Sunday, April 17, 2016
Chuyện Chưa Kể 30-4-75 _Chu Mai, p/v THVN9/VNCH
(Thân Tặng Bạn Bè Đồng Nghiệp “Vào Sinh Ra Tử” TCTTTHĐAVNCH)
Tháng tư năm 2016 lại đến. Như vậy hơn 40 năm kể từ ngày tướng Dương Văn Minh bức tử chế độ cộng hòa bằng cách dùng hệ thống vô tuyến truyền thanh Sài Gòn ra lịnh quân nhân các cấp buông súng đầu hàng cộng sản Hà Nội.
Rất nhiều bài viết khen chê của những cây bút ở hai bên chiến tuyến “quốc cộng” thêm vào đó là những hình ảnh của các hảng thông tấn tin tức thế giới ghi lại quá đầy đủ những biến động từ chức của TT Nguyễn Văn Thiệu trao quyền cho người kế vị là Ông Trần Văn Hương, “Tổng Thống một tuần” buộc lòng từ chức nhượng quyền cho tướng Minh tại dinh Độc Lập trong tháng 4-1975.
Trong bài viết này, chỉ ghi lại những chuyện thiếu sót bên lề dinh Độc Lập, cơ quan đầu nảo là nơi thể hiện quyền bính khai nguyên chế độ dân chủ VN cho đến lúc cáo chung 12.30 trưa ngày 30-4-75, do đồng nghiệp làm chung phòng, chung cơ quan là những nhân chứng kễ lại hiện sống tại Mỹ.
Ngày 21-4-75 lúc 7.30 tối, trực tiếp qua hệ thống Truyền Hình THVN9 và Đài Phát Thanh, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diển văn từ chức cuối cùng trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trước khi bỏ nước ra đi.
Tổng Thống Trần Văn Hương gấp rút cải tổ nội các mời khéo “Phe Tướng Lảnh” đi chổ khác chơi thay vào đó là những khuôn mặt chức quyền dân sự như Ông Nguyễn Bá Cẩn thay thế Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trong chức vụ Thủ Tướng xếp sòng và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo trong tư thế dự bị...
Tội nghiệp “Thầy Giáo Nam Bộ Trần Văn Hương” với lòng yêu nước quyết liệt chống cộng tới cùng, mang tâm trạng cô đơn không người chia xẻ “ngồi buồn gãi háng dái lăng tăng” trên tột đỉnh quyền bính, nặng nề trách nhiệm chỉ trong tuần lễ bị áp lực lưỡng viện quốc hội buộc lòng thoái vị nhường quyền tối cao cho Tướng Minh.
Trong ngày 28-4-75, vào lúc 5 giờ chiều tại dinh Độc Lập, qua hai hệ thống truyền thông quốc gia THVN9 và Đài phát thanh Sài Gòn, đồng nghiệp phóng viên chiến trường kiêm xướng ngôn viên Nguyễn Mạnh Tiến (hiện phục vụ đài RFA ở thủ đô Washington DC) ôm micro thao thao bất tuyệt mô tả tên tuổi những nhân vật có mặt trong buổi lễ trao quyền này.
Trong khi đó vai trò THVN9 rất khiêm nhượng chỉ trực tiếp truyền hình buổi lễ không có xướng ngôn viên dẫn giãi và cũng chẳng đóng góp bình luận. Đây là buổi lễ cuối cùng đánh dấu sự tham dự của ngành truyền hình điện ảnh trong sinh hoạt chính trị của thể chế tự do dân chủ phôi thai Nam VN.
Ngày 30-4-75 vào lúc 7.30 sáng, từ phim trường C ở tầng trệt, bên dưới phòng bình luận tin tức phóng sự hình ảnh, Trung Tá LVH, Tổng Cuộc trưởng Truyền Hình Truyền Thanh VNCH, theo điện thoại yêu cầu của giới chức cao cấp của văn phòng Tổng Thống Minh, thông báo ra lịnh anh em chuyên viên kỹ thuật bị cấm trại 100% có mặt, kéo bầu đàn đem xe truyền hình lưu động và máy phát điện cao thế sang dinh Độc Lập, lắp đặt sẳn sàng chuẩn bị thu và phát hình cho “biến cố trọng đại” chưa biết xãy ra đích xác vào lúc nào trong ngày!
Không ai nói ra, nhưng trong tận cùng sâu thẳm thâm tâm của mỗi cá nhân có mặt lúc đó vô cùng lo lắng, hoang mang pha lẫn sợ sệt không dám mỡ miệng hỏi han. Ai nấy với khuôn mặt trầm mặc nặng nề, say sưa miệt mài công việc giao phó một cách gấp rút, hoàn chỉnh nhiệm vụ trong thời gian kỷ lục nhanh chóng chưa hề đạt được từ khi thành lập đến nay.
Vào khoảng gần 9 giờ sáng cùng ngày, khi toán truyền hình lưu động vào cổng sau dinh Độc Lập nạp căn cước và thẻ chứng nhận nhân viên THVN9 cho phòng an ninh biệt bộ phủ Tổng Thống, anh em chuyên viên kỷ thuật mới phát giác ra tình cảnh “rắn mất đầu” vị sĩ quan chỉ huy Tổng Cuộc Trưởng không có mặt, cùng nhiều nhân viên khác... Buộc lòng toán anh em còn lại bắt buộc áp đặt chỉ định tại chỗ “giới chức cao cấp nhứt” là Bạn Chủ Sự T N C, đặc cách xử lý thường vụ chỉ huy cơ quan và liên lạc văn phòng Tướng Minh thực hiện công tác giao phó.
Theo lời T N C cho biết còn nhớ tượng trưng lúc đó có: đạo diễn phim trường kiêm xướng ngôn viên T C V.N Q M, chủ sự phòng điện cơ, mà bạn bè yêu mến thường gọi bằng hổn danh “M Mù” bởi cặp kính quá dầy lúc nào cũng đeo trước mắt. Trần Mạnh Giang nay đã ra người thiên cổ. Và vài người khác hiện sống ở trong thế giới tự do, nhưng vì thời gian quá lâu cộng với tuổi già không tài nào nhớ hết. Một số nhiều người khác nhớ cả họ tên nhưng hiện còn sống dưới chế độ cộng sản không tiện nêu lên trên giấy trắng mực đen “lạy ông tui ở bụi này” để bè lủ lãnh đạo bộ chính trị hà lội lúc nào cũng vổ ngực tự hào “phải thành thực khai báo, cái gì đảng và nhà lước cũng biết hết”...nhưng chả biết mẹ gì cả!
Sau khi dàn dựng chổ đậu, gắn điện cao thế xong, TN C và tất cả anh em trong toán ngồi bệt trên sân cỏ gần cạnh cầu thang dẫn lên đại sảnh phòng khánh tiết dinh Độc Lập, là nơi đã từng xảy ra bao nhiêu biến cố trọng đại lịch sử VNCH, ở tư thế chờ lịnh thiết kế đặt để vị trí camera thu hình, trực tiếp truyền hình phát tuyến toàn quốc.Thì một vị sĩ quan cấp bực Đại Úy, trên tay trái đeo lủng lẳng cái Radio, đến tiếp xúc hỏi han và tõ lời khuyên bảo:
“Anh em truyền hình ngồi đây chờ làm gì cho phí công”
TN C đại diện anh em:
“Anh em được lịnh yêu cầu của phủ Tổng Thống qua đây thực hiện trực tiếp truyền hình”
Vị sĩ quan mở lớn âm thanh chiếc Radio cho mọi người cùng nghe:
“Đây này mấy cha. Đài phát thanh Sài Gòn đang loan truyền lời hiệu triệu quốc dân toàn quốc nguyên văn thu trên tape phát thanh:
“Tôi, Đại Tướng dương văn Minh, chính quyền Sài Gòn kêu gọi QLVNCH hạ vủ khí, đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền nam VN.
Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoàn miền nam VN”.
Sau khi nghe, anh em chuyên viên kỷ thuật truyền hình hiện diện không tài nào kềm chế thêm nỗi lo lắng trộn lẫn sợ sệt, càng biểu hiện tâm trạng hết sức hoảng hốt lộ liễu ra mặt thúc giục “hệ thống trưởng xử lý thường vụ tại chổ” TN C nghiêm túc đi tìm gặp “giới chức thẫm quyền Phủ Tổng Thống” để có chỉ thị hành xử hầu đáp ứng đứng đắn của người nhân viên trung thành cần mẫn thi hành công vụ VNCH tới giờ thứ 25.
Lên khỏi cầu thang vừa đến gian phòng nhỏ, cạnh đại sãnh phòng khánh tiết, gặp ngay nhóm dân biểu Hạ nghị viện trong khối xã hội dân tộc gồm Dương Văn Ba, Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận...Thụ ủy Liên danh Hoa Sen của Phật Giáo Ấn Quang, Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu Kiêm Thủ Tướng và Thụ Ủy Liên danh Hoa Huệ Công Giáo Cụ Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng Nghị Viện kiêm Phó Tổng Thống do Tướng Minh đề cử.
TN C lễ phép trình bày mục đích sự có mặt của THVN9 và xin chỉ thị sắp xếp làm việc. Trong bầu không khí chờ đợi một điều trọng đại sẽ xảy ra vô cùng ngột ngạt, không một ai dám lên tiếng đưa ra chỉ thị quyết định nào, tất cả hướng tầm nhìn về phía Cụ Huyền. Thời khắc nặng nề trôi, vài phút sau cụ Huyền mới lên tiếng một cách quá chậm chạp:
“Thẩm quyền hoàn toàn ở nơi Đại tướng, anh em đã đến đây làm việc nước vui lòng chờ như chúng tôi.
Còn như quá cấp bách thì ra xin lịnh Đại tướng đang đi lại ngoài hành lang nhìn ra phía đại lộ Thống Nhứt. Qua không có quyết định gì cả!”.
Theo hướng chỉ tay của Cụ Huyền, TN C mở cánh cửa dẫn ra ban công bước ra ngoài thì thấy “Big Minh” cao lớn dềnh dàng đang chắp tay sau đít đi tới, đi lui sát bờ thành.
Thêm vào đó, có một người nhỏ con cột khăn đỏ trên cùi chỏ bên cánh tay trái cầm tập giấy, tay phải cầm cây bút Bic theo sát bên cạnh đang bày tỏ phân bua điều gì đó.
Nghe động Tướng Minh quay về hướng TN C, đưa tay ngoắc ra hiệu cho phép đến gần, nhưng chưa kịp phát ngôn thì đã nghe trình bày:
“Dạ thưa Tổng Thống, anh em chúng tôi được lịnh phủ yêu cầu đem xe lưu động trực tiếp truyền hình sang dinh làm việc đã sẵn sàng xin đợi chỉ thị”.
Tướng Minh tỏ vẽ trầm tư, suy nghĩ dử lắm chưa kịp lên tiếng, người cột khăn đỏ nhanh nhẩu khẩn khoản chìa tập giấy và cây bút Bic ra:
“Đại tướng không muốn lên TV nói chuyện, xin vui lòng viết giấy ủy quyền cho Tôi đại diện Đại tướng lên nói”.
Nhưng Tướng Minh không thèm đếm xĩa tới những lời nói của người này, mà trực tiếp nói với TN C:
“Để tránh đổ máu,Tôi đang chờ phía bên kia tới coi họ ra sao mới tính. Giờ thì chưa biết! Còn đang đợi. Ở hay về tùy mấy em”.
Trong lúc chú trọng nghe Tướng Minh chậm rải chỉ thị. TN C nhận ra người cột khăn đỏ không ai khác hơn là nhà văn NMC.
Chỉ chờ có thế,TN C đi hơn chạy xuống gặp anh em đang trong tình trạng nhốn nháo, khủng hoảng mất tinh thần. Vừa xua tay, miệng gào cho tất cả cùng nghe:
“Bỏ hết máy móc dụng cụ lại đây! Đi lấy lại giấy tờ tùy thân. Về đài lấy xe riêng về nhà, không vô đài. Về ngay nhanh lên. Mạnh ai nấy đi coi gia đình mình ra sao.”
Tất cả mọi người dồn vào xe LaDalat của đài THVN9, rời khỏi sân cỏ dinh Độc Lập lúc 11giờ20 ra đường Thống Nhứt, về lại cổng đài góc Cường Để nối dài Đinh Tiên Hoàng ở số 9 Hồng Thập Tự, cho vài người xuống lấy xe Honda mới phát giác nhiều xe đã bị bẻ khóa đánh cắp mất.
Trong lúc mất của, không còn phương tiện di chuyển, lòng buồn nảo nuột bên tai đã nghe tiếng dội động cơ gầm thét của 2 xe tăng vc T54 treo cờ MTGPMN nghiến trên đường tấn công ủi sập cổng dinh Độc Lập lúc 11.30 để tiến vào tiền đình bắt sống trọn bộ tham mưu của Tướng Minh lúc 12 giờ trưa.
Đến 12.30 chế độ VNCH chính thức bị bức tử có sự hiện diện của Đại tá Bùi Tín từ Hà Nội cử vào.
Kể từ khi thành lập năm 1966, qua nhiều biến cố,đây là lần đầu tiên phương tiện truyền thông THVN9 đã hoàn toàn ngưng hẵn hoạt động trong nhiều ngày.
Trong khi đó hệ thống đài phát thanh hoạt động liên tục không hề gián đoạn trong và sau ngày 30-4-75. Và “Bên thắng cuộc”đã dùng đài phát Sài Gòn kêu từng danh tánh nhân viên THVN9 ra trình diện để phục hoạt hệ thống truyền hình VN.
Sở dĩ đài phát thanh được xử dụng để Tướng Minh đọc “kêu gọi QLVNCH hạ vủ khí đầu hàng không điều kiện”là vì Hà Nội có sẵn nhân viên chuyên môn trong ngành biết cách xài máy móc phát thanh.
Về sau này, tất cả chuyên viên hệ thống truyền thanh VNCH bị sa thải đồng loạt. Điền khuyết bằng những cán bộ phát thanh từ Hà Nội thuyên chuyển vào Sài Gòn. Những đài phát thanh địa phương ở các tỉnh đồng chịu chung số phận như đài Sài Gòn.
Trong khi, cs Hà Nội ra rả rêu rao có đài truyền hình trước VNCH nhưng chỉ là láo khóet gạt thế giới bên ngoài.
Vì không có đài truyền hình, cho nên không có chuyên viên kỷ thuật biết xử dụng máy móc thu và phát hình.
Do đó, bộ chính trị cơ quan tối cao Bắc bộ phủ cho phép tất cả chuyên viên kỷ thuật truyền hình ai còn kẹt lại Sài Gòn buộc lòng phải sống với chế độ cộng sản được hưởng qui chế cấp tốc “học tập tại chổ”ở ba phim trường A,B,và C để cải tạo tư tưởng “Mỹ-Ngụy”.
Dưới sự chỉ huy thâm độc của đồng chí Bảy Thuận và Tư Tiễn, kẹp gia đình người “có thành tích cách mạng” vào đài học nghề để rồi lần hồi dùng thời gian theo dỏi sưu tra lý lịch phân loại, xài chiêu thức “bắn xẻ” thanh trừng cá nhân loại ra khỏi đài từng người một.
Tt LV H ;Tổng cuộc trưởng TTTHĐAVNCH được ưu đải khen tặng "bằng tuyên dương công trạng có công với tổ quốc đã bảo vệ hệ thống TTTHĐA ", nhưng nửa năm sau, khi dạy hết nghề cho "bí thư đài" đã bị kết tội bằng bản án nguyên văn bằng tuyên dương công trạng nhưng chỉ khác 4 chữ cuối cùng "có tội nhân dân"!
Với tờ giấy lộn lận lưng quần, Ông H lên tàu lắc lư ra Bắc sống đời tù rạc trong trại cải tạo hơn 5 năm trời!
Khi vc thả ra vượt thoát qua Paris, rồi em bảo lảnh qua Mỹ, khi cùng ĐT Nguyễn Khánh hội ngộ tại nhà người viết, hai má Ông H còn sưng to y chang bị bịnh quai bị, vì ở tù quá đói ăn đở đọt khoai mì nên bị chất độc tích tụ.
Giữa năm 2015, nhân dịp tưởng niệm 14 năm TT Thiệu mất, anh chị em TTTHĐAVNHN đã góp công sức tạo cơ hội cho "Xếp H" lần đầu tiên sau 40 năm gặp lại "Ông Trùm Phủ Dân Vận HĐN tại quận Cam. Cảm xúc tình cảm giao động của mọi người có mặt hôm đó vượt chỉ số! Một số đã không cầm được nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo!
Không chịu đựng nỗi cơ cực kềm kẹp của thời kỳ " bao cấp,vào vơ vét vội vả về",Nhiều anh chị em quá chán nản liều chết vượt biên. Có kẻ may mắn nhưng cũng có người thất bại đành ngậm mối căm hờn trong lao tù cộng sản hoặc chết trên biển cả bao la.
Những chuyên viên quân đội biệt phái ngoại ngạch số phận còn bi đát hơn nhiều. Đối với vc, vừa mang nhản hiệu chiến tranh chính trị cộng thêm biệt phái ngoại ngạch là xịa ác ôn thì không có thứ binh chủng nào dữ dằn hơn.
Bạn đồng nghiệp làm chung phòng thời sự tin tức Lê Trung Nghỉa, khóa 1 Việt Tấn Xả, thuộc hạng tép riu sĩ quan cấp úy bị đày đi vùng thượng du Cao Bằng, Lạng Sơn Bắc Việt gần 10 năm đến khi được thả về nhà hai hôm sau qua đời.
Nguyễn Xuân Phước, con rể nhà thầu khoáng Ba Cam Biên Hoà là sĩ quan cấp úy bị sa thải, lẩn tránh trốn trình diện, bất mản chán đời mượn chén rượu kết liểu sớm đời mình trong tận cùng nghèo đói khổ cực!
Chung một ăng ten phát tuyến trong cùng thửa đất với THVN9, chỉ cách một hàng rào kẽm gai rất đơn sơ không có số địa chỉ là đài truyền hình Hoa Kỳ phục vụ quân đội Mỹ tham chiến VN War.Cho đến ngày mất nước 30-4-75 vẫn trong tình trạng hoạt động hoàn hảo.
Hà Nội cho máy bay trực thăng Nga Sô chế tạo chở máy móc tháo gở từ đài Mỹ ra lập đài truyền hình ở Giãng Võ.
Trước khi đi công tác, những chuyên viên kỷ thuật từ Sài Gòn ra đều bị đồng chí bí thư đài kêu gặp dặn dò tuyệt đối không được nói về những sự thực hơn hẳn miền bắc thời bấy giờ của đời sống xã hội miền nam.
Và đối với người nào hăng say hết mình làm việc lọt vào mắt mấy đồng chí chỉ đạo đài với bút phê kiểm thảo“phục vụ tốt”được bỗng lộc ân huệ riêng. Có người được cấp nhà cho ở và cho gia nhập vào đảng. Một thiểu số trở thành “đại gia” cho con cái học ở ngoại quốc và đã sang Tây, lẫn sang Mỹ gặp lại thân hữu cũ ngay tại quận Cam, thủ đô Người Việt tị nạn csVN.
Riêng Bạn Vàng TN C bị anh chị em truyền hình Điện Ảnh VNHN họp mặt thường niên gọi đùa là Ông Hệ Thống Trưởng Cuối Cùng lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị giận dữ gắt "Đừng Đùa Nữa"!
Hy vọng bài viết này đóng góp thêm vài khía cạnh tang thương trong ngày “Khai Tử VNCH 30 tháng 4 năm 1975”.
San Diego Tháng 4 Buồn,Hơn 40 Năm Sau 2016.
CHU-MAI
http://www.aihuubienhoa.com/p119a6878/chuyen-chua-ke-30-thang-4
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment