Thursday, March 27, 2014

Văn phong VNCH: Chiếc bóp bỏ quên _Hoàng Mai Đạt



Nhiều lúc có những chuyện xảy ra cho bản thân mình tưởng chừng như không có liên quan gì đến nhau, nhưng khi nghĩ sâu hơn một chút, lại thấy chúng thật sự có họ hàng bà con, gắn bó như người quen, và cùng nhắc nhở mình hãy cẩn thận trên con đường đời còn quanh co ở phía trước, kẻo không lại lạc lối ở khúc quanh trong đêm tối. Điều tôi sắp kể là chuyện một chiếc bóp bị bỏ quên và một mạng sống vừa tắt như một ngọn đèn sáp. Hai sự việc tuy xa mà lại rất gần, với tôi.


Dạo này, có lẽ vì trí nhớ bắt đầu kém, hay vì lo toan nhiều việc, nên tôi thường quên lãng những điều lặt vặt. Chuyện quên chìa khóa nhà, chìa khóa xe, thất lạc đồ đạc ở đâu đó là chuyện thường. Rất may tôi chưa đến nỗi quên mặc quần trước khi rời phòng tắm, nhưng mà biết đâu chừng ngày ấy cũng sắp đến, như tôi từng nghe về các bác lớn tuổi ở viện dưỡng lão.

Sáng Chủ Nhật rồi, đài Little Saigon Radio đã tổ chức buổi giỗ đầu tiên dành cho bác Vũ Quang Ninh. Mới đó mà đã đến giữa tháng Ba, bác đã mất được một năm. Tuy chương trình giỗ bắt đầu lúc 11 giờ trưa, tôi đã thức dậy từ 5 giờ sáng như trong một ngày thường, không muốn ngủ nướng vì có một số việc cần làm trước khi đi dự lễ tưởng niệm một người tôi mà từng thân quen như người nhà trong hơn mười năm làm việc ở đài ấy. Đến sau 9 giờ, một cặp vợ chồng bạn đến thăm. Lâu ngày không gặp nên những mẩu chuyện buồn vui kéo dài cả tiếng rưỡi. Khi khách rời nhà, tôi lật đật tìm một bộ y phục thích hợp để đi dự buổi giỗ bác Ninh, tay chân hấp tấp khoác áo, xỏ giày.

Đài tổ chức giỗ trong khuôn viên tòa thị chánh Westminster, cách nhà tôi không tới mười-lăm phút lái xe. Thay vì đậu xe gần ngôi nhà diễn ra buổi lễ, tôi lại để xe ở cạnh khu nhà dành cho người già, để rồi đi bộ từ đó xuyên qua khuôn viên tòa thị chánh từ phía nam lên phía bắc. Tôi làm vậy một phần vì khuôn viên có những cây cao bóng mát, nhiều bụi hồng, lại vắng vẻ vào sáng Chủ Nhật, gợi nhớ những ngày tháng êm đềm mà vợ chồng chúng tôi từng đến đây chơi với con hai thập niên trước.

Thế nhưng cuộc du ngoạn ngược về quá khứ chưa được lâu thì tôi chợt phát giác một chuyện rất nghiêm trọng. Đó là tôi đã bỏ quên chiếc bóp ở nhà. Ở nơi làm việc hay ở nhà, tôi thường không mang bóp trong túi quần, vì nó cộm, gây căng chật không cần thiết. Bác sĩ luôn bảo tôi nên ăn mặc quần áo cho rộng rãi, thoải mái, nên tôi có lý do để tránh mang bóp trên người. Thế nhưng bóp là vật bất ly thân khi tôi ra đường, vì nó chứa đựng hết thẩy những thẻ căn cước, bằng lái xe, vài ba tờ tiền mặt, vân vân. Khi bước ngang cửa ra vào của sở cảnh sát Westminster ở trong khu vực tòa thị chánh, tôi chợt nhận ra mình quên mang bóp và đã lái xe từ nhà đến đây mà không có bằng lái ở trong người. Nếu bị cảnh sát chặn xe vì bất cứ lý do gì thì tiền phạt sẽ càng cao gấp bội bởi tội thiếu bằng lái xe, tôi đoán.

Cũng may, được gặp lại một số bạn đồng nghiệp thân thương còn làm ở đài Little Saigon Radio, tôi quên chiếc bóp trong khoảng một tiếng đồng hồ. Các bạn “khen” tôi nay tóc bạc phơ, đạo mạo cốt tiên ông giáng trần. Dẫu sao lúc đó tôi cũng còn có tóc để mà bạc, chưa rụng hết như nhánh cây khô giữa mùa đông.

Khi trở lại bãi đậu xe, phải băng ngang cửa vào sở cảnh sát, tôi lại nhớ đến túi quần xẹp lép, trống trơn, không có chiếc bóp chứa đựng những tấm thẻ cần thiết mà mấy ông cảnh sát rất thích xem khi điều tra tài xế.

Trên đường lái xe về nhà, tôi chợt khám phá một điều vi diệu vô cùng, có lẽ chưa từng xảy ra bao giờ từ ngày tôi biết lái xe gần bốn thập niên trước. Đó là tôi điều khiển chiếc xe rất từ tốn, cẩn thận, tôn trọng các qui luật giao thông như một công dân tốt. Lỡ mà phạm luật, bị ông cảnh sát chớp đèn ở phía sau thì mệt lắm, biết phải nói sao khi mà trong người không có bằng lái xe.

Dọc theo đường Westminster quẹo phải vào Magnolia, băng qua hai siêu thị Stater Bros và Mỹ Thuận, tôi không chỉ lái chậm, mà còn kiên nhẫn trước các hành động “dễ thương” của các đồng hương của tôi, khi họ quẹo xe vào siêu thị mà không thèm bật đèn signal, hoặc phóng từ trong siêu thị ra đường ngay trước đầu xe khi thấy tôi mới giảm tốc độ để nhường đường cho một tài xế khác, hay lái từ làn đường bên này ủi qua làn bên kia mà không thèm ngó trước nhìn sau, ai chết mặc ai, tui phải giành đường cái đã. Lúc thường thì tôi có thể nổi quạu, nhấn kèn để “dạy bảo chúng nó” vài câu cho bõ ghét. Thế nhưng tôi nghe lòng vắng lặng, chỉ quan sát họ để tránh bị đụng xe và thận trọng một cách khác thường cho đến khi về đến mái nhà quen thuộc.

Tôi ngồi lại trong xe thêm vài phút để chiêm nghiệm những gì mới xảy ra trong hơn mười phút trước đó. Tôi không ngờ chuyện bỏ quên chiếc bóp ở nhà đưa đến sự việc tôi đã cẩn thận, chú ý hơn đến việc lái xe, đồng thời cũng không cảm thấy bực bội trước những cảnh chẳng vừa ý ở chung quanh. Cầm chiếc bóp ở trong tay lúc ngồi trong phòng khách, tôi mân mê nó và thầm cám ơn nó đã nhắc nhở tôi hãy sống chậm lại, đừng quá vội vã, hấp tấp, kẻo không thì xảy ra những tai họa mà từ đấy về sau tôi sẽ ân hận vô cùng.

Còn một chuyện khác tưởng không quan hệ nhưng cũng là một thông điệp khuyên bảo tôi hãy sống trong giây phút hiện tại, sống với lòng bao dung, thương yêu không bờ bến. Tôi được tin anh Vũ Ánh đã đột ngột lìa xa cõi trần hôm thứ Sáu, hai ngày trước khi xảy ra chuyện bỏ quên chiếc bóp. Anh là một nhà báo kỳ cựu ở phố Bolsa này. Tôi đã có dịp làm việc chung với anh dăm ba lần, kể cả một thời gian rất ngắn anh hợp tác với đài Little Saigon Radio.

Có lần ngồi nói chuyện với anh lúc gần Tết Nguyên Đán, tôi nói nửa đùa nửa thật rằng tôi đang sống mùa xuân năm nay như đang sống trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời. Người anh lớn hơn tôi cả chục tuổi bỗng nhíu mày, lộ vẻ khó hiểu trong lúc chờ đứa em “hơi bất thường” nói thêm vài câu cho rõ ý. Anh Vũ Ánh thích nói, lại rất “mặn” chuyện chính trị, còn tôi thích nghe, lại “khoái” chuyện tâm linh, nên mỗi lần có dịp ngồi chung bàn tôi thường chỉ lắng nghe anh bình luận huyên thuyên. Thế mà bữa ấy tôi lại giành nói, tâm sự điều tôi đang trăn trở rằng tôi muốn yêu thương, sống tử tế với mọi người ngay từ bây giờ trở đi, vì biết đâu đây có lẽ là mùa xuân cuối cùng, không ai đoan chắc mình sẽ sống đến mùa xuân năm sau. “Cậu nói chuyện ấy tôi chả biết sao mà bàn,” anh nhìn tôi cười khề khà, đẩy đưa câu chuyện sang một hướng khác, về một vấn đề thời sự đang gây sôi nổi trong cộng đồng.

Thế nên tin anh Vũ Ánh từ trần đã gióng lại một hồi chuông tỉnh thức trong tôi, nhắc tôi hãy sống với tình thương, lòng khoan dung, tha thứ, vì nào ai biết được mình có còn hơi thở trong giây phút sắp tới để sống như vậy với vạn vật ở chung quanh.

Tâm sự với bạn hai mẩu chuyện vụn, thay cho một lời cầu chúc bình an.

Hoàng Mai Đạt

nguồn "http://hoangmaidat.wordpress.com.

http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-145_4-3524_15-2/

No comments:

Post a Comment