Tổng số Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5, Vì Dân, trên 1.300 người, kể cả hai Đại Đội bộ binh gửi thụ huấn ở Liên Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Đại đa số Sinh Viên Sĩ Quan được gọi nhâp ngũ và đưa đến Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trong tháng 5 năm 1954.
Ông Hưng và tôi được xếp vào Trung Đội 8 của Thiếu Úy Nguyễn Hưng Chiêu, thuộc Đại Đội 2 Bộ Binh, cùng ở chung phòng hỗn hợp (salle mixe) với Trung Đội 7 của Trung Úy Lê Văn Sỹ. Ở phòng chung này, Trung Đội 7 có 12 sinh viên và Trung Đội 8 cũng có một số sinh viên như vậy. Còn phòng chính của mỗi Trung Đội gồm 24 sinh viên nằm kế cận hai bên phòng mixe này.
Khóa này, tại Thủ Đức có hai Đại Đội bộ binh và sáu Đại Đội chuyên ngành như Pháo Binh, Trọng Pháo, Thiết Giáp, Công Binh, Truyền Tin, Hành Chánh Quân Nhu v.v…Đại Đội 1 Bộ Binh gồm các Trung Đội 1, 2, 3 và 4, Đại Đội 2 Bộ Binh gồm các Trung Đội 5, 6, 7 và 8. Trung Đội 8 của chúng tôi có 36 sinh viên, mà ngày nay tôi còn nhớ tên trên hơn ba mươi bạn. Trung Đội 8, Đại Đội 2 Bộ Binh của Thiếu Úy Nguyễn Hưng Chiêu có thể là Trung Đội Sinh Viên Sĩ Quan tạo được hai kỳ tích là đã cho ra trường một Thủ Khoa và một sĩ quan sau đó trở thành Tướng lãnh duy nhất cho toàn khóa, danh tiếng lẫy lừng. Vị tướng lãnh này là Lê Văn Hưng, người Quận Hóc Môn, Tỉnh Gia Định. Ông là một trong 5 vị Tướng tuẫn tiết ngày 30 tháng 4 đen năm 1975.
Sinh Viên Sĩ Quan Lê Văn Hưng lúc đó thỉnh thoảng đôi mắt thoáng nháy nhẹ một lần như khi đã làm Tướng. Thường ngày, lúc nghỉ ngơi trong phòng, Hưng thường mặc chiếc sa-rong của người Miên, màu đỏ sọc xanh đen, ở trần không mặc áo, cổ đeo một giây chuyền vàng mang một nanh heo rừng nhỏ. Hưng rất ít nói, nhưng dễ mến vì lúc nào gặp ai cũng cười, nụ cười dễ gây thiện cảm và theo tôi nghĩ, dễ làm xiêu lòng các người đẹp. Nước da ngâm, nhưng cao lớn và đẹp trai theo lối một người hùng hơn là một thư sinh. Lúc đó anh đã lập gia đình. Khi gần hết giai đoạn 1, nhất là sau khi đã được mang Alpha biểu trưng của Sinh Viên Sĩ Quan cứ mỗi hai tuần sinh viên được đi phép 24 giờ về thăm gia đình. Như vậy mỗi Trung Đội 36 sinh viên, thì một nửa đi phép, một nửa khác lưu trại. Tôi thuộc toán được đi phép hay lưu trại chung với anh Hưng.
Trong đời, đôi khi ta gặp những hoàn cảnh chạnh lòng. Khi bước chân vào Quân Trường Thủ Đức tôi đã mang nỗi buồn riêng, tủi cho thân phận mình. Không biết nói cùng ai. Lúc đó tôi là một cậu học trò, độc thân, gia đình nghèo. Tôi nhập trường vào tháng 5 đến tháng 7.1954, sau Hiệp Định Genève, đất nước chia đôi. Thị Trấn Cà Mau nhỏ bé thân thương của tôi biến thành nơi tập trung của các lực lượng vũ trang bộ đội và du kích Việt Minh trong nhiều tháng, trước khi họ tập kết ra miền Bắc. Cha và anh tôi là tiểu công chức phải rời Cà Mau lên Tỉnh lỵ Bạc Liêu làm việc, gia đình ăn ở tạm bợ, nghèo khó.
Với số lương tháng ít oi của một Sinh Viên Sĩ Quan tôi phải gởi bớt về giúp thêm cho cha mẹ, đứa em gái còn đi học, và người chị quả phụ và hai đứa cháu cô nhi. Ngày thường, nhất là khi tập ở ngoài bãi, tôi lấy thêm phần ăn sáng mà các bạn cùng bàn không đến ăn, thường là bánh mì với mấy thỏi chocolate hoặc fromage đầu bò ở Nhà Ăn Sinh Viên mang theo để ăn trong buổi giải lao, trong khi các bạn sinh viên khác bao quanh các gánh bán thức ăn hàng rong ở các bãi tập đó. Buổi chiều, khi ăn cơm xong, tôi thường mang về một ga-men (gamelle) cơm trắng để đến tối trong khi các bạn đi ăn uống ở các Câu Lạc Bộ Sinh Viên hay ở những gánh hàng rong đủ loại thức ăn mà vợ con binh sĩ ở trại gia binh mang đến tận hành lang ngoài phòng ngủ của sinh viên, tôi lặng lẽ đem phần cơm đó và một chai xì dầu, ra ngồi ở bậc xi-măng đầu chiếc cống xây trên lạch nước gần dãy trại của Đại Đội chảy ra bãi tập thể dục quân sự, ăn dưới ánh trăng, hay trong bóng tối bao quanh. Tôi đã nuốt những hạt cơm nguội lạnh đó trong nhiều đêm cùng với nỗi tủi thân của mình.
Rồi một đêm nào đó, tôi không nhớ rõ, Thiếu Úy Nguyễn Hưng Chiêu, Trung Đội Trưởng của tôi, trong buổi trực đêm của ông, bắt gặp tôi đang ngồi ăn cơm đêm trong bóng tối như vậy. Khi ông rọi đèn pile thấy rõ ga-men cơm đang ăn dang dở và chai xì-dầu, trong khi tôi đứng thẳng ở tư thế nghiêm của một sinh viên trước thượng cấp của mình.
Ông không nói gì, để tôi đứng đó và đi vào dãy phòng ngủ của Đại Đội. Tôi âm thầm trở về phòng với nỗi lo sợ lớn lao trong lòng. Tôi sợ mình đã vi phạm một lỗi lầm quân kỷ nào đó của Trường. Mấy ngày sau tôi chờ đợi nhận phần phạt. Nhưng không, ngược lại, tôi nhận được tờ giấy bạc 100 Đồng, một số tiền khá nhiều lúc đó, xếp giữa hai trang giấy trong tập bài học của tôi sau khi Thầy khám duyệt và hoàn trả các tập vở đó lại cho các sinh viên Trung Đội.
Thầy đã kín đáo cho tôi tiền như đã hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Đã gần sáu mươi năm rồi, tôi mang ơn Thầy Chiêu đã đào tạo tôi trở thành một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và về đức độ và lòng nhân hậu của Thầy.
Tôi không mong trả được ơn Thầy trong cuộc đời này vì tôi biết không có gì quý giá xứng với tấm lòng bao dung rộng lớn của Thầy. Ngược lại, rõ ràng người đã đền đáp ơn Thầy nhiều nhất là Tướng Lê Văn Hưng vì những chiến công rực rỡ và sự tuẫn tiết cao đẹp của vị Tướng này, người anh hùng mà Thầy một thời đã tạo dựng nên.
Lúc đó tôi rất ít xuất trại nghỉ phép. Họa hoằn có đi phép thì cũng chỉ xuất trại vào sáng ngày Chúa Nhật, đi dạo vòng vòng các khu phố lớn Sài Gòn, xem chớp bóng ở các rạp chiếu bóng thường trực để đợi đến chiều ra Đường Hai Bà Trưng, sau Trụ Sở Quốc Hội, đợi đoàn xe GMC đưa đón Sinh Viên Sĩ Quan của Trường rước về. Những tuần không đi phép tôi mặc quân phục chỉnh tề, cùng các bạn trong Trung Đội người miền Bắc, cũng ‘’mồ côi’’ như tôi sau khi Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, đi dạo ở khu chung quanh sân cờ lớn của Trường, nơi có những hàng cây tỏa bóng mát, dù ít oi, xuống thảm cỏ dưới gốc, mà các Sinh Viên Sĩ Quan lưu trại thường đón tiếp và vui vầy với gia đình hay người yêu đến thăm viếng trong ngày Chúa Nhật.
Cảnh đầm ấm, hạnh phúc và sinh động hực hỡ màu sắc này cũng diễn ra trong Câu Lạc Bộ Sinh Viên và trong các lều mát hay quán ăn chung quanh đó. Dĩ nhiên trong số những thân nhân đến thăm viếng sinh viên hàng tuần không thiếu những bóng hồng tươi đẹp, xinh xắn, là chị, là em, là bạn, là người yêu, hay vợ của sinh viên lưu trại. Một trong những người đẹp đó là vợ của anh Hưng. Nhìn từ xa xa cũng biết chị đẹp. Dáng người cao thon thả nhưng cân đối khỏe mạnh như một thiếu nữ phương Tây. Mặt sáng, nước da trắng. Cách ăn mặc và dáng điệu tạo vẻ thuộc gia đình trung lưu, khá giả. Mỗi lần thăm anh, chị thường dẫn theo đứa con gái nhỏ chừng hơn một tuổi. Họ quây quần bên nhau rất hạnh phúc. Thế nhưng, trong đời người ta không thể ngờ được những bất cập, tan vỡ, chia ly diễn ra mà hậu quả là ưu phiền và oán hận.
Chín năm sau ngày ra trường, mỗi người đi một nơi, không biết tin tức gì của nhau, bỗng nhiên vào giữa tháng 1 năm 1964, tôi được biết tin về anh Lê Văn Hưng. Sau ngày đảo chánh 1 tháng 11.1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Đại Tá Nguyễn Văn Phước Trưởng Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu bị mấy ông Tướng đảo chính bắt giam giữ ở Cục An Ninh Quân Đội, Trung Tá Hồ Văn Lời, Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Báo Cây Mai, được đưa lên Bộ Tổng Tham Mưu thay thế. Tôi cũng được thuyên chuyển theo ông và giữ chức vụ Trưởng Ban Hành Chánh của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.
Một hôm tôi đọc được trong xấp hồ sơ ‘’Công Văn Đến’’ lệnh thuyên chuyển của Nha Nhân Viên Bộ Quốc Phòng ban hành hoàn trả Trung Úy Lê Văn Hưng về ngành Quân Báo và đặt thuộc quyền sử dụng của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Trước cuộc đảo chính Trung Úy Hưng là Quận Trưởng Trà Ôn ở miền Tây. Có lẽ những năm trước nữa ông Hưng có học qua một Khóa Quân Báo hay giữ chức vụ nào đó cùng ngành với tôi mà tôi không biết. Sau đó ít lâu, khi hồ sơ cá nhân của Hưng gửi về Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu mới được biết là sau khi tốt nghiệp ở Thủ Đức nhờ đậu cao nên anh được chọn về Quân Khu I lúc đó bao gồm cả lãnh địa của Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật sau này và thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 15 đóng tại Gia Định. Thiếu Tá Lê Thọ Trung là Trung Đoàn Trưởng. Sau này, khi ông Hưng đã lên Tướng và làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ông Trung, chỉ mang cấp bậc Trung Tá, là Tham Mưu Trưởng cho ông Hưng.
Không đầy một tuần sau khi Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu nhận được lệnh thuyên chuyển của Trung Úy Hưng, cũng trong tháng giêng đó, một người đàn bà đến xin gặp Trung Tá Trưởng Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Với tư cách là người phụ trách về hành chánh và quản trị nhân viên, tôi tiếp bà khách. Bà tự xưng là người phối ngẫu chính thức và đã ly dị của ông Hưng. Tôi hình dung được ngay đó là người vợ của Sinh Viên Sĩ Quan Hưng của gần mười năm trước. Tuy bà đã bớt vẻ thon thả, khá người hơn, mà vẫn còn đẹp ở độ tuổi trung niên. Bà mang theo một lá đơn xin gửi lương tháng, mà bà nói là do Tòa Án phán quyết khi ly dị, ̣đến thẳng địa chỉ của bà ở Gia Định. Tôi chỉ ghi nhận sự kiện, nhận đơn, mà chưa giải quyết được vì Trung Úy Hưng chưa trình diện Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.
Sau đó không lâu, tôi nhận tiếp một lệnh khác của Nha Nhân Viên Bộ Quốc Phòng thuyên chuyển Trung Úy Lê Văn Hưng về Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Như vậy đến năm đó tôi vẫn chưa gặp lại Hưng cho đến đầu tháng 6, năm 1971. Vì ông Hưng trình diện thẳng Sư Đoàn 21 Bộ Binh mà không trình diện Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Cuối năm 1967, vào một buổi chiều, tôi vô tình gặp lại người vợ đã ly dị đó của ông Hưng trong Dancing Club Victoria ở Tân Định, gần Bộ Tổng Tham Mưu. Bà là vũ nữ ở đó. Tôi nhận ra bà nhưng bà không nhớ có lần đã gặp tôi ở Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu gần bốn năm trước. Lúc đó tôi mang cấp bậc Thiếu Tá và được biết ông Hưng mang cấp Trung Tá, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 31 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh và là một trong năm ngũ kiệt nổi tiếng ở miền Tây. Ít lâu sau nghe ông Hưng thăng cấp Đại Tá và làm Tỉnh Trưởng Cần Thơ. Từ cuối năm 1967, sau buổi khiêu vũ ‘’matinée’’ ở Victoria, tôi không gặp bà vợ đã ly dị của ông Hưng lần nào nữa. Đến nay đã gần nửa thế kỷ.
Sau buổi thuyết trình đầu tháng 6 năm 1971 đó, Trung Tướng Minh mời Đại Tá Hưng và tôi ăn cơm trưa trong chiếc ‘’trailer’’ đặt ở sân trước Tư Dinh Tướng Minh ở Biên Hòa. Đáng lẽ tôi không hân hạnh được mời tham dự bữa cơm của hai ông Tư Lệnh này đâu, nhưng tôi nghĩ Tướng Minh mời tôi là vì Đại Tá Lê Văn Hưng nói tôi là bạn đồng môn. Lý do thứ hai là vì khi ra trường tôi thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 61 Việt Nam đầu năm 1955, làm Trưởng Ban Quân Số (Chef Bureau Effectif), đến khoảng tháng 8 năm 1955, ông Nguyễn Văn Minh, lúc đó mang cấp bậc Thiếu Tá được bổ nhậm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 61 Việt Nam, kiêm Quận Trưởng Quận Đức Hòa, thuộc Tỉnh Chợ Lớn, chỉ định tôi làm Văn Phòng Trưởng Tiểu Đoàn (Chef Bureau Secretariat), đồng thời là Chánh Văn Phòng Quận Đức Hòa cho ông. Sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến và Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa cuối năm 1955, Thiếu Tá Minh được đề cử chức Tỉnh Trưởng Sa Đéc, thăng cấp Trung Tá. Tôi xin thuyên chuyển ra Tiểu Đoàn 1/43 Sư Đoàn 15 Khinh Chiến, đóng ở Dục Mỹ, Nha Trang.
Trong Đệ Nhị Cộng Hòa ông Minh thăng cấp nhanh chóng, Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, rồi Chuẩn Tướng, rồi Thiếu Tướng, rồi Trung Tướng làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, rồi Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật. Ông chưa quên tôi đã từng giúp việc cho ông từ 15 năm trước.
Còn lý do thứ ba nữa, đến khi ngồi vào bàn cơm tôi mới được biết là Đại Tá Hưng xin Tướng Nguyễn Văn Minh cho tôi về giúp ông làm Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Điều này làm tôi bất ngờ. Tôi xin để được suy nghĩ lại. Tướng Minh cũng chưa quyết định ngay. Sau buổi cơm Đại Tá Hưng lên Lai Khê, tôi được Tướng Minh cho nghỉ phép một tuần về Sài Gòn, nói là để ông sẽ sắp xếp lại nhân sự.
Lúc đó, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật là Đại Tá Lê Đạt Công không được Tướng Nguyễn Văn Minh tín nhiệm đã cho thuyên chuyển xuống Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Phòng 2 tuy còn mấy sĩ quan cấp Tá khác nhưng công việc do tôi quán xuyến mặc dù tôi không giữ một chức vụ nào ở đó. Tôi nghĩ Trung Tá Mạch Văn Trường, vừa rời chức vụ Quận Trưởng Thủ Đức về Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, đệ tử thân nhất của Tướng Minh, trước đó là Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 21 Bộ Binh của Tướng Minh, sẽ được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn.
Nhưng không phải, khi hết phép trình diện Tướng Minh, tôi được ông cho biết Đại Tá Hưng đã gởi hai công điện chính thức xin tôi về Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Tướng Minh nói với tôi là nên lên Lai Khê giúp ông Hưng và Trung Tá Mạch Văn Trường cũng đã được đưa lên đó giữ chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8. Trung Tá Trần Văn Bình, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 18 Bộ Binh sẽ được chỉ định làm Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật. Điều này cũng hợp lý, vì Trung Tá Bình là một Sĩ Quan Quân Báo nhiều kinh nghiệm đã từng là Trưởng Khối Tình Báo của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.
Tôi rất buồn khi nghe quyết định của Tướng Minh. Không phải tôi muốn thối thoát trách nhiệm làm trưởng phòng tình báo chiến trường cấp Sư Đoàn mà tôi cho là quan trọng. Nhưng tôi tủi thân khi phải phục vụ người bạn cùng khóa. Biết đâu việc làm của tôi không tránh khỏi những sơ suất, chết quân mất đồn, lúc đó sẽ khó cho ông mà khó cho tôi biết mấy. Thà làm việc cho vị Tư Lệnh nào khác, không giữ một chút tình riêng trong lòng, tôi sẽ an tâm hơn. Thưởng phạt sẽ nhận và chịu một cách vô tư, thảnh thơi hơn, nếu mình hữu công hay mình bất lực. Nhưng là một quân nhân, tôi phải chấp hành lệnh của thượng cấp.
Tôi điện thoại cho Đại Tá Hưng và xin cho tôi thu xếp và trình diện Sư Đoàn 5 Bộ Binh ngày 16 tháng 6. Quá trưa ngày đó, khoảng 2 giờ, Đại Tá Hưng cho trực thăng chỉ huy của ông đón tôi ở Biên Hòa lên Lai Khê. Trong Văn Phòng Tư Lệnh, ông Hưng bắt tay và ôm vai tôi lộ vẻ vui mừng. Sau đó, tôi nhận nhiệm sở mà không có bàn giao vì người tiền nhiệm của tôi là Trung Tá Nguyễn Công Ninh đã rời Sư Đoàn từ tuần trước. Khi tôi đang họp với các Sĩ Quan Phòng 2 Bộ Tham Mưu và Biệt Đội Quân Báo Sư Đoàn, thì Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, Đại Úy Nguyễn Đức Phương, gọi điện thoại nói là Đại Tá Tư Lệnh mời tôi dùng cơm tối tại tư dinh, sau buổi họp 5 giờ chiều hằng ngày ở Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn.
Trên chiếc trailler được che chắn bằng nhiều bao cát xung quanh, đặt ở sân sau Tư Dinh Tư Lệnh, song song với dãy nhà văn phòng của Phòng 2 Sư Đoàn, nơi làm việc của tôi từ buổi trưa đó, cách một lớp rào lưới chống đạn B-40, lần đầu tiên tôi gặp người phối ngẫu chính thức của Đại Tá Lê Văn Hưng, chính do ông giới thiệu, mà sau đó không lâu tôi được biết nhũ danh của bà là Phạm Kim Hoàng. Tôi nghĩ bà là người xứng với ông Hưng. Nước da trắng, gương mặt đẹp sáng, dáng người mảnh mai thanh tú, giọng nói dịu dàng. Bà tỏ ra thân thiện với người đồng môn của chồng. Ông Hưng cũng không hỏi một câu nào về gia đình hay bản thân tôi từ ngày ra trường. Ông và tôi bàn về các vấn đề thời sự ở phạm trù lớn hơn phạm trù Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, bình đẳng, không gò bó như thường khi tôi tiếp xúc với bất cứ một thượng cấp nào của tôi trước đó. Sau buổi cơm tối ngày tôi trình diện Sư Đoàn, tôi nghĩ rằng tôi có thể yên tâm làm việc với Đại Tá Hưng, không còn mặc cảm. Trái lại, tôi nghĩ là phải cố gắng, bỏ tâm cơ nhiều hơn trong việc làm để thực sự giúp người bạn hiểu biết mình và cũng để chứng tỏ mình có đủ kiến thức và khả năng chuyên môn không làm phụ lòng ông.
Đó không phải là buổi duy nhất ông bà Hưng đãi cơm tôi trên chiếc trailer ở Tư Dinh của Tư Lệnh trong Căn Cứ Lai Khê, mà rất nhiều lần trong suốt thời gian tôi phục vụ ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh dưới quyền chỉ huy của ông Hưng. Mỗi khi ông bà tổ chức các buổi ăn gia đình có tính kỷ niệm, người bạn duy nhất được mời là tôi. Thêm nữa, mỗi lần khi mà buổi sáng tôi bị gạch tên trong các lần đề nghị thăng cấp đặc cách, hay trong danh sách đề nghị thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh, dù ở cấp Sư Đoàn mà ông Hưng, với thẩm quyền Tư Lệnh, có thể ký ban cho. Trong ngày nào đó, nếu ông từ chối đề nghị của Trung Tá Tham Mưu Trưởng Lê Thọ Trung, thì buổi chiều bà Hưng gọi điện thoại mời tôi ăn cơm tối với ông, bà. Trong buổi cơm, dù tôi tỏ ra bình thường bà Hưng vẫn nói như an ủi tôi ‘’ảnh luôn như vậy đó, anh đừng buồn’’, trong khi ông Hưng ngồi đó, nghe và cười. Nụ cười vừa an ủi vừa như bảo với tôi rằng ông không muốn để người khác dị nghị và Anh Dũng Bội Tinh không thể cấp cho Sĩ Quan Tham Mưu. Người hiểu rõ các điều trên đây lúc đó là Trung Tá Lê Thọ Trung, vị Chỉ Huy Trưởng cũ của ông Hưng.
Tôi nghĩ rằng Trung Tá Trung nhiều lần cũng được gia đình ông Hưng mời ăn những buổi cơm riêng như vậy, vì ông Hưng chắc không quên người đã từng là thượng cấp của ông khi vừa bước ra khỏi cổng Quân Trường Thủ Đức. Dĩ nhiên người hiểu rõ nhất những mối liên lạc thân thiện giữa Tướng Hưng và tôi là bà Hưng. Những buổi cơm có tính cách gia đình này không chỉ diễn ra trong thời gian tôi phục vụ ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh mà còn như hằng ngày ở những tháng sau cùng của chiến cuộc Việt Nam, tại Tư Dinh Tướng Hưng ở Cần Thơ.
No comments:
Post a Comment