Tuesday, April 29, 2014

[Khuông Vàng Thước Ngọc của Học Đường VNCH] Tấm hình cũ _Tg Diệp Hoàng Mai

Tấm hình chỉ đơn giản hai màu đen trắng – nhưng tôi đoan chắc – có đến bảy sắc cầu vồng kỷ niệm bàng bạc trong ký ức của thầy cô tôi. Hồi xưa trường còn ít lớp, hội đồng giáo sư chưa đông, nên thầy cô dạy cùng trường đều quen biết nhau, thân thiết lắm! Mỗi dịp nhà trường tổ chức “sự kiện”, là tiệm chụp hình Phạm Lung nổi tiếng ở Biên Hòa lại được mời đến, để ghi lại những hoạt động của trường.



Chú thích hình Thầy Cô: ( từ trái qua phải)

- Cô Khương Thị Bàn, cô Đặng Thị Trí, cô Đào Thị Nga, cô Nguyễn Thị Xuân Hồng, thầy hiệu trưởng Huỳnh Quốc Tuấn, cô Huỳnh Thị Tâm, cô Võ Thu Thủy, cô Huỳnh Thị Hội, cô Nguyễn Thị Luông, cô Đinh Thị Hòa ( hàng ngồi)

- Thầy Đào Mạnh Đạt, thầy Thân Trọng Hưng, thầy Dương Hòa Huân, thầy Hoàng Phùng Võ, thầy Nguyễn Sơn, thầy Phan Thanh Hoài, thầy Bùi Quang Huệ, thầy Phan Thông Hảo, thầy Nguyễn Thất Hiệp, thầy Hoàng Quí Nam, thầy Phạm Văn Tiếng, thầy Đinh Văn Sái ( hàng đứng)

Bức hình đã quá tuổi năm mươi, chụp trước lớp học “mượn” của trường Nữ Công Gia Chánh tỉnh Biên Hòa. Ngày xưa đi dạy, nữ giáo sư đều mặc áo dài, nam giáo sư mặc chemise “ đóng thùng” và thắt cravate.

Những dịp lễ có tính chất trang trọng, giáo sư nam đều phải mặc vest chỉnh tề. Đó là trang phục bắt buộc, theo qui định của Bộ Giáo Dục lúc bấy giờ.



Trong trí nhớ của cô Đào Thị Nga – nguyên giáo sư môn Anh Văn lớp đệ Thất của tôi – đong đầy ăm ắp những kỷ niệm xưa:

-  Cô là học trò tiểu học của thầy Bùi Quang Huệ và thầy Đinh Văn Sái. Hồi đó mỗi ngày cô đạp xe từ Cù Lao đến gửi ở trường bán Mỹ Nghệ, sau đó cô đi bộ đến nhà thầy Sái thầy Huệ ở gần Lò Bò và Nhà bảo sanh Thanh Song, ôm cặp táp của thầy tới lớp. Hết giờ học cô ôm cặp của thầy về nhà của thầy, sau đó mới đi bộ đến trường bán Mỹ Nghệ lấy xe đạp về nhà. Học trò nào được thầy giáo cho phép ôm cặp của thầy đem đến trường, là cảm thấy sung sướng và vinh dự lắm!...

Sau này trở thành đồng nghiệp của thầy giáo cũ của mình, cô Đào thị Nga và các cô: Khương Thị Bàn, Đặng Thị Trí, Nguyễn Thị Xuân Hồng, Huỳnh Thị Tâm, Võ Thu Thủy, Huỳnh Thị Hội, Nguyễn Thị Luông, Đinh Thị Hòa … trở thành những nữ giáo sư trẻ tuổi nhất trường. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, nhà ở khá xa, mà không có phường tiện đi lại – và do thiếu trường lớp bậc trung học nữa – nên khi xưa có không ít học trò Ngô Quyền vào trường bị trễ tuổi. Do vậy mà, tuổi thầy cô giáo trẻ mới ra trường và học trò không cách biệt bao nhiêu. Tuy vậy thời đó, tôn ti trật tự thầy và trò luôn được tôn trọng. Ngay khi đã trở thành đồng nghiệp và cùng dạy học chung trường, nhưng thầy cô của tôi vẫn một mực kính trọng và lễ phép với thầy cô giáo cũ của mình.

Tình đồng nghiệp của thầy cô, vẫn bền bĩ dù trãi qua biết bao thăng trầm dâu bể. Câu chuyện của “đôi bạn thân xưa” Đào Thị Nga – Võ Thu Thủy về những kỷ niệm trường rất vui vẻ, dễ thương. Về thầy hiệu trưởng Huỳnh Quốc Tuấn, cô Thủy kể tôi nghe:

- Thầy Tuấn tuy là hiệu trưởng thứ hai – sau thầy Phan Văn Nga –  nhưng lại là vị hiệu trưởng đầu tiên được bổ nhiệm chính thức. Thầy rất vui tính, hay nói chuyện tếu lâm với đồng nghiệp. Mỗi đầu tháng họp Hội Đồng, các giáo sư thường “ bị ”thầy hiệu trưởng Huỳnh Quốc Tuấn… “buộc” đi ăn liên hoan.



        Từ trái qua phải:Thầy Nguyễn Tấn Hoan, thầy Nguyễn Hữu Lợi, thầy Ngô Văn Sơn, thầy Phùng Thái Toàn, thầy Đinh Văn Thanh, cô Đào Thị Nga;


Cô Thủy cũng kể tôi nghe nhiều mẫu chuyện vui buồn thời tuổi trẻ, mà bây giờ bây giờ khi đã từng trãi, cô có những cảm nhận và suy nghĩ khác xưa. Có câu chuyện cũ khiến cô ân hận mãi – bởi một lời nói vô tình – cô đã gieo nỗi đau vào tâm hồn một học trò lớp đệ lục. Hồi đó cô có giờ Anh Văn dạy thế cho đồng nghiệp, cô bèn hỏi tên học sinh ba thứ hạng đầu. Một trong ba học sinh đó không trả lời được câu hỏi kiểm tra tiếng Anh của cô, cô bèn chê em:

- Học như vậy mà cũng xếp hạng nhì!...

Đứa học trò nhỏ đó, sau này trở thành Thạc sĩ – Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Một lần cô đến phòng khám của anh điều trị, anh nhận ra cô Thủy và nhắc cô câu chuyện năm xưa. Chia sẻ với tôi kỷ niệm đời dạy học, cô Thủy cứ băn khoăn mãi về câu chuyện cũ này:

- Nếu có dịp gặp, em nhắn dùm cô lời xin lỗi đến em ấy. Cũng may nó thành đạt, nếu không thì cô ân hận suốt đời …

Giữ lời hứa với cô, tôi tìm đến phòng khám của vị bác sĩ. Anh là chs.NQ khóa 12, trên tôi một lớp. Anh cười lớn, khi tôi nhắn gửi lời xin lỗi muộn của cô. Anh bảo rằng, câu chuyện xưa anh nhớ hoài, nhưng không hề trách phiền gì cô Thủy cả. Tôi tạm biệt anh sớm, vì ngại khách của anh sốt ruột đợi chờ. Qua những dòng này, tôi mong anh một lần ghé thăm cô Thủy, để tuổi già của cô được thanh thản nếu như anh trực tiếp bày tỏ “ không hề giận cô ” một tẻo tẹo nào…

- Hồi đó ở trường mình, thầy Hoàng Phùng Võ và cô Đào Thị Nga hay được giao làm “speaker” trong các dịp lễ hội lớn của trường …

- Đó em coi, chuyện chỉ như vậy mà hồi đó cô giận thầy Hoàng Phùng Võ … Bây  bây giờ nghĩ lại, cô thấy mình có những giận hờn vô duyên hết sức!...

Cô Đào Thị Nga nhớ lại:

-  Hồi đó, chị Luông rất hiền lành, tính tình khiêm tốn. Chị không làm phiền ai, kể cả đồng nghiệp lẫn học trò…

Rất nhiều câu chuyện “ hồi đó ” rất thú vị của thầy cô trường Ngô Quyền, tôi được nghe kể mỗi khi có dịp thăm thầy cô. Những lúc đó tôi hạnh phúc chi đâu, khi cảm nhận thời tuổi trẻ sôi nổi ngày nào, vẫn tươi mới trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của thầy cô tôi.

Trong hình, tôi nhận biết được hình ảnh thời trẻ của các thầy: Thân Trọng Hưng, Dương Hòa Huân, Nguyễn Sơn, Bùi Quang Huệ, Đinh Văn Sái. Còn các thầy cô: Nguyễn Thị Xuân Hồng, Huỳnh Thị Hội, Đào Mạnh Đạt, Hoàng Phùng Võ, Phan Thanh Hoài, Phan Thông Hảo, Nguyễn Thất Hiệp, Hoàng Quí Nam, Phạm Văn Tiếng … tôi chỉ được biết qua hình ảnh, những trang viết, và lời kể chuyện của thầy cô giáo cũ.

“Trong suốt cuộc đời dạy học mấy mươi năm, cô không thể nhớ hết có bao nhiêu ngàn đứa học trò cô đã dạy. Nhưng những đứa học trò còn nặng tình với thầy cô giáo cũ như các em, cô thường ví như những viên ngọc quí của thầy cô. Mà hơn cả ngọc quí nữa, các em là những viên kim cương…” Cô Đào Thị Nga từng chia sẻ tình cảm của cô, đối với những đứa học trò cũ trường trung học Ngô Quyền như vậy. Riêng tôi thì nghĩ khác, chính thầy cô giáo cũ mới là những “viên kim cương” quí báu, thật quí báu trong trái tim những chs.NQBH năm mươi tám năm xưa …

 Tháng 04/2014

Diệp Hoàng Mai

 http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-189_4-3577_15-2/

No comments:

Post a Comment