Thursday, August 24, 2017

[VNCH] Quê huơng của mình _Quách Tử

Như thường lệ mỗi sáng Thứ Bảy, tôi ngồi bên đứa cháu ngoại lên tám
để chỉ cháu tập đọc và làm toán. Sáng nay, bắt đầu bài tập đọc với tựa đề Quê Hương Của Chúng Ta (Our Country). Với giọng tiếng Anh nhỏ nhẹ, đứa cháu gái tôi bắt đầu đọc: “Khi nhìn lên bản đồ Hoa Kỳ, chắc em còn nhớ như đã học trước đây, Hoa Kỳ là một dải đất rộng, thuộc Tây Bán Cầu, và lục địa Bắc Mỹ. Florida là một bán đảo được xem như một ngón tay chỉ về hướng nam của vùng biển Caribbean. Florida được người Tây Ban Nha khám phá ngay sau cuộc hành trình của Columbus…”.

Cháu tôi dừng lại từng hồi rồi hỏi tôi: “Hemisphere là gì và Continent là gì ông Ngoại?” . Tôi xoay bản đồ địa cầu trên bàn và giải thích cho cháu tôi. Đến phần trả lời những câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là: “Hãy nhìn lên bản đồ Hoa Kỳ, em được sinh ở Tiểu Bang nào?”.  Cháu tôi đưa ngón tay nhỏ bé và chỉ ngay vào ô dài có chữ CA và nói: “Con sinh ở California”. Rồi cháu tôi vừa đưa ngón tay tiếp tục dò tìm về hướng đông của bản đồ nước Mỹ vừa nói: “Để con xem Katie, con cậu Ba sinh ở đâu”. Như tìm ra được một món quà, nó nói lớn: “Here, New York!”. Cháu tôi quay lại hỏi tôi: “Ông Ngoại sinh ở Tiểu Bang nào?”. Tôi chưa kịp trả lời thì cháu tôi vội nói: “Sorry, I am sorry! Có một lần con nghe mẹ con kể rằng ông Ngoại, bà Ngoại và mẹ con sinh ra ở Việt Nam”. Câu hỏi vô tình của cháu tôi như đánh thức tôi . Vì mải mê, bận rộn với công việc làm tôi đã quên cái vết thương của kẻ tha hương.  Nước Mỹ là quê hương của cháu tôi vì nó được sinh ra và lớn lên ở xứ nầy. Còn quê hương của tôi thì xa vời vợi bên kia bờ Thái Bình Dương.

Sau khi làm xong bài, cháu tôi tò mò hỏi:

- Lúc còn nhỏ ông Ngoại có được đi học như con không?

- Có, ông Ngoại có đến trường để học.

- Mỗi sáng ông Ngoại có ăn Cheerios với milk trước khi đi học không?

- Không, ông Ngoại ăn cơm nguội với nước mắm.

- Cơm nguội là gì ông Ngoại?

Tôi sực nhớ ra trong gia đình từ khi đến Mỹ, không thường dùng chữ “cơm nguội” nên cháu tôi không hiểu. Cơm còn dư chút ít thì bỏ đi, còn nhiều thì hâm microwave để ăn nên lúc nào cũng là cơm nóng. Tôi giải thích cho cháu tôi:

- Cơm nguội là cơm nấu từ ngày trước, còn dư để lại ngày sau ăn trước khi đi học, đi làm.
Cháu tôi hỏi tiếp:

- Có xe bus đến đón ông Ngoại đi học không?

- Không, ông Ngoại đạp trên cỏ đi trên bờ ruộng bờ ao để đến trường.

Cháu tôi mỉm cười và tiếp:

- Con thích được đi trên cỏ như ông Ngoại.

Cháu tôi hỏi thêm:

- Ở trường ông Ngoại có computers và games để chơi không?

- Không, trường ông Ngoại không có computers, cũng không có games và điện.

- Không có điện làm sao ông Ngoại thấy để học?

- Trường phải mở tất cả cửa sổ và cửa lớn để có ánh sáng vào học.

- Ông Ngoại không có computers và games, rồi ông Ngoại chơi với cái gì?

- Ông Ngoại chơi đánh bi và đánh đáo.

Cháu tôi lắc đầu và nói:

- I don’t know those games.

Những câu hỏi của đứa cháu đã gợi tôi nhớ lại cả một thời thơ ấu ở quê nhà.

Tôi bắt đầu đi học lớp một và lớp hai, thời đó gọi là lớp năm và lớp tư. Trường học của tôi là một cái Miếu cổ. Thời Việt Minh đã đập phá tất cả cửa, hình tượng và trang thờ. Chỉ còn lại vỏn vẹn một cái trang thờ nhỏ dùng làm bàn thầy giáo. Học trò chúng tôi ngồi trên các băng dài đóng bằng gỗ cũ kỹ, lắc lư. Nhiều hôm giữa giờ học, con cắc kè trên mái nhà kêu lớn lên làm chúng tôi giật mình, trước khi dứt kêu nó rên è, è… Thằng bạn học ngồi gần nói với tôi: “Hôm nay trời chuyển mưa, nên con cắc kè nó mệt nó rên; nay mai trời sẽ mưa, lúa tốt được mùa”. Tuy còn nhỏ, nhưng nghe chữ “được mùa” tôi cũng vui lây vì biết năm nay nhà đủ gạo ăn.

Nhà tôi cách trường qua một khu ruộng ao. Mùa hạ tôi thường bước đi trên những vỡ đất cày để đến trường. Mùa đông, tôi phải vượt qua những lỗ sình lầy trên bờ ruộng. Khi lên lớp ba, tôi được đến học ngôi trường Cơ Bản Tiểu Học khang trang hơn. Trường có trống chầu, điểm một hồi ba tiếng buổi sáng thúc giục học sinh đi học, báo hiệu ra chơi và vào lớp bằng ba tiếng, một hồi dài vào buổi xế chiều báo giờ tan học.

Năm lên lớp bốn tôi được lên trường thuộc cấp xã để học. Chính quyền cấp xã cho một ngôi chùa cũ làm lớp học.  Năm lớp bốn là năm cuối của bậc tiểu học. Thầy giáo tôi trạc tuổi trung niên, thân mật nhưng rất nghiêm, và chúng tôi nghe thầy có uy tín vì là một đảng viên.

Một hôm thầy chúng tôi đứng trước lớp học, trông rất nghiêm nghị hơn mọi ngày thường. Thầy cho chúng tôi biết vị lãnh tụ vĩ đại Liên Xô là Stalin đã qua đời, vì ông làm việc cho nhân dân quá sức nên bị đứt mạch máu não. Chúng tôi nhìn nhau, không đứa nào dám nói một câu gì trong giờ phút nghiêm trọng nầy. Tôi thầm nghĩ: lãnh tụ làm việc quá sức bị đứt mạch máu não; mình là học sinh đừng học quá sức cũng có thể bị đứt mạch máu não. Thầy tôi nói tiếp: “Chúng ta phải khóc để tỏ lòng thương tiếc vị lãnh tụ vĩ đại và sự mất mát lớn nầy”. Tôi thấy mắt thầy tôi đỏ hoe, rồi ông cầm khăn lau nuớc mắt.  Học trò cả lớp chúng tôi ngồi yên như những pho tượng đá, không đứa nào khóc. Thầy tôi đảo mắt nhìn một vòng, rồi ông lớn giọng: “Các em ngu dại quá, các em không có trái tim, không biết đau xót trước sự mất mát vĩ đại”. Tôi đảo mắt nhìn mấy thằng bạn ngồi gần và thầm nghĩ chúng có cùng một ý nghĩ như tôi: “Thầy nói vậy chứ mình có mất mát gì đâu!”.  Rồi thầy nói như ra lệnh: “Ngày mai, các em phải để tang một tuần lễ bằng cách mang vòng băng tang đen trên cánh tay trái”. Tối hôm đó, tôi về năn nỉ chị tôi thức khuya may cho tôi một cái băng tang đen bằng những miếng vải đen cũ trong rổ may vá để ngày mai tôi đeo khi vào lớp.

Tôi bị gián đoạn việc học hành một thời gian, vì nhà nghèo không đủ khả năng cho tôi đi học ngay sau ngày Chánh Quyền Quốc Gia tiếp thu Miền Nam năm1954. Mấy năm sau tôi ra tỉnh học bậc Trung Học. Tuổi đã lớn nên tôi phải học trường Tư Thục Tân Bình. Với số tiền ít ỏi, tôi phải hỏi thăm mấy thằng bạn chỗ nào cho ở trọ và nấu cơm tháng rẻ nhất. Chúng rủ tôi đến ở xóm chài Khu 2 - Qui Nhơn sát bờ biển.

Tôi thật may mắn vào ở trọ nhà chú thím Bình, một gia đình nghèo nhưng lòng dạ rất tốt. Chú thím coi chúng tôi như con cháu. Mỗi tháng chỉ trả 400 đồng cả ăn ở, bằng phân nửa các nơi khác. Dù khó khăn, mỗi sáng thím vẫn mua cho chúng tôi một đĩa bánh hỏi ăn lót dạ. Bảy đứa học trò cùng chia xẻ nhau một đĩa bánh hỏi, mỗi đứa thường được vài miếng.  Đêm đến học bài, hai đứa cùng học chung một cái đèn bóng hột vịt, thắp bằng dầu lửa vì lúc đó xóm chài chưa có điện. Khi đi ngủ hai đứa cùng nằm chung một cái giường chõng, giường mùng thì ba đứa. Chú thím Bình cũng nhận thấy gia đình quá đông, nhưng phụ huynh cứ đến năn nỉ thím giúp cho con mình ở trọ. Thím là người nhẹ dạ và thương người, nhiều khi tôi thấy thím rươm rướm nước mắt vì thương hoàn cảnh rồi cho vào ở. Cuộc sống cứ như vậy ngày qua ngày cho đến khi tôi đậu Trung Học.

Sau khi thi Trung Học Đệ Nhất Cấp mấy tuần lễ, tôi chờ đến ngày đi xem bảng kết quả thi. Từ Phú Phong đến Qui Nhơn bằng xe đò, xuống xe tôi đi bộ như chạy vào trường Cường Để. Đọc thấy tên mình tôi nhảy lên vì mừng quá! Tôi muốn chạy về nhà ngay. Nhưng đã xế chiều rồi đâu còn chuyến xe chở khách nào. Tôi về nhà thím Bình nghỉ. Đêm đó nhà thím quá đông vì có cả phụ huynh đi xem bảng. Tôi nằm trên mui xe Lam của Chú Bình đậu trước nhà. Nỗi vui mừng kích thích đầu óc nên tôi không thể nào ngủ được. Tôi thức trắng đêm nhìn trăng chiếu lên xóm chài, chiếu trên mui xe Lam tôi đang nằm. Trăng như muốn chia sẻ niềm vui của tôi.

Tuổi thơ qua thật mau, sau ngày đậu Tú Tài tôi vào quân ngũ. Rồi ngày tàn chiến cuộc, tôi là một nạn nhân, một kẻ mang danh “tay sai và bán nước”. Sau bao năm lao tù, tôi được cho về với gia đình nơi nương rẫy. Ngày nhận hộ chiếu xuất cảnh tôi vui mừng cho tương lai con cháu tôi.  Hôm lên máy bay ra đi, cách nay 22 năm, gia đình bà con đến tiễn đưa; nhiều giọt nước mắt đã rơi. Tôi thấy thương người ở lại. Máy bay cất cánh lên cao, rồi lên cao, lòng tôi nhẹ nhàng phơi phới. Có điều khác lạ trong tôi là trước đó 23 năm, khi tôi du học khóa hoa tiêu ở Mỹ, máy bay cũng cất cánh ở Phi Trường Tân Sơn Nhất nầy; khi lên cao độ tôi quay nhìn lại quê hương lòng buồn man mát. Tôi không muốn khóc, nhưng những giọt nước mắt cứ tràn ra khoé mắt tôi. Lần nầy ra đi, tôi bỏ lại đàng sau bao nhiêu thương nhớ, nhưng tôi không có giọt nước mắt nào! Tôi đã chạy trốn khỏi quê hương dưới bàn tay Cộng Sản như một tên tù vượt ngục, chỉ lo thoát thân.

Khi máy bay lên đủ cao độ bình phi, tôi yên lòng vì biết không có trục trặc gì con tàu phải quay lại, và biết đâu gia đình mình không có cơ hội thứ hai.  Ánh sáng lờ mờ trong tàu và tiếng động cơ đều đều cho tôi những giây phút êm đềm để hồi tưởng lại.

Ra đi, tôi mang theo nhiều thương nhớ gia đình, tôi giã từ những kỷ niệm và tình tự quê hương.  Nhưng tôi cũng trút được những phiền toái, bất công, kỳ thị và phân biệt của một chế độ trên quê nhà. Tôi không còn chịu cái cảnh ngồi lê lết trên nền xi măng của hội trường xã để nghe ông Bí Thư Xã nói dài dòng về “ba Giòng Thác Cách Mạng”, ông Trưởng Công An nói về “tính ưu việt của Chủ Nghĩa Xã Hội”. Tôi ra đi, tránh được cái cảnh mùng ba Tết đi đào ao cá Bác Hồ, mùng bảy Tết đi làm công tác thủy lợi đập Trị An.  Tôi không còn thấy cái cảnh sàng lọc lý lịch “con Ngụy Quân Ngụy Quyền” không được vào đại học. Tôi đã bỏ quê hương ra đi vì phải xa lánh bạo quyền.
         
Sau hơn 20 năm lưu lạc trên xứ người, dù quê hương đã mất nhưng tình tự quê hương vẫn sống mãi trong tôi. Ánh trăng tròn mười sáu như cô gái thẹn thùng núp sau lũy tre làng. Giòng nước Sông Côn trong xanh ngọt ngào chảy ôm bờ tre với màu xanh muôn thuở. Tiếng hát đưa tình thanh thót đêm trăng cấy lúa ruộng ao. Xuân về đi xem hát bộ đứng gần cô gái xóm trên thật dễ thương! Và còn nữa, làm sao kể hết!

Quê hương của mình tình tự và dễ thương quá, nhưng đành phải xa cách. Nay trên quê hương người, có kẻ gọi là quê hương thứ hai. Tôi đồng ý về phương diện sinh sống làm ăn. Nhưng trong tâm khảm con người chỉ có một quê hương, đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi mình được sinh ra và lớn lên.
         
Qua nhiều năm dạy học ở Mỹ, đứng giữa lớp nói chuyện với học sinh tôi thường dùng chữ “Our Country” rất nhiều lần. Nếu phân tích theo ngôn từ và ý nghĩa thì tôi đã dùng chữ sai, cố ý nói lầm; vì quê hương nầy là của đám học trò chứ đâu phải của tôi. Nhưng theo quan niệm người Mỹ dùng chữ “Quê Hương” rất rộng rãi.  Dù ai sinh ở đâu, nhưng đến đây hợp pháp, cùng chia sẻ sống chung trên mảnh đất và đóng góp vào đất nước nầy thì có thể xem và gọi Hoa Kỳ là “Our Country”. Đây chỉ là cách xưng hô, nhưng trong lòng của kẻ tha hương, quê hương mình thực sự đã bị bỏ lại đàng sau.

Một mai khi cháu tôi lớn lên, đọc lịch sử nó sẽ hiểu nguyên nhân hàng triệu người đã bỏ quê hương Việt Nam ra đi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Ông Ngoại mình là một trong đoàn người đó. Nó sẽ hiểu được nguồn gốc của mình.  Nhưng không bao giờ nó hiểu được nghĩa “Quê hương của mình” trong tâm khảm của mỗi người. Cháu tôi là người có quê hương, còn tôi là kẻ đã mất quê hương của mình

Quách Tứ

http://lientruong-quynhon.com/p117a919/que-huong-cua-minh

No comments:

Post a Comment