Friday, January 25, 2013

Một Thuở sinh viên _Hoang Lan Chi

Năm thứ nhất: SPCN 1967-1968

Năm đệ nhất, tôi học quá chăm và không tuân lịnh bố là trước ngày thi phải nghỉ, nên lúc thi Y tôi bị quỵ. Vào phòng thi, đầu óc bỗng mệt mỏi vô cùng và rỗng tuếch. Cái phản ứng HCL với NaOH quá đơn giản mà cũng không nhớ. Rồi năm đó, đầu tiên có đề Kiến Thức Tổng Quát. Tôi, một con bé quá chăm học, chỉ dùi mài kinh sử trong bốn bức tường, có thì giờ ngó đến cái gì thì đương nhiên kiến thức tổng quát phải bị hụt. Vì thế rớt Y Khoa. Đây là điều tôi vẫn nuối tiếc vì tôi rất thích Y.


Tôi ghi danh Khoa Học, chứng chỉ SPCN, phù hợp với ban A chúng tôi thời đó. SPCN là Science, Physic, Chimie, Naturel tiếng Việt là Lý Hóa Vạn Vật. Đây là chứng chỉ dự bị, tên gọi này để ám chỉ năm đầu tiên của khoa học. Những năm sau, gọi là chứng chỉ chuyên khoa. Giảng đường của chúng tôi lớn nhất Khoa Học, đó là Giảng Đường 2. Giảng đường này nằm phía sau, tiếp giáp với Đại Học Sư Phạm. Cư dân Đại Học Sư Phạm thỏai mái qua chúng tôi và ngược lại.


Chương trình học gồm lý thuyết buổi sáng và thực tập buổi chiều. Học cả sáu ngày một tuần. Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu nổi cách giáo dục thời đó. Thiên về Pháp và nặng nề kinh khủng. Nhồi sọ học trò và làm đầu óc họ mau già nua.


Nhà xa nên tôi ở lại trường sau giờ lý thuyết để chiều học thực tập. Có năm môn thực tập: Lý, Hóa, Thực Vật, Động Vật và Địa Chất. Lý thuyết học nhiều hơn, ví dụ thêm môn Tóan. Tôi còn nhớ năm đó, cô Ngọc Anh dậy Thực Vật. Cô dễ thương. Động Vật là Cha Trương. Cha dạy rất hay. Khó tưởng tượng được môt linh mục áo chùng thâm lại dậy Động Vật nhỉ? Địa chất là bà TrầnThị Lạng. Bà là em gái ô Trần Kim Thạch. Ông này nằm vùng, địa chất của ông là cái ổ Việt Cộng và đương nhiên sau 75, hai anh em lộ diện Việt Cộng! Ông Nguyễn Viêm dậy Toán. Sinh viên chúng tôi khá khốn khổ với Thầy và ngược lại. Tóm tắt là thế này, Thầy giảng một lần, chúng tôi hiểu. Thầy giảng lần hai, chúng tôi sẽ bớt hiểu và thầy càng giảng thì lũ chúng tôi càng không hiểu!


Trong các môn thực tập, tôi thích Thực Vật và Động vật, chán nhất là Địa Chất. Động Vật được mổ nhiều con vật. Hồi đó sinh viên đóng tiền học một năm cũng nhẹ nhưng phải mua sách học gọi là “cours”. Sách do Giáo Sư bán, GS giao cho một sinh viên hay một ông phụ việc ở phòng học vụ. Sách thường chỉ là quay roneo và đóng tập. Chúng tôi phải ra Chợ Bến thành tại các tiệm bán dụng cụ Y khoa để mua bộ đồ mổ và các thứ khác như ống nghiệm ..Bộ đồ mổ cho Thực tập Động Vật khá mắc và xinh xắn. Tâm trạng các cô cậu tân sinh viên mới rời ngưỡng cửa trung học, thấy cầm dao kéo mổ mổ cắt cắt có vẻ oai oai mà. Mỗi lớp có một giảng nghiệm viên chính và 3 phụ. Phụ thường là các sinh viên cũ. Vì mổ các con vật đâu có dễ, giảng nghiệm viên chỉ giảng ở trên bảng kèm hình vẽ, sinh viên phải làm theo. Đương nhiên chả ai làm hay cả trừ sinh viên ở lại lớp. Cứ lóng nga lóng ngóng. Thật dã man, điều kiện thiếu thốn, đâu phải như bây giờ có camera có computer.. Tôi còn nhớ thuở đó phải học 14 bài tức mổ 14 con vật hay bộ phận của chúng. Cực nhất là mổ con dán. Nó bé tí lại mong manh nên phải mổ bằng dao lam và kim. Có một điều vui là sau khi mổ, có khi tôi ngọai giao và mấy bác phụ trách phòng thực tập cho tôi ôm đồ thực tập về nhà. Một lần, tôi gom quá trời là cua, một lần khác cũng quá trời trái tim heo đem về nhà chế biến!


Một kỷ niệm vui của giờ Động Vật là quý sinh viên hay “la bài hãi” khi thấy mình mổ và không thấy cái cô giáo chỉ. Thay vì nói con vật thì cứ nói “ Sao em không có..” . Ví dụ một cô la lên “Cô ơi sao em không có tinh hòan?” ( cô mổ nhằm con đực) và cậu kia thì “ Cô ơi sao em không có nõan sào?” . Các nghiệm chế viên thì chúa là hay trêu ghẹo. Một lần tôi cũng la lên như thế và một anh nghiệm chế viên cười cười “ Chị làm sao có tinh hòan được?” “ Thật mà, không thấy có!” “Đã nói chị thì làm sao có được!” Đến đó thì tôi hiểu anh ta chọc mình. Ai đi ngang phòng thực tập động vật chắc buồn cười lắm vì cứ nghe sinh viên oai óai “Cô ơi, chết cha em đứt tim rồi!” “ Cô ơi, tiêu hai lá phổi em rồi”.


Thực tập Thực Vật thì phải cắt lá lẻo và soi kính hiển vi để vẽ. Chúng tôi phải tập nhìn kính bằng một mắt trái, mắt phải để vẽ. Ban đầu, chưa quen, đứa nào cũng chơi cái trò nhắm mắt trái, nhìn vào ống kính hiển vi bằng mắt phải. Hồi đó tôi thích thực tập lá gì tôi quên tên, nhìn vào hiển vi, cấu trúc lá y như trái mít, nhiều mắt trông rất đẹp.


Thực Tập Lý thì dây nhợ điện tùm lum, Hóa thì pha chế cũng vui. Lần đầu tiên chứng kiến một số phản ứng mà mình học ở Trung Học, thật thú vị. Chỉ Địa Chất, tôi rất ghét. Phải ráng nhớ hình thù đặc biệt của các mẩu đá để cuối năm thi.


Riêng lý thuyết, chúng tôi đã phải học bài rất nhiều. Với 5 môn thực tập, mỗi môn khoảng 12-14 bài, mỗi bài chỉ thực tập một lần duy nhất thì thử hỏi ai là người nhớ được để cuối năm thi? Thế mà chúng tôi phải nhớ hết đấy. Động vật, thực vật, phải nhớ tên La Tinh, địa chất cũng vậy. Lý thì dây nhợ mắc lung tung, vẫn phải cố nhớ hết. Thời gian học bài chỉ còn được buổi tối và cuối tuần. Vì thế Khoa Học cửa Vào thì Mở rộng, ai ghi danh cũng được cả nhưng cửa RA mới là khó. Trái với Khoa Học, Y Dược Nha cửa Vào khó nhưng sau khi lọc lựa còn lại vài trăm, cửa Ra của họ không quá khó. Khoa Học ngày xưa còn vấn nạn, nhiều giáo sư cho đề rất “hóc búa” (chữ thường dùng thời đó của chúng tôi) để thị uy ra oai. Sinh viên càng rớt càng chứng tỏ chứng chỉ của giáo sư đó có giá trị. Thật trái ngược với Việt Cộng, giáo viên gà bài để có thành tích cao là học trò giỏi.


Năm thứ hai 1968-1969

Tôi đậu SPCN. Học Khoa học ban A nên tôi đành chọn hướng đi là Cử Nhân Hóa. Tôi không thể chọn Cử Nhân Lý hay Lý Hóa vì sẽ bị thiếu kiến thức về môn Tóan ở Trung Học. Trong 2 Hóa, bây giờ tôi cũng quên vì sao tôi chọn Cử Nhân Hóa Hữu Cơ thay vì Cử Nhân Hóa Vô Cơ.

Thời đó, mỗi cử nhân Hóa phải có 4 chứng chỉ bắt buộc về Hóa do Giáo Sư Trưởng Môn chỉ định, và 2 chứng chỉ Lý tùy chọn, gọi là chứng chỉ nhiệm ý. Điều đó có nghĩa là trong nhiều chứng chỉ Lý, thích môn nào thì chọn. Điều này cũng áp dụng ngược lại cho Cử Nhân Lý, Lý Hóa hay Tóan. Bên nhóm đó, họ sẽ chọn 2 chứng chỉ nhiệm ý Hóa. Đương nhiên, chúng tôi sẽ chọn chứng chỉ nào dễ! Dễ ở đây không có nghĩa chương trình dễ mà có nghĩa giáo sư dễ, cho đề thi dễ và số sinh viên rớt không nhiều. Làm sao biết được điều đó? Có khó gì đâu, tin tức về các chứng chỉ được các ông sinh viên nắm chắc nhất (vì lười học, vì sợ thi rớt sẽ đi lính nên thủ tin tức về những chứng chỉ rất kỹ) và họ truyền cho nhau.


Năm thứ hai, tôi ghi danh 3 chứng chỉ. Thì cứ ghi vì quy định là mỗi năm 2 chứng chỉ nhưng ai học khá hay giỏi có thể lấy 3 hay 4 chứng chỉ. Cô bạn Hồ thị Phi, học rất giỏi đã lấy bằng Cử Nhân có 3 năm trong khi tôi phải 4 năm và nhiều cô khác có khi phải 5 năm (chuyện bình thường cho con gái học Khoa Học vì rất khó) thậm chí có cô còn lai rai 6,7 năm. Riêng con trai thì không được như vậy. Họ phải đậu đúng tuổi quy định, nếu rớt sẽ phải đi lính. Quả là một điều buồn. Buồn vì sinh viên, sau bao năm chiến tranh, họ sợ đi lính vì đi lính là chết. Với họ không còn ý nghĩa của những cái gọi là “ Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” là “Đi lính là yêu giống nòi…”. Buồn vì nhiều người con ưu tú của quốc gia về phương diện tri thức đã chết ở chiến trường khi chẳng may họ thi rớt. Nếu sống, họ đã đóng góp được cho quốc gia trong lãnh vực khoa học giáo dục.


Giáo sư chính cho cử nhân Hóa là ô Lê Văn Thới. Ông là cựu Khoa Trưởng, người miền Nam. Ông rất kỵ và ghét dân Bắc kỳ. Ông khó tính khó nết, vào lớp hay chửi bới sinh viên. Lớp học của ông im phăng phắc, sinh viên không dám hó hé. Tuy vậy sinh viên không hay trốn giờ ông vì nhiều điều ông giảng không có trong tài liệu học. Giảng đường B của môn ông lúc nào cũng đông nghẹt sinh viên. Gọi là giảng đường vì thuộc đại học chứ đó chỉ là một lớp học như ở các trường trung học. Chỉ có 2 đại gỉang đường lớn để chứa sinh viên năm thứ nhất vì đông. Đó là Giảng đường 1 cho dân Tóan hay Tóan/Lý hay Lý/Hóa là các chứng chỉ dự bị MPC (Math Phisic Chimie) MGP và Giảng đường 2 cho dân ban A chúng tôi là chứng chỉ dự bị SPCN. Chứng chỉ Hóa Hữu Cơ Cơ cấu của ông là một chứng chỉ được sinh viên chúng tôi mô tả là “hắc ám”. Hắc ám vì GS khó, môn thi khó. Tôi còn nhớ, cuối năm tôi lên trường xem kết quả chứng chỉ Hữu Cơ mà run sợ. Run vì đó là chứng chỉ chính, không biết mình có đậu không. Học cái gì mà làm bài xong, cũng khó đóan được mình đậu hay không, chán không cơ chứ. Chả bù cho thi Tú tài 1 hay 2, đậu là phải nắm chắc trong tay không thì bố cạo đầu cho mà chết! Gì chứ khỏan học, bố tôi nghiêm khắc vô cùng. Ông từng tuyên bố xanh rờn như sau “ Đậu Trung học, trả ¼ tự do. Đậu Tú tài 1, trả tiếp ¼. Tú 2 trả tiếp ¼. Xong đại học trả nốt ¼ cuối cùng. Lúc đó mới được quyền …nghĩ đến chuyện lập gia đình!” Chưa hết, chả ai phát xít như ông, cấm không có bạn trai/gái khi đang đi học. Vì thế bà chị tôi ..chưa bao giờ có bạn trai đến nhà suốt thời đi học kể cả thời sinh viên! Tôi thì may mắn hơn chút đỉnh! Năm thứ 2, một anh chàng bướng bỉnh không coi lời tôi cảnh cáo ra cái củ khoai lang gì cả, hắn ngang nhiên đến nhà trong khi tôi đang học ở trường. (Hắn chôm chỉa địa chỉ tôi ở phiếu thực tập chứ tôi không cho ai cả). Hắn gặp bố tôi và sau đó tỉnh bơ đến trường bảo tôi “T mới đến nhà Quỳnh Giao đó” “Trời đất ơi, bố cấm, sao anh dám đến? Anh gặp ai?” “Ba QG. Ông chỉ nói QG đi học, không la T tí nào cả” ! Trời đất ơi, khùng sao la hắn, có la là la con cái chứ. Hắn làm tôi rụng tim vì sợ. Trên đường về nhà, tôi run lắm. Bước chân vào nhà cũng run. Ai dè bố tôi chỉ giản dị “Hồi nãy có thằng nào tên T đến tìm cô đấy”. Giê su ma lạy chúa, tôi thở phào. Có lẽ nhờ khuôn mặt đẹp trai, hiền lành của hắn cộng ngôn ngữ bắc kỳ nhẹ nhàng nề nếp nên bố tôi đã quên béng điều lệ phát xít của ông chăng? Sau buổi đó, cái “tên bướng bỉnh” ấy phổ biến cho vài người bạn trai khác của hắn và lai rai vài tên dám đến nhà.

Trở lại, tôi đến Khoa Học khi trời đã tối. Đứng trước bảng kết quả, tôi phải chiếu đèn pha xe Honda để xem. Thấy tên trên cái bảng xấu xí (Khoa Học nghèo thấy mồ, đâu có đẹp đẽ mới toanh như Y khoa đâu. Y Khoa được Mỹ tài trợ mà.), tôi mừng húm. Sau này tốt nghiệp Cử nhân Hóa nhưng tôi cóc dám nộp đơn vào Ban Hóa chỉ vì Thầy Thới không bao giờ tuyển người Bắc cả. Tuy là học trò nhưng sau bao năm, tình cảm của tôi với Gs Thới không có gì để nhớ cả. Dù vậy khi Thầy mất, tôi cũng đến Hội Trí Thức thắp nhang cho Thầy.


Chứng chỉ thứ 2 tôi đậu là Hóa Vô Cơ. Chứng chỉ thứ 3 là Sinh Hóa 1 nhưng bị rớt thực tập. Chứng chỉ này sang nhất Khoa Học vì phòng ốc mới đẹp. GS Trưởng Ban là Đinh Văn Hoàng. Khi giảng bài, ông hay bỏ dấu sắc vào vì chịu ảnh hưởng Pháp hay sao đó. Vì thế nhắc đến ông là chúng tôi hay ghẹo “ Pro tít, lì pít, glu cít”! Thực tập Sinh Hóa dễ và đẹp. Chúng tôi phải mặc áo blouse đàng hòang, ai không mặc bị phạt. Các chứng chỉ khác cũng quy định mặc blouse nhưng sinh viên nhất là nam thường lười, đi học có khi toòng teng một cuốn tập bỏ túi quần, lấy đâu ra chỗ bỏ áo blouse.

Coi như năm này tôi đậu 2 chứng chỉ Hóa Hữu Cơ Cơ Cấu và Hóa Vô Cơ, thêm “cái đầu” là lý thuyết của chứng chỉ Sinh Hóa 1. “Cái đuôi” là thực tập Sinh Hóa 1 bị rớt.


Năm thứ ba 1969-1970

Tôi phải học lại Sinh Hóa 1. Tôi không cần thi Lý Thuyết nhưng phải học thực tập và cuối năm vẫn phải ôn bài vì có oral gì đó. Khỉ thật, hồi xưa sao học hành khó khăn quá vậy không biết. Đậu lý thuyết mới được vào thực tập. Xong thực tập mới được vào Oral. Xong Oral mới coi như đậu chứng chỉ đó. Rớt là phải học lại. Do đó điều chán vô cùng là chẳng may rớt vào kỳ 2, sẽ phải học lại vào năm sau. Trời ơi, sau một năm, nhớ gì nổi? Và như vậy, coi như học mới! Vì là người cũ, vì tôi chịu khó làm bài thực tập, nên nhiều ông “masculin” xí chỗ đòi thực tập chung. Chẳng qua mấy trự đó thích đi chơi, thích đi dạy học tư, làm gì có thì giờ làm bài thực tập nộp! Mấy trự đó đòi làm chung với tôi vì yên chí có “cô bé quá chăm chỉ” này làm dùm! Người “thắng cuộc” và làm thực tập Sinh Hóa chung với tôi là Nguyễn Hoàng Duyên. Nghe nói bây giờ Duyên làm Luật sư ở Orange County và hắn dính líu vào vụ bênh vực cho du sinh Hồ Phương gì đó, tôi không nhớ. Cũng nghe nói hắn có vẻ “cấp tiến”! Trời, hồi đó tôi chơi vài người và hòan tòan không ngờ họ là dân nằm vùng! Miên Đức Thắng học cùng niên khóa dự bị SPCN với tôi. Và đương nhiên, những “ngữ ấy” thì có bao giờ xong được cử nhân!


Tôi học thêm Hóa Mô Tả và chứng chỉ gì nữa tôi quên rồi nhưng không nhớ vì sao tôi không thi. Có lẽ Hóa Mô Tả cũng khó và Sinh Hóa 1 coi như học mới. Và dường như năm này, niên khóa 1969-1970, có nhiều “lộn xộn”. Lộn xộn cả trong tình cảm lẫn đời sống bên ngòai. Cô Nguyễn Ngọc Sương dậy Mô Tả. Cô đẹp và rất diện. Đám nữ chúng tôi thì thào, có lẽ suốt niên học, chưa bao giờ thấy cô mặc lại áo nào lần thứ hai! Cô cũng là dược sĩ và giàu!


Chính trong niên học này, tôi hay lang thang ra thư viện Hội Văn Hóa Đức, Hội Việt Mỹ ( vì gần nhà) và vài lần đến Đại Học Vạn Hạnh. Vạn Hạnh khá đẹp vì mới xây nhưng khá xa và vì tôi không thích hợp với dân Vạn Hạnh. Đa số họ không chăm học hay sao đó, sinh viên là những người “ linh tinh lang tang” nghĩa là họ không coi việc học là chính hay sao đó. Sau này tôi được biết thêm, nơi đây là “cái ổ Việt Cộng” ! Vì tụi nằm vùng hay vào đây trú ẩn, y hệt Ban Địa Chất ở Khoa Học của Trần Kim Thạch! Che dấu cho tụi nằm vùng! Thư viện Văn Hóa Mỹ cũng đẹp và tôi chỉ vào vài lần. Tôi gắn bó với Thư Viện Văn Hóa Đức hơn vì nho nhỏ xinh xinh, trụ ngay đường Phan Đình Phùng, khá gần nhà. Ngày đó vào thư viện vì có máy lạnh, vì yên tĩnh. Có khi tôi đi bộ ra Lăng Ông Bà Chiểu để học bài nữa! Tôi mò ra chính lăng của Ông ở phía sau, chỉ có mộ ông thôi, không có khách khứa nhiều và ngồi đó thật im để học!
Cũng chính trong niên khóa này, tôi hay viết báo để kiếm tiền tiêu vặt. Viết và ký đủ thứ bút hiệu để hôm nay bài mình được đăng, hôm sau cũng bài mình được đăng và có khi hôm sau nữa cũng đăng! Nhưng như đã viết trong một tùy bút, hồi đó, tôi “vô vàn tri ân” nhà văn Thanh Nam vì ông đã “cứu bồ” cho cái quỹ ăn quà của cô sinh viên Phượng Quỳnh! Thì có gì đâu, Thanh Nam phụ trách mục đó ở báo Tiếng Vang. Thanh Nam thừa biết những bút hiệu sau đây đều là của một người: Phượng Quỳnh, Hoàng Lan Giao, Đài Phượng Lan, Lê Đỗ Thụy Khanh, Lê Dũng, Thái Dũng,Trần Vũ..Thanh Nam phải biết vì cùng một nét chữ (con gái, chữ này cách chữ kia cả thước, giấy pelure xanh vàng hồng!) nhưng có thể vì ông “ưu ái” con bé Phượng Quỳnh nên ông cũng cứ chọn để bài nó đăng lia chia và độc giả không hề biết vì bút hiệu khác nhau mà. Phượng Quỳnh là bút hiệu được ký nhiều hơn hết thẩy vào thời đó và vô số “fan” khắp nơi gửi thư về tòa sọan xin được làm quen với Phượng Quỳnh! À, lại còn bút hiệu Tô Kiều Nga khi “mần thơ” nữa chứ! Chẳng qua chỉ vì thích tiếng sáo của Tô Kiều Ngân! Kể ra thời con gái nữ sinh cũng có nhiều suy nghĩ “ngồ ngộ” nhỉ!


“Cái anh chàng bướng bỉnh” dám xông đại đến nhà tôi, không coi lời tôi nói về “ông via” ( thời chúng tôi hay đùa gọi cha mẹ là ÔB via hay ÔB bô!) ra ký lô gì, là độc giả trung thành của Phượng Quỳnh! Tôi còn nhớ, giờ Hóa Mô Tả của cô Sương, chàng ta không thèm học, ngồi bậc thềm xem truyện của tôi! ( Tôi cắt báo đem đến trường khoe, và thế là chàng ta trốn học ngồi xem!).


Tôi thích thực tập Hóa Mô Tả. Có gì đâu, giờ thực tập, dễ thấy mồ, cứ vừa làm vừa nói chuyện. Có khi trùng bài thực tập, sau khi cho trộn lẫn, ngồi lắc hai giờ. Trong hai giờ đó, nhóm hai hay ba sinh viên thay phiên nhau ôm cái bình lắc. Vừa lắc vừa nói chuyện! Cái thích thứ hai thì hết sức cà chua! Đó là vì giảng nghiệm viên là anh Từ Hòa Ái. Tôi quen anh Ái vì sao thì cũng quên rồi nhưng anh rất dễ thương. Vô tình ghi danh thực tập vào lớp anh chứ tôi không chú tâm. Anh Ái “galant” với đám nữ sinh viên vì thế có vẻ nam đồng nghiệp cũng như nam sinh viên không thích anh lắm thì phải. Tôi không cần biết, chỉ biết là anh cho tôi mượn cours, (kể cả sau này, khi tôi học Cao Học Hóa, anh cũng mượn cours cho tôi), anh chỉ bảo thực tập tận tình. Và có khi tôi bị kẹt gì đó, anh đến đón tôi đi học và thỉnh thoảng có khi đưa tôi về nhà nữa. Bồ anh, chị Hóa học trên tôi một lớp. Tôi còn nhớ niên khóa sau, anh dạy thực tập cho cô Sương. Tôi đã đậu chứng chỉ này rồi nhưng Mai, cô bạn thân chưa đậu và hôm đó tôi vào ngồi học cùng với Mai vì đi cùng xe Honda. Anh Ái đang hăng say giảng bài, bất thình lình nhìn thấy tôi ở cuối lớp, anh ngạc nhiên (vì tôi đã đậu chứng chỉ này rồi, anh đâu biết lý do tôi ở lại vì nhỏ Mai đâu cơ chứ!) và sau đó anh hơi lúng túng chút xíu, nói lộn chút đỉnh. Thì điều anh giảng đang là acid, base nên lơ đễnh là nói lộn ngay. Anh trợn mắt dọa, tôi cũng trợn mắt lại với anh. Tan học, anh túm cổ tôi “Sao em vào lớp anh?” Tôi gân cổ “Ơ hay, nghe đồn ông Từ Hòa Ái dậy hay, em vào học không được à?” Anh ký đầu tôi một phát. Nếu được bầu giảng nghiệm viên nào dễ thương nhất Khoa Học, tôi bầu cho Từ Hòa Ái cả hai tay hai chân. Sau này anh ly dị chị Hóa, lấy ai đó tôi không biết và anh có Tiến Sĩ ở Úc, đang ở Úc luôn.


Năm thứ tư 1970-1971

Tôi chỉ cần 2 chứng chỉ nữa là hòan thành nghĩa vụ: Lý Hóa 1 và một nhiệm ý Lý. Nghe đồn GS Nguyễn Hải rất “dễ thương”, tôi đến ghi danh Vật Lý Địa Cầu như là một chứng chỉ nhiệm ý Lý. Ông dễ thương thật. Dáng rất nhỏ bé, và giọng nói thì dịu dàng như phụ nữ. Điều tuyệt là ông cũng bắc kỳ như tôi. Ai nói là không kỳ thị, tôi phản đối liền túy suỵt. Không kỳ thị là cái gì cà, chứ “kỳ thị” vẫn tiềm ẩn. Này nhé, tôi học Gia Long nhưng chỉ thích chơi con trai Chu Văn An, không kết dân Petrus Ký tí nào. Không kỳ thị thì là gì? Ông thầy bà cô nào người Bắc thì tôi vẫn yêu hơn. Không kỳ thị thì là gì? Lấy chồng cũng ngắm nghía có phải dân bắc không! Không kỳ thị thì là gì?


Con dư thời gian, tôi ghi danh chứng chỉ Quang chơi. Vì nếu đậu thêm Quang thì dường như tôi sẽ có thêm cử nhân Lý Hóa. Dường như vậy, tôi không nhớ chính xác lắm. Thời đó cử nhân Lý Hóa và Hóa chung nhau nhiều chứng chỉ và chỉ cần lấy thêm cái gì đó là có được cử nhân thứ 2. Tôi ghi Quang vì hai lý do: Quang do GS Khoa Trưởng Nguyễn Chung Tú dạy, môn bài tập do chú họ tôi, ô Trần Minh Tâm đảm trách. Sau nữa Quang có vẻ không khó lắm với dân ban A như tôi. Tôi còn nhớ, cũng giờ Quang do chú Tâm dạy, tôi và cái anh chàng bướng bỉnh nọ, ngồi viết qua lại với nhau, chả học gì cả. Chúng tôi ngồi ngay bàn đầu nên dù Giảng Đường 2 lớn nhưng ông chú cũng thấy cô cháu cứ khúc khích to nhỏ với bạn. Khi về gặp tôi chú cười cười “Đi học mà giỡn không nhé. Chú mách bố bây giờ!”. Sau này, chú tôi và vợ con chết cả trên đường vượt biên, chỉ sót đứa con lớn. Riêng GS Nguyễn Chung Tú, ông có giọng nói hay, sang sảng. Ông giảng cũng hấp dẫn không buồn ngủ như Gs Thới. Ông cũng cưng tôi lắm. Kỷ niệm với ông thì tôi nhớ, sau này khi tôi vào làm giảng nghiệm viên cho Ban Vật Lý Địa Cầu, ông tổ chức Đại Hội Vật Lý cho Ban của ông và ông “mượn” tôi qua làm MC. Thứ hai, tôi ở Ban Vật Lý Địa Cầu và khi tôi “thỏ thẻ” xin qua Ban Vật Lý của ông để dạy Thực Tập Lý, ông vui vẻ OK ngay. Ông chỉ thị cho anh Đỗ Đình Luyện xếp giờ cho tôi. Nhưng hai ông “tướng” Giảng Nghiệm Trưởng của Ban Vật Lý là Đỗ Đình Luyện và Nguyễn Trọng Cơ thì không cần biết, không thèm biết Quỳnh Giao là ai, chỉ biết cô ta do Thầy Tú giới thiệu nhưng không phải dân phe ta (nghĩa là cùng ban Vật Lý) là hai ông tướng “đì” chơi. “Đì” nghĩa là cứ chơi tình vờ không xếp giờ dạy! Tôi lại mét thầy Tú. Thầy la và lúc đó Đỗ Đình Luyện mới thủng thẳng bảo tôi khi gặp tôi trong sân trường “Cái con bé ấy, nó tuởng nó có chút nhan sắc là người ta phải chiều nó sao”! Trời đất thiên địa quỷ thần ơi, coi dân bắc kỳ “đểu” chưa? Tôi vừa buồn cười vừa tức nhưng ráng nhịn vì hiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”! Thì nói đâu xa, ngay chính Ban Vật Lý Địa Cầu của tôi cũng vậy. Ỷ mình là dân cũ, Tạ Công Quyền cũng không thèm xếp giờ dạy thực tập cho tôi dù Thầy Nguyễn Hải nói. Tôi ghét, thư cho Thầy biết ( lúc đó GS Nguyễn Hải đang công tác ở Pháp). Thầy phải nói lần hai, Quyền mới thi hành. Tôi không làm gì cả nhưng thích dằn mặt con gái nhất là ma mới, là trò của mấy “trự bắc kỳ” ! Tuy vậy, Đỗ Đình Luyện đã xếp cho tôi dạy chung với Phạm Tử Tuấn. Sau anh Từ Hòa Ái, tôi phải bầu Phạm Tử Tuấn là giảng nghiệm viên thứ hai về khỏan “dễ thương”! Tử Tuấn đang ở Orange County và lần nào cũng “Sắp họp bạn Khoa Học ở nhà anh H. , Quỳnh Giao ơi, cô có đi không, tôi lại đón cô nhé”. Tử Tuấn lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng. Tạ Công Quyền sau này cũng “dễ chịu” chứ không còn ăn hiếp tôi nữa.


Trở lại chứng chỉ Vật Lý Địa Cầu. Thầy Hải của tôi cũng là Giám Đốc Hải Học Viện Nha Trang, thầy dậy cũng hay và tận tâm. Ái chà, thầy rất cưng tôi, cưng từ khi tôi đang học kìa. Súyt nữa là tôi đậu “major” chứng chỉ của thầy. Bài Lý Thuyết của tôi cao điểm nhất nhưng tôi xui gặp bài thực tập không như ý và bị tụt hạng 3, Bình Thứ. Học chung chứng chỉ này là tên Nguyễn Hoàng Duyên (người thực tập sinh hóa chung với tôi) và bạn thân của hắn là Ngô Thụy Miên! Tôi còn nhớ vào thi, Miên tên thật là Ngô Quang Bình không làm được bài ( mấy “cha” Nhạc Sĩ có bao giờ học bài! ), tôi ngồi bên kia có nhá nhá hỏi Miên, hắn có muốn tôi “quăng” bài cho hắn không, Ngô Thụy Miên lắc đầu. Tôi đậu, Miên rớt. Kỳ 2, Miên thi ở giảng đường B, và tôi biết Nguyễn Hoàng Duyên đã trợ giúp Ngô Thụy Miên. Tuy vậy, Ngô Thụy Miên cũng bỏ dở, không xong Cử Nhân Khoa Học.


GS Chu Phạm Ngọc Sơn dạy Lý Hóa 1. Ông tốt nghiệp ở Mỹ về, người Nam. Dạy cũng vừa phải không quá “khó chịu” với sinh viên như Thầy Thới, nhưng cũng không “dễ thương” như Thầy Nguyễn Hải. Tôi nhớ năm này, tôi viết bài với bút hiệu Quỳnh Couteau đăng trên mục “Chuyện phiếm” của Chính Luận, tôi ca tụng chứng chỉ Vật Lý Địa Cầu và tôi chỉ trích chứng chỉ Sinh Hóa 1 là GS Đinh Văn Hoàng không cưng học trò “con ruột” Khoa Học của mình mà tòan đi cưng mấy mợ “con ghẻ” là dân Dược! Chả là mấy mợ học Dược cũng hay ti toe qua học chứng chỉ Sinh Hóa 1 với lý do gì lâu quá tôi cũng quên rồi. Tôi chẳng đá động gì đến chứng chỉ Lý Hóa 1 của Thầy Sơn cả nhưng một tên nào đó lấy điểm, mét bu vớ vẩn. Thầy Sơn nghe lộn, vào lớp chửi bâng quơ gì đó. Tôi còn nhớ, khi về tức quá, tôi khóc với anh Từ Hòa Ái. Anh khuyên tôi viết cho ô Sơn biết. Tôi nghe lời anh, viết bức thư “tình” cho thầy Sơn. Hôm sau vào lớp, nghênh nghênh (Thầy Sơn hay có vẻ mặt nghênh nghênh!), Thầy Sơn “.. Cái người nào đó đừng có nghĩ gì nữa, tui biết mà..” Lâu quá tôi không nhớ chính xác nhưng cái cách “nói lại” của GS Sơn, khá ngộ nghĩnh. Sau 1975, ông Chu Phạm Ngọc Sơn ở lại, cộng tác nồng nhiệt với Vc và còn được chúng giới thiệu ra ứng cử đại biểu quốc hội gì đó. Bên cạnh, là đời sống tình cảm của ông nhiều điều..


Lý Hóa 1 của ô Sơn thuộc loại khó với tôi, một người không học ban B mà ban A ở Trung Học. Có nhiều kiến thức tóan tôi không biết vì không hề học. Cuối năm thi, tôi ..đậu vớt! Đây là chứng chỉ duy nhất trong cuộc đời đi học của tôi, bị đậu vớt!


Coi như tôi “học đúng”, học đúng là đúng tuổi, đúng quy định. Tôi thích Y, chẳng thích Khoa Học nhưng ma đưa lối quỷ dẫn đường thì theo vậy thôi. Tôi không thích nghề giáo vì cả họ đi dạy, tôi ngán quá chừng rồi, ai dè học Khoa Học xong, tôi lại cũng đi dậy! Hè 1971, tôi nắm văn bằng Cử Nhân Hóa Hữu Cơ trong tay và trời ạ, đi tìm việc làm không ra. Chính vì thế sau này tôi chỉ muốn con cái theo những ngành dễ có “job” như Y, Dược, Nha nhưng chả đứa nào làm tôi vừa ý. Tôi thích Y nhưng vì xui xẻo, vì hòan cảnh gia đình mà không được như ý nguyện.


Một quãng đời sinh viên, buồn vui lẫn lộn với vận nước. Những năm sinh viên của tôi, tình hình chính trị miền Nam bất ổn lia chia. Tôi nhớ năm thi Sinh Hóa, bọn sinh viên nằm vùng vào phòng thi hô hào đả đảo chính phủ và họ xé bài của chúng tôi, không cho thi. Miền Nam, lúc đó quá tự do! Giáo sư cũng chịu thua và kỳ thi bị hủy. Một đám hay biểu tình, sau 1975, về lại trường và lòi ra toàn Việt Công nằm vùng trước kia. Tôi ghét Ban Địa Chất của Trần Kim Thạch cũng vì ông là thiên tả và bọn nằm vùng chui vào đây trốn núp hoạt động.


Sau khi tốt nghiệp, tôi làm chuyên viên viết lách cho Tổng Nha Kế Họach vài tháng, rồi trở về trường học Cao Học và sau đó vào Ban Vật Lý Địa Cầu cho đến ngày mất nước.

Hoang Lan Chi

www.hoanglanchi.com/

No comments:

Post a Comment