Thể theo lời của các anh em cựu học sinh trường Ngô Quyền Biên Hòa muốn thực hiện một tập Kỷ Yếu 2004 cho trường, tôi xin được đóng góp đôi giòng cảm nghĩ.
Tôi là giáo sư của trường Ngô Quyền Biên Hòa, nhưng chỉ dạy trong một khoảng thời gian ngắn chưa đầy một năm, tuy nhiên hình ảnh của trường cũng như các học sinh một phần nào vẫn còn hằn ghi trong ký ức tôi. Thời gian đó tôi dạy ở trường tư thục Khiết Tâm do Linh Mục Nguyễn Văn Yến làm Hiệu Trưởng trước khi vào dạy cho trường Ngô Quyền, lúc đó Hiệu Trưởng là thầy Phạm Đức Bảo, còn thầy Phạm Khắc Thành là Giám Học (thầy Thành mới qua đời cách đây đôi năm tại Nam Cali ). Tôi dạy tất cả bảy lớp, bốn lớp 10, ba lớp 11, và phụ trách môn Công Dân Giáo Dục.
So sánh việc dạy ở hai trường thì dạy ở trường Ngô Quyền thoải mái và dễ thở hơn ở trường Khiết Tâm nhiều, mặc dù trường Khiết Tâm rất là qui củ, chặt chẽ vì Cha Yến rất nghiêm khắc và khó khăn, nghiêm khắc với học trò và cả với các thầy giáo, nhưng học trò đông quá, có hơn cả một trăm học sinh mỗi lớp, nhất là vào đầu niên học, sĩ số lên đến cả một trăm hai mươi, một trăm ba mươi, trong khi Ngô Quyền mỗi lớp chỉ hơn năm chục. Ngày đó tôi là một giáo sư còn rất trẻ, chỉ hơn học trò khoảng bảy tám tuổi nên lấy uy với học trò có phần khó khăn thêm nữa lại phụ trách môn Công Dân là môn mà học trò coi là môn phụ thuộc nên gần như chẳng chịu học, thường hay tìm cách trốn lớp vào những giờ học của môn này.
Hiểu được tâm trạng của học trò cũng như tính cách giáo sư tài tử của tôi, nên tôi đã dùng chiến thuật mị học trò bằng một lối dạy khác hẳn các vị thầy giáo chuyên nghiệp khác cùng dạy môn này như tôi.
Tôi không bảo học trò mua sách Công Dân in sẵn ở các tiệm bán sách giáo khoa mà cũng không in sách của tôi viết ra. Tôi vừa giảng bài vừa đọc bài cho học trò chép vào vở ngay trong lớp, rồi mỗi đầu giờ tôi kiểm việc học của học trò bằng cách gọi học trò mang vở lên trả bài. Tiêu đề các bài học thì giống nhau, nhưng chi tiết đọc cho học trò chép bài lại không hoàn toàn như nhau cho mỗi lớp, do đó học trò nào trốn học, mượn vở của lớp khác để chép là bị tôi phát giác ngay.
Bài tôi đọc cho học trò chép thường rất ngắn so với sách in sẵn và mỗi khi khảo bài, tôi không buộc phải trả bài thuộc lòng mà chỉ đặt một hai câu hỏi cho trả lời thôi. Câu hỏi của tôi cũng giản dị và dễ rồi lại cho điểm rộng nên học trò rất thích được gọi lên trả bài để lấy điểm cao mà bù cho môn học khác.
Ngoài cách thức đó, trong lúc giảng bài, tôi hay xen vào nội dung của bài giảng những câu chuyện vui thời sự hay những phong tục cổ truyền của đất nước để bớt đi cái khô khan của môn học nên đã lôi cuốn được sự lắng nghe của học trò.
Ngày đó học trò lớp nào cũng rất thích nghe những câu chuyện của tôi kể như của Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy (người em trai cuối trong giòng họ Kennedy) đang giữa đêm dùng chiếc xe Oldsmobile đen bóng loáng lén chở cô thư ký là cô Mary Joe Kopech rời khỏi đám tiệc vui đi nơi khác rồi vì say sưa lái xe qua cầu đã đâm xe xuống hồ Appachidick làm chết cô thư ký này mà không thông báo ngay cho sở Cảnh Sát địa phương để tiếp cứu sau khi lóp ngóp bò được lên bờ một mình.
Thế là chàng Ted Kennedy này bị kết án tù treo và đã mất đi quyền ứng cử Tổng Thống. Rồi câu chuyện tranh chấp Quần Đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về lãnh hải của Việt Nam, Trung Cộng, Trung Hoa Quốc Gia, Philippine, hay Nam Dương, v.v... hay những phong tục cưới hỏi cổ xưa của Việt Nam, Cao Miên, Lào, Thái Lan, v.v...
Các giáo sư đồng nghiệp thời gian đó tôi cũng chỉ nhớ được một vài người như thầy Mai Kiến Phúc, người cao dong dỏng dạy Vật Lý; thầy Thạc, người ốm nhỏ lại có cái mũi đỏ dạy Toán; thầy Đào Văn Sáu, người to cao lớn đồ sộ cũng dạy môn Công Dân, giọng nói ồm ồm; và cô giáo tên Mỹ, dáng người thanh thanh, mặc dù cô đã có gia đình và hai con nhỏ, nhưng cô trông vẫn còn rất trẻ đẹp dạy Pháp văn. Tôi nhớ có một lần dường như vào dịp tháng mười một, mười hai, khí trời lành lạnh, cô Mỹ mặc áo len vào lớp rồi vắt áo len lên lưng chiếc ghế bị học trò lén lấy chuyền tay nhau mặc khoác vào người. Cô Mỹ đòi lại, học trò chòng ghẹo cô rằng: “ Cô cho tụi em mặc chút đỉnh để lấy hơi !”. Cô Mỹ có hơi ngượng đỏ mặt, nhưng cũng chỉ cười xòa với lũ học trò tinh nghịch nhưng còn vô tư dễ thương này.
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón khoản đãi tại nhà hàng Restaurant Yu Heung của miền thung lũng hoa vàng San Jose, California. Trong buổi tiệc này tôi đã hân hạnh được xếp ngồi chung bàn với thầy Bảo cũng như được các anh chị học sinh Phẩm, Lynh, Long, Tới, Đức trong ban tổ chức tiếp đón ân cần niềm nở khiến tôi thật bồi hồi xúc động. Tinh thần và thiện chí của các anh chị em học sinh cố gắng tìm cách quy tụ gây dựng lại truyền thống của trường Ngô Quyền Biên Hòa thật đáng ca ngợi và cổ võ. Tiếp theo đó là những buổi họp mặt Tân Niên tại nhà hàng Grand Fortune, đường Monterey Hwy. Road, Picnic tại công viên Hellyer Park ... tôi đều được tham dự và chụp hình lưu niệm.
Một chút kỷ niệm ghi nhớ xin gửi vào tập Kỷ Yếu cũng như gửi đến các anh chị em học sinh Ngô Quyền Biên Hòa, gọi là đôi giòng cảm tưởng của tôi đã có một thời cùng chung hưởng mái trường này với các anh em, dù chỉ là một đoản thời gian. Thân chúc các anh chi em học sinh Ngô Quyền luôn dồi dào sức khỏe, lúc nào cũng đầy nhiệt huyết gây dựng và giữ vững tinh thần truyền thống Ngô Quyền Biên Hòa, cũng như chúc cho hội cựu học sinh Ngô Quyền mỗi ngày một tăng trưởng và đông đảo tốt đẹp hơn lên.
Mùa Xuân 2004
(Trích trong Kỷ Yếu NGÔ QUYỀN 2004)
No comments:
Post a Comment