Thursday, January 17, 2013

Nhận xét về "Bên thắng cuộc"

Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo
Hồi ký là chân tay của sử ký. Viết hồi ký (hoặc sử ký) thì cần viết cho đúng, không cần viết cho hay. Có sao viết vậy. Không tô điểm. Không bôi nhọ. Không thêm bớt. Nếu yêu một nhân vật nào trong hồi ký (cùng phe đảng, cùng tôn giáo, cùng chính thể) rồi tô điểm họ thành đáng yêu, đáng kính thì tác phẩm dù hay bao nhiêu cũng vô gía trị. Ngược lại, nếu ghét nhân vật nào (thuộc phe đảng đối lập, tôn giáo đối lập, chính thể đối lập) rồi bôi nhọ, vu khống họ, thì tác phẩm cũng vô gía trị. Lời văn trong hồi ký cũng phải minh bạch, trang nhã, tránh biểu lộ cảm tình cá nhân.
 

Những yếu tố ghi trong hồi ký phải là những sự kiện đã xảy ra y hệt như thế, chứ không phải đã xảy ra giống như thế hoặc na ná như thế . Yếu tố nào không được mình mục kích hoặc chưa được mình phối kiểm thì phải mở một dấu ngoặc để nói xuất xứ của nó; mức độ đáng tin cậy của xuất xứ cũng phải được ghi rõ. Một hồi ký mà không xác thực thì chỉ là một phóng tác; dẫu hay tới mức siêu việt cũng chỉ có gía trị văn chương chứ không có gía trị lịch sử (tỷ dụ bộ Tam Quốc Chí). Vì vậy cho nên hầu hết những cuốn hồi ký của người Cộng Sản đã không được thếgiới tự do hoan nghênh.


Con Cò có một phát biểu:Một sử gia không yêu nước, yêu nòi, yêu đảng, yêu bản thân bằng yêu sự thật. Sự thật, dù bất lợi cho quốc gia dân tộc hoặc nguy hại cho bản thân, cũng cần được phô bày nguyên vẹn. Chép sử thếgiới mà thiên vị (favor) quốc gia mình thì chỉ là viết một bản văn tuyên truyền. Chép sử quốc nội mà thiên vị đảng mình thì sựtuyên truyền thêm lố bịch. Nếu đảng mà mình thiên vị là đảng độc nhất của chính quyền độc tài thì tác phẩm của mình chỉ là một bản thú tội đồng lõa. Nếu bị uy hiếp mà viết sai sự thật thì cuốn sử của mình cũng bất thành sử.


Cuốn Bên Thắng Cuộc chỉlà một sử ký nửa vời vì tác gỉa, tuy không bôi nhọ phe tự do, nhưng đã khéo léo che đạy cho phe Cộng sản. Ông bào chữa cho tội ác “Cải Cách Ruộng Đất” rằng họ Hồ bất đắc dĩ phải làm như vậy dưới áp lực nặng nề của Stalin và Mao Trạch Đông, rồi sau đó chuộc lỗi bằng cách giải nhiệm Trường Chinh, gán cho y cái lỗi đi qúa trớn. Ông công nhận Trường Chinh và Lê Duẩn đã phạm nhiều “sai lầm” rồi sau này (lúc cả nước sắp chết đói ) chịu hối cải, đi theo đường lối sửa sai của Võ Văn Kiệt. Ông lẫn sai lầm với tội ác. Phạm sai lầm thì có
thể sửa sai để được tha thứ. Phạm tội ác thì phải đền tội. Có lẽ ông muốn lịch sử giảm cho Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh và hàng ngàn đảng viên trung ương và địa phương cái tội chửi bố mẹ, tiêu diệt giai cấp trung lưu, cầm tù hàng trăm ngàn người vô tội và làm suy sụp kinh tế quốc gia….. Những kẻ phạm tội tày trời như vậy mà không bịtrừng trị, xác còn được ướp để phụng thờ, tên còn được dùng để đặt tên cho thành phố, đường phố! Huy Đức chưa một lần nêu rõ được điểm đó trong tác phẩm của ông.


Trong gần ngàn trang giấy, ông chưa một lần dùng từ tội ác cho những lãnh tụ Việt cộng. Tuy sử gia không có nhiệm vụ phê phán nhưng từ tội ácdanh xưng của những hành động nhưvậy chứ không phải là phê phán. Nói cách khác, người nào làm những hành động ấy tức là người gây ra tội ác, bất kể đã làm lợi ích gì cho quốc gia. Giải thích loanh quanh với ý đồ muốn cho tội ác ấy lu mờ đi tức là gián tiếp che đạy (cover-up) cho phạm nhân. Lối hành văn của ông làm cho độc gỉa nghĩ rằng đó là sai lầm chứ không phải tội ác,


Tịch thu nhà cửa, ruộng vườn, vàng bạc của dân và đổi tiền của dân một cách phi pháp để sau này làm giầu cho đảng viên là những hành động cướp bóc. Ông cũng chưa một lần dùng danh xưng cướp bóc cho những hành động ấy. Lối hành văn của ông làm cho độc gỉa nghĩ rằng đó là sai lầm chứ không phải cướp bóc.


Những việc như “ Cải Cách Ruộng Đất” và “Cải Tạo” thì hiển nhiên là tội ác, không cần bàn cãi thêm lời nào. Còn một số việc khác, nếu muốn biết chúng là tội ác hay sai lầm thì chỉ cẩn một chút síu vô tư là phân biệt được. Thí dụ: Cổvõ cho hàng chục vạn dân lên vùng Kinh Tế Mới mà không tiên liệu khó khăn đểhọ thất bại thì có thể coi là một sai lầm; nhưng cưỡng bách dân lên đó để họ khốn khổ thì là một tội ác. Huy Đức đã không làm nổi bật sự khác biệt giữa tội ác và sai lầm trong hầu hết những thê thảm mà Việt Cộng đã gây cho dân Việt trong qúa nữa thế kỷ vừa qua.


Tóm lại, tuy có biệt tài hành văn, Huy Đức đã không thể giấu nổi nét bao che (cover-up) trong tác phẩm của ông.


Tuy nhiên, Huy Đức cũng ghi chép được rất nhiều sự kiện mà trong nửa thế kỷ nay chưa có một đảng viên VC nào dám đả động tới (mục Đánh Tư Sản, Đổi Tiền, Cải Tạo, Kinh Tế Mới..). Những sự kiện này mặc nhiên khẳng định (confirm) nhiều dữ kiện đã được phe tự do đề cập tới trước đây.


Có một chi tiết độc đáo trong Bên Thắng Cuộc: Lê Đức Thọ, chỉ là cố vấn cho chính phủ cộng sản Campuchia tại Nam Vang (vừa được Hà Nội lập lên sau khi lật đổ Pol Pot), mà đểchủ tịch nước này, khi cần tham khảo, phải tới phòng khách tại tư dinh mình, ngồi chờ mình kỳ cọ trong phòng tắm. Tư cách cố hữu của Thọ đã biện minh cho hành động này. Kissinger, trong một cuộc phỏng vấn trên TV Hoa Kỳ, đã mô tả Thọ là một người bướng bỉnh, tàn nhẫn và kiêu căng. Một Kissinger (cũng tàn nhẫn và kiêu căng nhưThọ) mà tả Thọ như vậy thì ta không ngạc nhiên khi thấy Thọ tiếp nguyên thủ quốc gia của nước đồng minh một cách xấc xược, bất chấp nghi thức ngoại giao.


Có lẽ Huy Đức không muốn phản lại chủ cũ hoặc sợ Đảng trả thù nên chỉ dám chép sựthật một cách nửa vời. Nếu hai lý do đó là đúng thì chúng là hai nguyên nhân chính đã làm giảm gía trị tác phẩm của ông. Ông từng nói rằng cuốn sách của ông mới chỉ là bản thảo. Nếu sau này ông chịu tu chỉnh cho khách quan hơn thì người Việt tự do, vốn sẵn lòng vị tha, sẽ hoan hỷ mua sách tái bản của ông và giúp ông hội nhập vào thế giới tự do để trở thành một sử gia thực sự,khỏi phải vể nước chịu VC trả thù (ông hiện tu nghiệp trong đại học Harvard, tiểu bang MA).


Tôi công bằng mà ghi nhận rằng ông là cán bộ Cộng Sản đầu tiên đã dành nhiều công lao để ghi chép hàng trăm sự việc có ích lợi cho sử sách sau này và là người mở một lối đi mới cho những ký giả trong nước.
Với sự dè dặt thường lệ(liên hệ tới mức khách quan yếu ớt của tác phẩm) tôi nghĩ rằng bản hiện thời của“ Bên Thắng Cuộc”, tuy chưa xứng là một sử ký hoặc hồi ký, nhưng cũng đáng cho các sử gia tham khảo hoặc kiểm chứng. Sớm hay muộn, rồi cũng có nhiều nhân chứng lịch sử giúp ông kiện toàn tác phẩm này, nếu ông thực tâm muốn như vậy.


Bác sĩ Nguyễn văn Bảo

Tái bút

Thành thực xin lỗi một số vị đã vì cảm tình mà khen qúa đáng hoặc vì hận thù mà chê qúađáng tác phẩm Bên Thắng Cuộc. Có vị còn chụp mũ những người khen là thân Cộng, hoặc VC nằm vùng. “Chụp mũ” đã có từ trước năm 1975 ở VNCH rồi di tản ra ngoại quốc. Nó không phải là tật cố hữu của người Quốc Gia mà là một tiêm nhiễm tật xấu của CS (người CS gán cho bất cứ ai không đồng ý với họ là phản động).

No comments:

Post a Comment