Sunday, December 21, 2014

Hắn Và Cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm _T/g Xuân Đỗ,



20/10/2007: -  Từ cả năm nay, sách báo trong nước Việt Nam không ngừng đề cao cuốn “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” của một nữ bác sĩ Hà Nội chết trong cuộc chiến tranh Nam Bắc. Đây là một tài liệu tịch thu trên đường hành quân,  được một hạ sĩ quan thông dịch người Việt giao cho một sĩ quan Mỹ cất giữ. Cao điểm mới của đợt đề cao này là sách được dịch, in tại Mỹ và nhà nước CSVN bỏ tiền quay thành phim.

  Đúng ngày 9-11 -ngày khủng bố tấn công nước Mỹ- nhà xuất bản Random House vừa cho ra mắt sách "Last Night I Dream of Peace: The diary of Đang Thuy Trâm" do Andrew. X. Pham dịch từ 'Nhật Ký Đặng Thùy Trâm' với lời đề tựa của Frances Fitzgerald. Cùng lúc, cuốn phim vừa được khởi quay tại Việt Nam. Thủ tướng CSVN, nhân dịp này, yêu cầu báo chí tìm cho ra người hạ sĩ quan “ngụy” đã góp phần giữ cuốn nhật ký để ghi công. Câu chuyện sau đây, kể về người hạ sĩ quan thông dịch từng là tù nhân 8 năm tại trại Gia Trung, hiện là một cư dân vùng Little Saigon.

Từ cả năm nay, sách báo trong nước Việt Nam không ngừng đề cao cuốn “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” của một nữ bác sĩ Hà Nội chết trong cuộc chiến tranh Nam Bắc. Đây là một tài liệu tịch thu trên đường hành quân,  được một hạ sĩ quan thông dịch người Việt giao cho một sĩ quan Mỹ cất giữ. Cao điểm mới của đợt đề cao này là sách được dịch, in tại Mỹ và nhà nước CSVN bỏ tiền quay thành phim.

  Đúng ngày 9-11 -ngày khủng bố tấn công nước Mỹ- nhà xuất bản Random House vừa cho ra mắt sách "Last Night I Dream of Peace: The diary of Đang Thuy Trâm" do Andrew. X. Pham dịch từ 'Nhật Ký Đặng Thùy Trâm' với lời đề tựa của Frances Fitzgerald. Cùng lúc, cuốn phim vừa được khởi quay tại Việt Nam. Thủ tướng CSVN, nhân dịp này, yêu cầu báo chí tìm cho ra người hạ sĩ quan “ngụy” đã góp phần giữ cuốn nhật ký để ghi công. Câu chuyện sau đây, kể về người hạ sĩ quan thông dịch từng là tù nhân 8 năm tại trại Gia Trung, hiện là một cư dân vùng Little Saigon

Hắn với tôi là bạn đồng tù, cùng ở trại Gia Trung trên Gia lai Kôngtum. Đây là trại cải tạo hắc ám nhất của cụm trại giam phía Nam, kể từ Quảng trị đổ vào. Thành phần bị giam thì đủ mọi diện, tuy không có cấp bậc rõ rệt như bên Cảnh sát hoặc Quân đội, nhưng về mặt nguy hiểm thì được các giới chức Hà nội đánh giá là không cần phải chuyển ra Bắc, nhưng cần cho cải tạo lâu dài tại miền Nam.
Họ là ai" Đủ loại: Văn nghệ sĩ, giáo sư, các cấp chỉ huy chế độ cũ, đa phần là thành phần bị coi là có liên hệ với Mỹ, liên hệ vì làm thông dịch, thám báo, biệt kích cho Mỹ, liên hệ vì đã được đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở Mỹ, có dính líu đến hoạt động của tình báo, văn hóa Mỹ, hoặc đã giúp việc cho các lực lượng đồng minh của Mỹ v.v...

Hắn với tôi không quen biết nhau từ ngoài, quê quán lại kẻ ở Saigòn, người ngoài Đà nẵng, nhưng đến tuổi động viên thì hắn và tôi cùng hoạt động ở miền cận sơn Quảng ngãi dọc từ Chu lai dến Đức phổ, Trà bồng. Hắn là thông dịch viên cho Ban Quân báo thuộc Sư đoàn Không kỵ Mỹ, bản doanh đóng tại Chu lai. Còn tôi là một biệt kích của lực lượng thám báo Mỹ, đóng dọc biên giới bên sườn phía đông Trường sơn. Hắn có cấp bậc vì do bên quân đội biệt phái ngang cấp Trung sĩ, còn tôi do Mỹ trả lương nên coi như tương đương cấp Trung đội trưởng. Nói cụ thể, sau chiến tranh, hai thằng tôi nếu kể là có "tội với nhân dân" thì sau hai tuần cải tạo là được về, giống như đa phần các hạ sĩ quan trong quân đội miền Nam. Nhưng chỉ vì dính líu đến Mỹ, nên hắn lãnh "án" trên 8 năm, còn tôi cộng thêm 3 năm vượt biên nên hơn hắn hai năm có lẻ.

Ra tù hắn tìm đường vượt biên vì cô vợ đã sang Mỹ trước. Tôi thì mấy lần không thoát lại chẳng thuộc diện gì nên đành ở lại đắp đổi làm ăn. Cũng may lấy được cô vợ con nhà lành cùng bị bắt khi vượt biên nên khi ra tù hai vợ chồng chí thú làm ăn nên giờ này hai tụi tôi thuộc loại khá. Hai vợ chồng cũng có dịp đi đây đi đó do công chuyện làm ăn. Nhưng lần này trùng dịp Hà nội hội nhập với nền kinh tế thế giới nên tôi được cấp hộ chiếu du lịch Mỹ ba tháng. Phỏng vấn không mấy khó khăn vì là cựu nhân viên sở Mỹ, chỉ tiếc là vợ không được đi vì sợ hai vợ chồng dưới 60 cùng đi e sẽ ở lại (").
Bạn bè bà con tôi ở Mỹ cũng nhiều, nhưng tôi muốn tìm và gặp hắn vì những kỷ niệm gắn bó trong tù,  vả lại hắn lại ở ngay quận Cam nên cũng dễ tìm. Nhưng tìm được hắn đã khó, gặp được hắn lại càng khó hơn nếu không có anh B. là bạn của cả hai thằng khi còn ở chung trại. Tôi đã muốn nản thì hắn hẹn gặp tôi ở khu Phước Lộc Thọ vào một sáng chủ nhật.

Thằng cháu thảy tôi xuống khu Parking, hắn đã chực sẵn. Hai đứa nhận nhau không mấy khó khăn vì tướng tá hắn vốn đô con. Hắn bốc tôi lên xe, rồi lái thẳng ra một xa lộ dọc bờ biển, hắn nói là Newport Beach.

Xe dừng ở một quán cà phê gần bãi biển, hai đứa tìm một chỗ ở góc vắng. Hắn hỏi tôi vài câu xã giao, chuyện của hắn và gia cảnh thế nào hắn chưa kịp nói. Đi thẳng vào câu chuyện, hắn cho biết mấy tháng gần đây hắn như là kẻ bị săn đuổi, hắn đang là con "mồi" của cả hai phía, một ở trong nước, một ở hải ngoại. Tôi vốn không thích mấy chuyện chính trị, lại ở thế kẹt vì hết hai tháng tôi còn quay về, vợ con tôi còn ở bên kia bờ đaị dương, nên tôi hỏi hắn có gì nguy hiểm cho hắn không và có thể liên lụy gì đến tôi không. (Tuy chưa biết đầu đuôi câu chuyện, nhưng trong óc tôi nghĩ biết thế khỏi đi gặp thằng cha này cho xong, bạn bè bà con mình thiếu gì người mình chưa gặp)

Như đoán được tâm tư tôi, hắn trấn an ngay, "chuyện thì dài dòng, nhưng cậu cứ yên tâm vì tôi muốn giãi bày để cậu khỏi hiểu lầm tại sao tôi có vẻ khó khăn mới cho cậu gặp".

Hai đứa cùng châm điếu thuốc, hắn biết tôi hút nhiều hơn ăn, còn hắn mới hút lại vì tâm tư bất ổn. Chợt hắn hỏi tôi, "cậu còn nhớ cái vụ cuốn nhật ký của con bé VC ở Quảng ngãi không" Tôi đã kể cho cậu nghe hồi ở Gia trung rồi đó."

Tôi không để ý lắm vì ra tù là lo vượt biên, lại không thuộc mấy cái diện có thể sang Mỹ, nên nói cho ngay mấy chuyện trong tù có ai nhắc thì nhớ, chứ còn thì chỉ muốn quên cho đỡ nhức đầu. Rít xong một hơi thuốc dài, tôi nhớ mài mại là hắn có vẻ "si tình" con bé Bắckỳ này và có kể khá nhiều tình tiết liên quan đến một cuốn nhật ký của đơn vị Mỹ tịch thu được trong một cuộc hành quân tại vùng Đức phổ (Quảng ngãi) nơi gần Trại tôi đóng hồi cuối thập niên 60. Nhưng trước hết cần tìm hiểu thêm về hắn thì mọi chuyện mới có sự nối kết...

Hắn là người Saìgon, con của một gia đình khá giả. Lúc nhỏ hắn học chương trình Pháp (được các thầy ở Taberd gọi hắn là Henry), sau chuyển sang chương trình Việt. Không ham học lắm nên hắn rớt tú tài, nhưng ngoại ngữ thì giỏi cả Anh lẫn Pháp.

Đến tuổi động viên đòi bằng cấp hắn chỉ đi được hạ sĩ quan, nên hắn thi vào khóa thông dịch viên của quân đội và đồng hóa cấp bậc trung sĩ. Hồi đó có câu đồng dao, "Rớt tú tài anh đi trung sĩ / Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con". Hắn cũng đi trung sĩ, nhưng nhà hắn khá giả lại chưa lấy vợ, nên hắn tình nguyện ra phục vụ tại miền Trung, được Quân đoàn I cho về làm thông dịch viên cho toán quân báo sư đoàn Cọp Bay của Mỹ đóng tại Chu lai.

Nhiệm vụ của hắn là làm công tác phiên dịch khi bắt được các tù binh cộng sản, bất kể chính qui xâm nhập hay cán bộ địa phương. Tuy không trực tiếp trận mạc nhưng cũng khá nguy hiểm khi bay trực thăng đến làm công tác phân loại tù binh ngay tại chiến trường. Hết hành quân, hắn làm việc tại hậu cứ cùng với các sĩ quan Mỹ, chủ yếu là dịch thuật các tài liệu tịch thu được tại chiến trường, kể cả các thư từ, nhật ký viết tay của các cán binh hi sinh tại trận địa.

Hắn tuy là một hạ sĩ quan, nhưng Mỹ họ coi hắn như một chuyên viên (specialist) được ra vào tự do các PX để mua đồ và ăn uống với các sĩ quan Mỹ tại câu lạc bộ sư đoàn. Hắn được sự nể trọng của phía đối tác vì lối làm việc không kể giờ giấc lại rất hiệu quả trong công tác dịch thuật. Hắn đã được tưởng thưởng một huy chương Mỹ và phía Việt nam tặng hắn một bằng tưởng lục khi trực thăng của hắn bị bắn hạ gần quận Đức phổ trên đường đi công tác. May mà hắn nhảy ra được lúc trực thăng bốc cháy, chứ không thì hắn khỏi cần đi cải tạo và lưu lạc sang tới đất Mỹ.

Ngoài giờ làm việc, để đỡ nhớ nhà, hắn hay đem từ văn phòng về các lá thư hoặc nhật ký của cán binh Việt cộng xâm nhập. Trên nguyên tắc không được đem các loại tài liệu này về phòng, nhưng hắn lấy cớ cần đọc trước để dịch cho sát nên Mỹ họ cũng lờ đi.

Bản thân hắn không thích chiến tranh, tất nhiên đi quân dịch cũng là miễn cưỡng, nên hắn có cái nhìn hơi khác với các người lính chiến thực sự. Lại ở tuổi thanh niên chính hắn cũng còn nhiều mơ ước chưa thực hiện được nên hắn có một sự đồng cảm nào đó với những người cán binh trẻ thuộc phía bên kia. Hắn thấy thương các thanh niên Hà nội phải vượt Trường sơn chịu cảnh xa nhà, xa người thân, người yêu, hi sinh những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi học trò để rồi trong một khoảnh khắc nào đó phải chịu kiếp "sinh Bắc tử Nam" bỏ thân nơi rừng già, nơi vực sâu, núi thẳm.

Hắn lại tự so sánh dù sao hắn cũng còn có những kỳ phép ngắn để về thăm cha mẹ, anh em, còn những số phận "xẻ dọc trường Sơn đi đánh Mỹ" thì ôi thôi đi là tử biệt về là thiên thu! Hắn đọc nhiều lá thư, nhiều đoạn nhật ký có lần hắn đã khóc vì thấy tâm tư họ trong sáng quá, tình cảm trung thực quá, nỗi nhớ ra riết quá, ngây thơ nghe theo tiếng gọi của đảng, của tổ quốc để rồi cứ gọi là đi, biết đi là chết. Tất nhiên cũng có những trăn trở, cay đắng, thậm chí bất mãn vì những yếu tố gian khổ, chết chóc trên đường hành quân, khi phải đi tới một vùng đất chưa hề đặt chân, một mục tiêu chưa hề biết đến, một kẻ thù chưa hề trực diện, một chân trời ấp ủ vẫn còn nằm bên kia bờ ảo vọng.

Càng đọc hắn càng tin vào cái suy nghĩ của hắn, chiến tranh là hủy diệt, chính nghĩa là một chiều, con người là công cụ, và đất nước Việt nam của hắn chẳng qua chỉ là bãi chiến trường của hai ý thức hệ. Có điều hắn ngạc nhiên là các thanh niên được đào tạo trong lòng chế độ cộng sản lẽ ra phải cứng cỏi, sắt đá, nhưng trong tâm tư tình cảm sao vẫn thấy giống như hắn và tuổi trẻ miền nam. Từ đó hắn nghiệm ra rằng lẽ ra các nhà lãnh đạo nên để dành những thế hệ này cho sự phồn vinh của Tổ quốc, cho con Hồng cháu Lạc có dịp nở mày nở mặt với năm châu thay vì đốt cháy tuổi trẻ của họ bằng những ngôn từ sặc mùi hận thù sắt máu, đẩy đưa họ vào chốn hủy diệt đọa đầy.

Trong tâm trạng ấy, một hôm tình cờ lục trong đám tài liệu mới tịch thu, hắn để ý có một cuốn nhật ký viết tay, ngoại hình còn nguyên vẹn, chữ nghĩa sạch sẽ dễ coi, khá dày, trình bày trang trọng, lại có hình ảnh kèm theo. Tác giả là một cán bộ xâm nhập, một nữ bác sĩ người Hà nội tên TR.

Không giống những lần đọc các cuốn nhật ký khác, lần này cuốn sách làm hắn trằn trọc khó ngủ mất mấy đêm.Thật sự về nội dung chưa hẳn có gì đặc biệt hơn so với một số nhật ký của các cán binh trẻ, thì cũng vẫn là tâm tư, nguyện vọng, mơ ước tuổi thanh xuân, mối tình học trò dang dở, niềm thương nỗi nhớ bà con chốn quê, cũng đề cập đến sứ mạng đảng giao, lý tưởng thanh niên, tình đồng đội, đoàn viên trong đơn vị, những gian khổ trên lộ trình xâm nhập, những bất trắc khi vào đất địch...

Hình như cán binh nào cũng có thể viết và đa phần họ thích viết vì không còn phương tiện nào có thể giải tỏa được tâm tư, nỗi niềm của họ. Cảnh sống nay chết mai trước mắt khiến họ viết để ít ra cũng coi như kỷ vật gửi lại người thân nếu quả thật những kỷ vật này còn đến tay người thân. Có sự trùng hợp là những người lính của cả hai miền đều thích viết thư, loại "tình thư của lính" của các chiến sĩ miền nam với "ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/ thư của lính viết giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy" đã thể hiện nỗi niềm thương nhớ lúc dừng quân ngay trên những con đường mòn mà cả hai bên đang tìm và diệt nhau.

Trở lại cuốn nhật ký, hắn vẫn cảm thấy có gì đặc biệt vì tác giả là người nữ trí thức trẻ, dân Hà nội, xuất thân cũng gia đình trí thức, lại công tác ngay tại một trạm xá vừa là nơi chữa trị vừa là trạm giao liên cho cán bộ địa phương, một địa bàn ác liệt bất phân thắng bại trong suốt cuộc chiến. Hắn đọc xong, tuy thầm phục cô gái có ý chí và nhiệt tình tuổi trẻ, nhưng cũng có vài đoạn làm hắn "nóng mặt" vì cô mang quan điểm của một đảng viên cuồng tín, nhưng dù sao hắn cũng muốn giữ nó làm kỷ niệm. Trong đầu hắn còn có ý định một khi chiến tranh chấm dứt, nếu hắn còn sống, hắn sẽ tìm cách liên lạc và trao lại cho gia đình cô gái. Nhưng rồi hắn sợ, hắn không dám giữ, vì tài liệu này thuộc loại "classified' (Kín), không được phổ biến, lưu giữ khi chưa có lệnh, vi phạm sẽ bị phạt theo quân kỷ, cấp hắn lại nhỏ hắn hiểu điều này. Nhưng nếu hắn không giữ thì tài liệu loại này cũng sẽ bị đốt khi khai thác xong. Hắn trăn trở làm sao phải giữ lại nó.

Hắn biết lính Mỹ thích có một cái gì làm lưu niệm khi mãn nhiệm kỳ (tour of duty) ở Việt nam. Người thì lấy một mảnh cờ rách của đối phương ngoài trận địa, kẻ thì giữ một cái ruột tượng đựng gạo của một anh cán binh vô tri vô giác, miễn nó là một vật thể có dính vết máu càng tốt, để khi về Mỹ còn "khoe" với bà con lối xóm đã từng trực tiếp tham gia trận đánh này, cuộc chạm địch kia. Cũng vì vậy mà bọn con buôn Sài gòn đã in lậu cờ Mặt trận hoặc sao vàng đem bày bán chui ở lề đường Tự do, Lê Lợi cho lính Mỹ sắp ra phi trường Tân sơn nhất lên đường về nước.

Hắn nghĩ ngay đến viên sĩ quan hắn làm việc dưới quyền, Trung úy Fred Smith. Biết anh này sắp mãn nhiệm kỳ một năm tại Việt nam, hắn gợi ý cuốn nhật ký này không nên đốt, có nhiều cái hay hay hắn dịch lại cho Fred. Fred có vẻ thích thú, chưa kể bản thân tác giả và hình ảnh của nó làm cho anh ta có phần lưỡng lự không muốn thiêu hủy. Thế là ý đồ của hắn ít nhất thành công được nửa phần. Nửa phần còn lại chờ cận ngày Fred giã từ đơn vị. Là người bảo quản các loại tài liệu tịch thu, hắn tạm cất nó trong tủ sắt.

Anh chàng Fred này gần đến ngày về chỉ mong an toàn rút khỏi Việt nam. Mọi việc anh ta nghe nhiều hơn cho ý kiến, nên việc điều hành anh ta để cho hắn lo chờ viên sĩ quan mới thay chân. Trong lòng hắn vẫn có cảm tình với anh Mỹ trẻ này, vừa hạp nhau trong công tác, vừa hay tâm sự chuyện bên kia nửa vòng trái đất, một nơi mà hắn ước mong có dịp đặt chân đến tuy chỉ là viển vông. Vốn hiếu khách Fred có ngỏ lời mời hắn thăm gia đình khi hết chiến tranh. Hắn ậm ờ ghi địa chỉ,  cũng chẳng ngờ sẽ sử dụng nó vào một ngày nào đó.

Fred về nước, mang theo cuốn nhật ký như hắn mong đợi, không quên dặn với là có dịp Fred cố liên lạc với gia đình người quá cố. Chờ hai bên Mỹ-Việt quan hệ bình thường quá lâu, Fred ghi lại địa chỉ Hà nôi, rồi đem tặng cuốn nhật ký cho thư viện của một đại học lớn ở Texas, nơi chuyên đề lưu giữ, trưng bày các tài liệu, hiện vật trong chiến tranh Việt nam. Sách đi nhưng Fred vẫn giữ được bản sao, kèm phần dịch thuật không chuyên của người chị dâu, cũng là một thiếu nữ Việt nam mà anh của Fred yêu và kết hôn trước khi về nước. Gia đình này có vẻ có duyên với Việt nam. Chuyện cuốn nhật ký tạm chìm trong ký ức của cả Fred lẫn hắn, tất nhiên dòng đời đưa đẩy còn nhiều chuyện phải lo.

*

Cà phê đã cạn, thuốc hút đã tàn, tạm quay sang chuyện khác. Hai đứa thả bộ dọc bãi biển.
Tôi nói chuyện của tôi, hắn kể chuyện của hắn, hai bên lại trở về âm vang của những ngày lao đao thuở trước. So với tôi bên Việt nam,  chưa chắc hắn đã khá hơn. Sang tới Mỹ hắn cũng long đong lắm, vợ thì đã có gia đình khác, công việc thì không có bằng cấp nên chỉ làm lương đủ sống, đôi khi dư dật chút đỉnh, bù lại có lúc bị lay off. Hắn ăn trợ cấp thất nghiệp mất hai năm.

Cho đến lúc gặp tôi, hắn mới đi làm lại được gần một năm. Cô vợ mới với hắn có một mặt con, hai người đến với nhau do cô vợ tỏ tình thương cảm khá mặn mà với hắn, nói chung là cuộc sống hạnh phúc, ổn định.

Tôi hỏi còn ông bạn Fred giờ ở bang nào, mặt hắn tỏ vẻ xúc động cho biết không ngờ "thằng ấy" tốt thật, anh ta tuy ở bên miền Đông nhưng đã lo cho hắn từ A tới Z khi hắn đến Mỹ, lại an ủi hắn chuyện tình cảm và giúp hắn xin lại việc mỗi lần lay off. Hai bên vẫn trao đổi diện thoại thường xuyên, nhưng cũng vì Fred mà hắn đang lâm vào cảnh khó xử hiện nay.
*

Quan hệ Việt-Mỹ trở lại bình thường. Các cựu binh trong cuộc chiến có thể ghé thăm Việt nam, thậm chí muốn thăm lại chiến trường xưa cũng không ai cấm. Fred chờ đợi ngày này.

Sau khi nhờ tòa đại sứ Mỹ ở Hà nội xác nhận địa chỉ, hai anh em Fred lên đường sang Việt nam, thăm ai thì khỏi cần phải đoán. Để dành sự bất ngờ cho người được thăm, Fred và Mike thuê chiếc xích lô đến ngay địa chỉ của mẹ cô TR.

Sau khi tự giới thiệu, chào hỏi, bà mẹ vốn là một dược sĩ nên cũng hiểu đôi chút tiếng Anh và biết là họ trao một kỷ vật của con gái bà đã hi sinh cả ba chục năm. Bà cố trấn tĩnh gọi ngay cho con gái út, nói giỏi tiếng Anh về ngay để làm thông dịch. Cuộc họp mặt bất ngờ sưởi ấm tâm tình của cả đôi bên. Nội dung trao đổi khiến cả hai bên đều tỏ ra lưu luyến, hẹn nhau gặp lại.

Cuộc gặp gỡ được đăng trên báo Phụ nữ Hà thành, vì cô út làm việc ở đây. Thành đoàn biết là vấn đề nhạy cảm xin chỉ đạo ở trên để làm thủ tục xin phép... cho in. Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do Vương Trí Nhàn biên tập -có nghĩa là sửa chữa, thêm bớt, sắp đặt lại- được Hội Nhà Văn xuất bản và kịp phát hành nhân kỷ niệm ba mươi năm chấm dứt cuộc chiến.

Cuốn nhật ký gây tiếng vang lớn trong giới thanh niên, nhiều người tò mò tìm đọc. Nhân vật Mỹ có công lớn là Fred thì không nói làm gì, nhưng anh không muốn nhận "công" một mình, mà lại kéo theo cái tên của ông bạn mình là chàng Henry, người hạ sĩ quan thông dịch năm xưa. Anh gán cho hắn đã phát ngôn một câu khiến anh không thiêu hủy cuốn sách đại loại, "Đừng đốt, trong ấy tự nó đã có lửa!"

Khi nghe kể lại tôi hỏi hắn chữ nghĩa ở đâu mà cậu nói văn hoa quá vậy. Hắn thực thà nói không nhớ rõ, nhưng hắn có nói lửa nhiệt tình tuổi trẻ trong con người của cô gái khi dịch sơ cho Fred nghe.
Ấy vậy mà câu nói để đời ấy dẫn đến sự tồn tại của cuốn sách khiến ông Thủ tướng CSVN viết thư cho Ban biên tập với gợi ý là cần tìm ra viên trung sĩ "ngụy" này để biểu dương. Tờ báo Tuổi Trẻ đi tiên phong trong cuộc truy lùng. Chắc họ cũng tưởng hắn còn ở Việt nam, trung sĩ thì chỉ đi cải tạo ít ngày, giờ 'đánh bóng" hắn thì một công đôi việc quảng bá luôn cho cuốn sách. Có ngờ đâu hắn đã đi Mỹ, hắn đã trải qua tám mùa thu cao nguyên vì hưởng ứng cái chính sách khoan hồng trước khi tìm đường xa xứ.

Câu chuyện đến đây, hắn thú thật đang lâm vào cái thế kẹt. Vì chẳng phải tìm đâu xa, cứ hỏi Fred là tìm ra tông tích của hắn, ít nhất là một đầu mối quan trọng. Còn giả sử hắn còn ở trong nước thì vô phương tìm ra hắn vì hắn sẽ chẳng bao giờ đọc lại cuốn sách này. Xét cho cùng, nếu được nhà nước vinh danh hắn, tặng thưởng hắn thì vinh dự nỗi gì. Hắn đã đánh mất tuổi trẻ, một thời cho chế độ cũ, một thời dài hơn cho chế độ mới. Hắn đã mất mẹ khi còn trong tù, hắn đã mất vợ khi đến Mỹ. Nay hắn chỉ muốn yên thân làm ăn. Đúng, hắn cũng chỉ mơ ước "hòa bình" cho bản thân bên cạnh vợ con, có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống tự do, có đầy đủ nhân quyền nhân phẩm.

Có lúc hắn cũng tự nghĩ nếu hắn có công cứu sống được cô gái thì có thể hắn sẽ "chường mặt" để nhận sự biết ơn, đằng này người chết chẳng lấy lại được, cuốn sách cũng chỉ là an ủi phần nào nỗi trăn trở của người còn sống, đặc biệt là Mẹ của TR, một người hắn chưa được một lần gặp mặt, nhưng có lòng kính trọng sâu xa bà mẹ Việt nam này. Một bà mẹ hơn hai mươi năm chăm sóc cho người chồng bại liệt cùng nỗi nhớ thương quay quắt đứa con gái yêu quí của mình suốt hơn 1/3 thế kỷ.

Chuyện càng ngày càng thêm phức tạp, ly kỳ. Nghe đâu cuốn nhật ký đã được dịch sang tiếng Anh, hiệu đính và bổ sung thêm vơi cái tựa đề "Đêm qua em mơ thấy hòa bình", được nhà xuất bản Random House in ấn. Chưa hết, nhà nước còn cấp ngân phí cho dự án sản xuất một cuốn phim mang tựa đề trùng hợp với câu nói để đời về lửa trong cuốn nhật ký được Fred gán cho hắn. Một phần ngoại cảnh đang được quay bên kia miền Đông. Nghe đâu Fred được chọn đóng cho chính vai của anh. Tất nhiên thế nào chẳng có viên trung sĩ "ngụy". Vai TR thì chưa chọn xong, bà mẹ ra điều kiện không chọn các cô gái "chân dài", con bà phải được thể hiện bằng một cô gái có học thức, đoan trang, có bản lãnh tuổi trẻ. Cộng đồng quận Cam đang theo dõi sát diễn biến của công tác tuyên vận hải ngoại có một không hai này.

Còn hắn, quả tình hắn không muốn liên lụy thêm, hắn không muốn trở thành một "Trần Trường II". Xin cám ơn những lời tán tụng, nếu kể là hắn có công thì như vậy đã đủ cho hắn rồi. Cũng đừng hiểu lầm về con người hắn, trước sau hắn vẫn là người tị nạn và hắn muốn sống yên thân trên đất nước tạm dung này.

Sau phút hàn huyên, hai người bạn đồng tù đi ăn trưa ở một nhà hàng trên đường Beach. Họ chia tay nhau trước lúc lên đèn.

Trên đường về nơi tạm trú, tôi thở phào  và thông cảm cho hoàn cảnh của hắn, chuyện chẳng có gì nguy hiểm. Ít ra hắn đã có người để tâm sự, một điều lẽ ra Fred phải hiểu và giúp hắn.

T/g Xuân Đỗ

Source:   http://vietbao.com/a164090/han-va-cuon-nhat-ky-dang-thuy-tram

No comments:

Post a Comment