Rồi ma đưa lối quỷ dẫn đường cho tôi vào Đại Học Khoa Học. Nắm mảnh bằng Cử Nhân Hóa Hữu Cơ trong tay năm 1971 và tìm việc không ra. Họ hàng gia đình không ai giúp được gì. Tôi lang thang vào cả Shell, công ty xăng dầu lớn bấy giờ vì có ông chú họ đang làm ở đấy,
không thành công. Tôi buồn, viết bài “Ba lần văn bằng cử nhân đi xin việc làm” đăng Chính Luận. Vô tình, Giám Đốc Nha Viện Trợ trực thuộc Tổng Nha Kế Họach đọc. Ông bèn gửi thư mời và tôi trở thành chuyên viên viết lách của Nha này. Sau ba tháng, tôi lại trở về Khoa Học, học tiếp Cao Học. Tuy tôi có Cử Nhân Hóa Hữu Cơ nhưng giáo sư Trưởng Ban, Ô Lê Văn Thới rất ghét dân bắc kỳ, vì thế tôi tự biết thân phận không dám hó hé lại gần. Trước đó, tôi ghi danh chứng chỉ Vật Lý Địa cầu vì nghe đồn Thầy Nguyễn Hải rất “dễ thương”. Vì thích tính nết Thầy mà tôi ra sức học! Cuối năm, dù Vật Lý Địa Cầu khó với tôi vì tôi không học ban B ở Gia Long nhưng bài Lý Thuyết cao điểm nhất. Mối liên lạc giữa tôi và GS Nguyễn Hải tốt đẹp ngay từ khi tôi lò dò bước vào phòng Thầy ghi danh. Vì thế, tôi bạo gan hỏi Thầy xin vào làm cho Thầy. Ông nhận lời và tôi phải học Cao Học Vật Lý Địa Cầu thay cho Cao Học Hóa Hữu Cơ. Lúc đó, tôi chán đời ghê lắm. Thì có gì đâu, kiến thức Tóan ban B mình không học thì làm sao theo nổi Cao Học Vật Lý Địa Cầu? Tôi liều nhắm mắt đưa chân. Tôi cầu trời thầm mong có một hoàng tử cao cao (vì tôi sợ người lùn lắm!) khá khá “beau” giai một tí, nhưng hoàng tử phải là … bác sĩ cơ! Hoàng tử đến rước tôi đi là tôi thóat nợ..học Cao Học Vật Lý Địa Cầu! Kể ra, khi còn trẻ, dù là đã xong Cử Nhân, thời đó chúng tôi còn ngây thơ lắm!
Trong khi hoàng tử chưa xuất hiện, tôi ngậm ngùi đi học VLĐC. Ngày đó vài quốc gia tài trợ cho đại học Sài Gòn nên mỗi phân khoa có cơ sở trên Thủ Đức. Cao Học VLĐC được dạy trên này. Lại khốn khổ cho tôi vì không có phương tiện đi. Tôi “thỏ thẻ” và GS Nguyễn Hải đã phải ghé nhà đón tôi đi học! Mở một cái ngoặc đơn ở đây, trong nhà, tôi là “con ghẻ” của mẹ nhưng ở học đường thì phần lớn tôi là học trò cưng của Thầy Cô! Mấy chục năm sau, khoảng 2002, tôi đi học lớp Photoshop của một Trung Tâm Vi Tính nọ. Lúc đó tôi cũng không có xe. Khi đi, tôi gọi xe ôm! Và, trời ạ, tan học, Thầy dạy chở tôi về. Thích chưa? Tự “hắn” đề nghị giúp nhé chứ không phải tôi “thỏ thẻ”! “Hắn” vì thầy dạy nghề, “hắn” vì nhỏ hơn tôi hai ba tuổi gì đó. “Hắn” dậy hay và cách giáo dục con cái thì nghiêm khắc y hệt tôi. Giờ này nhớ lại “hắn”, tôi vẫn cảm kích vì “hắn” dành ưu đãi cho “bà học trò già”!
Giờ của Thầy Hải, Thầy có thể chở nhưng còn giờ giáo sư khác? Tôi còn nhớ Thầy giao cho anh Hòa nhiệm vụ đón đưa tôi! Cũng may, chỉ sau vài tháng, Thầy đổi ý chuyển về Sài Gòn dậy và tôi không phải phiền hà ai nữa cả. Sau này Hòa du học Pháp, chúng tôi vẫn thư từ qua lại cho đến ngày mất nước.
Vào làm Vật Lý Địa Cầu, có nghĩa là dạy học, nghề mà tôi không thích! Sau nữa, quy chế cho giảng nghiệm viên chỉ 12 giờ/tuần nên thời gian còn lại, đứa nào cũng đánh thuê ở các trường tư! Tôi cũng phải vậy thôi. Tìm được giờ dạy ở tư thục cũng không phải dễ. Mật ít ruồi nhiều. Vì thế cũng cạnh tranh khốc liệt. Do đó, một thực trạng khó chối cãi, giáo sư (trước 75, dạy trung học gọi là giáo sư chứ không gọi là giáo viên như Việt Cộng) tư thục dạy hay và giỏi. Nếu không hay, cuối năm ông Giám Học đưa một cái bì thư với nội dung “cám ơn” thì cũng khốn khổ!
Dạy thực tập ở đại học không khó và nhàn nhã. Mỗi lớp có khoảng 12-14 bài. Hai tuần lễ đầu, giảng nghiệm viên có thể cực vì sinh viên chưa biết và hỏi nhiều. Sau đó, họ tự hỏi lẫn nhau và chúng tôi nhàn hơn. Lý do, sinh viên bài 1 lên bài 2 và có thể hỏi nhóm sinh viên bài 3, ngay bên cạnh vì họ đã làm kỳ trước rồi. Tôi còn nhớ kỷ niệm dạy thực tập Vật Lý chung với Phạm Tử Tuấn, người mà tôi từng nói, nếu cho bầu, tôi bầu anh Từ Hòa Ái là giảng nghiệm viên “dễ thương” nhất Khoa Học, và Tử Tuấn là người dễ thương thứ hai! Anh Từ Hòa Ái, tôi là học trò, Phạm Tử Tuấn, tôi là đồng nghiệp. Vì Tuấn văn thơ nhạc uớt át tùm lum gì đó, lâu quá tôi cũng quên nên chúng tôi cứ tà tà ngồi ở bàn giáo sư trò chuyện, thỉnh thoảng mới có sinh viên lên hỏi bài.
Dạy thực tập thì vậy nhưng dạy trường tư thì không như thế. Thuở ấy, tôi là một các trong cô giáo trẻ của các tư thục nơi tôi cộng tác. 21 tuổi, không trẻ sao được. Cô giáo đi dạy mà còn cột hai đuôi lủng lẳng như học trò nữa chứ! Thời đó các cô sinh viên Văn, Luật khoa thường dạy Việt văn, Công Dân, Sử Địa lớp nhỏ là từ 6 đến 8. Các lớp lớn, ít Giám Học nào dám giao cho các nữ sinh viên hay nữ mới tốt nghiệp. Vì học trò trường tư đa số “quậy” lắm. Họ sẽ bắt nạt cô giáo trẻ mất. Tôi là trường hợp đặc biệt vì tôi tốt nghiệp Cử Nhân Hóa, vì thế mấy Cha “gồng mình” giao lớp 10 cho tôi. Thuở đó, số nữ học Khoa Học có vẻ hiếm hoi hay sao ấy mà mấy trường tôi cộng tác, chỉ có minh tôi là nữ dạy Lý Hóa và trẻ, chưa có gia đình! Đồng Tiến thì ngoài tôi còn bà chị tôi nhưng lúc đó coi như bả “già”! “Già” vì hơn tôi bốn tuổi, già vì đã có chồng con. Nữ giáo sư có gia đình bao giờ cũng được tụi học trò coi trọng hơn và không hay “bắt nạt” như cô giáo độc thân.
Tôi đi dạy, hồn nhiên như tôi đi học. Nghĩa là cứ xông vào mà làm, không hỏi ai kinh nghiệm đi trước và cũng chẳng ai nói dù rằng lực lượng “gõ đầu trẻ” của dòng họ Đinh (Bù Long) chúng tôi thì vô cùng hùng hậu! Tôi, phải công nhận mình có tính tốt là tinh thần trách nhiệm! Vì trách nhiệm cùng mình nên tôi soạn bài rất kỹ. Và phải nói cũng may là “ra quân” đầu tiên là nhằm lớp 8 nữ. Vì nữ nên chúng khá ngoan không quậy nhiều. Lớp 8, nữ, bắt đầu làm dáng nên chúng thích “ngắm nghiá” cô giáo. Tụi nó so sánh nhan sắc giáo sư này với giáo sư kia, cô này diện, cô kia nhà quê v.v. Những năm sau tôi dạy Hóa lớp 10 nam nữ học chung. Cũng có khi tôi dạy thế môn Lý cho ai đó, và có lần còn dạy Việt văn cho một cô giáo nghỉ đẻ.
Năm đầu tiên, tôi xưng “Cô” và gọi học trò là “các em” Bữa đầu tiên, tôi dành khỏang mười phút nói chuyện. Tự giới thiệu về mình và bắt đầu biểu diễn “lả lướt” bằng một màn viết tên mình thật to, thật “fantaisie” trên bảng đen. Úi chao, “lũ ranh con” mới lớp 8, há hốc ra nhìn cô giáo trẻ (và diện nữa nhé) vẽ vời! Cô giáo là Cử Nhân Khoa Học, wow, oai quá nhỉ, giỏi quá nhỉ! Cô giáo có tên đẹp quá, cứ như tiểu thuyết Quỳnh Dao! Cô giáo dạy Hóa mà chả nhà quê gì cả, viết chữ ẹo ẹo như họa sĩ chính cống bà Lang Trọc! Đấy, chiêu đầu tiên “hớp hồn” lũ ranh, coi như thành công. Một khi “lũ ranh” thán phục rồi, bước tiếp theo coi như không khó. Thật ra không người lớn nào chỉ dạy nhưng tính háo thắng, làm cái gì cũng thích phải hơn người nên tôi đã xuất nhiều chiêu ngọan mục. Những chiêu này, phải nói cũng từ trái tim hay còn gọi là tấm lòng chứ không có những cái đó cũng khó áp dụng. Ví dụ, tôi nói rằng, tôi sẽ cho bài tập tại lớp, cuối tháng lấy “top five” để tặng phần thưởng nho nhỏ. Hay tôi nói rằng, nếu đứa nào lỡ bị kẹt hay do đánh rơi mất tiền học phí gì gì đó có thể nói cho tôi biết và tôi sẽ hỗ trợ (Cô giáo trẻ có khác. Tâm hồn bao la bát ngát, ngây thơ trong trắng, không hề sợ học trò gạt nói dối để xin tiền cô tí nào! ).
Tuy vậy cái chính là tôi dạy hay, rất hay vì sọan bài kỹ. Tôi viết dàn bài lên bảng, tôi dạy từng phần, không hề mở sách tí nào. Sau mỗi phần, nếu có định nghĩa, tôi gọi học sinh giỏi đọc trước, trung bình đọc thứ hai, kém thứ ba và dở thứ 4. Như vậy, học sinh phải chú tâm học ngay và đứa dở cũng ít sợ vì nhờ mấy đứa giỏi đọc trước rồi. Cuối giờ, coi như học sinh đã thuộc đến hơn 2/3 bài. Về nhà “lũ ranh” không cần học nhiều. Hồi đó, tôi nhớ mấy cô học sinh giỏi viết thư “Em chưa thấy một giáo sư nào dậy hay như cô. Cô dạy rất sống động, không buồn ngủ và tụi em thuộc bài ngay trong lớp…”. Tuần sau, bao giờ tôi cũng dành ít phút ôn bài cũ trước khi qua bài mới. Về bài tập, tôi cho những câu rất ngắn và dễ, những đứa kém cũng làm được sau lần thứ 3. Nghĩa là lần đầu chỉ mấy đứa giỏi tranh nhau chạy lên nộp kết quả cho tôi. Được 5 em, tôi ngưng. Ra tiếp đề 2. Học trò đua nhau nộp bài khiến ông Giám thị ở gần đó thấy ồn ào phải vào xem lý do! Hóa ra học trò của tôi phóng bay qua bàn để nộp bài cho cô! Dậy học như thế mới là dậy, chứ dậy mà bọn chúng ù lỳ không chịu làm bài thì chán chết. Cuối tháng tôi giữ lời hứa phát phần thưởng cho 5 em cao diểm nhất. Phần thưởng nhỏ bé, chả có gì ghê gớm nhưng không hiểu sao, lũ học trò rất thích!
Niên khóa sau tôi dạy Hóa lớp 10, nam nữ học chung. Ngay giờ đầu tiên, tôi cũng “hớp hồn” học trò khi tôi biểu diễn màn thuộc lòng Bảng Tuần Hòan Các Nguyên Tố! Học trò cứ lé mắt khi thấy cô thuộc quá xá. Có hai kỷ niệm đáng nhớ: khi mới đi dậy ở Thống Nhất, một trường tư của một ông Cha trong khu Dù Hoàng Hoa Thám, tôi diện áo dài đen tay raglan bằng kim tuyến vàng với quần trắng. Trông cô giáo cứ như ca sĩ sắp lên sân khấu! Vì thế, giờ ra chơi, đám học trò nhỏ tí lớp 6, kéo nhau đi sau lưng tôi một đuôi dài. Chắc là chúng thấy cô giáo “ngộ nghĩnh” quá! Ông Giám thị nhìn thấy chỉ lắc đầu thôi. Kỷ niệm thứ hai là một lớp 10 của Đồng Tiến. Lớp này “siêu quậy”. Bọn chúng quậy thần sầu và nhiều giáo sư phải bỏ không dậy nổi. Ngày hôm nay, tôi cũng không hiểu vì sao Cha Đồng dám giao cho tôi, một cô giáo trẻ măng, mới ra trường để trị lũ đầu gấu này?
Tôi chuẩn bị tinh thần với lớp quậy này. Khi bước chân vào lớp, đương nhiên là cô giáo cũng “phủ đầu” học trò bằng chiếc áo mới nhất, đẹp nhất cái đã, nhưng tôi trình diện một khuôn mặt nghiêm nghị lạnh lùng còn hơn Liz Taylor trong Cleopatre! Tôi “quăng”, đúng nghĩa là “quăng” nhé, cái bóp lên bàn. Tôi nhìn cả lớp bằng đôi mắt sắc hơn dao bổ cau. Tôi không cho lớp ngồi. Hồi đó đầu giờ, các lớp ở trường đạo, phải đọc kinh. Vài tên không biết, theo mửng cũ đọc kinh xong là automatic ngồi xuống, tôi nhìn bằng ánh mắt lạnh băng “Tôi cho mấy người ngồi xuống chưa vậy?” Hoảng hồn, các cậu lục tục đứng lên! Tôi đi tới lui trong lớp, mặc kệ cho “lũ ranh” nhìn theo bước chân chim của cô. “Lũ ranh” vẫn phải đứng. Đi vài vòng, tôi thủng thẳng “Mấy người ngồi xuống”. Lũ học trò thở phào, lục tục ngồi xuống. Tôi bắt đầu ca. Nghĩa là nếu năm đầu tiên đi dạy học trò con gái lớp 8, tôi ngọt ngào bao nhiêu thì với lớp 10 này, tôi “côn đồ” bấy nhiêu! Tôi xưng tôi và gọi “mấy người”. Tôi lạnh lùng:
-Tôi được Cha Đồng giao nhiệm vụ dạy môn Hóa cho mấy người. Gọi là dạy chứ tôi nghĩ rằng, tôi lớn tuổi hơn, tôi là người đi trước thì tôi chỉ lại mấy người là kẻ đi sau. Do đó có thể tôi không biết khi mấy người hỏi, tôi sẽ đi hỏi thầy tôi và nếu thầy tôi cũng không biết tôi sẽ hỏi thầy khác.
“Lũ ranh” vỗ tay rầm rầm. Thì phải thích vì cô có nói cô tài giỏi hơn chúng đâu, cô chỉ là người đi trước vì già hơn thôi mà.
-Tôi được trả tiền để chỉ kiến thức cho mấy người. Tiền này do cha mẹ mấy người gửi tới. Do đó sẽ hơi vô lý nếu như tôi “ăn cắp” tiền cha mẹ mấy người mà không chỉ cho mấy người. Ngược lại, tôi chỉ và mấy người không học, coi như mấy người “ăn cắp” của cha mẹ mấy người”! Tôi chả thích mình mang tiếng “ăn cắp” hay mấy người bị mang tiếng “ăn cắp”!
Tôi liếc nhìn, “lũ ranh” có vẻ “ngấm ngấm”. Chắc trong cuộc đời đi học, chưa bao giờ chúng gặp một cô giáo trẻ ngang tàng theo kiểu đó, ngôn ngữ hết sức mạnh bạo.
-Vì vậy tôi nghĩ là mấy người phải hợp tác với tôi để chúng ta không là những kẻ ăn cắp. Tôi sẽ giúp mấy người.
Tiếp đó tôi thủng thẳng lấy viên phấn mầu và biểu diễn rồng bay phượng múa tên mình! Màn tíêp theo là “hù” lũ trẻ bằng việc thuộc lòng Bản Nguyên Tố Hóa Học Mendeleef.
Về sau, chính lớp này lại là lớp thương tôi nhất. Một đứa trong đó tổ chức sinh nhật, nó chỉ mời tôi và Cha Đồng. Tụi nó kéo nhau cả bầy đến nhà tôi, ngồi dưới đất bu quanh tôi …Trong lớp này có môt cô bé, nó mê tôi y như ngày xưa tôi mê cô Phạm Thị Nhung!
Mấy chục năm sau, vào 2009, tôi đến Oregon học làm thuế với cô em họ. Một khách hàng nhìn tôi “Chị này sao quen quen”. Tôi “ Vậy à, tôi thấy em cũng vậy. Hay ngày xưa em học Gia Long cùng với tôi? Tôi học Gia Long năm 59 đến 67, tên thật là Quỳnh Giao?” Con nhỏ la lên “Trời ơi, cô Quỳnh Giao à? Em là Dung, học Đồng Tiến đó cô!” Trời đất, hóa ra nó là học trò cũ, đúng cái lớp “quậy” trên. Hai thầy trò tíu tít trò chuyện. Khó diễn tả được cảm giác của tôi sau bao năm nghe lại “Cô cô” từ học trò! Dung lại là bạn thân nhỏ Thanh, người mê tôi như điếu đổ hồi đó. Tết ta ở Oregon, Dung mua bán chưng cho cô, Dung đến nhà chở cô đi công việc…
Tôi không thích nghề giáo nhưng khi dậy cũng cố gắng làm tròn bổn phận vì thế phần thưởng cho sự sọan bài kỹ, chuẩn bị cẩn thận là học trò học mau thuộc, tiến bộ. Đó là chính là phần thưởng cho nghề giáo. Từ bác, cha tôi, cô tôi …, những người tận tụy với nghề đã đào tạo bao lứa học trò và luôn nhận được sự biết ơn từ các em, đến tôi, tự thấy không làm nhơ nghề giáo cao quý
Hoang Lan Chi
www.hoanglanchi.com/
No comments:
Post a Comment