I. Lúc mới về dạy trường Ngô Quyền.
Kể từ ngày nhận Sự Vụ Lệnh vào tháng 1 năm 1959 của Nha Trung Học bổ nhiệm tôi về dạy học tại Trung Học Ngô Quyền đến nay, tính ra cũng hơn 40 năm, dù tôi chỉ dạy tại đây tròn 4 năm. Tuy với thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng biết bao kỷ niệm vui buồn vẫn còn ít nhiều sống động trong lòng tôi, về các đồng nghiệp mà phần lớn nay đã ra người thiên cổ, về các em học sinh thân yêu mà tuổi đời không kém thầy dạy bao nhiêu, nay đã thành nhân, có con có cháu đầy đàn mà sống lưu lạc khắp mọi nơi trên thế giới hay vẫn còn tại quê nhà. Giờ đây tại quê người, với tuổi đời xế bóng, xin được ghi lại đôi dòng kỷ niệm về tình người, về xứ sở năm xưa nơi xứ Bưởi, mãi mãi khó quên. Nhưng rồi, tất cả sẽ trôi vào quá khứ, ngàn vạn năm khó tìm lại được. Những điều ghi lại sau đây, nhớ tới đâu ghi tới đó, không theo thứ tự rõ ràng cho lắm vì lâu quá rồi, cộng thêm tuổi già lú lẫn, thế nào cũng thiếu sót ít nhiều.
Tôi không còn nhớ một ngày nào đó, cuối tháng Giêng năm 1959, từ trên xe đò Liên Hiệp đậu trước cổng của Trường Nam tỉnh lỵ (Nguyễn Du), tôi được hướng dẫn đến văn phòng ông Trưởng Ty Tiểu Học lúc bấy giờ là ông Phan Văn Nga, kiêm chức vụ Hiệu Trưởng Trường Trung Học Ngô Quyền, để trình sự vụ lệnh.
Lần đầu tiên được diện kiến ông, tôi hơi hồi hộp vì thái độ hơi nghiêm nghị của một nhà giáo chỉ huy một cơ sở khá lớn, đối với một kẻ mới vào nghề còn non trẻ như tôi, vì chênh lệch về tuổi tác nên tôi cũng hơi run. Nhưng sau đó vài phút, lòng tôi bình tĩnh lại ngay, nhờ giọng nói ôn hòa và gương mặt hiền lành của vị đàn anh của mình.
Từ lúc trình diện sơ khởi đó cho mãi vài năm sau, khi phải rời trường Ngô Quyền đi nhập ngũ theo lịnh Tổng Động Viên năm 1963, tôi chưa có hân hạnh gặp lại thầy Phan Văn Nga nữa. Trong thực tế, chính thầy Hồ Văn Tam, Thanh Tra Tiểu Học, mới là vị trực tiếp điều hành trường Ngô Quyền, lúc đó chỉ mới tới lớp Đệ Ngũ (thành lập từ năm 1956).
Tôi được hướng dẫn đến trường Ngô Quyền, nguyên là các lớp Nữ Công Gia Chánh, tọa lạc kế văn phòng Xã Bình Trước, đối diện với bệnh viện Phạm Hữu Chí và cách công trường Sông Phố trên trăm thước, nơi đó có trường Mỹ Thuật, một niềm hãnh diện của Xứ Bưởi năm xưa với các tác phẩm nghệ thuật về đồ gốm kiệt tác nổi tiếng khắp nơi trong nước. Hiệu Trưởng trường Mỹ thuật là ông Mã Phiếu, nay vẫn còn mạnh khỏe và vui sống với con cháu tại Hoa Kỳ, lúc tuổi đời trên 80. Tôi không được hân hạnh quen thân với ông, chỉ còn nhớ có lần hướng dẫn học sinh Ngô Quyền viếng trường Mỹ Thuật, được ông tiếp đón niềm nở. Ông là thân phụ của em Mã Thị Ngọc Huệ, môt thành viên tích cực của Hôi Ái Hữu Cưụ Học Sinh Ngô Quyền tại Hoa Kỳ.
Người tôi gặp trước tiên tại trường Ngô Quyền là thầy Bùi Quang Huệ đang dạy tại đó. Thầy Huệ đã vui vẻ hướng dẫn tôi đi giới thiệu với các giáo sư khác như thầy Phạm Văn Tiếng, thầy Đinh Văn Sái, ba vị thầy khả kính, mà theo tôi biết là ba vị giáo sư nòng cốt đầu tiên của trường Ngô Quyền, rất có công với trường từ buổi sơ khai mới thành lập.
Mãi cho đến ngày nay, tôi vẫn không dám xem quý thầy nầy là bạn đồng nghiệp ngang hàng mà vẫn nể các vị như là bậc đàn anh khả kính trong nghề gõ đầu trẻ. Giờ đây dù các thầy Tiếng, thầy Huệ, thầy Sái đã quá vãng, nhưng lòng tôi vẫn nhớ thương, và nhớ ơn quý thầy đã hướng dẫn người đàn em trẻ tuổi nầy hòa nhập vào gia đình Ngô Quyền vào cuối thập niên 50.
Riêng với thầy Sái, sau đó rất thân với tôi, tôi mới dám gọi bằng anh. Dù nay anh đã ra người thiên cổ, mãi mãi tôi vẫn nhớ tới tấm thạnh tình của anh đối với vợ chồng tôi, từ lúc mới quen trong thời gian cùng dạy chung trường và mãi đến sau khi tôi rời trường, khi tôi có dịp về thăm nhà ở Cù Lao Phố, là hai anh em gặp thăm nhau, cho chí mãi đến lúc anh tiễn chân tôi lần chót, trước khi gia đình tôi rời quê hương, năm 1989. Qua Mỹ được ít lâu, tôi bàng hoàng hay tin anh qua đời. Mãi mãi nhớ thương anh, người con rất có hiếu của Tân Uyên muôn thuở.
Ngay hôm sau khi được phân công dạy toán lý hoá ở hai lớp Đệ Ngũ, lần lượt tôi quen các anh Phan Thanh Hoài, Hoàng Phùng Võ, Thân Trọng Hưng và Dương Hòa Huân. Lúc đầu quen sơ, lần hồi thân dần như anh em ruột, vì chỉ trừ anh Huân và anh Hoài đã lập gia đình, các anh hơn tôi ít tuổi, kỳ dư chúng tôi còn độc thân.
Mấy chục năm qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ giọng nói, gương mặt, cử chỉ từng anh, vì chúng tôi cùng ở chung nhà trọ gần ngã tư Biên Hùng, cùng ăn chung một mâm ở tiệm cơm Thịnh Vượng gần đường lên Ngã Ba Thành, cùng uống cà phê sáng tại quán Bà Tư, kế bên trường Ngô Quyền và gần bồn nước thành phố.
Anh Hoài dáng cao lỏng khỏng, tánh tình rất hiền lành và đôn hậu, và đặc biệt là không bao giờ mặc áo sơ mi ngắn tay cả. Lúc nào anh Hoài cũng có dáng dấp nhà mô phạm, mãi cho đến lúc gặp nhau tại Sài Gòn hay tại Mỹ, lúc vận nước nổi trôi, anh vẫn còn nụ cười hiền lành như thuở xưa.
Anh Võ tuy gốc người Bắc, nhưng anh không giống người Bắc chút nào, vì người Bắc vốn giữ lời nói kỹ lưỡng khi giao dịch. Trái lại, anh Võ tánh rất bộc trực, dám ăn dám nói như dân miền Nam, đôi khi anh làm bí lối không ít các thuyết trình viên lớp học chánh trị tại trường Nguyễn Du, với các câu hỏi thẳng thắn và hóc búa. Khi vào lớp, anh không bao giờ cầm sách hay bày soạn sẵn, mà anh cứ thao thao thuyết giảng, hùng hồn và hấp dẫn các bài công dân hay văn chương từ truyện Kiều, Cung Oán đến Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh.
Còn anh Thân Trọng Hưng, xuất thân từ trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, người vóc dáng mảnh mai, ăn nói nhỏ nhẹ. Buồn cười, khi về nghỉ nơi nhà trọ, lúc trời nóng nực, anh em ít khi thấy anh cởi trần, chắc anh sợ anh em đếm đủ bộ xương sườn cách trí của anh, phải không anh Hưng? Anh Huân, bụng bự, tánh tình hề hà rất vui vẻ. Giờ đây, sau hơn 40 năm, tôi nhắc lại vài chi tiết về các bạn trong tình thương nhớ vô hạn.
Bao giờ anh em mình được sống lại như ngày xưa? Bao giờ lại được đi xe đò Liên Hiệp nữa? Bao giờ đến quán Tân Hiệp ăn đầu cá bánh canh, ăn hủ tiếu khô ở quán Tuyết Sơn, uống cà-phê sữa ở quán Bà Tư (gần trường Ngô Quyền cũ), ăn hủ tiếu Nam Vang ở Cây Trứng Cá (gần Biên Hùng). Thôi hết rồi, tất cả đã trôi vào dĩ vãng đầy mến thương của đất Biên Hòa năm xưa! Như Đức Phật đã dạy: Vạn vật vô thường, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Đúng quá!
II. Trường dời về địa điểm mới (lần thứ hai)
Vào đầu niên khóa 1961-62, trường dời về địa điểm mới gần Đài Kỷ Niệm chỉ với một dãy lầu ngó ra Quốc Lộ, khoảng trên dưới 10 phòng lớp và một sân trống đầy cỏ mọc, chưa có hàng rào phía trước và có chỗ để xe đạp cho học sinh. Lần hồi, trường được tiếp tục phát triển cho đến ngày nay, về cơ sở vật chất, cho đến trình độ của chương trình giáo khoa. Từ lúc đầu là trường Trung Học Đệ Nhất Cấp tới lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ, sau biến dần thành trường Đệ Nhị Cấp (theo lối gọi trước 1975) với các lớp 10, 11 và 12.
Ngoài ngoại ngữ Anh Văn và Pháp Văn có từ đầu, sau lại mở thêm Pháp Văn từ lớp 10 trở lên. Từ nay, tôi được chỉ định dạy Pháp Văn cùng với vài vị giáo sư khác, cho đến ngày tôi rời trường đi nhập ngũ. Ông Huỳnh Quốc Tuấn được đổi về làm Hiệu Trưởng và anh Phan Thanh Hoài làm Giám Học. Ông Tuấn chỉ làm Hiệu Trưởng vài năm thì bị gọi tái ngũ vào quân đội giao chức Hiệu Trưởng lại cho giáo sư Phạm Đức Bảo đã về Ngô Quyền vài năm trước.
Xin được nhắc vài hàng về anh Bảo. Mới trông anh, ai cũng hơi ngán anh với tướng tá vạm vỡ, giọng nói rổn rảng như con nhà tướng. Sự thật không phải vậy. Sau này, có chơi thân với anh, anh em giáo sư và nhân viên trong trường mới thấy nơi anh một con người rất trực tính, xử sự rất khéo với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh, và rất ghét ai nịnh bợ anh. Anh thường nói: “Tớ ghét mấy thằng nịnh hót tớ lắm!”.
Sau này, mới biết anh có trí nhớ rất phi thường. Lúc tuổi đời trên 80, anh nhớ và nhắc lại tính tình của từng nhân viên, từng sự việc trong trường, với giọng khôi hài ít ai bắt chước được. Sau năm 75, anh lại phải đi “học tập cải tạo” vì anh là “ngụy cớm” với chức vụ Trưởng Ty Văn Hóa và Thanh Niên trước đó ít năm. Hiện nay, đang vui thú điền viên với con cháu ở quê nhà, sau mười mấy năm lưu lạc ở Đức Quốc.
Phần tôi khi dạy Pháp Văn với quyển “Cours de Langue et du Civilisation Françaises” của Mauger, nên được các em học sinh thân ái gọi tôi là “Monsieur Vincent”, là nhân vật chính trong sách đó. Không biết giờ đây các em đã lớn khôn, tản mác khắp bốn phương trời, còn nhớ “M. Vincent” nữa hay không? Sau nầy, tình cờ gặp lại một nam học sinh cũ, khi tôi vừa ra khỏi trại cải tạo, bị thất nghiệp nên không được đi dạy lại, nên cuộc đời cay đắng phong cho hai chữ giáo viên “mất dạy” và “bất lương”, nay nghĩ lại cũng nực cười, em ấy ôm tôi và nói: “Thuở xưa, thầy khá nghiêm khắc với các em trong lớp học, nên thầy không được mấy em ưa mến lắm.
Giờ đây, mấy em được nên người , cũng nhờ thầy khó với mấy em.” Tôi chảy nước mắt và đứng lặng im, không trả lời được. Cuộc đời cũng ngộ há? Riêng với “M.Vincent”, nay đầu đã bạc với hai ba thứ tóc, sau bao nhiêu vật đổi sao dời mà chưa được dịp về thăm quê hương Cần Thơ và Biên Hòa, sau hơn 15 năm xa cách, vẫn nhớ thương các em học sinh cũ của mình, với biết bao kỷ niệm vui có, buồn có, nhưng nay đã trở thành những hột ngọc lóng lánh, ngàn năm khó tan. C’est ainsi la vie!
Cuộc đời nó như vậy, lặng lẽ trôi qua, vô thủy vô chung. Mới năm vừa qua, nhân lúc tang lễ nhạc mẫu tôi tại Cù Lao Phố, mà gia đình tôi không về thọ tang và trả hiếu được. Một số rất đông các em cựu học sinh Ngô Quyền đã đồng tâm qui tụ về phụ giúp tang gia rất nhiệt tình, lúc gia đình tôi bối rối và đơn chiếc. Mãi mãi, tôi và vợ con tôi không bao giờ quên nghĩa cử “tôn sư trọng đạo” nầy.
Lúc xưa khi học sách Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu, có kể chuyện ông thượng tướng người Pháp, tên Carnot, trên đường về thăm làng xưa, vẫn không quên ghé thăm trường cũ, quỳ xuống ôm chân thầy già vô cùng thắm thiết. Giờ đây mới biết giữa một xã hội đầy lật lọng và gian trá, các giá trị tan mất dần trong lòng người nơi quê nhà, mà vẫn còn khá nhiều vị “Carnot thời đại” đầy tình nghĩa, sắt son với thầy xưa bạn cũ. Còn gì cao quí hơn!
Trước khi dứt lời, tôi xin được kể cho quí bạn đồng nghiệp cũ và các em học sinh thân yêu của tôi về cái duyên gắn bó đời tôi với đất Bưởi Đồng Nai. Khi ra trường xin đi dạy, có hai chỗ, một ở miền Tây trù phú “ruộng vườn cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” và một ở miền Đông, kém phì nhiêu và khô cằn hơn, xen lẫn với các vườn bưởi Thanh Trà, Năm Roi bất hủ, và núi rừng trùng điệp. Tôi đắn đo, do dự…, nhưng sau cùng, tôi đành chịu thua, đầu hàng trước nụ cười “nghiêng thùng đổ nước” của một người con gái, mà sau này trở thành người bạn đời hơn 40 năm qua của tôi, tại Cù Lao Phố, có con sông Đồng Nai quanh co uốn khúc, có chùa Đại Giác, cầu Thủ Huồng, Chùa Ông do người Tàu Minh Hương lập ra. Để rồi về sau, khi vào dạy tại Ngô Quyền, giữa một rừng “hoa khôi”, kẻ hèn này đành nín thở, lấy tay che mắt nhìn chỗ khác. Nay, ở tuổi đời xế bóng, đầu đã bạc, với hai hàm răng giả đủ nhai cơm cá, tôi xin “thành thật khai báo trước bình minh” để vừa chọc các bạn và các em cười cho vui, vừa nhắc các em về lẽ vô thường của trời đất, về sự tạm bợ sớm nở tối tàn của cái danh, cái lợi, cái thịnh, cái suy, cái vinh, cái nhục, mà cố gắng giữ tâm thanh tịnh, ráng sống an nhiên tự tại trước mọi phiền não, đổi thay của cuộc đời, có buồn, có vui.
Xin thân ái mến chúc tất cả anh chị em đồng nghiệp cũ và các em học sinh của “Monsieur Vincent” thân tâm luôn an lạc.
Vài lời nhắn thêm:
Mỗi năm thầy cô và học sinh của Ngô Quyền xưa họp nhau lại, nhắc nhở kỷ niệm xưa cũ với tất cả lòng thương nhớ, ăn uống vui vẻ, xong rồi ai về nhà nấy. Vậy chưa đủ nghĩa. Tôi hy vọng các em trong HAHCHSNQ tại hải ngoại hay tại quê nhà, nên tiếp tục công việc đã thực hiện trước đây, tức là kêu gọi gây “Quỹ Tương Trợ”, để chia sẻ và trợ giúp quý thầy cô bất hạnh, kém may mắn và tặng học bổng cho các em học sinh thiếu thốn và hiếu học tại quê nhà. Để làm gương cho các em, tôi xin trích tiền hưu trí của tôi: 300US gởi vào Quỹ Tương Trợ, 100US phụ in ấn tập Kỷ Yếu 2004 và 100US kính gởi cô G.S Luông. Với tâm thương người, tùy khả năng của chúng ta mà giúp đỡ kẻ khác. Xin hãy quên đi những tiếng thị phi, và đừng thờ ơ trước cảnh thiếu thốn của những người khác. Mong lắm vậy!
Thầy giáo già của xứ Đồng Nai
Phan Thông Hảo
(Giáo Sư Trung Học Ngô Quyền 1959-63)
(Trích Kỷ Yếu NQ 2004)
http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-189_4-533_15-2/
No comments:
Post a Comment