Wednesday, May 21, 2014
Nhớ Ngày Di Tản _T/g Trần Thị Diệu Tâm
"Di tản", đó là một nhát dao chém vào thịt da còn để lại vết sẹo dài sâu hoắm trên thể xác, làm u uẩn cả tâm hồn mỗi khi mình nhớ lại. Dù mười năm, hai mươi năm hay ba bốn mươi năm, thì vết chém ấy vẫn ám ảnh suốt cả những thân phận người Việt miền Nam.
Chúng ta không ai có thể quên, tôi không thể quên. Quá khứ trôi qua đã lâu rồi, tại sao mình cứ nhớ mãi. Chuyện nhớ chuyện quên tùy thuộc vào tâm trạng ký ức mỗi người. Người ta di tản suốt cả chiều dài Bắc Nam, người ta di tản qua hàng ngàn vạn cây số, di tản trên biển rộng gào tiếng sóng vỡ toang. Riêng tôi, di tản chỉ có ba trăm cây số từ Đàlạt về Sàigòn, nhưng với tôi, chính là vượt qua thế giới đang sống bình yên để đến thế giới kinh hoàng khác.
Tôi còn nhớ sáng hôm ấy, trời đang còn xuân, hoa anh đào đang âu yếm tươi cười với nắng mai. Tôi lái xe ra phố chợ Hòa Bình thong dong lượn qua phố xá, mua vài thứ cần dùng, bỗng đâu một đám đông ồn ào làm ai nấy chú ý. Người đàn bà mặt mày hớt hãi nói lắp bắp : Việt Cộng vào Ban Mê Thuột rồi, ở đây chắc cũng không yên, lo chạy đi. Tôi vội lái xe về nhà, lòng hoang mang lo lắng . Nhà tôi từ trường Võ Bị về, hỏi ngay về tin đồn . Anh ấy im lặng cho biết, có lẻ phải đi thôi. Không nói gì thêm, thật bất ngờ, như vậy là chạy giặc rồi, xưa nay tôi nào biết có loạn ly. Đang sống cuộc sống êm đềm với ngôi nhà mới xây, với vườn tược cây cối, với mấy đứa con xinh xắn, với trời trong xanh mát của Đàlạt, mà đi đâu. Trong vườn nhà, cây bích đào đang khoe những nhành hoa thắm đỏ, cây mimosa đang nở hoa vàng dịu dàng đưa hương. Tại sao tôi phải bỏ nơi này mà đi ?
Khi tôi lo lắng thì mọi người cũng đã lo lắng, thiên hạ đua nhau chạy mua vé máy bay về Sàigòn, hình như đó là điểm tựa cuối cùng. Tôi không biết hay không thể biết sẽ xảy ra điều gì sắp tới. Mọi suy nghĩ lý trí như chết cứng, chết sững, không ai có thể suy đoán bất cứ điều gì, vì mọi dự đoán đều không chứng cớ, vậy chỉ biết làm theo giống người khác. Tôi hấp tấp ra Air VietNam hỏi vé , cô tiếp viên mặt lạnh như tiền cho biết hết vé rồi, tôi đề nghị giá gấp ba cũng không, chuyến cuối cùng không còn một chỗ trống nào. Thấy người nào mặt mày cũng lạnh tanh, chẳng ai nói với ai lời nào, biết cái gì mà nói với nhau. Ngay vợ chồng chúng tôi cũng vậy, im lặng trong sợ hãi, không biết tính toán ra sao.
Không có vé máy bay thì sao? Ở lại đây à? Cộng sản có vô đây không ? Nếu họ vô thì chắc chết hết, nhà tôi là quân nhân mà. Bao nhiêu thắc mắc dồn dập, biết hỏi ai bây giờ, ông Trời chắc cũng không biết, đừng nói Dieu seul le sait. trong trường hợp này. Mọi ngày chúa nhật, tôi đi lễ cầu xin mọi điều tốt đẹp, bây giờ tôi e rằng chúng tôi, không thuộc loại người trong số loài người được chúa yêu . Hoặc rằng, khi Chúa yêu thì cần phải khổ đau nhọc nhằn, tôi không hề muốn được yêu theo kiểu ấy.
Tối hôm đó, nhà tôi bàn bạc: " Không có vé máy bay, thôi em lái xe đưa các con về Phan Rang hay Phan Thiết rồi từ đó kiếm máy bay quân sự về Sàigòn, đường bộ về Sàigòn đã bị cắt đứt ở Định Quán rồi ".
Tôi nói trong lo sợ "Nhưng làm sao em và các con đi một mình được ?"
Nhà tôi bình tĩnh "Thì em cứ lái xe như mọi ngày !"
Tôi ớn lạnh, hôm nay ngày mai không còn là ngày hôm qua, không như trước nữa. Lâu nay tôi lái xe mà không qua một cuộc khảo hạch nào . Nhà tôi dạy tôi lái độ ba vòng lên xuống trên đồi sân Cù, chạy lên chạy xuống ven trường Đại Học, quanh bờ hồ Xuân Hương, rồi ông bạn ở công chánh cấp cho bằng lái xe, thế là xong ! Khả năng lái xe vậy, giờ đây tôi phải đem các con di tản , đem các con chạy giặc xuống Phan Rang Phan Thiết ! Thú thật tôi không hề biết luật lệ, không biết các bảng hiệu ra sao, chỉ biết rồ máy chạy và thắng lại, khi cần thì tắt máy, thế thôi. Những con đường Đàlạt êm như mơ, cứ thế mà lái, đâu cần mất công nhìn ngang ngó dọc với tấm bảng chỉ đường. Khi đàn bà lái xe thì những xe khác đều phải dừng lại hay tránh xa. Chưa khi nào tôi lái xe ra khỏi thành phố. Đàlạt với tôi là khu phố chợ Hòa Bình, quá đủ cho tôi một đời sống không cần nghĩ đến chuyện chi khác.
Vậy mà anh ấy đành lòng để tôi một mình với đàn con dại chạy giặc sao. Anh nói thêm một lần nữa như đinh đóng cột " Anh không thể bỏ nhiệm sở, bây giờ vắng mặt một ngày coi như đào ngũ, anh phải ở lại ".
Tôi mới nghe vài người bỏ nhiệm sở đưa vợ con ra khỏi thành phố Đàlạt rồi, tôi nói liều, nói ngang: " Anh bỏ mặc vợ con, vì anh có trách nhiệm với trường Võ Bị, nhưng nếu em lái xe một mình lở có chuyện gì anh có ân hận không ?" Câu trách móc làm cả hai chúng tôi đều nhói đau trái tim. Cả hai chúng tôi thấy nhiều nguy cơ đang chờ đón, chưa có hoàn cảnh nào đưa vợ chồng chúng tôi vào cảnh ngộ khó xử như vậy.
Anh nói:" Về dưới ấy để tránh bom đạn, hết đánh nhau thì về lại đây thôi, có gì mà lo ". Nhưng trước sự điềm tĩnh ấy, tôi bỗng thấy tủi thân khi phải ra đi một mình. Tôi biết anh gặp nhiều điều phiền toái trong quân ngũ sau này, chỉ mong có ngày được biệt phái trở về nghề chính đi dạy học. Thế mà trong hoàn cảnh này, cơ hội có thể dứt bỏ hết được các phiền toái ấy, thì anh lại nghĩ khác . Bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân . Bộ đồ nhà binh anh mặc thường ngày đối với anh rất nặng nề và cảm thấy không mấy thích hợp, nhưng nay anh coi trọng nó, xem trọng nó hơn cả gia đình vợ con . Anh trở nên một quân nhân mẫu mực, nói nhiều câu khó hiểu . Không khí gia đình căng thẳng. Tối hôm ấy tôi đi ra đi vào ngôi nhà rộng thênh thang mới xây, tất cả bàn ghế màn treo đều còn mới . Tôi không biết nên đem theo cái chi , bỏ lại cái gì. Phải lo cho con trước hết, chúng tôi có bốn cô con gái, đứa lớn nhất mới sáu tuổi, đứa bé nhất mới một tuổi. Cần phải ra khỏi Đàlạt sớm chừng nào hay chừng đó, lở ra Việt Cộng tràn vào, e thoát ra không kịp.
Ngày hôm sau nhà tôi cho biết có xe của anh chị B. cũng đi về Phan Rang, và gửi gắm tôi và các con cho họ. Anh chị B. quen biết với ty điện lực nơi này, có chỗ ở tạm. Tôi có thể yên tâm lái xe theo sau xe họ, nếu có chuyện gì không may xảy ra, nhà tôi cũng đở lo hơn. Lúc ấy đầu óc tôi trống trơn nghe sao thì làm vậy, không còn phản ứng gì thêm. Hai gia đình chúng tôi ăn buổi sáng ở tiệm phở Bằng dưới gốc cây thông già trước khi rời khỏi thành phố. Vợ chồng có bốn con từ giã nhau không giống như tình nhân, không có biệt ly buồn vời vợi, không có nhớ nhung từ đây, và cũng không ôm hôn nhau .
Chúng tôi lặng lẽ, anh nhìn theo các con, con bé nào cũng đưa đôi mắt to đen nhìn bố cười. Chúng tưởng sắp đi chơi xa với mẹ. Để chăm lo chúng trong những ngày di tản, tôi đem theo o giúp việc ngồi băng ghế sau giữ các bé. Con bé út được buộc chặt trong cái ghế nằm của nó, ngoan ngoãn không một chút cựa quậy. Tôi bắt đầu kiểm soát máy móc như một người đàn ông kinh nghiệm, mới hay cái phanh chân không nhạy, đạp thắng đến ba lần xe mới đứng, xăng thì đầy anh nói mới đổ hôm qua. Chiếc xe Volkswagen cho anh bạn mượn vào rừng làm gỗ, mới trả lại chưa kịp đưa vào ga-ra sửa. Dạo ấy, nhiều vị thân hữu Đàlạt đều thích dùng loại xe Volkswagen đơn giản nhẹ nhàng này, gia đình anh chị B. cũng di tản trên chiếc xe màu xanh giống của chúng tôi.
Hai chiếc xe hơi giống nhau, nối đuôi chạy xuống đèo hướng Phan Rang, tôi cứ phải nhấp chân theo nhịp ba để xe chạy chậm uốn theo con đường ngoằn nghèo chữ Z . Cái nhịp ba điệu valse này không là nhịp ba mộng ảo quay cuồng tay trong tay, nếu sai nhịp chiếc xe sẽ lộn nhào xuống hố sâu vực thẳm dưới kia. Nếu lái xe mà lòng cứ hãi hùng thì thật là một thảm họa, tôi cần ung dung bình tĩnh, bám sát theo sau xe của anh chị B., không cho một xe nào chen lấn vào giữa. Hôm đó xe cộ rất ít ở đoạn đường này, có lẻ dân chúng các vùng tây nguyên chưa tràn xuống đây.
Nhìn vào kính chiếu hậu, con bé lớn đưa tay quàng qua vai đứa em như tỏ ý che chở. Hình như nó cảm được điều gì đó bất thường, dù mới sáu tuổi, còn mấy đứa em ngủ gà ngủ gật. Tôi cảm nhận mình trở thành một người đàn bà không như mọi ngày, khác hẳn mọi ngày. Trước nguy cơ, bản năng con người sinh tồn luôn cứng cỏi tự tin. Tôi nhớ khoảng năm ngoái, cũng trên đoạn đường này tôi và con bé ngồi trong xe một chị bạn có chồng làm trưởng ty thuế vụ Nha Trang, theo chị về chơi thành phố biển. Lúc ấy xe xuống đèo làm ruột gan cồn cào, xe phải dừng lại để nôn ọe ra ngoài, mệt không thở nổi.
Một đèo, một đèo lại một đèo, khen ai khéo tạc cảnh cheo leo ... nữ sĩ Xuân Hương ơi, tôi có thể nào làm thơ diễu cợt trong cảnh ngộ này chăng . Nhà thơ là người khéo tưởng tượng, thấy chuyện này nghĩ ra chuyện nọ, nhìn cảnh thấy người, nhìn người lại nhớ ái ân. Tôi lái xe thong thả để khỏi phải nhấp chân nhịp ba nguy hiểm, chúng tôi đến Phan Rang vào giữa trưa. Mấy mẹ con được ở trong phòng dành cho khách công ty điện lực, có máy điều hòa không khí, có máy nước nóng . Ông trưởng ty không thấy đâu, có lẻ đã lo bay về Sàigòn rồi, chỉ còn lại vài nhân viên địa phương. Di tản như chúng tôi thế này cũng như đi nghỉ hè, tôi an tâm làm khách du lịch bất đắc dĩ. Nhà tôi căn dặn trước khi đi " Về đó ở tạm rồi liên lạc người quen xin máy bay quân sự về Sàigòn " Nhưng chờ mãi cũng không xin được máy bay quân sự. Mỗi buổi sáng tôi chở các con ra bãi biển Ninh Chữ tắm biển, về ghé chợ mua thức ăn. Gạo ở vùng này rất ngon và rẻ. Tôi hỏi bà bán gạo "Sao bác không lo chạy ? " Bà trả lời tỉnh bơ :" Nghèo như tôi thì lo chi, sợ chi !" Đúng, người nghèo không có gì để lo mất, không có chi phải sợ hãi.
Buổi chiều, tôi ra ngoài con đường chính, thấy cả đoàn xe từ miền núi cao đổ về, ngày mỗi đông. Những chiếc xe be dùng chở gỗ nay chở các thứ gia dụng đồ đạc lỉnh kỉnh, họ đem theo cả gà vịt. Tôi sốt ruột quá, hỏi ý kiến anh chị B. thế nào. Anh ấy nói " Chúng ta nên tạm ở đây đi, chờ tình hình yên tĩnh rồi trở lên Đàlạt lại, không nên về Sàigòn, đó là chỗ thiêu thân "
Trong thâm tâm anh chị ấy, họ không muốn bỗng chốc mà bỏ cả cơ nghiệp Đàlạt . Vợ chồng chúng tôi cũng như anh chị ấy đều mới xây hai ngôi nhà với tất cả số tiền dành dụm lâu nay. Riêng chúng tôi có nhà ông bà nội các cháu tại Sàigòn, nhất quyết phải về. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người đều lý luận suy đoán không theo một cơ bản chính trị nào, chỉ dựa theo cảm tính. Ngày hôm sau, nhân viên trực công ty điện lực cho biết có người gọi điện thoại từ Đàlạt. Tôi đến bắt máy nghe.
Nhà tôi nói :" Em và các con trở lên Đàlạt ngay, anh đã mua được vé máy bay về Sàigòn rồi, đây là chuyến chót, nên đi xe đò ". Có lẻ người ta cho thêm máy bay lên Đàlạt tiếp vận. Tôi đành bỏ chiếc xe hơi thân yêu tại Phan Rang, tha đàn con dại bốn đứa theo chiếc xe đò rộng thênh thang leo dốc, trong khi đó nhiều đoàn xe ở trên đổ xuống đèo như rắn lượn. Xe chen chúc nhau đổ nhanh chừng nào hay chừng đó, tuồng như nếu chậm một giây phút người ta sẽ phải bị giết chết. Thế mà mấy mẹ con chúng tôi đi ngược dòng, trở về nơi cần phải đào thoát. (Nhưng sau đó, được về Sàigòn theo với máy bay nhẹ nhàng, còn gia đình anh chị B. rồi cũng phải trở lên Đàlạt và di tản theo đoàn quân trường Võ Bị Quốc Gia qua ngã Bình Tuy, họ phải lội qua các bãi chết, vượt qua xác chết dọc đường trong đêm tối đen, vượt qua mọi sợ hãi khốn cùng để tìm về cõi sống, một cõi sống kinh hoàng . Chị B. sau đó cứ phân bì với tôi rằng " Số bạn đi đâu ở đâu cũng thong dong có lẻ tuổi bạn có chữ Quý " , nghĩ lại, dù nam Nhâm hay nữ Quý cũng đều vô sổ đoạn trường như nhau sau bảy mươi lăm cả.)
Tôi trở về căn nhà của chúng tôi ở Đàlạt.
Cô bé gái lớn hỏi mẹ: " Mẹ ơi yên rồi hở mẹ, mình về nhà mình hả ?"
Tôi không trả lời, lúc này không ai trả lời được điều rõ ràng, dù với một đứa bé lên năm lên sáu. Chỉ biết còn ở lại nhà này một buổi chiều nữa thôi, ngày mai sẽ ra đi. Nhà tôi chở tôi ra phố Hòa Bình trên chiếc xe máy Suzuki còn lại, vì ở nhà sốt ruột quá. Thành phố Đàlạt chiều ấy sao mà thê lương, mọi cửa nhà phố xá đều đóng kín mít, hình như ai nấy đều di tản ra khỏi thành phố rồi , hoặc ẩn núp đâu đó. Thành phố rỗng trống không, thành phố chết.
Thỉnh thoảng có một hai chiếc xe Jeep nhà binh vội vã lướt nhanh qua, một anh quân nhân đi bộ gật đầu chào nhà tôi, nhưng chẳng ai buồn nói lấy nửa lời. Bây giờ biết gì để hỏi, biết gì để trả lời. Chỉ có những người lính còn lại nơi này để ứng chiến . Ứng chiến như thế nào, không ai biết. Hình như ai nấy đang chờ đợi, chờ đợi gì ? Điều gì sẽ xảy ra trong đêm nay, hay trong tức thì ? Phải chăng đó là cái chết ?
Trên đường phố vắng teo, một vài con chó hoang chạy lông bông, không biết chạy đi đâu về đâu, vì chủ đã bỏ đi rồi.
Phố xá Đàlạt bất động như một bức tranh u ám, trên đó họa sĩ vẽ bằng màu sơn chết. Tuy chưa ai nghe tiếng súng mở đầu, mà chừng như mỗi ngọn cỏ xanh đang run rẫy nép mình nằm ép xuống, từng nhánh hoa đào đang thẫn thờ, ngẩn ngơ rụng những cánh tả tơi ...Nhìn lại căn nhà thân yêu, tôi phải bỏ nó lại nơi này, bỏ hết mọi thứ. Phía sau lưng đồi, ráng chiều bỗng dưng đỏ ối, căn nhà nổi bật lên trong một hoàng hôn ức hiếp. Buổi chiều lạ lùng, không có một ngọn gió thổi qua, cây cối trong vườn đứng sững, như chết cứng. Một cảm xúc nức nở nghẹn ngào làm tôi khó thở. Nhìn xuống hòn non bộ trong bể nước nhỏ, đôi mắt đá nhìn tôi câm lặng chịu đựng. Thời gian ngưng đọng và nặng nề như đang vác trên vai hàng ngàn tấn sắt thép.
Một người chủ vườn rau phía sau đi ngang thấy tôi đứng trên sân nhà, hỏi: "Ông bà chưa đi sao?"
"Có lẻ ngày mai ", tôi trả lời, hỏi lại: " Thế gia đình bác chưa đi à ?"
Bác lắc đầu " Chúng tôi sống ở đây với nghề trồng rau, bỏ vườn tược đất đai mà đi không đành cô à, đất của mình ở đâu thì chúng tôi ở đó ". Nói xong bác lặng lẻ đi về thung lũng. Hôm ấy tôi mới thực sự hiểu thế nào là giá trị của đất đai đối với người nông dân, là mạch sống là máu thịt của chính họ. Họ không thể từ bỏ bất kỳ với lý do nào.
Tôi vào nhà, đóng lại tất cả các cửa cẩn thận, căn dặn o giúp việc vài điều và cho o thêm chút tiền công theo chân chăm sóc các con tôi trong đoạn đường vừa qua .
Tôi bảo các con đi ngủ sớm. Đêm hôm ấy, thật là một đêm kinh hoàng vì lo sợ. Nằm trên giường mà mắt cứ mở thao láo. Tai tôi chờ nghe tiếng súng bên kia đồi Võ Bị vọng về, lắng nghe để biết dấu hiệu cuộc chiến bắt đầu. Lắng nghe để xem một quả pháo kích nào lệch mục tiêu rơi xuống ngay trên đầu mình !
Đêm. Đêm ma quái, đêm vô cùng thăm thẳm . Đêm không chịu chạy. Đêm đồng lõa với cái chết, nó trường mình như rắn như rết, thè lưỡi nhọn liếm khắp mặt mũi tôi. Thật chưa bao giờ tôi chịu đựng một đêm dài khủng khiếp đến vậy. Chỉ mong sao nhìn thấy tia nắng ban mai để biết rằng mình còn sống lại qua ngày hôm sau.
Và sáng mai tôi dậy sớm, chạy qua phòng các con lo cho chúng. Chúng chưa biết lo sợ, vì trong trí óc non nớt của trẻ thơ, chúng chưa hề biết khổ đau. Nhà tôi mượn chiếc xe jeep chở mấy mẹ con ra phi trường Liên Khương. Con bé thứ nhì luôn cầm theo con búp bê bà ngoại mua cho từ Pháp, con búp bê nhồi bông có da thịt mềm mại luôn ngủ chung không rời. Nó dấu sau lưng sợ mẹ không cho đem theo. Con bé thứ ba luôn ôm quấn theo chiếc chăn vải thân yêu, tôi bắt phải bỏ lại, nó khóc tức tưởi đem vô phòng cất dấu trong tủ. Con bé thứ tư ôm chiếc bình sữa đã cạn. Con bé lớn giản dị nghe lời mẹ, vì lên máy bay không có chỗ rộng.
Con đường về Liên Khương bao giờ cũng thơ mộng, từ ngày tôi lên đây học hành cho đến khi lập gia đình. Xe chạy về trước, từng ngôi nhà từng cây thông chạy ngược về phía sau, như chạy về quá khứ. Mọi cảnh vật bị mờ xóa. Hình như chúng tôi không nói chuyện gì nhiều với nhau. Các con không đứa nào ọ ẹ điều gì, chỉ nghe tiếng gió lạnh thổi qua mau. Đến phi trường, tôi gặp vài người quen biết, có người đem theo cả đồ dùng bếp núc lên máy bay. Tôi thấy mình như một kẻ mộng du bập bềnh trong hiện tại và cả tương lai.
Từ phòng đợi ra đến máy bay là một khoảng đường tuy không xa mấy, nhưng lúc ấy sao mà xa quá. Nhà tôi đứng chờ cho cho mấy mẹ con lên máy bay. Tôi quay lại nhìn anh ấy lần nữa như nói vài lời giã biệt, trong hoàn cảnh này, từ biệt có nghĩa nào ? Còn gặp nhau hay sẽ không bao giờ gặp nhau. Các con không quay lại nhìn bố, chúng chưa biết thế nào là ly biệt.
Ngồi trên máy bay, chợt bồi hồi tự hỏi " Chúng ta có còn gặp lại nhau ?" Phía dưới kia, người đàn ông mặc bộ đồ lính ứng chiến còn đứng đó trông theo . Người đi được an toàn, người ở lại chờ bất trắc.
Sau đó chúng tôi bị cơn lốc xoáy trả thù triền miên dai dẳng của kẻ chiến thắng, cuốn hút thân phận những con đàn bà vợ Ngụy vào hố sâu thăm thẳm. Chồng tôi là kẻ bại trận, không đánh mà thua, không thua mà chạy.
Sau 30/4/75, cái mốc thời gian mà mọi giá trị đều bị đảo lộn, xoay ngược hết. Tốt thành xấu, sai thành đúng. Hèn thành sang, kẻ đi chân đất thành người ngồi xe hơi. Người không học bỗng dưng biến thành nhà thông thái đi rao giảng thông điệp cho mọi người. Cái mốc thời gian, mà ông trở thành thằng, bà trở thành con. Chính trở thành Ngụy. Còn mai vàng mai bạc trên vai trên cổ ?
Bây giờ, người còn người mất, kẻ ra đi người ở lại , kẻ còn sống người đã chết. Tất cả đều có chung nhau cả một đoạn đời đứt ruột bắt đầu với ngày di tản ./
T/g Trần Thị Diệu Tâm
Paris /
http://www.ninh-hoa.com/TranTDTam-NhoNgayDiTan.htm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment