Thursday, December 1, 2016
[VNCH] Bắc Kỳ Di Cư _Lương Lệ Huyền Chiêu
Tôi sinh ra ở miền trung, nơi có rặng Trường Sơn chồm ra sát biển. Dòng sông nghèo phù sa cũng cố nuôi dưỡng những cánh đồng nho nhỏ. Cuộc sống ở quê tôi thật lặng lẽ..Mỗi buổi chiều nhìn đàn cò trắng bay về núi, nhìn những đám mây trắng đùn lên phía chân trời tôi vẫn mơ ước được biết bên kia núi có gì vui hơn.
Ngôi nhà của mẹ tôi nằm trên con đường dẫn đến một ngôi nhà thờ cổ kính rất đẹp do người Pháp xây. Hồi đó người ta gọi là nhà thờ Gò Muồng.
Mỗi sáng chủ nhật, tôi thường đứng trước nhà nhìn người có đạo đi xem lễ.
Thích nhất là được xem lễ rước kiệu vì trong lễ rước kiệu luôn có nhiều thiên thần.
Các thiên thần đầu mang vòng hào quang, vai có hai cánh nhưng không bay được. Dầu sao hình ảnh của thiên thần thật đẹp đối với tôi thuở ấy. Tôi cũng thích thú ngắm nhìn đội kèn và người nhạc sĩ mang một cây đàn rất to trước ngực. Cây đàn ấy có thể xếp lại như cái lồng đèn xếp. Mẹ tôi nói đó là đàn phong cầm.
Một sáng chủ nhật năm 1954, có một sự kiện lạ lùng từ trước đến giờ tôi chưa từng nhìn thấy. Đoàn người đi xem lễ bỗng rất lạ và đông nghẹt con đường trước nhà tôi. Mẹ tôi nói họ là người Bắc di cư. Họ không muốn sống chung với Cộng Sản nên họ đã phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ xóm, bỏ làng vào Nam tìm đất sống. Họ dừng chân ở quê tôi nhằm ngày chủ nhật nên họ đi lễ cầu Chúa ban phước.
Thật là một cuộc phiêu lưu kỳ thú !
Mà họ cũng là người Việt ư? Sao họ ăn mặc lạ quá. Phụ nữ mặc áo nâu có hai tà cột phía trước., có người vấn khăn nhung đen, có người bịt khăn mỏ quạ. Răng của người già đen như than.
Đó là lần đầu tôi nhìn thấy người “Bắc Kỳ Di Cư”.
Mẹ tôi nói vậy là từ nay nước mình bị chia đôi từ sông Bến Hải..
Một nước bị chia làm hai nước ư. Người nước Việt bên này không được gặp gỡ, trò chuyện với người nước Việt bên kia và tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy những gì ở bên kia sông Bến Hải. Lạ thật!
Năm đó tôi lên năm.
Năm sau tôi được cắp sách đến trường.
Có lẽ người soạn sách giáo khoa là người Bắc nên tôi được học tiếng Việt như học ngoại ngữ.
“Cô Sa cho ta ba quả na”
Thầy giáo của chúng tôi giảng:
- Quả na là trái mảng cầu. Rồi thầy nói to cho chúng tôi đồng thanh đọc theo:
- Quả muỗm là trái xoài
- Cá quả là cá tràu.
Con lợn là con heo
- Cái môi không phải là cái miệng. Nó là cái vá múc canh…
Cuối năm, tôi cũng đã đọc được bài thuộc lòng in ở trang cuối quyển tập đọc lớp năm:
“Kỳ nghỉ hè
Ta về quê
Nhà ta ở mé bờ đê
Ở nhà có
Mẹ cha ta
Cô và bà
Quý ta quá
Khi thư thả
Ta ra đê
Đi thả bê
Nghĩ mà thú.”
Vậy ở miền bắc có bờ đê để trẻ nhỏ ra chơi.
Con đê ra sao nhỉ. ?
Lên lớp ba tôi đã bắt đầu hiểu tiếng Bắc.
“Bu ơi con đói lắm rồi
Con vào trong bếp bưng nồi cơm ra
Bu đang thái dở đĩa cà
Hay con gượm tí đợi cha con về”
Thầy hói:
“em nào biết “bu” có nghĩa là gì?
Tôi giơ tay:
- Thưa thầy “bu” là má ạ.
- Tại sao em nghĩ vậy.
- Tại khi đói mình thường nói điều đó với má.
Thầy khen:
- giỏi, ngồi xuống.
Thày chỉ trò khác:
“đĩa cà”là gì?
- Dạ là trong quả cà có con đỉa ạ.
Thầy lại phải giảng cho chúng tôi biết đĩa là cái dĩa.
Tôi rất thích những quyển tập đọc mà tôi đã được học suốt những năm tiểu học.
Biết bao điều lạ lẫm, thú vị về một miền quê hương xa khuất ẩn chứa trong từng câu chữ.. Tôi biết món ăn của người Bắc thường có đậu phụ kho tương, tép ram, canh rau cà pháo, canh thiên lý nấu cua đồng…thật khác với bữa cơm quê tôi và nghe…ngon quá. “Cái Rương Của Xã Bỗng”, “Căn Nhà Của Anh Vọi”, “Đi Chùa Hương” tôi đọc hoài mà không chán.
Thật thanh bình cho miền quê êm đẹp ây:
“Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi”
Giửa năm lớp đệ thất, một đứa con trai Bắc Kỳ Di Cư vào học lớp tôi.
Bạn cùng tuổi với chúng tôi nhưng ăn nói chững chạc, lưu loát hơn chúng tôi nhiều.
Giờ học về ca dao, thầy hỏi. Em nào biết có câu ca dao nào có hai chữ Bát Tràng.
Chúng tôi chịu thua.
Bạn Bắc Kỳ Di Cư xin đọc.
Lần đầu tôi nghe một giọng đọc bài lên bổng xuống trầm thật cuốn hút:
“Chên chời”có đám mây xanh
Chính giữa mây “chắng” chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch” Bát Chàng” về xây..”
Sao bạn giỏi vậy bạn Bắc Kỳ.
Một buổi chiều tôi được mẹ sai đi chợ mua thêm ít rau. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy anh bạn Bắc Kỳ cũng xách giỏ đi chợ. Bạn ăn mặc sạch sẽ và đã thay đôi săng đan bằng một đôi guốc xuồng bằng gỗ.
Bạn giỏi và ngoan nữa bạn Bắc Kỳ ơi.
Năm lớp đệ lục tôi rời xa quê nhà để chuyển trường học ở Tuy Hòa. Tôi sẽ sống với ba tôi đang làm công chức ở đó. Tôi tiếp tục học Việt văn bằng những trích đoạn trong Tự Lực Văn Đoàn. Bờ đê yên Phụ bây giờ có thêm bóng cô Loan với chiếc khăn San bay phơ phất. Tôi rất thích cảnh vật núi đồi miền trung du nơi anh chàng Ngọc đạp xe lên thăm ngôi chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên.
Ở ngôi trường tôi học có nhiều thầy là người Bắc. Các thầy đều dạy giỏi và lắm tài. Thầy Q dạy toán nhưng hát thật hay. Và thầy chỉ hát duy nhât bài “Giấc Mơ Hồi Hương”
“Nghẹn ngào thương nhớ em
Hà Nội ơi”
Hà Nội chắc đẹp lắm nếu không thầy Q chẳng nghẹn ngào đến vậy.
Thầy Đổ dạy âm nhạc. Thầy dạy chúng tôi bài “One Day”
Sau khi dạy chúng tôi xướng âm từng nốt nhạc thầy dạy chúng tôi hát :
“One day when we were young
One wonderful morning in May.
You told me you love me..
When we were young one day…”
…………………………………
“nói với nhau câu yêu thương
Trong một ngày tuổi mới đôi mươi”
Thầy có giọng hát ấm, thường chỉ có nơi người phát âm giọng Bắc.
Nhờ các thầy Bắc tài hoa, bọn học trò quê mùa chúng tôi bắt đầu tập mơ màng những giấc mơ lãng mạn.
Nhưng vẻ đẹp của xứ Bắc mà những “Bắc Kỳ Di Cư” gửi gắm vào giọng hát, tiếng đàn, tác phẩm văn chương đã từng làm tôi yêu mến có lẽ cũng chỉ là những hoài niệm.
Miền quê ấy nay đã không còn giống như những gì tôi mường tượng..
“Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi”
(Tản Đà)
Huyền Chiêu
6/2014
(Trong bài có một số bài thơ trong sách tập đọc mà vì hồi đó sách không ghi tên tác giả nên tôi không nhớ để ghi lại).
http://ninh-hoa.com/llhc-BacKyDiCu.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment