Wednesday, October 11, 2017

Sài Gòn Với Người Tình Già Trên Đầu Non- 2003 _hoanglanchi

Tôi là nguời khoa học và chỉ coi mọi cái dính líu đến Văn học nghệ thuật như Văn,Thơ,Nhạc,Hoạ …là son phấn ! Trang điểm cho tâm hồn thêm duyên. Do đó , từ xưa, tôi không chú ý đến tác giả .

Điều tôi quan tâm là tác phẩm ! Nhưng khi về già, tôi lại quen biết một số tác giả , hoàn toàn từ ngẫu nhiên .Tôi gọi đó là duyên văn nghệ ! Như một tối tháng sáu . Saigon mưa nhè nhẹ . Tôi đến cà phê DTG . Bất chợt một giọng hát cao vút –và một bài hát tôi yêu : Nghìn trùng xa cách Nguời đã đi rồi Còn gì đâu nữa Mà khóc với cuời Mời nguời lên xe Về miền quá khứ Mời nguời đem theo toàn vẹn thương yêu … Tôi hơi ngạc nhiên.Vì biết nhạc PhamDuy bị cấm. Nhưng kệ, cứ thuởng thức. Sau đó tôi làm quen nàng , viết bài về quán cà phê , nơi nàng –nguời cũng yêu thích nhạc họ Phạm như tôi -đến hát hàng đêm-cho bạn bè nghe.

Bài viết đã khiến Nguời tình già , dù trên đầu non nhưng vẫn dõi nhìn về quê mẹ – thấy lòng xao xuyến. Việt Nam , vẫn còn vang những tình tự của ta ư ? Ông bèn viết cho tôi. Duyên văn nghệ từ đó . Tháng 7, Saigon vẫn mưa , ông về vào một ngày cuối tháng . Ông đã chọn khách sạn nằm trên con đường nhỏ , yên tĩnh gần bệnh viện Grall ngày xưa . Để rồi hàng ngày , thật chân chất, giản dị , với bộ đồ ba ba xám, ngồi quán cà phê cóc trên lề đường đối diện khách sạn, ông tiếp bạn bè ! Tôi thích vậy. Dân Saigon chính cống , chỉ nên ngồi cà phê vỉa hè …. Trứớc đó , với những lá mail duyên dáng , ông cũng làm tôi vui vui. Có một câu , tôi thích nhất .

Về VN, nghe giọng nói ông qua điện thoại, tôi ngạc nhiên.Với số tuổi ngoài 80 mà giọng nói vẫn rất khoẻ và ấm vô cùng. Đây là giọng đàn ông ấm thứ hai mà tôi nghe đuợc qua điện thoại ! Tôi mỉm cuời thầm nghĩ “hèn chi chàng hát hay !” Tuy bình dị với bà ba nhưng khi xuất hiện truớc bạn bè hay công chúng, ông vẫn đỏm dáng như tuổi thanh niên.

Hôm Lưu Trọng Văn mời ông cùng chúng tôi đến nhà chơi, ông diện áo khoác xanh lè ! Chụp hình thì ông nổi nhất với mầu xanh ấy. Át cả Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý với mầu ao nhu nhã . Trên xe ông tâm sự :-Tôi về VN chẳng vì một lý do chính trị nào cả . Tôi yêu quê hương.Tôi đã già , tôi mong nhìn lại nơi tôi sinh ra, lớn lên và cả một đời ca hát cho đồng bào nghe. tôi đã 83, lần này như đi dối già ! Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ gì . Đơn giản vì tôi sống ở VN, mọi thông tin không phải dễ dàng tiếp cận .Do đó tôi không biết đến ba không của hải ngoại : không du lịch, không gửi tiền và không mua hàng VN.. Tôi đã tức tối khi viết bài kêu gọi từ thiện cho nguời già neo đơn mà có một nick trên net chụp cho tôi cái mũ CS ! Nghe chữ dối già, tôi thấy rưng rưng. Tôi không biết gì về sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và tôi đã tuởng từ sau 75, ông không sáng tác nhiều –như họ Trịnh. Tôi đã thầm tiếc. Một tài năng âm nhạc như thế mà đành chôn vùi cảm hứng sao ? Nhưng không, tại nhà Văn, chúng tôi nghe Mộng Thuỷ hát Trăm năm bến cũ .Rất hay. Lại một lần nữa, tài nghệ phổ thơ của ông đuợc phô bày . Sau đó vài ngày, tôi đã “dựng cổ “ Văn từ 6 giờ sáng, chỉ để chép bài thơ .

Tôi ngỡ ông phổ nhạc môt bài của Văn. Ai ngờ , khi Văn đọc mới biết ông đã xào nấu” hai bài thành một bản nhạc ! Ông nói rằng, sự xúc động khi đọc giòng thơ Về thôi, nguời tình già ơi Nào đâu có trăm năm mà chờ Nào đâu có kiếp sau mà đợi đã khiến ông quyết định , về thôi – năm 2000 ! Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã kể lại vài câu chuyện bên lề của thuở cùng nhau kháng chiến. Vài nguời bạn Văn đến vào phút chót , phỏng vấn ông về âm nhạc VN bây giờ . Ông cẩn trọng, nói ít . Truớc khi về VN, ông mail “ sẽ có ngày tôi mời Lan Chi đến DTG và chúng ta hát với nhau , hát những lời quê hương..”

Nhưng truớc khi ông về VN chừng hai ngày , tôi mail nhắc lại thì ông tỉnh bơ “ Thế không biết tôi là Phạm Cuội à ? Từ khi cô Hằng mất đi ,chú Cuội bơ vơ !” Rồi ông làm thế thật ! không báo truớc, ông cùng các con bất thình lình ghé quán DTG .Cô chủ bân dự sinh nhật nguời bạn.

Được nhân viên báo tin, cô vội vã gọi phone cho tôi rồi về quán ngay. Tôi trang điểm qua loa và không quên nhét cái máy ảnh digiatal vào bóp . Cả gia đinh ông chiếm một bàn dài .Lúc tôi đến, găp Duy Quang ngoài cổng và đi luôn, không quay lại . Chỉ có Duy Cuờng và Duy Minh . Thấy tôi, ông giơ tay vẫy chào . Đêm ấy , nhạc họ Phạm đã đuợc mọi nguời hát tưng bừng .

Trong số khách , có nguời vô tình , có nguời đuợc bạn báo tin và đến …Tôi nghĩ rằng, vinh quang thì ông hẳn đã có nhiều . Nhưng với đêm ấy, tại quê nhà, nơi mà nhạc ông vẫn còn bị cấm nhưng ông đã đuợc mọi nguời hát thì hẳn là ông cảm động lắm ? Chị bạn, đã bỏ sinh nhật chồng, cũng đến quán. Chị nói với tôi “ Bác Duy có bao nhiều bài, tôi thuộc hết “ Chị cũng đã lên hát một bản .Hay ! Chị xin tôi chụp cho chị môt tấm.Tôi đùa “ giá 100US nhé “ Một bạn khoảng chừng ngoài 30 , rụt rè đến cạnh ông : -Thưa bác, ngày xưa, môt lần cháu đuợc nghe bản Chiều về trên sông của bác. Cháu mê mẩn và từ đó tìm nghe những nhạc phẩm khác của bác … Bác như là thần tượng của cháu !Tôi vẫn chiếm vị trí sau lưng ông nên nghe hết . Tôi mỉm cuời . Thần tượng ? tôi chưa tôn ai làm thần tượng bao giờ ! Anh bạn lên hát và cũng..rụt rè xin tôi môt tấm chụp chung với ông. Sau này, tôi đuợc biết anh là Kiến Trúc Sư . Một em trẻ , rất mode ở y phục và tóc nhuộm hoe vàng hát Kiếp nào có yêu nhau . Giời ạ ? tôi kinh ngạc ? một cậu bé , hát nhạc Phạm Duy quá hay ! cậu cũng xin tôi một tấm.

Sau này tôi phỏng vấn. Hoá ra, cậu nghe theo cha mẹ từ bé nên cũng thích dòng nhạc Phạm Duy ! Một cặp khác cũng đến xin một tấm.Tôi là phó nhòm bất đăc dĩ hôm ấy. Duy Cường đã phải đề nghị mọi nguời hát nhạc khác kẻo bị công an chú ý ! Nàng-nguời đàn bà hát nhạc PhạmDuy –có giọng hát hao hao Thái Thanh đã hát tăng ông Trăm năm bến cũ . Ông đã lên sân khấu nói đôi lời-chỉ với nguời phụ nữ này . Gần 11 giờ, cô bé xinh xăn, về từ Canada lên hát Ngừơi Về . Ông cảm động vì –con bé còn quá nhỏ -mà biết hát Người về – nên đã lên sân khấu lần thứ hai ôm con bé cảm tạ . Tôi đoán rằng đêm đó , chắc ông ngủ ngon. Bao tình cảm , bao yêu mến và trên hết …tình ca của ông vẫn đuợc hát cho dù có lịnh cấm ! Sau đó ông có đến vài phòng trà cũng như các quán cà phê hát với nhau. Lẽ ra ông ở lâu hơn nhưng một bài báo ở VN đã khiến ông bỏ về Mỹ sớm . Chúng tôi lại tiễn ông , cũng ở quán cà phê lề đường . Lần này có thêm Thu, môt Việt kiều Hà Lan. Nghe tin ông ở VN,anh bay về ngay dù vừa mới rời VN chừng mươi ngày trước ! Hai Tôi vô tình đọc bài viết về ông của BG trên web XXXX.

Tôi vẫn biết nghệ sỹ sống khá phóng túng. Từ bé, tôi đã nghe giai thoại “ăn chè” nhưng tôi không quan tâm đến đời sống riêng tư của ông .Tuy vậy, lời kết tội của BG làm tôi khá hoang mang ? Tôi hỏi trực tiếp . Ông mail “ Tôi không hề chơi thân với ông X đó. Tôi sáng tác nhạc cho đồng bào nghe. Do vậy tôi phải trân trọng thính giả là những nguời ưa thích nhạc tôi . “ Tiếp đó, ông gửi cho tôi xem –cái gọi là Hồ sơ Gió tanh mưa máu -của một số cây viết chuyên nghiệp hay tài tử – trả lời cho những gì mà nguời ta gán cho ông. Tôi không muốn phán xét điều chi hết . Vì không có điều kiện và cả tư cách để kiểm chứng rõ ràng từ cả hai phía ! Nhưng tôi tin -với những bản nhạc về quê hương tuyệt vời mà đỉnh cao nhất là nhạc phẩm Tình ca – không thể nào là một con nguời vô thần hay khinh miệt khán thính giả ! Nhưng để tin đuợc điều đó , chúng tôi cũng đã xung đột vài lần.

Vì , có lẽ tôi khác xa ông nhiều quá chăng ? Thứ nhất tôi bị một nền giáo dục cổ xưa chi phối !do đó tôi không thể chấp nhận cuộc sống phóng túng của nghệ sỹ một cách dễ dàng . Thứ hai, tôi ít quan tâm đến giới nghệ sỹ nên không tìm hiểu đời sống cá nhân hay tâm tư của họ nhiều ..Tôi chỉ nghe hay xem tác phẩm .Chỉ bây giờ, tuổi già và tương đối rảnh rỗi , tôi mới tìm đến đôi chút ! Thứ ba, tôi chưa bao giờ tôn ai làm thần tượng ! Tôi mê nhạc ông nhất là tình ca quê hương. Tôi chưa thấy ai qua đuợc ông về phương diện này . Nhưng mê nhạc chứ không mê nguời ! Vì vậy, tôi –thời gian đầu –đã có chỉ trích ! Nhưng -với tâm tình dàn trải trong hồi ký và cả mail, tôi đã có cái nhìn khác về ông nói riêng và giới nghệ sỹ nói chung . Vâng, để có cảm hứng viết những nhạc phẩm hay bài thơ tuyệt, tác giả phải có một xúc cảm thật ! Và cảm xúc với nguời vợ hiền thì không còn sôi nổi như thuở ban đầu ! Cô Thái Hằng –mà ông xưng tụng là Á Thánh –đã hiểu điều đó nên đã để ông có cảm hứng mà sáng tác. Ngoài cái đam mê đó, ông không rượu chè, cờ bạc, hút sách hay bỏ bê vợ con ..

Ông tâm sự “đời tôi như cái kiềng ba chân . Chỉ vững khi có đủ ba. Đó là gia đinh, nguời tình và nghệ thuật ” Với gia đinh, ông lo trọn vẹn cho các con. Với nghệ thuật, ông tìm tòi, cống hiến những tình ca bất hủ . Với nguời tình, ông trọn niềm say đắm . Cả ba quyện vào nhau đem đến cho ông sự bình an . Bình an để ông ngắm cuộc đời , viết về nó với những xúc cảm rất thật .

Ông đã hỏi , tôi dám đem chuyện của ông ra bạch hoá ? tôi mỉm cuời .Tôi không đủ khả năng, thì giờ để làm chuyện đó . Tôi chỉ biết môt điều giản dị, tôi yêu quê hương , yêu tình ca quê hương của ông và mong ước nhỏ bé, đem giòng nhạc quê hương của ông đến với giới trẻ trong nuớc ! Tôi không muốn họ bị ảnh hưởng bởi những đồn đãi vu vơ ..

Tôi không có điều kiện nghe tiếng nói của cả đôi bên nhưng tôi tin, con nguời Phạm Duy không phải vô thần. Niềm mơ uớc đuợc nhìn lại quê hương, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và viết biết bao tình ca về nơi ấy là niềm khắc khoải lớn nhất ở cuối đời của ông. Hãy thông cảm với nguời già. Về để nhìn lại chứ không phải về là thoả hiệp. Nhưng tiếc thay, vì cái bóng quá lớn của ông nên việc Về của ông đã làm cho ông quằn vai . Tôi đã ví von, nguời tình già trên đầu non, nhìn về quê cũ để thảng thốt “nào có trăm năm mà chờ với đợi “ , rồi chuyến trở về cứ như vác thánh giá trên vai ! Tôi thông cảm với niềm mong ước nhìn lại quê hương truớc khi đi vào cõi xa xôi.

Với số tuổi ngoài 80, nào còn thời gian mà chờ đợi ? Hãy để ông yên. Nguời nghệ sỹ không thể tách rời chính trị ? đúng. Vì nghệ sỹ nhất là nhạc sỹ góp phần không nhỏ trong lịch sử , do đó không thể trung lập mà phải có lựa chọn. Nhưng ..sự lựa chọn trở về chỉ là “dối già “ thì hãy thông cảm cho ông ! Thông cảm cho người là mong ước một thông cảm dành cho chính ta . Tôi tin thế . Ai cũng cần thông cảm, không chỉ một lần mà có khi cả một đời, phải thế không ?

Saigon 2003
Hòang Lan Chi

www.hoanglanchi.com/

No comments:

Post a Comment