“Hạnh thân. Cám ơn bạn vẫn nhớ đến mình và đề nghị mình viết bài về những kỷ niệm với Hải. Rất tiếc phải từ chối bạn một lần nữa. Lý do thứ nhứt là trí nhớ mình kém quá, sợ vì thế mà viết không chính xác, không trung thực. Thứ hai là mình không muốn ăn theo tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên. Đó là vì mình đã đọc rất nhiều bài của nhiều người viết tào lao những chuyện toàn tưởng tượng nên mắc cở dùm mà không muốn vô tình giống họ. Cuối cùng là từ lâu rồi mình đã mất khả năng sáng tác. Chúc Hạnh vui khỏe và thành công. Thiên Thọ...”
Để chuẩn bị những bài viết cho đặc san xuân Quý Tỵ với chủ đề “Biên Hòa Thời Thơ Dại” và tưởng nhớ Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã liên lạc với Thọ, người bạn học Ngô Quyền từ Thất 4 đến 12 B2. Đinh Thiên Thọ không xa lạ gì với Nguyễn Tất Nhiên, đã cùng tôi chung lớp với Nguyễn Hoàng Hải; Thọ với bút hiệu Đinh Thiên Phương, tập tểnh cùng Hải với những tập thơ đầu đời khi Hải còn là Hoài Thi Yên Thi. Người biết và có nhiều kỷ niệm với Nguyễn Tất Nhiên thì không muốn viết, thôi thì tôi đành làm “người viết tào lao” liều mạng như Kinh Kha một chuyến sang Tần “Tưởng Nhớ Nguyễn Tất Nhiên”.
Với Nguyễn Tất Nhiên, khi ra hải ngoại tôi đã gặp gỡ nhiều người bạn, đàn anh lẫn đàn em, đều nhận mình là bạn học của nhà thơ nổi tiếng nầy, có thể Nguyễn Tất Nhiên tên tộc Nguyễn Hoàng Hải đã từng học nhồi lớp nhì, lớp nhất ở trường Tiểu Học Nguyễn Du và từ Khóa 8 Ngô Quyền xuống khóa 9 vào năm Đệ Ngũ. Riêng tôi nghĩ Nguyễn Hoàng Hải sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 chắc hẵn không là tuổi trẻ tài cao, để vào Nguyễn Du học sớm mà ở lại lớp. Hải cùng chúng tôi thi đậu vào Ngô Quyền năm 1963, bạn bè chúng tôi phần đông sinh năm 1951, 1950. Nguyễn Hoàng Hải là người trẻ tuổi nhất. Vào Ngô Quyền được vài tháng là cơn biến động cách mạng tháng 11, tuổi trẻ chúng tôi lại ngơ ngác không biết gì xảy ra, chỉ biết mừng là được nghỉ học và buồn khi đi học trở lại. Tiếng chuông trường lại reng lại, chúng tôi tiếp tục cắp sách vở vào trường. Theo sổ điểm danh vần chữ “H” Hải luôn đứng cạnh tôi, tôi vẫn còn nhớ rành rành: Trịnh Khắc Hà, Hà văn Hai, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Hữu Hạnh. Những kỷ niệm tôi vẫn còn nhớ lại trong giờ Toán của Thầy Nguyễn Văn Phố, nhứt là lúc thầy rà cây bút vào sổ điểm danh kêu lên lớp khảo bài, cả 4 trò trong bụng đều đánh lô tô, không sao tránh khỏi, không Hà Hai cũng Hải Hạnh, thấp thỏm vì cả 4 tên đều không khá về toán. Không hiễu bạn bè cùng lớp nhìn tướng Hải thế nào? Lại đặt tên “ Hải Ngáo” rồi chết tên luôn. Tôi còn nhớ năm học ngũ 4 vào cận Tết, việc học hành cũng được buông lỏng trong giờ Sử Địa của thầy Nguyễn Ngọc Ẩn, thầy Ẩn đã hỏi chúng tôị có tiết mục gì để giúp vui cho lớp, tôi đã tình nguyện lên ca bản tân nhạc “Ai Cho Tôi Tình Yêu”, kế đến là Hải ca một bản nhỏ cổ nhạc vui và nhún nhảy với lời ca “Kim Cúc, Kim Lan. Minh Chí, Việt Hùng”, đã mang đến cho thầy Nguyễn Ngọc Ẩn nụ cười mỉm, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ.
Sau năm đệ Ngũ, Hải ở lại lớp sau nầy vẫn còn chơi thân với những người bạn cùng lớp như Đinh Thiên Thọ, Phạm Thái Nam và Lê Quang Hùng, riêng tôi vẫn trong nhóm bạn cũ gồm Giang Hưng, Đỗ Đình Tâm, Phạm Ngọc Nhanh, Nguyễn Nhựt Hoành, Lê Bá Kim và Nguyễn Hữu Đức. Khi tôi lên đệ Tam mới nghe bút danh Hoài Thi Yên Thi, Đinh Thiên Phương sinh hoạt trong nhóm thi văn Biên Hòa, còn có Anh Phong, Mây Trắng, Tất Cẩm Hoàng Thy Lynh. Vào thời gian nầy chiến tranh đã về đến thành phố trong Tết Mậu Thân, chúng tôi đã mất một người bạn cùng lớp, Nguyễn Tấn Hiệp chết tạị nhà gần ga xe lửa vì đạn pháo kích. Sau đó là Hà văn Hai chết vì vụ nổ lựu đạn tại quán kem Tuyết Viên kế trường Nguyễn Du. Những nỗi kinh hoàng, khủng hoảng rồi cũng qua, tiếp tục việc sách đèn trước cơn gió lạ. Khung trời đại học rộng mở, tôi lại mất thêm Nguyễn Nhựt Hoành. Hoành cùng người tình chết chung trong một tai nạn tại cây Trôm bên bờ sông Đồng Nai, trong thời gian theo học tại trường bộ binh Thủ Đức.
Rời Biên Hòa tôi lên Sài gòn đi học, được quen biết bạn bè tứ phương, nghe lóm bạn bè bàn tán xôn xao về nhạc phẩm mới được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, mới biết thằng bạn mình đã có đất đứng và nổi danh. Bút danh của Hải được nhiều người biết đến, nhưng người thì chưa, ngay cả những chàng, những cô một thời áo trắng của trường Nguyễn Tất Nhiên theo học. Tôi được người em gái của thằng bạn, Phan Lệ Hông kể lại:
“em cùng nhóm bạn học trong đó có Duyên, một buổi chiều tung tăng trên đường phố Trịnh Hoài Đức, khi đi ngang qua quán cà phê Tuyệt, một cô bạn hướng về một người con trai dáng cao cao đi ngược chiều và kêu lên Nguyễn Tất Nhiên kìa tụi bây... Lúc bấy giờ Duyên vẫn là tính tự nhiên ngổ ngáo và tự tin, ngoảnh mặt quay đi một cách lạnh lùng như tượng đá... ”
Từ mẫu chuyện kể nầy khi ra hải ngoại tôi đã trau chuốt lại trong Tuyển Tập Ngô Quyền “cô Bắc Kỳ tên Duyên không muốn người tình si đưa tên mình vào văn học sử”.
1972 chiến trận càng ác liệt với mùa hè đỏ lửa, tôi đã quên những lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên, để nhớ về bom đạn, nhớ về bạn đồng đội và thương những người lính dưới quyền tôi. Sau lần bị thương và trở lại chiến trường, ngồi trên chuyến xe đò gần 3 tiếng đồng hồ từ Cần Thơ vào Chương Thiện vì đường xá bị đấp mô, ngồi bên cạnh những dân quê với những khuôn mặt chất phác hiền lành, đang thả hồn theo những bản tân cổ giao duyên mùi mẫn từ máy cassett trên xe, tôi chợt nghe tim mình đứng lại khi được nghe bản nhạc ”Thà Như Giọt Mưa” cũng được biên soạn tân cổ giao duyên với tiếng hát ngọt ngào buồn thảm của Chí Tâm và Thanh Kim Huệ, nước mắt tôi muốn rơi, nhưng không biết khóc cho Hải hay khóc cho tôi...
Nằm tiền đồn trong những đêm mưa, những giọt mưa rơi trên poncho, trong ánh đèn pin đọc những cánh thư từ bạn bè gửi đến, của Phạm Ngọc Nhanh đang thụ huấn khóa bay từ Hoa kỳ, kể chuyện đất Mỹ nhiều rượu ngon, nhưng không thiết tha vì không biết uống rượu. Trớ trêu thay sau 1975, còn ở lại Việt Nam bạn tôi lại trở thành con sâu rượu đế. Thư của Phan văn Hết từ Biên Hòa báo tin Trần Quốc Việt đã mất tích trận Pleiku. Riêng Hải được thư bạn bè cho biết Hải đã từng vào Dưỡng Trí Viện Biên Hòa và nổi cơn quậy phá trong trung tâm huấn luyện Quang Trung. Những đợt pháo kích liên hồi, đã lấy mất tôi giòng tư tưởng nhớ về những người bạn...
1975 đổi đời theo vận nước nổi trôi, bạn bè kẻ mất người còn, lại gặp nhau trong hoàn cảnh đày đọa khốn cùng. Tôi đã không gặp lại Hải từ đây, mãi đến năm 1992 nhận được tin Hải đã tự kết liểu đời mình, một thiên tài đầu hàng với số phận.
Nhắc đến bản nhạc “Thà Như Giọt Mưa”, tên Duyên người con gái Bắc đã gắn liền tên với bản nhạc nầy. Nhân ngày họp mặt truyền thống Ngô Quyền vào tháng 7 năm 2012 tại San Jose, tình cờ gặp lại Duyên đến từ tiểu bang Michigan Hoa Kỳ, mọi người đều vui mừng tận măt, bạn bè bạn đồng môn chung trường trung học Ngô Quyền, Duyên vui vẻ cùng tôi và mọi người chụp hình lưu niệm.
Tôi cũng có lời mời Duyên về Nam California dự họp mặt tất niên và mừng xuân Quý Tỵ, cùng chia sẻ với chúng tôi trong đặc san Xuân “Biên Hòa Thời Thơ Dại'' và tưởng nhớ Nguyễn Tất Nhiên. Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
Trong đầu năm 2012 tôi có dịp trở về Biên Hòa, từ sự thương mến của bạn bè tôi đã được gặp lại đầy đủ bạn hoc ngày xưa còn lại, có Trịnh Khắc Hà gần 44 năm không gặp về từ Bình Long. Trong phút giây luyến nhớ tôi đã ca lại hai câu vọng cổ “Thà Như Giọt Mưa”, như lời gọi bạn từ miên viễn, khô dần trên tượng đá... Trịnh Khắc Hà, Nguyễn Hữu Hạnh còn đây, nhưng Hà Văn Hai và Nguyễn Hoàng Hải đã yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng
Photo: Tg NGUYỄN HỮU HẠNH (phải) bạn thời trung học với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (VNCH)
http://www.ngo-quyen.org/D_1-2_2-129_4-2854_15-2/
No comments:
Post a Comment