Ngõ vào kỷ niệm
Nhớ lại, một buổi chiều tối mùa đông còn tuyết lạnh lắm, đi làm về thật ấm lòng khi thấy cuốn Đặc San Ngô Quyền 2003 (ĐSNQ-2003) từ Cali gởi qua. Xúc động tưởng như gặp lại được cố nhân. Xem kỹ từng tấm hình về trường cũ và thấp thoáng thấy lại những khuôn mặt từng quen nhau từ thời trung học. Say mê đọc đến nỗi con bé gái út sốt ruột lên tiếng “phê bình” nhắc khéo:
- Bố “cưng” quyển “chuyện” quá chừng, đến nỗi muốn “bỏ” giờ dùng cơm tối luôn
Con bé chị biết tiếng Việt hơn chút xíu vì được “huấn luyện” xem phim bộ Hong Kong, bày đặt “sửa sai” và “móc” nhẹ:
- Không phải là “cưng”, mà phải nói là “mê” đọc “chuyện” của trường Ngô Quyền, nên cái bụng “lớn” của bố bị no đầy chữ Ngô Quyền rồi.
Cười thầm nghĩ rằng tiếng Việt cỡ đó mà lỡ có được thi đệ thất Ngô Quyền thì rớt là cái chắc rồi. Đâu được làm cựu học sinh Ngô Quyền (CHS-NQ) để có xúc cảm tuyệt vời đọc những trang ĐSNQ-2003 chứa đầy kỷ niệm
Kỷ niệm về thầy cô
Quá khứ thực xa, mấy thập niên rồi còn gì nữa. Nhưng hình ảnh kỷ niệm còn rõ lắm, tưởng chừng như mới đâu đây.
Bạn bè liên lạc với nhau đều nhắc nhở tới kỷ niệm trường cũ, nhứt là về các thầy cô.
Đứng đầu là Thầy Phạm Đức Bảo, bởi vì thầy chịu “hy sinh” làm hiệu trưởng lâu quá, cả... một con giáp (1961-1972), nên hầu như dính liền đến thăng trầm vui buồn của trường Ngô Quyền.
Hồi còn đi học, bước qua cổng trường là cảm thấy có bóng dáng thầy ở đâu đó. Lý do là thầy thường “chịu khó” cầm roi mây đứng kiểm soát đồng phục. Ai bê bối, dù chỉ quên gắn phù hiệu thôi, đều được cây roi mây của thầy “hỏi thăm sức khỏe”. Bất kể nam sinh hay nữ sinh. Thầy cao lớn mà lại “khoái” tập tạ, nên trông càng... sport dữ dằn. Nhưng cũng nhiều lúc thấy thầy cười đùa giỡn hoặc vui vẻ dám “biểu diễn” xắn tay áo đo bắp thịt với đám học trò biết “nghệ thuật” tập tạ .
Sau cuộc bể dâu, thầy được qua xum họp gia đình ở Âu Châu. Nhờ đó, một số cựu đồng nghiệp và CHS-NQ chúng tôi liên lạc tái ngộ với thầy. Đất lạ quê người cùng mang tâm sự vọng cố hương, nên thầy trò càng gắn bó với nhau. Riết rồi chúng tôi hiểu thầy nhiều hơn năm xưa. Không còn hình ảnh của một ông hiệu trưởng “dữ dằn” với cây roi mây, mà chỉ còn là một nhà giáo dục có tinh thần dấn thân đã đào tạo được rất nhiều môn đệ thành tài và thành danh qua trường Quốc Học Huế và trường Ngô Quyền. Trong 12 năm tại chức, thầy đã xây dựng trường Ngô Quyền trở thành nơi có khả năng đào tạo học sinh giỏi giang không thua kém các trường nổi tiếng ở Sài Gòn. Thầy biết cả 3 ngoại ngữ Anh Pháp Đức, có kiến thức sâu rộng đa diện hiếm có và nhứt là có khả năng phân tích rành rẽ về biến chuyển thời cuộc thế giới. Thời gian ở Âu Châu, thầy đã ưu ái gửi nhiều bài chuyển ngữ và nghị luận có giá trị để chúng tôi sử dụng vào lảnh vực thông tin. Lúc từ Cali về, thầy cho biết được nhiều đồng nghiệp cũ và các CHS-NQ đón tiếp rất nồng hậu. thầy cảm động nhắc tới bạn bè cùng khóa 8 của chúng tôi, trong đó có cặp Nguyễn Xuân Dũng & Ngọc Túy đã lo lắng nơi ăn chốn ở thật chu đáo. Một thời gian sau, thầy quyết định hồi hương và trước khi về thầy còn viết thư tạm biệt với những lời lẽ tâm sự thật chân tình, mà chúng tôi chắc khó quên được.
Nhìn lại, mỗi năm học có khoảng chục giáo sư giảng dạy, nên 7 năm học Ngô Quyền “thọ giáo” trên dưới năm chục thầy cô. Viết ra hết, e không phải là... dễ, nên đành chịu thất lỗi chờ... dịp khác vậy. Lần này chỉ dám đề cập đến vài thầy cô từng có “công” hướng dẫn lớp học.
Chẳng hạn năm đệ nhất (1969-1970), chúng tôi được Thầy Lê Quý Thể dạy môn lý hóa và hướng dẫn lớp. Môn lý hóa thường thì khô khan lắm và khó... nuốt. Nhưng thầy Thể có lẽ là bà con của... thần đồng Lê Quý Đôn (1726-1784), nên giảng dạy rất dễ hiểu, mà lại còn “tâm lý” lâu lâu biết dí dỏm khiến cả lớp phải “bụm miệng” cười. Có lần thấy trong lớp có vẻ lơ là học, thầy bất ngờ “triết lý” rằng nghề nào cũng quý, nhưng không muốn sau này phải thất vọng gặp lại học trò cũ... đạp xích lô. Thế là cả lớp cười “tỉnh ngủ” và chịu chăm học, vì trong lòng ai dám nỡ để thầy sau này phải “thất vọng”. Thầy tận tụy và tốt bụng đến nổi nhiều lần “xách đầu” bắt đám học trò vào lớp chỉ dậy thêm trong dịp cuối tuần. Đặc biệt thầy rất mê thể thao. Nhứt là môn đá banh. Có lẻ thầy... tiến bộ nghĩ rằng “một đầu óc minh mẫn chỉ có được trong một thân thể... sport”. Năm đó, thầy đã hăng hái dẫn đội banh trường Ngô Quyền đi tranh hùng với đội banh trường Khiết Tâm. Chúng tôi còn nhớ rõ trận đá sôi nổi này. Đội banh Khiết Tâm gồm một số cầu thủ giỏi, thuộc dân xóm Lò Heo và Cây Chàm, nên vào trận đã tấn công tới tấp dẫn ngay 1-0. Mãi đến gần cuối hiệp đội banh chúng tôi mới gỡ huề. Nhờ cầu thủ hậu vệ chính đã dẫn banh phía cánh trái, rồi bất ngờ câu banh vào giữa để được đội đầu vô gôn. Trong lúc nghỉ giải lao, thầy đã “tiếp nước” bơm cao tinh thần cho đội nhà. Loáng thoáng chúng tôi nghe thầy khen ngợi những câu làm “nức lòng chiến sĩ” đại khái như: “Đội đầu banh hết xảy không thua gì cầu thủ thứ thiệt” hoặc “Học đã giỏi, mà đá banh còn giỏi hơn”. Thành ra vào hiệp nhì, cả đám như được “doping” hăng máu chạy bạt mạng và cuối cùng nhờ cú “ngã bàn đèn” thọc thủng lưới thắng 2-1. Cả tuần sau vẫn còn thấy mặt mũi thầy tươi rói, mà chỉ có dân đá banh chúng tôi mới hiểu tại sao.
Còn nhớ vào bữa thứ hai 17 tháng 2 năm 1975 về Biên Hòa tìm gặp được thầy ở Sở Học Chánh bên cạnh trường Nguyễn Du. Thầy gặp đúng “đài” không thèm hỏi chuyện học hành, mà chỉ bàn đến chuyện đá banh về giải túc cầu thế giới mùa hè 1974 tại Munich, mà trong trận chung kết đội tuyển Tây Đức với hàng phòng thủ quá giỏi dưới tài điều khiển của vua đá banh Beckenbauer đã hạ đội tuyển Hòa Lan tỷ số 2-1. So lại giống y chang như hồi đó đội banh Ngô Quyền đã đá bại Khiết Tâm. Với tánh tình phóng khoáng xuề xòa như vậy, nên dân đệ nhất B “chịu” thầy lắm.
Thầy Thể, Trí, Dũng, Lực, Quang, Việt, X, X, Nguyên, Côm,
Thọ - Khóa 8 NQ nhân dịp Tất Niên 1970
Còn Thầy Đoàn Viết Biên hướng dẫn và dạy chúng tôi môn Việt Văn tới 3 niên học. Năm đầu ở đệ ngũ, lúc cả lớp vào tuổi “dậy thì”, nên nổi chứng “cà giựt” hay chọc phá “ngầm” giáo sư. Thầy mới chuyển về Ngô Quyền, tánh còn cứng rắn lắm, nên đời nào chấp nhận được đám học trò nhỏ muốn... nổi loạn. Hầu như mỗi giờ dạy đều có màn khảo bài rất ư kỹ lưỡng và kết quả là hàng loạt “trứng vịt” được ghi vào đầy sổ điểm. Cuối năm, thầy có sáng kiến độc đáo rất... “vi hiến” là bắt cộng thêm điểm trung bình hàng tháng vào chung với điểm thi lục cá nguyệt. Kết quả dĩ nhiên là... rất bi thảm, vì xấp xỉ một phần ba lớp Đệ Ngũ 3 phải bị... “ngủ” lại hoặc được... “tốt nghiệp”. Thầy tiếp tục dạy môn Việt Văn năm đệ tứ. Lớp học lúc bấy giờ vắng hoe và dĩ nhiên “hiền như ma soeur”. Qua năm đệ nhị, phần lớn ở lứa tuổi mơ tìm... lý tưởng, vì vậy biết đam mê hình ảnh Kẻ Sĩ, Chí Làm Trai và thầy khéo léo truyền “tâm ấn” dốc lòng giảng dạy về nhân sinh quan Nguyễn Công Trứ với quan niệm “Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”
Hơn ba thập niên đã trôi qua, chúng tôi thầm cám ơn thầy đã chỉ dạy tận tình năm đệ nhị và vẫn còn nhớ mãi hình ảnh thầy ngâm sang sảng những vần thơ hào khí ngất trời trong Chính Khí Ca của Văn Thiên Tường, một trung thần thời Tống mạt từng nổi tiếng đã thà chết chớ không chịu hàng giặc Mông Cổ.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Về phần Cô Đinh Thị Hòa đã hướng dẫn và dạy môn Pháp Văn cùng Việt Văn năm đệ thất và đệ lục. Tánh tình cô hiền hoà, y phục giản dị, ăn nói nhỏ nhẹ và tận tụy với thiên chức sư phạm. Dịp tết Ất Mảo năm 1975 về thăm lại trường cũ, chúng tôi gặp cô đang có giờ dạy. Đứng ngoài hành lang dãy sau, qua song cửa thấy cô vẫn dáng điệu hiền hòa như thuở còn dạy Đệ Thất 1 (1963-1964), mà chợt muốn được vào lớp để ngồi xuống một lần nữa làm học trò của cô như năm xưa. Cô còn nhớ rõ cả ba chị em chúng tôi (khóa 4, 5 và 8) từng đã được cô dạy dỗ. Cô xúc động nhiều khi hay tin Nghiệp, một người học trò cũ, trở thành thương phế binh và đang điều trị tại bệnh viện Biên Hòa. Bữa sau, Nghiệp có cho biết cô Hòa đã tất tả đến thăm liền. Tánh tình cô như vậy đó, luôn dành tình cảm lo lắng cho học trò, nên chắc khó có ai muốn quên đi những hình ảnh kỷ niệm đẹp về cô. Cũng trong dịp về thăm trường cũ, chúng tôi may mắn gặp được thêm hai thầy cô mà hồi đi học rất quý mến. Trước hết là Thầy Lê Văn Túy dạy môn toán năm đệ nhất rất giỏi và đã góp phần giúp nhiều học trò cũ được lọt vào “tung hoành” trong Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Sau đó là Cô Phan Thị Tốt dạy môn Anh Văn năm đệ nhị hết sức tận tụy, có lẽ cô có tài “bấm độn” biết trước đám học trò sau này tha hương qua Cali cần vốn liếng sinh ngữ để... trả nợ áo cơm.
Nói chung năm xưa, phần đông thầy ra thầy và trò ra trò. Tình nghĩa thầy trò quý mến nhau bất vụ lợi, mà thời đại bây giờ chắc khó tìm thấy được.
Thầy Lê Văn Túy và Phúc, 1970
Vị thế và thành tích đặc biệt của trường Ngô Quyền
Vào đại học hoặc lang thang phương trời nào đó, nếu biết là dân Biên Hòa thì thường “bị”thiên hạ hỏi ngay là có phải học ở Ngô Quyền hay không. Trường Ngô Quyền nổi danh như vậy đó. Thực ra rất đúng với thực tế, vì thầy Bảo cùng với các thầy cô khác đã thành công xây dựng được một trường trung học có tầm vóc không thua kém gì các trường nổi tiếng khác.
Có thể nói, bắt đầu từ khóa 4 (1959-1966) học sinh Ngô Quyền càng ngày càng thi cử giỏi và đậu với tỷ lệ rất cao. Bằng chứng điển hình là 2 lớp đệ nhất B khóa 8 Ngô Quyền kiểm điểm lại thấy đậu kỳ thi tú tài năm 1970 gần hết. Chắc chắn tỷ lệ phải trên 90%, bởi vì toàn bộ phái “yếu” gồm 5 nữ sinh (Lộc, Sáu, Lan, Hạnh và Vân) còn đủ sức đậu 100 %, thì nam sinh phái “mạnh” chắc không “thua” đâu. Vả lại chưa thấy ai than thở “Ta hỏng tú tài, ta vuột tình yêu” cả. Học sinh Ngô Quyền ưu tú bắt đầu được Bộ Giáo Dục “chiếu cố” tuyển chọn cho lãnh học bổng đi du học. Vào năm 1971, toàn quốc có khoảng 20 học bổng du học quốc gia dành cho học sinh đậu tú tài hạng ưu, thì trường Ngô Quyền đạt kỷ lục vì lần đầu tiên có tới hai CHS được tuyển chọn (tỷ lệ 10%!). Trong đó có CHS Diệp Thanh Sơn đậu ưu hạng tú tài ban A đi du học tại Nhựt về ngành quản trị, sau năm 1975 lại qua Pháp học tốt nghiệp bác sĩ tại Strasbourg mà chúng tôi có dịp tái ngộ tại đây.
Về chuyện thi tuyển thẳng vào đại học chuyên nghiệp thì học sinh trường tỉnh chịu nhiều thiệt thòi lắm. Nhất là nếu có môn thi về sinh ngữ được coi rất quan trọng như bên Y Dược (Nhìn lại sẽ thấy rất sai lầm vì học y dược tại ngoại quốc đâu bị đòi hỏi phải giỏi sinh ngữ như cỡ... thông dịch viên, mà điều quan trọng nhất là phải có khả năng và giỏi về lãnh vực chuyên môn). Học sinh trường tỉnh đâu có cơ hội học thêm sinh ngữ nhiều như ở Sài Gòn. Điển hình thi tuyển Đại Học Dược năm 1970, thí sinh phải dịch ra tiếng Pháp đại khái như sau: “Đức Khổng Phu Tử dạy rằng trong ba người đồng hành ắt có một người đáng là bậc thầy của ta”. Chúng tôi còn “nhớ” nhân vật Khổng Phu Tử trong chuyện Đông Châu Liệt Quốc, mà ký ức cố cho rà soát lại toàn bộ bí kíp “Cua Xào Lăn” (Cours de Langue) của Thầy Sái, Cô Hòa, Thầy Thạc, Cô Mỹ, Cô Thưởng và Thầy Quyến thì đâu thấy có một chữ nào đề cập tới thời... Đông Châu Liệt Quốc. Đành cắn bút chịu thua mà lòng thầm trách... oan các thầy cô dạy môn Pháp Văn hồi đó không chịu khó “dạy” thêm chuyện...Tàu. Trong khi đó học sinh Sài Gòn (dân trường Tây thì khỏi nói) dịch câu đó dễ như ăn cơm... sườn, vì có học thêm ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp. May mà còn gỡ lại môn lý hóa do thầy Lê Quý Thể cẩn thận “bí truyền” nên khỏi mang hận... thi rớt. Mười sáu năm sau tại Paris gặp lại thầy cũ dạy môn Pháp Văn bên Dược là Giáo Sư Thái Tường và sau đó có lần vui miệng dám “khiếu nại” về chuyện thua thiệt cho học sinh trường tỉnh. Thầy cho biết thi tuyển theo lối Tây thì phải làm như vậy. Rõ ràng “vô tình” thiên vị cho dân trường Tây và dĩ nhiên tỷ lệ đậu rất thấp cho học sinh trường tỉnh.
Trái lại thi tuyển vào các trường kỹ sư trong Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ rất công bằng cho mọi thí sinh, vì phần lớn đề thi nằm trong chương trình đã được giảng dạy hồi năm đệ nhất. Ai giỏi dở biết liền. Nhưng bù lại rất “hóc búa”, bởi mỗi trường chỉ tuyển xấp xỉ 30 sinh viên nhập học, mà có cả chục ngàn thí sinh nạp đơn (tỷ lệ dưới 1%). Có lẻ vì vậy đến mãi năm 1968 mới có hai học sinh Ngô Quyền trúng tuyển. Đó là anh Lưu Văn Tánh và anh Trần Hữu Hoàng. Họ đã “khai sơn phá thạch” mở đường cho đàn em sau này, bởi lẽ trong đáy lòng dân học ban toán nào cũng có ước mơ “nhỏ bé” đó. Quả vậy, năm sau có thêm CHS Phạm Văn Xuân đậu vào Khóa 12 Kỹ Sư Công Chánh (KSCC). Rồi đến năm 1970 xảy ra một thành tích kỷ lục hi hữu là lần đầu tiên ba học sinh cùng trong một lớp (Đệ Nhất B1 Ngô Quyền) đã đồng loạt thi đậu vào Khóa 13 KSCC (gồm các CHS Lê Quang Trung, Lê Tấn Thành và Trần Hữu Phúc). Tính ra chiếm tỷ lệ khoảng 10% của khóa học. Chưa có một lớp đệ nhất nào, kể cả Chu Văn An hoặc Petrus Ký, đạt được thành tích vẻ vang như vậy. Đặc biệt vào năm kế tiếp, CHS Nguyễn Kim Loan (khóa 9 NQ) là nữ sinh duy nhất trúng tuyển vào Khóa 14 KSCC. Không một nữ sinh nào của Trưng Vương hoặc Gia Long đã được vinh dự đó. Đầu niên học 1971 có khoảng 15 CHS-NQ “dập dìu” đụng mặt nhau trong khuôn viên đại học Phú Thọ, mà nếu làm tỷ lệ thống kê thì chắc chắn trường Ngô Quyền lúc đó phải dẫn đầu trên toàn quốc về kỷ lục này. Có lẽ đó cũng là lý do mặc dù là trường tỉnh, nhưng Ngô Quyền vẫn được “nể nang” nhiều và nổi tiếng.
Cuộc họp mặt của CHS-NQ khóa 8 vào năm 1975
Hòa, Nhung, Hoàn, Lộc, Hạnh, Sáu, Dân, Nguyên, Lan - Khóa 8 NQ. Dịp Picnic sau cuộc họp mặt đầu tiên 1975
Khóa 8 NQ (1963-1970) đã đi tiên phong đầu tiên tổ chức họp mặt CHS vào ngày 9 tháng 2 năm 1975 (nhằm 29 tết Ất Mão). Trước đó có vài ngày CHS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cùng bạn bè đưa ra đề nghị và tất cả đồng ý cùng đi thông báo. Mà không ngờ bạn bè nghe tin được kéo về tham dự đông quá sức dự trù, với con số khoảng 30 CHS khóa 8. Kiểm điểm lại “quân số” còn nhớ thấy bên ban A có Thúy Phượng, Ngọc Nhung, Bạch Tuyết, Ngọc Dung, Tâm... và bên ban B có Mỹ Lộc, Kim Hạnh, Liêm, Thông, Hải, Thọ, Nguyên, Tài, Mảo, Nhanh, Hòa, Thừa, Lực, Côn, Thành, Bình, Trung (Lê), Trung (Võ) ... Hai CHS Trần Văn Thông và Mỹ Lộc đảm nhận làm MC điều khiển chương trình rất nhà nghề và tạo bầu không khí vui nhộn suốt gần 3 tiếng lưu lại nhiều kỷ niệm với nhau. Như còn tiếc nuối và có lẽ muốn “thừa thắng xông lên”, một nhóm bạn bè tổ chức thêm picnic cuối tuần vào mùng 5 tết tại xứ lò gạch Tân Vạn bên giòng sông Đồng Nai. Tham dự có CHS của cả 4 lớp đệ nhất, như Đệ Nhất A1 có Kim Nguyên, Đệ Nhất A2 có Ngọc Nhung, Đệ Nhất B1 có Ngọc Vân và Đệ Nhất B2 có Mỹ Lộc, Ngọc Lan, Kim Hạnh, Sáu, Hoàn, Hòa... Lúc đó cả bọn dù quá tuổi.. đôi mười một, vẫn còn đùa giỡn như lúc đi học bên nhau. Có dịp xả “bầu tâm sự” kể những kỷ niệm vui “quỷ quái”. Chẳng hạn, lúc chơi bóng chuyền dám “giỡn mặt” đánh banh trúng thầy Thể, lúc giỡn chơi sửa văn nhái giọng “chọc” Thầy Hưng (dạy Việt Văn), lúc “chạm mặt” lần đầu cùng đi lãnh phần thưởng và còn... nhiều chuyện “động trời” khác. Rồi không quên viết vội cho nhau lưu niệm với nét chữ học trò: “... thấy chúng ta đã và đang sống vô tư”. Mà vô tư thực sự vì ít ai dám ngờ rằng chỉ vài tháng nữa cuộc đời tất cả sẽ có khúc quanh đảo lộn khiến cho cả thập niên xa cách mới có dịp tái ngộ nhắc cho nhau nghe lại những vần thơ cũ:
Chân bước đi lòng còn ở lại
Muốn thì thầm hai chữ : đừng quên
(thơ Phan Ngọc)
Nhắc nhở đừng quên để còn viết và còn nhớ về trường cũ Ngô Quyền, mặc dù bây giờ “trường xưa cảnh cũ còn đâu nữa”. Mà thực sự đâu cần, bởi lẽ vẫn còn sự hiện hữu mãi mãi của kỷ niệm, tình cảm và hai chữ Ngô Quyền. Dù có muốn, cũng khó ai có thể xóa bỏ ra khỏi ký ức:
Ngô Quyền ngày xưa còn trong trí
Thầy cũ bạn xưa vẫn trong tôi
(thơ Nguyễn Thị Hiền/ĐSNQ 2003)
Thoáng đó mà gần ba thập niên đã trôi qua. Và trong đời sống xa cách này, còn gì dễ thương hơn khi nhắc lại những kỷ niệm có với nhau. Đã qua rồi đó, nhưng thực sự vẫn chưa bao giờ biến mất trong ký ức của chúng ta.
Người Xứ Bưởi
(Tạp ghi Vọng Cố Hương)
Source: http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-104_4-510_15-2/
No comments:
Post a Comment