Friday, December 12, 2014
Ngày cuối cùng của một Tư lệnh tại căn cứ Tân Cảnh, Mùa Hè 72 _T/g Vương Hồng Anh
Trong loạt bài “Chiến trường Việt Nam, 30 năm nhìn lại”, khi trình bày về diễn tiến từng ngày trận chiến tại Cao nguyên trong mùa hè 1972, VB đã lược trình về một số trận giao tranh giữa 2 sư đoàn CSBV và 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 BB tại các phòng tuyến Tân Cảnh, Dakto.
Trước sự áp đảo về quân số của đối phương và lại không được sự yểm trợ về Không quân chiến lược của Hoa Kỳ, mà nguyên nhân chính là vị cố vấn trưởng Quân đoàn lúc bấy giờ thiếu thiện ý với vị tư lệnh Sư đoàn 22 BB, nên các đơn vị Sư đoàn 22 BB đã bị tổn thất nặng trong các trận kịch chiến với CQ. Dù bị bức tử tại Tân Cảnh, nhưng quân sĩ Sư đoàn 22 BB, từ anh binh nhì khinh binh đến vị tư lệnh Sư đoàn, đã tử chiến đến giờ phút cuối của cuộc chiến.
Trong tinh thần kỷ niệm 35 năm ngày Quân lực 19-6, thể theo yêu cầu của một số đông bạn đọc, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày một số sự kiện chiến trường đã đi vào quân sử, qua đó, chúng ta thấy được tinh thần chiến đấu vì đại nghĩa của người lính VNCH trong hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử. Trong kỳ báo này, VB trân trọng giới thiệu bài tường trình chi tiết về mặt trận Tân Cảnh và cố tư lệnh Sư đoàn 22 BB Lê Đức Đạt, vị sĩ quan cao cấp đã tự sát để giữ tròn khí tiết của một tư lệnh chiến trường. Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của cựu đại tá Trịnh Tiếu, nguyên trưởng phòng 2 Quân đoàn 2, loạt bài của trung tướng Ngô Quang Trưởng và một số sĩ quan cao cấp viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Phan Anh, một số bài viết trong tạp chí KBC, tài liệu riêng của VB.
***
Mặt trận Tân Cảnh và tư lệnh chiến trường: từ thiếu tướng Lê Ngọc Triển đến đại tá Lê Ðức Ðạt
Trước những tín hiệu báo động về các cuộc chuyển quân ồ ạt của CSBV vào tháng 2/1972, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã tăng cường lực lượng phòng thủ ở mặt trận phía Bắc tỉnh Kontum: trung đoàn 47 Bộ binh/Sư đoàn 22 Bộ binh cùng với bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn, và một thành phần Tiếp vận từ Bình Ðịnh lên khu vực Tân Cảnh Daktọ Tại Tân Cảnh, bộ tư lệnh Tiền phương đóng chung với bộ chỉ huy trung đoàn 42 Bộ binh-một trong 4 trung đoàn cơ hữu của sư đoàn- đã đóng quân tại đây từ trước. Căn cứ này gần ngã ba Quốc lộ 14 và Tỉnh lộ 512. Toàn bộ cuộc chuyển quân hoàn tất vào ngày 8 tháng 2/1972. Ðến ngày 1 tháng 3/1972, thiếu tướng Lê Ngọc Triển-tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh bàn giao chức vụ chỉ huy sư đoàn này cho đại tá Lê Ðức Ðạt tư lệnh phó Sư đoàn để về bộ Tổng Tham mưu nhận chức tham mưu phó Hành quân.
Ngay sau khi nhận chức tư lệnh, Ðại tá Ðạt đã điều động các phòng tham mưu chính lên Tân Cảnh, bộ Tư lệnh Tiền phương trở thành bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn.
Theo lời kể của cựu đại tá Trịnh Tiếu, nguyên trưởng phòng 2 Quân đoàn 2 và của một số sĩ quan cao cấp Sư đoàn 22 Bộ binh, khi đảm nhận chức vụ tư lệnh Sư đoàn, đại tá Lê Ðức Ðạt đã không có được yểm trợ của cố vấn trưởng Quân đoàn 2 Paul Vann như ông ta đã dành cho đại tá Lý Tòng Bá, tân tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, lại còn bị vị cố vấn này gây nhiều khó khăn trong chỉ huy và điều hợp các đơn vị.
Như chúng tôi đã trình bày sơ lược trong loạt bài "Chiến trường Việt Nam, 30 năm nhìn lại", do bất bình với trung tướng Ngô Du, tư lệnh Quân đoàn 2,ddã không sắp xếp nhân sự giữ chức tư lệnh Sư đoàn 22BB theo ý của cố vấn trưởng, ông Paul Vann đã từ chối yêu cầu của tướng Du về kế hoạch dội B 52 "dập nát" hai sư đoàn Cộng quân đang bao vây Sư đoàn 22 Bộ binh, dẫn đến hậu quả là sư đoàn này đã bị bức tử.
Theo các tài liệu tổng hợp, chi tiết về chuyện bất đồng này đã diễn ra như sau: vào tháng 2/1972, ông Paul Vann với chức danh cố vấn trưởng Quân đoàn 2 đã yêu cầu trung tướng Ngô Du phải thay thế hai vị tướng đang giữ chức tư lệnh hai sư đoàn của Quân đoàn 2: thiếu tướng Lê Ngọc Triển-tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh và chuẩn tướng Võ Văn Cảnh-tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh (tướng Cảnh thăng thiếu tướng vào tháng 4/1974 khi đang giữ chức vụ phụ tá đặc biệt của Tổng trưởng Nội vụ).
Lý do Ông Paul Vann đưa ra là hai vị tướng này đã lớn tuổi cần được thay thế bởi các sĩ quan trẻ hơn. Vị cố vấn trưởng Quân đoàn đề nghị đại tá Lý Tòng Bá và đại tá Lê Minh Ðảo thay tướng Triển và tướng Cảnh. Sự tiến cử của ông Paul Vann đã không được trung tướng Ngô Du đồng ý.
Tướng Du nói với ông Paul Vann rằng việc bổ nhiệm tư lệnh Sư đoàn là do Tổng thống VNCH quyết định, hơn nữa hai tướng Triễn và Cảnh không phạm lỗi gì, nên không thể đề nghị thay đổi được.
Tuy nhiên ông Paul Vann làm áp lực đòi trung tướng Du phải thay thế hai vị tư lệnh Sư đoàn. Tướng Ngô Du hỏi tại sao ông Paul Vann lại nằng nặc đề cử đại tá Bá và đại tá Ðảo mà ông đề cử một số đại tá trẻ và giỏi đang phục vụ tại Quân đoàn 2, vị cố vấn trưởng này trả lời: Ðại tá Lý Tòng Bá và đại tá Lê Minh Ðảo là các sĩ quan trẻ, năng động và kinh nghiệm chiến trường mà tôi đã biết tại Quân đoàn 3.
(Ông Paul Vann nguyên là trung tá Cố vấn trưởng Sư đoàn 7 Bộ binh trong thời gian 1961-1962, thời kỳ tướng Huỳnh Văn Cao còn là đại tá tư lệnh Sư đoàn, sau đó, ông giải ngũ và về Hoa Kỳ. Năm 1966 ông trở lại Việt Nam, từ 1967-1969, với tư cách là quan chức dân chính cao cấp của Hoa Kỳ, ông chỉ huy cơ quan CORDS tại Vùng 3 chiến thuật, khi được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng Quân đoàn 2, ông được hưởng quyền lợi ngang hàng với một thiếu tướng Hoa Kỳ).
Cuối cùng, do tình hình quân sự ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự yểm trợ về Không quân của Hoa Kỳ qua trung gian của Cố vấn Quân đoàn, trung tướng Ngô Du đành phải thỏa mãn gấp các điều kiện của ông Paul Vann, tuy nhiên vị tư lệnh Quân đoàn 2 cũng chỉ thỏa mãn một nửa số điều kiện của ông Paul Vann:
ông đề ghị Tổng thống VNCH bổ nhiệm đại tá Lý Tòng Bá giữ chức tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh thay vì tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh như đề nghị ban đầu của ông Paul Vann, và đại tá Lê Ðức Ðạt-tư lệnh phó Sư đoàn 22 BB giữ chức tư lệnh Sư đoàn này.
Giải pháp 50% của trung tướng Ngô Du vẫn không làm vừa lòng ông Paul Vann, ông rất giận tướng Du vì đã không cử đại tá Lê Minh Ðảo làm tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh khi đại tá Bá đã được đề nghị chỉ huy Sư đoàn 23 Bộ binh. Do đó, ông Paul Vann đã trút tất cả sự bức tức lên đại tá Ðạt.
Theo giải thích của cựu đại tá Trịnh Tiếu thì sở dĩ tướng Du cử đại tá Lê Ðức Ðạt vì đại tá đang là tư lệnh phó Sư đoàn lên thay tư lệnh Sư đoàn là điều hợp lý, hơn nữa đại tá Ðạt rất thân với đại tướng Cao Văn Viên, nên tướng Du nghĩ rằng khi đại tá Ðạt lên làm tư lệnh mặt trận thì đại tướng Viên sẽ yểm trợ tối đa cho đại tá Ðạt. (Cũng cần ghi nhận rằng trong khoảng thời gian 1965, khi đại tướng Cao Văn Viên còn là thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 3 & Vùng 3 chiến thuật thì đại tá Ðạt là tỉnh trưởng/tiểu khu trưởng Phước Tuy với cấp bậc trung tá).
Ngày cuối cùng của đại tá Lê Ðức Ðạt và bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB
Trở lại với chiến trường Tân Cảnh, trước khi Cộng quân mở cuộc tấn công cường tập vào căn cứ này, lực lượng bố phòng tại đây gồm có trung đoàn 42 Bộ binh, hai pháo đội 105 và 155 ly, một chi đội M 41 và một chi đội M-113, một đại đội Công Binh chiến đấu. Ngày 23 tháng 4/1972, lực lượng Cộng quân gồm các đơn vị của sư đoàn 2 CSBV phối hợp với các đơn vị đặc công, thiết giáp CQ thuộc B 3 đã khởi động cuộc tấn công ở vòng đai Tân Cảnh.
Trong ngày 23 tháng 4/1972, Cộng quân đã pháo kích dồn dập vào căn cứ. Ðịch quân mở một trận hỏa công bằng đủ loại pháo, trong đó có hỏa tiễnddây điều khiển Sagger 13 để làm tê liệt các chiến xa và công sự chiến đấu của lực lượng trú phòng. Từng chiến xa M 41 đang nằm trên các vị trí phòng ngự để bảo vệ Trung tâm Hành quân Sư đoàn đều bị trúng đạn. Tiếp đó, vào 10 giờ 30, trung tâm Hành quân cũng bị trúng đạn địch bắn trực xạ, hệ thống truyền tin bị hủy hoại, một số quân nhân thương vong.
Buổi trưa, với sự giúp đỡ của các cố vấn Hoa Kỳ, một trung tâm Hành quân tạm thời đã được thiết lập chung với trung tâm Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh với các máy móc truyền tin lấy từ hệ thống dành cho các Cố vấn. Thế nhưng, đại tá Lê Ðức Ðạt-tư lệnh Sư đoàn đã từ chối cùng với các sĩ quan Hoa Kỳ trong ban Cố vấn Sư đoàn đến làm việc tại trung tâm Hành quân mới, ông ở lại bộ chỉ huy cũ đã bị tan hoang cùng với vị đại tá Tôn Thất Hùng, tư lệnh phó, vài sĩ quan thân tín trong bộ Tham mưu cùng với một máy truyền tin liên lạc.
Buổi chiều, đại tá Lê Ðức Ðạt cho lệnh các pháo đội của Sư đoàn phản pháo vào các vị trí tình nghi là pháo binh của địch đặt súng, nhưng không có kết quả. Cùng lúc đó, từ trung tâm Hành quân mới, các cố vấn Hoa Kỳ đã hướng dẫn Không quân thực hiện phi vụ không yểm, oanh kích vào các mục tiêu của Cộng quânddựa theo báo cáo của các cố vấn trung đoàn. Nỗ lực của các cố vấn Hoa Kỳ vẫn không có hiệu quả do thời tiết quá xấu đã hạn chế phần quan sát, ngoài ra hệ thống phòng không dày dặc của địch đã bắn chận các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của Không quân Việt-Mỹ.
Gần tối, một thành phần đặc công CSBV đã xâm nhập vào vòng đai phi đạo của căn cứ và đặt chất nổ phá hủy một bãi đổ đạn dược gần đường baỵ Trong khi đó, Cộng quân tiếp tục pháo kích dữ dội vào khu vực trung tâm của căn cứ. Vào nửa đêm, các đơn vị của trung đoàn 42 phòng thủ quanh vòng đai căn cứ quan sát thấy 15 chiến xa địch di chuyển theo hướng Nam đến Tân Cảnh. Trong tình hình nguy kịch, nên Sư đoàn 22 khó tiến hành một kế hoạch nào kịp thời để ngăn chận Cộng quân, ngoài trừ một trận pháo ở mức độ nhỏ của Pháo binh và đợt phản pháo dữ dội nhưng không có kết quả của đối phương, trong khi đó hai chiếc cầu trên Quốc lộ 14 ở hướng Nam đến Tân Cảnh vẫn để nguyên vẹn nên chiến xa của địch đã di chuyển dễ dàng trên lộ trình chuyển quân.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 24 tháng 4/1972, 15 chiến xa T 54 của Cộng quân bao vây căn cứ Tân Cảnh, vào lúc này 10 chiến xa M 41 và M 113 bảo vệ bộ Tư lệnh đã bị địch bắn cháy 8 chiếc, 2 chiếc còn lại thuộc Thiết đoàn 22 đã ở trong tình trạng bất khiển dụng vì bị đứt dây xích. Nhận thấy tình hình vô vọng, đại tá Kaplan-cố vấn trưởng Sư đoàn-đã liên lạc khẩn cấp yêu cầu cố vấn trưởng Quân đoàn 2 bay lên cứu ông và toán cố vấn. Khoảng 4 giờ sáng, ông Paul Vann la'l trực thăng trinh sát đặc biệt OH-58 Kiowa-loại mới nhất của Hoa Kỳ đáp xuống một bãi đáp rất nhỏ bên cạnh bãi mìn để bốc đại tá Kaplan.
Trước khi trực thăng đáp xuống, đại tá Kaplan đã đến báo cho đại tá Lê Ðức Ðạt và yêu cầu ông cùng lên trực thăng ứng cứu của ông Paul Vann nhưng đại tá Ðạt đã từ chối. Vị tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh đã biết rõ tình hình rất bi đát, thế nhưng ông vẫn không yêu cầu trung tướng Ngô Du cho trực thăng bay lên cứu.
Ðại tá Ðạt ra lệnh cho tất cả các quân nhân còn lại trong căn cứ tìm cách thoát ra ngoài căn cứ trước khi trời sáng. Ông bắt tay vĩnh biệt các sĩ quan, và đại tá Hùng tư lệnh phó.
Và ông đã ở lại với Tân Cảnh. Theo lời kể của đại tá Kaplan và một số nhân chứng, đại tá Lê Ðức Ðạt đã tự sát sau khi căn cứ bị Cộng quân tràn ngập.
Về các sĩ quan trong bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh vượt thoát ra ngoài căn cứ, một số đã bị địch bắt.
Còn đại tá Tôn Thất Hùng đã thoát được ra ngoài nhưng bị thương, Ông đã cố chạy vào một buôn Thượng gần đó. Nhờ nói được tiếng Thượng rất rành, nên đã được một gia đình người Thượng che dấu, chăm sóc, sau đó dẫn đường đưa ông về đến tỉnh lỵ Kontum sau 15 ngày đi loanh quanh trong rừng. (Ba tháng sau, đại tá Hùng cùng gia đình lên Pleiku để đền ơn gia đình người Thượng này, vào lúc đó đang sống trong trại tỵ nạn bằng một số tiền và vàng rất lớn).
Riêng với đại gia đình Sư đoàn 22 Bộ binh, ngày 24 tháng 4/1972 là ngày mà vị tư lệnh Mặt trận Tân Cảnh mùa Hè 72 đã vĩnh viễn ở lại với chiến trường.
Vương Hồng Anh
http://doanket.orgfree.com/quansu/leducdat.html
http://vietbao.com/a53851/tu-lenh-sd22bb-le-duc-dat-tu-sat-tai-chien-hao
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment