Trong số các nhà thơ này thì Đông Hồ được kể gắn bó với Nam Phong nhiều nhất, kế tiếp là Tương Phố. Độc giả biết họ qua Nam Phong và tiếng lòng của họ, một người khóc vợ (Đông Hồ với Linh Phương lệ ký), một người khóc chồng (Tương Phố với Giọt lệ thu) đã làm cho độc giả một thời tê tái.
Gần một thế kỷ trôi qua… Tương Phố sáng tác Giọt lệ thu vào khoảng 1923 và tác phẩm được đăng trên Nam Phong của Phạm Quỳnh vào 1928. Giọt lệ thu là tác phẩm thơ kết hợp với văn xuôi, một thứ văn xuôi có vần có điệu giàu chất thơ, và có nền là tiếng khóc, lời than và nước mắt của Tương Phố, một phụ nữ tài hoa và đa cảm mà cuộc tình đầu sớm tử biệt sinh ly.
Tương Phố Đỗ thị Đàm sinh năm 1896 (có tài liệu ghi là 1900), gốc Hưng Yên nhưng ra đời ở Đồn đầm, Bắc giang, trong một gia đình nhà nho có khuynh hướng thơ văn (em bà, Đỗ thị Quế, cũng là một nhà thơ nữ, bút hiệu Song khê), tốt nghiệp trường nữ sư phạm Hà nội. Trong buổi vãn niên, Tương Phố sống ở Đà lạt và tạ thế năm 1973.
Bà nổi tiềng về thơ ca đầu thế kỷ XX còn về văn xuôi của bà không mấy thành công.
Tác phẩm còn để lại gồm:
- Giọt lệ thu (được bà viết ở sông Thương năm 1923 và lần đầu tiên được in trên “Nam phong tạp chí” năm 1928).
- Trúc Mai (truyện dài bằng thơ)
- Một giấc mộng (truyện, 1928)
- Mối thương tâm của người bạn gái (văn xuôi, 1928)
- Bức thư rơi (văn xuôi, 1929)
- Tặng bạn chán đời (thơ 1929)
- Tái tiếu sầu ngâm (thơ lục bát, 1930)
- Khúc thu hận (thơ song thất lục bát, 1931)
- Đời đáng chán (thơ song thất lục bát, 1932),…
Bà lập gia đình với một bác sĩ, ông Thái văn Du, vào tuổi mười tám. Đôi vợ chồng trẻ sống những chuỗi ngày cực đẹp và tràn đầy hạnh phúc như nhà thơ cho biết:
Em mười tám, anh hai mươi lẻ,
Sóng gương đôi, lứa trẻ như măng
Có đêm ngồi mát dưới trăng
Bảo nhau yêu quá sợ hằng nga ghen
Yêu có phút, lặng nhìn chẳng chớp
Trông nhau cùng muốn nuốt nhau đi!
Ngây thơ một tấm tình si
Yêu nhau, yêu có nghĩ gì xa xôi
Vui, có lúc cùng ngồi đánh chắt
Đùa, có khi bịt mắt bắt dê
Khi trước cửa, lúc sau hè
Sánh vai ngắm khách đi về đông tây
Lòng sung sướng đưa mây rỡn gió
Chuyện bâng quơ chẳng có đầu đuôi
Câu vui cùng phá nên cười
Vui tai, hàng xóm cũng cười góp sang.
Hạnh phúc tăng thêm khi trong cái nôi tình ái ở Phan Thiết lúc ấy có tiếng khóc trẻ thơ. Nhưng rồi chia ly vì Bs. Du sang Pháp vì công việc, nữ sĩ ôm con về Bắc tiếp tục học trường sư phạm. Không ngờ ở nơi xứ lạnh, ông Du mắc bệnh lao và phải trở về quê hương. Cuộc tình nồng ngắn ngủi, kết thúc bằng tử biệt khi ông Du mất tại quê nhà năm 1920 vào tuổi 30.
Tương Phố làm thơ rất sớm, có bài sáng tác từ 1916 và 17, từ lúc xa chồng. Sau khi chồng chết bà sáng tác Giọt lệ thu vào khoảng 1923. Giọt lệ thu, được đăng trên Nam Phong vào 1928, là một tác phẩm trữ tình và đã có một thời khiến cho hàng triệu con tim rung động, cùng hòa nhịp với nỗi thu cảm, thu hận và thu tâm của một nhà thơ nữ trẻ tuổi đường tình duyên lại quá bi thảm.
Tiếng khóc của Tương Phố càng gây ấn tượng nơi độc giả sâu hơn vì bi kịch của đời bà có khung cảnh là mùa lá rụng. Vào mùa thu hai người trẻ tuổi gặp nhau, họ lập gia đình và khi đứa con đầu lòng đầy tháng thì chia ly vào mùa thu, và để rồi vĩnh biệt cũng vào mùa thu.
Hoàn cảnh của nữ sĩ cũng khiến nhiều người ái ngại. Mẹ mất sớm, lấy chồng theo chồng vào Phan Thiết, khi chồng sang Pháp phải ôm con thơ trứng nước về Bắc nhờ cha ruột ở Thất Khê và về học sư phạm ở Hà Nội. Tháng năm xa cách, nhà thơ trẻ chỉ biết làm thơ tưởng nhớ người phương xa chờ ngày đoàn tụ nhưng rồi nghe tin chồng bị bệnh nặng phải trở về quê hương.
Cuối cùng nhận được tin đau lòng: Về tới quê nhà không bao lâu thì người bạn đời chết vào buổi chớm thu, ngày “hai mươi lăm tháng bảy năm canh thân”(1920). Nghĩa phu thê, tình đôi lứa, được dồn nén trong trái tim tan vỡ và Giọt lệ thu được viết vào mùa thu năm Quý Hợi (1923) với những câu trữ tình và bi tình đã dẫn cả một thế hệ vào tâm trạng “mấy hàng lệ ký gửi bạn ba sinh chốn dạ đài”.
Muốn biết Giọt lệ thu đã thấm vào lòng người như thế nào vào đầu thế kỷ 20 thì không gì bằng giới thiệu nhận xét sau đây của Vũ Ngọc Phan (1902-1987), một nhà phê bình thuộc một thế hệ không xa Tương Phố:
“Cái ngày thơ Tương Phố ra đời trong tạp chí Nam Phong tức là ngày ngọn gió thu bắt đầu thổi, rồi thu ấy qua, thu khác lại, ngọn gió thu vẫn không làm khô được nước mắt của người sầu thu, vì không còn bài thơ nào của bà là không nhắc nhở đến cái mùa cây khô lá vàng…
Cái buồn của Tương phố là cái buồn có cớ, cái buồn thật sự, cái buồn ghi sâu tận đáy lòng, nhưng nó đã lây sang ít nhiều tâm hồn đa cảm, làm cho họ có những cái buồn vô cớ, những mối sầu không đâu… Thơ của bà nhẹ nhàng, dễ dãi như những câu ca dao cẩm tú, nên có cái sức cảm người ta về âm điệu trước rồi về ý sau.”
Để minh họa những gì tác giả Nhà Văn Hiện Đại đã nhận xét, chúng ta thử đọc lại mấy hàng trong Giọt lệ thu:
“Trời thu ảm đạm một màu,
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em,
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng!
“Anh ơi thu về như gợi mối thương tâm. Mỗi độ thu sang em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại…
Thu thường lại, ngày vui chẳng lại, thu thường đi, lòng hận chẳng đi; thương không có hạn, giận không có kỳ, người đi đi mãi, kẻ khóc khóc hoài. Chao ôi, anh có biết đâu một sớm anh chơi mây, để lại tháng ngày em lẻ bạn!
Thu có hạn, sầu dài không hạn,
Cảm thu sang, nhớ bạn lứa đôi.
Đoạn trường biết mấy tao nôi,
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn.
Khúc uyên dạo dây đờn ai dứt,
Dao sầu kia cắt đứt lòng son.
Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn,
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan!…
“Trên mây kia Ngưu Chức chia phôi cũng đoạn trường, nhưng khóc nhau còn lại có ngày thấy nhau. Em khóc anh mấy thu nay lệ đã đắm lòng, người đành không lại, mộng sao chẳng về? Nghĩ đau duyên ấy lại hờn với Ngâu:
Thu về đẹp lứa duyên Ngâu,
Năm năm ô thước bắc cầu Ngân giang;
Đôi ta ân ái lỡ làng,
Giữa đường sinh tử đoạn trường chia hai;
Anh vui non nước Tuyền đài,
Cõi trần hương lửa riêng ai lạnh lùng;
Nhân gian khuất nẻo non Bồng,
Trăm năm não thiếp tấm lòng bơ vơ!…
“Anh ơi, chung cảnh thu này, đông tây nam bắc biết bao người cảm thu. Nhưng lòng thu hẳn có như em, mà mây chiều vẩn dạ, gió mai lạnh lùng. Như em mỗi hạt sương gieo là một giọt lệ thảm, mỗi lần lá rụng là một mảnh tình sầu. Thu càng thâm, sầu càng nặng.
“Anh ơi, giọt lệ khóc thu, em chỉ vì anh mà năm năm lai láng… Than ôi, thu sang thu não lòng người biết bao!
Sầu thu nặng, lệ thu đầy,
Vi lau san sát, hơi may lạnh lùng,
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm...”
Đọc phần trích dẫn trên không ai không cảm động. Tương Phố là người tình chung thủy, cho tới mười năm sau vết thương lòng vẫn chưa hàn gắn, khi viết Khúc thu hận vào năm 1931 lúc nằm dưỡng bệnh tại một bệnh viện:
Chàng đi buổi sơ thu năm ấy,
Thu lại về, chẳng thấy chàng về
Chàng ơi, đi chẳng trở về
Thu về, thiếp những tê mê dạ sầu
Làng mây nước biết đâu nhắn gửi
Khoảng đất trời để mãi nhớ thương
Vì chàng chín khúc đoạn trường
Vì chàng trăm mối sầu vương tháng ngày
Thu xưa khóc, thu nay lại khóc,
Năm năm thu mảng khóc mà già
Người xưa khuất, cảnh cũ qua
Non buồn, nước lạnh cỏ hoa tiêu điều
Nỗi ly hận mây chiều, gió sớm
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường
Gió mưa tâm sự thê lương
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!
Sầu ngây ngất những ngày thu lại
Giọt ngâu tuôn lệ lại chan hòa
Ngàn xanh sắc úa vàng pha
Bông lau lả lướt la đà ngọn may
Non nước với cỏ cây hiu hắt
Khói mây tuôn mặt đất chân trời
Vời trông muôn dặm đường đời
Bước trăm năm, luống ngậm ngùi cho thân.
Cho tới khi lập gia đình lần nữa và viết bài Tái tiếu sầu ngâm vào năm 1925, Tương Phố vẫn được người yêu thơ cảm thông vì cảnh mẹ góa con côi phải làm việc chẳng đặng đừng:
Dây loan chắp nối đoạn trường
Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa
Dễ âu duyên mới du mà
Còn tình chi nữa, cũng là lụy thôi
Trăm năm danh tiết lỡ rồi
Dẫu thân chung đỉnh cũng đời bỏ đi
Cho dù bà không cần biện bạch với đời:
Thân này đôi dẫu đủ đôi
Lòng này, riêng vẫn lẻ loi tấm lòng
Theo duyên ân ái đèo bòng
Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương
Giọt lệ thu vào đầu thế kỷ 20 đã gây được tiếng vang trên thi đàn không những đối với độc giả chữ quốc ngữ mà với cả một số độc giả và nhà phê bình người Pháp nhờ vào đầu thập niên 1930 một nữ sĩ người Pháp, Duclos-Salesses, đã dịch tập thơ khóc chồng này ra tiếng Pháp.
Giọt lệ thu là tấc lòng tuyệt vọng đến tận cùng của một kiếp tài hoa nên khi thổ lộ ra lời trau chuốt đã trở thành một trong những tác phẩm đẹp và buồn nhất trong văn học ta khi phong trào thơ mới chưa xuất hiện
Do đó, trong một luận án về Nam Phong, Tiến sĩ Phạm thị Ngoạn (con Phạm Quỳnh) khi nhận định về Tương Phố, đã có ý kiến xác đáng như sau: “Bà đã làm cho các trái tim rung động thấm thía bằng những lời than van nhịp nhàng như điệu nhạc trong Giọt lệ thu (NP số 131, tháng 7 năm 1928). Tác phẩm này viết bằng một thể văn tìm hứng trong ngôn ngữ bình dân đồng ruộng, tuy vậy mà không từ bỏ hình thức sở trường là song hàng biền ngẫu và những hình ảnh cổ xưa được thừa hưởng tử nền văn hóa Trung hoa.”
Hoàng Yên Lưu
http://thoibao.com/2014/01/01/tuong-pho-nu-thi-nhan-cua-nam-phong/#sthash.cw7SHLy3.dpuf
No comments:
Post a Comment