Ngày 3/1/2013, ông gởi lên Việt Vùng Vịnh một bài tiếp nối mang tên “Phục hồi Hiệp định Paris 1973: Hoang tưởng hay Hiện thực?” Trong bài này, ông đã mào đầu bằng một phần in nghiêng để nói về lập trường của tôi. Ông vẫn cho là tôi tìm cách dựng “một hình thức chính phủ lưu vong” và “vẫn nghiêm chỉnh cho rằng ý kiến phục hồi Hiệp định Paris 1973 là một việc khả thi.” Rồi ông viết tiếp: “Theo ông [Bích], sau khi lấy lại miền Nam Việt Nam, ông sẽ tổ chức tổng tuyển cử và những người di cư từ miền Bắc vào Nam sau 30-4-1975 sẽ được phép ở lại miền Nam, nhưng họ không có quyền đi bầu. Phần đông ai cũng thấy đây là một chuyện hoang tưởng.”
Phân tích
Trước hết, tôi cám ơn ông Nguyễn Quốc Khải là, sau bài của tôi, ông đã lẳng lặng rút đi hai chữ “bệnh hoạn” khi nói về những người nghĩ như tôi. Ông còn cho tôi hai chữ “nghiêm chỉnh.” Như vậy, ông đã chấp nhận một cuộc đối thoại đứng đắn, nghiêm chỉnh-là một điều rất cần giữa những người trí-thức với nhau.
Tuy-nhiên, theo tôi ông vẫn chưa hiểu hết ý của tôi hay những người nghĩ như tôi. Ông cho là chúng tôi tìm cách lập “một hình thức chính phủ lưu vong.” Thưa không, chúng ta có thể lập ra một “task force” để làm việc mà không hề phải đòi làm chính-phủ, dù là lưu vong hay không.
Vẫn theo ông Khải, thì “sau khi lấy lại miền Nam Việt Nam” thì tôi, NNB, “sẽ tổ chức tổng tuyển cử.” Thưa, cũng lại không nốt. Vì tôi là ai mà đòi “lấy lại miền Nam VN” để rồi chính tôi sẽ đứng ra “tổ chức tổng tuyển cử”?
Tôi chỉ xin nêu ra những điều trong Hiệp-định Paris 1973 mà trong đó có nói đến “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” như câu mở đầu (Preamble) của Hiệp-định ấy, Điều 9a (“Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”), Điều 9b (“Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có quốc tế giám sát”). Đây là những điều chính Hà-nội đòi đưa vào Hiệp-định mà rồi sau đó họ ký, tức là cam-kết tôn trọng. Vậy thì chỉ xin hỏi Hà-nội đã làm điều đó chưa?
Một cuộc “tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có quốc tế giám sát” thì rõ ràng không phải do một mình “ông Bích” đứng ra tổ chức mà xong. Cái chúng ta đòi hỏi, cũng tương tự như cuộc “trưng cầu dân ý” mà Đỗ Nam Hải đòi trong sách của anh (in ra năm 2005), không khác gì cuộc tổng-tuyển-cử do Liên-hiệp-quốc giám-sát ở Campuchea năm 1991 trong đó người dân được thực sự bỏ phiếu theo ý của mình.
Cái khác giữa đòi hỏi của Đỗ Nam Hải và ý kiến của chúng tôi là: ý-kiến chúng tôi dựa trên một hiệp định mà Hà Nội có ký vào và được sự đảm bảo của quốc tế (12 nước ký “với sự chứng kiến của Tổng-thư-ký LHQ” vào ngày 1/3/1973). Chưa ai nói là những hiệp-định này đã bị hủy bỏ!
Cuối cùng, xin ông Khải làm ơn trưng ra cho tôi (và cho mọi người xem) chỗ nào tôi cho rằng “những người di cư từ miền Bắc vào Nam sau 30-4-1975 sẽ được phép ở lại miền Nam, nhưng họ không có quyền đi bầu”! Đây là một sự cố ý hiểu lầm từ phía ông Khải. Trong bài của tôi (“Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973 và những ‘sự thật phũ phàng‘” gởi cho RFA ngày 18/12/2012), tôi chỉ nói: “150.000 bộ-đội miền Bắc [mà Hiệp-định Paris cho phép họ ở lại miền Nam] không có lý do gì được xem là cử tri của miền Nam. Vì sao? Rất dễ hiểu, vì họ đã sẵn là cử tri của các địa phương ở miền Bắc.” Thiết tưởng cách trình bầy của tôi không thể rõ ràng hơn. Còn những người vào Nam sau ngày 30/4/75 thì có thể còn tùy thuộc vào những điều lệ của cuộc “tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có quốc tế giám sát” mà ta có thể bàn sau. Nguyên tắc vẫn là cần có cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát nêu trong Hiệp định Hòa bình Paris 1973!
Những người đi trước tôi
Tuy nhiên, ta cũng nên cám ơn ông Nguyễn Quốc Khải là đã duyệt lại một cách khá trung thực và đầy đủ tiến trình của một ý tưởng: việc phục hồi lại Hòa-đàm Ba-lê hay như ông viết, việc “phục hồi lại Hiệp định Paris 1973.”
Việc ông cho đó là “hoang tưởng” thì đã bị một độc-giả thách thức liền: “Nếu tác giả thấy không ‘hiện thực’ thì hãy làm một cái gì đó ‘hiện thực’ cho mọi người coi đi chứ sao lại bàn ra. Tác giả không thấy ‘hiện thực’ nhưng người khác thấy có chút hy vọng và trong khả năng và điều kiện của họ, họ cảm thấy làm được một cái gì đó cũng là điều đáng quí, sao lại bài bác?” (Hoangkybactien ngày 6/1/2013 trên Việt Vùng Vịnh)
Việc chúng tôi và một số anh chị em đang làm chung với tôi đã có tiền lệ do chính ông Nguyễn Quốc Khải cung cấp thông tin và chi tiết:
Năm 1986 do chính L.S. Vương Văn Bắc nêu ra ở Paris. Ông Bắc là luật sư nổi tiếng và là cựu-bộ-trưởng Bộ Ngoại-giao VNCH.
Sau đó một Ủy Ban Luật Gia Việt Nam vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 (Comité de Juristes vietnamiens pour la remise en vigueur des Accords de Paris de 1973) được thành lập với G.S. Vũ Quốc Thúc làm Chủ tịch. Ủy ban này sau đó đã soạn thảo Bạch thư “Chiến tranh và Hòa bình ở Đông dương” (“Guerre et Paix en Indochine”) và “chánh thức kêu gọi Chánh phủ Pháp đứng ra hòa giải vì Pháp đã tổ chức cuộc hòa đàm đưa đến Hiệp định Paris 1973″ (trích lời ông Khải). Sáng-kiến này, vẫn theo ông Khải, đã được “một vài nhân vật và một số tổ chức khác đã theo đuổi” sau đó, kể cả “cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,” người “cũng đã gửi thư lên Liên Hiệp Quốc về vấn đề này vào năm 1993.”
Đến năm 2008, ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu chủ tịch Hạ viện và cựu thủ tướng VNCH, “thành lập Chánh phủ VNCH lưu vong tại Hoa Kỳ.” Ông “cũng chủ trương phục hồi Hiệp định Paris 1973. Sau khi ông đột ngột từ trần vào năm 2009, hai ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá của Chánh phủ VNCH lưu vong tiếp tục công việc vận động này.”
“Người ta không rõ chính phủ lưu vong này đã đạt những kết quả cụ thể nào,” ông Khải kết thúc. Tuy không biết song ông Khải vẫn cho là những việc làm trên đây là “hoang tưởng” bởi ông cho là những người đi vận động đã “quá lớn tuổi hay đã chết.”
Đồng ý là trong trường hợp một cá nhân, “chết là hết” nhưng trong trường hợp một định-chế thì chưa chắc (bởi nó có thể có người kế thừa). Đó là chưa kể, có luật gì cấm cản một người “đã quá lớn tuổi” không được ra tranh đấu cho lý tưởng, quê hương của mình?
Lập luận của ông Khải xem vậy thì không vững!
Ông chê tôi, nhưng không lẽ, theo ông, những người mà ông nêu tên trên đây, từ L.S. Vương Văn Bắc đến G.S. Vũ Quốc Thúc đến các thành viên của Comité de Juristes vietnamiens của ông, như L.S. Lâm Chấn Thọ, L.S. Nguyễn Hữu Thống, ông Nguyễn Bá Cẩn v.v. đều là những người không hiểu biết gì về luật quốc tế, về ngoại giao, về thủ tục LHQ, bằng ông Nguyễn Quốc Khải? Thiết tưởng đến cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không phải là một người ngờ nghệch về chính trị. Vậy mà ông cũng ủng hộ giải pháp này và viết thư cho Liên hiệp quốc vào năm 1993, theo như ngay tiết lộ của ông Khải.
Ông Khải nói ông không biết kết quả của những vận động trên kia. Thế thì làm sao ông đã vội lên án?
Ông nào biết là chỉ ít tháng trước khi mất, vào đầu tháng 5/2009, ông Nguyễn Bá Cẩn đã có thư kèm theo một hồ sơ cho Liên hiệp quốc, cụ thể là tổ chức UNCLOS (UN Commission on the Law of the Sea), để nhân danh Chính phủ VNCH định nghĩa thềm lục-địa và lãnh-hải của VNCH! Và Liên hiệp quốc, tức UNCLOS, đã gởi thư phúc đáp chứng nhận là đã nhận được hồ sơ do Chính phủ VNCH đệ nạp.
Đính kèm bài viết của ông Khải (trên Việt Vùng Vịnh) còn có cả hình một phái đoàn của chính phủ lưu vong VNCH đi lên vận động Quốc hội Mỹ vào tháng 6-2010 (trong đó có tôi là một thành viên). Kết-quả của cuộc gặp gỡ này, chính tôi cũng đã viết thành bài báo phổ biến rộng rãi mang tên “Người Việt hải ngoại và vấn đề Biển Đông: Chúng ta đã góp được gì cho một giải pháp?” Bài này, kể lại những sự trao đổi chúng tôi đã có với 8 văn phòng Quốc hội (sáu văn phòng Dân biểu, một văn phòng Thượng nghị sĩ và Ủy ban Ngoại giao ở Thượng viện), cũng đã được phổ-biến ngay trên website của Việt Vùng Vịnh. Sau đó thì Khối 8406 ở trong nước cũng xin đăng lại trong kho tài liệu của họ. Thế thì chúng tôi có giấu giếm gì đâu?
Thậm chí đến một bài báo ở tận bên Trung Cộng còn nhắc đến cuộc gặp gỡ này. Đó là bài “Vận động chính trị của người Việt ở Mỹ và ảnh hưởng đối với tranh chấp Biển Đông” đăng trong Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số ra tháng 6/2011, mà chính Hà Nội cũng phải cho dịch để phổ biến nội bộ. Vậy thì ông Nguyễn Quốc Khải không biết là vì ông không muốn biết chứ đâu phải chúng tôi làm việc âm thầm, không có “kết-quả cụ-thể.”
Còn nhiều điều chúng tôi có thể trả lời trên những điểm khác trong bài báo của ông Khải, nhất là phần ông viết về “Trở ngại chính cho việc phục hồi Hiệp định Paris 1973.” Nhưng bài viết của tôi đã dài, tôi xin dành cho một dịp khác. Duy có một điểm ông Khải cứ muốn nói hộ cho người Cộng sản, đó là điểm ông viết:
“Sau ngày 30-4-1975, chánh phủ VNCH không còn và sau ngày 2-7-1975 Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam cũng bị sát nhập vào Chánh Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Việt Nam không có hai miền riêng biệt nữa.” (Xin chú ý: Ông Khải nói đến chính phủ VNCH thì ông viết chữ nhỏ còn nói đến hai “chính phủ” Cộng-sản thì ông đều viết hoa).
Ông Khải đúng, hoàn toàn đúng nếu ông đứng trên lập trường của một người CS Việt Nam mà nói: giờ đây “không còn hai miền riêng biệt nữa.” Nhưng đối với một người Việt không Cộng sản, một người tự xem mình là “công dân VNCH” như tôi thì việc Hà Nội bóp mũi cho cái đứa con quái thai của nó là “chính phủ (sic) lâm thời miền Nam Việt Nam” chết tốt thì đó là việc của nó, dính dấp gì đến tôi hay là một thể chế mà chưa ai (kể cả Liên-hiệp-quốc) tuyên bố là nó chết cả!
Vậy rất mong ông Nguyễn Quốc Khải bình tâm xét lại những lập luận chưa chắc đã vững vàng của ông. Đất nước là chuyện lớn, không thể chỉ là chuyện nói đại, nói bừa được.
Viết xong ngày 1/11/2013
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ
© Nguyễn Ngọc Bích
© Đàn Chim Việt
———————————–
Đọc bài cùng chủ đề:
40 năm sau một cuộc phản bội
Hiệp định hòa bình Paris và những “sự thật phũ phàng”
No comments:
Post a Comment