho gia đình tôi một kỷ niệm buồn dai dẳng.

Sau này, khi lớn lên tôi được biết cái trận đói kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến bằng con mắt thuở thơ ấu ấy đã giết chết đến hai triệu người nông dân trong vùng châu thổ sông Hồng và vùng biển trong tổng số 10 triệu người ở miền Bắc. Nguyên do chính là quân NHật bị quân Đồng Minh cắt đứt mọi nguồn tiếp tế nguyên liệu tại Đông Nam Á vào thời gian đầu năm, nên ép buộc nông dân không được trồng lúa, để chỉ trồng lạc (đậu phọng) và đay dùng cho nu cầu chiến tranh. Nguyên nhân thứ là quân Nhật thu gom lúa gạo cho quân đội của họ vì sợ quân Đồng Minh đổ bộ vào Việt Nam.

Người ta thường nói “Họa vô đơn chí”, Nạn đói vừa dứt, liền đó, Phúc Yên còn bất thần chịu một cơn lụt to tràn vào thị xã. Thầy Đẻ tôi mang chị em chúng tôi đến ở nhà Cụ Hàn Mai tránh lụt. Phải đến vài ngày sau nước rút, chúng tôi mới trở về nhà, lúc đó mực nước ở ngoài sân vẫn còn trên mắt cá chân. Chúng tôi trèo lên chiếc sập gụ trong nhà ngồi chơi chờ nước xuống. Khi nước rút hết, trong nhà, ngoài sân bùn đỏ nhão nhẹt. Tôi vui thích ra sân bắt những chú cá rô, cá trắng nhỏ còn mắc kẹt không thoát ra ngoài được; nhưng tôi không biết trận lụt này gây thiệt hại cho quê nhà tôi như thế nào có lẽ vì cái nạn đói vừa xảy ra mới tai hại và đáng sợ hơn.

Chưa bao lâu sau những thảm nạn chết đói và lụt lội, mùa thu đến. Một mùa thu chết! Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh nổi lên cướp chính quyền từ tay Vua Bảo Đại. Những ngàu sau đó mới thực sự là những ngày đen tối hãi hùng khi Việt Minh ào ạt lùng bắt một số người dân trong tỉnh. Thầy tôi cũng không tránh khỏi. Một hôm, Thầy tôi bị gọi lên trụ sở Ủy Ban Hành Chính Tỉnh, nhưng rồi bị giữ lại luôn.

Ở nhà, Đẻ tôi và chị em chúng tôi lo sợ vô cùng nhưng không biết kêu ai, nhờ ai. Các người làm trong nhà như hai U già, anh Phận, anh Phục đã xin về quê (sau này anh Phục về Hà Nội, làm ở rạp Ciné Olympia, chợ Hàng Da). Cha Mẹ đỡ đầu tôi, Cụ Bùi Huy Đức, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, rất may đã về Hà Nội trước đó. Cả thị xã như sống trong một bầu không khí lo âu, hoang mang tột bực.

Ngày một, ngày hai, Thầy tôi vẫn chưa được thả về. Đẻ tôi và các chị tôi buồn rầu, sợ hãi, tấm tức khóc thầm, duy chỉ có em Ngọc Bảng bé bỏng mới hơn một tuổi là chưa biết gì. Trong thời gian này, Việt Minh đã xử tử vài người mà họ gọi là Việt gian tại chân núi Thanh Tước càng làm cho cả nhà tôi lo sợ hơn nữa. Trong cơn nguy khốn tột cùng, như một phép lạ nhiệm màu, cứu tinh xuất hiện.

Một buổi sáng, có tiếng người gọi ngoài cổng, chị Bạch Tuyết vội chạy ra mở cổng; tôi cũng chạy ra theo thì thấy có một thanh niên bước vào. Chị tôi đưa anh này vào thẳng trong buồng khách, nơi có Đẻ tôi ở đó. Vừa thấy Đẻ tôi, anh chào, hỏi: “Thưa Cô! Thầy con đâu?”

Đẻ tôi òa khóc:  “Thầy bị người ta bắt rồi con ơi!

“Ai bắt?”

“Các ông ở Ủy Ban Hành Chính tỉnh bắt.”

“Để con đi bảo họ thả Thầy về.” Nói xong, anh thanh niên này quay quả bước ra khỏi nhà, bỏ đi ngay. Đẻ tôi và chúng tôi không nói them một lời nào thì anh đã đi mất. Cả nhà tôi chỉ còn biết chờ đợi trong lo âu. Vậy mà phúc đức thay, qua sáng sớm ngày mai, Thầy tôi được thả về thật.

Thầy tôi kể lại rằng anh thanh niên này (tôi không nhớ tên) là con của một người tá điền của ông Ngoại chúng tôi. Không hiểu anh gia nhập Việt Minh lúc nào mà bây giờ làm cán bộ cao cấp nên anh mới can thiệp với Ủy Ban Hành CHính thả Thầy tôi ra. Khi đẻ tôi kể lại chuyện anh này đến nhà hôm qua rồi vội vã ra đi, Thầy tôi nói có lẽ anh ấy biết những vụ bắt bớ và xử tử nhiều người bị oan ức nên phải đi ngay để còn cứu kịp.

Cơn ác mộng qua đi nhưng gia đình chúng tôi sống như những con cá sa lưới không biết xoay trở ra sao. Theo kháng chiến thì Thầy tôi không theo vì lý do Thầy tôi sớm biết những người cầm đầu đều là cán bộ Cộng Sản Đông Dương. Bỏ về Hà Nội thì không có phương tiện, chỉ sơ hở là bị bắt giết ngay. Ngay như anh Cả Đỗ, con ông Bác tôi, đang là sinh viên ở Hà Nội, tham gia vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị lộ, anh chạy về quê nội Hưng Yên, để rồi cuối cùng Việt Minh cũng bắt được đem đi thủ tiêu.

Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, nếp sống gia đình chúng tôi thay đổi nhiều. Các U già, các anh người làm phải về quê; đồ đạc bày biện trong nhà thu gom lại, lớp thì Thầy Đẻ tôi lén lút chuyển dần về quê ngoại, lớp thì Thầy tôi đào hố chon giấu trong vườn. Chiếc xe tay của Đẻ tôi dùng để đi chợ hoặc thỉnh thoảng đi đâu đó cũng không còn.

Tết trung thu năm đó, vào Tháng 9, chị em chúng tôi không có những đồ chơi như các năm trước. Chúng tôi không có các ông tiến sĩ giấy đẹp đẽ, sang trọng “Cũng cờ cũng biển cũng cân đai. Cũng gọi ông Nghè có kém ai.” như lời thơ của Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Chúng tôi cũng chẳng có các con giống nặn bằng bột xinh xắn như đàn chó tây tai dài, màu trắng đốm nâu tròn; những con cá vàng mắt lồi đủ màu xanh lá cây, vàng nghệ, vàng cam, đỏ… để trưng bày trên bàn; cũng không cả bánh trung thu; không hoa quả như na, quít, bưởi và quả Phật thủ như bàn tay Đức Phật.

Hàng ngày, chúng tôi bị các cán bộ phụ trách thiếu nhi tập họp lại trong mỗi buổi chiều tối để sinh hoạt nhi đồng; được học hát, chơi trống ếch; được phát đèn trung thu: đèn xếp, đèn ông sao, đèn con cá. Lũ thiếu nhi vừa đi rước đèn, đánh trống ếch lùng tùng vừa hô khẩu hiệu ầm ĩ trên khắp phố phường khiến cho lũ chó từ trong mọi nhà xổ ra chạy theo sủa gâu gâu inh ỏi. Chẳng bao lâu, chúng tôi không thích cái trò chơi này nên ở trong nhà không tham gia nữa.

Sau này, lớn lên, được nghe Thầy tôi kể chuyện, học lịch sử, tôi được biết trong Tháng 9 năm đó, quân Nhật thua trận bị quân Trung Hoa Quốc Gia sang giải giới tại miền Bắc theo kế hoạch Postdam của Đồng Minh. Bộ phận đầu tiên của đoàn quân đông 20 vạn người do Tướng Lư Hán chỉ huy tiến vào các tỉnh thượng du Bắc Việt bằng đường bộ hay bằng tàu hỏa băng qua Phúc Yên để vào Hà Nội.

Vào dịp này, người dân Phúc Yên trong đó có Cha Mẹ và chị em chúng tôi được chứng kiến tường tận một đoàn quân ô hợp, bẩn thỉu tỏa xuống từ các toa tàu hỏa. Trông họ như là những người đói khát, đau ốm, phù nề bệnh tật. Đó là những người lính ăn mặc rách rưới, đi chân đất, lôi thôi nhếch nhác. Có những người chân sưng to phù lên quấn vải bên ngoài, đem cả vợ concùng đi. Họ gồng gánh thúng, sọt, chất đầy gà, vịt hay dắt theo các con gia súc cướp được của những người nông dân trên đường đi qua các làng mạc Việt Nam, từ các tỉnh trên miền thượng du Bắc Việt đến miền xuôi, Hà Nội.

Hình ảnh đoàn quân Tầu này được người dân miền Bắc nhại theo một bài hát của Việt Minh như sau “Đoàn quân Tầu Ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam…” Khi ập vào nhà chúng tôi, họ bèn hè nhau tháo gỡ các cánh cửa sổ bằng gỗ, chẻ vụn ra để làm củi nấu cơm. Hòa bình chưa thấy đâu nhưng lại thêm một tai họa nữa cho người dân Phúc Yên.

Nhìn lại năm Ất Dậu, 1945, lịch sử nhân loại đã ghi lại những biến cố vĩ đại liên quan đến số phận của nhiều quốc gia, dân tộc. Trên bình diện quốc tế đó là sự dầu hàng của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945, sau khi hai phi vụ B.29 của không lực Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Trường Kỳ (Hirosima, ngày 6/8) và Quang Đảo (ngày 9/8).Thế Chiến Thứ II chấm dứt với tổn thất nhân mạng lên đến 40 triệu người của cả hai bên tham chiến: một bên là Đồng Minh gồm Anh, Mỹ, Nga và bên kia gồm các nước Đức, Ý, và Nhật Bản, còn được gọi là phe Trục.

Sau Thế Chiến II, Thế giới đã hình thành khối Cộng Sản Đệ Tam do Liên Xô cầm đầu bao gồm các nước Đông Âu và Tiểu Á đối chọi với khối Tư Bản do Hoa Kỳ đại diện. Về khoa học, ba khoa học gia là Sir Alexander Fleming, Howard Florey và Erns Chain đã đoạt được giải thưởng Nobel về y học với công trình khám phá ra thuốc kháng sinh Penicillin cống hiến cho nhân loại.

Tại Việt Nam, sau khi Việt Minh nắm quyền, họ đã ra sức tiêu diệt người quốc gia, ký thỏa ước Vịnh Bắc Bộ (tháng 3/1946) mời người Pháp trở lại Việt Nam rồi gây ra cuộc chiến tranh với Pháp.

Tháng 7 năm 1954, Việt Nam phân đôi theo hiệp định Genève: miền Bắc theo phe Cộng Sản, miền Nam đứng vào hàng ngũ các nước thuộc Thế Giới Tự Do. Nhưng chẳng bao lâu sau, Cộng Sản Bắc Việt đã lại mở cuộc xâm lăng miền Nam gây nên cảnh núi xương sông máu giữa người cùng một giống nòi.

Từ khi cướp chính quyền đến nay thời gian đã đúng 70 năm, Cộng Sản Bắc Việt đã và đang toàn trị Việt Nam, trong suốt 70 năm ấy họ chưa làm được điều gì khả dĩ có thể được gọi là ích nước lợi dân cho quê hương Việt Nam. Ngược lại, họ đã là lực cản sức tiến của dân tộc, làm cho đất nước bị thụt lùi so với các quốc gia khác trong cùng một khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói gì đến so sánh với các quốc gia Âu Mỹ. Chính nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang đẩy dân tộc Việt Nam vào con đường tha hóa và vong thân trong bối cảnh đói nghèo hiện nay đến nỗi phải nhượng đất, bán người trong thời hiện đại.

Thời gian 70 năm trôi qua, mỗi khi hồi tưởng năm Ất Dậu 1945 xưa ở Phúc Yên, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Bây giờ thị xã quê nhà tôi không còn lại một dấu vết quen thuộc gần gũinào. Tất cả nhà cửa xây bằng gạch ngói: dinh tuần phủ, tòa án, trường học, nhà ở đều bị phá hủy, san bằng dưới chính sách tiêu thổ kháng chiến từ những năm 1946, 1947.

Sau tháng Tư năm 1975, tôi bị tù đày trong các “trại cải tạo” trong gần 6 năm trời, may mắn thay tôi chỉ bị giam giữ trong miền Nam, chứ nếu chẳng may bị đưa ra miền Bắc thì đúng là tôi đã bị lưu đày ngay từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, và như thế thì nỗi phẫn hận, tủi hờn biết là bao!

Cách nay vài năm, trong một dịp về thăm lại Phúc Yên xưa như cuộc lữ hành tìm về cội nguồn, chị Bạch Tuyết của tôi đã chứng kiến một thị xã hoàn toàn đổi thay, khác xưa, xa lạ; không thể nhận ra một chút gì quang cảnh của những ngày xưa thân ái. Lớp người Phúc Yên xưa cùng thế hệ với Cha Mẹ tôi, họ hàng thân thuộc và bằng hữu của Cha Mẹ tôi, và chị Bạch Tuyết thương yêu của tôi đều đã ra Người Thiên Cổ. Chỉ còn đọng lại những nỗi nhớ niềm thương, xót xa u hoài ấp ủ trong lòng tôi. Ôi…

“Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ.” (Thơ Vũ Đình Liên)

BÙI HUY QUỐC HÙNG – Tacoma - Cuối đông Ất Mùi 2015

http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/4401-4401

No comments:

Post a Comment