Wednesday, November 21, 2018

[VNCH-] Hoài niệm _Tango



* Nguồn ĐS CHSLTQN 2018

Ngày xưa, khi gia đình tôi dọn đến Qui Nhơn, những con đường từ đầu sân bay vào khu 6 còn lầy lội... Riêng con đường nhựa dẫn vào Air Viet Nam, đã có từ lâu và tương đối ít ổ gà. Đầu đường Cường Để đi xuống khỏang 100 mét, bên trái có hẻm rộng đi vào mé sau “Collège de Cường Để”. Tôi đã đọc, và đọc rất nhiều lần quyển truyện tựa đề : “TUẤN CHÀNG TRAI NƯỚC VIỆT”, tác giả viết nhiều điếu liên quan đến ngôi trường này.
Những  phòng học trong khuôn viên trường nằm song song với với đường Võ Tánh và Cường Để, hai con đường trồng những cây điệp mùa hè cho hoa vàng, mùa thu trái điệp đen dẹp dài hơn một tấc buông từ trên cây xuống lắc lư trông thật ngộ nghĩnh khi cơn gió thoảng qua

Ngôi trường do người Pháp xây, giống những  ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp. Tường gạch, cửa sổ cái gì cũng giống như khuôn, chỉ có mái tranh dày hơn 3 tấc là khác. Có điều  lạ là tất cả cửa ra vào đều hướng ra đường Cường Để, nhưng cổng trường lại nằm trên đường Võ Tánh với bảng tên trường mầu xanh nhạt chữ trắng “Collège de Cường Để”. Hàng rào là loại cây họ với cây me,mang nhiều nhánh bông vàng. Từ cổng vào, con đường đất sỏi giữa hai hàng cây. Cạnh những lối đi là hàng gạch đỏ xếp chéo phân cách con đường. Dãy nhà song song với cổng vào là của Director.

Ta đến vào mùa hè vắng lặng, bầy chim dạn dĩ không chút xao động khi thấy người. Những chú chim sẻ vẫn làm công việc của riêng mình là cố rút những cọng rơm trên mái tha vào trong khe hở trên kèo  nhà làm tổ. Bàn ghế vẫn ngay ngắn. Ta nhìn, cố tìm, cố tìm xem những gì của ngày xưa. Thời của Tuấn chàng trai nước Việt với mũ cối trắng, áo dài the, đi ba-ta... tranh đấu cho dân nghèo, chống những loại thuế khóa của Tây. Ví dụ như Tây cấm nấu rượu, vì họ độc quyền, muốn nấu thì chỉ bán cho Tây.

Một thời dân khốn khổ, mà dân khổ nhất Miền Trung là dân Bình Định và Phú Yên. Người xưa kể Huế hoàng triều dân đỡ khổ, Nha Trang vào Bình Thuận, dân cũng dễ thở, chỉ có khúc Nam Ngãi Bình Phú vì tiếp nối cao nguyên gánh chịu mọi vấn đề. Có lẽ vì khổ nên sinh ra giọng hát bài chòi, xuất xứ từ hát bội, giọng ca não nùng, vui cũng như buồn, hát như than vãn cho thân phận, cho một kiếp người tận cùng đau khổ... Nhưng bù lại, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra thăm Qui Nhơn, khi về lại Sài Gòn nói chuyện với những đốc học, Tổng Thống đã khen Qui Nhơn có nhiều người nói tiếng Pháp rất giỏi... Trong những Quan Đốc ngày ấy, gia đình tôi có ông chú và ông bác, mỗi khi về nhà nghe mấy ông kể lại, khi tiếp xúc với ông giáo Thí râu dài lúc đó cũng 70, ông nói y như tây, làm ông bác tôi lúc làm Phó Tỉnh cũng sững sờ. Ông giáo Thí, ta gọi là cụ Thí. Năm xưa ông là người duy nhất thi ban D (ban Cổ Văn) của Nam Ngãi Bình Phú tại Hội Đồng Khảo Thí Nha Trang. Ông đậu Tú Tài 2, niềm hãnh diện sau vài lần  trượt.

Những gì của Bình Định lưu luyến trong tôi một thời. Dân Nam Ngãi Bình Phú hiếu học nhất Miền Nam, hơn cả Huế nhiều, tôi đã bắt gặp những người cha quê mùa, nghèo, khổ, ngồi trên lòng lề đường chờ con thi, những khuôn mặt lo âu cho tương lai của những đứa con, mong con thi đậu, mong xong rồi nhiều nỗi lo âu kế tiếp, con đi học ở Sài Gòn lấy gì nuôi, và ngược lại con cái ngày xưa dường như Hiếu Đễ  hơn bây giờ. Không biết có phải khi sống trong cảnh nghèo khó, tình nghĩa thương yêu trân quí hơn thì phải.

Ngày ấy, chú Tư từ Phù Mỹ lên, cùng với đôi quang gánh, và hai cái thúng, trong hai chiếc thúng có 2,3 cái xẻng và khuôn gỗ đúc gạch táp-lô xi-măng, ít quần áo, vài lít gạo. Trên đầu quang gánh tòn teng 2 cái nồi đen hóng khói. Là mùa nắng nên chú đi tìm nhà nào cần đúc gạch táp-lô xây nhà. Ngôi nhà của ba tôi cần 4 thiên, chú làm hơn 3 tháng, điều lạ khi trao đổi với bố tôi hay các chú bác khác, kể cả bác Mai Phó Tỉnh. Mấy ông ngồi chơi với nhau, coi chú Tư như người trong gia đình, ăn cùng mâm, không hề phân biệt và nói chuyện toàn tiếng tây với nhau. Trong những tháng đóng gạch cho nhà tôi, chú không phải nấu cơm, mà ăn cùng với gia đình tôi. Gạch hai hôm thì khô chú lại xếp chồng vuông, lấy chỗ đúc tiếp những viên táp-lô mới.

Khi chú về quê thăm gia đình, có xe jeep của chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Phù Cát chở về tận nhà ở Phù Mỹ. Những lúc rảnh rỗi chú mang những tấm ảnh xưa ra xem, trong hình chú mặc áo dài trắng, đội mũ cối trắng, chân đi dép, và đứng đầu hàng, chú là trưởng lớp Superieur gì đó, có nhiều tấm chú đứng chung với ông Tây đốc học.

Chú là người khiêm tốn, bộc trực, gia đình tôi thương mến và đối xử với chú như người trong nhà. Xong việc tiệc to, nhà khoản đãi chú. Chú về quê chờ năm sau mùa nắng trở lại. Gia đình tôi dặn chú hễ lên đi làm, cứ về nhà chúng tôi ngủ, cơm sáng bới đi trưa ăn, chiều về ăn cùng gia đình. Thế mà mùa khô năm sau không thấy chú trở lại. Không biết có chuyện gì đã xẩy ra, vì không tìm ra nhà chú, do người tài xế năm trước đưa chú về nhà đã giải ngũ và dọn đi nơi khác.

Bây chừ “ta nói về ta”, đôi khi có những cái lạ, y như sử sách ghi chép, nhà Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh. Khi Nguyễn Ánh đóng quân ở Lấp vò, Nha Mân thuộc tỉnh Sa Đéc, những cung phi, cung nữ đi theo Nguyễn Ánh đã ở lại khi Nguyễn Ánh bỏ chạy, nên bây giờ Nha Mân có nhiều con gái xinh đẹp hơn những nơi khác; thế mà Qui Nhơn lại có 2 con đường mang tên hai vị Vua từng là “đối thủ” của nhau, cùng chạy xuống góc mũi khu I, là đường Gia Long Và đường Nguyễn Huệ.

Nào có ai để ý, bến xe Qui Nhơn xưa có 8 cây bã đậu, thân toàn gai, tàng rộng nhánh dai. Nơi góc này tôi có nhà những người bạn tên “Hồng Lửa”, “Hưng Kỹ Thuật”, nhà bán gỗ xây dựng, sau lưng quay ra đầm Thị Nại, nơi nhà này, ngày lầu Việt Cường sập, đêm đêm nghe rõ tiếng người rên trong đám gạch vụn. Mấy thằng bọn tôi thường đi bộ dọc quanh đầm tới tận cây bàng rồi mới chia tay ai về nhà đó. Khi từ góc bên này băng qua Gia Long vọt thẳng Trần Cao Vân, qua chùa Bà, cả bọn chạy thục mạng, vì có người dọa ma đu đưa trên cây bàng trong sân chùa. Một thời bọn ta chuyên leo bên hông rạp hát cải lương góc Phan bội Châu và Trần Cao Vân. Xem cải lương cọp, xem riết, mê cô đào, người gì đẹp ác. Sáng đi ngang nhìn thấy, trời mẹ ơi, ớn luôn khi thấy mấy cô đang ngồi gọt xoài ăn.

Rồi thời gian trôi qua, trong những chương trình nhạc trên đài phát thanh Qui Nhơn, có hai cô ca sĩ cùng tên, để phân biệt phải thêm mẫu tự kèm theo  là Tuyết Hoa A và B. Trong 2 cô có một cô phát âm chữ “Lướt” thành “Lước”. Nhưng dù sao giọng hát cô một thời cũng làm lòng bọn ta lưu luyến, có bài hát quên mất tựa đề rồi, nhưng còn lõm bõm vài câu “Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành tình ngăn cách rồi, em ơi phố khuya bâng khuâng sầu buốt giá tim anh”. Mấy đứa học thuộc lòng, thằng Vĩnh, dân Tam Quan chuyên gửi yêu cầu nhạc, nó cũng phịa ra tên các em, không có trong tự vị, một tuần nghe đọc tên nó hai lần vào đêm thứ bảy và chương trình phát lại tối thứ tư, tiếc rằng nó đã mất vào năm 1972. Ta thời ấy cũng rỏn rẻn nhớ trộm, yêu thầm vài em, vậy mà cũng có mấy em ngỡ ngàng mỉm cười chấp thuận. Cuộc đời học sinh, mà ta là thằng cứ mùa mưa ta về, dần dần những tà áo cũng khuất xa.


Ta biết  đường vào tình yêu có trắc trở

Y như đường vào thị xã có Cầu đôi

Cầu cho những chuyến xe dài

Những toa theo nhau chạy trên đường ray sắt

Cầu kia tráng nhựa phẳng phiu

Cho xe con cóc, xe đò chở dân

Đường này đi khắp mọi nơi

Đi từ thị xã đi ra vùng ngoài

Tên thì nhớ đến Diêu Trì

Phú Tài rồi lại cây cầu Bà Gi



Đường vào thị xã qua cầu

ở bên tay trái có đôi tháp chàm

truyền xưa của lão Chế Mân

làm cho hoàng hậu là người Việt xưa

trong này còn có núi đôi..

có người đã bảo : chàng, nàng song đôi

có đứa lại nói giỡn chơi

em nằm phơi cả cái đôi ở trần

tận cùng thì có Suối Tiên

tiên chê suối cạn nên bay về trời…



Ngày ấy bên công chánh có nhờ ta vẽ cho ít bảng, gắn bên đường để khuyên tài xế không nên chaỵ ẩu; hơn chục cái bảng chữ trắng, nền xanh nhạt. Ta nhớ cái bảng dựng ngay trên đường dẫn vào chợ Phú Tài viết câu :



“Anh ơi chớ cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Thôi thì một chút nhớ nơi xưa

Qui Nhơn một thuở đi về nhớ ai

Nhớ em nghiêng nón Gò Găng

Mắt thầm lặng lẽ nhìn ai bên đường



Em ơi đi chợ phải không

Mua giùm củ đậu một xâu mang về

Tiện đường mua ít mực sim

Chiều xào hành củ đưa cơm cạn nồi



Thôi thì từ giã Qui Nhơn

Nơi ta đã sống những ngày thương yêu

No comments:

Post a Comment