Saturday, March 30, 2013

Về Từ Tân Cảnh

Nhân đọc cuốn "Về Từ Tân Cảnh"
của Đại Tá Tôn Thất Hùng,
KBC 7865, ngày 24 tháng 4 năm 1974.

Mũ Xanh Sài-Gòn.

Lời mở đầu:
Sau trận Tân Cảnh năm 1972, tôi thường ngày theo rỏi tin tức chiến sự đang sôi động trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam trong mùa hè đỏ lửa, đặc biệt về mặt trận Kontum, về câu chuyện thoát hiểm của Đại Tá Tôn Thất Hùng, sau khi Tân Cảnh bị cộng sản Bắc Việt tràn ngập bằng chiến xa.
Báo chí và truyền thông có tường thuật về trận đánh Tân Cảnh, và có đề cập đến tập hồi ký chiến trường kể lại đoạn đường gian truân thoát hiểm trong rừng của Đại Tá Tôn Thất Hùng từ Tân Cảnh đi về hướng Kontum ... tập hồi ký có tựa đề "Về Từ Tân Cảnh".


Nhưng mãi đến 30 năm sau, hôm nay "Sàigòn" mới hân hạnh được tác giả cho mượn đọc cuốn sách duy nhất còn lại, để làm lưu niệm, trên đường định cư tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, San Jose, Cali; với lời dặn dò: "đọc xong nhớ hoàn trả vì gia tài chỉ còn một cuốn chót". Anh nói tiếp: " ... đem được cuốn hồi ký "Về Từ Tân Cảnh" này lọt khỏi công an quan thuế cộng sản Việt Nam là một sự may mắn, không tưởng tượng được. Sau này, nhờ vậy mà hồi ký được bạn bè hỏi mượn xem, hoặc trích đăng - ví dụ báo Tiếng Vang đã đăng toàn bộ. Đây là một chuyện thật về chiến trận Tân Cảnh vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Sách được nhà xuất bản Văn Nghệ Dân Tộc xuất bản đợt đầu vào tháng 4 năm 1974, (chủ nhiệm là nhà thơ Tô Thuỳ Yên) không bán, chỉ dành tặng các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH), thư viện Quốc Gia, các thư viện Trường Quân Sự và trường Trung Học của Việt Nam Cộng Hoà.
Sách dày 215 trang, khổ lớn, thay lời tựa do nhà văn Quân Đội Lê Huy Linh Vũ viết, tức Trung Tá Nguyễn Trường Thọ, gốc ở Huế, từ cục Quân Cụ chuyển ngành qua Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cuộc Chiến Tranh Chính Trị; Trung Tá Thọ đã chết trong ngục tù cộng sản ở Bắc Việt năm 1976-1979... Hình bìa trước, in bản đồ quân sự, có địa danh Tân Cảnh, Kontum, Pleiku ... Hình bìa sau in bản nhạc "Người Chết Trở Về" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Sách gồm ba phần:
- Phần một là "Bình Hải" chưa xong đã lên "Sơn Trấn" - Hai ngày rưởi cuối cùng tại bản doanh chiến thuật của Tư Lệnh họ Lê - Còn mất trong đường tơ kẻ tóc.
- Phần hai là Cô độc lữ hành - Gặp ân nhân - Lại một lần nữa suýt vinh thăng ... nằm ...
- Phần ba là Thay lời kết luận ...

Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (TQLCVN) đã từng quen thuộc với các địa danh Pleiku, Kontum, Dakto, Tân Cảnh ... của vùng 2 chiến thuật. Từ năm 1962, Tiểu Đoàn 2 TQLC đã có mặt để bảo vệ an ninh khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến viếng thăm đồng bào Kinh-Thượng tại Tân Cảnh ... Chiến Đoàn TQLC có những lúc hành quân dài ngày liên tục, vượt núi băng rừng, dưới những cơn mưa tầm tả, lạnh buốt của vùng Ba-Biên-Giới. Quân sĩ đều bị lỡ chân, bị vắt cắn hút máu, đói và rét. Lương thực mang theo đã cạn, thời tiết xấu, máy bay không đến tiếp tế thả dù được, mỗi lần đụng trận chạm địch, muốn tản thương bằng trực thăng phải huy động cả Đại Đội chặt cây, dọn bải bốc ... mất cả nửa ngày.  
Nói đến Tân Cảnh, là nói đến mục tiêu của bao chiến dịch của giặc! Tân Cảnh là một vị trí chiến lược then chốt.
Tân Cảnh có nhiều kỷ niệm vui buồn với TQLCVN. Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Bá Liên, vị cựu Tư Lệnh TQLCVN, 1963 - 1964, cấp chỉ huy tài ba, đã nhiều lần xua quân vào Biệt Khu 24, đánh những trận tuyệt vời trong mùa chiến dịch 1968-1969, trước khi tử nạn trực thăng trưa ngày 6 tháng 12 năm 1969 tại đỉnh Dat-Rekat, không xa Tân Cảnh bao nhiêu.   
Trận Đức Cơ 1965, Chiến Đoàn A TQLCVN của "Ông Già Hự" (Cố Đại Tá Nguyễn Thành Yên) với Tiểu Đoàn 2/TQLC của Thiếu Tá Hoàng Tích Thông và Tiểu Đoàn 5/TQLC của Thiếu Tá Dương Hạnh Phước đã tham dự trận đánh giải vây Trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ và mở đường tiếp tế cho trại dọc theo Quốc Lộ 19B. Thời gian này, Đại Tá Tôn Thất Hùng là Tham Mưu Phó được tăng phái làm phụ tá Tư Lệnh kiêm Tham Mưu Trưởng hành quân Biệt Khu 24 cho Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn, vì Đại Tá Hùng am hiểu nhiều về tình hình và địa thế toàn vùng Cao Nguyên hơn ...

Trận Bình Giả của Tiểu Đoàn 4/TQLC năm 1964; tiếp sau đó là cuộc hành quân truy lùng địch của các Chiến Đoàn TQLC trong khu vực Bình Giả, quận Đất Đỏ ... thuộc tỉnh Phước Tuy - Bà Rịa. Lúc này Trung Tá Lê Đức Đạt là Tỉnh Trưởng, kiêm Tiểu Khu Trưởng Phước Tuy, và là bạn đồng khóa 6 Võ Bị Đà Lạt, thân thiết với Trung Tá Nguyễn Thành Yên, Chiến Đoàn Trưởng kiêm Tư Lệnh Phó Binh Chủng TQLCVN.


Đôi lời giới thiệu về tác giả:
Đại Tá Tôn Thất Hùng gốc Huế (hoàng phái), nhập ngũ Quân Đội Pháp (đồng hoá) năm 1945 trong Binh Đoàn Thông Ngôn (Corps Militaire des Interprètes de Langue Locale de l'Armeé de Terre, viết tắt là CMILLAT), mà rất nhiều cấp Tướng và Tá (các vị đã từng làm việc với ông khi ông còn "phụ trách Đoàn" (Contrôleur du CMILLAT) ở cấp vùng (Zone): Vùng Bắc rồi vùng Nam của Quân Đội Pháp ở Trung Việt (Zone Nord, rồi Zone Sud des F.T.C.V.)), đã xuất thân (chuẩn bị) từ "lò CMILLAT" này, rồi được đào tạo để xuất thân (chính thức) từ các trường Võ Bị Quốc Gia danh tiếng như Đà-Lạt (mà tên lúc tiên khởi là Đập-Đá, vì trường được thành lập tại địa danh này ở Huế, Thừa Thiên) Nam Định, hay Thủ Đức, và sau này, do tài năng của bản thân, đã vươn cao lên trong Chính Phủ và Quân Lực VNCH, điển hình là quý vị:
Trung Tướng Nguyễn Văn MạnhTham Mưu Trưởng (TMT) Liên Quân
Trung Tướng Ngô DzuTư Lệnh Quân Đoàn 2
Chuẩn Tướng Võ DzinhTMT Không Quân
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai TL/SĐ7/BB (đã tuẩn tiết 30 tháng 4 năm 1975)
Đại Tá Phạm AnhThứ Trưởng Bộ Chiêu Hồi
Đại Tá Vĩnh BiểuPhụ tá lãnh thổ vùng 1 Chiến Thuật
Đại Tá Phan Đình HùngTỉnh Trưởng Kontum (cuối cùng)
Đại Tá Huỳnh Ngọc LangCựu phó An Ninh Quân Đội (đã mất trong ngục tù cộng sản)
Đại Tá Phạm Ngọc ThiệpTrưởng Phòng 2 Bộ TTM
Trung Tá Phan Viết BaTiểu khu phó Tiểu Khu (TK) Khánh Hòa (tử nạn máy bay cùng Tướng Phong)
Trung Tá Lê Trung HưngTiểu khu phó TK Pleiku
Trung Tá Nguyễn Đình HữuTùy viên quân lực tại Thái Lan
Trung Tá Nguyễn Kim KhánhTỉng Trưởng Ninh Thuận (giải ngũ năm 1963)
Trung Tá Nguyễn MâuTrưởng khối Cảnh Sát Đặc Biệt
Trung Tá Lữ PhụngTrưởng Phòng 2 SĐ23/BB (đã mất trong tù cs năm 1976)
Thiếu Tá Tôn Thất CangTiểu khu phó TK Phú Yên (bị vc giết năm 1964?)
Thiếu Tá Phạm Ngọc CônTMT TK Kontum
Xin nói thêm, cũng xuất thân là "anh tẹt nháp"
Trung Tướng Trần Thanh PhongTử nạn máy bay với Tr/Tá Phan Viết Ba
Đại Tá Lê Đức ĐạtTL/SĐ22/BB (tử trận ở Tân Cảnh)
Trung Tá Nguyễn Văn Mười BaCựu An Ninh Quân Đội (đã mất tại Pháp, sau 1975)

Tháng 12 năm 1954, anh được chuyển qua Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (hiện dịch) với cấp bậc cũ trong quân đội Pháp là Trung Úy (anh là Lieutenant Interprete từ 1950).
Anh đã tốt nghiệp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp năm 1967 và khóa 3 Cao Đẳng Quốc Phòng (CĐQP) năm 1970-1971. Từ năm 1959, anh đã từng giữ các chức vụ Tham Mưu Phó (TMP) rồi Tham Mưu Trưởng (TMT) cấp Sư Đoàn, cấp Quân Khu và cấp Quân Đoàn/vùng Chiến Thuật (TMT/QĐ2 1968-1970). Mãn khóa 3 CĐQP, anh tình nguyện ra lại chiến trường để rồi, lại phải làm Phụ Tá Tư Lệnh cho 2 vị Tư Lệnh Sư Đoàn 22-BB (Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triển và Đại Tá Lê Đức Đạt từ 1/3/72). Trong đầu năm 1972, anh là Đại Tá thâm niên trong hàng cấp Đại Tá của Sư Đoàn 22-BB.           
Trong 30 năm quân ngũ, anh đã có 17 năm phục vụ ở Cao Nguyên qua 5 nhiệm kỳ, có nhiều huy chương mà trong đó có 2 chiến thương. Anh có biệt danh là "Hùng Râu", với hàng ria mép tỉa đẹp như tài tử Clark Gable và thích hút ống "pipe" (ở thắt lưng, luôn luôn có 2 pipes đựng thuốc pipe hiệu Captain Black). Trong QL/VNCH trước 1975, chỉ có 4 Sĩ Quan được phép bộ TTM cho để "ria": Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Đại Tá Hà Xuân Vịnh (Không Quân), Đại Tá Nguyễn Văn Bạch (Công Binh) và anh. Bạn bè thường cho là anh giống tài tử Gregory Peck. Từ 1947, anh thường uống rượu mạnh (trong bidon hành quân luôn luôn là Martell, Hennessy hoặc Remy Martin), cũng như xoa mạt chược thì (quen) không hề xếp bài (chưa khi nào "chao ù"). Tháng 9 năm 1994, sau khi được mổ tim và đeo máy trợ tim, anh đã bỏ hẳn pipe, rượu và mạt chược.              
Mũ Xanh Sài-Gòn cùng Chiến Đoàn A TQLC từng sát cánh hoạt động hành quân trong tình chiến hữu với anh qua các trận chiến Dakto, Pleime, Đức Cơ ... trong năm 1965-1966.         
Sau năm 1975, lại là bạn tù thân thiết của 13 năm tù "cải tạo cộng sản", từ trại tù Yên Bái, xuống Hà Tây, Hà Nam, và vào Long Khánh ...                        
Hơn 10 năm định cư tỵ nạn tại Mỹ, tháng 7 năm 2004, nhân dịp tôi tham dự Đại Hội kỷ niệm 50 năm thành lập Binh Chủng TQLC/VN tổ chức tại Houston, Sẳn trớn, tôi bay qua San Jose, thăm các chiến hữu TQLC, gia đình Hậu Nghĩa, dự kỷ niệm 50 năm lớp Khải Định Huế 48-55, và đặc biệt các chiến hữu cựu tù nhân chính trị ở Bắc Cali này. Tôi được dịp gặp lại anh lần đầu tiên tại Mỹ, cùng với anh Vũ Quang Chiêm, anh Phan Đình Hùng, anh Bùi Đức Tài, anh Võ Quế và nhiều anh em chiến hữu khác.
Lần hội ngộ ngày 17 tháng 7 năm 2004 tại thành phố San Jose, chúng tôi được đải ăn món Dim Sum tại nhà hàng Royal City, có cả anh chị Tôn Thất Hùng tham dự. Buổi ăn ngon trong bầu không khí thân tình chiến hữu, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn kể cho nhau nghe mà không thể nào kể hết. Buổi hội ngộ thật đáng nhớ suốt đời và không biết có còn dịp khác nữa không?
Anh năm nay đã 80 tuổi, cơ thể tuy bị giải phẩu 16 lần (2 lần do bị thương ở chiến trường VN năm 1947 và 1972, 6 lần mổ tim ...) về nhiều căn bệnh khác nhau. Sức khỏe may mắn là tốt, nhờ sự chăm sóc của chị Hùng đã 50 năm nay. Tinh thần vẫn còn sáng suốt và minh mẫn. Lúc tôi hỏi anh về trận Đức Cơ, Tân Cảnh ... anh vẫn còn nhớ các chi tiết để giải thích những điểm thắc mắc của tôi. Anh sống thoải mái và hạnh phúc với gia đình ở Milpitas, các con đã trưởng thành và thành đạt... đầy đủ cháu nội, ngoại. Trong số 3 cháu nội trai, luôn luôn đứng đầu lớp (tiểu học), có 1 đưá có lẽ sẽ nối nghiệp "lính" của ông nội, vì thích mặc đồ lính rằn ri và sống rất kỷ luật.

Vào Chuyện: Về Từ Tân Cảnh

(Bài soạn thảo và đúc kết các dữ kiện quan trọng này do Mũ Xanh Sài-Gòn viết lại trong tập sách 215 trang chính ...)

Phần Một: "Bình Hải" chưa xong đã phải lên "Sơn Trấn"

Mùa hè đỏ lửa 1972 - Mặt trận Kontum

Trong tháng 3 năm 1972, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II (TP2/QĐ2), đã ghi nhận được các tin tức tình báo là Tướng CSBV (công sản Bắc Việt) Hoàng Minh Thảo đã huy động ba Sư Đoàn: 2, 320 và F10, được yểm trợ bởi Lữ Đoàn 203 xe tăng và nhiều Trung Đoàn pháo để chuẩn bị cho chiến trường Kontum. 
Trung Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân Đoàn II, sau khi hội ý với Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II là John Paul Vann, đã phối trí BTL/TP (Bộ Tư Lệnh Tiền Phương) Sư Đoàn 22 BB do Đại Tá Lê Đức Đạt làm Tư Lệnh, vừa nhận bàn giao của Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triển kể từ 1 tháng 3 năm 1972. 
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Hành Quân, đồn trú chung với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 42 của Trung Tá Nguyễn Hữu Thông, đã hoạt động tại Tân Cảnh từ trước. Ba Trung Đoàn 41, 42 và 47 hoạt động trong khu vực Tân Cảnh - Dakto cùng với một Thiết Đoàn Kỵ Binh và Lữ Đoàn II Dù.
Ngày 14 tháng 4 năm 1972, trận địa pháo của cộng sản Bắc Việt đã đổ ập xuống căn cứ "Charlie", người hy sinh đầu tiên lại là Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù.
Từ ngày 20 đến 22 tháng 4 năm 72, các Sư Đoàn CSBV áp sát vòng đai Tân Cảnh. Đại Tá Trịnh Tiếu, TP2/QĐ2 xin tiến hành ngay kế hoạch tiêu diêt địch bằng B-52 mà trước đây Tướng Ngô Dzu và Cố Vấn John P. Vann đã tiên liệu. Điều bất ngờ là John P. Vann đã từ chối lời yêu cầu dùng B-52 để "dọn sạch" đối phương! Nguyên nhân là John P. Vann không muốn yểm trợ cho Đại Tá Lê Đức Đạt. Vann có ác cảm với Đại Tá Đạt vì Đại Tá Đạt lên nắm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh (TL/SĐ/22-BB) ngoài ý muốn của Vann !?
John P. Vann nguyên là cố vấn trưởng, cấp bậc Trung Tá cho Đại Tá Huỳnh Văn Cao Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB vào năm 1961-1962. Trong trận Ấp Bắc I, 1962, ở Định Tường mà CSBV tuyên truyền láo khoét là chiến thắng "vẻ vang". Trớ trêu thay, cố vấn J.P. Vann của SĐ7/BB, Đại Úy J. Scanlon cố vấn "hèn nhát" của Đại Đội 7 - M113 do Đại Uý Lý Tòng Bá làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 7-M113, và nhà báo thiên tả Neilshehan, cả 3 người hợp lại, tạo một "scandale" về trận Ấp Bắc I, bóp méo sự thật và nói xấu Quân Đội VNCH. Trong trận Ấp Bắc I, Đại Tá Bùi Đình Đạm nắm quyền Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. 
Theo nhận xét của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá thì J.P Vann là một sĩ quan cố vấn có tình tình nóng nảy và hăng say quá độ, và có thái độ trịnh thượng đối với mọi người...
Sau trận Ấp Bắc I, J.P. Vann giải ngũ và về Mỹ. Năm 1966, Vann trở lại Việt Nam, từ 1967-69, với tư cách là quan chức dân chính cao cấp của Mỹ, Vann chỉ huy cơ quan CORDS (Civil Operations Revolutionary Development Support) mà chính phủ VNCH có tên gọi là "Trung Tâm Bình Định Phát Triển". Khi được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng QĐII. Vann tranh đấu để được hưởng quyền lợi ngang hàng với một cấp tướng của quân đội Mỹ.
Sau trận Kontum kiêu hùng năm 1972, John P. Vann đã tử nạn trực thăng, lúc đang bay từ Pleiku đi Kontum... Vann có vợ Việt Nam...
Ngày 22 tháng 4 năm 1972
Từ Bà Gi, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22-BB, Qui Nhơn, lúc 8 giờ sáng, một trực thăng cất cánh đi Tân Cảnh, chở Đại Tá Tôn Thất Hùng, Cố Vấn Phòng 3, Trung Tá Crunk, Thiếu Tá Phú, Đại Úy Châu thuộc Phòng 3 Sư Đoàn và Trung Úy Bình thuộc Đại Đội Tổng Hành Dinh ... qua khỏi đèo Mang Yang, đỉnh đèo trên Quốc Lộ 19 là tới Pleiku. Trực thăng dừng lại để đổ xăng, luôn tiện để các sĩ quan tham mưu vào liên lạc phối hợp với Bộ Tham Mưu Quân Đoàn II; sau đó là tiếp tục lên Tân Cảnh.
Sáng nay địch lại pháo kích vào Tân Cảnh. Trực thăng phải bay lượn kiểu bươm bướm từ Diên Bình lên. Đang ở độ cao 700 mét rồi bay đứng (hovering) ngay một chỗ, và nhào xuống, nhào thẳng xuống bải đáp, là sân cờ của đồn Tân Cảnh. Mọi người trên trực thăng đã chuẩn bị sẵn sàng tư thế, nhanh nhẹn nhảy xuống đất, để trực thăng cất cánh ngay, tránh đạn pháo của địch. Lúc này đúng 11:00 giờ trưa ...

Hai ngày rưởi cuối cùng tại bản doanh chiến thuật của Tư Lệnh họ Lê.

Đại Tá Lê Đức Đạt
Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB
Đại Tá Hùng đến hầm thuyết trình thì gặp ngay Đại Tá Lê Đức Đạt, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đang ngồi nghe Trung Tá Nguyễn Văn Tân, Trung Đoàn Trưởng 47, trình bày tình hình tại khu vực trách nhiệm. Bên cạnh là Đại Tá Kaplan, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đẫy đà và mạnh khỏe như lực sĩ ... Ông Tư Lệnh có vẻ mệt mỏi, chắc vì nhiều đêm thao thức trằn trọc. Nhưng sau cặp kính "nhốp" trắng, tia mắt vẫn thông minh, nhanh nhẹn ...
Trong buổi chiều 22 tháng 4 năm 72
Tân Cảnh lãnh thêm cả ngàn quả pháo, cà 122 ly lẫn 130 ly. Nhưng không có thiệt hại nào về nhân mạng. Vì quân nhân mọi cấp, luôn luôn khôn khéo, ẩn vào các hầm hố tại các vị trí chiến đấu đã ẩn định từ trước. Mỗi khi cần liên lạc, địch vừa dứt pháo, với nón sắt, áo giáp, vũ khí cầm tay, họ nhanh chân chạy "zích-zắc" theo cái giao thông hào.
20:00 giờ, Quận Trưởng Dakto, Thiếu Tá Lò Văn Bảo, báo bằng C-25: 
- Có nghe tiếng chiến xa địch đang rú ở vài cây số hướng Tây, có lẽ hướng suối Dak-Ngay.
Cố Vấn Kaplan cũng được Bộ Tham Mưu Sư Đoàn thông báo, nhưng không tin! Mãi đến khi Cố Vấn Chi Khu xác nhận, Kaplan mới cho gọi Cố Vấn Quân Đoàn II, xin phi cơ C-130 "spector" có trang bị đại bác 57 ly, lên quan sát và tác xạ khi cần ... Đến 22:00 giờ, phi cơ "spector" báo cho hay là đã quan sát có khoảng 9 hay 10 thiết giáp địch đã bị pháo của Sư Đoàn 22 bắn hạ và đang bốc cháy trên Quốc Lộ 14. Có một vài chiếc chạy về hướng sông Tân Cảnh.... Ngoài ra "spector" còn hạ được 2 chiếc khác.
Mệt mỏi quá, tất cả nhân viên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Hành Quân từ Tư Lệnh trở xuống đều qua một đêm không ngủ ... chờ mãi cho đến sáng, chẳng có tin tức gì hấp dẫn hơn
Ngày 23 tháng 4 năm 1972
Một Tiểu Đoàn của Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã giao tranh với địch quân tại một vị trí gần Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 (BTL/SĐ22) Tiền Phương, Tân Cảnh. Cũng trong ngày này, cộng quân pháo kích tới tấp vào Tân Cảnh bằng hoả tiển 122 ly và AT-3 Sagger tầm nhiệt. Lực lượng chiến xa bảo vệ BTL/SĐ22 Hành Quân lúc bấy giờ chỉ có 10 chiếc chiến xa, đang điều động dàn đội hình ngăn chặn địch, đã bị hỏa tiển của cộng quân bắn cháy mất 8 chiếc, còn lại 2 chiếc thì bị đứt xích... Thiếu Tá Nguyễn Bá Như, Trung Đoàn Phó 42, cùng Đại Úy Cố Vấn Kenneth Yoman đã leo lên tháp nước cao tại căn cứ, xử dụng đại liên 12 ly 7 để tác xạ địch, cũng bị hỏa tiển Sagger bắn trúng, bồn nước nổ tung và cà hai vị sĩ quan này chết tại chỗ.
Khoảng 10:00 giờ tối ngày 23 tháng 4 năm 72, tại Quận Dakto, cách Tân Cảnh 2 km về phiá Bắc, đơn vị trú phòng quan sát thấy đèn của 11 chiến xa T-54 của CSBV tiến về hướng Quận. BTL/QĐ-II đã đưa C-130 spector lên thả trái sáng; trong khi đó 15 chiến xa T-54 khác của địch chạy về Tân Cảnh. Phi cơ C-130 spector tác xạ để ngăn chận chiến xa địch, nhưng không có hiệu quả. Vì loại phi cơ này không có đạn chống chiến xa. 

Tình hình chiến sự tại Tân Cảnh đã bước vào những giờ phút quyết định của cuộc chiến ...
Từ tờ mờ sáng, Chi Khu Dakto đã tung thêm nhiều toán thám sát Địa Phương Quân vào vùng Kon-Hojao. Trung Đoàn 42 thì làm chặn dưới, từ hướng sông Tân Cảnh lục soát đến đèo Dakto. L-19 từ Kontum lên, tham gia vào cuộc truy tầm.Còn khu trục thì đã sẵn sàng tại Pleiku.
Ầm! ầm! Một chiếc M-41, một trong vài chiếc còn lại, đang án ngữ tại Trung Tâm Hành Quân, được lệnh di chuyển ra cổng chính để tác xạ vào một lô cốt bê-tông, đã bị đặc công cộng sản chiếm trong đêm. Ra gần tới cổng trại, chiếc M-41 bị ngay hỏa tiển điều khiển của giặc từ hường dãy núi phía Đông thị trấn bắn vào. Chiếc M-41 bốc cháy ngay. Hỏa tiển này, là loại vũ khí mới của địch, có mức bắn tầm xa bằng súng cối 82 ly, có tên là AT-3 Sagger tầm nhiệt. Từ hướng Đông và Nam doanh trại, tiếng súng phóng lựu RPD và AK-47 của địch lại nổ dòn. Tiếng đại liên M-60 của quân ta bố phòng, lại bắn trả dữ dội.  

Buổi thuyết trình sáng hôm ấy, chấm dứt lúc 8 giờ 30 sáng; các cấp chỉ huy xuống hầm Trung Tâm Hành Quân để hội ý về những kế hoạch trong ngày và kế tiếp ... Nhịp độ làm việc rộn ràng và khẩn cấp. Bổng có tiếng "ziu - zu! ziu! zu! ziu!" đột nhiên từ khoảng lỗ thông hào của phòng Truyền Tin bay vút vào ... qua mặt Đại Tá Đạt, Cố Vấn Trưởng Kaplan, Đại Tá Vy Văn Bình Chỉ Huy Trưởng Phòng Thủ Căn Cứ và Đại Tá Hùng ... một hỏa tiển bay qua luôn trước mặt Trung Tá Châu Truyền Tin ngồi gần đó, ... và nổ "ầm" ... sau khi chạm vào tường và dội lại... nổ ngay, cách bàn giấy Đại Tá Đạt hơn 1 mét. Một sĩ quan Phòng 3 hy sinh ngay tại chỗ, Thiếu Tá Phương, sĩ quan liên lạc Biệt Động Quân Biên Phòng nằm đè lên bất tỉnh. Một số sĩ quan Việt-Mỹ khác bị thương. Giấy tờ và bàn ghế bắt đầu bén lửa ... cháy... nhốn nháo và hỗn loạn.
Trong khi đó, pháo 122 ly và 130 ly của địch tiếp tục nổ ở sân cờ, ở hàng rào phòng thủ, và một số cơ sở trong doanh trại. Tiếng nổ thật chói tai...
Tất cả quân nhân thuộc Bộ Tham Mưu Sư Đoàn còn lại, đều phân tán ra các giao thông hào, sẵn sàng chiến đấu tự vệ, vì lúc ấy đã nghe rõ tiếng AK-47 của địch nổ chát chúa ở Cổng Chính... Một số sĩ quan Tham Mưu đã rút an toàn qua hầm Trung Tâm Hành Quân của Mỹ... Tuy nhiên thân tình Việt-Mỹ đã bắt đầu bất ổn. Cố Vấn Kaplan đi tới, đi lui, nét mặt đăm chiêu khó chịu. Trung Tâm Hành Quân mới này, chật chội vì nhiều người quá... hơi người nồng nặc... bình nước uống thật lớn, trên bàn cạn dần...
Khoảng hơn 11:00 giờ trưa, Trung Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42, cùng với Đại Úy Dobbins bước vào Trung Tâm Hành Quân mới, và trình với Đại Tá Đạt Tư Lệnh SĐ-22:
- Địch xuất hiện khá nhiều ở Đông và Đông-Nam doanh trại.
- Cobra (trực thăng võ trang) đang hoạt động mạnh và hữu hiệu.
- Diên Bình đã sắp xếp tạm xong.
- Tiểu Đoàn 2/42 đang lục soát ở ven thị trấn.
- Thành phần còn lại, kể cả Tiểu Đoàn 4 là đơn vị đang giải tán, vẫn từ doanh trại bung quân ra và đang cận chiến nhiều nơi với địch.
- Không liên lạc hàng ngang với Trung Đoàn 47 ở Phượng Hoàng được.
- Chưa có báo cáo gì của toán Địa Phương Quân Chi Khu Dakto...
Vào lúc 17:00 giờ, Đại Úy Lâm, Không Quân và 2 nhân viên khác từ bên hầm tiếp vận, uể oải bước vào, sau khi báo cáo đã hoàn tất việc tải thương...
Chiều nay sự giao thiệp giữa Đại Tá Đạt và cố vấn Kaplan không còn đượm vẻ tương đắc như trước nữa. Tuy không nghe rõ hai người nói gì với nhau, nhưng qua nét mặt từ từ ửng đỏ của vị Tư Lệnh, Bộ Tham Mưu biết rằng ông đã kém vui...
Vì biết tình hình nghiêm trọng, sau khi thảo luận với Quân Đoàn II, Đại Tá Đạt chỉ thị rút Tiểu Đoàn 9 Dù ở Ngok-Tu về tăng cường cho Tân Cảnh. Tuy nhiên vì không liên lạc truyền tin được, nên Trung Đoàn 47 không chuyển lệnh được cho Tiểu Đoàn 9 Dù...
Ông Tư Lệnh thở dài... rồi dùng siêu tần số liên lạc với Tướng Ngô Dzu... Một lúc sau, Đại Tá Đạt hội ý với Bộ Tham Mưu:
- OK! Quân Đoàn thuận cho mình rút! kể từ ngày mai.
Anh em lại nhìn nhau. Nghĩ rằng, quyết định ấy có hởi trể (?). Vòng vây của địch, ngày càng siết chặt. Rồi! Cái gì cũng quá muộn rồi! Trầm ngâm... thở dài... Lúc ấy vào khoảng 21:00 giờ đêm 23 tháng 4 năm 1972. 
Máy móc và tài liệu mật mã truyền tin đã cháy hết rồi, trong buổi sáng. Nhưng rồi Bộ Tham Mưu cũng đã ngụy đàm được với hai vị Trung Đoàn Trưởng 42 và 47. Vắn tắt cho họ biết quyết định trên. Dặn 47 cho Thiếu Tá Quận Trưởng Dakto biết lệnh ấy luôn. Vẫn không liện lạc được với Tiểu Đoàn 9 Dù!?
Chủ Nhật ngày 24 tháng 4 năm 1972
Quá nữa khuya, 23 rạng ngày 24, qua điện thoại của Đại Tá Trịnh Tiếu, cho biết Trung Tướng Ngô Dzu và toàn bộ Tham Mưu Quân Đoàn II, đang ngồi trực ở Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) để theo rỏi tình hình ở Tân Cảnh... Đại Tá Hùng thay mặt trả lời, là tuy anh em đều mệt mỏi, tình hình hơi nản, nhưng chúng tôi vẫn vững tinh thần, và còn tiếp tục chiến đấu được...
Tội nghiệp cho anh em, kể cả Tư Lệnh Đạt, cực nhọc đã hơn 80 ngày rồi!
03g00 sáng, Trung Tướng Ngô Dzu gọi điện thoại thăm hỏi tình hình và được Đại Tá Hùng báo cáo là tinh thần anh em rất bình tĩnh, rất tốt...
05g00 sáng, từ trong hầm TTHQ, nghe rõ nhiều tiến nổ M-72, nghe hệ thống máy truyền tin C-25 của Trung Đoàn 42; có giọng báo cáo khẩn cấp, nhiều "tăng" T-54 địch xuất hiện ngay ở cổng chính và phiá Bắc Trại. M-72 của quân bạn bắn tới tấp mà không ngăn cản nổi...
Qua hệ thống siêu tần số, liên lạc với Quân Đoàn, lúc ấy là 6 giờ kém 5 phút, sáng thứ hai ngày 24 tháng 4 năm 1972, Đại Tá Hùng gặp được ngay Đại Tá Lê Quang Bình, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II:
- "Tăng" địch đã xuất hiện ở ngay cổng trại Tân Cảnh. Anh cho Không Quân lên ngay. Tôi chấm dứt liên lạc với anh từ nay... Chào...
Và chỉ nghe tiếng "chao ôi" của người bạn cũ trong máy!!!
- Trình Đại Tá Tư Lệnh, có gì thì cũng đến 7g00 sáng mới "nổ" lớn!
- Kaplan đâu? Đại Tá Đạt hỏi
- Họ rút rồi!
- Khi nào?
- Lúc nãy, cách đây vài phút (!?)...
Nhận thấy tình hình vô vọng, Cố Vấn (CV) Kaplan, CV Trưởng Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đã liên lạc khẩn cấp yêu cầu CV Truởng Quân Đoàn II, John P. Vann, bay lên cứu ông và toán CV Mỹ!. Khoảng 4:00 giờ sáng, John P. Văn lái trực thăng trinh sát đặc biệt OH-58KIOWA, loại mới nhất của Không Quân Mỹ, đáp xuống một bãi đáp rất hẹp, bên cạnh bãi mìn để bốc Kaplan....
Trung Đoàn 47 báo cáo, bộ chỉ huy Trung Đoàn đang bị địch tấn công mạnh, giọng của Trung Đoàn Trưởng 47, mới vừa lên trong máy, đã tắc nghẹn! Như vậy, cánh quân của 47 từ sân bay Phượng Hoàng... không về đến Tân Cảnh được nữa... Mất liên lạc với 47 luôn!
Vậy quân trú phòng bảo vệ cho Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Sư Đoàn đã ra sao? Phải chăng là địch đã lần hồi chiếm được phòng tuyến Đông của trại rồi? Nghĩa là nay Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật... chỉ còn vỏn vẹn nhân viên Bộ Chỉ Huy mà thôi. Sắp đến lúc phải "tự lực cánh sinh". Lúc này khoảng 14g00...
Sau cặp kính "nhốp" trắng, đôi mắt ông Tư Lệnh long lanh... trông buồn quá, nhưng vẫn hùng dũng...
- "Râu" à! Dù ông "Alpha" (Tư Lệnh Quân Đoàn II) hứa cố gắng đem trực thăng đến cứu anh em mình; nhưng khó mà đáp xuống được trong tình hình này! Hãy tính cách mà thoát ra bằng đường bộ thì có hy vọng hơn?
... Phải chăng đây là giờ hấp hối của chúng tôi?
- Không! không thể được! phải làm một cái gì để mà thoát.
Bộ Tham Mưu nhanh chóng hội ý:
- Nên rút hết ra ngoài! Thế giặc đang mạnh! Ra ngoài mà chiến đấu! Biết đâu được việc hơn? ... Xin Quân Đoàn cho thêm vài phi tuần nữa, thả bom phá vở hệ thống mìn của trại, rồi mở đường máu mà ra... Nên mở đường máu ra! Ra ngoài, thoát vào rừng, có nhiều may mắn hơn là chịu kẹt ở trong này...
Sau phút suy tư, ông Tư Lệnh quyết định:
- OK! Mở đường máu ra!
Lúc này khoảng hơn 15:00 giờ!
Điểm hẹn Diên Bình!


Còn...mất... trong đường tơ kẻ tóc.

- Xung phong! xung phong!
"Hùng Râu" quạt liền cả băng đạn colt vào hướng giặc... Tiếng súng M-16, AK-47, Trung liên của đôi bên nổ dòn... hổn loạn... "Hùng Râu" và vài quân nhân chạy lúp xúp theo đường mương, cạnh Tỉnh Lộ 512, đường đi lên sân bay... Ầm! ầm! ...
- "Râu"! nằm xuống đã!
"Hùng Râu" vừa vội nằm xuống... thì một quả đạn... bay vút ngay trên đầu, rớt xuống và cày nát đám đất gần đấy...
Nhìn lại thấy Tư Lệnh Đạt, Trung Úy Tùy Viên Tiến, Trung Sĩ Thọ và hai cận vệ khác, đang nằm dài trong một cái hố tròn, rộng, bên vệ đường...
- Can gì không?... can gì không? ... "Râu"?
Đại Tá Đạt hỏi khẻ, khi thấy tôi nằm xuống! Chống tay trái, mà nhăn mặt, có vẻ đau đớn!
- Nhẹ thôi! có lẽ khi nãy, bị một hoặc hai mảnh nhỏ 82 ly gì đó trên khủy tay trái... 
- Cậu tính sao? Anh em thoát ra hết cả rồi!
- Tôi thấy có môt số chạy xuống hướng kho đạn, một số tiến lên sân bay L-19.
- Khoan đã ông ơi! Tạm dừng đây, xem tình hình đã. ..."Hùng Râu" trả lời: Khoan, đừng gấp! Tư Lệnh ơi!
- Ở hướng Bắc và Đông, có nhiều lùm cây. Các hướng khác trống quá! Lát nữa, lúc bớt pháo, mình "dzọt" qua bên đó, tôi sẽ đi! Ông tính sao?
- Thôi! tôi "dzọt" trước, chứ ở đây lạnh lắm!
Rồi ông Tư Lệnh gọi khẽ:
- Tiến, Thọ! theo tao! ...
Và cả hai người cận vệ kia ... cùng theo luôn ba thầy trò ông Tư Lệnh... Tôi ở lại vị trí một mình.
Lát sau, tôi đành men theo bờ mương của Tỉnh Lộ 512, và cùng đi theo vài quân nhân đi đàng trước... Trước mặt, xa hơn một chút, Đại Tá Đạt đang cẩn thận tiến... Trung Úy Tiến lúp xúp đi trước, Đại Tá Đạt đi giữa, Trung Sĩ Thọ đi sau. Không thấy hai cận vệ khi nãy nữa? Chắc họ "dzọt" hướng khác rồi!
Đạt Tá Đạt lúp xúp lên dốc... cái dốc dẫn đến sân bay L-19... Và lúc ấy, súng nổ vang... Các lùm cây, rặng cây ở hướng Đông mà tôi dự trù sẽ ẩn vào đó... các lùm cây ấy... bỗng đứng dậy! và chạy nhanh về hướng mà thành phần Bộ Chỉ Huy mới thoát về phía trước... Tôi liếc nhanh đồng hồ 17g45... gặp ngay một bụi cây... tôi liền chui vào... và may mắn nhất, dưới lùm cây này,,, có môt cái hố thiên nhiên. Có lẽ do nước chảy xoáy theo đường mương, tạo thành... Tiếng súng nổ vang... nổ dòn khá lâu...
Mưa... mưa...mưa to quá... Đúng 19g00... Trời đã tối hẳn. Tốt, chuẩn bị chuồn thôi! Liếc nhìn đồng hồ dạ quang, đúng 20:00 giờ! Bầu trời bổng nhiên sáng choang. Phi cơ "Hỏa Long" đang thả trái sáng hỏa châu, trên bầu trời Tân Cảnh...


Phần Hai: Hoành Sơn Nhất Đái - Vạn Đại Dung Thân - Cô độc lữ hành.
Ngày một (24 tháng 4 năm 1972)
Đồng hồ dạ quang chỉ 21:15 giờ, bò ra khỏi bụi cây, áo quần ướt sũng. Vẫn còn nón sắt, áo giáp, "bi-đông" còn một phần Hennessy! Kiểm soát lại đạn dược... đã xài hết 3 "sạt-gơ" rồi, còn 1 "sạt-gơ" trong súng. Một lát, đã tiến tới quá dốc đưa đến sân bay L-19. Chỗ mà khi chiều hồi 17:45 giờ còn thoáng thấy Tư Lệnh Lê Đức Đạt...
Không còn một ai hết! Yên lặng quá! Mùi máu đâu đây! Máu của bạn hay thù? Phía sau lưng, tiếng nổ ở trại Chu Văn Tiếp vẫn tiếp tục. Kho đạn tiếp tục nổ. Chỉ còn một mình ta thôi! Con đường về Diên Bình xa lắm! Như thế mình cũng cách Tân Cảnh được 5 hay 6 cây số gì rồi!
Ngày hai (25 tháng 4 năm 1972)
Mấy giờ rồi? 5 giờ sáng rồi! Tiến thối lưỡng nan. Đi nữa thì trời sắp sáng rồi! Đây là đâu, cũng chẳng biết nữa? Kiếm một chỗ trú ẩn, rồi tính sau... Đã 06:00 giờ chiều. Qua được một ngày. Bụng đói cồn cào. 10:00 giờ đêm, khởi hành đi thôi! và lặng lẻ như bóng ma, như một Frankenstein! Nhắm theo hướng Bắc và Tây-Bắc mà bước, Trên trời, chùm Đại hùng tinh với ngôi sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Bắc...
02:00 giờ sáng rồi, chắc đúng là cái suối hôm qua. Như vậy không còn xa Phượng Hoàng bao nhiêu nữa. Lại lủi thủi đi nữa! "Cô độc lữ hành....!"
À, cái nhà ga phi cảng cũ của Phượng Hoàng đây rồi. Chỗ mà năm xưa, Thiếu Tướng Linh Quang Viên cùng Đại Tá Hoàng Văn Tỷ Tư Lệnh Phó, đầu năm 1964 thì phải, đã đưa bản doanh chiến thuật Sư Đoàn lên đóng tại đây cả tháng! Tung quân đánh thẳng vào hướng Tây của mật khu Đỗ Xá đó!... Sông Dak Pako! Múc nước đổ đầy "bi đông"... vượt qua cầu bộ hành... Trời mờ mờ sáng, 6 giờ rồi mà sương mù quá cở... Một xác, hai xác, ba xác.... toàn là xác Biệt Động Quân... Thôi "chuồn" gấp!
Mặt trời lên cao. Á! chỗ này có nhiều mây rừng chằng chịt... có thể là một chỗ ẩn núp tốt. Rời Tân Cảnh đã 2 ngày rồi, nhưng đã đói 4 ngày. Vì hôm 23 và 24 chỉ được chút gạo sấy vào bụng vá 1 tô mì gói thôi... Thâm sơn giá lạnh. Trời đất mênh mông. Chả lẽ ta ta phải tuyệt tích oan uổng ở đây? Chết không một lời trăn trối cho vợ con!... Đêm trường thật là vắng tanh. Lạnh... muỗi quá. Có nhắm được phương hướng của dãy Ngok-Kon-Krin để đi lên phía của căn cứ hỏa lực "5" không? ..."Buôn" nào đây? Vào kiếm cái gì ăn đã. Phải dò dẫm thật cẩn thận... chả có ai cả! Mừng quá... thơm, thơm, thơm nhiều quá! cả một rừng thơm. Trời giúp ta rồi. Thôi! không có dao thì thôi. Ta hãy dùng răng mà cắn vỏ thơm vậy! Đau ơi là đau. Cạp vá cắn cho hết vỏ của 10 trái thơm này, toét cha nó cả hai môi. Đau quá! Tuy nhiên chất ngọt của thơm rót vào huyết quản... thật là êm dịu, làm cho tỉnh hẳn người lại. Sống rồi, có thêm sức rồi!
Ngày ba (26 tháng 4 năm 1972)
Hôm nay đã là ngày thứ ba, mà mình đã thoát khỏi Tân Cảnh. Như một con cá sẩy lưới. Khẩn cấp vô cùng!
"Buôn" nào đây? Phải chăng là làng Dak-Rao-Kuan! Nhưng dân làng đi đâu hết rồi? Địch cũng đi qua đây rồi! Chúng đã đập phá hết vật dụng, dụng cụ của dân làng... Tốt quá, tìm được một con dao rừng. À! lại có cả một chiếc áo "chandail" nữa chứ! Quanh "Buôn" này có cả mấy vườn thơm. Lại bẻ, gọt vỏ cả hơn chục trái. Đem theo phòng hờ. Chứ biết còn mấy ngày nữa? Lương khô của ta đây!...
Phành phạch!... Phành phạch! ...
Tiếng trực thăng từ đàng xa vang dội đến. Đồng hồ chỉ 6 giờ 20 sáng. Nhưng trực thăng chỉ xẹt qua đầu rồi đi thẳng luôn! Mình đâu có phương tiện gì liên lạc với họ... Thôi thế là hết rồi! Còn gì hy vọng nữa? Dùng răng cắn lần hồi các mấu chỉ, các cấp hiệu, huy hiệu "Tam Sơn Nhị Hà" (SĐ-22-BB) và bảng tên. Rồi lấy dao róc lần... Lấy chúc bùn bôi lên. Chôn hết vào lòng đất mẹ. Áo giáp, nón sắt nặng quá. Thôi ta cũng giã từ "mi" tại đây nhé! Tháo nhẫn cưới... tháo băng tang - Kỷ niệm ngày cu Huỳnh, đứa con Út mất đó - cất kỷ vào "báp-phơi". kẻo lở mất, thì buồn lắm!
Đêm nay lạnh quá, sao lạnh quá!
Ngày tư (27 tháng 4 năm 1972)
Sáng nay, bừng mắt dậy. Nguy to! sao mặt trời lại mọc ... bên tay phải? Trong đêm, ta đã loay hoay làm sao ... mà lại đi ngược lên hướng Bắc? Lộn xà ngầu cả rồi!
Bụng đói cồn cào. Thơm dự trữ đã hết, không còn gì nữa, trừ "bi đông" nước...
- Chết cha rồi! Toàn là hầm hố chằng chịt. Có cả dây điện thoại nữa? Ta đã lọt vào vị trí đóng quân của địch rồi...Chà! có nhiều nhà tranh quá! Kho tàng gì của địch đây? Toàn là lúa. Chỗ nào cũng là lúa. Im phăng phắc. Thôi "bỏ đi Tám", chuồn gấp!
Cứ ngày nghỉ, đêm đi, trong giá lạnh và đói rét... Mưa vẫn rơi, mỗi lúc một nặng hột hơn... Đây là đâu? Ta đã lạc hướng rồi! Tính nhẩm hôm nay đã sang ngày thứ sáu gì rồi!
Cần phải định hướng, tìm ngay chỗ nào có suối nước, mới sống được? Nhịn đói có thể chịu đựng ít lâu nữa được... Nhưng không có nước thì xỉu, chóng chết lắm!

Gặp Ân Nhân
Soạt! giật mình, hoảng hốt! Nguy tai rồi, cái gì sau rặng tre? Lố nhố... khá nhiều người Thượng. Đồng bào của Paul-Nưr (bạn) hay của Y-Jon (địch) đây? Cả thẩy là 11 người. Trước hết là một lão ông, tuy tuổi đã cao, nhưng còn quắc thước. Trên lưng, gùi 1 chiếc va-li, ở trần, mặc 1 quần xà lỏn đã bạc màu. Kế đến là 2 lão bà, một bà cụ thì ở trần, bà kia kia mặc áo. Rồi là 2 thiếu nữ hay thiếu phụ gì đó, khoảng trên dưới 25 tuổi. Và 6 đứa trẻ nít, đứa lớn nhất khỏng 10 tuổi và nhỏ nhất là 1 bé đang được bế trên tay, tất cả là 4 trai và 2 gái...
Tập trung vốn liếng thổ ngữ Djarai, pha lẫn tiếng Việt, hai bên Kinh-Thượng nói chuyện với nhau khá lâu... Tôi mới biết đây là hai gia đình hàng xóm, ở gần Tân Cảnh. Đã tản cư được mấy hôm rồi. Chớp được yếu tố đó, tôi khuyên họ hãy cùng tôi xuôi về Nam, để tìm nơi an toàn tạm trú lánh nạn... Họ đồng ý là cùng nhau xuôi làng Kon-Haring.
Tôi ra dấu đói bụng. Họ bẻ cho một phần củ mì, ra dấu cho tôi ăn. Củ mì sống, làm sao mà nuốt? Thôi đành nhai ngấu nghiến. Ngòn ngọt, đăng đắng thế nào đấy? Và nuốt ực với nước.
Rồi cả đoàn người, dọc theo sông Dak-Pako, xuôi về Nam. Đoàn tổng cộng 12 người. Đi mãi, đi mãi cho đến khi trời tối hẳn; Đoàn người mới dừng chân nghỉ. Vẫn bên cánh sông Dak-Poko... Chưa tới Kontum được. Mà cũng chưa xa Tân Cảnh bao nhiêu. Cả đoàn người dừng lại, nấu ăn. Cơm chín rồi! Cơm! Hoan hô! Nồi cơm mì cũng chín rồi... Lão ông tên là K'O, còn người con gái, chồng là lính Địa Phương Quân Tân Cảnh đã tử trận năm ngoái, tên là Ch'le; Goá phụ kia, con của lão bà, tên là Kung.
Mười một ngày đi qua rồi, có lẽ đây là buổi cơm ngon nhất trong đời tôi... chỉ một nắm cơm nóng, ăn bốc, vài hột muối sống và một phần ba trái ớt cay, chia cho nhau... Nhưng sao mà ngon dữ vậy!
Ăn xong, mọi người nằm xoài ra mà ngủ đêm thôi.. Thấy bà cụ K'O vẫn ở trần, tôi liền trao ngay chiếc áo "chandail" màu nâu tặng bà cụ cho đỡ lạnh. Cụ mừng lắm! goá phụ Ch'le liền đưa cho tôi mượn một chiếc "liner-poncho" để quấn vào người mà ngủ.
Ngày bảy (30 tháng 4 năm 1972)
Sáng nay, đoàn người tiếp tục đi về phía Nam. Vẫn chưa vượt sông Dak-Poko được...
À! chỗ này chắc đã xảy ra một trận ác chiến giữa Thiên Thần Mũ Đỏ và địch? Rải rác một vài áo giáp, một vài nón sắt, một vài nón rừng... lẫn lộn với vài đôi dép râu "Bình-Trị-Thiên", vài nón cối bọc vải nhựa của cộng sản... chỗ này một cây M-16, chỗ kia một khẩu AK-47 đã gãy ngang...
Đến chiều, khi dừng chân tại một ngọn đồi hoang vu, Ch'le mới cho biết rằng ở buôn Kon-Kotu, dân làng đã bị giặc lùa đi hết. Cụ K'O đã lần mò vào đó, tí nữa bị lính cộng sản bắt giữ. Khi thấy cộng sản đang tập trung dân làng ở nhà "rông" để cán bộ Thượng cộng nói chuyện, cụ K'O đã nhanh chân đánh bài tẩu mã...
Thế là hướng Kon-Kotu đã bị nghẽn rồi! Không thể tiếp tục xuôi Nam, mà phải tìm đường khác để tránh lính cộng sản...
Ngày tám (1 tháng 5 năm 1972)
Đã trở lại dòng sông Dak-Poko rồi. Nước chảy xoáy và hơi sâu. Không bơi qua được, nhất là có 6 đứa con nít... May sao, cụ K'O đi lục soát một hồi, tìm được một chiếc thuyền gỗ độc mộc; tuy đã bị lủng một vài lổ. Nhưng xài tạm đuợc. Hãy tìm cách bít các lổ thủng lại!
Đoàn người lần lượt qua sông. Thật là vất vả, kẻ trước người sau, nắm tay nhau giây chuyền. Cứ mấy lần liên tiếp, suýt bị nước cuốn trôi. Cuối cùng cũng qua được hết. Mệt ơi là mệt. Kìa! kìa! Đàng trước kia, có một đoàn người! Thượng có, cộng sản có! Đông quá! Súng AK có, mã tấu có, lại có cả hai khẩu trung liên nữa...May quá, gió thổi ngược từ hướng Đông, nên giặc không phát giác được...
Bà cụ K'O có vẻ bằng lòng khi thấy tôi lần hồi giống hình dáng của một người Thượng; đầu bù, tóc rối, da mỗi ngày một sạm đen hơn; áo quần tả tơi, mang vớ thay vì đi giày. Thật không còn thể thống gì nữa... May chỉ còn khẩu Colt với 2 viên đạn, nhét bên hông trái, áo phủ choàng lên... Lại lên đường!
Đồng bào Thượng, họ khỏe thật. Giờ nào cũng di chuyển được, cứ ba bốn tiếng đồng hồ, lại nghỉ 15 phút, rồi tiếp tực đi. Không chút than van.
Ngày mười (3 tháng 5 năm 1972)
Sáng nay sương mù quá. Ngày nay chắc sẽ nóng như thiêu đốt. Nhờ trận mưa to, trong đêm, đỡ quá! Các "bình đông" đã đầy nước... Lại tiếp tục đi... Đến Kon-Horing. Trong "buôn" có đồng bào Thượng đi ra... Cụ K'O tiến đến nói chuyện líu lo, mình chẳng nghe rõ được gì cả! Không biết họ có đi báo cáo cho cộng sản đang chiếm đóng trong Kon-Horing không?
Và có 2 vợ chồng đi ra, người chồng là lính Tiểu Đoàn 3/42 cho tôi biết là có một số quân nhân của ta đang bị cộng sản bắt giữ làm tù binh, kể cả Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng 3/42. Đang ngồi trong nhà "rông" của "buôn làng"...
Ngày mười hai (5 tháng 5 năm 1972)
Đoàn người lại tiếp tục ra đi... Nơi dự trù đến là làng Kon-Trang. Đi được nhiêu! Hay bấy nhiêu!... Khuya nay, ướt hết. Một trận mưa to đã đánh thức mọi người dậy! Ngủ gà! ngủ gật! Được phút nào hay phút ấy! Giật mình thức dậy. Đồng hồ dạ quang đã chỉ 4 giờ sáng rồi. Mọi người lại lên đường. Cụ K'O mò mẫm bước trước, mọi người âm thầm theo sau... 
Ầm ầm! Ầm! Ầm! ....
Chết rồi! Dường như B-52! Đúng là B-52 rồi! Thả ở đâu mà ta có cảm giác như là gần lắm! Nằm im như thế này thật là "lảng". Cả đoàn cứ "thấp thỏm" sợ bom ném đến nơi... 
Sáng rồi! Đoàn người lại lên đường. Trước mặt Quốc Lộ 14 hiện lên, nhưng không thể nào nhận xét là khoảng đường nào? Lại tiếp tục đi. Khi mọi người đến một xóm làng, thì chung quanh hoang tàn quá. Dak-Brong ơi! Buồn tênh và vắng teo. Nhà cửa cháy rụi. Chỉ còn một tấm bảng nền trắng, chữ xanh ghi "Nhà Thờ Dak Brong"
- Yuan! (giặc)
Bổng nhiên cụ K'O ra dấu im lặng và nói khẻ, rồi chỉ lui về phiá tay phải, hướng trên Quốc Lộ 14. Hú viá! Phúc đức quá! Nếu hồi nãy, cụ K'O không kịp ghì tay ta lại, thì chuyến này chắc chết hết. Trên dốc đổ xuống, một đám cộng sản vũ khí đầy đủ, khoảng 50 tên, đi ngược về phía Bắc....
Cơm trưa xong, lại tiếp tục lên đường. Vẫn đi bên triền Đông của Quốc Lộ 14.
Tối nay lại được dừng chân bên khe nước. Tối nay ngủ thật ngon... Đến 3 giờ sáng, mọi người lục đục thức dậy và lên đường đi cho mãi đến 8 giờ sáng, thì cụ K'O chỉ về hướng đàng trước, phiá tay mặt và nói:
- Võ Định!
Đi thật lậu! đi thật lâu, và thật là mỏi chân. Mặt trời đã lên cao. Thỉnh thoảng có nghe tiếng L-19 bay trên đầu, có tiếng trực thăng phành phạch...
Chiều xuống dần... Đã bắt đầu hoàng hôn...
Ngô Trang! Ngô Trang! Đúng là đồn Ngô Trang trước mắt ta rồi. Nhưng sao hoang vắng thế? Đại Đội Địa Phương Quân đã rút bỏ?! Như vậy ta chỉ còn cách thị xã Kontum độ 10 cây số thôi! Không biết tình hình Kontum ra sao? Đói... khát... bé con lại khóc... Một hai trẻ nhỏ bị sốt đã hai ba hôm rồi! Làm nhớ đến các con mình ở nhà... đoàn người lại lầm lủi đi!

Lại một lần nữa... suýt vinh thăng nằm...
Đoàn người tiếp tục đi. Kẻ trước người sau, níu áo nhau mà bước, vì trăng soi mờ mờ. Trong rừng chỉ thấp thoáng thấy hình nhau thôi... Ra đến mem Quốc Lộ 14, mình cản họ không nên đi trên đường, sẽ bị địch đóng chốt chặn bắt, nhưng bây giờ họ trong tình trạng thất vọng và nản chí quá rồi. Họ liều mạng, không kể gì nguy hiểm nữa. Mình đành phải nối đuôi đi theo họ thôi...
Tôi lẻo đẻo đi sau cùng hết. Hai vai nặng chĩu vì mỏi mệt, vì đói... Lại băng qua một hàng kẽm gai "concertina" giăng trên mặt đường... Rồi một hàng kẽm gai khác! Kẽm gai đầu mà nhiều thế? Phúc đức là nãy giờ vẫn qua lọt hết... Khi mọi người chuẩn bị lên một cái dốc dài... thì ... tôi bỗng nghe tiếng "soạt" bên phải, rồi một cục đá được ném ra đường! Địch à? Chết cha rồi! Địch phục kích? Tôi khẽ la lên một tiếng nhỏ, đủ nghe: 
- Yuan! (giặc)
Và ầm!...ầm!...ầm!... nổ liên tiếp sau đó... Tôi cảm thấy có máu chảy từ cánh tay trái. Máu! Từ trong cơ thể tuông ra... Tôi nằm sấp ngay tại chỗ, và ... đụng nhầm Ch'le với đứa con trai. Cả hai mẹ con run cầm cập! Đủ loại vũ khí thay nhau nổ! Tiếng súng rền vang, như xé cả tai, tung cả óc! Hỏa châu sáng rực một góc trời. Mùi thuốc súng mịt mù khét lẹt... Hồi hộp! Khẩn trương! Nghẹt thở!... Máu tiếp tục chảy! Chịu đựng như thế này... được bao nhiêu nữa nhỉ!? Tai bên trái đã điếc mấy ngày rồi. Tay trái bị thương, như vậy là hai lần liên tiếp! Bị thương lần này có vẻ nặng hơn kỳ mở đường máu ra khỏi Tân Cảnh hôm 24 tháng 4 năm 1972; ...Máu chảy nhiều quá.
Giờ phút hãi hùng đã qua! Ta vẫn còn sống? Nhìn đồng hồ dạ quang, chỉ 2 giờ 30 sáng. Tiếng súng im rồi! Hết quả châu rồi!
Rút từ trong túi quần ra gói băng cá nhân. Gói băng này đáng lẽ đã được xử dụng từ chiều 24 tháng 4 năm 1972 khi thoát hiểm ở Tân Cảnh và bị thương bởi các miểng cối 82 ly của địch đó. Gói băng này mà nếu không được giác quan thứ sáu cảng giác, thì nay vào giờ phút bị thương trầm trọng này, còn đâu nữa, để xử dụng "thiết nghi" ... Nghĩ thật hãi hùng...
Thây kệ nữa! Mìn hay "concertina" gì... cũng mặc! "Chuồn" nhanh đi! Kẻo khi mặt trời mọc, thì mọi phản ứng đều không kịp nữa, muộn màng hết rồi! Và... bò... bò... mạo hiểm bò qua "concertina"! Ch'le ôm bé trai... bò theo! Không biết đã lọt qua mấy lần "concertina" nhỉ? Thật là hy hữu! Kể ra, mình cũng học được... nghề đặc công của cộng sản rồi đó... Ch'le! Bò đi! Tôi nói khẻ với Ch'le và lần hồi... kéo Ch'le và bé trai... bò...bò...bò... trên mặt đường nhựa.
Chết cha rồi! Mất mẹ khẩu súng Colt rồi! Chuồn nhanh! Lủi nhanh lên! Chứ sáng đến, giặc nó bắt được, thế nào chúng cũng hành hạ thân xác... 9 người kia, đi thất lạc.. không biết họ chạy hướng nào rồi?
Nha cua nguoi ThuongTừ Tân Cảnh lận lội về đây , cũng đã trên 40 cây số rồi, mà toàn là băng rừng, chứ đâu phải ít?... Đã 5 giờ sáng, Ch'le dậy đi! Phải tìm cách "chuồn" nhanh mới được!.. Bỗng nhiên, khi liếc nhìn ngược lại phiá Bắc, tôi thấy thấp thoáng có vài mái "tôle". OK! hãy chuồn vào "buôn" này đã. Liền rồi, kiếm thức ăn, nước uống... lẩn trốn đến tối, sẽ kiếm cách đi nữa! Cần nhất là phải có nước uống kẻo khát, và đã mất máu nhiều quá rồi! Đây là một làng Thượng Công Giáo. Nhưng chẳng còn gì nguyên vẹn... giặc đã đập phá hết rồi! Hoang tàn! Phải chăng đây là làng Plei-Trum? Không có gí ăn cả! Đi kiếm "cái" nước uống! May mắn gặp được cái giếng nước... uống xong, tôi nói: 
- Thôi đi lên cái nhà sàn này!
Tôi đi trước, xách theo 2 bầu đựng đầy nước uống. Ch'le theo sau, với mấy trái bắp khô... tay ẩm bé trai.
- Ch'le à! Mình nằm trốn ở đây. Tối sẽ đi. Đi bây giờ thì Việt cộng bắn chết... 
Nếu lỡ mình có chấm dứt cuộc đòi hôm nay ở đây, làm sao cho vợ con biết nhỉ?
- Yuan! (giặc)
Ch'le hoảng hốt thốt lên tiếng đó, và tôi chưa kịp phản ứng gì... thì Ch'le đã ẩm con, vụt chạy lén xuống nhà sàn...
- Bắt lấy nó! bắt lấy nó! lục soát!
Chết cha rồi! tuần tiểu của giặc đã đến! Tiếng quát lên là một giọng Nghệ An hay Hà Tỉnh gì đó...Ừ! Tụi nó bao vây nhà sàn này rồi! Đông lắm! Nói giọng thật khó nghe... Hoặc ta nằm im, hết sức giữ im lặng, tối sẽ tẩu thoát. Hoặc lỡ nếu tụi nó có lên nhà sàn này mà lục soát, thì "sư", "cha" nó, không đầu hàng gì cả! Chửi cha nó một mách để nó "phơ" chết cho rồi!
- Nè, một tổ đi lấy nước, một tổ đi vo gạo, xong còn hành quân nữa chứ!
Nghe tiếng được, tiếng mất. Dưới nhà sàn, có hai ba tên gì đó, có vẻ mệt mỏi . Nhưng nói gì, nghe không rõ. Đủ giọng nói, sao lại có giọng Nam nữa nhỉ? Cái gì mà "Gio Linh" nhỉ? À! mà sao không thấy chúng lên lục soát nhỉ? Bây giờ tối đa cũng chỉ 7 hay 8 giờ sáng.
- Đ.M.! Tổ cha nó!
Và một tràng văng tục, từ hướng giếng nước lên. Lạ nhỉ? Bắc Việt mà sao chửi tục thế nhỉ? Bạn hay thù?
- Đ.M.! Sư cha nó! có cái giếng nước mà đ... có "gầu"! Tổ cha nó! làm sao có nước mà nấu cơm?
- Thù... hay ...bạn?
Nếu là bạn, thì đám "KBC" (đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hoà) này là ai? Chắc là bạn rồi! Vì Bắc Việt đâu có xổ tiếng Đức dữ vậy? Phải tìm cách liếc xem. Có phải là bạn không?
Nhè nhẹ... Nhè nhẹ... rút cặp kính "nhốp" mầu, từ túi áo... nhè nhẹ đưa lên mắt. Liếc qua khe hở của tấm liếp! Biệt Động Quân (BĐQ)! Chắc là anh em BĐQ! Liên Đoàn 6 của Bé rồi đấy! Rằn ri nè! Đội nón sắt nè! Xem kỹ, xem thật kỹ đi! May quá, họ đi giày nhà binh hết! Mừng quá! Mừng quá! Lỡ mà chỉ toàn là dép râu Bình-Trị-Thiên thì bỏ mẹ! giặc cộng đó!... Bạn đây rồi! Tim đập thình thịch...
Tôi nhè nhẹ ... nhè nhẹ ngồi dậy... và nhè nhẹ đưa chân... Két! Một thanh gỗ trên sàn nhà có lẽ không được siết kỹ, phát ra tiếng động như vậy... Từ ngoài, một hìng bóng lao vào, tay trên có súng...
- Khoan, đừng bắn!
- Anh là ai? "Dơ" tay lên!
- Đừng bắn, tôi là bạn đây!
Liếc nhìn một lần nữa, đúng rồi! Biệt Động Quân của mình rồi!
- Biệt Động Quân hả? Liên Đoàn 6 phải không?
- Phải!
Mừng quá mừng! Không tả cho xiết được. Nước mắt từ đâu nhè nhẹ trào ra. Không còn ngòi bút nào diễn tả hết nỗi xức động. Mùng rỡ đến nghẹn ngào!
- Tôi là bạn đây! Tôi thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đây!
- Anh là ai? Trung Đoàn nào?
- Tôi thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn... để tôi lấy thẻ sĩ quan cho các bạn xem!
- Không! đưa tay lên! đứng yên!
- Khoan, anh em xem kỹ. Tôi đang bị thương! Cứ nhìn tay trái tôi thì rõ. Máu ra nhiều rồi!
- Đúng! Biệt Động Quân này, chuyên môn đánh mìn cơ giới mà!
- Phải! và mìn đó đã nổ hồi đêm, làm tay trái tôi bị thương...
Vừa giải thích, bình tỉnh giải thích, tôi lần mò túi áo, lấy "bốp phơi", lấy thẻ sĩ quan ra, trao cho họ...
- Trời! Đại Tá!
- Đại Tá! Đại Tá!
- Cám ơn anh em. Liên lạc với đơn vị đi, và cho tôi xin một điếu thuóc lá... Cám ơn anh!
Trong khi một hiệu thính viên liên lạc máy PRC-25 về Đại Đội, tôi hàn huyên với các Biệt Động Quân, hút và rít những hơi thuốc lá ngon lạ lùng!...
- Dạ, Đại Tá thế là may mắn lắm!
- Sao vậy?
- Nếu Đại Tá về sớm hơn, chỉ chiều hôm qua thôi, ... là tiêu rồi!
- Ủa! Sao vậy?
- Hai, ba hôm trước, tụi Việt cộng nó đánh vào tận Nghỉa Trang Quân Đội, mình phải dội bom quá cỡ, có cả B-52 nữa!
Ừ! Phải rồi! Hôm mình bị điếc tai trái đó!
- Dạ, mời Đại Tá theo em về Đại Đội, sẽ có xe Jeep trên Tiểu Đoàn đến đón, đưa Đại Tá về Kontum, để gặp các thẩm quyền. Sau đó có trực thăng đua về Pleiku ngay...
- À! Hôm nay là mấy tây rồi nhỉ?
- Thưa Đại Tá, mồng 9 tháng 5 tây!
- Tính nhẩm, cũng đã mười sáu ngày qua!


Phần Ba: Thay Lời Kết


Tháng 10 năm 1972: Đại Tá Tôn Thất Hùng chụp chung với gia đình cụ K'O ân nhân, tại Trung Tâm Tỵ-Nạn Pleiku, gồm có cụ K'O, Bà cụ K'O, goá-    phụ CH'LE (con của ông bà K'O) và 3 con trai của CH'LE
 
Ngày 10 tháng 10 năm 1972, qua sự tìm kiếm của văn phòng Bộ Phát Triển Sắc Tộc của ông Paul Nưr, Đại Tá Tôn Thất Hùng đã thăm gặp đuợc gia đình cụ K'O, ân nhân, tại Trung Tâm Tỵ Nạn Pleiku. Đại Tá Hùng đã đem tặng một số tiền bạc và lượng vàng y - như đã hứa - cùng thêm 2 thùng quần áo cũ, với thuốc lá, thực phẩm, ống vố hút thuốc, mền mùng v...v... Nhân dịp này, Đại Tá Hùng cũng được cụ K'O kể thêm là bà mẹ của Kung, đã chết hôm mìn nổ khuya mồng 9 tháng 5, trong khi Đại Tá Hùng thì bị thương ở tay...
Bức hình của Đại Tá Hùng chụp chung với gia đình cụ K'O ở Trung Tâm Tỵ Nạn Pleiku hôm đó, đã được báo chí Quốc Nội và Quốc Ngoại đăng tải rộng rãi để đề cao hành động "Phò Nguy Tế Khổn" của một gia đình người Thượng đã có công với các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một hành động can đảm đáng ca ngợi của gia đình cụ K'O tiêu biểu cho đồng bào Thượng vùng Cao Nguyên luôn muốn thoát xa bọn cộng sản độc tài, khát máu...

"Trọn một đời sống trong quân ngũ mà có một việc tôi không tài nào hiểu được đó là sức chịu đựng và tánh kiên trì của người lính Bộ Binh! Anh ta tiến lên chiến tuyến hay từ chiến tuyến trở lại hậu cứ, thì mỗi ngày, hai mươi bốn giờ, giờ phút nào, anh cũng có thể hẹn với tử thần cả! 
Nếu anh chưa gẫy gập xuống
Quả là một phép lạ!..."

Tướng Mac Arthur


Viết xong ngày 1 tháng 10 năm 2004
Mũ Xanh Sài-Gòn
Iowa City, IOWA - USA


http://www.tqlcvn.org/tqlc/hk-vetu-tancanh.htm

No comments:

Post a Comment