Đoàn Dự ghi chép
Thưa quý bạn, tôi nhớ hồi còn ít tuổi có đọc trong cuốn Án tử Xuân Thu truyện “Ông già Ngu công” như thế này:
Án tử tức Án Anh, tên tự là Án Bình Trọng, là tể tướng nước Tề dưới đời vua Tề Cảnh công. Một hôm, Án tử và Cảnh công ăn mặc giả làm người thường, đi kinh lý “thăm dân cho biết sự tình”. Tới một vùng quê hẻo lánh kia, Cảnh công và Án tử gặp một ông già nghèo nàn, ăn
mặc rách rưới phải đi ăn xin ở chợ. Cảnh công là vua, từ trước tới nay tưởng rằng ai cũng sung sướng như mình, nay thấy người ăn mặc rách rưới, nghèo nàn thì ngạc nhiên lắm, bèn hỏi: “Ông già quý tính phương danh là gì, sao lại nghèo đến nỗi phải đi ăn xin?”. Ông già trả lời: “Lão chẳng có quý tính phương danh gì hết, từ sau câu chuyện xảy ra, dân chúng vùng này thường gọi lão là Ngu công tức ông già ngu ngốc”. (Chú thích: chữ “Ngu” có thể là họ Ngu nhưng cũng có thể là ngu ngốc nên ông già phải giải thích rõ– ĐD). Cảnh công lại càng ngạc nhiên: “Câu chuyện xảy ra thế nào? Ông lão đã làm việc gì đến nỗi mọi người cho là ông ngu?”. Ông lão nói: “Lão sống một mình, trước đây có nuôi một con bò và một con ngựa để thay đổi nhau chở hàng thuê cho người ta nên cũng sống được. Lúc nào không chở hàng thì lão dắt hai con vật ra chăn ngoài đồng, chăm sóc cho chúng. Một hôm, lão đang chăn thì có hai gã thanh niên lực lưỡng ở làng bên cạnh đi đến, nó bảo: “Này, lão già, con bò nhà lão là con bò, nó không thể đẻ ra con ngựa được. Vậy con ngựa của lão là thứ đồ ăn cắp, ta phải “tịch thu” mới được”. Nói xong, nó bắt của lão con ngựa. Đến thằng thứ hai, nó bảo: “Này, lão già, lão có con bò và con ngựa, bây giờ con ngựa không còn nữa, con bò sẽ buồn. Vậy ta phải “tịch thu” nốt con bò cho nó đỡ buồn”. Nói xong, nó bắt của lão con bò. Hai thằng đó cao lớn, lực lưỡng, lão không làm gì được, từ đấy dân chúng gọi lão là lão già ngu”. Cảnh công thương hại cho ông lão ít tiền rồi lúc đi, ngài bảo Án Bình Trọng: “Kể ra ông già đó cũng ngu thật, câu chuyện vô lý đến thế mà cũng im lặng, không biết trả lời ra sao”. Án tử nét mặt rất buồn, đáp: “Tâu chúa công, ông già đó không ngu, tại vì hai đứa đó to lớn nên ông không làm gì được. Người ngu chính là hạ thần đây. Thân danh là một tể tướng vậy mà thần để cho những chuyện vô lý như thế xảy ra, trách nhiệm là ở hạ thần ”. Nói xong, khi về tới kinh thành, ngài lập tức ra lệnh lùng bắt hai tên ăn cướp ngang ngược, chém đầu thị chúng rồi sửa đổi chính pháp, làm cho dân chúng an vui.
Thưa quý bạn, ở đất nước Đại cồ Việt của chúng ta hiện nay, thời buổi văn minh tiến bộ, tất nhiên những chuyện vô lý như thế không diễn ra một cách trắng trợn mà trái lại, bọn “ăn cắp” khéo léo che giấu hết sức tinh vi, chúng kiếm tỉ lớn tỉ nhỏ chứ không phải chỉ con bò con ngựa giá vài triệu bạc. Tôi xin lấy ví dụ, như quý bạn đã biết, lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long được tổ chức từ Mồng 1 tháng 10 tới Mồng 10 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội. Trước đó, chuyện gì người ta cũng lấy lý do “kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”, tung ra hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ để chuẩn bị. Làm một con rồng giả ư? Tính giá hơn 10 tỉ đồng, rồi lại còn nhập 2000 viên đá quý để lắp vào mắt rồng nữa, tốn thêm cũng hơn một tỉ. Lễ xong, tất nhiên các viên đá đó biến mất. Quốc hội hỏi tới, chẳng ai trả lời. Một ví dụ khác là về phim ảnh, các ông lớn dự trù kinh phí 60 tỉ để Nghệ Sĩ Nhân Dân Phạm Thị Thành làm bộ phim “Hoàng Lê nhất thống chí” thật hoành tráng cho dân chúng nể phục. Bà Thành tuyên bố với báo chí: “Bộ Hoàng Lê nhất thống chí do tôi đạo diễn nếu không nói là hơn thì ít nhất cũng bằng với phim Tam Quốc chí của Trung Quốc chứ không thể kém”. Đến khi bộ phim làm xong phần đầu, đem ra chiếu thử trên VTV3 Hà Nội và HTV1 Sài Gòn, mới được 2 buổi tối thì dân chúng phản đối mãnh liệt, đòi ngưng chiếu vì phim quá dở, các nhân vật đội mũ giấy, đeo kiếm bằng sắt tây, y phục lố lăng chẳng ra cổ cũng chẳng ra kim, lời thoại ngớ ngẩn, còn thua xa cả tuồng cải lương nữa. Báo chí cũng lên tiếng, cuốn phim phải bỏ dở không làm tiếp các phần sau, nhưng số tiền 60 tỉ cũng “biến”, không biết nó có chui vào túi ban tổ chức hay không. Rồi đến bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng vậy, kinh phí 56 tỉ, cũng dự định làm để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, song làm không kịp. Sau lễ ít lâu, bộ phim hoàn tất, từ đó đến nay cất trong kho, bây giờ đem ra năn nỉ các đài truyền hình “chiếu giùm” hoàn toàn miễn phí, nhưng đài nào cũng từ chối, chẳng đài nào chịu chiếu.
Ở trong nước, làm những bộ phim tốn vài chục tỉ đồng rồi bỏ vào kho vì dở quá không ai thèm coi; hoặc mua những chiếc tàu cũ rích, hư nát của nước ngoài, tính với nhà nước theo giá tàu mới, nhờ người ta sơn phết lại rồi kéo về giùm. Chạy không được, sửa không xong, nếu bán theo giá sắt vụn thì lại sợ bị lộ tẩy nên cứ để đấy, chẳng ai trông nom, dân chúng ai lấy được cái gì thì cứ việc lấy.
Mỗi tỉ là 1000 triệu đồng chứ không phải ít, nhưng tại sao người ta lại làm ăn kỳ cục đến thế? Tiền. Vấn đề là tiền. Có làm như vậy thì mới chia chác nhau được nhiều và so với việc “tịch thu” con bò con ngựa trong truyện Ngu công rõ ràng là họ tinh vi hơn gấp bội.
Phải chi những số tiền kếch xù nói trên đó được dùng vào việc xây bệnh viện, xây trường học thì mọi người đỡ khổ biết mấy, con em đỡ phải học ca trưa, ca chiều. Nhưng nếu làm như vậy đã chẳng nên chuyện.
Tôi đã kể hầu quý bạn về những kẻ có quyền thế, giàu mà tham lam “vơ vét một cách tinh vi”. Bây giờ tôi xin kể về một số trường hợp người nghèo có thể coi là rất tội nghiệp...
1. Cỗ xe “tam khuyển” kỳ lạ và hoàn cảnh của một bà cụ
Ở Tây Ninh có một bà cụ 75 tuổi, vì nghèo nên dùng 3 con chó của mình làm “công cụ” kéo chiếc xe nhỏ để chở đồ thuê kiếm miếng ăn. Sáng kiến kỳ lạ của bà cụ, dân chúng trong vùng thường gọi đùa là chiếc xe “tam khuyển”.
Sáng kiến độc đáo
Ở bến Trung Dân đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, có một cảnh tượng hơi lạ: ba con chó kéo một chiếc xe nhỏ làm bằng loại ống nhựa Bình Minh (thứ ống nước dùng thay cho ống kẽm ngày trước, rẻ và xài rất tiện -ĐD). Hai bên là hai chiếc bánh xe đạp cũ, phía sau là một cây chống, khi ngừng thì nó tỳ xuống đất thay “bánh thứ ba” cho xe được vững. Trên xe chở hai bao lúa hoặc gạo, sức nặng nói chung khoảng 40-50 ký. Đặc biệt, “xe” được kéo bởi ba con chó theo kiểu chó kéo xe trượt tuyết của người Eskimo ở Bắc cực. Ba con chó này rất ngoan ngoãn, vì đã quen thấy người đi lại ngoài đường nên chúng rất hiền, chẳng cắn ai bao giờ cả.
Chiếc xe “chó kéo” đó do bà Cao Thị Mỹ – dân chúng thường gọi là dì Tư Mỹ – nghĩ ra để chở những bao lúa hoặc gạo mà bà đã 75 tuổi không thể khuân vác được.
Bà cho biết: “Sức tui yếu rồi, con cháu có công việc của chúng, không đỡ đần gì được nên tui phải tự lo cho mình vậy thôi. Nuôi mấy con chó làm bạn trong lúc tuổi già, tự nhiên tui nghĩ ra cách nhờ chúng đặng kiếm chút đỉnh tiền bạc mà cũng có cơm để nuôi chúng nữa...”.
Bà kể rằng trong một lần tình cờ coi ké ti-vi bên nhà hàng xóm, bà thấy có cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở trên Bắc cực rất tiện lợi, nên chợt nghĩ ra việc dùng ba con chó của bà để “kéo xe”.
Bà đến cửa hàng bán đồ nhựa mua mấy ống nước rồi xin hai chiếc bánh xe đạp cũ đã bỏ đi của một tiệm sửa xe quen ở đầu đường, đem về chiếc chòi bên bờ sông – bà sống trong chiếc chòi và một chiếc thuyền – nghĩ cách ráp nối để “chế tạo” thành một chiếc xe. Ống nhựa Bình Minh có đặc tính là cưa rất dễ, lúc ráp khúc nọ với khúc kia thì dùng loại keo Bình Minh là được chứ không cần phải khoan hay bắt ốc vít gì cả.
Chừng mười ngày sau thì cỗ xe “tự chế” hoàn thành. Trong chòi bà nuôi một con chó lớn tên Vàng, hai con chó nhỏ tên Bông và Rô, nên bèn cột cả ba con vào xe, tập cho chúng kéo. Lúc đầu, chúng không chịu kéo vì chưa quen, nhưng rồi bà kiên nhẫn tập cho chúng gần một tháng chúng cũng quen dần. Nay, chúng rất thành thạo và dân chúng thường gọi đùa là chiếc xe... tam khuyển!
Sáng chế ra cỗ xe kéo lạ lùng, bà Tư ứng dụng vào cuộc sống. Những chú chó giúp bà kéo chiếc xe khi bà đi mót lúa. Lúc về, bà để lúa vô chiếc càng xé trên xe còn mình thì đi bộ.
Ông Hai Minh, một lão nông ở trong làng, nói: “Lần đầu tiên trông thấy bà Tư và chiếc xe trên đường, tui thấy lạ quá chừng. Ba con chó kéo chiếc xe chở đầy một càng xé lúa mà chúng chạy bon bon, còn bà Tư thì rảo bước bên cạnh. Kể ra mấy con chó cũng khỏe thiệt!”.
Bà Tư nói: “Chó của tui là giống chó ta, hằng ngày tui thường chăm cho chúng tắm dưới sông nên lông trông mướt vậy thôi chớ chúng ăn dễ lắm, cho cái gì ăn cái nấy. Con lớn lông màu vàng thì kêu con Vàng. Con nhỏ nhứt lông màu trắng thì kêu con Bông. Con lông màu nâu hồi nhỏ có lần bắt được con cá rô nên tui kêu con Rô. Tuy chúng nhỏ con hơn chó tây nhưng kéo khỏe lắm. Có lần, lúa, khoai lang, khoai mì, chất lên xe tới 70-80kg mà chúng vẫn chạy băng băng. Tui đạp xe đi theo mà không kịp”, bà Mỹ kể.
Thương lũ chó, bà ít khi chất nặng mà thường chỉ giới hạn cỡ 50kg trở xuống. Cũng nhờ cỗ xe chó kéo độc đáo mà các nông sản mót được của bà Mỹ, dù chẳng quý hóa gì nhưng luôn được người ta xúm lại mua hết. Không chỉ ở Phước Vinh, bà Tư còn đưa cỗ xe chó kéo cùng mình đi làm ăn xa trong cả huyện Châu Thành, rồi lên thị xã Tây Ninh, Tân Biên, tới tận cửa khẩu Xa Mát để chở hàng đem về bán cho dân chúng.
Cuộc đời buồn
Bà tên “Mỹ” nhưng cuộc đời bà không đẹp như tên gọi. Sinh ra trên mảnh đất Tây Ninh với cái nắng, cái nóng thiêu đốt nên làm ăn quanh năm mà đến cuối đời bà vẫn chẳng có gì đáng đồng tiền.
Bà có năm người con gái và một người con trai út, nhưng nhà nghèo nên cả năm cô con gái cũng không có gì là khá giả. Họ lấy chồng, sinh con rồi cặm cụi lo cho cuộc sống gia đình, nên cũng không giúp đỡ gì cho mẹ được ngoài việc chạy qua chạy lại thăm hỏi hoặc cột giùm mấy con chó vô chiếc xe. Không bao giờ bà trách các con vì bà hiểu họ cũng nghèo, lui tới thăm hỏi như vậy cũng là quý rồi.
Trước đây, bà sống với cậu con trai út trong căn nhà lá với khoảnh đất nhỏ, trồng trọt kiếm ăn. Tánh nết người con trai rất hiền, chưa có vợ con gì cả, chỉ lo cho mẹ. Sau, chẳng may cậu qua đời do tai nạn giao thông, nên bà phải bán căn nhà và miếng đất để lo việc ma chay cho con.
Giờ đây, không nhà không cửa, mà qua ở nhờ mấy cô con gái gần đó thì cũng không nên, bà Tư dựng một chiếc chòi trên bờ sông vừa làm chỗ trú mưa nắng vừa tiện trông coi chiếc thuyền nho nhỏ đậu sát căn chòi. Công việc của bà là chở những bao gạo, bao lúa và đồ đạc từ ngoài chợ đem xuống thuyền rồi đưa về các thôn xóm ở Phước Vinh và các vùng phụ cận để bán.
Chồng mất sớm, đứa con trai để bà nương nhờ lúc tuổi già cũng không còn nữa, nên tài sản lớn nhất của bà Tư Mỹ là mấy con chó, bà cưng chúng lắm nhưng hễ không trông coi là bọn dân nhậu lại bắt trộm để làm thịt, nhậu nhẹt với nhau. Hồi trước có lần bà nuôi sáu con, trong đó có con đầu đàn tên con Pháo rất khỏe và khôn. Nó có thể bơi qua sông, bắt được con cá lóc lớn đang ngáp ngáp sắp chết do người ta liệng trái nổ ở phía bên trên trôi xuống, cắn vô miệng rồi bơi về, đem lên chòi bỏ trước mặt bà để bà kho nấu. Ban đêm nó nằm ngay sau chiếc cánh cửa chòi làm bằng tre để canh trộm. Nhưng rồi một lần, nó “đi tơ” với con chó cái ở trong làng, bị bọn dân nhậu đánh rất nặng nhưng vẫn chạy về chòi được, một chân bị gãy, mình mẩy đầy máu. Nó bỏ ăn, ban đêm thì chết. Bà khóc hết nước mắt rồi đào lỗ chôn nó ngay bên bờ sông và thắp nhang cho nó.
Bây giờ bà Tư Mỹ cũng nuôi được sáu con chó nhưng ba con kia còn nhỏ và bà cũng tập cho chúng kéo xe. Bà phải đề phòng như thế kẻo lỡ dân nhậu bắt trộm mất con nào trong số ba con chó lớn thì đã có con thay thế. Mỗi lần dẫn xe đi, bà đem ba con chó nhỏ qua gởi ở nhà mấy cô con gái.
Cuộc đời còn lại của bà Tư Mỹ là cuộc đời buồn nhưng quả cảm.
No comments:
Post a Comment