by Vương Ngọc Quyên
Hai chị em tôi đến Mỹ vào tháng 8/1981, cái thời nước mắm còn là nước muối. Trong túi chỉ có vỏn vẹn $20 và trong bụng lõm bõm vài câu tiếng Anh và hai bài hát học được trong trại tỵ nạn (bài “I’d love you to want me” và bài “Seasons in the Sun”). Năm đó tôi được 16 tuổi, và đứa em út cùng đi thì mới vừa 11 tuổi. Chúng tôi lóng ngóng đợi ở sân bay Houston Intercontinental Airport khá lâu thì gia đình mới tới. Lý do: ba tôi đi lạc.
Gặp lại ba, chị và đứa em kế, tôi rất mừng. Tuy nhiên, họ vừa mới đi vượt biên năm ngoái, cho nên cũng không phải là xa cách gì lâu. Duy chỉ có người anh lớn là tôi đã không gặp từ 1975, khi anh tôi được gửi theo người cô thoát đi trước khi Saigon thất thủ. Tôi rất vui và hãnh diện vì thấy anh hai của mình “bảnh tẻn” quá, cao ráo như Mỹ, đẹp trai, nói tiếng Anh như gió, và học trường Princeton, một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới. Tôi ao ước cũng sẽ được như anh.
3 ngày sau, anh tôi dẫn tôi đến trường ghi danh. Bà counselor mang quyển sách toán Algebra 2 và Trigonometry ra để khảo sát trình độ của tôi. Tôi giải được hết, nhưng tiếng Anh thì ú ớ. Sau đó Bà quyết định là tôi nên học lớp 9. Tôi buồn quá, vì ở Việt Nam mình đã gần học xong lớp 11 rồi, đáng lẽ qua đây phải lên lớp 12 chứ, sao bây giờ lại phải học lại lớp 9? Còn đứa em kế (nó qua năm trước) lại học lớp 10, mất mặt quá! Thấy tôi tiu nghỉu, Bà Counselor liền hỏi: “What do you want to do in the future?” (em muốn làm gì trong tương lai?). Tôi vận hết can đảm và mang tất cả vốn liếng tiếng Anh ra trả lời: “I want to go to college like my brother.” Tôi rất tự hào thấy mình đã nói được 1 câu đúng văn phạm, tin chắc bà counselor sẽ cho mình lên lớp. Dè đâu Bà ấy liền cười và nói: “OK, vậy em học lớp 9 đi cho có căn bản!”
OK thì lớp 9! Và tuần sau đó tôi đi học. Nhưng anh tôi bắt tôi phải học lớp English bình thường, không cho học ESL. Và khi tôi xin anh cuốn tự điển Anh Việt, thì anh ấy lại đưa cho tôi quyển tự điển Anh-Anh. Thế là tra mệt nghỉ. Muốn hiểu một chữ thì phải tra 3 chữ. Nhưng nhờ vậy mà tôi học tiếng Anh mau hơn. Có điều cũng vất vả với phần phát âm. Có lần anh tôi giận ai đó mà văng tục nói chữ “asshole”. Tôi nghe thì biết là chữ tục, nhưng không biết viết thế nào, không biết ý nghĩa là gì, cũng không dám hỏi vì sợ quê. Thế rồi một hôm, mở sách sử ra, tôi hết hồn khi thấy chữ “assault” , không biết tại sao chữ tục lại nằm trong sách sử vậy ta! Sau khi tra tự điển, thấy mình quê ơi là quê.
Lúc qua Mỹ nhà rất nghèo. Anh tôi mua cho tôi một đôi giày và cái áo vải ca-rô theo kiểu cao bồi texas. Còn cái quần jean, váy và 2 áo sơ mi kia thì là đồ củ của ai đó cho. Tôi chỉ có bấy nhiêu để thay đổi, đến nổi mấy đứa học chung lớp kháo nhau “tao đố mày ngày mai Quyên sẽ mặc áo nào, quần nào…” Tôi cảm thấy thua kém bạn bè, mất tự tin, nên không dám nói chuyện với ai, cứ lủi thủi một mình trong lớp. Mà cũng không thể nói chuyện được vì tiếng Anh còn kém quá… mãi cho đến lúc học sinh trong lớp khám phá ra rằng tôi học giỏi, làm bài điểm cao (mặc dù tiếng Anh kém), nên chúng lân la đến hỏi bài tôi…từ đó tôi bắt đầu gầy dựng lại được sự tự tin.
Hết hè, anh tôi trở lại nội trú, nhà chỉ còn ba, chị, 2 đứa em trai và tôi. Chúng tôi chen chúc trong một căn apartment 2 phòng, ba tôi một phòng, 2 chị em gái một phòng, còn 2 đứa em trai thì ngủ ngoài salon. Trong phòng khách có một cái TV cũ, 2 ghế sofa đã rách nhiều chỗ, một cái bàn coffee table làm bằng miếng ván để lên cái thùng, còn lại xung quanh những thùng là thùng plastic (crates), cái thì đựng đồ, cái thì dùng làm ghế ngồi. Đó là thiên đường của chị em chúng tôi. Vừa ăn cơm, vừa coi TV, vừa tán dóc, vừa học bài, rồi đi ngủ, sáng mai đi học tiếp. Mặc dù Ba tôi không làm được nhiều tiền, nhưng có cha như nhà có nóc, giúp tôi an tâm vì có chỗ trú nắng che mưa trong những cơn gió bão của cuộc đời.
Thời gian đầu đến Mỹ, tôi vẫn nhớ, rất nhớ về Việt Nam, về mẹ, em và ông bà ngoại, bạn bè còn ở lại Việt Nam. Tôi thường nằm mơ được về lại Việt Nam, và nhiều lần trong mơ thường hay hốt hoảng tự hỏi “chết, mình về lại Việt Nam rồi làm sao vượt biên lần nữa để trở lại Mỹ đi học?” Trong mơ tôi sống lại những kỷ niệm của tuổi vừa lớn ở Việt Nam, thấy lại cặp mắt của người bạn khá đặc biệt trong lớp khi anh chận đầu xe đạp trên đường tôi từ trường về nhà, chỉ lẳng lặng nhìn tôi mà không nói gì, lại cảm được bàn tay anh nắm lấy tay tôi khi tôi bị pháo Tết làm phỏng. Rồi tôi lại nhớ đến chuyến vượt biển bị hải tặc Thái Lan rượt và 4 tháng sống trong trại tỵ nạn như trẻ mồ côi với bao nhiêu nỗi sợ hãi. Tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly sưởi ấm toàn đảo Pulau Bidong trong buổi sáng tinh mơ, đưa tiễn chúng tôi lên đường đi định cư. "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…” Tôi bật khóc khi nghe đến bài “Hẹn nhé” của ai đó đã viết cho dân Bidong: “hẹn gặp lại nhé dẫu cho dòng đời chia rẽ, dẫu có lạc loài bơ vơ, địa cầu thênh thang chiếc lá đời mình xa đưa… hẹn nơi Việt Nam, một ngày mai đất nước huy hoàng.” Ngày rời Bidong, tôi đã tự hứa là sẽ trở về thế giới của người tỵ nạn để giúp xoa dịu niềm đau nỗi sợ của người tỵ nạn, của tất cả trẻ con, và nhất là trẻ mồ côi.
Trong khu apartment có 1 gia đình Việt Nam khác là nơi chúng tôi thường lui tới. Chị em bên đó học chung với chị em tôi. Tata (mẹ của bạn) cũng rất là dễ thương, chịu chơi. Tata nấu ăn rất ngon, có mấy cô con và cháu gái cũng nấu ăn rất ngon. Tôi và 2 đứa em trai thường hay lân la qua đó vì cuối tuần nào Tata cũng nấu một nồi phở, mì, bún bò huế hay gì gì đó. Tata nấu nồi phở xong thì đi làm ở Utotem (giống 7 Eleven) . Ở nhà đám con nít ăn xong thì đi coi phim, đi trượt patin, có khi chơi banh dưới sân hay ở trong phòng tán gẫu, coi như là cũng có tình hàng xóm như khi còn ở Việt Nam. Sau khi Tata đi làm về thì nhóm người lớn tụ lại, ăn xong thì đi nhảy đầm. Có nhiều lần tôi đứng xa xa nhìn Tata cho đỡ nhớ mẹ. Và tôi cũng lén xem Tata mua loại nước mắm đắt tiền nào mà nấu ăn ngon vậy.
Những năm đó chúng tôi rất nghèo. Nghèo đến nỗi tháng nào cũng thiếu tiền nhà. Ban đầu trong tiền nhà có bao luôn tiền điện nước, nên mở máy lạnh thoải mái. Sau đó, chúng tôi phải xin với manager cho tách điện nước ra trả riêng, để giảm tiền nhà xuống. Sống trong cái nóng của Houston mà không có máy lạnh nó khổ làm sao! Vậy đó mà vẫn thiếu! Có lần họ cúp điện cúp nước, chúng tôi lúng túng không biết làm sao. May sao ông trời thương, mưa cho mấy ngày, thế là có nước tắm rửa, dội cầu. Có lần Tết đến mà còn thiếu tiền nhà đã nửa tháng rồi, không biết lúc nào họ sẽ cho mình ra đường. Lần đó tôi tức quá, chỉ tay thề rằng “Tôi sẽ không bao giờ để cho mình nghèo nữa!”
Đến Mỹ được 3 tháng thì tôi bắt đầu đi làm. Tôi và chị tôi chạy bàn trong tiệm pizza. Đứa em kế thì làm trong bếp. Vì không nói được tiếng Anh, nên tôi hay bị “đì”, bị bắt vào chùi cầu tiêu thay vì dọn bàn tiệc cho nên không được thêm tiền tip. Chúng tôi vừa đi học full time, vừa đi làm đến 30 tiếng một tuần mà sao vẫn thiếu. Mỗi ngày tôi đi học về thì vội vàng nấu cơm, tranh thủ ngủ 15 phút, rồi đi làm đến 9.30 tối, về đến nhà thừ người ra nghỉ mệt và dọn dẹp, đến 10:30pm thì đi ngủ, sáng 2am dậy học bài đến 5:30am đi ngủ lại chút xíu, rồi dậy đi bộ đến trường vào lớp lúc 7:45am.
Tháng nào cũng thiếu hụt, khiến tôi luôn buồn phiền, lo lắng. Có lần em tôi vì thiếu ngủ quá nên ngủ gật trong lúc đứng canh lò pizza. Thế là bị phán cho cái tội là hút xì-ke nên ngủ gà ngủ gật. Dù chúng tôi đã hết sức cải lại, nhưng họ vẫn đuổi. Tội nghiệp nó phải đi qua tiệm supermarket làm stocker và đẩy grocery ra xe cho khách. Tôi viết thư về Việt Nam nói với ông Ngoại rằng tôi muốn nghỉ học để đi làm full time để không bị thiếu hụt tiền nhà nữa, cho chị và các em tôi được an tâm đi học. Ngoại lập tức viết trả lời: “Có nghèo thì tụi con cùng chịu nghèo với nhau, và cùng nương nhau mà tiến tới. Con đừng bỏ học, vì không ai có thể bù đắp cho con những năm tháng đó.” Nghe lời Ngoại, tôi lập chí phải học, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày tôi được trường đại học Yale nhận, tôi mừng lắm lắm. Anh hai đi học Princeton, chị ba đi học Harvard, thì nay tôi cũng có chỗ của riêng tôi để đi. Không uổng công tôi nghe lời bà counselor học lại lớp 9! Thằng em thứ năm thì cũng vào đại học ở nội trú rồi. Nhưng, điều phải giải quyết là ba và thằng út sẽ về đâu. Lúc đó nhiều người bà con xúi ba tôi cấm không cho tôi đi học xa để ở nhà lo cơm nước, nhưng ba tôi nói “không được, tôi không giúp gì được cho tụi nhỏ… điều tôi có thể làm cho nó là không cản đường nó.” Tôi mang ơn ba tôi suốt đời vì câu nói này.
Sau đó ba tôi quyết định mang thằng út về Nam Cali ở với Nội. Tôi cũng theo về Cali để chờ qua mùa hè, lúc đó cũng đã giữa hè rồi. Vì muốn tìm việc làm hè, tôi đã phải nói dối với ông manager của tiệm đồ củ rằng tôi đang đón mẹ, em và ngoại qua, cho nên tôi cần có job. Ông ấy thương tình nhận tôi vào làm cashier. Ông hỏi tôi có tính đi học không? tôi nói không. Ông đối xử với tôi rất tốt. Một hôm ông ấy gọi tôi vào office, và hỏi qua loa vài câu thì vào đề: “cô có biết chữ “mistress” nghĩa là gì không?” Tôi giả bộ không biết. Ông ấy nói “tôi đi trên xe bus, thấy có nhiều cặp tuy tuổi tác khác xa, nhưng cũng hạnh phúc. Nếu cô chịu làm mistress của tôi thì tôi sẽ lo cho cô, cho ngoại, mẹ và em của cô. Cô nghĩ sao?” Tôi liền nói “tôi không nghĩ gì nhiều, không muốn gì nhiều, chỉ cần có job, có tiền lo đón ngoại, mẹ và em sang là được rồi.” … nói xong tôi chuồn lẹ ra khỏi office.
Vài ngày sau, tôi lên báo với ông manager xin nghỉ việc. Ông hỏi lý do thì tôi nói tôi quyết định đi học đại học. Ông hỏi học ở đâu, thì tôi nói đi học ở Yale. Ông ta ngạc nhiên quá: “trước giờ cô nói với tôi là cô không đi học, rồi bây giờ cô lại nói là đi học một trong những trường nổi tiếng nhất thế giới!” Tôi giả lả xin lỗi ông, cũng không nhớ rõ ông có xin lỗi tôi không. Hơn 35 năm đã qua, tôi vẫn tự hỏi không biết lúc đó mình nên xin lỗi hay nên thưa kiện ông ấy… Tôi là con gái mới 20, mà ông ấy gần 60 rồi mà dám kêu tôi làm thiếp cho ông ấy hả? thế nhưng, nói cho cùng thì ông ấy cũng chưa từng có cử chỉ hoặc lời nói gì sàm sỡ hoặc trái phép với tôi cả, ngoài lần ngỏ lời đó. Cho nên tôi quyết định nhớ về câu chuyện này như là một chuyện kể cho vui trong đời - mặc dù vậy trước giờ tôi vẫn chôn kín câu chuyện này trong lòng). Nay xin ghi lại để các thế hệ sau biết chặng đường chông gai mà người trước đã phải đi qua.
Sau 4 năm gian khổ, tôi đã thực hiện được lời hứa với bản thân và với ông Ngoại là sẽ đi học đại học. Tuy lúc ấy Ngoại không còn nữa, nhưng tôi biết Ngoại rất vui. Tôi vẫn nhớ lời hứa là sẽ trở về giúp những người trong trại tỵ nạn, và tin là trường Yale sẽ giúp tôi rèn luyện kiến thức và kỹ năng, và cho tôi cơ hội để thực hiện ước nguyện này. Tôi hí hửng xách va-li ra phi trường lên đường đi đại học, mang theo chai tương ớt và chai nước mắm, nửa vì sợ ở Yale không có những thứ này, nửa để nhâm nhi suy gẫm đoạn đời vừa trải qua trong cảnh nghèo với bao nhiêu cảnh gian truân, nỗi khổ cực, và sự phấn đấu lúc mới đến Mỹ - trong cái thời nước mắm còn là nước muối.
No comments:
Post a Comment