"Nghĩa tử là nghĩa tận". Tôi không biết thành ngữ này từ đâu mà có, nhưng tôi thấy nó sai quá chừng, hoặc là con người làm cho nó sai vì cố tình diễn tả lệch lạc đi. Chết là hết. Vâng, đúng chết là hết chứ còn gì nữa. Chết là hết thở, chết là thân xác không còn ai trông thấy nữa vì nằm sâu dưới đất, hoặc được đốt thành tro bụi, hoặc được đem lên núi nuôi sống chim ưng… Nhưng có những cái chết người đời không dễ gì quên được, của những người danh tiếng, dù tiếng tốt hay tiếng xấu.
Ngày xưa, lúc còn nhỏ, khoảng năm 1943-1944, khi đi ngang qua "Nhà việc" Gò Công, tức là tòa Thị chính bây giờ, thì tôi thấy có một tượng đài to lớn, rất oai nghi, với hình một người mặc quân phục trắng, tay cầm gươm nhìn ra sông. Tôi không biết tượng này được đặt tại đây từ khi nào? Ở phía dưới tượng đài có ghi "Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (1840-1877)".
Thấy thì thấy vậy, chứ tôi không tìm hiểu coi ông này là ai mà được người Pháp nể trọng, phong chức "Lãnh binh" như vậy. Về sau này tôi mới biết đó là chức vụ cao nhất về quân sự của một tỉnh thời Pháp thuộc. Mỗi ngày, nhìn mãi tượng đài uy nghi đó, tôi đâm ra mến phục và kính phục người mặc áo trắng cầm gươm này. Đến năm 1945, một hôm đi ngang qua tượng đài Lãnh binh Tấn, tôi thấy không còn bức tượng nữa mà phía dưới đất ngay đó, là một đống gạch vụn, đổ nát, tượng gảy cổ, chân nằm một nơi, tay nằm một nẻo.
Về sau, khi vào Trung học Gò Công, tôi mới tìm hiểu và được biết tượng Lãnh binh Tấn do người Pháp dựng lên tại cuộc đất quan trọng bậc nhất này của thành phố Gò Công là để ghi công một người tên Huỳnh Công Tấn. Người này vốn là một thuộc hạ của ông Trương Công Định, một lãnh tụ chống Pháp thời vua Tự Đức, nhưng bị ông Trương Công Định sa thải vì nhiều việc bê bối của ông ta. Tức mình, ông ta lên Saigon, đầu thú với người Pháp và ngày 19-08-1864, ông ta dẫn quân lính Pháp về làng Kiểng Phước (Gò Công) để phục kích và bắn ông Trương Công Định trọng thương tại Đám Lá Tối Trời. Biết không còn chống cự được nữa, ông Trương Công Định tự sát.
Nếu đem câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" ra áp dụng cho trường hợp này, tôi thấy không đúng vào đâu cả. Nếu chết là hết, không ai được nói gì đến người chết nữa, thì cái tên "Lãnh binh Tấn" này cũng không ai đụng tới. Nhưng ác hại thay, mỗi lần người đời nhắc nhở tới ông Trương Công Định thì thường hay có tên phản thầy, phản chú "Lãnh binh Tấn" đi kèm. Nếu nói "nghĩa tử là nghĩa tận" thì một tên cướp giết người, khi nó chết rồi thì để nó yên sao? Vậy thì chúng ta rút ra bài học gì cho hậu thế? Cứ ăn cướp đi, cứ giết người đi, khi chết thiên hạ không còn nói tới nữa!
Về chuyện Nguyễn Cao Kỳ cũng vậy. Vài kẻ lỡ "ăn cơm chúa phải múa tối ngày" dựa vào
câu "nghĩa tử là nghĩa tận" để bảo thiên hạ thôi đừng nói gì đến NCK nữa, để lịch sử phán xét. Lịch sử là ai vậy? Chừng nào phán xét? Tại sao xã hội không phán xét bây giờ, ngay bây giờ để lấy đó làm bài học dạy cho con cháu chúng ta cách sống ở đời, cư xử nhau cho phải phép, không đàng điếm, không lừa thầy, không phản bạn, không mạt sát đồng hương, không kích bác đồng đội, không khiếp nhược bợ đỡ kẻ thù, không hèn hạ tìm miếng đỉnh chung…
Viết đến đây, tôi lại nhớ vào năm 1965, tôi được một người bạn thân lúc còn học ở Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) là Nguyễn Thanh Lịch rủ vào câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc ở Tân Sơn Nhất để xem một màn vũ thật đặc biệt, có một không hai ở VN. Nguyễn Thanh Lịch, quê ở Bến Tranh (Mỹ Tho) lúc đó là phi công trưởng của Công ty Hàng Không Việt Nam , thường xuyên lái máy bay hàng không dân sự qua Đài Bắc và Hồng Kông. Năm 1974, Lịch tử nạn khi bị không tặc ở Phan Rang.
Được Lịch rủ, tôi cũng ham hố, muốn vào câu lạc bộ này để xem coi thế nào. Hơn nữa, mình là một dân sự, làm sao có dịp để vào câu lạc bộ nhà binh không quân này. Ngàn năm một thuở, dịp may hiếm có, tôi liền tháp tùng Lịch vào câu lạc bộ Hùynh Hữu Bạc và được xem một màn thoát y vũ của một cô gái Đài Bắc với những trò luyện tập hiếm có, dùng nội công để điều khiển "bộ phận" của cô ta như hút thuốc, thổi tắt ngọn đèn sáp, giữ thật chặt trái ping-pong trong "người", hoặc dùng "nó" để cầm bút viết chữ “Good luck” trên một tờ giấy và đưa tờ giấy đó cho khách giữ làm kỷ niệm v.v... Lịch cho tôi biết rằng, ông Tướng (tức NCK) phải cho máy bay riêng từ Saigon qua Đài Bắc để rước cô này về trình diễn một đêm duy nhất ở CLB Huỳnh Hữu Bạc và sáng mai cũng sẽ đưa cô ta trở về Đài Bắc.
Bây giờ nghĩ lại - không hiểu thuở đó tại sao tôi không nghĩ - tôi thấy không ổn chút nào. Năm 1965, nghĩa là sau cuộc đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm 2 năm, đất nước đang lúc gặp nhiều xáo trộn, thù trong lẫn giặc ngòai. Thế mà những kẻ uy quyền, ăn trên ngồi trước thiên hạ, đua đòi ăn chơi sa đọa kiểu đó... như vậy mất nước là phải.
Vịn vào thành ngữ “Nghĩa tử là nghĩa tận” để bảo chúng ta phải im lặng để yên cho người chết, để yên cho kẻ cướp, để yên những kẻ vô luân, vô đạo thì vô tình chúng ta sắp chung những anh hùng và những kẻ không ra gì vào chung một danh sách. Thế thì ngày nay không ai dám nói tới Lãnh binh Hùynh Công Tấn nữa sao? Nghĩa tử là nghĩa tận mà! Những vị anh hùng ngày xưa cũng như những anh hùng thời đại như Lê văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần văn Hai, Phạm văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn…, chúng ta cũng quên hết sao? Chết là hết, không được nói tới nữa sao?. Anh hùng cũng như tướng cướp, tướng cướp cũng như anh hùng, khi đã chết. Như vậy có công bằng không? Luân lý, đạo lý ở đâu, sao không rút ra từ đó những những bài học để cho con cháu chúng ta sau này biết để mà lấy đó làm gương, giữ mình.
Thành ngữ “Nghĩa tử là nghĩa tận” không nên đem ra áp dụng không đúng chỗ. Đấy chỉ là một lối nói lấp liếm cho qua, vì thiên hạ đuối lý nên đem ra dùng, khi không còn biện thuyết nào nữa để bênh vực những người mà họ không còn lý do, chữ nghĩa gì để bênh vực được nữa.
*Nhạc Sĩ Lê Dinh
http://ucchau.ndclnh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1075:qngha-t-ngha-tnq&catid=21:bn-c-tam-tinh&Itemid=31
No comments:
Post a Comment