Friday, December 20, 2013

Chữ nghĩa vi-xi - Trần Văn Giang


Lời giới thiệu:
( HNPĐ )Dưới đây là phần tóm lược bài nói chuyện của Trần Văn Giang trong buổi ra mắt cuốn sách "Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ" vào 2 giờ chiều ngày Chủ nhật 12/15/2013 tại Thư Viện Việt Nam - Little Saigon, thành phố Westminster, California - USA

Kính thưa quý vị, kính thưa quý Thầy Cô.

Đây là một vinh dự lớn cho cá nhân tôi; bởi vì phần đóng góp của tôi trong cuốn sách nhỏ được ra mắt hôm nay kể ra cũng rất nhỏ - Chỉ vọn vẹn trong khuôn khổ 1 bài tham khảo nhằm đem lại một số chữ thông dụng đã có sẵn để quý vị đối chiếu mà tùy ý lựa chọn sử dụng; hoàn toàn không có mục đích chỉ dẫn gì về cách viết của các chữ sao cho chuẩn như tựa cuốn sách đề nghị.


Đời sống biến chuyển và thay đổi theo văn minh nhân loại. Ngôn ngữ cũng dần dần tự nó tìm cách thay đổi theo cho phù hợp. Những chữ gắn liền với lối sống cũ không còn thích hợp sẽ ít hoặc không được sử dụng. Nhiều người còn cho là những chữ (ít sử dụng) này rồi sẽ bị biến mất.

Trong ngôn ngữ, sự thay đổi là cần thiết. Thay đổi để làm cho chữ nghĩa linh động và phong phú hơn. Nhưng thực tế cho thấy trường hợp Việt ngữ (văn chương chữ nghiã Việt) từ sau 1975, riêng ở miền Bắc thì phải nói rõ hơn là từ sau ngày cộng sản cướp chính quyền – tháng 8 năm 1945, đến nay, không thay đổi theo cái chiều hướng tốt và đẹp đó. Phải nói mỗi lúc một tệ hại hơn. Sau 1975 những chữ nghĩa quái lạ đã thấy xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc lan tràn vào miền Nam; và bây giờ lan tràn ra hải ngoại.

Bây giờ, ở trong nước Việt Nam, đối với những người nông dân ít học thì không nói làm gì; ngay cả 600-700 tờ báo in, bao nhiêu diễn đàn, đài phát thanh, đài truyền hình... đều đồng loạt sử dụng thứ chữ nghiã quái đản, kỳ cục, ngây ngô, buồn cười mà người ta còn gọi là văn hoá Đồ Đểu. Thiệt tình! CS đi tới đâu là băng hoại, là phá hủy tàn hại đến đó: từ tâm linh, tình cảm, văn học, tình người... Tất cả những cái tốt, cái đẹp, cái lịch thiệp, hòa nhã dường như đã mất hết sạch. Cộng sản Việt Nam rất thích “tự sướng” về cái mục “phá kỷ lục”; nhưng họ quên ghi lại thành tích là chỉ trong một thời gian ngắn (kỷ lục) 38 năm (kể từ 1975) họ đã hoàn toàn hủy hoại một nền văn hóa mà tổ tiên ta khổ công gầy dựng trên 4000 năm (!)


Nhìn lại một số chữ tiêu biểu của loại văn chương vi-xi này:

1- Thay chữ Hán Việt

- Hán Việt thay cho Hán Việt với nghĩa xa lạ khác (Khả năng, Triều cường, Hoàn cảnh, …)

- Hán Việt thay bằng nửa Hán nửa Nôm không giống con giáp nào (Nữ nhà báo, Lính Thủy đánh Bộ, Tốp ca…)

- Thay chữ Hán bằng chữ Nôm nghe rất buồn cười (Tài xế -> lái xe, Hợp ca -> Tốp ca…)

2- Thay chữ Nôm

- Đảo lộn chữ một cách ngây ngô, không cần thiết mà không đổi nghĩa. (Loại này rất nhiều: Đảm bảo, triển khai, giản đơn, nhóm trưởng, lớp trưởng, kiếm tìm…)

- Thay chữ cũng rất ngây ngô, không cần thiết mà không đổi nghĩa gì cả (dạy học -> đứng lớp…)

3- Làm chữ mới:

- Những chữ dung tục, xấu xí được đem dùng rộng rãi (xưởng đẻ, nhà ỉa…)

- Dùng ngoại ngữ phiên âm cẩu thả, tùy hứng, không có quy luật gì cả (Ốt-tra-lia – Nước Úc / Australia; Cu-dơ bê – Coos Bay, vịnh Coos ở Tiểu bang Oregon USA…)

- Ghép Hán Nôm một cách kỳ lạ (siêu sao, siêu rẻ, siêu lạ…)

- Ghép Hán Việt với Hán Việt vô tiền khoáng hậu (Siêu mẫu, Kích cầu, Giao hợp…)

- Chữ mới vô nghĩa nghe rất nhức nhối (Sự cố, Bức xúc…)

Sau đây, tôi xin nhắc lại một vài nhận định đáng lưu tâm với những lời giải thích khá đầy đủ chi tiết về sự thoái hóa của chữ Việt từ một số tác giả tiêu biểu theo các mốc thời gian:

Ở trong nước, có ông Chu Đậu, vào cuối năm 2005, trong bài “Nỗi buồn Tiếng Việt” đã phân tách rất tỉ mỉ sự sử dụng rất sai lầm của 42 chữ Việt và 11 chữ ngoại ngữ thông dụng đã được dịch ra chữ Việt rất ngớ ngẩn ở trong nước Việt Nam.

Ở hải ngoại, Ông Đào Văn Bình, năm 2013 trong bài “Có nên dùng ngôn ngữ của VC?” nối tiếp theo chân ông Đào Văn Bình đã phân tích 55 chữ rời và một số câu văn ông cho là tối nghĩa mà một số báo in, báo điện tử, truyền thanh và truyền hình trong cũng như ngoài nước đang sử dụng.

Trường hợp của tôi, vào khoảng đầu năm 2007, sau khi đọc bài “Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn Cũ” của Bà Trịnh Thanh Thủy viết vào cuối năm 2006 thì tôi đã viết bài “Bảng đối chiếu Từ ngữ” (bài này được dùng làm tài liệu tham khảo - ở trang 169 - trong cuốn sách ra mắt với quý vị hôm nay), trong đó tôi mở đầu bài viết với một nhận định là không đồng ý với bà Trịnh Thanh Thủy về việc “Tiếng Sài Gòn sẽ chết.” Qua bài này, tuy còn rất phiến diện, tôi sưu tập khoảng trên 300 chữ thông dụng trước và sau 1975 để đọc giả tùy ý lựa chọn và sử dụng cho chữ Việt khi viết cũng như khi nói được đơn giản, sáng sủa hơn; để tránh các hiểu lầm không cần thiết về lập trường chính trị của mình (từ những người bị dị ứng với chữ vi-xi!).

Ngoài ra còn có một số tác giả khác (như Diệu Tần, Tâm Thanh, Triều Giang…) cũng cùng lên tiếng, phân tách rất chi tiết về vấn đề thoái hóa này nhưng vì giới hạn thời gian của mỗi diễn giả trong buổi ra mắt sách này, tôi không thể liệt kê ra hết cho trọn vẹn, đầy đủ…

Xin thành thật cám ơn sự hiện diện và lưu tâm của quý vị ngày hôm nay. Vì tiền đồ của đất nước, xin rất mong mỗi người trong chúng ta cố gắng đóng góp một chút ít cho tương lai và sự trong sáng của Tiếng Việt.


Trần Văn Giang
Orange County
12/15/2013

Nguồn: Hải Ngoại Phiếm Đàm

No comments:

Post a Comment