Saturday, January 17, 2015

Người "hùng" An Lộc Mạch Văn Trường, cục cưng của tướng Minh Đờn



During the battle                                                                   After the battle

Chương 8.- TỬ THỦ AN LỘC LÀ QUYẾT TÂM SẮT ĐÁ CỦA TƯỚNG TƯ LỆNH MẶT TRẬN LÊ VĂN HƯNG CŨNG LÀ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH, NHƯNG KẾ HOẠCH TỐI ƯU GIÚP TƯỚNG HƯNG GIỮ VỮNG AN LỘC LÀ CỦA ĐẠI TÁ LÊ QUANG LƯỠNG LỮ ĐOÀN TRƯỞNG LỮ ĐOÀN 1 NHẨY DÙ. _T/g Nguyễn Văn Dưỡng [Bút kí chiến trường]

Tại Thị Xã An Lộc, ngoài các Trung Đoàn 7 và 8 (-) của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, một Tiểu Đoàn Pháo Binh và Đại Đội 5 Trinh Sát bảo vệ Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn (tất cả dưới 2.500 quân), chừng hai Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long (tất cả dưới 800 quân), Chiến Đoàn 33 Biệt Động Quân (hơn 1.500 quân), Chiến Đoàn 52 Sư Đoàn 18 Bộ Binh (400 quân, kể cả thương binh), ngày 14 tháng 4 Tướng Minh cho tăng viện vào Thị Xã Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù (chừng 2.200 quân), và ngày 17 tháng 4, Chiến Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù (chừng 450 quân). Tổng cộng, lực lượng phòng thủ tại An Lộc của Tướng Lê Văn Hưng chừng trên 7.500.


Tại Bộ Tư Lệnh Hành Quân nhẹ của Tướng Hưng, Phòng 3 Hành Quân của Trung Tá Trịnh Đình Đăng ở khu nhà mặt tiền xoay ra đường Nguyễn Huệ bị một hỏa tiển 122 ly rơi trúng, 6 sĩ quan tham mưu của ông tử thương. Phòng 2 Hành Quân của tôi trong cùng một dãy nhà đó cũng có một sĩ quan tử thương. Các sĩ quan tham mưu của Trung Tá Tiểu Đoàn Đ. không còn người nào để làm việc, nên ông cùng tôi và hai sĩ quan cấp Đại Úy của tôi là Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường phải đảm đương việc thu nhặt tin tức hành quân của tất cả các đơn vị để lập quyển nhật ký hành quân cho Sư Đoàn về trận An Lộc.

Sau này quyển nhật ký hành quân này do tôi giữ nên tai họa đổ lây sang cho tôi sau khi Tướng Hưng bị thất sủng…Theo ghi nhận của chúng tôi sau khi liên lạc với toàn bộ các cánh quân phòng thủ thì trong trận tấn công của cộng sản Bắc Việt vào An Lộc ngày 13 tháng 4, tổn thất của bạn là 28 tử thương, 53 bị thương, mất 3 súng cộng đồng và 42 súng cá nhân, địch 169 chết ở các tuyến phòng thủ bạn, 2 bị bắt. Ta tịch thu được 3 súng cộng đồng, 50 súng cá nhân, 2 máy truyền tin, bắn hạ từ 14 đến 16 chiến xa T-54 va PT-76 của địch.

Nên lưu ý là khi trung ương cục miền Nam tung quân tấn công đợt thứ nhất vào thành phố ngày 13 tháng 4.1972 thì Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù và Chiến Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù chưa được tăng viện, quân số phòng thủ chỉ chừng dưới 5.500 người nếu tính cả nhân dân tự vệ võ trang. Trong ngày này, Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù của Đại Tá Lê Quang Lưỡng đang giải tỏa chốt chặn của sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt ở Tàu Ô, vì trận cộng sản Bắc Việt tấn công An Lộc nói trên nên Tướng Minh lệnh cho rút ra để chuẩn bị vào An Lộc tăng cường cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ miền Tây được đưa vào thay thế.

Ở đây, có một điểm cần nêu lên là, trong ngày 13 tháng 4, bởi sự tấn công dữ dội của công trường 9 cộng sản của trung ương cục miền Nam cộng với các đơn vị chiến xa 202 và 203 từ miền Bắc vào và ba trung đoàn pháo của sư đoàn 69, hay 70 pháo, được tăng cường trung đoàn pháo phòng không từ miền Bắc và trung đoàn đặc công 429, các tuyến phòng thủ của trung đoàn 8 (-), trung đoàn 52 (-) và Chiến Đoàn 3 Biệt Động Quân ở mặt Bắc và Đông-Bắc đã phải lui về tuyến phòng thủ thứ hai trong thành phố. Một phần thành phố trong khu vực thương mãi phía Bắc đường Nguyễn Trung Trực và sân bay Đồng Long tạm thời bị địch chiếm giữ, mặc dù có một số chiến xa của chúng bị hạ trong khu vực trách nhiệm của mỗi đơn vị.

Xin tưởng tượng, một thành phố với chiều ngang 1 km và chiều dài 2 km chỉ trong đêm 12 rạng 13 tháng 4, phải chịu từ bốn đến năm nghìn quả đạn đại pháo của cộng sản Bắc Việt thì có nơi nào không bị pháo dội phải ? Binh sĩ phòng thủ và cư dân trong thành phố bị thương rất cao. Bệnh viện tỉnh nằm trước mặt Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn, cách một con đường, bị pháo nhiều đợt. Người bị thương đưa vào đó trong những ngày trước chết nằm la liệt khắp nơi. Có những xác chết rồi bị banh xác thêm một đôi lần nữa. Trước tình cảnh đó, Đại Tá Bùi Đức Điềm,Tham Mưu Trưởng Hành Quân Sư Đoàn, khi dứt tấn công chiến xa, tìm đâu đó được một chiếc xe ủi đất, tự mình lái xe đào những đường rãnh lớn và binh sĩ Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn phụ thu dọn xác chết và các mảnh vụn thi thể cư dân, đem chôn tập thể dưới các đường rãnh này. Binh sĩ đơn vị chết thì chôn tại chỗ bố phòng của đơn vị. Các việc này lập lại nhiều lần suốt trận chiến dài một trăm ngày ở An Lộc. Đại Tá Điềm luôn luôn ở trên chiến trường, trong các hố cá nhân với binh sĩ ở đâu đó khi pháo rộ và đi giám sát đôn đốc binh sĩ mọi nơi trong tuyến phòng thủ của Bộ Tư Lệnh Hành Quân và các đơn vị của Sư Đoàn. Ông là một sĩ quan can trường, cẩn trọng và nhiệt tình. Tôi chưa từng thấy một cấp chỉ huy nào như ông. Chỉ vào đêm tối ông mới xuống nằm cạnh bên tôi trong hầm khi đã hiểu biết vững vàng mọi việc trong ngày trên mặt đất và làm hết sức mình trong ngày.

left align image

Sau trận tấn công này, các đơn vị phòng thủ của Tướng Hưng không thể tản thương, thay quân và tiếp tế đạn dược hay thực phẩm được nữa vì đã mất sân bay Đồng Long, một phần thành phố phía Bắc Thị Xã trong khu thương mãi, và hai ngọn đồi quan trọng ở Đông-Nam Thị Xã là Đồi Gió và Đồi 169. Hệ thống tiếp tế bằng C-47 Chinooks ở sân bay Đồng Long hoàn toàn đình chỉ. Cư dân vẫn sống trong các dãy phố chung với binh sĩ các đơn vị ở những khu vực của tuyến phòng thủ mới và một số lớn chạy về sống tạm bợ cạnh dòng suối cặp đường rầy xe lửa ở khu Đông-Nam Thị Xã. Trong khu vực hành chánh phía Nam Đại Lộ Hoàng Hôn, ở khu vực suối nói trên và ở các khu vực phòng thủ binh sĩ chia xẻ gạo, cơm xấy và thực phẩm với dân. Cũng ghi nhận là trước đó, trong ngày 8 tháng 4, cư dân trong thành phố chừng hơn ba ngàn người tỵ nạn chia làm hai đoàn do một Linh Mục Công Giáo và một Đại Đức Phật Giáo hướng dẫn di chuyển theo Quốc Lộ 13 về Chơn Thành, nhưng vừa qua khỏi đồn điền Xa Trạch bị công trường 7 pháo kích, hàng trăm người chết, bị thương. Xác chết nhầy nhụa trên mặt đường và khu vực chung quanh. Một số chạy ngược về An Lộc, kỳ dư đều bị chúng bắt không còn biết tung tích gì nữa sau đó.

Từ ngày 14 tháng 4 trở đi An Lộc chỉ được tiếp tế bằng thả dù không vận của Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ. Không Quân Việt Nam, trong hai ngày đầu, sau mấy đợt thả đạn dược và thực phẩm khô cho các đơn vị phòng thủ bằng các loại vận tải cơ Faichild C-123 và C-119 bị phòng không cộng sản Bắc Việt bố trí dày đặc bao quanh thành phố xạ kích dữ dội làm thiệt hại 2 chiếc C-123 và mấy chiếc khác bị hư hại, vả lại vì bay cao nên các dù đạn và thực phẩm phần lớn rơi vào khu vực địch kiểm soát. Vì vậy, Không Quân Việt Nam đã phải đình chỉ các hoạt động thả dù tiếp tế cho An Lộc sau 27 phi vụ. Cứu tinh của binh sĩ phòng thủ và số lớn cư dân là nguồn thả dù tiếp tế của đơn vị 347 Tactical Airlift Wing (U.S. 347th TAW). Do hệ thống phòng không của cộng sản Bắc Việt rất mạnh với tầm tác xạ kiến hiệu cao nên các vận tải cơ C-130 H.K. phải bay trên 10.000 bộ khi thả dù tiế́p tế. May mắn là đơn vị này đã tìm được nguyên tắc cho dù mở chậm sau khi thả ra khỏi phi cơ và dù chỉ mở ra cách mặt đất từ 10 m đến 20 m. Nhờ cách thả dù tiếp liệu này nên các lực lượng của Tướng Hưng từ ngày 16 tháng 4 trở đi nhận hơn 95% thực phẩm và đạn dược trừ đạn đại pháo 155 ly và 105 ly, vì cả Tiểu Đoàn Pháo của Sư Đoàn trong Thị Trấn hoàn toàn bị pháo địch phá hủy trong ngày tấn công đầu tiên của chúng, không còn một khẩu nào sử dụng được, nên không tiếp tế đạn pháo.

Tuy nhiên lối thả dù tiếp liệu này cũng rất nguy hiểm cho binh sĩ trú phòng. Sức nặng của mỗi bọc dù thực phẩm hay đạn dược cũng phải từ hai đến ba, bốn, tấn. Dù vừa thả ra khỏi máy bay, chỉ là một chấm nhỏ, chừng chưa đầy ba mươi giây đã xuống đến mặt đất. Mỗt lần thả dù như vậy ít́ nhất cũng phải có đôi ba cộng sự phòng thủ bị dù rớt xập hay mấy chiếc hầm cá nhân bị dù chôn luôn xuống đất lẫn người chiến sĩ trong hầm vì có những chiếc dù chưa kịp mở đã đâm thẳng xuống mặt đất. Và ở tất cả những bãi thả dù này luôn có sự hiện diện của Đại Tá Bùi Đức Điềm. Chính ông là người phân phối thực phẩm, đạn dược theo nhu cầu của các đơn vị. Cấp bậc Đại Tá của ông dĩ nhiên đầy đủ uy quyền đối với các toán tiếp tế của các đơn vị đến bãi nhận phần súng đạn và thực phẩm khô cho đơn vị. Không hề có vấn đề giành giựt thực phẩm bắn nhau ở bãi thả dù, bất cứ khu nào trong thành phố.
Đứng chỉ huy thu nhặt và phân phối thực phẩm ở bãi thả dù nghĩa là phải vừa đội pháo cộng sản Bắc Việt vừa có thể bị đè bẹp, chết tức khắc, bởi những chiếc dù nặng rơi nhanh không thể tưởng. Người ta tâng bốc nhau về công trạng của vị chỉ huy này hay vị chỉ huy nọ. Cũng có người tự tâng bốc chính mình, nhưng tôi hiện diện ở chính chiến trường đó, chỉ thấy những người câm nín làm việc như vị Đại Tá này hay một Hạ Sĩ Truyền Tin của Sư Đoàn, tên Lê Văn Sáu, dù ngày hay đêm, pháo vừa dứt đã thấy anh hết trèo lên trụ điện này đến trụ điện nọ nối lại những mạch điện thoại bị đứt vì pháo kích hay vì bất cứ lý do nào đó, suốt cả một trăm ngày của trận chiến. Tiếc rằng không có một thẩm quyền nào đó cầm chiếc ‘’Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương’’ dúi vào tay Tổng Thống để gắn cho Đại Tá Bùi Đức Điềm hay một Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu gắn cho Hạ Sĩ Sáu…

Sau trận tấn công đầu tiên của các đơn vị trung ương cục miền Nam vào An Lộc, một phần của phía Bắc Thị Xã bị chúng chiếm. Nhất là mất Sân Bay Đồng Long, không thể tải thương, thay quân và tiếp tế, nên kế hoạch của Tướng Minh là thả Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, gồm các Tiểu Đoàn 5, Tiểu Đoàn 6, Tiểu Đoàn 8, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù và Đại Đội Trinh Sát, do Đại Tá Lê Quang Lưỡng (sau này thăng cấp Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhẩy Dù cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) chỉ huy, ở hai bãi ruộng trống cặp Quốc Lộ 13 mà đầu mùa Hè chưa có mưa và ruộng khô trơ gốc rạ, nằm ở quãng giữa Cầu Cần Lê và sân bay Đồng Long, để từ đó quân Dù sẽ tiến xuống hướng Nam, tấn công vào đơn vị địch chiếm giữ sân bay và phía Bắc thành phố. Trong khi đó thì ở phía Nam thành phố Tướng Hưng sẽ đưa một cánh quân Biệt Động Quân của Trung Tá Nguyễn Văn Biết kết hợp với Trung Đoàn 7 của Trung Tá Lý Đức Quân tấn công lên phía Bắc chiếm lại khu phố bị mất ngày hôm trước. Dĩ nhiên Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ sẽ thả bom dọn bãi đáp và yểm trợ cho Dù đổ quân và cho Biệt Động Quân và bộ binh khi tấn công.

Kế hoạch này khi đưa về Sư Đoàn 5 thì được Đại Tá Cố Vấn William Miller yểm trợ hết mình, nhưng Tướng Hưng do dự vì muốn gặp Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù trước cuộc đổ quân vào giải tỏa An Lộc ngày hôm sau 14 tháng 4. Ngày đó, vào sáng tinh sương, một trực thăng bay sát ngọn cây đưa Đại Tá Lê Quang Lưỡng vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu của Đại Tá Trần Văn Nhựt. Tôi được lệnh đến đó đón Đại Tá Lê Quang Lưỡng về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn.

Khi vào hầm chỉ huy của Tiểu Khu, tôi hiểu vì sao sau này các cố vấn Hoa Kỳ ‘’mê’’ và hết lời khen ngợi Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long. Hầm ngầm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, gọi là B-15, trước đó của Lực Lượng Đặc Biệt Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được Hoa Kỳ xây dựng, sâu, kiên cố và rộng rãi gấp ba lần chiếc hầm u tối, chật hẹp, của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn. Trong hầm, đèn sáng choang, các sĩ quan Việt-Mỹ ngồi ở các bàn hành quân, đề huề, đâu ra đó, bản đồ thành phố, bản đồ hành quân đầy đủ. Cũng không thiếu thuốc lá, café, trà ngon và thực phẩm khác. Như đã nói ở trên, Đại Tá Trần Văn Nhựt là một sĩ quan can trường lại vô cùng tế nhị. Hầu hết các Cố Vấn Hoa Kỳ đều về tập trung tại đây, trừ Đại Tá William Miller và hai sĩ quan dưới quyền ông, trong Toán Cố Vấn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Số Cố Vấn Hoa Kỳ của Tiểu Khu và các đơn vị khác về đó trong suốt trận chiến có lẽ trên mươi người, hoặc nhiều hơn, từ cấp Trung Tá trở lại, chắc chắn đã được Đại Tá Trần Văn Nhựt bồi tiếp chu đáo. Đó là do bản tính nồng nhiệt và sự tế nhị của ông mà tôi đề cập trên. Ngược lại, chính sự tận tâm giúp đỡ của số cố vấn ít oi này mà các chiến sĩ phòng thủ đã giữ vững được An Lộc nhờ vào sự yểm trợ tối đa của không trợ và không yểm của Không Quân Chiến Lược và Chiến Thuật Hoa Kỳ. Các Cố Vấn Hoa Kỳ ở Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Bình Long sau này về nước đều khen ngợi Đại Tá Trần Văn Nhựt về sự liên lạc mật thiết giữa ông và họ, kể cả sự can đảm và tài thao lược của ông. Chuyện đó dĩ nhiên thôi.

Sự thực thì Đại Tá Trần Văn Nhựt có ít quân, chỉ còn dưới một Tiểu Đoàn Đia Phương Quân, kể cả Nghĩa Quân và Dân Vệ, chừng hơn 600 binh sĩ được những kẻ tâng bốc tăng thành cấp Trung Đoàn với 1.000 người. Đại Tá Trần Văn Nhựt không có quyền quyết định về mọi việc ở chiến trường An Lộc, mà là Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Lê Văn Hưng. Một trong những sĩ quan cố vấn của Chiến Đoàn 52 là Trung Úy James H. Willbanks, vào An Lộc trễ, và bị thương bởi đạn pháo kích, khi về Hoa Kỳ leo dần lên cấp Trung Tá và theo học chương trình hậu đại học đã dựa phần lớn vào tài liệu của Đại Tá William Miller, viết luận án Cao Học và Tiến Sĩ về Trận Chiến An Lộc, bốc thơm Đại Tá Trần Văn Nhựt nức nở, nhưng đã xúc phạm lớn lao đến uy tín Tướng Lê Văn Hưng. Có lẽ chính Willbanks cũng không hiểu rõ sự bất đồng ý kiến lớn lao giữa Đại Tá Cố Vấn Hoa Kỳ William Miller và Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Lê Văn Hưng từ trước và trong trận chiến An Lộc diễn ra.

Nguyên do chính là vì từ trước khi diễn ra trận An Lộc, Tướng Hưng coi Đại Tá William Miller chỉ một sĩ quan xuất thân từ hàng binh sĩ, là ‘’un sorti-du-rang’’ theo cách nói không mấy nể trọng của người Pháp và coi Đại Tá Miller như một người không hiểu biết nhiều về địch thủ trong cuộc chiến Việt Nam. Hơn nữa, Tướng Hưng coi cấp bậc là cấp bậc, Tướng là Tướng, Tá là Tá. Việt, Mỹ, có khác gì nhau…Ngược lại, Đại Tá Miller coi Tướng Hưng là một sĩ quan trẻ tuổi (a young general) hàm ý là thiếu kinh nghiệm và coi Hưng là một trong các Tướng ‘’Đồng bằng Cửu Long’’ (one of the Delta-Clan generals) cũng với ý biếm nhẽ, kém tôn trọng. Họ khi dể lẫn nhau và ngấm ngầm trở thành những kẻ thù. Nhưng thái độ của mỗi người một khác. Đại Tá Miller nhiều lần cãi vã với Tướng Hưng ngay trong hầm ngầm hành quân ở An Lộc. Mọi chuyện Tướng Hưng đều bỏ qua. Ngược lại, Đại Tá Miller mang mối thù này về tận Hoa Kỳ và mở những cuộc thuyết trình, hội thảo, về trận chiến An Lộc và nhân các cơ hội này miệt thị Tướng Lê Văn Hưng…Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới.

Khi Tướng Nguyễn Văn Minh đưa ra kế hoạch tăng viện Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù bằng chiến thuật hai mũi giáp công để chiếm lại phần phía Bắc Thị Xã An Lộc bị mất từ hôm trước thì Đại Tá Miller rất tán thành. Tuy nhiên, sau khi tôi đón Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, về căn hầm Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn gặp Tướng Hưng xong thì mọi việc đã đổi khác. Đại Tá Lưỡng trình bày chiến thuật hơn thiệt rất hợp lý và chứng tỏ ông là một nhà chiến thuật lỗi lạc và nhiều kinh nghiệm trong những trận đánh lớn.

Ông cho rằng, nếu đổ hơn hai nghìn hai trăm quân Dù ở vùng ruộng trống trơ gốc rạ nằm giữa Cầu Cần Lê và Sân Bay Đồng Long, thì vì bất ngờ, líp (lift) thả đầu tiên bằng C-47 của Không Lực Hoa Kỳ hay Không Quân Việt Nam, đơn vị Dù nhảy xuống đầu tiên đó có thể sẽ an toàn. Nhưng từ líp đổ quân thứ hai trở đi các đơn vị Dù sẽ là mồi ngon cho pháo binh cộng sản Bắc Việt tập trung. Tổn thất sẽ rất cao, có thể lên đến 50%, hay cao hơn nữa. Người ta sẽ không thể mở một cuộc tấn công vào Sân Bay Đồng Long với một số tử thương và thương binh cao dù bị bỏ họ lại ở bãi chiến hay dìu họ theo. Hơn nữa, nếu thả các đơn vị Dù ở LZ (Landing Zone) theo kế hoạch, thì cũng chỉ thả được các đơn vị Dù tác chiến bộ binh mà không thể thả Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù với các loại trọng pháo, đại pháo dã chiến, để đánh nhau liền. Cho rằng Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù vào được mục tiêu chỉ định, thì với lực lượng còn lại cũng sẽ không ̣đủ sức tấn công lực lượng địch đã chiếm giữ sân bay và mặt bắc thành phố từ ngày hôm trước mà chúng ta không hiểu rõ chúng có bao nhiêu quân và ở cấp bộ nào ? Yếu tố thành công không có, mà sự thất bại đã thấy rõ trước mắt. Cho dù Lữ Đoàn Dù chiếm được mục tiêu thì lực lượng còn lại chỉ trên dưới một Tiểu Đoàn, sẽ không chịu đựng nổi những trận tấn công kế tiếp của quân cộng sản Bắc Việt. Một cánh quân mạnh tinh nhuệ cũng sẽ trở thành một đơn vị què quặt thì sự tăng viện họ vào An Lộc là…vô ích. Với các lý luận này, Đại Tá Lê Quang Lưỡng đề nghị một kế hoạch khác.

Quan niệm hành quân của Đại Tá Lê Quang Lưỡng là tăng viện Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù vào An Lộc không chỉ là tăng quân để phòng thủ vị trí chiến lược then chốt này, mà còn để đáp ứng nhu cầu giúp cho vị tư lệnh mặt trận tạo niềm tin trong binh sĩ phòng thủ là An Lộc được tiếp viện, chẳng những đủ sức phòng thù chống mọi cuộc tấn công của địch quân, mà còn có thể phản công khi tình hình cho phép, chớ không thể sử dụng đơn vị này như lực lượng xung kích đánh ngay vào vị trí địch đang chiếm đóng trong thành phố trong trận tấn công trước mà chúng ta chưa biết được thực lực của chúng lớn mạnh ở quy mô nào. Cấp liên Trung Đoàn hay Sư Đoàn ? Thực tế chỉ biết phòng không và trọng pháo dã chiến của chúng rất mạnh. Nếu tấn công địch quân ngay khi đổ quân ở vùng ruộng trống phía Nam Cầu Cần Lê thì sẽ rơi vào trường hợp nêu ở trên. Nếu chiếm lại được sân bay Đồng Long ở phía Bắc thành phố cũng sẽ không dùng được nữa vì nơi đó đã…và sẽ trở thành mục tiêu tập trung pháo đã được điều chỉnh từ trước. Các loại phi cơ vận tải hay trực thăng đáp xuống chỉ để bị banh xác mà thôi.

Kế hoạch khả thi là nên đổ quân Dù bằng trực thăng của Không Quân Việt Nam hay Không Lực Hoa Kỳ ở một bãi đáp bí mật (a secret landing zone -or LZ) ở phía Đông-Nam Thị Xã. Toàn bộ quân Dù sẽ an toàn khi đổ quân vì tạo được yếu tố bất ngờ, pháo binh địch sẽ không đủ thì giờ chỉnh tác xạ vào LZ mật đó. Từ bãi đáp an toàn này, Tiểu Đoàn 6 Nhẩy Dù, đơn vị đổ quân đầu tiên sẽ tức tốc di chuyển tấn công chiếm lại Đồi Gió và Đồi 169 chừng 3 hay 4 km phía Đông-Nam Thị Xã bị địch chiếm trong trận đánh ngày hôm trước, là hai cao điểm chế ngự toàn thành phố. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù sẽ đổ quân sau và vào vị trí khi Tiểu Đoàn 6 Dù chiếm xong hai ngọn đồi nói trên. Hai Tiểu Đoàn này sẽ do Trung Tá Lê Văn Ngọc, Lữ Đoàn Phó, chỉ huy. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, Đại Đội Trinh Sát, Tiều Đoàn 5 và Tiểu Đoàn 8 sẽ đổ quân tiếp theo trong ngày kế tiếp.

Tiểu Đoàn 5 sẽ yểm trợ cho Tiểu Đoàn 8 tiến vào đầu xa lộ (hay Quốc Lộ 13) xuất phát từ phía Nam Thị Xã, chạy về hướng đồn điền cao su Xa Cam cách Thị Xã chừng 3-4 km, về hướng Nam. Khúc xa lộ này mặt đường rộng trên dưới 20 m, hai bên đường trước đó các đơn vị Hoa Kỳ đã phát hoang sâu vào bìa rừng, mỗi bên rộng chừng 800 m đến 1.000 nên rất trống trải có thể mở làm ‘’một sân bay trực thăng tạm’’ rộng rãi, các loại trực thăng lớn nhỏ của Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ đều có thể đáp xuống được. Sau đó, Tiểu Đoàn 8 Dù của Trung Tá Văn Bá Ninh sẽ trấn đóng ở khu vực này phụ trách giữ an ninh và điều hành sân bay trực thăng tạm để các đơn vị phòng thù có thể tản thương các thương bệnh binh và tiếp nhận quân bổ sung thay thế.

Tiểu Đoàn 5 Dù của Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu sẽ tiến về khu vực gần vòng đai Tây-Nam tỉnh lỵ và trấn đóng ở đó làm lực lượng trừ bị cho Lữ Đoàn và cho Tướng Hưng. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn được Đại Đội Trinh Sát bảo vệ, sẽ đóng chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, nằm gần hai Tiểu Đoàn nói trên. Đại Tá Lê Quang Lưỡng cho rằng, ‘’nếu Lữ Đoàn Dù mở được sân bay trực thăng tạm và bung rộng ra giữ được an ninh ở khu vực đầu xa lộ nói trên, thì lực lượng phòng thủ có thể tản thương và thay quân, hay tiếp tế được, các đơn vị sẽ có quân mới, khỏe. Lực lượng sẽ mạnh dần. Sau khi đánh không quân cắt đứt đường tiếp vận của quân cộng sản Bắc Việt vào thành phố và ‘’cô lập’’ được cánh quân này của chúng với các đơn vị hậu cần trung ương cục miền Nam ở bên ngoài thì lực lượng địch sẽ mòn dần. Lực lượng phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng chờ khi bắt tay được với các cánh quân của Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ Chơn Thành tiến lên sau khi giải tỏa được các chốt chặn của địch quân ở khu vực suối Tàu Ô, lúc đó sẽ mở các cuộc hành quân chiếm lại các khu phố ở phía Bắc thành phố và Sân Bay Đồng Long. Đó là kế sách an toàn cho An Lộc chống giữ lâu dài và quân cộng sản Bắc Việt sẽ mòn mỏi dần khi họ bị tấn công dồn dập bởi Không Quân Việt Nam và Không Lực Hoa Kỳ nhất là không lực chiến lược với loại bom sát thương rộng lớn và dữ dội B-52. Đó cũng là ưu sách để chiến thắng. Vì chúng ta giữ được thành và đánh được địch.’’

Dựa trên tình hình chiến sự diễn ra lúc đó thì quan niệm và kế hoạnh hành quân của Đại Tá Lê Quang Lưỡng là tối ưu. Sau hơn một giờ bàn luận với Tướng Lê Văn Hưng và được vị Tư Lệnh Chiến Trường này hết lòng yểm trợ, Đại Tá Lê Quang Lưỡng lên trực thăng về Lai Khê trình bày lại với Tướng Nguyễn Văn Minh. Kế hoạch tức khắc được chấp thuận cho áp dụng. Từ chiều ngày 14 đến ngày 15 tháng 4, mọi cuộc đổ quân bằng trực thăng vận của Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã gây bất ngờ cho bộ tư lệnh trung ương cục miền Nam của Tướng Trần văn Trà. Toàn bộ các đơn vị Dù trực thuộc vào An Lộc trong ngày 17, với tổn thất tương đối nhẹ (chỉ dưới 4%) khi cánh quân lớn này vào trận địa đang nóng bỏng lúc đó. Yếu tố bất ngờ và sự chọn bãi đổ quân (landing zone-LZ) thận trọng nên không bị tổn thất khi đổ quân. LZ là khu vực hương lộ 245 con đường nhựa chạy ngang sóc Srok Ton Cui, hướng Tây Nam và gần hai ngọn đồi Gió và 169. Mọi chi tiết của kế hoạch do Đại Tá Lê Quang Lưỡng cũng được thực hiện chu đáo.

- Tiểu Đoàn 6 Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, từ khu vực đổ quân đã tiến vào mục tiêu và tấn công vào các đơn vị quân cộng sản Bắc Việt trên hai ngọn đồi ở khu vực Đông-Nam thành phố này. Ngay trong buổi chiều 14, chừng hơn một giờ sau khi đổ quân, Tiểu Đoàn đã chiếm xong hai mục tiêu, Đồi Gió và Đồi 169.

- Toàn bộ đại bộ phận của Lữ Đoàn 1 Dù gồm Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, Đại Đội Trinh Sát, Tiểu Đoàn 5 và Tiểu Đoàn 8 Dù đã đổ quân hoàn tất vào khoảng 3 giờ chiều ngày 15 tháng 4 ở bãi đáp gần Đồi Gió. Cũng trong ngày này, từ sáng sớm Bộ Tư Lệnh Tiền Phương trung ương cục miền Nam đã mở một cuộc tấn công chiến xa và bộ binh vào các tuyến phòng thủ của Tướng Hưng sau khi đã giập hơn năm ngàn quả đại pháo vào thành phố. Cuộc tấn công này diễn ra có vẻ vội vã ở mặt Tây và Tây-Bắc vì chiến xa từ hướng này tiến vào thành phố không có bộ binh tháp tùng. Ở mặt Đông-Bắc thì áp lực tấn công của lực lượng địch rất nặng. Riêng ở mặt Đông-Nam thì địch không thể tấn công vì quân Dù đã chiếm trọn khu vực hai ngọn đồi nói trên và ng̣ọn đồi thấp hơn ở Sóc Srok Ton Cui. Đặc biệt ghi nhận là thiết giáp địch vào thành phố chạy lạc lõng, lơ ngơ, không biết đường lối hay mục tiêu tấn công, để bị bắn hạ…dễ dàng. Có không ít đôi ba lý do để giải thích. Nhưng nguyên nhân chính là ngày hôm trước, tức ngày 14 tháng 4, nhằm mục đích làm giảm áp lực địch và sự tăng viện quân của chúng vào thành phố sau khi chúng tấn công mạnh ở hướng Tây-Bắc ngày hôm trước và cũng để đánh lạc chú tâm của địch, yểm trợ cho Dù đổ quân, sau khi họp xong với Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Tướng Hưng chỉ thị cho tôi vẽ mười boxes B-52 (mỗi boxe dài chừng hơn 2 km và rộng 1 km) chuyển cho Đại Tá Miller, yêu cầu Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ thực hiện, trong đó có hai boxes đánh xuống Ấp Phú Lố cách Thị Xã chừng hơn ba dặm, và Ấp Phú Bình chỉ các vòng đai phòng thủ của quân bạn ở hướng Tây chừng 800 m. Xin thực hiện ngay trong ngày hôm đó.

Buổi trưa trước khi Tiểu Đoàn 6 Dù đổ quân vào LZ ở Đông-Nam Thị Xã thì Không Quân Chiến Lược Hoa Kỳ đã đánh xong hai boxes B-52 vào các ấp Phú Lố và Phú Bình ở Tây Thị Xã. Tám boxes khác đánh xa hơn trên trục chuyển quân của chúng. Cư dân ở hai ấp này đã hoàn toàn di tản vào thành phố ngay trong những ngày 7 và 8 tháng 4. Ở các nơi đó chỉ còn vườn không nhà trống tuy nhiên vẫn còn là nơi thích nghi cho các đơn vị cộng sản Bắc Việt với các nước giếng ngọt, rau cải và cây trái, nhà cửa. Chúng có thể tạm dừng trên lộ trình tiến quân, lo cơm nước, để chuẩn bị tấn công vào Thị Xã. Sau này chúng tôi được biết chính hai boxes B-52 ngày 14 tháng 4 này ở hai ấp nói trên đã tiêu diệt trọn bộ chỉ huy trung đoàn 271, hai tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn này và các đơn vị phòng không tháp tùng, là cánh quân lớn của công trường 9 trung ương cục miền Nam, và là mũi tấn công chính vào mặt Tây và Tây-Bắc An Lộc. Nhưng ngày 15.4, mũi nhọn chủ lực này đã…không bao giờ vào thành phố mà đã phơi thây ở hai ấp Phú Lố và Thanh Bình rồi. Các chiến xa vào thành phố trong ngày này không có bộ binh tháp tùng đã chạy lang bang trên các con đường phố, không biết bạn ở đâu, ví trị của quân phỏng thủ ở đâu, thì chỉ là những con mồi ngon cho loại súng chống chiến xa M-72 mà thôi. Trong ngày đó, 10 chiếc T-54 và PT-76 cùa cộng sản Bắc Việt bị hạ trong thành phố).

Cũng trong ngày 15 tháng 4 này, vì giữ được LZ nên Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, các Tiểu Đoàn 5 và Tiểu Đoàn 8 Dù cũng đã đổ quân an toàn ở bãi đổ quân vùng Sóc Srok Ton Cui. Tuy nhiên vì thành phố đang bị tấn công nên Tướng Hưng liên lạc chỉ thị cho Đại Tá Lê Quang Lưỡng tạm giữ lực lượng Dù ở khu vực vùng ba ngọn đồi Đông-Nam đó, chưa vào thành phố trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau Đại Tá Lê Quang Lưỡng chia quân Dù làm hai cánh vào thành phố.

Cánh thứ nhất, gồm có Tiểu Đoàn Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, các Đại Đội Trinh Sát và Công Binh cùng với Tiểu Đoàn 5 của Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu tiến vào vòng đai phòng thủ của Tiểu Khu theo ngã ấp Sóc Gòn. Cánh quân thứ hai do Trung Tá Văn Bá Ninh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Dù chỉ huy, tiến vào mục tiêu chỉ định là đầu xa lộ phía Nam tỉnh lỵ, gần Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu theo ngã ấp Phú Hòa chỉ cách vòng đai phòng thủ thị xã chừng 1 km về hướng Đông. Ấp Sóc Gòn cách ấp Phú Hòa hơn một km về hướng Đông-Bắc. Cả hai cánh quân này đều chạm địch. Tuy cánh quân do Trung Tá Văn Bá Ninh chỉ huy là Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù vào ấp Phú hòa trước, chỉ chạm nhẹ, nhưng đã đóng quân đêm 16.4 tại ấp này để yểm trợ cho cánh quân của Tiểu Đoàn 5 và các Đại Đội Trinh Sát và Công Binh Dù do chính Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, chạm súng nặng với một trung đoàn của sư đoàn 5 cộng sản trong suốt ngày và đêm 16 đó ở ấp Sóc Gòn. Địch quân tấn công vị trí dã chiến của Dù ở Sóc Gòn nhiều đợt, rất mạnh. Chúng xung phong biển người với cả bộ binh và chiến xa, nhưng đều bị Dù đẩy lui. Kết quả cuộc chạm súng này các đơn vị của Đại Tá Lê Quang Lưỡng đã bắn hạ 4 T-54, tịch thu 7 súng cộng đồng, 20 súng AK-47, và địch quân bỏ lại tại trận 85 xác chết. Lực lượng Dù có 3 tử thương và 13 bị thương.

Điều đáng nêu lên là cả trong ngày và đêm 16.4 đã có hơn 20 phi tuần yểm trợ của Không Quân Việt Nam cho đơn vị Dù của Đại Tá Lê Quang Lưỡng. Đặc biệt là trong các đêm này lần đầu tiên ghi nhận Không Quân Chiến Thuật Hoa Kỳ đã đưa một loại vũ khí mới diệt chiến xa địch ban đêm vô cùng hữu hiệu gọi là ‘’Spectre’’ tức là loại máy bay C-130 cải biến thành chiến đấu cơ, trang bị hồng ngoại tuyến, với các loại sensors dò tiếng động của động cơ và tự động điều khiển dàn súng đại bác 105 ly không dật, cộng thêm 18 khẩu đại liên 50 ly, đặt ở ba vị trí khác nhau mỗi nơi 6 khẩu, và hai dàn hỏa tiễn gồm 12 ống, tùy theo loại mục tiêu di động hay gây tiếng nổ trên mặt đất nhiều ít hay nặng nhẹ đến mức độ nào các loại vũ khí đó sẽ tác xạ thẳng tiêu diệt mục tiêu, chính xác trăm lần như một, không trật. Đây là loại vũ khí vô cùng lợi hại, bao vùng và diệt chiến xa và các loại xe chuyên chở pháo, hay các khẩu pháo di động của cộng sản Bắc Việt nhiều nhất trong trận chiến An Lộc nhất là bên ngoài thành phố. Nên ghi nhận rằng tại An Lộc và vùng bao quanh, từ khi chiến trận diễn ra, toàn bộ chiến xa và các loại xe của các đơn vị phòng thủ hoàn toàn không còn nữa, chỉ còn một ít xe jeep không hề được sử dụng di chuyển trong đêm, do đó khi tiếng động cơ nổ ban đêm thì chỉ là chiến xa và các loại xe chở pháo và chở quân hay tiếp liệu của quân cộng sản Bắc Việt. Hai động cơ nổ là hai máy điện của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh và của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, cố định và có tọa điểm chính xác, nên các chiến đấu cơ Spectres, thường gọi là Hỏa Long xuất phát từ Căn Cứ Không Quân Hoa Kỳ Utapao ở Thái Lan không thể bắn nhầm vào vị trị của các đơn vị phòng thủ. Hàng nhiều chục chiến xa và các loại quân xa của cộng sản Bắc Việt bị Hỏa Long bắn hạ trên các trục giao thông ngoài An Lộc ở những ngày đêm sau đó, đã triệt mất đường tiếp vận của chúng.

Sáng ngày 17 tháng 4, các đơn vị Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã hoàn toàn vào các vị trí đã dự trù đúng theo kế hoạch của Đại Tá Lê Quang Lưỡng. Tức là ngoài Tiểu Đoàn 6 Dù và mấy pháo đội của Tiểu Đoàn 3 Dù trấn đóng trên hai ngọn đồi 169 và Đồi Gió và Srok Ton Cui, do Trung Tá Lê Văn Ngọc, Lữ Đoàn Phó chỉ huy, toàn bộ thành phần lớn hơn của Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù do chính Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã vào các vị trí trong thành phố như đã dự trù. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và Đại Đội Trinh Sát đóng chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Tiểu Đoàn 5 Dù làm trừ bị đóng gần đó. Quan trọng nhất là Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù, do Trung Tá Văn Bá Ninh chỉ huy, chiếm trọn khu vực rộng lớn đầu xa lộ phía Nam thành phố xuống đến gần đồn điền Xa Cam trong buổi sáng ngày 18.4. Tại khu vực này Tiểu Đoàn đã chạm nặng với một đơn vị của công trường 7 của cộng sản Bắc Việt, địch bỏ lại hơn 40 xác chết, nhiều súng cộng đồng và cá nhân. Sau đó Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù và Đại Đội Công Binh Dù đã tu bổ dọn trống thêm quãng xa lộ sát liền với phía Nam Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, làm thành bãi đáp tạm cho các loại trực thăng và chinooks của Không Lực Hoa Kỳ và Không Quân Việt Nam. Tiểu Đoàn này đã giữ sân bay trực thăng tạm này an toàn suốt những trận tấn công sau đó của lực lượng cộng sản Bắc Việt vào thành phố. Trực thăng của Không Quân Việt Nam và Hoa Kỳ đã bay lên đáp xuống khá an toàn, dù không tránh khỏi bị pháo kích, đã đưa được hàng trăm thương bệnh binh các đơn vị trú phòng ra khỏi trận địa và mang vào quân bổ sung, thực phẩm và trang bị nhẹ vào cho các cánh quân đó, mặc dù tiếp tế thực phẩm khô và đạn dược hay trang bị nặng khác vẫn do Không Lực Hoa Kỳ tiếp tục thả dù như trước đó.

Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù vào trận địa An Lộc

Trước đó, trong ngày 16 tháng 4, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù, chừng dưới năm trăm quân do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy, cũng được Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho Tướng Minh và được đưa vào An Lộc bằng trực thăng vận và đáp ở bãi đáp bên suối Rô, gần bãi đổ quân Sóc Srok Ton Cui của Lữ Đoàn 1 Dù. Cuộc đổ quân an toàn và hoàn tất vào khoảng hơn 5 giờ chiều. Trung Tá Phan Văn Huấn bắt tay được với Trung Tá Lê Văn Ngọc, Lữ Đoàn Phó Dù. Sau đó tiếp xúc âm thoại được với Tướng Hưng và nhận chỉ thị tiến lên hướng Bắc thành phố theo lộ trình cặp theo đường rầy xe lửa. Tuy nhiên vì trời tối nên phải đóng quân dã ngoại đêm đó, chỉ chạm súng nhẹ. Sáng ngày, trên lộ trình này Trung Tá Phan Văn Huấn đã liên lạc được với hai Đại Đội của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân đã tách rời đơn vị mẹ trong cuộc tấn công ngày 13.4. Buổi chiều 17.4 cả Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vào thành phố. Ngay tối đêm đó, từng toán quân nhỏ thiện chiến của Liên Đoàn tấn công và chiếm lại một vài khu vực quân cộng sản Bắc Việt chiếm mấy ngày trước gần khu Chợ An Lộc. Đến hết ngày 18.4 chiến sĩ Liên Đoàn đã hoàn toàn kiểm soát khu vực được chỉ định và bung ra hơn trăm thước về hướng Bắc. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù sở trường tấn công vị trí địch quân bằng những toán quân nhỏ cấp Tiểu Đội hay bán Tiểu Đội như vậy.

Từ ngày đó Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù trấn giữ vị trí quan trọng này ở mặt Bắc thành phố đã gặt hái những thành quả tốt đẹp mặc dù bị tổn thất không ít vì pháo kích, và lập được kỳ công ghi vào quân sử với cái nghĩa trang nhỏ chôn chiến sĩ hy sinh tại chỗ trong khu vực đó, có hai câu đối khắc ghi trong tâm tưởng của mọi người mặc dù sau chiến tranh nghĩa trang đó không còn nữa nhưng bất cứ một quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nào cũng còn nhớ: ‘’An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân’’. Trên vách tường xây gạch quét vôi của nghĩa trang người ta còn đọc được hai câu thơ của Vương Hãn được ghi lại bằng chữ lớn: ‘’Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’’ Nét văn hóa trên đây là chứng tích mã thượng không riêng của người quân nhân Biệt Cách Dù nhưng là nét hào hùng phóng khoáng chung của mọi chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ chiến đấu anh dũng với chính nghĩa cao cả là bảo vệ quần chúng với tư tưởng bao dung, lòng vị tha, không thù hằn khát máu như những cán binh bộ đội nhân dân cộng sản Bắc Việt, mà chúng thường tự cho là ‘’bộ đội cụ Hồ’’. Những người cầm súng ‘’sinh Bắc tử Nam’’ đó đã từng giết người tập thể dã man ở Huế Tết Mậu Thân, ở khắp mọi chiến trường mà họ mở những cuộc tấn công với chủ trương tiêu diệt tất cả mọi người dù là chiến sĩ hay thường dân, người già cả, đàn bà và trẻ con trên mục tiêu mà họ tấn công. Nghĩa là không chừa một ai trước họng súng của chúng. Và đó là chủ trương của đảng lao động Việt Nam. An Lộc mùa Hè này cũng là một điển hình về sự giết chóc vô tội vạ của ‘’bộ đội cụ Hồ’’.

Người lính BCD ngồi kẻ bia cho ngưiời bạn tử trận chôn trong nghĩa trang của Biệt cách Dù, bên hông ngôi nhà lồng chợ trong thị xã An Lộc (h.trái) Người lính Biệt Cách buồn chào những chiến hữu vĩnh viễn nằm lại An Lộc trong nghĩa trang Biệt Cách Dù (h.phải), 
(sau này VC san bằng nghĩa trang này, các hài cốt đều bị thất lạc.)
.
An Lộc là một thành phố của một tỉnh, không có hệ thống phòng thủ kiên cố như Điện Biên Phủ, như Khe Sanh.Trong thành phố đó nếu tính theo tỷ lệ nhân số thì chỉ có một quân nhân trong năm hoặc sáu cư dân. Vậy nếu An Lộc được bảo vệ bằng bốn, năm, hay sáu nghìn chiến sĩ thì có từ hai mươi nghìn thường dân hay nhiều hơn. Khi trận chiến khởi diễn, mấy nghìn cư dân, từng đoàn, chạy theo xa lộ về Chơn Thành, hay Bình Dương, bị ‘’bộ đội cụ Hồ’’ bắn thẳng bằng súng trường AK-47 hay pháo kích pháo, thây chết đầy đoạn đường dài mấy cây số quãng từ đồn điền cao su Xa Cam trở về hướng Nam. Ngày đầu tiên, khi tấn công An Lộc từ hướng Đông, chúng đã lùa hàng trăm thường dân ở Quản Lợi làm mộc che phía trước bộ đội của chúng tiến theo ở phía sau. Hèn nhát và vô nhân. Chúng tôi thà chịu đựng cuộc tấn công đó một cách khó khăn và tránh làm thiệt hại cho thường dân, tránh không sử dụng hỏa lực tập thể của pháo binh hay không quân. Ngược lại cũng trong ngày này, chúng pháo kích vào nhà thương tỉnh lỵ, và nhiều lần khác trong các ngày sau, quần chúng bị thương hàng mấy trăm người đến đó, bị chết gần hết. Rồi thây người chết bị chúng dập thêm pháo, tan xác, mất đầu, cụt tay chân. Rồi đợt pháo khác nữa…thây người biến thành những đống thịt nhầy nhụa hay văng vãi tứ tung khắp trong ngoài bệnh viện. Đại Tá Bùi Đức Điềm, Tham Mưu Trưởng hành quân của Tướng Hưng phải tự mình lái xe xúc đất buldozer đào các đường rãnh sâu dài nhiều chục thước và rộng trên ba thước rồi chiến sĩ Đại Đội 5 Trinh Sát phụ chôn xác tập thể dưới các đường rãnh đó, như nói trên. Những ngày tiếp theo chúng pháo kích liên tục và vô cùng dữ dội, mỗi ngày hàng nghìn quả đạn. Chiến sĩ chết đã đành, nhưng hàng nghìn thường dân chết theo với một thành phố sụp đổ gần như toàn diện. Không một ngôi nhà nào đứng vững, không một bức tường nào, con đường nào, hay thân cây nào không mang dấu vết mảnh đạn lớn nhỏ của các loại trọng pháo, đại pháo, lớn nhỏ của bộ đội cụ Hồ. Xin nhớ…An Lộc chỉ là một thành phố nhỏ, không phải là một hệ thống chiến lũy, chiến hào. Đó là nơi cư trú của thường dân không phải là nơi để chúng dập thành bình địa như những công sự chiến đấu của binh sĩ.

Sự hiện diện của hai đơn vị Dù thiện chiến này vào An Lộc làm cho tinh thần binh sĩ trú phòng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân và quân dân thuộc Tiểu Khu Bình Long lên tinh thần thấy rõ. Lực lượng phòng thủ đã lên đến hơn bảy nghìn chiến sĩ. Các đơn vị phòng thủ lo củng cố thêm vị trí của mình, thực ra là binh sĩ trú phòng chỉ đào sâu thêm và rộng hơn hố chiến đấu cá nhân để dễ bề xoay trở trường hợp bị pháo kích mà không hề có công sự chắc chắn nào che chở khi bị tấn công. Chính kỹ thuật chiến đấu cá nhân, sự trông cậy vào loại M-72, vũ khí chống chiến xa rất hữu hiệu mới được Hoa Kỳ đưa vào chiến trường miền Nam làm cho binh sĩ tin tưởng cũng như niềm tin tưởng vào sự quyết tâm của các cấp chỉ huy, nhất là lệnh tử thủ chiến của Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Lê Văn Hưng, nên họ quyết tâm và dũng cảm chiến đấu. Trong trận tấn công ngày 13.4 vừa qua họ đã thành công bắn hạ được nhiều chiến xa của cộng sản Bắc Việt, giữ vững được An Lộc. Cuộc tấn công đó kéo dài đến hết ngày 17.4.

Ngày 18.4, trung ương cục miền Nam mở cuộc tấn công thứ hai vào An Lộc. Chính trong ngày này các đơn vị cộng sản Bắc Việt tấn công thành phố bị thiệt hại nhiều nhất. Sự tăng cường của những đơn vị tinh nhuệ nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, làm cho niềm tin của quân trú phòng càng được củng cố mạnh mẽ hơn trong thời gian sau đó. Phải công nhận là kế hoạch đổ quân tiếp viện Dù ở một bãi đổ quân an toàn và thiết lập một phi trường trực thăng tạm ở khu xa lộ phía Nam Thành Phố An Lộc của Đại Tá Lê Quang Lưỡng là ưu việt. Tải được thương binh về các bệnh viện ở hậu cứ, nhận được thêm quân, dù ít dù nhiều, đã làm thay đổi cả bộ mặt chiến trường. Các đơn vị mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn và cơ động hơn trong chiến đấu.

Suốt thời gian hơn 3 tuần lễ, từ ngày 18.4 cho đến ngày 11.5 là ngày cộng sản Bắc Việt mở đợt tấn công thứ ba vào An Lộc diễn ra hai sự kiện quan trọng làm ảnh hưởng đến uy tín và con đường binh nghiệp của Tướng Lê Văn Hưng. Hai việc này đã nói sơ ở phần trên. Xin ghi rõ hơn:

Sự kiện thứ nhất: Vì bãi trực thăng tạm do Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù do Trung Tá Văn Bá Ninh chỉ huy thiết lập và bảo vệ hữu hiệu, các đơn vị phòng thủ tản thương được, nhận thêm quân, và tiếp tế được các nhu yếu phẩm cần thiết, tuy với số lượng ít. Niềm tin mới lớn dần.

Vậy mà, trong khi chiến sĩ của từng đơn vị phòng thủ lên tinh thần và sẵn sàng chờ một cuộc tấn công sắp tới của cộng sản Bắc Việt, thì một ngày vào khoảng cuối tháng 4.1972, một cấp chỉ huy mang cấp bậc Đại Tá băng bó vết thương rất nhẹ, đã được điều trị lành rồi, và một Thiếu Tá Pháo Binh, cùng ra sân bay trực thăng tạm và định leo lên một trực thăng tản thương để mong thoát ra khỏi An Lộc. Binh sĩ Dù của Trung Tá Văn Bá Ninh giữ bãi trực thăng thấy ông thương binh này mang cấp bậc Đại Tá trên cổ áo, không dám cản, nhưng báo cáo cho Trung Tá Văn Bá Ninh. Ông Ninh báo cáo ngay cho Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng. Đại Tá Lưỡng ra tận nơi, nhìn dải băng trên vai ông Đại Tá nọ và hỏi ông ta ở đơn vị nào và bị thương ra sao ? Ông Đại Tá xưng tên là Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ nói một câu nhẹ nhàng:

‘’Thương tích nhẹ như vậy mà muốn được tản thương hay sao ?’’ 

Ông tức khắc gọi cho Tướng Hưng trình sự việc. Tôi lại được Tướng Hưng ra lệnh đem xe Jeep ra gặp Đại Tá Lê Quang Lưỡng đế ‘’nhận lại’’ ông Đại Tá và ông Thiếu Tá ‘’thương binh’’ trở về Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn . Lẽ dĩ nhiên ông Đại Tá và ông Thiếu Tá này bị Tướng Hưng xát muối.

Thì ra Đại Tá Mạch Văn Trường trước đó một hôm bị Tướng Hưng ra lệnh cho về chỉ huy lại đơn vị của mình sau khi nằm hơn tuần lễ trong căn hầm của tư lệnh chỉ với vết thương nhẹ trên vai. Ai ngờ bị ‘’lạnh cẳng’’ vì những trận pháo dồn dập của quân cộng sản Bắc Việt khi trở lại đơn vị, ông ta ra sân trực thăng định ‘’chuồn’’ về hậu cứ…Và vì ‘’việc phải làm’’ này, Tướng Hưng đã chạm vào con gà cưng của Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn. Đó là lần thứ nhất. Việc ‘’giả thương binh định chuồn về hậu cứ’’ này chẳng những tôi biết mà còn rất nhiều người biết. Nhưng người biết rõ nhất có lẽ là Đại Tá Văn Bá Ninh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù lúc đó, hiện nay ông đang sống tại Hoa Kỳ. Sau này, còn một chuyện quan trọng hơn cũng liên quan tới ‘’con gà đó’’ nên Tướng Hưng bị Tướng Nguyễn Văn Minh giáng cho những đòn nặng chí tử ảnh hưởng lâu dài đến binh nghiệp của ông.

Sự kiện thứ hai: Như tôi trình bày ở phần trên, chỉ xin ghi thêm cho rõ hơn. Từ ngày 7.4 sau khi Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn chuyển sang hầm ngầm ở khu đất trống cạnh building Tòa Hành Chánh Tỉnh, Tướng Hưng chưa hề ở trong căn hầm ngầm dành riêng cho Tư Lệnh cho đến tuần lễ cuối cùng của tháng 4.1972. Nơi đó có một chiếc giường sắt, một tủ lạnh, một chiếc bàn nhỏ và một ghế ngồi, vì suốt buổi chiều và đêm 7.4, ông cùng Đại Tá Miller bận họp bàn kế hoạch hành quân ở chiếc bàn thấp nhỏ đặt giữa hai chiếc ghế bố của hai vị này mà, bên cạnh ghế bố của Đại Tá Miller là hai chiếc ghế bố của hai sĩ quan cố vấn cấp Tá, mộ̣t của Trung Tá Ed Benedit, phụ tá cho Miller, một của Thiếu Tá Alan Borsdorf, phụ trách hành quân của toán cố vấn. Nếu từ trên mặt đất bước xuống mươi bậc, nhìn vào vách hầm đối diện là thấy ngay, nghĩa là ở khu chính của hầm. Từ cửa hầm bước chừng năm sáu bước sang phía trái là chiếc bàn dài đặt hệ thống máy truyền tin. Vì vậy có thể gọi khu này là Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn. Từ cửa hầm, nếu theo địa đạo đi về phía phải, chừng hai mươi bước, là căn hầm của Tư Lệnh. Từ ngày 8.4, khi Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 bị vết thương ở vai, Tướng Hưng đã nhường căn hầm riêng này cho ông này nằm điều trị và dưỡng thương trước trận tấn công thứ nhất của quân cộng sản Bắc Việt (trước ngày 13.4) cho đến tuần lễ cuối của tháng 4 đó. Tại chiếc bàn nhỏ giữa hai chiếc ghế bố của hai giới chức quan trọng nhất ở An Lộc là Tướng Tư Lệnh Chiến Trường Lê Văn Hưng và Đại Tá Cố Vấn Trưởng William Miller đã xảy ra nhiều trận cãi vã to tiếng giữa hai mgười, như đã nói.

Lý do chính là vì Đại Tá Miller thấy An Lộc được tăng cường Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, nên đưa ra kế hoạch tái chiếm lại phần thành phố trong khu vực thương mãi phía Bắc An Lộc và Sân Bay Đồng Long đã bị các đơn vị của cộng sản Bắc Việt chiếm trong đợt tấn công đầu tiên của chúng từ ngày 13 đến ngày 18 tháng 4. Nếu có một cuộc phản công như vậy ông (Đại Tá Miller) sẽ yêu cầu Không Quân Chiến Lược và Không Quân Chiến Thuật lập kế hoạch không yểm tối đa cho Tướng Hưng. Ông ta yêu cầu nên sử dụng Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân làm nỗ lực tấn công chính, những đơn vị còn lại sẵn sàng ứng chiến tại chỗ. Ông ta ước tính là lực lượng phòng thủ của Tướng Hưng có thể điều động được chừng 3.000 quân cho kế hoạch phản công tái chiếm phần thành phố bị mất đó, mà ông cho Sân Bay Đồng Long là quan trọng cho việc tiếp tế và tải thương hơn là hàng ngày phải tiếp tế bằng thả dù của Không Lực Hoa Kỳ. Ông cũng cho rằng các loại trực thăng Không Quân Việt Nam hay Hoa Kỳ đáp vào bãi đáp tạm do Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù ở đầu xa lộ là rất nguy hiểm. Đề nghị này của Đại Tá Cố Vấn Miller có vẻ hợp lý nhưng chưa đúng lúc.

Theo lời khai của tù binh, là một sĩ quan cộng sản Bắc Việt bị Tiểu Đoàn 3/7 bắt được trong trận tấn công vào An Lộc lần thứ nhất ngày 17.4 và lời khai của một sĩ quan cộng sản Bắc Việt hồi chánh khác, cho biết là trung đoàn 271 của sư đoàn 9 cộng sản gần như hoàn toàn bị B-52 tiêu diệt ở ấp Phú Lố và ấp Phú Bình mấy ngày trước nên nỗ lực chính của sư đoàn này coi như thất bại ở hướng Tây-Bắc, mặc dù hướng Đông-Bắc trung đoàn 272 của chúng chiếm được Sân Bay Đồng Long và mấy khu phố phía Bắc An Lộc. Tuy nhiên cuộc tấn công lần thứ nhất này của cộng sản Bắc Việt vào An Lộc được trung ương cục miền Nam ghi nhận là thất bại. Các tù binh này cho rằng trung ương cục miền Nam đã chuẩn bị một trận tấn công lớn khác vào An Lộc và lần này nỗ lực chính sẽ do sư đoàn 5 cộng sản đảm trách ở hướng Đông-Bắc. Hướng Tây và Tây-Nam do sư đoàn 9 cộng sản đảm nhận, nhưng chỉ là nổ lực phụ. Các đơn vị chiến xa, pháo binh, phòng không và đặc công cấp trung đoàn sẽ tăng cường cho hai đơn vị lớn nói trên. Hồi chánh viên này cũng cho rằng sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt sẽ tăng cường từ phía Nam lên cho sư đoàn 5 cộng sản một trung đoàn nguyên vẹn để tấn công ở mặt Đông-Nam An Lộc vì nơi này đã có sư hiện diện của quân Nhẩy Dù. Trước những tin tức và tình huống trận chiến có thể diễn ra lớn lao được ước tính là nguy hiểm như vậy, Tướng Hưng tất nhiên phải rất dè dặt và vì vậy nên sinh ra cuộc cãi vã dữ dội về quan niệm chiến thuật giữa ông và Đại Tá Cố Vấn Miller, kéo dài cả nhiều ngày liền, ngay cả khi trận tấn công lần hai của cộng sản Bắc Việt (18-21.4) vừa chấm dứt.

Thấy tình trạng khá gay cấn nên có một đêm tôi vào căn hầm riêng và hỏi chuyện Tướng Hưng. Ông Hưng nói với tôi rằng ông coi Miller như một chiến sĩ ưu tú nhưng không đủ hiểu biết về chiến tranh Việt Nam. Ông chỉ cần Miller vì cần sự trợ chiến về không yểm và tiếp tế của Lực Lượng Không Quân Chiến Lược và Chiến Thuật Hoa Kỳ mà không cần đến quan điểm chiến thuật của ông Miller. Tướng Hưng nói với Miller rằng, nếu trận tấn công khác diễn ra thì lực lượng cộng sản Bắc Việt mà trung ương cục miền Nam sử dụng sẽ lên đến hơn 20.000 quân, hay hơn nữa, các loại bộ, pháo, các đơn vị đặc biệt khác, và chiến xa…tổng cộng lực lượng đó sẽ lên đến hơn ba sư đoàn… Giả thử nếu ngay lúc đó mà đề nghị phản công để chiếm lại mặt Bắc thành phố và sân bay Đồng Long của Đại Tá Miller được thực hiện thì tổn thất của các cánh quân phản công sẽ rất lớn. Và, nếu chiếm lại được các khu vực bị mất trước đó thì lực lượng bạn sẽ phải phân tán để giữ các vị trí vừa tái chiếm, hệ thống phòng thủ sẽ mỏng hơn vì không đủ quân. Hiện tại trong Thành Phố An Lộc quân phòng thủ chỉ chừng 7.000 người có thể tác chiến được. Một kế hoạch phản công tái chiếm các khu bị mất có thể thành công tạm bợ nhưng An Lộc sẽ bị tiêu diệt trong trận tấn công dữ dội hơn của cộng sản Bắc Việt. Vì ngay trong tuần lễ khi An Lộc được tăng cường hai đơn vị Dù thì tình hình ở khu vực phía Đông-Nam An Lộc trở nên vô cùng sôi động.

Trong trận tấn công An Lộc lần thứ hai, bắt đầu từ ngày 18.4, cộng sản Bắc Việt đã dội trọng pháo mỗi ngày hơn một nghìn quả pháo vào các đơn vị phòng thủ An Lộc và đạn nổ tập trung nhiều nhất là các khu đóng quân của các đơn vị thuộc Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, nhất là hai ngọn Đồi Gió, Đồi 169 và ấp Srok Ton Cui. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đóng ở Đông-Nam, cách Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu một cây số, cũng bị pháo kích và tấn công dữ dội. Sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt, mặc dù vẫn ‘’đóng chốt’’ chặt chẽ ở khu vực Suối Tàu Ô, nhưng vẫn nhận được lệnh của trung ương cục miền Nam đưa bớt trung đoàn 141 về vùng Đông-Nam An Lộc để gây áp lực mạnh cho cánh quân Dù của Đại Tá Lê Quang Lưỡng ở khu vực cao điềm này. Điều làm cho Tướng Hưng quan tâm hơn là tin tức của Đại Đội Kỹ Thuật Sư Đoàn ghi nhận hai trung đoàn F-6 và 275 của sư đoàn 5 cộng sản sau khi bổ sung quân ở vùng Trị Tâm đã quay lại chiến trường An Lộc và hiện diện trong khu trọng yếu đó, chưa kể trung đoàn đặc công 469 và hai trung đoàn 208 trọng pháo và 271 phòng không của sư đoàn 70 pháo trung ương cục miền Nam cũng từ vùng đồn điền Quản Lợi kéo xuống các ấp Sóc Trào, Hương Thanh hướng Đông-Bắc Đồi Gió chừng 6 đến 8 cây số. Sư đoàn 5 cộng sản vẫn giữ trung đoàn 174, tức đơn vị cấp trung đoàn thứ ba của chúng ở vùng đồn điền và sân bay Quản Lợi, hình như để làm lực lượng phòng ngừa một cuộc đổ quân bất ngờ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm sân bay quan trọng nhất này của Bình Long, chỉ cách An Lộc chừng 5 hay 6 cây số ở phía Đông. Trước tin tức về cuộc tập trung quân cộng sản Bắc Việt lớn ở Đông và Đông-Nam An Lộc, cộng thêm những yếu tố khác nói ở trên, dĩ nhiên Tướng Hưng không thể chấp thuận kế hoạch tái chiếm các khu phố phía Bắc Tỉnh lỵ và sân bay Đồng Long của Đại Tá William Miller. Cộng sản Bắc Việt tập trung lực lượng lớn ở khu vực này rõ ràng là chúng có ý định tấn công và tiêu diệt đơn vị Nhẩy Dù thiện chiến này của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước, hoặc trong trận đánh quyết định. Cuộc cãi nhau ‘’về chiến thuật’’ này đã tăng thêm sự rạn vỡ giữa hai cấp chỉ huy cao cấp này ở mặt trận An Lộc. Dĩ nhiên, Tướng Hưng đã báo cáo đầy đủ lên Tướng Minh. Về phần Đại Tá Miller có lẽ cũng vậy. Sự ghét bỏ Tướng Hưng của Đại Tá Miller dù muốn che đậy qua vẻ lịch sự thường nhật của người phương Tây, nhưng ông đã không tự kềm chế được lúc đó (và sau này nữa) khi về lại Hoa Kỳ, Miller đã tạo nên một luồng dư luận lớn tấn công vào uy tín của Tướng Hưng và Bộ Tham Mưu Hành Quân của Sư Đoàn 5 Bộ Binh là bất lực, thụ động, không làm được việc gì, ‘’kể cả công việc tham mưu hành quân hoàn toàn do toán cố vấn Hoa Kỳ của ông ta đảm trách suốt trận đánh An Lộc.’’ Ông ta còn cung cấp tài liệu thiếu chính xác mà nhiều bịa đặt nói trên cho Trung Úy James H. Willbanks, trong toán cố vấn của Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tăng phái, mà sau này về Mỹ đi học lại, đã dựa vào để viết, trình, luận án Tiến Sĩ (sau đó in thành sách với tựa đề ‘’The Battle of AnLoc’’, Indiana University Press, 2005), như nói phần trên. Tài liệu này của Wilbanks và các cuộc hội thảo khác về Trận An Lộc của Đại Tá William Miller đã biếm nhẽ và hạ thấp uy tín của Tướng Lê Văn Hưng đến mức cao nhất trong Quân Lực Hoa Kỳ. Trở lại thời điểm đó, nhìn rõ cục diện chiến trường mới thấy rằng sự hiểu biết của William Miller là nông cạn, đúng như Tướng Hưng nhận xét.

Ngày 19.4, ngày thứ nhì trung ương cục miền Nam tấn công An Lộc lần hai, cộng sản Bắc Việt pháo kích dữ dội vào thành phố, vào vị trí đóng quân của các đơn vị Dù, nhất là vị trí của Tiểu Đoàn 6 và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù ở Đồi 169, Đồi Gió và Srok Ton Cui. Ngay trong đêm đó, 6 khẩu đại bác 105 ly của Tiểu Đoàn 3 Pháo Dù bị pháo cộng sản Bắc Việt dập nát không sử dụng được nữa và kho đạn trọng pháo trên Đồi Gió, hơn 1.000 quả đạn, cũng bị nổ tung. Sáng ngày 20.4, toàn khu vực Đông-Nam này bị uy hiếp trầm trọng bởi hai trung đoàn cộng sản Bắc Việt, trung đoàn 275 của sư đoàn 5 cộng sản và trung đoàn 141 của sư đoàn 7 cộng sản Bắc Việt phối hợp với chiến xa. Đồi Gió bị tấn công ác liệt nhất trong đêm đó sau nhiều đợt pháo gần như san bằng ngọn đồi cao 150 m này, tiếp theo là những đợt tấn công biển người với bộ binh và chiến xa. Mặc dù chiến sĩ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù trên đồi đã chống trả mãnh liệt, hạ 2 trong 4 chiến xa, và đẩy lui nhiều đợt xung kích, nhưng đến gần sáng thì bị tràn ngập. Thiếu Tá Phạm Kim Bằng, Tiểu Đoàn Phó và số quân Dù còn lại đã tập trung về được với Bộ Chỉ Huy nhẹ của Trung Tá Lê Văn Ngọc Lữ Đoàn Phó, trên Đồi 169. Một cánh quân khác của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, gồm hơn hai Đại Đội do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy ở Srok Ton Cui cũng bị tấn công dữ dội, phải đánh mở đường máu rút về hướng Đông-Nam trên hữu ngạn Sông Bé. Sau nhiều lần bị phục kích và tấn công trên lộ trình rút lui, nhiều toán binh sĩ của cánh quân này thất lạc, tuy nhiên Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh vẫn giữ được liên lạc với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, nên buổi chiều ngày 21.4 được trực thăng bốc về Lai Khê. Chỉ còn hơn một trăm chiến sĩ phần lớn đều bị thương tích. Các ngày kế tiếp một số chiến sĩ của Tiểu Đoàn thất lạc cũng tìm về được với các đơn vị bạn thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh vùng phía Bắc Chơn Thành. Tổn thất của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù rất nặng. Bị mất hơn một nửa quân số tham chiến, trên hai trăm người chết và mất tích, với hàng trăm thương binh. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù mất toàn bộ các khẩu pháo binh dã chiến, tổn thất lớn về quân số. Cũng trong đêm 20 rạng sáng 21.4, dưới áp lực quá nặng nề của hơn hai trung đoàn quân cộng sản Bắc Việt, cánh quân của Trung Tá Lê Văn Ngọc trên Đồi 169, chỉ còn chừng 150 người, kể cả chiến sĩ của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, cũng được lệnh bỏ ngọn đồi này rút vào An Lộc theo lộ trình của Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù mấy ngày trước, và tập trung lại với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn phòng thủ mặt Đông-Nam thành phố.

Như vậy, cả khu vực cao điểm Đông Nam An Lộc lại hoàn toàn bị quân cộng sản Bắc Việt kiểm soát. Tuy nhiên chúng cũng không đủ mạnh để có thể đánh bật được toàn bộ Lữ Đoàn Dù ra khỏi khu xa lộ phía Nam Tiểu Khu. Dưới sự chỉ huy sáng suốt và nhiều kinh nghiệm trận mạc của Đại Tá Lê Quang Lưỡng và cấp chỉ huy tài giỏi như các Trung Tá Lê Văn Ngọc, Văn Bá Ninh và NCH, Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù vẫn bảo vệ được sân trực thăng xa lộ và các loại trực thăng và Chinook Hoa Kỳ và Không Quân Việt Nam tiếp tế và tải thương cho các đơn vị phòng thù cho đến ngày trận chiến An Lộc chấm dứt. Thế nhưng nếu rút quân Nhẩy Dù đi khỏi khu vực đó hợp lực với một số đơn vị khác mà mở cuộc phản công chiếm lại phía Bắc thành phố và sân bay Đồng Long như chủ trương của Đại Tá Cố Vấn William Miller là thứ chiến thuật không tưởng, hạng bét. Vậy mà không hiểu tại sao Đại Tá Miller không hiểu rõ tình thế lúc đó vẫn tiếp tục thôi thúc và cãi với Tướng Hưng về việc này cho mãi đến cuối tháng 4.1972. Về câu chuyện thôi thúc phản công chiếm lại phía Bắc Thành Phố Wilbanks ghi lại ở trang 112 trong quyển sách nói trên của ông như sau ‘’Colonel Miller had once again frustrated with General Hung. After the jubilation of blunting the attack on 19-20 April had failed, Miller urged Hung to put his troops on the offensive te retake the northern part of the city. However, no amount of pleading was able to force Hung to give such an order’’.

Không biết khi viết luận án Tiến Sĩ Wilbanks có biết trong ngày 19-20 April quân cộng sản Bắc Việt tấn công dữ dội Tiểu Đoàn 6 Nhẩy Dù ở Đồi Gió và Srok Ton Cui và ngày 20 April hai nơi này bị tràn ngập đưa đến việc làm cho Tiểu Đoàn này và mấy Đại Đội Pháo Binh Dù tan rã…sau khi đánh mở đưởng máu rút về căn cứ Tiểu Khu và trên bờ Sông Bé rồi cả vùng cao điểm Đông-Nam An Lộc đã bị địch quân tái chiếm hay không mà viết những câu vô lý như ghi trên. Ông ta có biết chăng Tướng Hưng đang chịu sức ép rất lớn của địch quân lúc đó ở mặt Đông-Nam này và Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù đã mất gần 1/3 lực lượng trong hai ngày đó hay không ? Nếu biết tại sao ông không nêu lên ? Hay vì ông ta muốn bênh vực cho quan điểm chiến thuậ̣t của Đại Tá Miller mà quên, hay bỏ qua, sự kiện vô cùng quan trọng nói trên. Hoặc giả ông ta biết và mặc dù khi trở về Hoa Kỳ thăng đến cấp Tá và có bằng cấp cao nhưng vẫn chưa lột hết cái dốt về chiến thuật của một Trung Úy, cấp Trung Đội Trưởng, còn quá ngu ngơ về trận mạc nên đã tâng bốc quan điểm hạ đẳng của một sĩ quan cấp Tá ‘’sorti-du-rang’’ như Miller, không biết gì về chiến tranh Việt Nam ? Luận điểm sau này có lẽ đúng hơn.

Trở lại thời điểm đó, một đêm vào cuối tháng 4.1972, vào khoảng gần giữa khuya, khi tôi đang ngồi ở chiếc bàn trực hành quân vuông thay thế chiếc bàn thấp cũ thì Đại Tá Miller đến gặp tôi và nói với tôi là ông cần gặp Tướng Hưng lúc đó đã vào ở trong căn hầm riêng của tư lệnh, sau khi Đại Tá Mạch Văn Trường bị đưa về đơn vị. Ông nói với tôi là ông sẽ gởi điện xin TRAC (Third Regional Assistance Command-Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Vùng 3 Chiến Thuật) ‘’rescue’’ Toán Cố Vấn Sư Đoàn-division combat assistance team ra khỏi An Lộc. Ông ta trao cho tôi xem bút tự của ông viết trên mẫu giấy công điện hành quân màu vàng. Tôi đọc xong bản văn ngắn đó mà ngày nay tôi không còn nhớ rõ chi tiết từng chữ và chỉ hỏi ông một câu rất ngắn: ‘’Đại Tá có chút cảm tình nào với các chiến sĩ của Sư Đoàn này hay không ? Ông ta trả lời rằng: ‘’Có, lúc nào tôi cũng có và tôi quý trọng họ, nhưng tôi phải ra đi…’’ Tôi yêu cầu Đại Tá Miller ngồi chờ và đi vào hầm tư lệnh với bản điện văn của ông ta. Tướng Hưng cười nhưng không dấu được nỗi tức giận: ‘’Cứ để cho hắn đi.’’ Tôi nói: ‘’Không được, anh phải ra gặp hắn’’. Tôi đến tủ lạnh, cắt mấy khoanh chả lụa để vào một cái dĩa và mang mấy chai bia ra hầm hành quân đặt trên bàn trực hành quân. Tôi nói với Đại Tá Miller là Tướng Hưng sẽ ra ngay, rồi bỏ về chỗ nằm của tôi (nếu ngày nay Đại Tá Miller có đọc được những gì tôi viết trên đây, hẳn sẽ nhớ rõ việc này và sẽ nhớ lại tôi là ai). Chỉ mấy phút sau Tướng Hưng từ hầm riêng bước ra, quân phục tác chiến chỉnh tề, với ngôi sao tướng màu đen thêu trên bâu áo. Ông cười bắt tay Đại Tá Miller và hai người ngồi vào bàn, nói chuyện thản nhiên như không có chuyện quan trọng xảy ra. Họ nói với nhau những gì không ai dám đến gần nghe, nhưng rõ ràng là không cãi nhau như những ngày trước…

Sau đêm đó, từ sáng ngày hôm sau, Phòng 3 và Phòng 2 của Bộ Tư Lệnh Hành Quân không nhận được một chỉ thị nào của Tướng Hưng để thiết lập kế hoạch hành quân giải tỏa các phu phố mặt Bắc thành phố vào sân bay Đồng Long. Chỉ biết là trong khu vực tránh nhiệm của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù, các đơn vị của Trung Tá Phan Văn Huấn, với lối đánh trong đêm tối đặc biệt đã tiệm tiến chiếm lại được từng căn phố, từng dãy phố, tiêu diệt từng nhóm nhỏ của địch, nên khu vực phòng thủ đã nới rộng lần lên phía Bắc thành phố. Hàng đêm, Hỏa Long của Không Lực Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bao vùng trên toàn thành phố và các khu vực ngoại vi, bắn thêm nhiều chiến xa và quân xa của cộng sản Bắc Việt. Ngược lại, hằng ngày và hằng đêm, tiếng đạn đại pháo địch vẫn tiếp tục rít lên nổ ầm ầm không dứt trên mọi tuyến phòng thủ, gây tổn thất không ít cho các đơn vị và cư dân. Lượng đạn chúng ‘’dập’’ vào thành phố không dưới 1.000 quả mỗi ngày đêm. Mọi người đều biết rằng mình đang mong đợi những cánh quân bạn từ phía Nam lên, biết rằng một trận tấn công lớn khác sắp diễn ra, và cũng biết rằng tính mạng của mình treo trên những sợi chỉ mành vì bất cứ một mảnh đạn pháo vô tình nào, một viên đạn bắn thẳng nào, hay…kể cả những cánh dù tiếp tế, không bung kịp, từ trên trời rơi xuống vùi lấp cả chiếc hầm cá nhân lẫn những con người…trong đó. Họ biết thân phận mình như những chàng…Kinh Kha…đang chờ Cao Tiệm Ly trên bờ Dịch Thủy. Vậy mà họ vẫn giữ trong lòng niềm tin mãnh liệt là họ sẵn sàng chết để tử thủ An Lộc như lời tuyên bố của vị Tư Lệnh Chiến Trường. Chỉ cần vị Tư Lệnh chịu chết theo thành thì họ cũng sẽ chịu chết để giữ thành. Người ngoại quốc làm sao hiểu được thứ tâm lý của binh sĩ ở chiến trường Việt Nam! Ngược lại họ đã viết nhiều điều sai sự thực. Vì vậy, nên sau này có nhiều người có lương tâm đã xin lỗi về những gì mình viết hay nói về Việt Nam trước đó. Những vị này là những người có lương tri…

Một ngày đầu tháng 5.1972, tôi không nhớ rõ, một chiếc dù tiếp tế không kịp mở, đã rơi đúng vào căn nhà ngói, trần dầy, tường béton-armé, nền gạch cao…của Phòng 2 Hành Quân, nơi làm việc tôi và gần hai mươi sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ, làm cho nóc nhà sập, và chiếc dù với khối tiếp tế khổng lồ khoét một hố sâu trên 4 m dưới nền nhà, nhưng nhà không sập, tường không đổ, chỉ mất nóc và trần nhà…và cũng không ai bị đè chết vì lúc đó tôi đang ở dưới hầm hành quân với hai Đại Úy của tôi phụ tránh ‘’nhật ký hành quân’’, còn các sĩ quan và nhân viên khác đều nằm ở hố cá nhân ngoài tuyến. Chiếc hầm bất đắc dĩ này mà sau đó vẫn hữu dụng thành nơi sinh hoạt an toàn của chúng tôi. Chừng hơn một tuần hay mươi ngày sau, khi tôi vừa ăn xong bữa trưa gạo xấy và mấy hộp thịt ration với anh em ở trong cái hầm đó định bước lên để trở lại hầm hành quân thì thấy một Đại Tá Hoa Kỳ đứng cạnh Đại Tá Bùi Đức Điềm, Tham Mưu Trưởng Hành Quân của Tướng Hưng bên ngoài cửa…nhìn vào chiếc hầm. Tôi bước lên hầm chào. Ông bắt tay tôi và cho biết là ông mới đến thay thế Đại Tá Miller và muốn gặp tôi để biết thêm về địch tình và cung từ của người tù binh mới bị bắt mấy ngày trước. Tôi tiếp ông ở trong hầm hành quân chừng mươi phút. Đó là một ngày mà chúng tôi đang chuẩn bị đón đợi một đợt tấn công mới của quân cộng sản Bắc Việt vào An Lộc tháng 5.1972. Ông Cố Vấn Trưởng Hoa Kỳ mới của Tướng Lê Văn Hưng là Đại Tá Walter F. Ulmer. Ông ngoài bốn mươi, không phải dạng cao lớn nhưng tầm thước, khỏe mạnh, đẹp người. Trông ông có vẻ trầm tĩnh đặc biệt, rất ít nói và rất hiểu biết. Như vậy là Đại Tá Miller đã âm thầm rời Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở An Lộc trong đêm trước đó. Các sĩ quan phụ tá của ông vẫn còn ở lại làm việc với Đại Tá Ulmer.

Ông cố vấn mới và ông tư lệnh cũ của sư đoàn hoạt động với nhau hình như thích hợp. Sự yểm trợ hành quân của Không Lực Hoa Kỳ nhanh chóng và hữu hiệu trong trận đánh nhau dữ dội hơn sau đó. Còn Đại Tá Miller, tôi không biết thuyên chuyển đi đâu. Giả thử lúc đó ông có gửi bản văn của công điện xin ‘’rescue’’ toán cố vấn Hoa Kỳ ra khỏi An Lộc mà ông cho tôi và Tướng Hưng xem thì thượng cấp của ông cũng làm đến mức là chỉ ‘’bốc’’ riêng ông đi khỏi chiến trường này mà thôi. Làm sao mà Washington bỏ An Lộc được trong thời điểm đó ? Ông Tướng Hoa Kỳ nào ở Việt Nam lúc đó dám làm cái việc dại dột mà Miller đã xin làm: ‘’bốc toán cố vấn sư đoàn ra khỏi chiến trường An Lộc’’ ? Dĩ nhiên chỉ có chính Miller bị thiệt thòi mà thôi. Trước trận An Lộc, chúng tôi được biết là ông sẽ được bổ nhậm làm tư lệnh một lữ đoàn, tức là có khả năng thăng cấp Tướng. Nhưng từ khi về Hoa Kỳ cho đến sau này giải ngũ ông vẫn mang cấp Đại Tá, mặc dù nghe đâu đã được nhận chức vụ chỉ huy dự trù. Có lẽ vì vậy nên nỗi hận Tướng Lê Văn Hưng của Đại Tá Miller dâng cao ngùn ngụt…Tuy nhiên có điều đáng mừng cho ông là đã có một người con tốt nghiệp ở một trường võ bị danh tiếng Hoa Kỳ, sau này đánh nhau nổi tiếng ở chiến trường Irac và thăng đến cấp Tướng ba sao (lieutenant general). Đó là niềm an ủi lớn nhất của ông. Trong khi đó người bị thiệt thòi nhiều nhất là Tướng Lê Văn Hưng bởi cả hai sự việc vừa kể trên.

http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?216283-T%C6%B0%E1%BB%9Bng-L%C3%AA-V%C4%83n-H%C6%B0ng-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-s%E1%BB%B1-th%E1%BB%B1c-%E1%BB%9F-chi%E1%BA%BFn-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-An-L%E1%BB%99c-trong-m%C3%B9a-h%C3%A8-1972&p=1309170#post1309170

No comments:

Post a Comment