Thursday, January 2, 2014
Việt Học Triển Lãm Cổ Thư: Bạch Thư VNCH Về Hoàng Sa, Văn bằng Tiểu Học Năm 1906 Của Cố Thủ Tướng Nguyễn Phan Long...
Hình lưu niệm, từ trái: Nguyễn Minh Lân, GS Mai Trọng Lý, nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Từ phải, người thứ ba là GS Nguyễn Văn Sâm.
LITTLE SAIGON (VB) -- Cuộc triển lãm cổ thư và sách quý thực hiện hôm Chủ Nhật 29-12-2013 tại Viện Việt Học đã thu hút nhiều người quan tâm tới học thuật Việt Nam.
Có nhiều tủ sách trưng bày hôm Chủ Nhật từ những nhà nghiên cứu hiến tặng cho Viện Việt Học, trong đó có các sách của Giáo sư Trần Ngọc Ninh, GS Đỗ Thông Minh, GS Nguyễn Trọng Thủy...
Trong đó có các bộ sưu tập cổ thư của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm -- có các cổ bản chữ Nôm độc bản, nghĩa là, có lẽ chỉ còn duy nhất một bản trên đời này với các mép giấy đã rách và giấy ố vàng, nét chữ in đã nhạt mờ...
Đặc biệt có 2 bản Bạch Thư Hoàng Sa và Trường Sa bản Anh ngữ của chính phủ VNCH ấn hành năm 1975 -- tựa đề “White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands.”
Các nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Phạm Phú Minh, Tạ Dzu, Mai Trọng Lý và một số người cầm bút khác... đã đi lại lặng lẽ giữa các hàng sách trưng bày, nhìn các bìa sách, cầm một số sách lên đọc... Họ lặng lẽ đứng bên các kệ sách, trân trọng đọc, như dường sợ khuấy động một kho tàng học thuật quê nhà, nơi những người khổng lồ quá cố để lại một di sản giấy mực đã trở thành những mảng hồn dân tộc.
Hình lưu niệm, từ trái: Nguyễn Minh Lân, GS Mai Trọng Lý, nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Từ phải, người thứ ba là GS Nguyễn Văn Sâm.
Trả lời phỏng vấn của Việt Báo, nhà văn Phạm Phú Minh nhận định: “Buổi trưng bày sách của Viện Việt Học thật hay. Một dịp để thấy biết bao là sách và tài liệu xưa, quý, lẫn sách mới và hơi mới, nhiều cuốn nghe đã lâu bây giờ mới thấy. Dù số lượng không nhiều lắm, nhưng cũng đem lại cho người xem nhiều kiến thức về sách vở.”
Ông Nguyễn Minh Lân, thay mặt Viện Việt Học, đã trao tặng ấn bản cuối cùng thi tập “Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam” cho tác giả là Phan Tấn Hải -- nhà thơ này nói rằng anh không còn giữ ấn bản nào sau khi dọn nhà cả chục lần trong hơn 2 thập niên qua.
GS Nguyễn Văn Sâm trả lời phỏng vấn, nói rằng nhiều cổ bản triển lãm nơi này chỉ là bản duy nhất, và Giáo sư nói riêng việc sưu tập cũng là vừa tốn tiền, tốn thì giờ, và phải có cơ duyên.
Thí dụ, như tấm Văn bằng Tiểu Học được cấp năm 1906 của cố Thủ Tướng Nguyễn Phan Long. Một chi tiết trên văn bằng cho thấy cố Thủ Tướng NPL có quê là Vị Xuyên, Nam Định -- trái với nhiều bản tiểu sử đang lưu hành trên Internet và sách Hà Nội.
GS Nguyễn Văn Sâm cầm cuốn Bạch Thư Hoàng Sa & Trường Sa, ấn bản Anh ngữ 1975.
Trong các cổ bản trưng bày, có bản “Văn Nôm Poésie Annamite: Quoc Âm Thị Tập, Rút Trong Các Xấp Văn Chương” in năm 1907 của Huình Tịnh Của, lúc đó ký tên Paulus Của.
GS Nguyễn Văn Sâm cầm cuốn Bạch Thư Hoàng Sa & Trường Sa, ấn bản Anh ngữ 1975.
GS Sâm cũng cho xem bản Kim Vân Kiều in năm 1903 của nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội -- nhưng như thế cũng chưa đủ cổ, vì còn có các bản Kim Vân Kiều in năm 1880s tại Hà Nội mà GS nói là có hơn 30 bản in khác nhau, và sai khác nhau chút đỉnh.
Có một số sách Phật Học cổ bản chữ Nôm in từ Miền Tây Nam Bộ, cho thấy nền Phật học bằng chữ viết không chỉ có ở Miền Bắc, nhưng ở Miền Nam vẫn còn nhiều tài liệu chưa được diễn ra vần abc và do vậy chưa được nghiên cứu thâu1ú đáo.
GS Nguyễn Văn Sâm cũng cho xem truyện “Nước Độc” của tác giả Sơn Khanh (người có tên thật là Nguyễn Văn Lộc, làm Thủ Tướng VNCH các năm 1967-1968). Cuốn này viết trong bản thảo năm 1949, bị Pháp cấm in vì nói về cảnh bóc lột của Tây đồn điền cao su.
GS Nguyễn Văn Sâm nói, khi được nhà văn Sơn Khanh đưa xem bản thảo năm 1970 mới đề nghị nhà văn Sơn Khanh in, thì được mời viết Lời Giới Thiệu. GS Sâm nói là chỉ xin viết Lời Bạt thôi, vì là thế hệ hậu học.
Hình hàng trên, từ trái: GS Mai Trọng Lý, nhà văn Phạm Phú Minh, GS Nguyễn Văn Sâm; Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và GS Nguyễn Văn Sâm. Hàng dưới, từ phải: nhà văn Phạm Phú Minh, GS Nguyễn Văn Sâm và phu nhân.
Hình hàng trên, từ trái: GS Mai Trọng Lý, nhà văn Phạm Phú Minh, GS Nguyễn Văn Sâm; Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và GS Nguyễn Văn Sâm. Hàng dưới, từ phải: nhà văn Phạm Phú Minh, GS Nguyễn Văn Sâm và phu nhân.
Cuốn sách “Nước Độc” của Sơn Khanh in năm 1971 với Lời Bạt của GS Nguyễn Văn Sâm.
Triển lãm hôm Chủ Nhật còn có Di Cảo Trương Vĩnh Ký, viết bằng chữ Nôm và nhiều số báo ra mắt của các báo và tạp chí xưa ở VN.
Trong đó có báo Tân Kỷ Nguyên ấn bản 29-7-1956, nơi trang bìa là hình hí hoạt nhà sư tụng kinh với lời ghi chú “Sư Tây Tạng công phu tụng kinh diệt Cộng.”
Cũng cần nhắc rằng, lúc đó Hồng quân TQ đang chiếm đóng Tây Tạng, và tới năm 1959 moơi có cuộc khởi nghĩa; khi thất bại, Đức Đạt Lai Lạt Ma và tùy tùng chạy trốn sang Ấn Độ lưu vong.
Những học giả muốn nghiên cứu về cổ thư, có thể liên lạc trực tiếp với GS Nguyễn Văn Sâm:
Cell: 714-260-2430
Email: samnguyen20002002@yahoo.com
Website: namkyluctinh.org/
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-74_4-218931_15-2/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment