Friday, March 21, 2014
Bún cá xóm Cồn _Quách Giao
T/g: Quách Giao
Bút hiệu: QUÁCH TÙNG PHONG
Sinh năm 1934
Con nhà thơ Quách Tấn
Theo học tại các trường Đại hoc Y Dược, Luật khoa và Văn khoa tại Sài Gòn.
Năm 1955 khi còn là học sinh trường trung học tư thục Kim Yến ở Nha Trang, Quách Giao đã tham gia đăng thơ trên tờ Gió Mới với biệt hiệu là Vương Kiều Thu.
Các bài thơ đăng trên báo Gió Mới số 2, 4, 6 là Hai Em Bé Mồ Côi (Tình Chị) Ông Lão Quét Lá Khuya, Hai Chiều Xa Cách.
Tại Huế, Q. Giao có thơ đăng trên Tạp Chí Lành Mạnh. Ở Sài Gòn cộng tác với báo Bách Khoa, Văn Học đến năm 1975.
Năm 1988 Quách Giao cùng với phụ thân là nhà thơ Quách Tấn viết và xuất bản tập lịch sử Nhà Tây Sơn.
Các sách viết chung với thân phụ ông còn có: Võ Nhân Bình Định (nxb Trẻ năm 2001) và một số lớn các tác phẩm khác.
Hiện cư ngụ tại
Nha Trang, Việt Nam
***
Năm 1638, dinh Thái Khang được thành lập, người dân từ các tỉnh phía ngoài di cư vào đất mới, qui tụ chung quanh hai thủ phủ Thái Khang và Diên Ninh (nay là Ninh Hòa và Diên Khánh) dọc theo con sông Dinh và sông Cái.
Một số gia đình chuyên nghề chài lưới thì định cư nơi các cửa sông, mé biển. Làng Cù Huân được thành lập trước tiên ở Nha Trang. Danh từ Cù Huân, có người cho rằng do tiếng Chăm là Kaut Hara để chỉ vùng Khánh Hòa thuở trước. Riêng tại Nha Trang, ngụ dân trước tiên tụ họp tại cửa sông Cái đổ ra vịnh Cù Huân (cổ nhân gọi là Đại Cù Huân.) Sông Cái còn có danh nữa là sông Cù, phát nguyên từ hướng Tây chảy qua các địa phương Diên Khánh và Vĩnh Xương rồi đổ ra cửa Đại Cù Huân. Còn sông Lô là sông nhánh của sông Cái, lại chảy ra biển nơi cửa Bé có tên là Tiểu Cù Huân. Dân cư chài lưới sống tập trung tại hai cửa sông Đại Cù Huân và Tiểu Cù Huân.
Nơi cửa Đại Cù Huân, làng ban đầu được thành lập tại nơi Cù Lao với một xóm nhỏ gọi là Xóm Bóng. Dân làm vạn chài, song hàng năm các thiếu nữ địa phương phụ trách múa Bóng, dâng lễ trong ngày hội Bà Thiên Y A Na tại tháp Bà. Nơi này cũng đã có trường dạy múa Bóng. Địa phương vì có nghề đặc biệt nên được mang tên Xóm Bóng.
Các thuyền buôn từ các tỉnh ngoài chở hàng hóa vào Nha Trang bán. Lớp ngược dòng sông Cái lên đến tận phủ Diên Khánh, lớp rẽ vào đầm Xương Huân. Dân di cư nhận thấy đầm là nơi thuận tiện trong việc giao tiếp và sanh sống nên kéo nhau theo thuyền vào định cư. Các xóm nhỏ được thành lập và lấy tên theo địa danh mà gọi như Xóm Cồn, Xóm Lách, Xóm Hà Ra, Xóm Giá, Xóm Củi v.v.. Xóm Cồn là nơi tập họp dân sống bằng nghề chài lưới ở trong vùng. Phía đông là biển cả, phía tây là sông Cù. Ghe thuyền thường neo về phía bờ sông, còn nhà cửa thì hướng mặt ra biển đông.(1)
(1)( trích cuốn Hướng Về Tháp Bà Thiên Y A Na của Quách Giao do NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2005)
Tuy lập sau làng Xóm Bóng song vì là một làng thuần làm nghề chài lưới nên Xóm Cồn được coi như là một làng chài với đầy đủ ý nghĩa. Nhà cất tạm bợ trên bãi cát, nhiều lúc bão tố xảy ra thì cửa nhà đành phải trôi theo sóng nước cho nên tuy có tiền song họ vẫn sống chui rúc trong những ngôi nhà vách ván mái tranh. Xóm Cồn thuộc phường Xương Huân, có đình có trụ sở song lại nằm ở chốn thị thành nên hằng ngày nếu có việc làng việc xóm thì người dân phải đi xa hằng cây số. Tuy được tách riêng một góc trời, người dân chài lưới tự coi như là hạnh phúc vì ban ngày họ có chổ vui sống cùng gia đình để đêm đến họ lại dong buồm ra khơi vật lộn cùng sóng gió. Trong số ngư dân an phận với nghề nghiệp chài lưới này có gia đình anh Bốn.
Anh Bốn vốn người gốc Bình Định theo gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp. Ban đầu gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng tại phủ Bình Khang (Ninh Hòa). Gia đình nhờ cần kiệm và siêng năng nên có được nhà cửa ruộng vườn khang trang. Mẹ mất sớm nên cha phải tục huyền. Cảnh dì ghẻ con chồng như thế thường đã xãy ra. Và anh Bốn đã phải khăn gói vào Nha Trang lập nghiệp. Sống qua nhiều nghề và cuối cùng anh đã chọn nghề đi biển làm kế sinh nhai. Xóm Cồn là nơi anh tạm trú. Anh đi lưới cho một vạn chài có tiếng trong xóm. Đó là Ông Tư Lửa. Cuộc sống không khó khăn nhờ anh Bốn có sức khỏe và có đức tính cần mẫn, chăm làm và hiền hậu.
Được vài năm thì anh lập gia đình cùng với một cô gái người gốc Ninh Hòa vào Xóm Bóng để kiếm sống. Cô tên Di và chuyên đi gánh nước thuê. Xóm Cồn là một doi đất cát chạy dài từ phía Nam cửa Đại Cù Huân đến giáp ranh cuối xóm Lách. Trong xóm không có được một nơi nào đào giếng có nước ngọt. Cho nên dân trong xóm đều phải uống nước ngọt do tự đi gánh hoặc thuê mướn người đến tận đầu phường Xương Huân. Công việc gánh nước thuê có nhiều vất vả song cũng đủ sống qua ngày. Anh Bốn và cô Di gặp nhau trong một trường hợp rất hi hữu.
Nguyên hằng năm phường Xương Huân có hai kỳ tế lễ vào mùa Xuân và mùa Thu tại đình Xương Huân. Đình Xương Huân được dựng xây vào năm Đinh Mão (1807) triều Gia Long. Những ngày tế lễ dân ở tại Xóm Cồn đều tụ hội về đông đủ. Đời sống trên sóng nước khiến cho tất cả cư dân xóm Cồn đều một dạ tin rằng sự linh thiêng của thần linh sẽ giúp cho người đi biển cùng với gia đình họ được vượt qua hiểm nghèo luôn luôn rình rập và đổ xuồng đầu họ không biết lúc nào. Giữa biển cả sóng to gió lớn, sức con người không thể nào vượt khỏi nên lòng tin vào sự cứu trợ của thần linh vẫn hằng sâu trong tâm tưởng. Cho nên mọi người trong xóm Cồn khi đến ngày tế đình thì tập trung về tham dự đông đủ, khỏi cần nhắc nhở gọi kêu.
Sáng sớm tinh mơ, đàn ông trong phường tụ họp đông đủ trong sân đình. Trên thành đình cờ xí bay phất phới. Trước mặt đình là đầm Cù hay còn gọi là đầm Xương Huân nước trong xanh leo lẻo, thuyền lớn thuyền nhỏ không đếm xuể tập trung về đậu chật cả một vùng đầm rộng lớn.
Hôm ấy không một chiếc thuyền nào ra khơi đánh cá. Cả gia đình đều hội tụ trên ghe. Đàn ông thì sau khi neo ghe chắc chắn, xuống thuyền thúng chèo vào bờ vô đình dự lễ.
Đàn bà thì ở lại trên ghe trông coi đàn con nhỏ và giữ ghe. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề. Có nhiều gia đình cho con mặc đồ mới như ngày Tết. Trên ghe đều trang trí đẹp đẽ và trang nghiêm: một lá cờ đuôi nheo, một bình hoa và một đĩa trái cây cùng với bó nhang nghi ngút khói. Thuyền tuy neo không thứ tự song không bừa bãi, ai đến trước thì neo gần bờ, ai đến sau thì neo vào chổ trống. Tuyệt đối không có trẻ em vào bờ chen vào nơi cúng tế trong đình.
Khi buổi lễ diển ra, chiêng trống vang rền, giọng xướng lễ vang lên uy nghi dõng dạc rồi tiếp theo là giọng đọc văn tế vang ra rõ mồn một từng tiếng. Không gian bỗng nhiên như ngưng lắng, mặt nước đầm lung linh, bóng ghe thuyền như lay động trên mặt hồ theo nhịp phách nhịp trống đổ hồi.
Mặt trời lên cao thì buổi lế lễ chấm dứt. Dưới đầm ghe thuyền lặng lẽ nhổ neo và chèo về lại xóm Cồn và có đôi chiếc dong buồm ra khơi sớm hơn thường lệ với niềm hi vọng đánh được nhiều cá hơn mọi ngày.
Những người dân không có ghe thuyền lũ lượt kéo nhau ra về trong tiếng cười nói vui vẻ. Trong số người này có cô Di và anh Bốn. Trong suốt buổi lễ tuy hai người đứng cạnh nhau song giữa bầu không khí trang nghiêm nên họ chỉ lẳng lặng tham dự buổi lễ tuy thỉnh thoảng cũng có nhìn nhau. Khi ra về thì cả hai tự nhiên không hẹn đều cùng đi về hướng chợ Dài. Chợ Dài là chợ đầu tiên và lớn nhất tại Nha Trang. Ban đầu chợ có tên là chợ Xóm Lách vì được thành lập tại xóm Lách. Như thông thường hể đâu có dân sinh sống là nơi đó có chợ được lập thành. Chợ được cất sát mé Đầm Xương Huân cho tiện việc đi lại bằng đường thủy và đường bộ. Vì cất gần Đầm nên sau này có tên là chợ Đầm.
Hai người thường cùng ngồi dưới gốc một cây bàng nơi đầu chợ. Sau một vài lần nói chuyện họ dần dần hiểu và thương nhau. Một tháng sau thì cả hai về Ninh Hòa thưa cùng cha mẹ hai bên và đám cưới được tổ chức. Xong lễ cưới cả hai đều về lại Xóm Cồm thuê nhà để sống. Chồng lại đi nghề biển, vợ vẫn ngày ngày gánh nước thuê, nấu cơm đợi chồng đi biển trở về. Cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
Một hôm, mẹ nàng Di từ Ninh Hòa vào Nha Trang thăm con gái. Mẹ có mang theo hai ký bún làm tại Ninh Hòa. Bún Ninh Hòa từ xưa được nổi tiếng là dẻo và thơm. Con bún trắng không khô mà cũng không ướt. Gạo không phải gạo nàng thơm song khi ăn vào miệng, thực khách vẫn cảm thấy được hương vì của gạo mới đầu mùa. Thường thì người làm bún hay dùng lúa cũ xay gạo làm bún để bún nở nhiều có lợi. Tuy nhiên khi dùng gạo mới thì hương vì thơm đậm đà hơn nhưng bún lại không nở nhiều như dùng gạo cũ. Bún ở Ninh Hòa dù có dùng gạo cũ đi nữa hương vì vẫn đậm đà mùi lúa mới và con bún vẫn mang tính chất dẻo và thơm như lúa mới. Nghề làm bún ở Ninh Hòa được người dân Bình Định di dân đi lập nghiệp tại phủ Thái Khang truyền bá rộng rãi. Nhờ ở hai tính chất là gạo đất Ninh Hòa thơm ngon và tay nghề của dân Bình Định cao nên bún Ninh Hòa nổi tiếng từ thuở quê hương Khánh Hòa mới thành lập. Từ thủ phủ Thái Khang (Ninh Hòa) nghề bún được truyền đi khắp tỉnh. Tuy vậy hằng ngày bún làm tại Ninh Hòa vẫn được các nơi mua về nhiều hơn là chế biến. Nha Trang cũng vậy. Bún Ninh Hòa ngon thì nổi tiếng song vì đường xá xa xôi, phương tiện hiếm hoi nên bún trở thành một món ăn khá đắc tiền. Nha Trang là nơi hội tụ nhiều thương gia nên việc cung cấp bún cho khu hội tụ này có phần đầy đủ. Tuy vậy bún vẫn còn là món ăn dành cho người phong lưu.
Mừng mẹ vào thăm, nàng Di chưa kịp nấu cơm thì anh Bốn đi biển về. Sẳn có bún của mẹ đem vào chị Di làm bún nước mắm cho mẹ và chồng ăn. Sẳn bụng đang đói, bún ngon và nước mắm dằm ớt tỏi vừa miệng, anh Bốn ăn no nê rồi tìm chổ nằm ngủ ngay một giấc. Từ hôm đó anh luôn luôn nhắc nhở đến bữa ăn bún nước mắm tuyệt vời trong buổi viếng thăm của bà mẹ vợ. Biết được ý chồng mỗi tuần chị Di đều mua bún để anh Bốn ăn điểm tâm trong lúc đi biển về.
Một hôm, đi biển về với một mẻ cá ngừ lớn được chủ ghe chia cho một con nặng hơn hai ký, anh Bốn đem về cho chị Di. Vừa mừng vì được cá ngon vừa thương chồng đem về niềm vui cho vợ, chị Di đem kho cá theo phương thức đặc biệt của quê hương Bình Định. Đó là kho cá ngừ với mắm muối gia vì trong một thời gian khá lâu. Ban đầu đổ nhiều nước và nấu cho đến khi sôi rồi bớt lửa và để lửa riu riu cho đến khi nước gần cạn. Trong nồi cá kho luôn luôn có nhiều trái ớt chín màu đỏ thắm dài trên một ngón tay. Anh Bốn rất thích ăn cay nên rất thích ớt còn chị Di không ưa cay nên nồi cá chỉ có hương vì của trái ớt kho mà ít đi vì cay của ớt nấu. Bữa ăn cá đầu tiên là bún cá. Chị Di ra chợ mua về hai ký bún và một ít rau thơm. Thường ngày thì bún chan nước mắm. Hôm nay nước cá ngừ thay nước mắm và có cả thịt cá kèm với rau thơm. Thêm một lần nữa anh Bốn cảm thấy việc ăn uống ngoài việc no bụng còn có sự ngon miệng. Cứ mỗi bát bún, chị Di chan cho anh thật nhiều nước và dằm vào bát một trái ớt sừng đỏ thắm và mềm mại. Vì cay của trái ớt sừng khác hẳn với vì cay của trái ớt bay. Câu tục ngữ “ớt bay cay hơn ớt bị” (ớt bị là trái ớt lớn thường có tên là ớt sừng) lúc này không còn giá trị nữa vì anh được ăn nguyên cả một trái ớt sừng trong một bát bún. Thú vì nhất là nước cá kho vừa miệng ăn và thỉnh thoảng anh lại đưa bát lên húp một ít nước cá sau khi lùa vào miệng những sợi bún mềm mại . Ăn bún mà được húp nước cá thì mới thưởng thức trọn vẹn cái thú ăn bún cá. Đây là một bữa ăn bún cá khô. Tuy có nước cá song vẫn được gọi là khô vì nước cá chỉ thay cho nước mắm để ăn bún. Bữa ăn thật đạm bạc, rau thơm gồm những lá é tía, rau thơm, rau húng dũi mà đầy hương vì. Chất thơm của rau làm đậm đà thêm vị mặn mà đằm thắm của nước cá ngừ và thịt cá ngừ đã được kho rục thấm tháp gia vì. Thịt cá ngừ, nhất là nước cá ngừ kho, mặn mà hơn bất cứ một loại cá nào khác như cá thu, cá sòng, cá bạc má, cá nục v.v.. Thịt con cá ngừ càng kho lâu càng đằm vì, càng thấm chất gia vì vào trong thịt cá. Thịt cá cứ như săn lại thấm đậm, mặn mà.
Anh Bốn lại đâm ra ghiền bún cá ngừ vì anh cho là ăn bún cá ngừ được sướng miệng và no bụng.
Sướng miệng và no bụng làm căn bản cho tất cả các bữa ăn của những người lao động. Nhất là đối với các ngư dân. Sống trên sóng nước họ rất mau đói và vì giữa biển cả nên việc nấu nương không có tay đàn bà nội trợ nên dù được nhiều cá lớn, cá ngon song chỉ ăn cho no bụng nhưng sướng miệng thì rất ít khi. Chỉ có khi trở về với đất liền, bên vợ con cạnh mâm cơm dọn nơi bếp, ngồi trên chiếc đòn nhỏ ăn thoải mái món ăn do vợ nấu hợp khẩu thì anh Bốn mới thấy sướng miệng và no bụng.
Một hôm ăn xong anh buột miệng:
- Nếu bún cá mà được nhiều nước thì húp cho sướng miệng.
Nước cá ngừ húp ít thì ít ngon mà húp nhiều thì lại mặn và khát nước. Chị Di hiểu được ngay ý muốn của anh Bốn. Ngày hôm sau sau khi kho cho thấm cá chị bèn đổ thêm nước cho đầy trã và thêm vào một trái cà chua, vài củ hành sống và nhất là sau khi bắt xuống để ăn chị cho thêm tiêu, ớt bột và một ít lá hành xắt nhỏ. Nhìn bề ngoài thì như là một nồi canh cá song nước canh lại mặn mà hơn và thịt cá lại đằm vì hơn thịt cá canh. Thịt cá canh cần bỏ vào đĩa nước mắm để mặn thêm còn cá ăn bún thì thịt cá đã thấm gia vì từ lúc còn kho trên bếp. Ranh giới giữa canh cá và nước ăn bún cá có giới hạn rõ rệt là nước canh ngọt vì cá còn nước cá bún thì mặn mà vì cá. Nước canh có thể bưng húp mà khỏi cần cơm nhưng nước cá ăn bún nếu không có bún thì hơi mặn và không thể ngồi húp suông được.
Lúc ăn bún cá anh Bốn không cần đến các món gia vì như rau sống, mắm ruốc, chanh v.v.. vì cái chính của anh là ăn cho sướng miệng và có như vậy mới thấy được chất ngọt và mặn cùng vì cay của cá và nước cá cùng với bún mà không cần đến sự pha lẫn với các chất rau cỏ. Một đôi khi chị Di cũng mua về cho anh trong bữa ăn những rau sống song anh ăn không tha thiết lắm mà chỉ ưng ăn đơn thuần bún cùng với nước cá ngừ. Ăn xong anh hể hả nói cùng vợ: Mình không ăn rau sống với bún vì mình muốn thưởng thức cái ngon của bún với cá. Có rau vào dường như mất đi cái chất tinh của cá. Chị Di ngồi ngắm chồng ăn bún cá và ngẫm nghĩ câu nói của chồng thì thấy ý nghĩa vô cùng. Thật vậy trong khi thưởng thức vì ngon trong bún cá mà còn dùng những rau để hòa đồng thưởng thức thì là vì nước bún cá không được ngon và ngọt nên cần phải lấy rau đệm vào.. Ăn bún cá không rau, thú vì như một người biết thưởng thức trà không cần phải pha thêm vào trà một ít nhụy sen, một bông lài mới hái. Trà cần phải uống riêng biệt không pha lẫn với hương thơm của hoa. Đó là lời của cha chị khi thưởng thức buổi trà ban mai. Thân sinh của chị vốn là một nhà nho theo đoàn dân di cư lập nghiệp vì không đủ sức khỏe để làm nghề nông tang nên lấy việc dạy học làm sinh kế. Mẹ của chị vốn giỏi việc đồng áng nên gia cảnh vào lớp đủ ăn. Gia đình đông con nên việc chăm sóc con cái không được chu toàn nên chị sau khi theo học được vài năm từ thuở ấu thơ và khi đủ sức lao động thì ra đồng theo mẹ. Gặp khi mùa màng thất thoát, cha bị bạo bệnh mất đi chị đành phải theo gia đình người anh vào Nha Trang tìm nghề sinh sống. Gia đình người anh định cư tại Xóm Cồn và nơi đây chị đã gặp và lập gia đình cùng anh Bốn. Gia đình người anh cũng trôi giạt đi vào Nam. Gia đình anh Bốn vẫn bám lấy nghề biển và họ đã sinh được một người con gái.
Một hôm nơi biển Đông xãy ra cơn bão tố. Và anh Bốn ra đi mãi không về. Vượt qua cơn đau khổ chị Di bám lấy Xóm Cồn làm chốn nương thân. Trong những tuần đầu tiên, khi làm cổ cúng chồng chị luôn luôn có trên mâm cúng một bát bún cá. Ngồi trước bàn thờ nghi ngút khói hương, nhìn bát bún cá chơ vơ trên chiếc bàn nhỏ hẹp chị Di nhớ đến cảnh anh Bốn ăn bún cá ngon lành và câu nói của chồng vẫn còn như vang vọng: “ăn thật sướng miệng và no bụng.” Câu nói chân chất và hạnh phúc biết là dường nào. Cuộc đời anh Bốn ngoài hạnh phúc gần gũi vợ con và vui trong nghề biển cả chỉ còn hưởng được bữa ăn bún cá cho sướng miệng và no bụng. Hạnh phúc trước mặt và đầy đủ cận mình. Nhớ đến chừng ấy nước mắt chị Di đã tràn đầy và chảy dài trên hai gò má.
Các bạn và gia đình bạn anh Bốn đến tham dự các buổi lễ làm tuần cùng chia nhau bát bún cá và tất cả đều thừa nhận đó là một món ăn ngon nhất trong cả Xóm Cồn. Và cũng từ đó mỗi khi đi biển về họ lại tụ hội tại nhà chị Di để ăn món bún cá cho sướng miệng và no bụng. Và cũng để giúp đỡ cho chị Di có một nghề nghiệp sinh sống. Thế là từ đó quán bún cá nơi Xóm Cồn đầu tiên được thành lập và mang tên là “quán bún chị Bốn Di”
Quán bún được các anh bạn cùng chồng sau khi đi biển về đã cùng nhau hợp lực dựng nơi trước sân nhà một túp lều có liếp phên che chung quanh hai cái bàn làm bằng hai miếng ván kê trên các cây gỗ đóng chéo và ghế ngồi cũng như thế.
Chị Bốn Di từ chiều hôm trước đã chọn những con cá tươi xanh mới vừa do đoàn ghe đánh cá đem về và đi chợ mua các gia vì cần thiết như cà chua, hành củ, hành lá, chanh ớt v.v.. về chuẩn bị để khuya thức dậy sớm nấu món bún cá cho kịp đón các bạn chài đi biển về. Quán bún cá đã thay đổi cách nấu. Nước cá có thêm nhiều gia vì như cà chua hành củ, ớt màu và nhất là có món rau sống kèm theo cho đầy đủ hương vì.
Ngồi nhìn nồi cá sôi với những mảnh cà chua màu đỏ thắm bồng bềnh lên xuống lẫn lộn cùng với các miếng cá ngừ dằm đậm đà hương vì tẩm ướp, chị Di lại nhớ đến anh Bốn. Hôm nay chị tiếc không còn anh Bốn nữa để anh ấy được ăn thêm món nước cá đằm thắm hương vì và nghĩa tình này.
Càng về trưa quán chị Bốn Di càng đông khách. Ngoài đám đàn ông đi biển về còn có một số chị em đã hoàn tất việc đón cá đưa ra chợ, dọn dẹp nhà cửa đón chồng, họ ra quán chị Bốn Di vừa ngồi ăn bún cá vừa bàn tán những câu chuyện xảy ra chung quanh khu vực Xóm Cồn. Từ chuyện mẹ chồng chửi nàng dâu, chị chồng đánh em chồng đến việc nợ nần, huê hụi. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Ăn xong họ ra về mà không quên hẹn nợ ngày mai sẽ trả. Chị Bốn Di vui vẻ chấp nhận sự ồn ào tự nhiên và khất nợ đương nhiên này. Chị vẫn xem như đó là một tình thân thuộc hàng xóm, một ràng buộc đã thành thói quen nơi Xóm Cồn này.
Đứa con gái lớn lên trong niềm thương yêu của mẹ, trong không khí ồn ào náo nhiệt của một xóm chài đầy trẻ thơ ít thích học hành mà chỉ ham vui chơi cùng sóng nước. Cha mẹ chúng không có một khái niệm về tương lai của con trẻ. Họ vẫn có quan niệm như nhau là khi lớn lên, con trai thì lại đi biển và con gái thì ở nhà phụ giúp mẹ vá lưới, đi chợ bán cá. Suốt ngày chúng ít khi có mặt ở nhà chỉ mãi vui chơi cùng chúng bạn. Trẻ con từ gái đến trai, tóc tai bù xù, nước da đen nhánh áo quần áo xốc xếch. Thường thì chúng không mặc áo (cả trai lẫn gái) và việc dầm nước là một sở thích hằng ngày. Cha mẹ chúng không biết rõ chúng biết bơi tự khi nào mà chỉ biết là việc bơi lội là một trò chơi không thể thiếu được ở một xóm chài ven biển.
Con gái chị Bốn Di tên Gái. Cách đặt tên thật đơn sơ và được áp dụng cho hầu hết trong xóm. Cho nên để phân biệt họ thường nói với nhau là con gái bà (hoặc chị) A, B xóm trên, xóm dưới v.v.. Cho nên dù muốn dù không tên người con gái vẫn luôn luôn được đi kèm theo tên của mẹ hoặc của cha. Đôi khi lại kèm theo tên ông bà nội hoặc ông bà ngoại. Cuộc sống của xóm Cồn luôn luôn sống động. Khác với một làng quê, nhà này cách xa nhà khác, đất rộng người thưa, không khí thanh bình chứa đầy trong đồng xanh cây cỏ. Xóm Cồn là một xóm chài dân cư ngụ đông, nhà cất thường là tạm bợ, thiếu điều kiện vệ sinh, thiếu nước sạch, và nhất là ánh sáng. Toàn xóm đều thắp đèn dầu. Ban đêm đàn ông đi biển, đàn bà sau khi tụ họp tại một vài nhà người quen ngồi tâm sự cùng nhau rồi ai về nhà nấy yên nghỉ đề ngày mai tiếp tục công việc thường ngày.
Gia đình chị Bốn Di tuy công việc nấu nướng đã chuẩn bị ngay từ chiều song ngọn đèn dầu hỏa vẫn cháy sáng sau mọi gia đình khác. Con Gái đã đi ngủ từ đầu hôm mà chị Bốn Di vẫn còn lục đục với thúng rau, rổ bún.Tuy sáng cần phải dậy sớm song việc đi ngủ muộn vẫn là thói quen của chị . Nhiều đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ ầm ì nơi mé biển chị lại nhớ đến anh Bốn vô cùng. Biển cả vẫn luôn luôn rào rạt, lòng người cô phụ vẫn luôn luôn thao thức cùng với sóng nước vơi đầy.
Một hôm vào buổi chiều chị Bốn Di đi chợ Đầm Nha Trang mua thức ăn để về nấu nướng chị gặp một người quen cùng quê ở Ninh Hòa hiện đang sinh sống bằng nghề may vá tại chợ Dài Nha Trang. Sau những chuyện bà con lối xóm chị kể cho bạn biết việc chị bán bún cá ở Xóm Cồn. Người bạn gái bỗng nãy ra một ý nghĩ là tại sao chị Bốn Di chỉ bán bún cá có một buổi sáng mà không bán luôn cả buổi chiều. Nghe bạn thắc mắc chị Bốn Di bèn kể cho bạn nghe việc bán bún cá cho các khách đi biển về vào buổi sáng. Còn buổi chiều thì phần đông họ phải ăn cơm với gia đình để cho chắc bụng làm việc ban đêm. Chỉ có buổi sáng là họ thích ăn bún cá để rồi đánh một giấc cho đến buổi ăn trưa.
Thốt nhiên người bạn gái bỗng chợt thoáng nghĩ đến việc bán bún cá nơi chợ Đầm vào buổi chiều. Do đó chị Bốn Di được người bạn giúp đỡ, dùng một nơi hiên chợ để chiều chiều chị ngồi bán bún cá. Hàng bún cá đầu tiên nơi chợ Đầm Nha Trang được khai trương.
Món ăn tuy chưa phải là mới lạ song lại ngon miệng và rẻ tiền được các bà đi chợ chiều rủ nhau thưởng thức. Dần dần các người lao động chân tay như các bác kéo xe, bác đánh xe ngựa v.v.. đều rủ nhau đến thưởng thức món ngon miệng và no bụng của xóm Cồn.
Con Gái từ đó theo mẹ đi bán bún cá chợ chiều. Mẹ gánh gánh bún cá, con xách ấm nước chè xanh. Hai mẹ con hôm sớm bán hàng quên đi cuộc đời cô nhi quả phụ.
Việc buôn bán có nhiều lúc đắc khách song cũng có nhiều ngày ế ẩm. Một phần vì thời tiết, một phần vì thiếu cá tươi. Trong những ngày mưa gió khách vắng đã đành còn cá biển khơi không đánh được nên nguồn cà ngừ thiếu đi và phải dùng các loại cá khác thay vào. Khác vì cá khách hàng thường tỏ ý không bằng lòng.. Một hôm chị Bốn Di về thăm quê hương Ninh Hòa. Đi ngang qua một quán bán nem chả chị được một người quen mời vào để chuyện trò tâm sự. Chị phát hiện ra là cá cũng có thể làm chả như thịt và chị quyết tâm thực hiện ý nghĩ này. Vội về thăm nhà và quay ngay lại quán nem của chị bạn, chị xin được học cách làm chả nem. Người bạn vui vẻ chỉ dẫn tường tận và góp ý về cách làm chả cá. Thế là từ đó hàng bún cá của chị Bốn Di có thêm một món chả cá.
Chả cá lại dùng được cho nhiều loại cá như cá thằn lằn, cá mối, cá cờ, cá thu v.v.. cho nên khi không có cá ngừ để làm bún cá chị Bốn vẫn có những nồi bún cá thơm lừng và món chả cá dòn, dai ngọt đượm mùi vì biển khơi.
Thành công trong việc đưa thêm vào hàng bún cá của mình món chả cá, công việc hằng ngày của chị Bốn Di lại càng thêm bận rộn. Do đó chị cần thuê thêm người giúp việc hằng ngày. Một người bạn góa chồng trong một buổi bão tố, được chị Bốn Di thuê về cùng chung buôn bán. Từ đó ngày cũng như đêm tiếng chày giã cá vang vang làm vui cửa vui nhà. Nhờ người bạn rất năng nổ xốc vác nên chị Bốn Di đở cực nhọc hơn. Có người gánh hàng ra chợ, chị được thong dong. Con Gái được đi đến trường và ngôi nhà được khang trang. Có nhiều người đàn ông đến viếng thăm thường xuyên và mai mối liên tiếp vào ra. Chị Bốn Di vẫn một lòng ở vậy. Nghề bán bún cá càng ngày càng trở nên phát đạt. Rồi nhiều nơi môn bún cá ra đời. Có nhiều canh tân song tiếng tăm vẫn không lấn được hàng bún cá của bà Bốn Di ở xóm Cồn và chợ Đầm Nha Trang.
Khách đến ăn vẫn ngồi trên ghế tre dài bên chiếc bàn gỗ đơn sơ nhưng hương vị của tô bún cá như cùng với thời gian thêm đậm đà hơn.
Trải dài theo năm tháng, Xóm Cồn càng ngày càng đông đúc nhà cửa và con người, song không thể trở thành một khu đô hội được. Chỉ có một vài chủ ghe xây cất nhà ngói, một vài gia đình buôn bán vật liệu phụ vụ ngành lưới cá đồng thời với nhu yếu phẩm hằng ngày là phát đạt. Còn những gia đình có chồng là trai lưới bạn, là thợ lái thuyền và vợ là kẻ chạy rổi, người vá lưới v.v.. thì tháng năm vẫn dầm sương dãi nắng ngoài biển cả, trong đất liền vẫn sống trong cảnh thiếu thốn vay mượn hàng ngày để đợi đến kỳ chủ ghe trả công thì vui vẻ mua sắm và trả nợ cũ đã vay mượn. Túp lều tranh có thể trở thành ngôi nhà tranh rồi lợp ngói song vẫn không bao giờ trở thành một ngôi biệt thự khang trang nơi xóm Cồn.
Chị Bốn Di già đi và ngôi hàng bún cá được con Gái cùng chồng kế nghiệp. Người ăn đến cũng đông như ngày trước. Và phong cách bài trí nhà hàng cũng khác xưa cùng với nhiều sự thay đổi trong cách chế biến sao cho hợp với khẩu vì của thực khách. Chị Bốn Di. về già không còn ở nơi xóm Cồn nữa mà về quê Ninh Hòa sống một cuộc đời cô quạnh trong ngôi nhà của cha mẹ để lại.
QUÁCH GIAO
www.ninhoa.com/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment