* Nguồn ĐS CHSLTQN 2018
Dòng đời biến chuyển, vạn vật đổi thay... Nhưng tuổi thơ vẫn mãi trong tôi, nhất là những kỷ niệm của tuồi học trò. Nhớ nhiều nhất là thời trung học dưới ngôi trường Nữ Trung Học Qui Nhơn thơ mộng lộng gió biển với tiếng lá reo vui trong nắng.
Năm đầu Đệ Thất, tôi xúng xính trong chiếc áo dài, vướng vít chưa quen, mà vạt áo trước cứ vướng vào giữa đôi chân khi bước nhanh làm đôi lúc tôi phải cột chéo một bên cho tiện. Về sau nầy cô Hiệu Trưởng Trần Thị Gia cho lớp Đệ Thất được mặc áo đầm.
Hồi đó bên cạnh nhà bà cai trường có một căn nhà, có lẽ là trường xây lên và cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng ở đây. Được cô thương nên tôi hay đến chơi vào những buổi tập hát múa cuối tuần. Cô vui vẻ và rất hoạt bát cởi mở không như các thầy cô người Huế nghiêm nghị. Có lần vào một buổi trưa tôi với chị lớp phó Nguyễn Diệu Thu đến chơi nằm lăn dài tỉ tê tâm sự, cô trách tại sao tôi không muốn làm cô giáo như Diệu Thu, cô muốn học trò theo ngành giáo như cô. Cô Thanh Tùng thỉnh thoảng cũng đến nhà tôi chơi vì mẹ tôi hiếu khách và thích nấu đãi những món ăn Huế. Mẹ tôi là đại diện cho Hội Phụ Huynh Học Sinh đựơc mời đi chấm thi nấu ăn khi trường tổ chức cắm trại có phần thi gia chánh. Những ngày đó mẹ tôi đều ghé nhà cô Thanh Tùng thăm chơi.
Một lần thấy da mặt cô đỏ sưng, vài hôm sau tôi đưa cô một thỏi kem trị mụn và nước rửa mặt ở tiệm thuốc, cô cứ đòi trả tiền. Sau đó có dịp về Huế ăn Tết với gia đình, khi trở lại Qui Nhơn cô biếu ba mẹ tôi hột sen tươi và cho tôi chiếc nón bài thơ hẹp vành rất đẹp.
Đúng như học sinh nói, cô Tùng “chịu chơi”, hễ có mục đi chơi là cô tham gia ngay. Cô hoà đồng với học trò như chị cả trong nhà.
Một lần Ty Giáo Dục Qui Nhơn tổ chức trại liên trường ở Đà Lạt cho các học sinh xuất sắc của các trường Cường Để, Nữ Trung Học và Kỹ Thuật. Trường Nữ Trung Học chúng tôi có hai đoàn xe nhà binh GMC dài. Cô Thanh Tùng, thầy Phan Lục Tú và thầy Trần Văn Xứng đi với học sinh. Đoàn xe khởi hành từ Qui Nhơn đến Nha Trang, dừng chân ở lại đêm tại trường Võ Tánh. Hôm sau đoàn xe thẳng hướng Phan Rang lên Đà Lạt đến trường Bùi Thị Xuân là địa điểm trại hè.
Chúng tôi ngồi sát nhau trong hai băng ghế sau xe. Những ngày đầu nhiều bạn không quen đi đường dài dằn xóc và bị mùi khói xăng nên mửa ói vương vãi tạt vào các bạn ngồi đàng cuối hứng hết. Cô Tùng ngồi trên với tôi cạnh tài xế, ngày đầu cô cũng ói, tôi tìm bao bì cho cô để không phiền cho các chị em đàng sau xe.
Nói là trại hè nhưng không mấy ai gồng mình ngủ đêm ngoài lều. Sau những đêm sinh hoạt lửa trại, chúng tôi rúc vào các phòng học quấn chăn ngủ qua đêm với cái lạnh se người chưa bao giờ có ở thành phố Qui Nhơn quanh năm oi bức hanh nắng.
Vào ngày thứ ba ở trại hè Đà Lạt, cô Tùng với tôi và bà chị kế rủ nhau xuống phố Hoà Bình, đến tiệm tắm hơi ở dốc Duy Tân, uống nước đậu nành nóng ở quán kế bên. Sau đó ôm thêm bọc bánh mì baguette Pháp nóng hổi mới ra lò về trại phân chia cho các bạn.
* * *
Tôi còn nhớ rất nhiều về thầy Lê Trọng Sơn là giáo sư dạy Lý Hoá Đệ Tứ lớp tôi sau khi thầy tốt nghiệp Cử Nhân ở Huế. Thầy có phong cách chững chạc đạo mạo nghiêm nghị. Từ ngày đến dạy,thầy tổ chức nhiều buổi triển lãm khoa học. Mỗi tháng ít nhất 1, 2 lần tại trường đều có những buổi thuyết trình do các học sinh trình bày dưới sự điều khiển của thầy Sơn. Một đề tài thu hút nhiều học trò đến nghe đó là khoa học huyền bí, với những chủ đề : “Con người sẽ về đâu sau khi chết ?”, “Có ma hay không ?”.
Thầy Sơn rất chuyên cần và mê say trong môn Lý Hoá. Chúng tôi học được khái niệm là vì sao có nhật thực và nguyệt thực, nhờ những mô hình thầy làm ra trình bày ở buổi triển lãm, chúng tôi mới biết về lực hút của trái đất...
Ở lầu hai dãy cuối bên phải cầu thang đi lên là nơi thầy Sơn và hai người em gái ở. Tầng dưới là gia đình cô Hiệu Trưởng Lê Thị Cúc. Tôi, Thuận và Chi thường lên lầu thầy Sơn để tập múa hát trong những buổi hội chợ, nhưng cũng có cớ “chiếm đóng” khung cửa sổ nhà thầy Sơn để nhìn ngắm cảnh nhộn nhịp của hội chợ phía bên dưới sân trường.
Nhớ những ngày thầy mới vào dạy, chúng tôi tụm lại tinh nghịch không thua ai. Có lần thầy vừa lên cầu thang quẹo đến lớp là chúng tôi đã đóng chặt cửa. Sau một hồi đứng chờ, thầy xuống lầu báo cáo, rồi thầy Giám Thị lên khiển trách, phạt chúng tôi. Cả lớp được một phen cười hả hê. Dần dà thầy nghiêm nghị hơn chúng tôi không dám “phá” nữa.
Năm tôi học lớp 11, thầy Sơn làm Giáo Sư Hướng Dẫn có tổ chức một ngày đi chơi bằng xe đạp từ trường đến sông Trường Úc quận Tuy Phước. Tôi không sao quên được cảnh vọc nước đẫm ướt trên giòng sông cạn; cũng nhờ đó mà giảm bớt cơn nóng đầu hè suốt đoạn đường đạp xe về. Ngày sau vào lớp cả bọn than “ê ẩm” để được thầy... cho ngồi chơi không bị hỏi bài.
Cô Thanh Tùng, thầy Lê Trọng Sơn không còn nữa, nhưng tôi quên sao đựợc những kỷ niệm êm đẹp ấy với những ngậm ngùi mỗi khi nhìn lại bóng hình xưa.
Cao Ngọc Bông
(Cali, tháng 5/2018)
No comments:
Post a Comment