Friday, May 2, 2014
Triết Lý Giáo Dục Của Việt Nam Cộng Hòa: Một Niềm Hãnh Diện Của Người Việt Quốc Gia _Tg: Võ Văn Thiệu
Thầy cô giáo thời VNCH tham dự buổi hội thảo về cải tổ chương trình sư phạm (giáo dục).
Những năm gần đây chúng ta đã nghe nói nhiều về tình trạng suy đồi của nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay do sự cai trị đất nước bởi chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản. Từ u sang Á, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, hể nơi nào có sự lãnh đạo của đảng CS thì nơi đó có băng hoại giáo dục. Mà giáo dục là một điều tối quan trọng cho con người, cho xã hội và cho đất nước. Nó là cái thước đo chính xác nhất để xác định là quốc gia đó có tiến bộ thật sự, có văn minh đúng mức và có tương lai để cho các thế hệ mai sau vươn lên.
Thật là buồn cười khi nhiều người về Việt Nam du lịch thấy CS cho xây nhiều sân golf cho du khách, tỉnh nào cũng tranh đua xây khu du hý, khách sạn 5 sao để cho ngoại quốc vào ở (chứ đại đa số dân VN làm gì có tiền mà vào đó) thì cho rằng Việt Nam ta bây giờ cũng tiến bộ nhiều lắm. Một cái nhìn và nhận xét ấu trĩ, thiếu suy nghĩ và nông cạn, chỉ có các cán bộ tuyên truyền của chế độ CS mới có cùng luận điệu trên. Mỗi năm Việt Kiều khắp năm châu đem về nước cho chế độ CSVN trên dưới 7 tỷ đô la, một tài khoản rất lớn, giúp cho ngân sách của chế độ thêm dồi dào, chính quyền có thêm tiền để hoạt động đàn áp dân lành. Những công trình xây dựng không thực tiễn, vô bổ nhưng xem ra có vẻ hoành tráng tại VN đều nằm trong tay các đảng viên, cán bộ, con ông cháu cha, vì ở VN không có dự án nào mà các đảng viên CS không nhúng tay vào và hưởng lợi nhuận, đôi khi còn bóc lột tối đa dân chúng hơn cả thời thực dân Pháp. Chính những Việt Kiều nhẹ dạ, ảo tưởng, ưa thích “áo gấm về làng” đã vô tình kéo dài cái đau khổ, bất công của hơn 90 phần trăm dân Việt. Họ đã góp một bàn tay rất ư là quan trọng nuôi sống chế độ CS. Đáng lý ra với cái tổ chức xã hội kỳ quái, nửa nạc nửa mỡ, nửa tư bản nửa CS, thì nó phải bị dân chúng nổi lên đạp đổ từ lâu. Nhưng Việt Kiều đã tiếp hơi, tiếp sức cho chế độ CSVN sống đến ngày hôm nay. Với tình trạng nầy chúng ta thấy vô tình cái lương tâm, lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở của con dân Việt đã bị bỏ qua một bên một cách tàn nhẫn, vì Việt Kiều ngày nay có chút đỉnh tiền nơi xứ người, ai cũng lo được vui sướng cho phần mình và lấy việc “vào ra VN như đi chợ” làm niềm vui mới, quên đồng loại bị ức hiếp, đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói đấu tranh cho tiến bộ và công lý.
Nói như vậy để chúng ta cùng nghiệm ra vì đâu VN hiện nay chưa có thay đổi nhiều kể từ 1975, ngày CS thôn tính cả hai miền. Trái lại có rất nhiều phương diện nước VN hiện nay đang đi thụt lùi so với thời VNCH trước 1975. Thật là đáng hổ thẹn cho một dân tộc thông minh và cần cù như dân VN. Tất cả người Việt Nam yêu nước chân chính đều cảm thấy có tội với tổ tiên, sông núi.
Vì đâu mà dù có hàng tỷ tỷ đô la do Việt Kiều “bơm” vào, có cho ngoại quốc vào đầu tư, có theo kinh tế thị trường, tư sản hóa (theo nhưng làm thì toàn là phương thức đại phản động, kiểu Mafia, còn tệ hơn thực dân ) mà các chuyện trọng đại của đất nước vẫn bế tắc? Tất cả đều do nền giáo dục vay mượn hay bắt chước các nước CS đàn anh với sự chỉ đạo từ đảng CSVN trong mấy chục năm qua, để rồi xã hội VN hôm nay có quá nhiều công dân “vô cảm”, thấy cái sai cái bất công mà không lên tiếng, chỉ lo làm kiếm tiền bằng mọi giá, na ná như các công dân của Trung Cộng.
Bây giờ chúng ta ai cũng đều biết muốn có kết quả tốt cho một nền giáo dục thì nền giáo dục đó phải có một chủ trương, một triết lý tốt, vững chãi và có giá trị cao quý phù hợp với con người Việt Nam.
Triết lý của nền giáo dục VNCH đã không căn cứ vào ngoại bang, quốc tế hay vay mượn của “nước đàn anh”, ràng buộc bởi cái chủ trương nô lệ, tân thực dân “mười mấy chữ vàng” và đem “rác rưới” của họ vào áp đặt lên dân Việt Nam.
Người Việt Quốc Gia, thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa đã có một triết lý giáo dục rất tốt do sự nghiên cứu của nhiều thành phần trong xã hội, các học giả độc lập, có trình độ trí thức và luận lý cao, thêm vào một lòng yêu nước chân thật.
Vào năm 1958, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bộ Quốc Gia Giáo Dục đã tổ chức Đại Hội Giáo Dục Quốc Gia, quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học từ phổ thông đến kỹ thuật.
Ba nguyên tắc “Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng” đã được hội nghị chính thức hóa. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của VNCH, được ghi cụ thể trong tài liệu “Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn hành năm 1959 và sau nầy được ghi vào Hiến Pháp đệ nhị Cộng Hòa vào năm 1967.
Thử tìm hiểu rõ ràng hơn ba nguyên tắc căn bản nầy:
Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời nầy làm căn bản, xem con người là cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho một cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào. Triết lý nầy chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị, phân biệt giàu nghèo, điạ phương, tôn giáo, chủng tộc. Với triết lý nhân bản mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ đến gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hoá khác.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, đóng cửa với thế giới bên ngoài. Ngược lại giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học, kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiếp cận với văn minh thế giới.
Từ những nguyên tắc trên, dưới thời VNCH, chính phủ đã đề ra những mục tiêu chính cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu nầy được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, ngững người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại?
1. / Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.
2. / Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
3. / Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.
Tất cả những điều nêu trên là một sự chọn lựa trong sáng, có giá trị cao quý, mà nếu được tiếp tục sẽ đem Việt Nam đến tiến bộ, văn minh thật sự và biến quốc gia thành một nơi mà con dân mọi giới, mọi lứa tuổi sẽ hãnh diện mà chung sức xây dựng quê hương, tạo cho Việt Nam thành một nước ngang hàng với các quốc gia tân tiến quanh vùng như Nam Hàn, Nhật Bản v.v.
Các giới có trách nhiệm về giáo dục đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng của CSVN làm gì có được những suy nghĩ đứng đắn như trên, phần vì thiếu kiến thức, phần bị nhồi sọ bởi các tuyên truyền lấy ra từ thời Sô Viết và bây giờ từ đàn anh Trung Cộng. Không anh nào dám tỏ lòng yêu nước thật sự. Cái bóng ma đảng CS sẽ thanh trừng, kiểm thảo, bỏ qua một bên không cho chia chác lợi nhuận kinh tế, sẽ mãi ám ảnh các anh đảng viên “làm giáo dục” nầy, và rồi tất cả đều “làm ăn theo một mánh” như nhau.
Bây giờ thì có một số đảng viên CS đã sáng mắt ra, đã biết mình lầm, bị gạt, nhưng tất cả đều đã lỡ “cỡi lưng cọp”, nói theo ngôn từ bình dân, họ không dám từ bỏ dứt khoát cái chế độ sai lầm, chỉ mong cho yên thân, sống qua ngày, hay tệ hơn nữa là tìm cách cho vợ con ra nước ngoài, rồi bảo lãnh mình “qua sau”! Một quốc gia muốn trường tồn và vươn lên thì không thể nào có chính sách tẩu tán tài sản và phá sản lòng yêu nước, yêu quê hương như thời bây giờ tại Việt Nam.
Những người Việt Quốc Gia, trong và ngoài nước hãy mạnh dạn làm sống lại cái triết lý giáo dục của VNCH, vì đó chính là cái “sườn” để chúng ta xây dựng lại từ sự đổ phá của đất nước do CSVN gây ra.
Tuy là những triết lý về giáo dục, nhưng chúng ta có thể đem nó vào áp dụng trong mọi trường hợp, trong các hành động mà chúng ta hành xử trong lúc nầy, nhất là những người hoạt động trong cộng đồng, các hội ái hữu, các cơ sở giáo dục tại hải ngoại.
Vì sao? Vì ba nguyên tắc Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng sẽ làm chúng ta quy tụ về một mối để giải thể chế độ CSVN, để xem nhau như “đồng bào”, một danh từ lâu nay chúng ta sử dụng hoài mà quên đi ý nghĩa rất hay của chữ nầy. Người u Mỹ có văn minh, nhưng trong ngôn ngữ của họ không có chữ nào tương đương với chữ “đồng bào”. Vì nhân bản chúng ta không tị hiềm, đố kỵ, không tham lam cố vị vì lẽ không đâu. Vì nhân bản chúng ta có quyền hoạt động trong các nhóm, các chính đảng khác nhau, nhưng không có quyền đả phá, chia rẽ, ganh tỵ, dành giựt các chức vụ không đâu.
Vì dân tộc chúng ta sẽ cùng nhau phát huy cái văn hoá Việt đứng đắn, cao quý cho con cháu, cho các thế hệ tiếp nối để các em mai nầy sẽ thay chúng ta giữ gìn giang sơn tổ quốc. Và cũng để làm hãnh diện với các dân tộc bạn trên xứ người.
Và sau cùng triết lý khai phóng sẽ giúp chúng ta học được các bài học văn minh của nhân loại. Nó sẽ giúp chúng ta bỏ đi các tính hư tật xấu của người Việt Nam. Tinh thần khai phóng cũng sẽ giúp cho các vị đứng ra làm việc cộng đồng, tham gia vào giòng chính của xứ sở mình đang cư ngụ chấp nhận dân chủ, thiểu số cần phải phục tùng đa số. Không chủ trương được làm vua, thua làm giặc, cố đánh phá đối phương bằng mọi giá. Và tinh thần khai phóng cũng dạy cho chúng ta rằng nếu xét thấy mình không có khả năng, tư cách, đạo đức thì đừng nên “cố đấm ăn xôi”, chỉ làm khổ cho bản thân, gia đình và bạn bè, đó là chưa kể tội tự đối lòng ngay với cả chính mình mà không biết ngượng. Tinh thần khai phóng sẽ giúp “giải phóng” chúng ta ra những cái thiển cận, hẹp hòi, lẩm cẩm, không đâu vào đâu và làm cho con người chúng ta văn minh, tiến bộ ra.
Không phải một sớm một chiều người quốc gia trong chế độ VNCH đã có ba nguyên tắc giáo dục quý báu trên. Nó là kết qủa của những nghiên cứu sâu xa, có tầm vóc, bởi những con dân Việt ưu tú từ mọi thành phần trong xã hội. Và nhất là các tư tưởng nầy được nẩy sinh và truyền qua từ nhiều đời kể từ khi lập quốc cho đến ngày 30-4-1975, trước khi đất nước bị đảng CSVN và chủ nghĩa Mác-Lê làm hoen ố.
Little Sài Gòn ngày 30-4-2014
Võ Văn Thiệu
http://vietbao.com/a220819/triet-ly-giao-duc-cua-viet-nam-cong-hoa-mot-niem-hanh-dien-cua-nguoi-viet-quoc-gia
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment