Trong ngày họp mặt truyền thống 2013 tại nam CA, quý Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền đều mong muốn gặp lại Thầy Lê Quý Thể sau một thời gian dài vắng bóng. Thầy Lê Quý Thể, giáo sư Lý Hóa Đệ Nhị cấp của trường trung học Ngô Quyền từ năm 1967 đến 1975, là một người Thầy luôn được đồng nghiệp, môn sinh quý mến và kính trọng. Nhưng rất tiếc vào giờ chót, Thầy Lê Quý Thể không đến được, để mọi người mang nỗi buồn thất vọng... Chắc hẵn, hôm nay không một ai tránh được sự bồi hồi, cảm xúc khi đọc lời tựa “GẶP LẠI THẦY LÊ QUÝ THỂ”
Dù chưa đạt sự mong ước, nhưng các bạn trong ban chấp hành hội cựu học sinh Ngô Quyền vẫn quyết tâm muốn gặp Thầy, trước là tận mặt sau là giữ niềm tin của quý Thầy Cô và anh chị cựu học sinh đã dành cho ban chấp hành đương nhiệm. Ước mong và chờ đợi... sau cùng cũng nhận tin vui, thầy Lê Quý Thể nhận lời đến với chúng tôi vào chiều thứ bảy 8/17/2013.
Vì không chắc chắn, nên BCH không dám mời quý Thầy Cô ở gần đến tham dự. Giờ hẹn là 6 giờ chiều tại nhà hàng cá nướng Hồng Ân, chúng tôi cùng nhắc nhở nhau đến sớm đón Thầy. Thời gian qua khá lâu Thầy Lê Quý Thể giờ chắc cũng nhiều thay đổi, không chắc gì những đứa học trò ngày xưa nhận được Thầy. Bằng sự nôn nóng tôi đã đến nhà hàng lúc 5 giờ 30 chờ mãi đến 5 giờ 50 vẫn chưa thấy bóng dáng ai quen thuộc, tôi bước vào nhà hàng nhìn quanh, rồi bước vội ra ngoài cố tìm bóng dạng thân quen, rão bước trên bãi đậu xe đôi mắt vẫn dán chặt khi từng chiếc xe đậu lại. Bước chân tôi đi xa hơn vì muốn có sự bất ngờ dù rằng cũng hơi thất vọng, quanh tôi cũng vang lên đâu đó những tiếng cười, những lời chào nhau gặp mặt và chia tay của bao thực khách vào ngày cuối tuần.
Từng chiếc xe vượt qua, dăm ba chiếc xe ngừng lại cũng chưa tìm được khuôn mặt thân quen. Tự nhủ “Hay là ông Thầy cho mình leo cây”. Tôi nhìn lại đồng hồ qua cell phone 6:06, chiếc xe SUV với tốc độ chậm từ từ dừng lại, bằng sự linh tính tôi đưa máy ảnh và chụp tấm hình, khi nhìn kỷ lại khuôn mặt của người trên xe bước xuống tôi thốt lên hai tiếng “Chào Thầy” và tự động ôm lấy thầy trong tình cảm xúc động tự nhiên, may không có người xung quanh nếu không chắc đã có cái nhìn khác lạ cho hai người đàn ông. Tôi vội nhìn xuống chân và hỏi thầy:
T/g Nguyễn Hữu Hạnh (đứng bên trái), G/s Lê Quý Thể (ngồi giữa) và các chs NQ
“Đôi dép Thầy đâu?”. Thầy mỉm cười và trả lời:
"Thầy bỏ ở nhà rồi, không ngờ em còn nhận được Thầy”.
Cái nhớ của tôi là Thầy đi dạy luôn mang đôi dép da và mặc quần tây không túi. Thầy trò nhìn nhau trong cái nhìn sâu thẳm. Tôi và thầy Lê Quý Thể gặp nhau sau 43 năm là như thế đó... Cả một niềm hạnh phúc...
Là người học trò không thuộc dạng học giỏi, không tinh nghịch nên Thầy không nhớ tên, tôi phải nhắc lại từng bước của năm học để khơi lại trí nhớ của Thầy, lớp tôi là năm đầu tiên của dãy mới, chuyển đổi Nhất B2 thành 12B2 cho niên khóa 1969-1970, lớp có 4 bạn nữ theo học Ban B là Nguyễn thị Sáu, Nguyễn thị Mỹ Lộc bàn đầu, Lê Thị Kim Hạnh, Lê Thị Ngọc Lan luôn bới đầu ngồi bàn thứ nhì, Trần Hoàng Ân và tôi bàn thứ ba. Đôi mắt Thầy Lê Quý Thể tựa hồ mơ màng như muốn hồi tưởng lại kỷ niệm ngày xưa, nhưng tiếng chào của chị Ma Thị Ngọc Huệ vừa đển đã kéo Thầy về với thực tại:
“Chào Thầy! Chúng em vẫn ngỡ Thầy không đến”. Bằng nụ cười kín đáo Thầy vui vẻ trả lời:
“Không đến sợ bị đánh đòn”
Chúng tôi cùng bước vào nhà hàng để trả lại sự nóng bức bên ngoài và Mai Trọng Ngãi cũng vừa đến. Khi được biết Ngãi là em của Thầy Mai Kiến Phúc lại càng thêm có sự cảm thông và thân quen, Thầy Thể hỏi thăm sức khỏe thầy Mai Kiến Phúc và gia đình, vì ngày xưa Thầy Thể cùng học chung tiểu học với cô Nguyễn Thị Kim Còn. Thầy Lê Quý Thể cùng anh Mai Trọng Ngãi nhắc nhớ từng căn phố của quý Thầy Cô sau trường Ngô Quyền cũng với nhiều kỷ niệm. Riêng tôi vẫn nhớ lại ngày nào cả hai Thầy Mai Kiến Phúc và Thầy Lê Quý Thể kết hợp nhịp nhàng cùng thầy Lê văn Túy dạy Toán, Thầy Lâm Tấn Văn dạy Vạn Vật đã đem vinh quang về cho trường Ngô Quyền, số lượng học sinh đỗ đạt cao và chiếm lĩnh các trường Đại học Bách khoa và Cao đẳng Sài Gòn.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, thầy Thể được đưa vào trại tù Biên Hòa và B5... 6 tháng vì nắm chức vụ bên Ty giáo dục. Năm 1980, thầy vượt biên sống nhiều năm ở Texas. Học lại và đi làm, thất nghiệp chạy về Nam Californina năm 1990, thầy vẫn thường xuất hiện tại sân tennis và cũng có liên lạc với thầy Kiều Vĩnh Phúc và thầy Nguyễn Phong Cảnh khi còn sống, nhờ vậy mà chị Ngọc Huệ mới còn số phone Thầy trong quyển sổ tay cũ của Thầy Phong Cảnh để liên lạc. Hiện nay, Thầy Thể vẫn còn làm việc toàn thời gian và phải đi làm vào 2 ngày thứ bảy và chủ nhựt cuối tuần. Thầy ngõ lời xin lỗi vì đã thất hứa không đến được trong ngày họp mặt Ngô Quyền.
Thầy Thể hỏi thăm chị Huệ về những bạn đồng nghiệp cùng dạy chung tại Ngô Quyền. Bằng sự lo lắng Thầy Thể tâm sự:
“Tôi nghĩ không ai còn nhận ra tôi, gặp được rồi chắc cũng chán... ”
Nhưng được sự trấn an tinh thần của chị Ngọc Huệ, chúng ta hy vọng còn nhiều dịp gặp mặt thầy:
”Thầy thấy không sau 43 năm Hữu Hạnh vẫn còn nhận ra thầy và Hữu Hạnh cũng là người vui nhất đêm nay “
Không phải chỉ mình tôi, còn biết bao cựu học sinh ở mọi nơi vẫn nhớ đến thầy Lê Quý Thể, như trong bài viết “Nhớ Thầy Lê Quý Thể'' của cựu học sinh Nghiêm Thái Bình
''Cái dáng ông Thầy hao hao gầy, nụ cười hiền từ kèm chiếc răng khểnh, cái đầu hoi hói, mang dép suốt, lưng hơi khom khom, chân trước chân sau khoanh tay theo dõi học trò đang bay nhảy theo quả bóng tròn, lăn theo tôi đến tận bây giờ. Ai mà gần gũi, gắn liền với Thầy như vậy, mà không nhớ mới lạ! Thầy ơi!''
Mai Trọng Ngãi nhanh trí sắp xếp buổi tiệc để chờ đợi các bạn đến sau và dành nhiều thời gian cho Thầy trò tâm sự. Thầy Thể, Ngãi và tôi cùng nâng bia đánh dấu lần đầu gặp lại, ngồi cạnh bên Thầy Thể cùng nâng chai rượu, tôi chợt nhớ lại cũng thời điểm nầy 43 năm về trước, Thầy Lê Quý Thể, Thầy Lê Văn Túy cùng đến với chúng tôi tại quán Thâm Giao gần vườn mít Biên Hòa, trong tiệc mừng chúng tôi đậu Tú Tài II, cũng là lần đầu tiên trong đời Thầy Trò cùng uống rượu, có Giang Hưng, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Tấn Lực, Phạm Ngọc Nhanh và Nguyễn Nhựt Hoành. Thầy trò cùng vui chơi cả đêm và hôm nay Thầy và tôi còn đây, thầy Lê Văn Túy đang ở Ohio, Nguyễn Hữu Đức đang ở Texas, Nguyễn Tấn Lực còn ở Việt Nam, Giang Hưng bặt tăm trên vùng đất Cali nầy, riêng Phạm Ngọc Nhanh và Nguyễn Nhựt Hoành đã đi trước rồi...
Anh Lữ Công Tâm và Nguyễn Thị Tất Ứng vừa đến cùng vui vẻ bắt tay chào Thầy. Nếu gặp Thầy Thể một mình không biết anh chị có nhìn ra không, dù rằng anh Tâm và chị Ứng cũng là học trò theo học môn Hóa học của Thầy Thể. Thầy lẫn trò cùng hòa đồng cười vui nhắc về những kỷ niệm. Tất Ứng không quên nhắc nhở Thầy là Bố Nguyễn Thất Hiệp luôn nhắc đến Thầy Lê Quý Thể
Thầy nhớ lại vào năm 1963, khi Thầy còn dạy trường Châu Văn Tiếp, Bà Rịa, trong lần hướng dẫn đội banh Châu Văn Tiếp lên Biên Hòa giao đấu với trường Ngô Quyền, đội Châu văn Tiếp chọn hành lang trường Ngô Quyền làm nơi qua đêm, vì có sự đụng chạm trên sân cỏ, nên một số học sinh Ngô Quyền đã kéo đến bao vây và một học sinh Ngô Quyền đã cầm dao định tấn công thầy vì thấy thầy quá trẻ nên tưởng là học sinh, may nhờ Cảnh Sát Dã Chiến Biên Hòa được tin trước đến can thiệp, cô lập cả hai phía và đưa xe đến chở đội banh Châu văn Tiếp trở về Bà Rịa an toàn. Báo chí lúc bấy giờ đăng tin và thầy cũng có viết bài tường trình. Nhưng năm 1967, thầy Thể được chuyển về Ngô Quyền và được Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo chỉ định là giáo sư hướng dẫn thể dục thể thao của trường. Lại hướng dẫn đội banh Ngô Quyền xuống Vũng Tàu thi đấu, cũng màn một tập 2 suýt tái diễn. Không biết khóa đàn anh nào có máu giang hồ còn nhớ???
Cô em Ngọc Dung cũng vội vàng chạy đến từ thành phố Torrance sau lễ nhà thờ, anh chị Tô Anh Tuấn và Nguyễn Thị Hiền cũng đến trể sau khi vội vã tiễn đồng đạo. Tiếng chuông nhà thờ, lời kệ câu kinh đã không giữ được bước chân các bạn, để có chung một tấm lòng cùng tìm đến được tận mặt Thầy xưa.
Ngọc Dung tươi cười hớn hở hơn ai hết, vì nhờ có Ngọc Dung thúc đẩy và chị Ngọc Huệ cố gắng trực điện thoại liên lạc mới có ngày gặp mặt với Thầy Lê Quý Thể hôm nay, Dung cũng nhắc đến Thầy Nguyễn văn Lục ở Canada có hỏi thăm tin tức khi nghe tin Thầy Thể sẽ về dự họp mặt NQ vì hai Thầy cùng ở trọ một nhà dạo về BH dạy NQ. Tô Anh Tuấn từ tốn nắm lấy bàn tay của thầy và nhắc về lớp mình Đệ Nhất B3 niên khóa 1968-1969 với tên tuổi những người bạn xuất sắc. Thời gian 44 năm trôi qua, giờ nhìn lại lẫn Thầy và Trò đều không còn như xưa....
Chị Nguyễn thị Hiền bồi hồi xúc động nhìn lại người Thầy của mình, sự cảm xúc ở phái nữ luôn được nhìn rõ nét. Sung sướng biết bao đã là nội, ngoại vẫn còn được sống lại với kỷ niệm trường lớp thời trung học, dù kim đồng hồ không quay ngược được...
Thầy Lê Quý Thể kể lại những ngày khó khăn không còn được đứng trên bục giảng, năm 1980 cũng như mọi người Thầy đã tìm đường vượt biên một lần duy nhất. Lần đó, dù chỉ là tài công bất đắc dĩ, nhưng thầy đã hướng dẫn con tàu bằng kiến thức, kinh nghiệm sử dụng ''la bàn" khi dạy môn Vật Lý và đưa mọi người an toàn đến đảo Bidong trong vòng 3 ngày. Một kỷ niệm khó quên trong đời là khi rời tàu xuống đảo, tiếng nói đầu tiên được nghe là “Thầy” của một học trò cũ trường Châu Văn Tiếp, Bà Rịa. Câu chuyện nầy nghe cũng quen quen, đã được ghi lại trong đặc san Ngô Quyền.
Nhắc lại ngày họp mặt truyền thống 2013, Ngọc Dung diễn đạt những cảm xúc của cựu học sinh khi Thầy không đến, một lần nữa Thầy chỉ biết nói lời “xin lỗi”. Thầy Thể kể lại khi còn ở Việt Nam có dự họp mặt Ngô Quyền với nhóm học sinh đã ra trường khoảng năm 71, 72, ngay ở chính lớp mà ngày xưa trong một buổi tiệc tất niên không hiễu sao thầy đã ra lệnh đập bể chai rượu tại sân cờ khi nhìn thấy chai rượu đặt trên bàn trong lớp học. Và trong buổi họp mặt Ngô Quyền với các cựu học sinh nầy, trên bàn là những bình, chai với những xác trà. Một học sinh nói “Vì thầy cấm tụi em uống rượu nên tụi em đãi tiệc trà hôm nay”. Cuối cùng, Thầy Lê Quý Thể cũng say khước quên đường về với những chai trà nhưng thật sự là rượu của đám học trò ngoan và tinh nghịch.
Anh Lữ Công Tâm tiếp tục trao đổi với Thầy về chuyện trường xưa, về các cô nữ sinh Ngô Quyền xinh đẹp, những anh lính không quân hào hùng, thầy và trò với những câu chuyện đời thường, những hình và bóng đã nhạt nhòa trong ký ức. Để cuộc đời còn lại chỉ là những kỷ niệm của “Người Đi Qua Đời Tôi”. Câu kết luận cuối cùng của thầy để trả lời câu hỏi mà các học trò cứ thắc mắc hoài trong buổi tối gặp gỡ đặc biệt này: "Sao Thầy ''mai danh ẩn tích'' lâu quá không chịu liên lạc với ai vậy Thầy?'' cũng rất đặc biệt và đáng nhớ: “Vì nợ tiền dễ trả, chứ nợ tình không bao giờ trả được!”. Sao thầy trò mình giống nhau quá đi thôi...
Phải chăng vì lo sợ nợ nên Thầy Lê Quý Thể vẫn đi đó đi đây chỉ một mình. Ngay từ đầu buổi tiệc vẫn chưa tìm lại nụ cười sảng khoái của Thầy ngày xưa. Mãi đến lúc từ biệt có lẽ do sự hòa nhập và cảm thông, Thầy mới có được nụ cười đúng nghĩa cho một ngày vui. Cùng sánh bước với Thầy ra tận xe, trời se se lạnh nhưng đủ ấm lòng Thầy và trò “Em hay quá! Bao nhiêu năm rồi vẫn còn nhận ra tôi...”
Nợ tình không bao giờ trả được, riêng với chúng tôi món nợ không bao giờ bị đòi và nếu có trả cũng không bao giờ hết được chính là “Công ơn của quý Thầy Cô”. Công của những người đưa đò thầm lặng khoan dung, đã đào tạo bao lớp chúng tôi thành danh, thành nhân. Thời gian với bao biến đổi, nhìn lại cuộc đời chúng tôi luôn dặn lòng ”Nhớ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô” để có một cuộc đời đáng sống. ''Sinh Lão Bệnh Tử'' đã là qui luật của trời đất, học trò cũng từng bước theo Thầy Cô. Từ tận đáy lòng chúng tôi chúng tôi luôn nhớ về những Thầy Cô chưa được dịp gặp lại, những Thầy Cô đang chọn cho tuổi già một chỗ dung thân, chúng tôi cùng góp lời cầu nguyện cho Thầy Cô đang chiến đấu hằng ngày với bệnh tật. Kính mong Ơn Trên luôn gìn giữ Thầy Cô sức khỏe dồi dào, để còn đến với chúng tôi và cùng có thêm nhiều niềm vui như ngày “Gặp Lại Thầy Lê Quý Thể”.
T/g Nguyễn Hữu Hạnh
Source: http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-147_4-3098_15-2/
No comments:
Post a Comment