Monday, May 26, 2014

Câu chuyện vượt biên _Gs Đặng Thị Tuyết Như



Khi đi chùa, vợ chồng tôi có thói quen ngồi cuối cùng nơi chánh điện phía bên trong dù rằng phía trên còn nhiều chỗ trống. Hôm ấy có một đạo hữu cùng chí hướng với tụi tôi, ông ta tươi cười chào hỏi chúng tôi rồi ngồi xuống bên cạnh nhà tôi. Ông tự giới thiệu tên ông là Thọ.


Nhìn ông, tôi ngờ ngợ, chợt nhớ ra ông ta giống hệt cậu trai vừa bưng gíúp tôi nồi xôi vò từ xe vào chùa.
Tôi hỏi ngay : Có phải anh đi với con trai anh không?

- Vâng, sao chị biết? Ông đáp.
Tôi cười nói : vì hai cha con anh giống nhau quá.
Ông Thọ cười lớn : Chính vì thế mà suýt nữa tôi mang họa đấy.
- Sao vậy anh ? Tôi hỏi.
Bỗng có tiếng trên máy vi âm :
- Xin mời quý vị đứng dậy cùng nghinh hòa thượng giáng lâm.

Chúng tôi ngừng nói chuyện, tất cả đứng dậy chắp tay cuối đầu. Hồi chuông niệm hương, buổi lễ bắt đầu. Lễ chấm dứt lúc một giờ trưa, chúng tôi xuống nhà dưới dùng cơm chay, không quên rủ ông Thọ ngồi cùng bàn. Vừa ăn vừa nói chuyện nho nhỏ.

Ông Thọ kể tiếp chuyện. Ông nói : Anh Chị biết không, gia đình tôi đến được Mỹ cũng trầy da tróc vảy. Chẳng khác gì Mạnh Hoạch bị cụ Khổng Minh bắt bảy lần, tôi cũng vượt biên tất cả bảy lần mới thoát. Cái họa vì hai cha con chúng tôi giống nhau xảy ra ở lần vượt biên thứ sáu.

-'' Chà, bảy lần đi trốn chắc ly kỳ lắm ''. Chồng tôi nói.
- Nhiều chuyện lắm, lúc đó sợ thấy mồ nhưng đến bây giờ  lại thì thấy tức cười .

Tôi tò mò, nài nỉ ông Thọ kể thêm chuyện.

Thế là chủ nhật nào, khi dùng cơm chay ở chùa là tuị tôi rủ ông Thọ và vài người nữa ngồi cùng bàn để nghe chuyện. Ông Thọ lần lượt kể bảy lần vượt biên của ông.

Lần thứ nhất : 

Vừa ra khỏi trại học tập cải tạo, ăn Tết xong, tôi có mối đi. Nơi khởi hành là Nha Trang. Em tôi ở thị xã này. Lấy cớ thăm em để rồi trốn đi luôn. Ngay cả vợ chồng nó, tôi cũng dấu, nói dối chúng nó là có việc làm ở Nha Trang, nhân thể ghé thăm, hôm sau đi nhận việc. Để che mắt công an, buổi họp tổ khu phố tối hôm đó, tôi theo bà già vợ nó đi họp. Các buổi họp Tổ thường toàn là ông bà già đại diện gia đình. Đa số ít học, đi cho có mặt, các ông bà ngủ gật là thường. Công an khu phố phải chỉ từng người bắt phát biểu ý kiến.

Bà Năm phải phát biểu. Bà nói :'' Chế độ cũ chó đẻ, chế độ mới chó chết ''. Mọi người cắn răng nín cười.
Công an khu vực cũng kiên nhẫn hỏi : '' Xin Bác giải thích rõ hơn cho Tổ nắm được ý kiến ''. Bà thản nhiên đáp :

''Chế độ cũ chó no chó đẻ, chế độ mới chó đói chó chết ''.

Mọi người cười ngất. Bà Năm phải học tập bảy ngày vì chưa thông đường lối của nhà nước.

Đến lượt bà Lành phải phát biểu, bà hồ hởi nói : chúng tôi rất biết ơn cách mạng vì nhờ ơn cách mạng mà chúng tôi ngày nay chúng tôi không ăn đạn pháo kích của Việt cộng. Vài người ngơ ngác, vài người làm mặt tỉnh. Quả tình bà Lành chẳng biết Việt cộng là ai chứ bà không có ý xỏ xiên, nhưng bà cũng phải học tập bảy ngày vì tội phát biểu ''linh tinh''. Lúc đó Việt Nam đang đụng độ vói Trung quốc, thấy các bà phát biểu không có lợi, anh công an chỉ đại tôi và nói:

- ''Xin Anh cho biết cảm nghĩ trước sự xâm lăng của địch''. Tôi đáp ngay bằng cách nói lại lịch sử đời Trần và kết luận rằng nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên, tất nhiên ngày nay chắc chắn sẽ thắng nữa; rồi để cứu nguy cho chính mình, anh xin hát bài '' Hội nghị Diên hồng'' để tặng cả Tổ. Nhờ giọng ca hùng tráng, tôi được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sở dĩ tôi làm vậy, vì thấy nếu nói thêm vừa lòng anh công an thì chết với các bà như bà Năm mà nói vừa lòng cả Tổ thì có ngày đi học tập mút chỉ.

Ngay đêm đó, mười hai giờ khuya, tôi đi bằng ghe đánh cá. Biển sóng lớn quá, cấp sáu, cấp bảy gì đó, ghe đi không nổi. Mọi người đề nghị quay về . Có người nói : '' bị bắt cũng đươc, khi thả ra đi nữa, chứ chết thì hết đi''. Người đạo Phật, người đạ0 Chúa cầu chúa, có anh thanh niên kia cứ vái '' lạy ông cá bà cá đừng bắt con''. Cuối cùng ghe phải quay trở lại bờ. May quá, chuyến đi này không có đứa con nít nào, khi công an xét hỏi, tụi tôi nói láo là đi đánh cá, gặp sóng lớn phải quay về. Lúc hỏi giấy tờ, tôi cầm chừng như chết đến nơi, tôi chí thành cầu Phật bà Quan Âm cưú khổ, cưú nạn cho tôi. Thật là linh ứng, tôi không hiểu sao, tôi đứng áp chót không bị xét mà tên công an lại hỏi ông đứng đằng sau tôi, là người cuối cùng. Thế là tôi thoát nạn và tôi trở về Sài Gòn ngay chiều hôm đó.

Lần thứ hai : 

Lần thứ hai vợ tôi lo cho tôi đi bằng đường bán chính thức. Đường dây này dành cho người Hoa nhưng có nhiều người Việt giả vờ làm người Hoa cũng đi. Tôi lấy tên là Lý Thiên. Hồi còn đi học tôi đứng sau quỷ và ma, thường nhái những Ông Tàu nói tiếng Việt nên bây giờ tôi nói tiếng Việt kiểu người Tàu nói giống lắm. Chuyến đó tàu khẩm (400 người). Tàu lại chết máy phải quay trở lại. Má tôi la tôi: '' Tại bay lấy cái tên ngỗ nghịch quá, trời phạt đấy''. Tôi đuối lý, lặng thinh. Ngày 29/6/79, bán chính thức đóng cửa. Thế là tôi mất toi mười cây.

Lần thứ ba: 

Lần này đi chui hoàn toàn không mua bến, mua bãi, không mua công an. Thằng cha kết chủ ghe là Miên lai, vợ Việt, nó móc nối với bạn tôi, sẽ đi ở Rạch Giá. Bạn tôi rủ tôi, tôi bằng lòng. Chủ ghe nói sẽ bóc nhiều chuyến từ cá nhỏ ra cá lớn Cá lớn, lớn lắm phải đậu ở cửa biển. Cá nhỏ chở tôi, hai ông nữa, hai bà và thằng chèo ghe. Bạn tôi không đi vì chết nhát, vợ hắn, chị Nga gan hơn thế chỗ hắn. Tôi nói với Chị: ''Chị Nga à, tôi thấy tướng thằng cha kết gian hùng liệu nó có lừa mình không ?

Chị đáp: ''Nó có gian hùng mới làm nghề này, đi thì cứ đi, đừng thắc mắc. Tôi thấy chị nói cũng có lý. Mười hai giờ khuya, cá nhỏ khởi hành, trời tối đen như mực, đi lâu lắm, trời tang tảng sáng, thằng chèo ghe tắp vào một đảo nhỏ và chỉ một hang đá bảo tụi tôi tạm trú ở đó, đến chín giờ tối sẽ ra cá lớn là tới Thái lan liền. Tôi đói, ăn ổ bánh mì phết mật ong mà vợ tôi đã bọc cho tôi. Bỗng có tiếng lạ: Jésus, lạy chúa tôi''. Ông ngồi bên cạnh vội bịt mồm bà lại. Thì ra trước mặt Bà Thoa là con rắn đen phun phì phì. Tôi vội liệng hòn đá đuổi rắn đi. Mọi người, ai có gì ăn nấy để cầm hơi. Tôi ngậm thêm miếng sâm. Suốt tối hôm đó, chúng tôi chờ dài cổ chẳng ma nào đón.Bà Thoa chửi đổng:

'' Cha tiên nhân mày, mày lừa bà rồi, quân trời đánh thánh vật, mày ăn không của bà cây rưỡi ''. Quả đúng, chúng tôi đã bị lừa. Chúng tôi lo lắng ngồi trong hang nơi hòn đảo hoang vắng, chung quanh là nước mênh mông. Xế trưa, may quá có một ghe nhỏ đi qua, chúng tôi cầu cưú, năm người gom được mười một ngàn đồng Việt Nam đưa cho chủ ghe để được vào đất liền. Chủ ghe còn dặn tụi tôi rằng :'' nếu có gặp công an thì bà con nói là đi ăn cưới ở ngoài hòn về nhé ''. Tôi nghĩ thầm : '' đi ăn cưới mà lem luốc như một lũ ăn mày, liệu công an có tin không ? ''. Nhưng hên quá không gặp công an, mọi người mừng húm. Tới Sài Gòn, tôi không dám về nhà, đi cùng chị Nga về nhà bạn. Dọc đường, chúng tôi đóng kịch cứ như vợ chồng đi làm lao động về. Khi thấy chúng tôi, thay vì lo sợ, bạn tôi lại cười tươi rói nói với vợ rằng : '' Thấy em về, anh mừng quá ''. Vợ nó tức lắm, la chồng :'' Tiền mất, không đi được mà anh mừng à? ''. Nó lặng thinh. Sau này nó tâm sự với tôi rằng: hôm vợ nó đi, nó chỉ cầu cho vợ nó đừng đi được để về với nó.
Vợ chồng nó hiện giờ đang ở Cali, đi theo diện H.O.

***

Lần thứ tư : 

Nghỉ xả hơi hai tháng, vợ tôi lại tìm mối cho tôi đi nữa, nơi khởi hành là Bến Tre. Tụi tổ chức tham quá. Số lượng là năm mươi người, chúng lại còn nhận thêm người do công an gởi.
Tài công không chịu lái, sợ chết chìm hết. Cải lộn rùm trời. Chuyến đi bể. Cả ghe bị bắt trọn. Tôi bị giam ở Bà Bèo ( K.20), làm lao động.

Ai đã từng bị tù ở k.20 mới thấy hãi hùng. Con trâu bừa rơm làm việc đến nỗi sau khi tháo ách ra nó nằm chổng bốn vó lên trời, thế mà tuị tôi, '' những sĩ quan Cộng hòa '' chịu nổi đấy. Nơi đây tôi gặp con trai Hồ Hữu Tường là Hồ Sỹ Tú. Lý lịch anh Tú khi khai chắc tức cười lắm. Tôi khai tôi là thợ sửa xe đạp. Thằng cha công an hù tôi : '' mặt mày anh sáng sủa thế kia chắc là sĩ quan ngụy nói láo là thợ sửa xe chứ gì ? '' Tôi bình tĩnh đáp : '' Mặt mày tôi là trời sinh ra, tôi dốt nát, anh không tin thì nhìn chữ viết của tôi anh sẽ biết tôi học đến đâu ''. Tên này thấy tôi nói có lý, không hỏi thêm nữa. Số là chữ tôi rất xấu. Hồi còn đi học, tôi thường bị Ba tôi đánh, thầy giáo la vì chữ tôi nguệch ngoạc. Nay điều này lại giúp tôi để nói dối.

'' Họa chi vì phúc là vậy ''. Khi bị thẩm vấn, lời khai của mọi người nhiều khi tức cười lắm. Có một ông Tàu già khi bị hỏi: Động cơ nào thúc đẩy anh đi ? Ông đáp gọn lỏn: '' Sáu lốc''.'' Thế là hồ sơ của ông có câu '' Đi vì ngu ''. Một bà khác bị hỏi : Tại sao chị bỏ nước ra đi ? Bà đáp :'' Tôi đi vì thấy người nhà bà hàng xóm nhà tôi ở Mỹ gởi kẹo chocola về, ăn ngon quá ''. Thế là hồ sơ bà có câu :''Đi vì tham ăn''.

  Đôi lần ở k.20 tôi có ý vượt ngục, nhưng quanh trại tù là dòng sông lớn, bơi không giỏi khó thoát nên tôi vội bỏ ý định đó. Sau này bạn tôi kể có một Luật sư tên Trung bơi qua sông và thoát. Hiện nay anh ta định cư ở Úc.

   Nhờ chịu cực giỏi, lao động tốt, sau bảy tháng tôi được tha. Về nhà, đã bị xóa hộ khẩu, tôi sang ở nhà ông bà nhạc bên Gia định. Đi hoài không được, tôi cũng nản, nhưng không sợ. Cứ như người ghiền xì ke, hễ đâu có mối là tôi đi.

Lần thứ năm : 

Tôi đi cùng cậu Thanh, em vợ tôi, khởi hành ở Rạch Giá. Người tổ chức quyết định đi Thái Lan cho gần. Ghe chở ba mươi người, đi chui một trăm phần trăm. Tám giờ tối khởi hành, chờ hoài tài công không đến. Chủ ghe nói ông Ngọc, một khách hàng có kinh nghiệm lái tàu cả ba mươi năm, đề nghị ông Ngọc lái thay tài công.

Nhiều người ngần ngừ, ai cũng sợ bị bắt, cuối cùng đều đồng ý để ông Ngọc lái. Gần mười giờ tối, ghe khởi hành, trời tối đen như mực, sóng vỗ vào mạn ghe nghe ràm rầm. Trời mờ mờ sáng, một hòn đảo xuất hiện, mọi người vỗ tay reo tưởng đã đến bờ vinh quang. Gần tới bờ ai nấy té ngửa : công an đứng lố nhố đang chờ chúng tôi. Té ra là đảo Phú Quốc. Thế là trọn ghe bị bắt. Chúng tôi bị áp tải vào đất liền.

Đây là lần đầu tiên cậu Thanh đi, vợ cậu đưa cho cậu năm chỉ vàng để khi nào tới đảo có tiền đánh điện tín và chi tiêu.Sau này mới vỡ lẽ ra như sau: Số là ông Ngọc vô tình kể chuyện với chủ ghe rằng trước khi di cư vào Nam(1954), cha ông có tàu buôn chạy đường Nam Định Hải Phòng, lúc đó ông ngọc mười tám tuổi, người lái tàu dạy cho tập lái và có lần chính ông lái một mình suốt đường đi Nam Định Hải Phòng. Chủ ghe biết vậy không mướn tài công nữa để tiết kiệm được bốn người (tài công, vợ, hai con), lại vừa được tiền ông Ngọc.Thế là hắn có một tài công '' có trên ba mươi năm kinh nghiệm lái tàu ! ''

Lúc tới đất liền, khi đi đường, cậu Thanh dúi cho tên công an áp tải năm chỉ vàng và thế là hai anh em tôi trốn thoát. Tôi lại lang thang nơi này nơi kia, bạn bè rủ tôi về Hóc Môn gặt lúa. Tôi làm việc rất siêng năng và luôn luôn hát những bài ca cách mạng. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng tôi đã là một con người mới hoàn toàn.

Lần thứ sau' : 

Rời Hóc Môn về Saigòn để chữa bệnh sốt rét : tôi lại có mối đi. Đi đường Vũng Tàu, lần này tôi đi cùng hai mẹ con Dì Hên, em vợ tôi. Vợ tôi đi xem bói, thầy bói nói: đi ba xui, nên cho thêm thằng Phước, con tôi đi cùng ( bốn người: mười cây). Thầy bói còn tán rằng thằng Phước mạng thủy tương sinh với mạng mộc của tôi, có Phước, được Hên, phen này thế nào cũng tới nơi. Tôi thì lại nghĩ khác, tôi dặn dì Hên và thằng Phước rằng, nếu chẳng may bị bắt thì dì Hên nhận thằng Phước là con để nó được về sớm, thằng Phước đừng nhận tôi là bố nó. Nghe tôi nói, vợ tôi vội '' phủi phủi '' và lườm tôi.

     Ghe khá lớn, đã ăn thua với chủ ghe rồi, công an còn gởi thêm người nữa, chủ ghe không chịu vì vợ con hắn cũng ở trong chuyến này. Công an phản phé, gài bắt khi thấy người cuối cùng đã lên tàu.

Khi khai lý lịch dì Hên nhận Phước là con. Ba mẹ con dì bị giam ở khu A. Tôi bị giam ở khu B. Tôi khai tôi là thợ hớt tóc (khi học tập cải tạo tôi có được nghề này) tôi đi hôi, tình cờ đi qua gặp chuyến nên nhảy đại lên ghe, không mất tiền bạc gì cả và cũng chẳng biết chủ ghe là ai Các anh cai tù, tóc anh nào cũng dài. Tôi được lệnh hớt tóc cho mọi người. Họ đưa cho tôi một cái tông đơ rất cùn. Khi hớt có lúc đứt cả da đầu người đương hớt, kêu oai oái. Khổ cho tôi, hễ thấy tôi làm việc thì thằng Phước đứng ngoài cửa sổ ngó vô. Tôi lườm nó, có ý đuổi nó đi nhưng nó không biết. Có lần tôi giả vờ nói :'' con nít đi chơi chỗ khác, kẻo tóc bay vô miệng '', nhưng nó cũng không hiểu. Rồi một hôm, tên công an đang hớt tóc chợt nhìn nó la lên : '' Nó là con anh phải không? '' _ Không, tôi đáp.

    Hắn tiếp : anh mũi tẹt, mặt phèn phẹt, mặt nó giống anh như đúc.
Có đúng thì nhận đi, tụi tôi đỡ phải '' làm việc ''. Tôi thản nhiên chỉ một ông Tàu cũng có gương mặt như tôi đang đi tới chỗ chúng tôi mà nói : mặt ai mà chẳng phèn phẹt, mặt ông kia cũng phèn phẹt như tôi, người giống người là thường, không tin anh thử hỏi nó thì biết.
Tên công an gọi Phước lại, nạt nó :

     _ Ba mày đây phải không?
     _ Dạ, không phải. Nó đáp.
     _ Tại sao mày hay đến đây ?

Thằng nhỏ cũng lanh trí nói : '' Cháu thấy hớt tóc cũng ngồ ngộ, tóc cháu dài muốn nhờ bác ấy hớt dùm nhưng chưa dám nói ''.

Tên công an hơi khờ nhưng còn chút lòng nhân không hỏi thêm nữa và bảo tôi hớt tóc cho thằng nhỏ. Tôi mừng hết lớn, vừa hớt tóc vừa nói :'' Tao hớt cho bay xong, bay không được đến đây nữa nghe không.

Xém tao chết oan vì mày ''. Thực ra, dì Hên sai thằng Phước dò la xem tôi thế nào và đã dặn nó nếu có bị công an hỏi thì cứ nói muốn hớt tóc. Ba mẹ con dì Hên bị tù một tháng thì được về. Tôi lại ở tù lần nữa. Cái nghề hớt tóc đã hại tôi, hồ sơ tôi không được xét xử, họ giữ tôi có lợi cho họ ; hớt tóc khỏi tốn tiền. Vợ tôi phải chuộc tôi ra một cây, cho người môi giới ba chỉ nữa. Tù lần thứ sáu vượt biên này mười tháng.
     Về nhà, tôi chán đời lắm, lại đi lang thang.

      Một hôm đang đi trên đuờng Trương Minh Ký, chợt có tiếng la :
'' Trời, Thầy Thọ, em nhìn mãi mới ra, trông thầy tệ quá! '' Đó là Minh, một học trò cũ của tôi hồi tôi còn là sinh viên đi dạy giờ ở Gò Công.

Hàn huyên một đổi, hắn hỏi nhỏ tôi :'' Thầy muốn đi không? '' Tôi giả vờ trợn mắt : '' bộ bay muốn gài bẫy tao hả? ''

Hắn thành thực: '' Không, em nói thật đấy, em đang đi tìm người, nhà em có ghe, thầy đi em lấy rẻ thôi.''
Tôi hẹn hắn đến nhà tôi nói chuyện kín đáo hơn. Tôi nhận lời đi với gia đình Minh.

     Lần thứ bảy này khởi hành ở Cà Mâu. Ghe đi sông dài mười mét .

Anh Ba của Minh lái ghe, có Điệp, chị Minh là người chỉ huy, thu tiền, lo việc bốc người . Minh là thợ sửa máy. Tôi và anh Tốn, bạn cô Điệp, trước làm ở hàng không Việt Nam, là người tính tọa độ. Có hải bàn, máy bơm nước. Lần này tôi đem theo hai đứa trai, thằng Phước và thằng Lộc. Ba cha con mất bốn cây '' kiềng vàng, vòng vàng lưỡng long chầu nguyệt '' của vợ tôi đều dùng vào chuyến đi này cho hai thằng con. Anh chị Tốn cùng ba đứa con cộng chung với bà con họ hàng nhà Minh tất cả là hai mươi lăm người lớn nhỏ.

    Chúng tôi để ra sáu tháng để '' điều nghiên ''. Khi đi bán muối, lúc bán củi, lúc bán chuối, lúc bán dừa, bán khoai.

    Thời gian này là thời gian tôi giang hồ nhất. Cuộc đời bềnh bồng trên sông nước. Đêm rằm, neo ghe trên sông, trăng sáng vằng vặc, sóng nước mênh mông, hồn tôi nở ức tới vô biên, tình tôi bao trùm vũ trụ, tôi thấy cô đơn hơn bao giờ hết và chợt hiểu tại sao Lý Bạch ôm bóng trăng mà chết! Đêm không trăng, muôn ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, hàng trăm con đom đóm lập loè trên hàng cây bần hai bên bờ sông. Tôi nghĩ đến thân phận mình, không biết tôi sẽ đi về đâu?

Có thể sẽ sống huy hoàng nơi đất khách quê người, cũng có thể sẽ chìm sâu dưới lòng đại dương; tôi nghĩ đến Má tôi, nghĩ đến vợ con tôi, nước mắt tự nhiên trào ra không sao cản lại được.

    Đi theo ghe thường xuyên, da tôi dễ bắt nắng, có hai tháng tôi đen như củ súng, lúc về nhà Má tôi không nhận ra tôi, như vậy càng tốt.

Người xấu xí ít ai để ý. Minh có lần nói với tôi : vượt biên nhận những người đẹp trai, nghệ sĩ dễ bị lộ và nó đã từ chối không nhận bác sĩ Lân, một bạn tôi vì anh Lân khá đẹp trai!

    Tụi tôi chở hàng đi qua các đồn công an biên phòng, la cà vào làm quen, rủ công an đi ăn nhậu. Anh Ba là một bợm nhậu, tính tình hời hợt, vui đâu chầu đấy nên sau có hai tháng anh đã quen rất nhiều công an. Anh Tốn mách kế : nên chơi với tụi công an trẻ dể dễ lừa nó.

    Một hôm, sau khi '' đánh chén '', một công an trẻ mở lời: '' các anh có quen ai muốn vượt biên mách mối cho em với, tụi bên sông ông Đốc làm ăn mập lắm, ở đây em đói dài ''. Thật là '' buồn ngủ lại gặp chiếu manh ''. Anh Ba đưa mắt nhìn tôi, tôi hiểu ý, liền nói :'' những người vượt biên bị gài nhiều, thành ra họ dè dặt lắm ''.Dũng đáp :'' Em    không như vậy đâu, anh cứ tìm đi, rồi anh cũng có phần ''.
Tôi ỡm ờ :'' Chia tư nhé, chú ba, tôi một ''. Dũng bắt tay tôi liền.

    Về nhà, chúng tôi bàn tính. Những chuyến đi buôn sau có thêm ông Thái là cậu của Anh Ba. Hôm đó đang nhậu cua rang muối, tôi làm ra vẻ hớn hở nói với Dũng: '' Dũng à, anh tìm đưọc một chỗ, họ hẹn rằng nếu thoát, họ đưa Dũng bốn cây, vàng họ sẽ giao cho anh và cậu Thái giữ, họ yêu cầu ngày họ '' đổ quân ''thì Dũng đừng xét các ghe nhỏ,

'' Dũng có chịu không? '' Dũng đồng ý liền.
Một tuần sau, tôi đưa cho Dũng một radio cassette, nói dối là của '' khách hàng ''biếu, cứ mười ngày hoặc hai tuần lại cho Dũng quà, khi thì tiền, khi thì vải vóc, quần áo, khi thì rượu mạnh, bánh kẹo ngoại quốc.

***

Tháng ba âm lịch đã đến. (Tháng ba bà già đi biển !) Ngày 9 tháng 3 Tân Dậu (1981), tụi tôi '' xuất quân ''. Trên ghe lớn có tôi, anh Ba, Minh đến đồn Dũng chơi, cũng là ngày Dũng không xét ghe nhỏ. Khi ăn trưa, anh Ba '' phá mồi ''nhiều hơn là uống. Hai giờ chiều, vô tình Dũng cho tôi mượn cái ống nhòm nhìn thử, ống nhòm tốt thật.
Hắn hỏi:
- '' Anh thấy các thứ rõ không?''
- ''Rõ lắm, tốt quá.

         '' Và tôi đã thấy bốn ghe nhỏ phe ta. 3giờ 30 tụi tôi chào Dũng về và ra thẳng cửa biển, nơi các ghe nhỏ đợi. Mọi người lên ghe lớn, còn thiếu cô Điệp, hai mẹ con chị Tốn, hai đứa cháu cô Điệp. Đúng tám giờ tối, tụi tôi ''đề'' như ước hẹn, bỏ lại năm người. Máy vừa nổ, bỗng có người quảy một gánh tiến gần đến ghe tôi đậu, có ý kiếm ai. Hắn lẩm nhẩm một mình:'' bảo là đặt bánh tét cho đám cưới, mang ra hòn hay là mang đi vượt biên thì có. Chuyến đi chắc bị bể nên không đến lấy thì chết cha Tư Lé này, gần ba trăm đòn bánh làm sao bây giờ! '' Nghe vậy chúng tôi sợ quá, tôi la lớn : ''Anh Tư Lé đấy hả, đợi anh muốn chết, sao tới trễ thế, đưa bánh xuống đây ''. Tư Lé đáp giọng vui mừng:

'' Ừa, để tôi quẩy xuống''. Tôi nói khẽ với anh Tốn: '' mang đại hắn đi, để hắn trở về có khi mình chết ''. Anh Tốn đồng ý. Tôi nói tiếp : '' Anh Tư nằm tạm chỗ này, ngủ một giấc đi tới hòn lấy tiền nhé ''.
- '' Ừa, mà có xa không? ''

- Độ hơn một tiếng.

- '' Vậy được, tôi cũng buồn ngủ lắm, đêm qua thức cả đêm để kịp giao hàng bữa nay ''.
Nói rồi, Tư Lé nằm xuống sàn ghe có lót tấm ni lông, vài phút sau hắn đã ngáy khò khò. Đi suốt đêm ghe tôi có gặp vài ghe đánh cá nhưng vẫn bình yên.

         Trời sáng rõ, Tư Lé tỉnh giấc, ngơ ngác. Tụi tôi đành nói sự thật. Tư la làng và khóc quá. Cô Lý an ủi Tư : lỡ rồi, tụi tôi sẽ mang anh đi Mỹ, anh sẽ bảo lãnh vợ con sau, em tôi nói :''nghề anh ở Cali làm ăn khấm khá lắm ''. Tư cũng phải chịu trận thôi.

         Ra tới hải phận, gặp cướp lần thứ nhất, có lẽ là tụi đánh cá Thái Lan, '' mỡ để miệng mèo ''thì nó đớp. Sáu thằng phóng sang ghe tôi, tụi tôi gom góp cả ghe được tám chiếc cà rá vàng y đưa cho chúng. Chúng lại phóng về thuyền của chúng quăng cho tụi tôi một bịch mì gói và hai thùng ni lông nước uống.

         Tụi tôi trực chỉ Mã Lai, xế trưa gặp tụi cướp Mã lai, chúng đen như cột nhà cháy, hung dữ lắm. Chúng lục lội hết cả ghe, lấy tất cả quần áo tốt, lột cả cái áo len của cô Lý đang mặc. Chúng tôi lạy nó như tế sao. Lần này tụi tôi dâng chúng một dây chuyền vàng và hai đôi xuyến. Chúng phóng về ghe của chúng, không hãm hiếp ai và cho lại tụi tôi cái hải bàn. Thật là phúc đức !

         Một đỗi sau bỗng ghe chòng chành, Minh nhảy xuống xem xét gầm ghe thấy mất một con ốc nơi bánh lái, nó vội lấy dây thép cột chặt.

         Xa tít có một điểm đen, chúng tôi bảo nhau, mọi người đều nhìn vào điểm ấy, nếu thấy bất động là núi, nếu di chuyển là mây. Cuối cùng xác định là núi tức là sắp tới đất liền. Ghe tôi cứ thẳng tiến, con nít mệt nhoài. Thằng Phước thoa dầu cù là cho thằng Lộc vì nó lạnh quá. Tôi thì tát nước ở ghe ra biển vì máy bơm nước đã hư.

         Một rặng dừa nơi bãi biển hiện rõ dần, lúc đó là tám giờ tối. Ghe không vào được, lúc đó cách bờ khoảng năm trăm mét. Chúng tôi xuống ghe, lội vào, nước có chỗ nông, chỗ sâu. Chỗ sâu nhất đến ngực tôi. Hai đứa con tôi ngồi trên hai vai tôi. Hai mươi mốt người đều lên được bờ. Đó là một làng đánh cá Mã Lai. Dân làng báo tin cho cảnh sát. Chúng tôi được đưa đến một đồn Mã Lai. Ai cũng chỉ còn vài bộ quần áo cũ. Đồ ăn bỏ lại hết trên ghe, nhiều nhất là bánh tét. Chúng tôi chỉ trải qua có năm mươi ba giờ lênh đênh trên biển cả.  Lúc đi, vợ tôi đã khâu vào cửa quần của tôi một cái nhẫn một chỉ.

         Tôi đeo vào tay cái nhẫn năm phân (đều là vàng y) để '' biếu'' cướp nếu gặp. Vợ tôi bảo để chỗ đó kín đệm vải dày, ít khi nắn tới, nếu nắn thấy cồm cộm nó cũng không nghi. Vợ tôi mưu cao quá, bà ấy là cựu học sinh Trưng Vương. Thật là con cháu hai Bà có khác! Cái nhẫn năm phân tôi đã ''tặng'' cướp Thái Lan, còn hai  cái  khâu  ở quần, tôi đã chi tiêu trong năm tháng ở đảo Bi-đông.

        Tới Bi-đông, tôi đánh ngay điện tín cho vợ tôi. Nội dung bức điện tín do vợ tôi thảo ra, bắt tôi học thuộc lòng như sau: '' Phước, Lộc, Thọ đang ở nhà cô Mai, đám cưới hai mươi người đến dự, bảo cậu Thái cho Dũng bốn cây colgate ''.

    Chúng tôi đã gửi đúng lời hứa, nhờ cậu Thái trao cho Dũng bốn cây vàng. Dũng còn nói, nếu biết vậy Dũng cũng đi theo tụi tôi luôn. Tôi cũng gửi gấm Tư Lé cho ông trưởng trại Rớt, bạn tôi, nhờ anh Rớt giúp đỡ Tư Lé cho hắn đi Úc để dễ bảo lãnh vợ con.

        Ba cha con tôi vào Mỹ. Cô Lý có chồng bảo lãnh cũng vô Mỹ. Còn lại tất cả đều đi Úc trong đó có Tư Lé.
        Sau năm năm xa cách, vợ chồng con cái chúng tôi được đoàn tụ theo diện ODP.
        Trải qua nhiều gian khổ, tôi thấy cuộc đời quả vô thường, được còn, mất mát như không.
         Vì vậy, nay tôi tìm đến chốn Thiền môn để di dưỡng tính tình lúc '' dòng đời trôi đã về chiều ! ''. Nói rồi, ông Thọ ngâm vang:

Trần gian chẳng phải nơi ta ở,
Về, chỉ về cung Đầu xuất Thiên.

        Ông Thọ thật là một người vừa có tính nghệ sĩ, vừa có tâm đạo. Hai câu thơ trên đã được ông sửa theo ý ông trong bài thơ của Bạch cư Dị :

Đã mến không mồn, chẳng thích tiên
Truyện ni e cũng việc hư truyền
Bồng lai chẳng phải nơi ta ở
Về, chỉ về cung Đầu xuất thiên.

ĐẶNG TUYẾT NHƯ
7/2010

http://www.ninh-hoa.com/TH-VanNinh_DTTN-CauChuyenVuotBien-3.htm

No comments:

Post a Comment